|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Mùa Thu đang về.
Đêm hôm qua một cơn mưa nhỏ. Buổi sáng sớm, vừa mở cửa bước ra là gặp ngay một ngọn gió nhẹ se se lạnh lướt tới. Rồi những ngày rét mướt sẽ đến, tôi thầm nghĩ. Tuổi đã lớn, tôi “hạp” với mùa hè hơn. Bầu trời bàng bạc một màu mây trắng đục. Như những hình chữ V, mấy cánh chim chấp chới xa xa, khi ẩn khi hiện. Vài vũng nước loang loáng trên lối đi trước nhà. Những chậu cây ngoài hiên, khác với mọi ngày, xanh hẳn lên. Long lanh trên kẽ lá, trên cánh hoa, những giọt sương nhỏ li ti.
Sương cũng tụ lên mái nhà, đọng bên thềm. Một câu thơ bỗng dưng hiện lên trong trí nhớ: Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu [1] Lẩm nhẩm đọc lại toàn bài thơ nhan đề Thu của Xuân Diệu. Câu đầu và câu cuối làm rực rỡ cả mùa thu. Thu của Xuân Diệu quả là hiếm hoi. Nó trong sáng, tươi thắm, êm đềm khác hẳn Thơ Mùa Thu sầu muộn từ xưa đến giờ, từ Đông sang Tây. Và, như một nguyên lý, thi nhân làm nhiều thơ vào mùa thu.
Thi hào Đỗ Phủ đời Đường làm một loạt tám bài thơ Thu Hứng vào mùa thu năm 766 khi ông lưu lạc ở vùng Tứ Xuyên, đất Thục. Bài nào cũng hay. Xin trích dẫn bài thứ nhất do Phan Huy Vịnh (dịch giả Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị) dịch ra thơ tiếng Việt:
Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa
Khóm trúc tuôn rơi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành quách dồn châm bóng ác tà [2]
Một Mùa Thu tiêu sơ, tan tác, và buồn thảm. Đấy là Thu Đông Phương vào giữa thế kỷ Thứ Tám.
Tây phương cũng không khác mấy. Hơn 1000 năm sau Đỗ Phủ, Điệu Thu Ca [3] của thi sĩ người Pháp Paul Verlaine hay bài Tụng Ca Cơn Gió Tây [4] của thi sĩ người Anh Percy Bysshe Shelley vào thế kỷ thứ 19 cũng ảo não, thê lương không kém.
Thế Mùa Thu và Thơ Mùa Thu trên quê hương ta?
Nói đến thơ không thể không nghĩ đến Nguyễn Du. Mùa Thu trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh vào nửa đầu của thế kỷ 19 là mùa thu của những cô hồn vất vưởng, vô danh, không nơi nương tựa. Bài Văn Tế khá dài, dưới đây là bốn câu đầu tiên:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay mấy chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Trong Truyện Kiều, Mùa Thu cũng đến mấy lần. Lần thứ nhất, một mùa thu buốt giá, xám ngắt trùm lên số kiếp của người giai nhân một mình bỏ lại sau lưng cuộc đời êm ấm bên cha mẹ và hai em. Con đường bạc mệnh bày ra trước mắt:
Nàng thì dặm khách xa xăm
Bạc phau cầu giá đen dầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người
Một lần khác, cũng vào mùa thu khi rừng phong nhuốm màu quan san, lá phong nhuộm vàng, Kiều tiễn đưa Thúc Sinh. Sẽ xa nhau trong một năm tròn sau buổi chia tay? Không, nàng sẽ không bao giờ được nối lại duyên cũ dù có gặp lại người xưa trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Chén đưa không phải để nói lời tạm biệt, mà là vĩnh biệt:
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn lau xanh
Ôn Như Hầu, rất nhanh chóng, khởi đầu tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc bằng ngọn gió vàng hiu hắt:
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Gió vàng là gió thu. Lá vàng ta đã gặp trong Truyện Kiều, nay gió thu vàng trong thơ Nguyễn Gia Thiều. Mà nắng thu cũng vàng, như trong thơ của Huy Cận:
Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẻ để tơ chùng
Vâng, nắng mùa xuân hồng, nắng mùa hạ đỏ, nắng mùa thu vàng, nắng mùa đông tím. Cơn gió vàng hiu hắt đầu tiên ấy sẽ gắn liền với cuộc đời lạnh lẽo còn lại của người cung nữ.
Cung Oán Ngâm Khúc khiến liên tưởng đến Chinh Phụ Ngâm, một tác phẩm cổ điển giá trị khác được viết gần như đồng thời, khoảng giữa thế kỷ 18.
Trong cơn gió thu ào ào, chinh phụ tiễn chinh phu ra chiến trường. Hãy khoan nói đến những nỗi khổ của nàng về sau -- trông ngóng, đợi chờ, hết năm này đến năm khác; buổi chia ly diễn ra trong tiếng trống trận, đoàn quân rong ruổi, hàng cờ bay phất phơ, tiếng địch đồng vọng. Thật là hào hùng:
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn dáo vào ngàn hang beo
...
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu
Nhưng giữa những náo nhiệt đó là tiếng than nhỏ nhẹ, ai oán:
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng
Lại Mùa Thu biệt ly.
Khoảng gần 200 năm sau Chinh Phụ Ngâm, Đôi Bạn của Nhất Linh ra đời. Khung cảnh cũng là mùa thu. Lại mùa thu. Hai nhân vật chính không phải là chinh phu và chinh phụ. Họ là hai người trẻ tuổi sinh ra để yêu nhau, để sống bên nhau trọn đời. Đôi Bạn là một tiểu thuyết, cốt truyện rất đơn giản, hay đúng hơn, cốt truyện không quan trọng, chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Cái nhan đề Đôi Bạn dễ khiến ta nghĩ đến chuyện sum họp, vui vầy. Nhưng không, Đôi Bạn là Biệt Ly, là một bài thơ xuôi rất dài, rất cảm động. Bài Thơ Biệt Ly.
Đôi Bạn bắt đầu bằng hình ảnh thu về tại một làng quê:
--Trời muống trở rét ...
Nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu nói ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời ... Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thật là lúc bắt đầu mùa thu.
Và kết thúc bằng nỗi nhớ xa xôi trên đất khách:
Tiếng nhạc ngựa ở đâu vẳng tới, giòn và vui trong sự yên tĩnh của buổi chiều. Trước mặt hai người, về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần ...
Phần chính của Đôi Bạn, như đã nói, là Biệt Ly. Mỗi lời nói nửa chừng, mỗi dáng điệu ngập ngừng, cả cái nhìn bối rối, cả cái hình ảnh “một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời”, hay “cảnh bến đò bao giờ cũng buồn”, hay “chàng không dám nghĩ đến một đời ở xa Loan, nay đây mai đó như Tạo, rồi một ngày kia cũng như Tạo chết một nơi xa lạ nào, nằm trong áo quan tối, trong khi Loan đứng bên mồ, dưới ánh nắng, tà áo trắng của nàng phấp phới trước gió”, hay cả một mẩu chuyện nho nhỏ không đâu, “Một cơn gió thổi lùa qua cửa sổ chấn song chỗ Loan ngồi; trong gió Loan thoáng thấy mùi đất và mùi gỗ mục ở vườn sau đưa vào. Một cảm giác trơ trọi trước cuộc đời làm cho lòng nàng se lại, nàng nhìn Dũng nói: Gió lạnh như gió mùa đông”, hay ngay cả khi chàng được gần gũi nàng, “Tiếng nói của Loan nghe trong căn phòng ấm áp thốt nhiên gợi Dũng nghĩ đến cảnh một người phiêu lưu ngủ trọ trong quán hàng nước ở một bến đò xa vắng, đêm khuya lạnh sực thức dậy nghe tiếng mưa rơi trên sông và nhớ tới người yêu ở quê cũ” v.v ... tất cả đều là những đồng vọng của ly biệt. Và chút lãng mạn nữa chăng.
Ngày xưa, người chinh phu hiên ngang lên đường tòng chinh những mong mau lập công đầu để trở về với người vợ chờ. Nay, vào thời cuốn Đôi Bạn ra đời, tổ quốc sống oằn mình dưới ách nô lệ, chàng đành phải thầm lặng, lẫn lút ra đi làm một cái gì cho đất nước, để lại người yêu một mình ở quê nhà xa xôi, chẳng hề mong ngày trở lại.
Một thi sĩ nổi tiếng khác, Nguyễn Khuyến, trước Nhất Linh hơn nừa thế kỷ, lại có vẻ an nhiên tự tại trong Thu Điếu [5]. Rất nhiều hình ảnh xuất hiện cùng một lúc trong một bài thơ ngắn: Chiếc ao, chiếc thuyền, dòng nước, gợn sóng, làn gió, lá vàng, đám mây, ngõ trúc, cần câu, chiếc gối. Rất nhiều nhưng bình lặng, yên ổn không hề quấy rối ông lão đang ngồi yên trầm tư cho đến khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Tiếng cá đớp động hẳn là mơ hồ nhưng dường như khiến ông già thảng thốt.
Vậy câu cá chỉ là cái cớ. Một mùa thu mênh mông choáng ngập tâm hồn ông lão mới là điều đáng nói [6]. Cũng nổi bật lên là hình ảnh chiếc lá vàng bay vèo trước gió. Nó sẽ bị đưa đi đâu trong khi mọi thứ khác vẫn tồn tại trước mắt ông. Một chia lìa. Khung cảnh toàn bài đều êm êm, nhẹ nhàng, trừ chiếc lá vàng đưa “vèo” đột ngột:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Gần ta hơn, trước Nhất Linh không đầy 20 năm, Tản Đà băn khoăn vì “Ngọn gió thu phong”: Gió mang chiếc lá bay ngang từ hàng xóm. Phải chăng chiếc lá vàng đó, trong tâm tưởng của nhà thơ, là hình ảnh người tình phụ bạc, xa lìa. Nhưng ai xui khiến thiếp phụ chàng vậy? Lá vàng xui khiến, gió thu xui khiến, Mùa Thu xui khiến:
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng
Lá bay hàng xóm lá bay ngang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Trải qua bao nhiêu năm tháng, mùa thu của lá vàng và biệt ly vẫn là nguồn cảm xúc không bao giờ cạn của người làm thơ, dù Nàng Thơ nhiều lúc mang những dáng dấp khác nhau. Nhà thơ Tân Hình Thức Phạm An Nhiên trong bài thơ Bài Tháng 10 [7] khá dài, đã nhớ một Mùa Thu đầy xúc động, có gió heo may, có nước mắt, và nhiều kỷ niệm của khung trời rất cũ. Tháng 10 rồi cũng qua đi như bài tình ca viết dở. Dưới đây, vài đoạn:
Tháng 10, nồng nàn hơi thở,
bờ môi em và hương mùa
thu, những con đường đầy gió
heo may. Heo may vừa trở
lạnh, thèm lắm một bàn tay.
Trên lối về ngơ ngác, những
hàng cây thân quen bây giờ
bỗng lạ, đứng chụm đầu nhìn
nhau vô cùng tội nghiệp ... Tháng
10 ...
Trên những bước đi ứa đầy
nước mắt, tình yêu không đủ
nuôi nấng nỗi buồn em, khi ...
Đêm vẫn xanh trên dòng
sông, nửa vầng trăng soi mình
trên sóng nước. Có em về
giữa tháng 10 và mùa thu ...
Một trường hợp lạ lùng vừa mới xẩy ra. Một nhà phê bình văn học nổi tiếng bỗng dưng, trước sự ngạc nhiên của mọi người, biến thành một nhà thơ độc đáo viết cả nghìn bài thơ mà ông gọi là Thơ Ba Dòng. Đó là Nguyễn Hưng Quốc. Xin trích vài bài Thơ Ba Dòng có liên quan đến Mùa Thu:
Mùa thu, nghe thơ nhạc nhắc
Lá buông cành
Rơi
...
Một cánh chim bay đi
Để lại tiếng hót
Làm vàng hoàng hôn
Sắc màu của lá vàng, của nắng, của gió, của hoàng hôn, cùng với sự chuyển động, rơi rụng, chia lìa, biệt ly, và cùng với nỗi buồn khó tả, đấy là những vang vọng không bao giờ dứt trong hầu hết Thơ Mùa Thu từ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, qua Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Bích Khê ... đến Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh, Huy Cận, Đinh Hùng ... và nay Phạm An Nhiên, Nguyễn Hưng Quốc.
Riêng Bích Khê, thuộc trào lưu Thơ Mới tiền chiến, trong hai câu cuối của bài thơ Tỳ Bà toàn âm bằng trích dẫn dưới đây, còn muốn nói gì nữa khi mô tả thu mênh mông? Nỗi buồn đè nặng khiến lá ngô đồng rơi, mở ngõ cho thu về? [Và lá rơi, buồn cũng rơi theo? Không, không còn chiếc lá nào nữa. Lá ngô đồng đã hóa thân thành màu sắc, màu vàng, rơi rơi. Chỉ còn màu vàng rơi cùng một lúc với nỗi buồn trong thu mênh mông. Hay là thu mênh mông khiến cho màu vàng rơi xuống từ trời cao? Hay là màu vàng rơi cùng nỗi buồn đã tạo nên thu? [8]
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông
Vàng, rơi, buồn, và thu hiếm khi tách rời nhau.
Ngự Thuyết
9/2023
- Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng Ngự Thuyết Giới thiệu
- Mùa Thu Ngự Thuyết Tạp bút
- Khái Hưng và Trường Can Hành của Lý Bạch Ngự Thuyết Giới thiệu
- Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ Tiên Phong Ngự Thuyết Nhận định
- Mối Tình Đầu hay Thử Nhìn Lại "Đây Thôn Vỹ" của Hàn Mặc Tử Ngự Thuyết Bình luận
- Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng Ngự Thuyết Tham luận
• Nhà văn Ngự Thuyết - Đến với văn chương trễ nhưng không chậm (Triều Hoa Đại)
- ‘Mẹ’ của Ngự Thuyết (Trần Doãn Nho)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Mùa Thu (Ngự Thuyết)
• Khái Hưng và Trường Can Hành của Lý Bạch
(Ngự Thuyết)
• Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ Tiên Phong (Ngự Thuyết)
• Mối Tình Đầu hay Thử Nhìn Lại "Đây Thôn Vỹ" của Hàn Mặc Tử (Ngự Thuyết)
Bài viết trên mạng:
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |