1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nguyễn Đông Ngạc, ngọn pipe chợt tắt trên môi (Luân Hoán) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      25-1-2021 | VĂN HỌC

      Nguyễn Đông Ngạc, ngọn pipe chợt tắt trên môi

        LUÂN HOÁN
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Nguyễn Đông Ngạc
          (1939 - 21.2.1996)

      Nguyễn Đông Ngạc có lẽ là người bạn văn thứ ba tôi được gặp sau khi đến cư ngụ tại thành phố Montréal. Diễn tiến gặp gỡ và quen thân của chúng tôi không có gì đặc biệt và phong phú, nhưng tôi khó có thể quên đi cái tật dài dòng.


      Ngày 31 tháng 01 năm 1985, gia đình chúng tôi có mặt tại Montréal. Mười tám ngày sau, hội chợ Tết Giáp Tý của người Việt được tổ chức tại Complexe Desjardins. Mặc dù rất háo hức, chúng tôi vẫn chưa dám đến xem. Một năm lạng quạng đi qua, Cộng đồng người Việt lại tổ chức lễ mừng xuân mới. Sinh hoạt này trở thành tập tục của người Việt khắp nơi, bên ngoài tổ quốc. Riêng tại Montréal được thực hiện từ năm 1978 đến nay và vẫn còn tiếp tục. Lễ hội đón xuân là một ngày qui tụ đông đảo nhất của những người cùng ngôn ngữ, gặp nhau để nói, để nghe tiếng mẹ đẻ thỏa thích. Lễ hội được tổ chức rất qui mô, trang trọng. Năm 1986, Tết con trâu, tuy còn khá nhiều ngại ngùng, chúng tôi cũng đã có mặt trong đám người vui xuân. Vị trí hành lễ vẫn được chọn ở Complexe Desjardins. Đây là một địa điểm rất thích hợp cho chúng tôi, cũng như nhiều gia đình khác, vì chỉ cần ngồi an toàn trong xe điện ngầm là đến nơi.


      Complexe Desjardins nằm trong hệ thống phố ngầm Place des Arts, được khởi công xây dựng từ năm 1954, dưới thời thị trưởng Jean Drapeau. Đây là một trong những điểm chính của trung tâm thành phố Montréal, có khoảng 110 cửa hiệu, quán ăn, những trung tâm rộng lớn trình diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim, phòng triển lãm... không ngừng phát triển cho đến năm 1994, qui tụ hàng ngàn du khách thăm viếng, dạo chơi đều đặn mỗi ngày. Complexe Desjardins có mặt tiền nằm trên đường Sainte Catherine Ouest, mang số 150. Sân khấu lễ hội đón xuân của người Việt nằm trong lòng cao ốc, phần dưới mặt đất, nối liền với đường dẫn đến trạm métro Place des Arts, nên không sợ lạnh, sợ lạc.


      Trong mười hai tháng vừa qua, chúng tôi đã có đôi ba lần đến nơi đây, nhưng vẫn bỡ ngỡ, và tưởng chừng như khớp trước sự hiện diện đông đảo của người Việt mình. Ai ai cũng tươi vui trong các bộ quần áo lộng lẫy, ngoại trừ chúng tôi vẫn giản dị nếu không muốn nhìn nhận là lạc hậu. Lần đầu tiên sau 11 năm, tôi mới có dịp nhìn thấy nhiều tà áo dài đủ màu sắc cùng một lúc. Cảm động và vui mừng làm chúng tôi run chân. Không đến nỗi rón ra rón rén, nhưng thú thật chúng tôi đã di chuyển rất thận trọng. Khi đã chiếm được chỗ đứng trên lầu một, thuận tiện cho tầm nhìn bao quát từ sân khấu đến các gian hàng quây quần chung quanh, chúng tôi giữ miết vị trí đó cho đến tàn cuộc.


      Buổi lễ rất trang trọng. Đi từ việc chào cờ Canada, Việt Nam Cộng Hòa, truy điệu những người bỏ mình vì tự do, đến lễ dâng hương quốc tổ Hùng Vương, qua các màn đọc diễn văn, phát biểu ý kiến của các quan chức đại điện thành phố Montréal, tỉnh bang Québec cùng các vị trong các hội đoàn của cộng đồng người Việt, rồi đến các màn biểu diễn văn nghệ. Phần này khá phong phú có cả cổ nhạc, thoại kịch, hoạt cảnh, ảo thuật, vũ dân tộc, vũ hương xa do các nhóm chủng tộc khác góp vui... Tân nhạc là dồi dào nhất.


      Sau biểu diễn của ca sĩ Đoàn Chính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, một hồi chánh viên trước 1975 (cùng ca sĩ Bùi Thiện), tôi nghe giới thiệu một giọng ca nữ. Người giới thiệu, ngoài việc xướng tên ca sĩ còn thòng thêm câu: “phu nhân của nhà văn Nguyễn Đông Ngạc”. Trong lúc còn cảm thấy lạc lõng giữa đám đồng bào lộng lẫy, xa lạ, câu thòng không mấy hữu duyên này, chợt cho tôi một chỗ vịn. Tôi mừng thầm, ít ra là vậy, tôi đã có một người quen, dù chỉ quen với cái tên gọi. Những trang tạp chí Thái Độ, và tuyển tập Văn Nghệ Xám... ngày nào như đang mở ra trước mặt tôi. Thế Uyên, Nguyễn Đông Ngạc, Thái Luân hay nhiều người khác đã từng góp bài trong hai tạp chí, tuyển tập này, tôi đều chưa được gặp mặt, nhưng cảm nhận rất thân thiết. Tên Nguyễn Đông Ngạc được đọc lên không hẳn để bảo đảm giá trị của một giọng hát, bởi nguồn âm thanh từ cặp môi và trái tim của người nữ ca sĩ rất ấm áp, điêu luyện. Tôi hân hoan nghe lại ca khúc Áo Lụa Vàng của người bạn cũ, anh Phạm Thế Mỹ. Tôi cũng thầm cảm ơn chị Nguyễn Đông Ngạc đã thắp lại niềm vui trong lòng tôi. Nhưng tôi không đi tìm ông bà để làm quen. Đêm đó, tôi nằm mở mắt và mơ nhiều giấc mơ nho nhỏ, rất đẹp. Cái tên Nguyễn Đông Ngạc qua vài tuần sau mất hẳn trong trí nhớ tôi, cho đến cái đêm tôi được anh chị Đỗ Qúy Toàn mời tham dự một sinh hoạt tại nhà riêng.


      Đêm hôm đó, tôi có dịp gởi đến các bạn, đa số mới gặp lần đầu, Hơi Thở Việt Nam. Thi phẩm mỏng mảnh này chỉ vừa tròn một trăm trang, bìa của Nghiêu Đề, được nhà văn Tưởng Năng Tiến và nhà thơ Thái Tú Hạp hình thành từ Hoa Kỳ vừa gởi sang. Có thể xem đây là buổi ra mắt sách ngộ nghĩnh và ấm áp nhất. Không có việc giao sách nhận tiền. Bạn tham dự không phải thấp thỏm lo bị mời mua xã giao. Tôi ngồi trong vòng tròn dưới phòng thiền của anh chị Toàn ký tặng giáp vòng mà hơi thấy run. Không phải cái run gặp ngay ở trang đầu: “chúng tôi là súc vật / hôm nay học làm người / xin chân thành “đăng ký”: /chúng tôi thừa trái tim !” mà cái run sung sướng được thực sự sinh hoạt một cách tự do, được gặp mặt bè bạn chuyện trò không e dè, thủ thế.


      Tôi với Nguyễn Đông Ngạc đã biết tên nhau từ trước, nên gặp mặt, chuyện trò vô cùng cởi mở. Gốc rễ của mỗi bên được bứng ra để nhận diện. Ngạc nói về Nguyễn Nho Sa Mạc, cùng thời kỳ anh làm hiệu trưởng trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Tôi kể về Phan Trước Viên, Phan Duy Nhân... cái đám làm thơ, trói gà không chặt nhưng chữ nghĩa cứ ưng lấp lánh ánh lửa. Nguyễn Đông Ngạc cười nói rất thảnh thơi, còn đầy đủ phong cách của một ông thầy. Trán cao, chân mày rậm, hàng ria mép đen gọn, phảng phất một thời đẹp trai chưa qua hẳn. Người đàn ông hơi tự cao ấy, sau này, qua lời kể của mẫu thân anh, tôi nhìn thấy rõ nét hơn:


      Đó là một cậu con thuộc “diện” khá ngỗ nghịch. Cầm tinh năm con cọp. Nhưng giấy khai sinh làm lại, ghi ước chừng ngày 10 tháng 9 năm 1939. Với gốc tổ ở làng Vẽ huyện Đông Ngạc tỉnh Hà Đông, nên cậu con trai đầu lòng của ông bà ty trưởng hỏa xa tỉnh Phú Yên, được vinh hạnh mang tên làng tổ. Thật ra Nguyễn Đông Ngạc ra đời ở làng Thường Lệ, tỉnh Phú Yên, và suốt mùa tiểu học, hấp thụ tinh hoa của làng Thanh Tước, quê ngoại.


      Nhờ rơi vào một gia đình trung lưu, nên cậu cả Ngạc, ngay từ những năm đầu bậc trung học đã được đưa lên Hà Nội để làm học trò của trường Chu Văn An, hậu thân của trường Bưởi. (trường trung học này do người Pháp thành lập tại làng Bưởi, ngoại ô Hà Nội, nhằm đào tạo những viên chức hành chánh trung và cao cấp. Năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại cho thu nhận học sinh rộng rãi và đổi tên thành trường Chu Văn An. Năm 1952, vì số học sinh quá đông, trường được chia ra hai địa điểm giảng dạy: tại đường Đỗ Hữu Vị, và phía bắc Hồ Hoàn Kiếm. Năm 1954, trường được di tản vào Sài Gòn).


      Học chữ học nghĩa chưa đủ, cả Ngạc còn học đánh đáo, bắn bi, đánh cả bài ba lá, xóc đĩa. Thành tích đạt được ở các môn nghiệp dư này khá cao, tiêu biểu: cắt bớt tiền chợ dành cho lưu học sinh (bởi gia đình thân sinh anh có mở trường tư nội trú) để đánh tổ tôm. Dùng tiền mua vật dụng linh tinh trong nhà (do mẹ nhờ) để đánh xóc đĩa. Nhưng may thay, đi kèm với cái bệnh ham chơi những trò ngoài tầm tuổi, Nguyễn Đông Ngạc không bỏ bê sách vở và sớm có bản tính hào phóng, sống hết mình với bạn hữu.


      Theo gia đình vào Sài Gòn năm 1954. Bốn năm sau, ngày 15 tháng 9 năm 1958, Nguyễn Đông Ngạc trở thành một ông tú tròn trịa. Theo học y khoa một năm, ngán vọc xác chết cóc nhái, Nguyễn Đông Ngạc bỏ con đường trở thành ông bác sĩ, để rồi đỗ cùng một lúc hai trường Quốc gia Hành chánh và Đại học Sư phạm. Anh đã chọn nghề cầm phấn và được ném ra Quảng Tín (thuộc Quảng Nam trước đó và hiện nay) dạy Trần Cao Vân, rồi được đẩy về Bình Dương, hợp sức với những Lê Vĩnh Thọ, Lê Tấn Lộc... ở trung học Trịnh Hoài Đức. Cuối cùng được rút về thủ đô Việt Nam Cộng Hòa. Lần lượt Nguyễn Đông Ngạc rao giảng ở các trường: Cộng đồng quận 6, Mạc Đĩnh Chi, Trưng Vương. Anh sớm trở thành một ông thầy Việt văn có uy tín.


      Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc (1939-1996). (Hình: Viên Linh cung cấp)

      Xen kẽ trong thời gian đứng trên bực giảng, bàn chân Nguyễn Đông Ngạc thơm tho cỏ đất trường đua ngựa và bàn tay anh trải ra những luống chữ trên Hành Trình, Nghệ Thuật, Quần Chúng, Đất Nước, Văn Học... Cuộc sống phơi phới đào hoa của Ngạc bỗng bị neo giữ trong tay chị Nguyễn Thị Nga, đốc sự Quốc gia Hành Chánh, ái nữ của bà Nguyễn Thị Thế, em gái nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Nguyễn Đông Ngạc từ giã cuộc sống độc thân năm 1964, nhưng không tạm biệt những cuộc tình. Lãng mạn nhưng không trác táng. Dựa vào ưu điểm của quán sách Khai Trí, do bố mẹ anh gầy dựng tại Bình Dương (không phải Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương tại Sài Gòn), Nguyễn Đông Ngạc cho khai sinh nhà xuất bản Sóng, tung ra thị trường chữ nghĩa miền Nam trước 1975 các tác phẩm: Chuyện Tình (Love Story của Erich Segal), Một Ngày Cho Người Yêu (Goodbye Columbia của Philip Roth), Những Cuộc Tình Không Trở Lại (tuyển tập nhiều tác giả ngoại quốc), Buổi Sáng Cuối Cùng (Women In Love của D.H.Lawrence). Các tác phẩm này đều do bà Phan Lệ Thanh chuyển sang Việt ngữ. Công trình đồ sộ nhất trong các tác phẩm do nhà xuất bản Sóng của Nguyễn Đông Ngạc phát hành là tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta, được đến tay bạn đọc năm 1973. Để thực hiện tác phẩm văn học này, Nguyễn Đông Ngạc đã phải dồn hết tâm sức lẫn tài chánh. Từ việc xin bài, gom bài đến nhờ chụp bắt chân dung từng tác giả, Nguyễn Đông Ngạc đều đích thân lo tận tình, chu đáo. Ngày nay, tại hải ngoại, tác phẩm này đã được tái bản. Tiếc thay, bản in lại, tháo gỡ những trang đầu, xóa luôn tên người thực hiện, cố tình quên đi công sức của người hình thành tác phẩm. Một công việc bảo tồn văn hóa rất đáng ca ngợi lại thiếu mất tính chất văn hóa, thật đáng buồn. Đồng tiền hóa ra cũng có khi to hơn lương tâm một số người sống đời với chữ nghĩa.


      Sáng tác độc nhất của Nguyễn Đông Ngạc đã xuất bản là một tập thơ, mang tên Hết Rồi Mùa Thu Hà Nội do nhà xuất bản Hoa Nắng tại Sài Gòn, ấn hành năm 1971 với sự trang điểm hình thức của nhà văn Thái Lãng, một người bạn chí thân của tác giả.


      Đời sống của mỗi một chúng ta không biết sẽ diễn tiến ra sao, nếu không có biến cố của đất nước năm 1975. Riêng với Nguyễn Đông Ngạc, cái chết của đứa con trai đầu lòng, cái chết của người bạn đời, cộng với cái chết của một chế độ, đã đẩy anh đến làm chủ nhân một căn chợ thực phẩm nhỏ, với tên Dakao trên đường phố Saint Laurent, Montréal. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, những tác phẩm văn học của nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Du Tử Lê, từ Mỹ gởi qua nhờ Nguyễn Đông Ngạc bán giúp, hoặc cho thuê, đều theo căn quán rất nghệ sĩ của anh hóa thân trong một vụ hoả hoạn.


      Nguyễn Đông Ngạc mất chỗ đứng gần nhất với năm tháng cũ, mất luôn chỗ ngồi binh xập xám với bạn bè dưới sous sol, anh trở lại với nghề lao động chân tay, nơi anh khởi sự làm lại cuộc đời, sau 1975, để trở thành một công dân của một quốc gia mang vóc dáng lá phong làm quốc kỳ. Job của Ngạc không thơm lắm, nhưng lâu bền, vững bụng, cộng với sự đoàn tụ người bạn đời thứ hai, chị Nguyên Ngọc, đã sớm dắt ông nhà văn trở lại những đoạn đời bằng phẳng.


      An Lạc Cốc của ông giám đốc nhà xuất bản Sóng ngày nào không rộng lắm, nhưng thừa sức chứa vài chục bạn văn nghệ tụ lại cụng ly, đấu hót suốt đêm. Hương khói thuốc, hương rượu nồng, hương phở... càng ngày càng đậm đà trên vách tường, trên trần nhà, sàn gỗ của căn sous sol trong ngôi nhà mang số 9635 trên đường Basile Routhier. Những anh hào văn hóa nghệ thuật bốn phương: Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Mai Thảo, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Kiệt Tấn, Nguyễn Quốc Trụ, Dương Kiền, Thái Lãng, Vũ Kiện, Thụy Khanh, Phan Ni Tấn, Nguyễn Văn Ba, Sĩ Phú, Lạp Chúc Nguyễn Huy... đều có ghé đến An Lạc cốc của Ngạc để ngồi chung chiếu rượu với Đỗ Quý Toàn, Trang Châu, Song Thao, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn, Phạm Nhuận, Lê Quang Xuân, Lưu Nguyễn, Lê Tấn Lộc, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Khắc Ngữ, Bắc Phong, Võ Kỳ Điền, Vivi, Trịnh Viết Đức, Trương Văn Tuyên...


      Cái tình của thơ văn chan mặn nồng thêm cái tình người cùng một cội rễ bị bứt chia, vung vãi khắp mặt địa cầu. Nguyễn Đông Ngạc luôn luôn là cái gạch nối dịu dàng giữa các người bạn. Ngoài việc họp mặt bè bạn, hướng dẫn đi chơi đây đó, anh còn viết nhiều bài giới thiệu, nhận định văn thơ bè bạn trong những dịp ra mắt sách, hoặc khi tác phẩm bè bạn được phát hành. Trong một số bản thảo anh để lại gồm cả thơ văn (hiện tôi đang giữ một bản) tôi thấy những bài anh viết về nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Khoa Hữu, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhà văn Trang Châu, nhà thơ Lưu Nguyễn, nhà văn Nguyễn Văn Ba, kịch tác gia Dương Kiền... Trong đống bản thảo này còn có nhiều bài thơ anh viết tặng bạn bè. Nhân đây tôi xin trích đăng một vài bài của anh thuộc chủ đề này:


      “Họp mặt vắng người cũng kém vui

      nâng ly thấy khựng ở đầu môi

      muốn nhắn e càng thêm khó xử

      nhớ nhau đành biết vậy mà thôi"

      (Nguyễn Đông Ngạc, tặng Hoàng Xuân Sơn)


      “Ngồi một mình ngó bóng

      biển trầm luân trong lòng

      ai người cùng cuộc mộng

      tình đất nước mênh mông”

      (Nguyễn Đông Ngạc, tặng Lạp Chúc Nguyễn Huy)


      “Hãy trả thái bình cho kẻ ngu si

      đam mê đau khổ cho thiên tài

      hãy mặc mọi người tự do tô vẽ cuộc đời

      xanh đỏ tím vàng đen trắng...

      hãy bình tâm nhìn cuộc thế đảo điên

      những kẻ nhân danh múa rối

      thủ diễn những vai tuồng vô tích sự

      chung cuộc vẫn chỉ có chân thiện mỹ

      Hãy như mây lồng lộng trời cao

      hãy như sóng bồng bềnh biển cả

      hãy như thời tiết dâng đời hoa trái

      hãy như lòng trời đất bao la

      chung cuộc cũng chỉ như là thế thôi"

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng Song Thao)


      “Óc tim thượng giới trả lời

      bút tiên mực máu gửi người trần gian

      riêng mình còn mỗi cái thân

      chỉ ham sống với giai nhân cợt đùa"

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng Hồ Đình Nghiêm)


      “Đường đi xuống thấp lại lên cao

      làng cây phong mừng đón bạn vào

      ngoạn cảnh nghe chuông tâm thoát tục

      phải chi thiền được sướng làm sao”

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng vợ chồng Đỗ Qúy Toàn)


      “Trị nước xem như một trò đùa

      chữ nghĩa tỏ bày lẽ được thua

      bao nhiêu xương máu trong lòng đất

      lãnh tụ nhìn ra chân lý chưa?"

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng Nguyễn Hữu Chung)


      “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời

      Sáng Tạo, Văn, thơ lãng quên đời

      ruợu uống ngàn ly thôi cũng thế

      ngất ngưởng mình anh một cõi chơi”

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng Mai Thảo)


      “Em mang tiếng hát vào đời

      cho mình nguồn hứng cho người niềm vui

      cũng là góp chút vẽ vời

      quên đi những cái mệt nhoài vô duyên”

      (Nguyễn Đông Ngạc, tặng Nguyên Ngọc)

      “Con ta chết tuổi thôi nôi

      cha ta ngồi chết nụ cười trên môi

      vợ ta mạch máu vỡ đôi

      ta nuôi hai đứa con côi trưởng thành

      quanh ta đồng loại ngổn ngang

      chết bom đạn chết hòa bình không tên

      ta từ cõi chết ngoi lên

      cái tâm ta bỗng bình yên lạ thường”

      (Nguyễn Đông Ngạc tặng Nguyễn Đông Ngạc)

      Riêng cá nhân tôi khá giàu kỷ niệm với Nguyễn Đông Ngạc. Đặc biệt nhất là những chuyến đi chơi bên ngoài thành phố Montréal.


      Năm 1991, tuy không tha thiết nhiều với những tổ chức hội đoàn, nhưng nhân đại hội Văn bút Việt Nam Hải Ngoại được tổ chức tại Toronto (trước đó được tổ chức tại Montréal), chúng tôi ham vui, rủ nhau tham dự. Chuyến đi này cũng là lần đầu tiên tôi đến thành phố Toronto, một thành phố lớn nhất nước Canada, và có vị trí thứ nhì của thế giới, sau New York, nên tôi rất háo hức. Phương tiện di chuyển là chiếc Chevrolet hai cửa, hai màu đỏ, trắng. Tài xế cũng là chủ nhân, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc. Khách hàng của anh gồm chị Nguyên Ngọc, vợ chồng tôi và nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân. Trước khi khởi hành, Ngạc xem bản đồ, ghi chú ngắn gọn lộ trình, điểm đến trên một tấm giấy cứng bằng bàn tay, dán gần tay lái. Trước khi đến đường Décarie, để vào xa lộ 40 Est, Ngạc không quên ghé dépanneur trên đường Côte des Neiges để mua nhiều loại vé số 6/49, Banco, Super 7... Chơi vé số cũng là một cái ghiền của ông bạn tôi.


      Chuyến phó hội của chúng tôi đến nơi vừa kịp bắt tay nhà văn Nguyễn Văn Sâm, nhà thơ Vi Khuê trước khi nhập tiệc tại nhà hàng Việt Nam của cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Tiết. Sở dĩ có sự chậm trễ vì Nguyễn Đông Ngạc ghé vào vài trạm dừng bên đường để nghỉ ngơi, rít khói pipe. Thêm vào đó cây lá mùa thu đã cù rủ ông nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân, yêu cầu dừng lại, bắt vài tác phẩm.


      Tôi còn đi với Nguyễn Đông Ngạc đến Toronto nhiều lần khác sau này. Có lần anh kéo về ngủ lại tại nhà Loan, em gái anh ở Mississauga. Có lần chúng tôi ngủ tại quán rượu Temptation của Phạm Đình Cường. Nguyễn Đông Ngạc còn đưa tôi đến thủ đô Ottawa, thành phố Québec. Chuyến đi Québec có cả vợ chồng nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Vui. Rất vui. Ngạc xúi tôi mang về từ chợ trời ở thành phố có phong cách Pháp này một cái ghế xoay bằng da nặng nề. Cái ghế ngày nay vẫn còn có mặt trong gagare nhà tôi. Qua những lần cùng đi chơi xa, tôi biết Nguyễn Đông Ngạc rất thích lái xe đường trường, thích tốc độ nhưng rất ưa dừng dọc đường. Có lần anh làm chúng tôi hết hồn vì vào nhầm một trạm chuyên dành cho giới tài xế xe tải hạng nặng. Những cặp mắt hảo hớn bậm trợn cũng rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của chúng tôi, may không có gì đáng tiếc xảy ra.


      Vào một chủ nhật, ngồi uống cà phê tại quán phở 89 trên đường Van Horne của một người em gái Ngạc, anh đề nghị tôi kết nghĩa huynh đệ với anh. Thú thật tôi đã ấm ớ cho qua chuyện nhưng với Ngạc, từ đó anh xem như là một người anh. Anh thường lưu ý tôi về sức khoẻ, về chuyện cẩn thận khi lái xe, bớt thức đêm, linh tinh đủ thứ chuyện. Anh cũng chính là người xúi tôi nghỉ việc, ăn thất nghiệp, nghỉ ngơi vui chơi một thời gian. Giao thiệp với Ngạc lâu ngày, tôi nghiệm ra, ... không riêng gì tôi, ai anh cũng quan tâm lo lắng. Sau cái chết của người bạn nghiên cứu sử Nguyễn Khắc Ngữ, ông anh Nguyễn Đông Ngạc thẳng thắn bày tỏ cùng tôi và các bạn văn khác về sự quan ngại của anh đối với những người bạn cao tuổi hơn. Những Mai Thảo, Thái Tuấn, Phạm Duy... là những người anh muốn thực hiện một cái gì đó cho họ để nhớ đời. Chưa kịp thực hiện những ước muốn, sự ra đi của hai nhạc sĩ trẻ tuổi hơn, Hoàng Xuân Giang (em nhà thơ Hoàng Xuân Sơn) và Hoàng Phúc đã làm cho Nguyễn Đông Ngạc mất rất nhiều niềm tin trong cuộc sống. Mặc dù đang rất khỏe mạnh, bình thường, anh lo chạy thử nghiệm, tìm bệnh cặn kẽ. Anh không quên đốc thúc tôi đi kiểm tra sức khỏe. Tôi là chủ nhân một thân thể giàu có những mầm bệnh, năm nào cũng hết cảm đến cúm, hết cúm đến nhức mỏi, nhưng việc đi bác sĩ, đến bệnh viện là chuyện bất đắc dĩ, hơn nữa tôi tin vào truyền thống sống lâu của gia tộc, nên tôi ít lo cho tôi, hơn Ngạc lo cho chính anh.


      Tuần lễ cuối tháng 2 năm 1996 nằm vào tháng chạp năm Hợi, đất trời Montréal bất ngờ đẹp ra. Cảnh sắc mang đầy đủ vóc dáng những ngày cuối năm ờ miền trung Việt Nam. Nắng trong veo. Gió thoảng nhẹ. Cái ấm ở mức cộng 10 độ C, cùng với cái vắng lặng trên các con phố quanh quẩn nơi tôi cư ngụ, đã cho tôi cái cảm giác đang đi đứng, hít thở giữa quê nhà. Không riêng gì tôi, Lý cũng bày tỏ đã cảm nhận được như thế. Dễ hiểu thôi, thân xác của cô nàng đang ở Montréal, nhưng một phần hồn vía đã theo chân đứa con gái đầu lòng về thăm quê ngoại, sau mười một năm xa cách. Chưa có năm nào chúng tôi nao nao nhớ về những mùa tết xa xưa ở quê nhà như năm nay. Nhưng khác với mọi năm, chúng tôi quyết định không dạo chơi trong khu Hội chợ Tết của người Việt, mặc dù năm nay, giờ khai mạc rất lý thú, rơi đúng vào giờ giao thừa ở quê nhà.


      Còn hơn 13 giờ nữa, đồng bào tôi mới bắt đầu khai pháo đón xuân tại Complexe Desjardins, đám con chúng tôi đã mang về nhiều băng vidéo chủ đề xuân và tết, được thực hiện tại Hoa Kỳ, Việt Nam. Ngay sau lúc Lý hoàn tất việc cúng rước ông bà, chúng tôi quây quần bên bàn ăn, vừa nhâm nhi bánh mứt, uống trà, vừa thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ trên màn ảnh tivi. Đúng vào lúc Việt Dzũng giới thiệu nghệ thuật làm pháo ... thì điện thoại reo:


      - Anh Hoán ơi, anh Ngạc... anh Ngạc... ảnh bị ngã... đưa đến bệnh viện Jean Talon... ảnh bị hôn mê luôn...


      Tôi hỏi thêm chị Nguyên Ngọc một vài chi tiết, rồi cả nhà kéo đến bệnh viện. Đã 22 giờ 45, cửa chính bệnh viện đã đóng, chúng tôi tiến đến cửa cấp cứu. Nhân viên gác cửa không cho chúng tôi vào, cũng không quên cho biết tại phòng Ngạc đang nằm đã có quá nhiều người. Tôi bồn chồn, bứt rứt xưng là em của bệnh nhân và nhẹ lời năn nỉ. Sau vài giây lưỡng lự, anh nhân viên trực cho tôi và Lý vào một phòng đợi, gần phòng nằm của Ngạc. Tôi gặp mấy người em của Ngạc, hai đứa con gái của anh cùng nhiều khuôn mặt lạ. Tôi đọc được những nét lo âu trên nét mặt mỗi người. Chúng tôi yên lặng chờ, thay phiên nhau, hai người một lúc được vào thăm Ngạc.


      Khi tôi nắm bàn tay không vướng víu những ống dây chuyền máu, chuyền nước biển của Ngạc, tôi lạnh người dù tay Ngạc còn rất ấm. Tôi bóp nhẹ từng đầu ngón tay anh như gởi những lời nhắc nhở, khích lệ, tiếp sức sự chiến đấu với thần chết. Hơi Ngạc thở hình như không đều, đôi mắt anh nhắm kín. Anh không hề biết đứa em chưa chính thức kết nghĩa đang đứng cạnh anh. Tôi chợt nhớ đến Hoàng Phúc, tự nghĩ không lẽ mình vẫn có duyên đứng nhìn bè bạn hấp hối. Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp và quay ra. Tại phòng đợi, tôi trấn an chị Nguyên Ngọc, nhưng tôi cảm biết người bạn tôi không còn bao giờ mở mắt nhìn chúng tôi lần sau cùng. Tôi cố gắng bình tĩnh trước sự bất lực của mình.


      Bệnh viện tin cho gia đình biết đã bất lực và đề nghị gia đình nên cho cắt các nguồn trợ lực hơi thở của Ngạc càng sớm càng tốt. Mẫu thân anh cương quyết: “U đẻ nó ra, u không thể giết nó”. Chị Nguyên Ngọc cũng như các người em của anh cũng không dám. Cuối cùng mẹ Ngạc bảo chờ cô em út của Ngạc từ Toronto về quyết định, vì cô em này được Ngạc thương nhất nhà và cô cũng rất thương kính anh. Nhưng Ngạc đã tế nhị không để trách nhiệm nặng nề cho cô em. Anh thở hơi cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 21 tháng 02 năm 1996. Anh ra đi vì tai biến mạch máu não. Tai nạn khởi điểm trong lúc anh từ bàn ăn tiến vào bếp để xem lại một món ăn đón tết. Ngạc qua đời trước thời gian đủ để ghi trên cáo phó, chia buồn một chữ thọ. Anh thiếu một năm, đành yên phận hưởng dương ở tuổi 59. Giờ phát tang dành cho gia đình anh, tôi có mặt, lặng lẽ ngồi ở một góc phòng, hít mùi thơm khói hương. Tiếng tụng kinh, tiếng chuông mõ hình như càng ngày càng gần với tôi. Lễ hỏa thiêu Ngạc sau đó, tôi tham dự đưa tiễn như một chiếc bóng vô tình. Từ Nguyễn Khắc Ngữ, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Phúc và nhiều người khác không nằm trong giới văn nghệ mà tôi tiễn đưa, hình như đã giúp tôi có sự bình tĩnh hơn trước sự ra đi vĩnh viễn của đời người.


      Trong thời gian còn sống, Nguyễn Đông Ngạc đã góp một tay cho Chân Dung Thơ Luân Hoán hoàn thành. Anh để lại cho tôi, cho bạn đọc bài Một Tấm lòng Thơ Qua Hơi Thở Việt Nam, Đưa Nhau Về Đến Đâu, Ngơ Ngác Cõi Người, Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ... Anh kết thúc bài nhận định ưu ái của anh bằng 12 câu lục bát:

      “Đọc xong Ngơ Ngác Cõi Người

      Ta nghe ngơ ngẩn ngậm ngùi cõi ta

      Cõi nào cõi ấy xót xa

      Đục trong riêng cái bao la cõi lòng

      Đoạn đời còn lại chưa xong

      Bạn còn khúc cuối tấm gương nòi tình

      Cõi này hẳn bạn phiêu linh

      Mây mưa trăng gió một mình rong chơi

      Còn đây Ngơ Ngác Cõi Người

      Ta còn ngơ ngẩn ngậm ngùi cõi ta

      Cảm ơn bạn tới thăm nhà

      Tặng thơ, từ đó lòng ta nhói hoài (NĐN)

      Là một người chuyên làm thơ, hay viết lăng nhăng tặng bạn bè, nhưng trước ngày Nguyễn Đông Ngạc chứng tỏ sức khỏe của anh thua tôi, tôi chỉ viết tặng anh 4 câu không mấy gì xuất sắc:


      “Thiếu tuổi để được về hưu

      dư tuổi để được ngược xuôi với đời

      thôi thì trà rượu cầm hơi

      trung niên là tuổi chịu chơi nhất mà”


      Ngày làng văn Việt Nam hải ngoại mất đi ngọn bút Nguyễn Đông Ngạc, tôi được 55 tuổi. Một vài giọt nước mắt của tôi vẫn rất trong. Tôi muốn biến chúng thành những vần điệu, nhưng không làm nổi. Đầu rỗng, lòng rỗng, cầm bút, nghĩ đến Ngạc, bên tai tôi lại vang lên giọng nói ẩm ướt của chị Ngọc: Anh Hoán ơi, Anh Ngạc bị ngã... đến bệnh viện... hôn mê luôn...Và thấp thoáng trước mặt, đôi mắt đăm chiêu, buồn bã, bất lực của một người mẹ, lẫn lộn với cái dáng bề thế, lạnh lùng của bệnh viện Jean Talon, thơ thẩn dường như trốn chạy sự chết chóc. Nhưng thơ trốn không lâu, một chiều, kẹt đường, tình cờ dừng xe ngay cửa bệnh viện. Tôi ngước nhìn lên nơi Ngạc từ chối cuộc sống, những câu lục bát đổ ập tới.

      “Thảnh thơi đánh một giấc tròn

      mặc thân nhão nát mặc hồn loãng ra

      dễ gì làm được con ma

      mà thu lễ vật người ta cúng mình

      sợi hương, sợi khói, sợi tình

      cũng bay vô nghĩa miếu đình cho vui

      đi trơn tru một kiếp người

      không gây ân oán, không thù hận ai

      kể như đáng mặt nhân tài

      lòng trong như gió thoảng ngoài thiên thu

      mai sau, rủi, lại làm người

      vẫn xin tiếp tục nói cười hồn nhiên

      sống thanh nhàn, chết bình yên

      bạn tôi, coi bộ thành tiên không chừng!”

      Mùng một tết năm Bính Tuất rơi vào ngày chủ nhật, 29 tháng 1 năm 2006, là ngày giỗ thứ 10 của Nguyễn Đông Ngạc, vợ chồng chúng tôi muốn ghé đến chúc thọ thân mẫu anh, luôn tiện thắp cho anh một nén nhang, nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được. Cú điện thoại gọi sớm để mừng đầu năm của thân mẫu Ngạc đã chợt làm tôi bỏ ý định, chẳng hiểu vì sao. Hôm nay ngồi ghi đôi dòng kỷ niệm với người bạn quá vãng, tôi không khỏi ngậm ngùi. Chiếc hộp quẹt S.T. Dupon, Paris sản xuất từ Pháp xưa cũ, quí giá Ngạc đã dùng trong suốt mười mấy năm rồi ngẫu hứng cho con trai út tôi vẫn còn đây. Màu vỏ đậm đà sắc nước biển được bọc những đường vàng sắc nét, hằn đậm dấu thời gian nhưng không che được vẻ sang trọng mặn mà. Tôi cầm nó trong tay, thảng thốt như cầm được bàn tay Ngạc. Những lần tay bắt mặt mừng đã đi qua. Mười năm đâu phải là ngắn. Người bạn vàng của tôi đã đi đầu thai chưa? Cầu mong anh đã không ăn cháo lú, để nhớ mãi một thời An Lạc Cốc. Một thời bằng hữu thơ văn. Còn tôi, kỳ lạ, chưa qua cầu Nại Hà, sao trí nhớ sớm hao hụt? Sắp xếp, bày biện những kỷ niệm vốn giàu có sao lại rất vụng về, đơn giản đến thế này. Tiếc thay!


      Luân Hoán

      Nguồn: luanhoan.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tưởng Năng Tiến Luân Hoán Tâm bút

      - Chu Vương Miện, Thơ Với Cuộc Chơi Loanh Quanh Giữa Chợ Luân Hoán Nhận định

      - Hà Nguyên Thạch Còn “ngại hồn bay”? Luân Hoán Hồi ức

      - Nguyễn Đông Ngạc, ngọn pipe chợt tắt trên môi Luân Hoán Hồi ký

      - Ngôn Ngữ, Tin Cuối Trước Khi In Luân Hoán Giới thiệu

      - Ngôn Ngữ, Tin Đầu Tiên Luân Hoán Giới thiệu

      - Tạp Chí Trước Mặt Luân Hoán Tạp bút

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)