|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Từ lúc Thụy An xuất hiện trên văn dàn tới năm 1960, văn nghệ của giới phụ nữ vẫn còn luân chuyền trong một khuôn khổ chật hẹp, dù đã lột xác nhiều phen để khởi sự những cuộc hành trình vào những chân trời dự phóng nhiều màu sắc tân kỳ hơn. Khuôn khổ chật hẹp đó gồm cái thế giới đóng không mà các nhà văn nữ tiếp xúc và sinh hoạt, những giáo điều cằn cỗi đã chi phối óc phiêu lưu vào lãnh vực văn chương của họ, kiểu cách đỏm dáng xui khiến họ đánh phấn thoa son cho tâm tình lẫn cuộc đời mình. Ngoài ra vào khoảng 1960 - 1969 sự phá phách cùng những cách làm ảo thuật để ngôn ngữ văn chương pha trộn vào ngôn ngữ triết học vẫn chỉ là sự đổi thay về hình thức văn chương mà thôi và sự thay đổi vốn dĩ chưa phải là một cuộc cách mạng. Người phụ nữ cầm bút ngày hôm nay chỉ ý thức rằng tính cách ước lệ trong văn chương đã đến thời cáo chung, chứ không nghĩ đến việc tạo một ý thức chặt chẽ trong lãnh vực tư tưởng.
Thụy An với quyển "Một Linh Hồn" và "Bốn Mớ Tóc", Mộng Sơn với quyển "Vượt Cạn" và quyển "Làm Nũng" đã chứng tỏ ý thức căn bản và vững chải trong việc cầm bút của mình. Xã hội lẫn thế giới trong tác phẩm của họ không biểu hiện những nét đặc thù và nhân vật của họ chưa được soi sáng, chiếu rọi vào những uẩn khúc thâm sâu của đời sống nội giới.
Rồi đó, sau Hiệp Định Genève, đất nước bị chia đôi. Thụy An và Mộng Sơn ở lại miền Bắc. Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo đã góp mặt trên văn đàn miền Nam một vài tác phẩm mô tả đời sống qua cái nhìn trải trên bình diện trơn nhẵn. Đó là những tác phẩm nhẹ nhàng mà tác giả khước từ óc thám hiểm, không phiêu lưu vào những lãnh vực sâu rộng theo sự đòi hỏi nhu cầu lột xác của văn chương từng giai đoạn tiếp diễn.
Thật ra, trước đó, ở miền Bắc, Nguyễn Thị Vinh đã cho xuất bản quyển truyện dài "Thương Yêu" và Linh Bảo cũng đã dâng một bông hoa tinh thần cho văn đàn qua quyển "Gió Bấc". Chính ở miền Nam, hai nhà văn nữ này được nhà văn Nhất Linh với tờ giai phẩm "Văn Hóa Ngày Nay" và với hai cơ sở xuất bản "Đời Nay", "Phượng Giang", đã khai thác, thắp sáng thêm tên tuổi họ. Tờ "Văn Hóa Ngày Nay" còn mời thêm những cây bút phụ nữ khác như Quỳ Hương, Thu Vân về cộng tác, đồng thời khám phá thêm hai cây bút phụ nữ mới là Tuyết Hương và Đỗ Phương Khanh.
Qùy Hương đã gây chú ý cho độc giả ở quyển "Hai Mối Tình", còn Thu Vân đã tỏ ra thông minh linh hoạt ở một vài đoản văn, tùy bút và nhất là bức thư gửi cho Nhất Linh được đăng tải lên giai phẩm "Văn Hóa Ngày Nay" trước khi cho xuất bản hai quyển "Đất Mẹ" và "Màu Mưa Đêm".
Trào lưu văn nghệ phụ nữ tuy có đông đảo nhưng chưa gây sôi nổi. Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, từ thuở tiền chiến là một nhà thơ nữ đã chiếm giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn qua tác phẩm "Phấn Hương Rừng", trong năm 1961, cho xuất bản một truyện dã sử nhan đề "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp". Tác phẩm đó gây nhiều chú ý cho độc giả ở chỗ sưu tầm tài liệu đã chôn vùi trong quá khứ hơn là ở phần tâm lý đa dụng của nhân vật.
Tờ bán nguyệt san Bách Khoa đã lăng xê một cây bút phụ nữ viết về phong tục đồng quê và có khuynh hướng giáo dục. Đó là bà Vân Trang, sau đó ít năm, cho xuất bản tập truyện "Những Bức Thư Tình". Tập san Bách Khoa còn giới thiệu thêm Minh Đức Hoài Trinh, Mộng Trung vốn là hai cây bút phụ nữ ở hải ngoại, chuyên viết những điều mắt thấy tai nghe thật đặc sắc ở những quốc gia mà họ có dịp đặt chân đến dưới hình thức những bức thư dài, đọc lên thật thú vị nhờ ở tài quan sát tinh vi của họ. Tuyết Hương càng tỏ ra thông minh sâu sắc hơn khi cho đăng truyện dài "Phấn Đấu" của mình theo thể thức feuilleton trên tập san Bách Khoa.
Đông đúc, nhưng hoạt động thiếu tiết điệu như một hoạt cảnh trong một đoạn phim thiếu nhạc đệm. Đó là đặc tính khái quát của trào lưu văn nghệ phụ nữ trong thời kỳ đó. Cải thông minh sắc sảo của quý bà cầm bút cũng chỉ tạo ra những nhân vật có cá tính mạnh, nhưng những nhân vật đó thường được thu nhận vào một cuốn phim câm để chiếu trên một bức màn ảnh xã hội mờ nhạt màu sắc. Hơn nữa, cái xã hội trong tác phẩm của họ vẫn là một xã hội thỏa thuận tạm bợ với nền đạo đức cổ truyền, với bao tập quán bất biến. Khung cảnh gia đình được họ thể hiện và khai thác rất nhiều trong tác phẩm của họ. Nội giới và ngoại giới dưới cái nhìn của họ thường bị đóng khung và do đó, văn chương đối với họ là một món trang sức nếu không là một thú tiêu khiển trang nhã. Nhân vật của họ, cái thế giới lẫn xã hội của họ phơi bày dưới mắt chúng ta bằng những chân dung, những hình sắc biểu kiến mà thôi. Cách mạng, lột xác, đó là những danh từ thật xa lạ đối với các bà, trong giai đoạn hoàng hôn của một thứ văn chương "xa lông" đó.
Mộng Tuyết Thất Tiểu Muôi qua cuốn "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp" làm cho ta nghĩ đến công trình sưu khảo tài liệu và óc tưởng tượng phong phú dựa trên những biến cố có thật ở dĩ vãng của nữ sĩ Kathleen Winsor trong cuốn "Ambre". Vân Trang vẽ được một cảnh thôn quê linh động làm cho chúng ta liên tưởng đến những cuốn "As The Earth Turns" của Gladys Hasty Caroll. Nguyễn Thị Vinh đã vẽ được những nhân vật không tiên thánh, không ác quỉ, rất linh động, rất "người". Linh Bảo dí dỏm, cay đắng, hoạt bát đem đến văn đàn một sắc thái đặc biệt. Minh Đức Hoài Trinh duyên dáng, linh động. Tuyết Hương diễn tả nhiều uẩn khúc của tâm trạng khá sắc sảo trong truyện dài "Phấn Đấu". Đỗ Phương Khanh tạo những đặc điểm đậm đà qua sự diễn tả đơn sơ.
Nữ sĩ Minh Quân voi hai bút hiệu khác nhau đã đoạt giải nhất do hội Văn Bút Việt Nam tỏ chức qua truyện ngắn "Những Ngày Cạn Sữa" (bút hiệu Minh Quân) và giải khuyến khích qua truyện ngắn "Gắn Bó" (bút hiệu là Minh Tâm). Sự xuất hiện của bà vẫn không phải là sự xuất hiện gây một niềm tin của con suối nhiệm mầu, cũng như không phải là sự xuất hiện gây chấn động hoang mang cho mọi người của một ngôi sao chổi. Bà đến với độc giả bằng một cử chỉ thân ái, chứ không phải bằng những bước chân khua động giấc hôn trầm trong văn đàn nữ giới.
Trước đó, Túy Hồng, một phụ nữ người Huế đã cho đăng trên Bách Khoa một vài truyện ngắn, gióng lên một tiếng não bạt lẻ loi, nhưng khá vang dội, báo hiệu buổi bình minh của một giai đoạn văn nghệ mới. Song tiếng báo hiệu đó chưa có thanh la, trống mõ phụ họa nên bị tan loãng rất mau trong sự thờ ơ của độc giả và có lẽ tại vì Túy Hồng ngưng bút trong một thời gian khá dài nên rốt cuộc văn đàn nữ giới lại chìm đắm trong cơn đồng thiếp nặng nề cũ.
Nhưng đến năm 1966 và 1967 văn nghệ nữ giới chuyển qua một khúc quanh khá sôi nổi hào hứng. Nhã Ca (trước đó là một nhà thơ nổi tiếng) cho xuất bản truyện dài "Đêm Nghe Tiếng Đại Bác", Nguyễn Thị Thụy Vũ với tập truyện "Mèo Đêm", Nguyễn Thị Hoàng với truyện dài "Vòng Tay Học Trò", Trùng Dương voi tập truyện "Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn" đã gây một đợt sóng huyên náo, đánh át tiếng nói thỏ thẻ trong sáng của Minh Đức Hoài Trinh trong hai tác phẩm "Bơ Vơ" và "Hắn".
Bốn nhà văn nữ: Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trùng Dương và Nguyễn Thị Thụy Vũ hợp cùng Túy Hồng đánh dấu một chặng đường văn nghệ phụ nữ đặc sắc, gây rất nhiều xôn xao trong dư luận độc giả. Nguyễn Thị Hoàng bị những nhà phê bình mang mặt nạ đạo đức mô phạm kết án là một cây bút phi luân, cũng như Nhã Ca bị gán cho những tiếng thời trang, và cũng như Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương bị buộc tội là khiêu dâm, táo tợn.
Thẩm định giá trị và mức độ tài năng của năm nhà văn nữ: Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ là cả một vấn đề uyển chuyển, phức tạp. Chúng ta cũng khó xác định sự xuất hiện trên văn đàn của họ là một hiện tượng được vì ít ra trong lối đi của họ, chúng ta đã tìm thấy sự thành khẩn trong cuộc phiêu lưu của họ, chứ chưa hẳn có sự phá phách để gây tiếng vang. Sự thành khẩn trong cuộc phiêu lưu đó thoát thai từ ý thức tìm một thứ ngôn ngữ, một lối diễn tả cảm nghĩ thích hợp với sự khắc khoải nóng sốt của họ. Thế giới trong tác phẩm của họ là những cảnh đời lánh xa lý trí khô khan, xa những hợp lý bất biến của xã hội, để trở thành một thế giới đầy sắc thái phong phú.
Chúng ta phải hiểu rằng đời sống trong văn chương không là sản phẩm của một số người khoác chiêu bài kiến tạo hoặc tái tạo đời sống, mà nó chỉ là phản ảnh một phần nào đời sống đích thực. Nhân vật trong một tác phẩm văn chương nào đó là một con người thoát thai từ nhịp sống phức tạp, mà đời sống tâm lý và đời sống tinh thần của họ là sự phối trí, trà trộn giữa Thiện và Ác, giữa lý trí và bản năng. Từ quan niệm đó, văn chương của Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ không nhằm ổn định một tình trạng nào trong xã hội, không đúc khuôn những nhân vật sống theo một hệ tư tưởng đạo đức nào. Họ muốn thổi mạnh một làn gió lạ vào cái thế giới đàn bà cầm bút, còn chuyện thành công trong việc lột xác hay không là một vấn đề khác.
Ngưòi ta có thể rên rỉ là Nguyễn Thị Hoàng quá mê sảng, quá lạm dụng trong việc xử dụng vỏ hào nhoáng ngôn ngữ triết học trong tác phẩm của mình. Người ta có thể phàn nàn Túy Hồng quá lợi dụng từ làm xảo thuật ngôn ngữ của mình để đến độ ngôn ngữ trở nên quái đản, sự diễn tả trở nên phóng túng và hỗn xược. Người ta có thể cằn nhằn Trùng Dương gán cho những nhân vật của mình những suy tư trên những vấn đề mà các cây bút Tây Phương đã nhai đi nhai lại đến độ thành những cái bã nhạt thếch. Người ta có thể eo sèo Nguyễn Thị Thụy Vũ chưa nắm vững thế nào là cuốn dâm thư, thế nào là nghệ thuật khơi dậy niềm yêu cuộc sống thành khẩn của D. H. Lawrence trong cuốn "L'Amant De Lady Chatterley" khi khai thác một cuộc ngoại tình qua những "xen" làm ái tình sôi bỏng.
Thật ra, những ý kiến do không hắn hoàn toàn là vô lý và độc ác, nhưng chắc chắn là phiến diện vì thẩm định một nhà văn là phải cảm nhận được thiện chí canh tân, lẫn óc sáng tạo của họ và phải chiếu rọi cái nhìn vào những vấn đề quan trọng khác của tác phẩm những thái độ và quan niệm của các nhân vật, những sự kiện mâu thuẫn đã làm cho đời sống nội tâm của nhân vật thêm phần linh động và đa dạng.
Dầu sao đi nữa, chúng ta phải công nhận rằng ít ra năm nhà văn nữ đó đã gây được tiếng vang đáng kể trong lỉnh vực văn nghệ đến đọc giả bằng khuôn mặt trái của nền đạo đức già nua, cũ kỹ để trình bày bộ mặt nham nhở nhưng rất chân thành để gây một cơn lốc dữ dội. Từ năm 1967 đến năm 1970, họ đã phóng vào tình trạng mờ mịt của văn đàn nữ giới một ánh sáng bập bùng của một bó đuốc. Họ trình bày một lỗi diễn tả trâng tráo, hay hoa gấm một cách hào phóng để đạt một sự phiêu lưu trong lãnh vực cảm nghĩ, đễ phù hợp với những nhân vật trong một xã hội rạn nứt, những nhân vật khao khát tự do cho tinh thần mà không bao giờ được mãn nguyện.
Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ đã hình thành một hàng ngũ độc đáo vào khoảng thời gian 1966-1973 bằng bước đi táo bạo của mình, bằng sự liều lĩnh ném ý thức tự do vào những khuôn mặt đạo đức giả. Trong khoảng thời gian đó, nhuệ khí và danh vọng của năm nhà văn nữ đó đã đè bẹp những mầm sáng tạo của các cây bút nữ giới khác. Sách của họ đã tung ra thị trường rối rít như muôn vàn cánh bướm trong một vườn hoa phồn thịnh hương sắc.
Nguyễn Thị Vinh vốn có tinh thần cấp tiến, biết xoay trở kịp trào lưu của một nền văn nghệ "đi sâu vào uẩn khúc éo le của con người" nên sửa chữa, thêm thắt đoạn cuối của một truyện dài đăng dở dang trên tập san Văn Hóa Ngày Nay nhan đề là "Cô Mai". Tác phẩm này chào đời vào năm 1971 đánh dấu một giai đoạn mới của một cây bút đoan trang, đôn hậu. Linh Bảo, sau một thời gian vắng mặt trên văn đàn, cho xuất bản tập truyện "Những Cánh Diều" chứng tỏ sự bừng hương trổ sắc của một ngòi bút vốn đã già dặn từ khởi điểm. Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo, dù với bút pháp cổ điển, với truyện dài "Đất và Người", Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội với quyển tùy bút "Dưới Mái Trăng Non" vẫn giữ mức độ nề nếp cũ, dù không được độc giả hoan nghinh, nhưng vẫn biểu dương một phong độ già dặn, điêu luyện. Nữ ký giả Đặng Thị Thanh Phương, trong khoảng thời gian chiến tranh Việt Pháp đã có một vài lần xuất hiện trên văn đàn và được độc giả biết tiếng qua tác phẩm "Một Người Anh", bẵng đi hằng mười mấy năm dài vắng bóng, nay lại tung ra hai tác phẩm "Lệ Thủy" và "Những Tâm Hồn Cô Đơn", không thắp sáng gì thêm cho cây bút của mình.
Một số cây bút phụ nữ khác như Lê Thị Bích Vân với tác phẩm "Bụi Phấn Hồng", Quỳnh Như với tác phẩm "Ở Cuối Chân Trời", Nguyễn Thị Xinh với "Mưa Lá Me", Kiều Mỹ Duyên với "Thiên Thần Mũ Nâu", Châu Mỹ Quế với "Tuổi Ngọc Mây Mù", Thục Viên với "Dấu Chân Chim Lạc Loài" là những cây bút dò tìm hướng đi, và vẫn bỡ ngỡ hoang mang từ khởi điểm. Như Hiên với truyện dài "Nàng Phiên" là một cây bút về phong tục quyến rũ nhất. Nhưng, những nhà văn nữ này đến với chúng ta bằng một thái độ e dè và khiêm nhượng quá, nên không gây được một tiếng vang sâu rộng nào.
Có phải vì tiếng ồn ào của năm nhà văn nữ: Túy Hồng, Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng đã che lấp tiếng nói lẻ loi của từng nhà văn nữ khác? Có phải vì năm nhà văn nữ này đã thổi những sinh khí cho văn đàn nữ giới để văn đàn nữ giới hồi sinh trong cuộc sống phồn thịnh? Không thể lấy luận điệu gì để đúc kết một nền tảng vững chãi có thể xác định và chưng mình rằng Túy Hồng, đã biến đổi thế giới buồn thiu của văn đàn nữ giới bằng sinh khí (tức là một hệ thống tư tưởng chặt chẽ).
Thật ra năm nhà văn nữ này chỉ tạo một không khí mới, một màu sắc mới cho văn đàn mà thôi. Họ đã thổi sinh khí cho những cái xác chết, nhưng vẫn để cho xác chết sống trong giấc hôn trầm. Tác phẩm của họ đánh dấu khởi điểm của sự vượt thoát khỏi tính cách ước lệ, đông cứng và già nua của văn chương của các cây bút phụ nữ tiền phong. Tuy họ không đứng trong từ trường ước lệ đó, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi vòng tròn quỹ đạo ước lệ mà chỉ đứng trên các vòng tròn đó. Nhân vật của Nhã Ca, của Túy Hồng, của Nguyễn Thị Thụy Vũ chung qui là những nhân vật sống thong một xã hội hạn hẹp, sống bằng tâm tình tiền chế (nói theo André Gide trong quyển "Les Faux Monayers". Đó là những nhân vật băn khoăn về sự mất tự do tinh thần, chứ không phải là những nhân vật làm những cuộc giải phóng tinh thần bị tù hãm, vì đời sống nề nếp giả tạo của xã hội đã vây hãm họ.
Nguyễn Thị Hoàng thường tạo cho nhân vật của mình những băn khoăn, thắc mắc đời sống với thái độ làm dáng và trang điểm hơn là sự thành khẩn của mình. Trùng Dương vẫn chưa thoát khỏi những tâm tình đúc khuôn, những rung cảm đúc khuôn, những tư tưởng đúc khuôn của những nhà văn Tây Phương đã từng tạo ra kỹ thuật viết văn "đợt sống mới".
Nhưng dù thế nào đi nữa, sự khao khát phiêu lưu của năm nhà văn nữ Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã lập một mối tương quan chặt chẽ với thời hành những nhà văn nữ khác cùng đời với họ.
Trần thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng xuất hiện vào năm 1970 trên tạp chí Vấn Đề. Ở tác giả nữ trẻ tuổi này, nhà văn Võ Phiến đã nhận định là một cây bút viết truyện tình thật độc.
Trần thị NgH có một bút pháp điềm tĩnh mà không khô khan, diễn tả sự việc bằng cái nhìn dựa vào tinh thần quan sát (esprit d'observation). Niềm đam mê của nhân vật trong tác phẩm truyện ngắn của cô được bút pháp điềm tĩnh đó diễn tả trở nên một niềm đam mê đặc thù. Do đó, cái thế giới tình yêu của Trần thị NgH là một thế giới đặc thù do sự quan sát của tác giả mà có, chứ chưa diễn tả bất cứ mà tình tiết nào và đã truyền vào tình tiết đó một sinh khí, để nó trở thành linh động hơn. Một khía cạnh rất tầm thường trong cuộc sống với những nhân vật có những nét tầm thường vô vị nhưng dưới ngòi bút của cô bỗng trở nên một mảnh đời cùng những nhân vật đập vào quan niệm về cuộc sống của chúng ta bằng những đường roi để chúng ta nhìn ngắm lại cuộc sống.
Trần thị NgH đi sau Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhưng vẫn có một chỗ ngồi sáng chói riêng. Tập truyện "Một Ngày Rất Thong Thả" của cô xuất bản vào năm l973, đánh dấu một bước đi táo bạo của lớp sóng các nhà văn nữ nối tiếp với lớp sóng gồm có Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Bên cạnh Trần thị NgH còn có Nguyễn thị Ngọc Minh, nhưng tác giả sau chỉ làm quen với độc giả bằng vài ba truyện ngắn, tuy thế vẫn chớm lộ bản sắc của ngòi bút mình. Thế giới trong tác phẩm của Trần thị NgH không hẳn là thế giới nổi loạn, mà là một thế giới chứa đựng một chuỗi ẩn ức để phác họa một viễn mộng mơ hồ nhưng vẫn chưa thiết lập được một dự phóng lớn nào.
Tình yêu trong tác phẩm của Trần thị NgH hay của Nguyễn Thị Thụy Vũ ở chỗ không thiết lập một mối tương quan dựa hoàn toàn vào niềm rung động của bản chất văn chương lãng mạn cuối mùa, mà là mối tương quan giữa hai cá thể khao khát sống, hai cá thể khao khát nhục cảm nhưng có ảo tưởng mình bắt gặp được tình yêu. Nguyễn Thị Thụy Vũ diễn tả một cuộc tình bộc trực hơn, ranh mãnh hơn trong khi đó Trần thị NgH diễn tả công phu hơn, phức tạp hơn và cũng rất là trang nghiêm hơn. Bởi thế, chúng ta có cảm tưởng là tình yêu trong tác phẩm của Trần thị NgH thành khẩn hơn tình yêu trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ dù là hai thứ tình yêu đó cũng đống một bản chất như nhau.
Trần thị NgH xuất hiện cùng một khoảng thời gian với Lệ Hằng (một nhà văn nữ nổi tiếng về viết tiểu thuyết). Cái nhìn về tình yêu của Lệ Hằng đơn giản hơn cái nhìn của Trần thị NgH nhiều, bởi vậy tác phẩm của Lệ Hằng hợp với cảm quan đa số độc giả thuộc thành phần có kiến thức trung bình.
Lệ Hằng chỉ xuất hiện trong vòng ba năm mà trở thành một tác giả ăn khách nhất trong năm 1973. Thế giới trong tác phẩm truyện dài của nhà văn nữ này vẫn là tình yêu, những băn khoăn, thắc mắc của lớp tuổi trẻ khao khát đời sống tự do. Lệ Hằng chỉ nhấn mạnh ở những tình tiết éo le, và những ngang trái trong tình yêu mà thôi. Những băn khoăn, thắc mắc của tuổi trẻ chỉ hiện lờ mờ trong tác phẩm của bà, và bà không thích đề cập nhiều phương diện này vì với óc quan sát quá đơn giản, bà chỉ mơn vờn thật nhẹ một vài ẩn ức sâu kín của những nhân vật trẻ tuổi trong tác phẩm để khai thác một biến cố một tai họa gì đó của họ và nhất là để trói buộc độc giả vào một đoạn đời lận đận của họ. Bởi đó, Lệ Hằng vẫn là một tác giả tuy viết nhiều tác phẩm nhưng vẫn chưa có cơ hội làm văn chương ở trong các truyện dài. Nhưng bước sang lĩnh vực truyện ngắn, bà đã chứng tỏ một bút pháp sắc sảo và một không khí độc đáo. Cũng vẫn vấn đề tuổi trẻ và tình yêu, nhưng ngòi bút của bà thọc sâu vào những cảm xúc chia ly hơn, vào những quan niệm phức tạp hơn. Đó, Lệ Hằng thành công về phương diện sáng tác truyện ngắn, nhưng tiếc thay, bà chưa cho xuất bản một tập truyện ngắn nào và mãi cho đến nay, thành phần chủ lực trong sự nghiệp văn chương của bà vẫn như một que diêm chưa bật lửa.
Nói chung, văn đàn nữ giới miền Nam như một dòng sông bình lặng chảy từ năm 1952 cho đến năm 1966. Bắt đầu từ giữa năm 1966, dòng sông đó qua một khúc quanh với năm cuồng lưu ồn ào huyên náo là Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Thụy Vũ và Nguyễn Thị Hoàng góp lại. Từ đó, những bộ mặt trơn nhẵn, bóng mịn của thế giới phụ nữ đã biến dạng, nhưng ngôn từ của lối viết văn cổ điển trong sáng cũng phai dần nề nếp cũ để trở thành những ngôn từ ma sát vào những rung cảm sôi nổi và chân thực hơn. Người cầm bút phái nữ đã chứng tỏ rằng mình không tìm được một thế đứng bình ổn trong một xã hội đóng khung và khép kín nữa. Hoặc nếu không đánh mất vùng an toàn trong xã hội của mình, họ cũng đã mở những cánh cửa của cái tháng ngày vây quanh mình để nghe những tiếng ồn ào, cuồng nộ hoặc khiếp đảm của cái thế giới bên ngoài dội lại.
Cũng bắt đầu từ năm 1966, tiếng ồn ào của những cây bút thời danh phái nữ đã va chạm đến nguồn cảm hứng, sự rung động của cây bút phụ nữ đã đi trước. Những rung cảm tiền chế, những nguồn cảm hứng quen thuộc lần lần khép kín hoặc âm thầm lặn sâu dưới lớp sương mù quá khứ. Đã đến lúc những giáo điều luân lý, những giá trị biểu kiến về đạo đúc đã được xét lại bằng một thái độ cấp tiến. Thế nhưng, niềm hăm hở lao vào những chân trời mới của văn nghệ đôi lúc làm cho một vài cây bút phụ nữ thời danh, thỉnh thoảng vẫn đóng góp một vài tác phẩm vào văn đàn. Lề lối sáng tác của họ cũng đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với hoàn cảnh xã hội chung quanh họ, nhưng bản chất đôn hậu của họ vẫn còn tồn tại ở lối diễn tả chừng mực, không khoa trương ồn ào.
Để độc giả quên sự mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài, loại sách diễm tình thơ mộng vào năm 1971 bỗng bừng sống lại. Tiểu thuyết của Quỳnh Dao tràn ngập thị trường sách ở Việt Nam. Quá mê say cái mãi lực của tác phẩm Quỳnh Dao, những cây bút phụ nữ viết loại sách yêu đương thơ mộng gồm có Dung Saigon, Liên Hạ, Nguyễn Thảo Uyên Ly... và dẫn đầu là Nhã Ca. Ở đây, những tác phẩm nói về tình yêu tuy có thấp thoáng chuyện thời cuộc, một quan niệm hợp thời về tình yêu, nhưng vẫn là những tác phẩm được đúc kết từ ý thức sáng tác cũ, không làm chúng ta bàng hoàng, xây xẩm ở khía cạnh cải tiến nào.
Tạp chí Văn Học Saigon, số 193
- Nhìn Qua Văn Đàn Nữ Giới Miền Nam Đào Huy Đán Khảo luận
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |