|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh
(1930 - 9.4.2017)
"From Saigon, This Is The Voice Of Viet Nam …” Đó là câu mở đầu chương trình phát thanh Anh Ngữ đầu tiên của Việt Nam được truyền đi giữa tháng Năm, 1955.
Thời điểm này, ông Ngô Đình Diệm mới lên cầm quyền, còn đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn như Bình Xuyên và Giáo Phái cùng những áp lực chính trị từ nhiều phía quốc nội cũng như quốc ngoại. Nhu cầu cho thấy cần phải củng cố thế lực, nhất là xác định lập trường với quốc tế, đặc biệt là với người Mỹ. Bộ Thông Tin nghĩ đến nhiều người nhưng cuối cùng đã phải gọi tới ông. Thính giả, nhất là những đài kiểm thính ngoại quốc không bao giờ nghĩ được cái Tiếng Nói Việt Nam đó là công trình của một thanh niên chưa quá 25 tuổi. Ông là người dựng chương trình, là người viết bình luận, chọn và viết tin, là người chọn nhạc. Không, thật ra thì như lời ông Nguyễn Ngọc Linh kể “Có nhà tôi, bà Thu, phụ giúp nữa nhưng là những chuyện vụn vặt.” Nhiều năm sau, ông Nguyễn Ngọc Linh lại có cơ hội trở lại số 4 Phan Đình Phùng với cương vị khác hẳn. Ông là giám đốc của một hệ thống truyền thanh quốc gia với đài trung ương và cả chục đài địa phương khắp các tỉnh, số nhân viên dưới quyền lên cả ngàn người.
Hình như cuộc đời ông nhiều may mắn. Nhưng có thể còn nhờ bộ não lúc nào cũng chỉ muốn làm mới, muốn cải cách nên trong mọi hoàn cảnh, ông luôn luôn nhìn ra cơ hội để làm một cái gì hữu ích hơn, nhất là cho tuổi trẻ, dù trong lãnh vực giáo dục hay truyền thông hoặc ngay cả trên thương trường.
Ông Linh sinh ra trong một gia đình thế phiệt. Thân phụ là tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tấn. Ông thuật lại :
- Bố tôi thuộc lớp cựu học nhưng tự học chữ Pháp và đã được sang Tây để trau giồi thêm. Anh em tôi đều theo học chương trình Tây nhưng ở nhà vẫn phải học về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ông cụ nhấn mạnh không thể lơ là với quốc ngữ vì đó là cái gốc của mình. Mãi sau này khi khôn lớn, tôi mới thấy rõ điều đó và thật mang ơn ông cụ.
Thân phụ ông qua đời sớm mới 49 tuổi vì bị bướu trong não, không được chữa chạy vì khi đó năm 1946, Hà Nội do Việt Minh kiểm soát. Nhưng chính nhờ vóc dáng và khuôn mặt giống phụ thân, cuộc đời của ông rẽ qua một ngã khác. Ông kể lại một hôm đang đi trên đường thì có người gọi tên vị thân sinh và khi quay lại thì đó là một người Mỹ từng quen biết với phụ thân ông:
- Ông ta nhận ra ngay tôi là con và hỏi han. Tôi thành thực trả lời vừa đỗ tú tài và đã nộp đơn xin vào trường Hải Quân Pháp. Ông ta cho hay hiện tòa đại sứ Mỹ có một số học bổng, nhưng không ai xin cả nếu muốn thì ông ta có thể giúp. Đang ở lứa tuổi mới lớn chỉ muốn đi ra ngoài, tôi chộp ngay lấy cơ hội.
Ông Linh theo học tại Bowdoin College thuộc tiểu bang Maine và học ngày học đêm, học cả hè nên chỉ sau hai năm rưỡi, ông tốt nghiệp cử nhân Khoa Học Chính Trị. Đó là giữa năm 1952, và số người Việt hiện diện ở Mỹ có lẽ không quá vài chục người, đa số tập trung tại Nữu Ước, trong đó có ông Ngô Đình Diệm. Ông Nguyễn Ngọc Linh kể lại:
- Tôi gọi ông bằng Bác vì là quan đồng triều với thân phụ tôi. Tôi hay đến chở ông đi ăn cơm Tàu và tối về ngồi dưới sàn nghe ông kể về hồi làm quan dưới triều Nguyễn cũng như thành tích chống Tây. Ông Diệm sống cô đơn một mình nên mỗi lần gặp đều mừng rỡ và ông nói huyên thuyên suốt buổi về đủ thứ chuyện trên đời. Nhiều khi thả ông xuống ga nhìn dáng ông lùn tịt trùm áo lạnh kín người lững thững một mình trong đêm tối, cầm lòng không đậu, tôi lại lôi ông lên xe chở về tận nhà. Khi tốt nghiệp, ông Linh được nhận vào làm tại New York Times và chính ông cũng ngạc nhiên vì “Dù là copy boy nhưng là của New York Times nên không dễ gì, nhất là có cả vài chục đơn của những ứng viên xuất thân từ trường lớn và bằng cấp cao hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ là họ muốn có một copy boy người Việt chăng?”
Công việc của ông cũng khá đặc biệt. Ông được trao trách nhiệm tìm tài liệu cho bỉnh bút gia Robert Aura Smith, nhất là những gì liên quan đến Thái, Lào và Việt Nam, khác hẳn những copy boy khác phải lo hầu cà phê thuốc lá và chạy việc vặt cho các đàn anh. Chính nhờ vậy, ông Linh có cơ hội học hỏi rất nhiều về báo chí và truyền thông đại chúng. Những lúc rảnh, ông la cà từ nhà in, phòng quảng cáo, tòa soạn tin tức cho đến phòng bình luận, nhất là thư viện. Lương 25 Mỹ kim một giờ nhưng “điều đáng quí là cơ hội học hỏi. Có lần tôi đã tấp tểnh viết bình luận và sau khi đọc, ông Smith cười ngất bảo cái nhìn về thời cuộc của tôi trẻ con, chủ quan, phiến diện của người Việt Nam vốn thù ghét Tây quá đáng.”
Năm 1949, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận Việt Nam và khởi đầu cho quan hệ của Mỹ với miền đất này. Nhu cầu là phải có tài liệu về Mỹ để người Việt hiểu rõ Hoa Kỳ và không có gì đi thẳng vào quần chúng hơn là phim ảnh. Cơ quan USIS tung chiến dịch chuyển âm phim tài liệu về đất nước Hoa Kỳ và họ đi tìm người. Ứng viên sáng giá nhất là ông Nguyễn Đình Hòa nhưng ông này quá bận với đài VOA và những chuyện khác. USIS cố tìm người nói giọng Bắc và ông Linh được ký hợp đồng làm việc. Ông thuật lại:
- Số người Việt lúc đó gồm du học sinh và người Việt nhảy tàu. Gọi như thế vì những người này là lính của Pháp, khi có cơ hội, họ trốn sang Mỹ, nhiều người trong khi đi theo tàu Hải Quân Pháp đã trốn ở lại. Một toán làm việc dự trù là ba người nhưng cuối cùng chỉ có hai người. Tôi vừa dịch vừa đọc thuyết minh và ông nhảy tàu Bùi Đức Thịnh vì cả Việt lẫn Anh ngữ đều yếu nên chỉ ngồi đó nghe để duyệt. Tự nhiên tôi rủng rỉnh có tuần kiếm cả 900 đô la, một ngân khoản khá lớn vì lúc đó chỉ 2000 là có xe hơi mới toanh. Tôi bỗng trở thành giàu có sắm xe mua quần áo hạng sang nhất. Đời sống xem ra dễ và đẹp quá đi chứ!
Giữa lúc đó, ông Linh nhận được điện tín từ Việt Nam. “Your country needs you. Come back now.” Ông Ngô Đình Diệm đã trở về chấp chánh. Cái giao tình “Bác Cháu” của ông với vị tân thủ tướng có vẻ là chìa khóa lớn mở cánh cửa tương lai, nhất là viễn ảnh được phục vụ một Việt Nam độc lập khiến ông không do dự gì, cùng người vợ trẻ, bà Phạm Thị Thu và đứa con đầu lòng Mỹ Châu còn ẵm ngửa về Sài Gòn.
Khi đã tám mươi tuổi nhưng nói đến giai đoạn này, ông vẫn hứng khởi:
- Tổ quốc cần anh. Về ngay! Mới hơn hai mươi tuổi đầu ai mà không hãnh diện, nhất là Việt Nam đang là một hứa hẹn lớn cho tuổi trẻ.
Nhưng xem ra chuyện không phải như vậy. Ông Linh không nhận được trách vụ gì, ngày ngày đến Dinh Độc Lập lơ lơ, láo láo vì lúc nào cũng được trả lời “Cụ bận lắm.”
- Ông có biết ngay từ hồi đó, đám người vây quanh đã tôn xưng tâng bốc ông Diệm, gọi ông là Cụ, dù ông Diệm đâu đã già nua gì. Nghe mà phát rợn người.
Cứ thế, ông Linh chờ và chờ trong khi tiền nong đã cạn hết lại phải lo cho vợ trẻ con thơ. Trong lúc lúng túng, tình cờ ông gặp lại ông Leland Barrow giám đốc USOM và được đề nghị làm việc với cơ quan này.
- Khi biết lương lên đến 60.000 đồng một năm thì khó mà từ chối vì tôi còn vợ con, nhất là ông anh Trác của tôi cũng đang gặp khó khăn về tài chính không thể cưu mang tôi mãi được.
Ông Linh không ngờ thủ tướng Diệm rất ghét người cộng tác với Mỹ và cũng có thể vì thế ông không bao giờ có cơ hội làm việc trong chính phủ thời Đệ Nhất Cộng Hòa giống như những thanh niên đồng lứa được gọi về cùng thời như ông Đỗ Vạng Lý hay ông Nguyễn Thái giữ chức tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã.
Không những thế, khi có lệnh động viên, chính ông Diệm đã nhắc với bộ trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung “Nhớ cho thằng Linh nó đi lính.” Mặc dù ông Linh đang là chủ của cơ sở có trên bốn chục nhân viên vẫn không được hoãn dịch. Không hiểu có lời dặn dò riêng của bộ trưởng Quốc Phòng không, nhưng sinh viên sĩ quan Nguyễn Ngọc Linh được chiếu cố kỹ càng, bị đì mờ người, bị phạt dã chiến liên miên. Nhưng “tôi quan niệm đã làm gì thì phải làm cho hết sức. Tôi cắn răng tập tành để đến cuối khóa, tôi tốt nghiệp thủ khoa và được chính tổng thống Diệm gắn lon chuẩn úy.”
Chưa hết, vì hình như cấp trên vẫn biệt nhãn với ông nên trong ngày chọn binh chủng, theo truyền thống Thủ Đức, sinh viên Thủ Khoa có quyền chọn đơn vị, nhưng Thủ Khoa Linh của khoá 12 không có quyền đó vì “Anh đã được chỉ định phục vụ tại vùng bốn.” Ông sĩ quan trẻ ớ người và phản đối đến cùng để rồi được gọi lên trình diện đại tướng Lê Văn Tỵ.
Chuẩn úy Linh trình bày “Đây là truyền thống quân đội, tôi không đòi hỏi điều gì quá đáng, nhưng tước bỏ quyền của thủ khoa là phá truyền thống. Tôi nhất định phản đối để bảo vệ truyền thống đó.” Rồi cũng chẳng đi đến đâu vì dựa trên truyền thống quân đội là quân nhân thì phải tuân lệnh cấp trên. Chuẩn úy Linh đi nhận nhiệm sở ở Bạc Liêu, coi một trung đội chuyên yểm trợ và áp tải các đoàn xe chở quân hoặc đồ tiếp liệu. Nhiệm vụ tưởng như phè không có gì nguy hiểm nhưng sau hai tháng thì trong một vụ chuyển quân, ông bị phục kích.
- Chuẩn úy lớ ngớ mới ra trường, tôi quýnh cả lên chỉ nghe tiếng đạn nổ tứ tung. May quá có ông trung sĩ già quen chiến trận nên không thiệt hại gì.
Trong khi đang luẩn quẩn ở Bạc Liêu, ông được tướng Nguyễn Khánh triệu về làm tùy viên báo chí cho Quân Đoàn II ở Pleiku.
- Ông có oán trách gì ông Diệm không?
- Không. Không bao giờ. Hồi đó còn trẻ ở Nữu Ước, tôi thấy ông Diệm đúng là cả quỷnh, một ông già tử tế nhưng chỉ nói về mình, về quá khứ chống Tây và kể nhiều lần về vụ quen biết Hồ Chí Minh. Điều mà tôi kính trọng ông Diệm là tinh thần Việt Nam, muốn Việt Nam tự đứng dậy, nhất định không nhượng bộ ngoại bang nhất là Mỹ. Ít người để ý là ông Diệm không ưa Mỹ. Nhưng ông chủ quan, thủ cựu đòi hỏi sự phục tùng quá đáng và nhất là chỉ muốn nghe những lời thuận tai. Dẫu sao thì tôi vẫn nghĩ sau cái chết của ông Diệm, chuyện miền Nam sụp đổ đã ló dạng.
Thời gian ở Pleiku có lẽ là thời kỳ nhàn nhã nhất của ông. Tuần nào ông cũng lỉnh về Sài Gòn và “Một chút xíu nữa thì tôi dám bị đi mò tôm.”
- Tôi tình cờ gặp ông đại sứ Cabot Lodge và nói năng dăm ba câu chuyện làm quà. Không ngờ mật vụ của ông Diệm bá cáo. Tôi đâu biết gì, nhưng tướng Khánh chắc nghe phong phanh nên cấm túc tôi, phong tỏa không cho tôi rời khỏi Pleiku. Sau này, tướng Khánh cho hay có tin mật vụ nghi ngờ tôi liên lạc với ông Cabot Lodge và CIA để âm mưu đảo chính, đang truy lùng và có thể thủ tiêu tôi. Quả là tướng Khánh đã cứu tôi.
Nhưng xem ra ông Linh không trọng tướng Khánh. “He is a clown.” Ông nói bằng tiếng Anh. Theo lời ông Linh thì trong vụ chỉnh lý, tướng Khánh bay từ Pleiku về Sài Gòn với toàn bộ ban tham mưu, và chỉ sau khi lên phi cơ, ông ta mới họp mọi người lại cho biết ý định. Sau đó là vụ Hiến Chương Vũng Tàu và vụ ông tướng này ra đi với một nắm đất đượm tình quê hương. Sau biến cố này, cuộc đời trung úy Nguyễn Ngọc Linh đổi hẳn. Ông liên tiếp được cử nhiều chức vụ trong các chính phủ khác nhau từ cố vấn báo chí cho tướng Kỳ đến giám đốc đài phát thanh, tổng giám đốc Việt Tấn Xã… Điều đáng ghi nhận là tất cả những công việc này đều liên quan đến báo chí và truyền thông.
- Cái số tôi nó thế. Ngay từ hồi còn là sinh viên, tôi đã lập Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam tại Mỹ và làm tờ Vietnam Bulletin phát không cho mọi người. Tờ báo in ấn tử tế và có thể là tờ báo đầu tiên của người Việt phát hành ở Hoa Kỳ.
Kinh nghiệm tại New York Times giúp ông rất nhiều trong các trách vụ sau này. Tại Đài Phát Thanh cũng như Việt Tấn Xã, ông đã nhìn ngay ra vấn đề nhân sự và nhất định tìm phương cách giải quyết, đẩy giới trẻ lên thay thế lớp công chức già nua thủ cựu. Ông mở lớp huấn luyện, mời giáo sư, chuyên viên ngoại quốc vào ban giảng huấn, liên lạc với các cơ quan cùng ngành ở khắp thế giới để yêu cầu họ hỗ trợ. Công việc này được sự đóng góp vô cùng tích cực của người bào đệ là ông Nguyễn Ngọc Phách.
- Quan niệm của tôi là phải tin vào tuổi trẻ, phải đào tạo người cho tương lai và nhìn vào khả năng của từng cá nhân để đặt họ vào đúng chỗ.
Khi mở thi tuyển học viên cho khóa Phóng Viên VTX, bài thi, ngoài hai bài dịch Anh và Pháp ngữ là bài văn với đề tài “Tại sao anh chọn nghề làm báo.” Cuối khóa học, bài thi ra trường cũng là “Tại sao anh chọn nghề làm báo.” Một câu hỏi, nhưng trước và sau khi được huấn luyện chắc chắn phải có những nhận thức tiến bộ hơn. So sánh hai bài viết sẽ hiểu ngay học viên thu thập được gì trong thời gian học hỏi. Đặc biệt là cách huấn luyện dựa trên thực tế như tường thuật những cuộc họp báo giả, hay để học viên đi săn tin thực, nếu được thì sẵn sàng cho đăng tải. Khi muốn thực hiện chương trình trực tiếp truyền thanh, ông cho học viên đi dọc theo chợ Bến Thành tường thuật tại chỗ, chuyển về trung ương để thí nghiệm. Chính những gì ông làm đã đặt nền tảng cho những đại học sau này trong các phân khoa báo chí.
Ông nói:
- Phải tin người, nhất là tin vào tuổi trẻ. Anh Dzoãn Bình viết một bản tin trong đó có trích thuật lời tuyên bố của tướng Nguyễn Hữu Có. Tôi đọc kỹ phối kiểm và cho đăng. Hôm sau anh Dzoãn Bình được lệnh trình diện tướng Có. Tôi đi theo hộ tống vì biết ông tướng tuyên bố hố, nay muốn nhúm người phóng viên. Chính tôi phải đưa ra các người chứng và sẵn sàng đăng lời cải chính.
Ông tướng không cãi được nên anh Dzoãn Bình mới thoát. Suốt đời tôi luôn nghĩ thế hệ sau phải được đào luyện tử tế để thay thế hệ trước. Như vậy là phải cho người trẻ có cơ hội. Tôi dám để anh Nguyễn Mạnh Tiến đảm trách trực tiếp truyền thanh các biến cố trọng đại trên bình diện quốc gia. Tôi giao cho anh Trần Công Sung phụ trách tờ báo của phái đoàn Việt Nam tại hòa đàm Ba Lê. Cả hai anh Tiến và Sung lúc đó chắc chưa quá 25 tuổi tức bằng tuổi tôi khi được “Tổ quốc cần.”
Làng báo miền Nam thật sự đã thừa hưởng những cố gắng làm mới báo chí của ông. Ông đã nhắm mắt làm ngơ để một loạt phóng viên trẻ làm thêm cho báo tư nhân. Hồi đó có chữ Báo Nhà Nước để chỉ các cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ và Báo Ngoài để chỉ báo tư nhân. Với tuổi trẻ, lòng yêu nghề và được trang bị kiến thức căn bản, những người phóng viên này đã thổi một sinh khí mới vào cung cách săn và viết tin cho báo chí miền Nam.
Ngồi trong quán phở, ông Linh ân cần hỏi thăm và nhắc đến tên từng người một như Vũ Ánh, Thiên Ân, Duy Đăng, Trương Lộc, Lê Phú Nhuận … và nuối tiếc “Nếu chúng ta không mất nước thì chắc chắn những anh em đó nay là những nhà báo có tên tuổi cả rồi.”
Sự nghiệp công chức của ông kết thúc khá đột ngột do đụng độ giữa cái nhìn chuyên nghiệp của một người làm truyền thông và cái nhìn của người lãnh đạo. Khi Phật Giáo xuống đường biểu tình trước Tòa Đô Chính, thủ tướng Trần Văn Hương đọc một bài trên đài phát thanh trong đó nhiều người còn nhớ có câu “... một bọn làm trò khỉ khiến lính cứu hỏa phải xịt nước lên trời như mưa ...” Ông Hương đòi đài phát thanh phải liên tục phát thanh nhiều lần, nhưng ông Linh cho rằng chỉ nên phát thanh bài hiệu triệu hai lần là đủ và có thể hỗ trợ cho quan điểm của chính phủ bằng tin tức và bình luận về vấn đề này. Nhưng thủ tướng Hương khăng khăng “Nếu ông giám đốc không bằng lòng thì hãy xin nghỉ.” Ngay hôm đó, giám đốc Nguyễn Ngọc Linh viết đơn từ chức và lặng lẽ rời nhiệm sở không kèn không trống, vì thấy mọi sự vô vọng.
Quảng đại quần chúng ít người biết đến ông như một nhân vật có nhiều liên hệ đến báo chí truyền thông mà chỉ nghe nhiều đến giáo sư Nguyễn Ngọc Linh. Bởi ông còn là một nhà giáo và hơn nữa một doanh nhân thành công. Ngay từ khi mới từ Hoa Kỳ về, ông đã nhìn thấy nhu cầu trau giồi Anh ngữ và cùng với vợ, bà Phạm Thị Thu mở lớp dạy Anh Văn. Mới đầu chỉ có hai lớp buổi tối nhưng ít năm sau trường Anh Ngữ Nguyễn Ngọc Linh là cơ sở giáo dục chuyên về Anh Ngữ lớn nhất Sài Gòn với trên ba chục phòng học trong một tòa nhà ba tầng. Ông còn mở nhà in và cùng bào đệ Nguyễn Ngọc Phách là những người đầu tiên làm báo về điện ảnh, tờ Truyện Phim sau đó thành tờ Điện Ảnh. Sau khi từ chức giám đốc Đài Phát Thanh, ông mở công ty Cửu Long làm ăn rất phát đạt.
Ông thành công trên thương trường không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Hoa Kỳ. Sau 1975, dù không biết gì về bánh trái, ông đã xông vào hệ thống Tiffany rồi sau đó cả ngành bán Taco, bán Hot Dog cùng nhiều loại tiệm ăn khác nhau. Nhưng xem ra cái máu làm báo vẫn đeo đuổi nên ông mua lại và cải tiến tờ Ngày Nay tại Houston.
Báo Ngày Nay có lẽ là tờ báo Việt Nam ít thấy của người Việt tại Mỹ không can dự vào các tranh chấp phe phái hay có những tiết mục chiều theo thị hiếu số đông.
Các cơ sở thương mại sau đó được ông nhượng lại cho ông Vũ Văn Lê và báo Ngày Nay thì do Trương Trọng Trác điều khiển. Ông Trác mất vì bạo bệnh. Báo Ngày Nay chuyển tay nhiều lần nhưng căn bản nội dung tờ báo vẫn giữ được tính báo chí và thái độ chính trị đáng ca ngợi.
Vài ngày trước sinh nhật tám mươi, câu hỏi đặt ra cho ông Nguyễn Ngọc Linh đã khiến ông tư lự:
- Nhìn lại tám mươi năm, điều gì làm ông hãnh diện nhất?
- Hai điều, một công một tư. Chuyện tư riêng là tôi đã lừa được Đẻ tôi. Hồi đó đầu 1955, gia đình tôi đã di cư, nhưng Đẻ tôi nhất định ở lại với mồ mả gia tiên, thuyết phục cách gì cũng không được. Tôi từ Sài Gòn bay ra Hải Phòng, nhắn xin gặp Đẻ tôi lần cuối. Khi Đẻ ra tới Hải Phòng là tôi lôi bà cụ vào Nam. Chuyện công thì tôi hãnh diện không phải những thành công về tiền tài hay danh vọng mà chính là đóng góp cho giới trẻ như là một nhà giáo dục
Điều thứ hai ông nói có lẽ phản ánh phần nào các suy nghĩ qua những bài viết nhân dịp chúc thọ ông của một số người đã có duyên nhờ ông mà họ trực tiếp hay gián tiếp góp mặt với làng báo Việt Nam trước và cả sau 1975 .
Một chút bên lề: Máu Làm Báo của ông Linh
Do đâu mà ông Linh lại có máu làm báo sớm sủa và dai dẳng như thế? Có phải bị lây từ những con rệp và muỗi trên thân thể nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến khi hai người ở tù chung trong nhà giam của tự vệ thành Việt Minh năm 1947?
Trong một buổi trà đàm tại tư gia của ông, nhà báo lão thành Nguyễn Ngọc Linh tâm tình với Lê Thiệp — đàn em trong nghề mà cũng là học trò cũ của ông:
- Câu chuyện dài dòng lắm, xảy ra từ hơn nửa thế kỷ trước. Như ông biết, bố tôi, ông Nguyễn Trọng Tấn, làm quan đến chức tổng đốc Bắc Ninh. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt và tình hình Việt Nam xáo trộn dữ dội thì bố tôi bị sốt nặng, phải đưa vào nhà thương. Lúc đó Việt Minh đã kiểm soát Hà Nội và nhà thương Renaissance đã được Tây trao lại cho họ, chỉ có một bộ phận nhỏ của Pháp chưa kịp rút đi. Bố tôi sốt càng ngày càng nặng trong khi mấy ông y tá Việt Minh toàn cho uống ký ninh. May quá, tôi gặp được một viên trung tá bác sĩ Pháp còn ở đó, nhờ ông ta chẩn bệnh. Sau khi nghe và quan sát, vị bác sĩ bảo bố tôi bị bướu trong não, phải mổ và ông có thể giúp để giải phẫu. Giữa hoàn cảnh đó, tôi xin với cán bộ Việt Minh, nhưng họ nhất định không cho vị bác sĩ này giải phẫu vì “không cần đến thực dân Pháp.” Bố tôi mất vào vài ngày sau và gia đình mất chỗ dựa. Dù là một vị quan tổng đốc, nhưng bố tôi không có của chìm, của nổi. Ông anh lớn của tôi còn kẹt ở Vĩnh Yên, Yên Bái. Tôi bỗng trở nên đầu tầu của một gia đình với mẹ và sáu bảy đứa em. Tôi loay hoay trước cuộc sống và khi thấy ông hàng phở đẩy xe qua, tôi nghĩ tại sao không nấu phở bán. Nghĩ và làm liền. Tôi dọ dẫm khi ăn phở thì gạ chuyện để học nghề, như tại sao phở tôi nấu ở nhà hôi thì được dậy là phải rửa xương, tại sao nước dùng đục thì được biết phải hớt bọt. Cứ thế tôi học lóm và khi nghĩ mình nấu phở ngon lành, tôi xin ông thông gia của gia đình là bác Hàng Trường vốn có ngôi nhà ở Ngọc Hà với cái garage và driveway khá rộng để mở tiệm. Mẹ tôi đã can đảm đứng ra nhận mọi trách nhiệm với bác Hàng Trường để cậu con trai mới 17 tuổi vắt mũi chưa sạch đi mở tiệm phở.
Tôi một mình lo căng bạt, mua nồi niêu, bát đũa và đặt tên là phở Hải Hồ, cái tên mang vẻ giang hồ vặt của tuổi trẻ. Thực tế phũ phàng, chả ma nào thèm ăn phở tôi nấu. Nhưng may quá, gần đó có một trại lính Tàu Phù của ông Lư Hán đến Việt Nam để giải giới Nhật. Mấy ông lính Tàu đói dài, phở ngon hay dở không quan trọng vì họ có biết gì về phở đâu. Tôi trở thành đầu bếp nấu phở cho lính Tàu. Buồn cười nhất là vài hôm sau họ bảo để họ nấu phở kiểu Tàu chứ ăn hoài phở của cậu Nguyễn Ngọc Linh chán quá. Họ tự động vào bếp và thay vì nấu, họ xào phở giống như món Chow Mein nay mình hay ăn ở tiệm Tàu. Thế là nhất, đỡ phải nấu và họ trả tiền sòng phẳng. Họ trả bằng Quốc Tệ chứ không phải Quan Kim. Quốc Tệ là thứ tiền lèo không có giá, nhưng dần dần Quốc Tệ cũng không còn và lính Tàu giở trò ăn quịt, ăn chạy. Số may có ông hiến binh Tàu ở ngay sát nhà bác Hàng Trường và tôi chạy sang cầu cứu. Nhờ hiến binh Tàu canh giữ khiến trò ăn chạy không xảy ra, nhưng phở Hải Hồ vắng teo. Một hôm, có anh lính Tàu chắc vì đói quá nên liều ăn, rồi thú thật không có tiền. Tôi còn trẻ, khoái súng ống, bèn bảo để súng lại, một khẩu Pạc Hoọc là 10 bát phở. Lính Tàu của Lư Hán là thứ lính nông dân dấm dớ, vơ bèo gạt tép, đói thì cái gì cũng làm. Từ đó, súng gì cũng vậy là 10 bát phở. Tự nhiên tôi có cả lô súng trong tay để bán hoặc đôi khi biếu các ông Quốc Dân Đảng, bạn của ông anh. Tự Vệ Thành của Việt Minh đánh hơi ra ngay.
Một hôm, có một người ăn mặc bảnh choẹ, đến ăn vào sẩm tối và rút ra tờ 500. Tôi bối rối thì ông ta bảo cứ cầm tiền đi đổi. Khi ra đến đường, ông ta đi theo và bất thình lình rút súng dí vào người tôi. Một chiếc xe hơi đen trờ tới, chở tôi về khám Gambetta, trụ sở của lính kín Tây hồi xưa. Đến nơi, họ mở xà lim và đạp tôi ngã chúi vào phía trong.
Xà lim tối om, bên trong có một người đang nằm. Ông ta nhổm dậy xích ra một phía nền xà lim tí tẹo, nhường chỗ cho tôi nằm. Ông hỏi tên tuổi và biết tôi chỉ mới gần 17 và nghe tên bố tôi thì ông bảo “Tôi có nghe danh cụ thân sinh.” Sau khi nghe hết chuyện tôi bị bắt, ông nói “Tôi đang là bí thư cho ông Võ Nguyên Giáp mà tụi nó còn cum thì cậu vào đây có gì là lạ. Tiếp tế súng cho Quốc Dân Đảng thì e đi mò tôm sớm.”
Tôi sợ run lên và thú thật, khi bắt họ không khám, trong túi vẫn còn cây súng ám sát, làm sao thủ tiêu. Đây là thứ súng bút máy của OSS Mỹ, bắn một viên và đầu kia có một viên cyanide, hễ bắn địch thủ không chết thì cắn viên thuốc độc tự sát.
Như Phong Lê Văn Tiến
Little Saigon 1997
Ông bạn tù, vâng đó là ông Như Phong Lê Văn Tiến, ngồi nhổm dậy và dù trời tối cũng mân mê khẩu súng bút chì và ông nói “Tôi có cách giúp cậu thoát, nhưng phải trước sau như một, nghe lời tôi.”
Lúc đó tôi còn trẻ, không biết xoay sở gì nên chăm chú nghe lời ông chỉ dẫn để mong thoát. Mờ sáng hôm sau, tôi xin đi cầu và giấu khẩu súng trong một cái ống sắt ở chuồng chồ. Khi bị gọi lên thẩm vấn, công an Việt Minh sau trận đánh phủ đầu, buộc tôi đủ thứ tội và có lẽ tội nặng nhất là tiếp tế súng cho phản động Quốc Dân Đảng. Buồn cười nhất là họ hỏi tại sao lại là phở Hải Hồ, tại sao dám để Nguyễn Hải Thần lên trên Bác Hồ.
Theo lời dặn của ông Tiến, tôi khăng khăng chối, chỉ khai là bọn lính Tàu ăn phở không tiền nên trả bằng súng và tôi bán súng để kiếm sống, nhất là không liên hệ gì đến Quốc Dân Đảng. Tôi nhất định xin gặp thủ trưởng nhà tù vì có chuyện muốn khai báo riêng và vì chuyện quan trọng nên chỉ khai được với ông ta. Bọn công an bảo cứ khai đi, không cần phải khai với ông thủ trưởng, và đánh tôi hộc máu mồm dồn máu mũi. May là còn trẻ nên tôi chịu đòn được.
Vài hôm sau, viên cai tù cho gọi tôi lên và khi tôi lễ phép chào ông giám đốc thì gã vỗ bàn thét “Cách Mạng không có lối xưng hô phong kiến như vậy.” Tôi khai khi đổi phở lấy súng để sinh sống, tôi có cây súng ám sát ghê gớm lắm và sẵn sàng giao lại cho ông ta, nếu ông hứa sẽ tha tôi vì tôi thực sự không có tội gì. Tới lui, doạ nạt nhưng sau cùng tên cai tù đồng ý hứa. Tôi dẫn họ xuống chuồng chồ, moi cây súng ra. Mấy tên công an Việt Minh xúm lại xuýt xoa, nhưng tôi vẫn không được tha.
Tối tối ngoài cổng trại tù lại nghe tiếng xe hơi nổ và ông Như Phong bảo “Xe chở tù đi thủ tiêu.” Nghe mà rùng mình, cho đến hai hôm sau thì nửa đêm họ đến lôi chính ông đi. Thú thật, tôi đã khóc thút thít, vì vừa sợ hãi, vừa thương ông Như Phong dù chỉ chia xẻ xà lim với ông trên 10 ngày, nhưng tôi thực quý trọng ông.
Hôm sau vừa xẩm tối, tôi được thả ra thật.Theo đúng dự mưu của ông Như Phong, tôi không về nhà, cũng không về quán Hải Hồ mà trốn ở nhà bà cô. Quả nhiên đúng như lời dự đoán của ông, công an Việt Minh tối hôm đó đến cả hai nơi toan bắt tôi lần nữa. Vậy đó! Tôi vẫn nghĩ cái duyên nghiệp giữa tôi và ông Như Phong bắt đầu như là số phận giữa hai con người để rồi sau này khi gặp nhau lại ở Sài Gòn, ông vẫn đùa “Tụi mình ở chung xà lim đầy muỗi, đầy rệp. Rệp muỗi đốt tôi, rồi đốt cậu khiến cậu lây cái máu “báo bổ” của tôi.”
Ngần này tuổi đầu rồi, đôi lúc ngồi nhớ chuyện xưa, thương ông Tiến và nghĩ “Hay có khi vì rệp và muỗi mà tôi lây cái máu báo bổ của ông thật cũng nên !”…
Trích từ cuốn Lững Thững Giữa Đời của Lê Thiệp
- Nguyễn Ngọc Linh - Cuộc Đời Nhìn Lại … Lê Thiệp Hồi ký
- Ngọc Dũng, Giọt Nước Hân Hoan Lê Thiệp Tạp bút
• Nguyễn Ngọc Linh - Cuộc Đời Nhìn Lại … (Lê Thiệp)
Nhà Cách mạng Báo chí Nguyễn Ngọc Linh (Phạm Trần)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi (VOA)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi (viendongdaily.com)
(Tiếng Quê Hương)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, người xây dựng ngôi nhà báo chí VNCH (Từ Thức)
Phỏng vấn nhà báo kỳ cựu Nguyễn Ngọc Linh: 1, 2, 3, 4, 5, 6/6. (Mặc Lâm)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |