1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Lý Thừa Nghiệp, Lung Linh Hoa Tạng Hát Một Khúc Thiền Ca (Ngô Nguyên Nghiễm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-11-2020 | VĂN HỌC

      Lý Thừa Nghiệp, Lung Linh Hoa Tạng Hát Một Khúc Thiền Ca

        NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà thơ Lý Thừa Nghiệp

      Thời gian bước đi thần tốc với những biến dịch trọng đại suốt đời sống con người không ngờ trước được. Thấm thoát, đã hơn 30 năm đằng đẵng trôi qua, đến giữa mùa thu 2005, tôi mới diện kiến lại nhà thơ Trầm Mặc Nghệ Thế. Mọi sự thay đổi chóng vánh, trước thế sự, trước tâm linh, làm ngơ ngác bước đi của bao nhiêu tâm thức, dù đã được định vị trong sự khai nguyên của đức tin và trầm lặng đời người. Tôi mang trong trí nhớ, nhân dáng lãng bạt đầy trực tính của một nhà thơ đồng bằng Nam bộ này. Ở thời buổi dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, Trầm Mặc Nghệ Thế đã chất trên vai áo nét sống cho thơ đầy bản lĩnh khuynh khoái, phiêu du, đầy ngã chấp của một bản thể rặc  tính bản địa sông nước đồng bằng.


      Bên cạnh, những bằng hữu thân quen tài hoa của vùng châu thổ biên cương, Trầm Mặc Nghệ Thế là một cây bút sánh vai cùng những nhân tài bấy giờ như: Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Dũng, Lê Trúc Khanh, Tô Nhược Châu, Phạm Trích Tiên, Trần Kiêu Bạt, Nguyễn Cát Đông, Lê Triều Điền, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Thành Xuân, Trịnh Bửu Hoài, Lưu Nhữ Thụy, Yên Bằng, Nguyễn Tôn Nhan, Lưu Vân, Chu Ngạn Thư... Trong giai đoạn, tại Sóc Trăng thập kỷ 60-70, của thế kỷ XX, sự nở rộ của phong trào văn nghệ địa phương, có thể kể, ngoài Tiếng Động Mùa Hạ của Trần Như Liên Phượng, Lan Sơn Đài, Triều Uyên Phượng... khi có thêm một Cung Thương Miền Nam, với Lâm Hảo Dũng, Mạc Huyền Thương (Trần Phù Thế), Nguyễn Lệ Tuân, Triệu Ngọc, Lưu Vân, Trần Biên Thùy và nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi của Vũ Ngọc Đức, Trương Thanh Thùy, Phù Sa Lộc, Trầm Mặc Nghệ Thế, Võ Minh Đường... là ba kỳ công đóng góp nhiều dấu ấn cho nghệ thuật, tạo được cho hướng tiến văn học Sóc Trăng thêm tài hoa, lịch lãm. Nhà văn hóa văn học kỳ cựu như Nguyễn Tử Quang, và lớp kế thừa là những bút nhóm kể trên, đã lập dựng được nền văn nghệ với nhiều văn nghệ sĩ nổi danh trong và ngoài nước.


      Tôi biết Trầm Mặc Nghệ Thế qua một số bài vở đăng trên Khơi Dòng, Tham Dự... tuyển tập Lá, và các tạp chí văn nghệ Sài Gòn... Đó là cách thức giao duyên sơ khởi, của những người làm văn nghệ trẻ đương thời, gặp gỡ nhau qua văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình. Dĩ nhiên giai đoạn cùng cực của đất nước, sự giao tế chỉ trông mong tương ngộ bằng cách giao lưu trên sách báo, điều đó cũng làm mãn nguyện lúc ban đầu, bằng sự tương giao cách cảm. Biết tên tuổi nhau, khi kỳ duyên gặp gỡ, tay bắt mặt mừng đã xem như tri kỷ ngàn đời. Hơn nữa, tôi và Trầm Mặc Nghệ Thế còn có chung một tri kỷ tài hoa, kỳ dị và lãng bạt không ai bằng là nhà thơ Trần Kiêu Bạt. Ngôi nhà của Bạt, là một tụ điểm văn nghệ đầy sinh khí diệu kỳ, cho tất cả bằng hữu bốn phương. Mỗi lần, cất bước về đây, hầu như mọi gánh ưu phiền, xa xứ, xa quê, được gói trọn lại trong hành trang, để được xem lãng tử quy cố hương.


      Hai tính nết của Trần Kiêu Bạt và Trầm Mặc Nghệ Thế giống nhau ở chỗ, đầy vẻ kiêu hùng, lãng đãng của những tâm hồn phóng khoáng, tạo dựng một sự vững bền, kiên định và khôn ngoan dù là với xã hội hay văn học. Nhưng tính bộc trực của hai nhà thơ dù ít nhiều có dáng dấp tương đồng nhưng Trần Kiêu Bạt có vẻ khu trú thầm lặng, nhốt gió trong lòng hơn một hình ảnh tương giao Trầm Mặc Nghệ Thế. Năm đó, Trần Kiêu Bạt và Trầm Mặc Nghệ Thế đã có vai trò ngang  ngửa nhau trên văn đàn và lòng tin yêu của bạn bè, hai chàng rực rỡ với hình ảnh sáng hóa, tài hoa và lãng tử. Chính vậy, sự tương đồng làm tình bạn của nhau thắt chặt như huynh đệ chi giao, kính yêu và tôn trọng trong mọi tình tiết, giao thiệp, luận đàm, sáng tác...


      Tôi nhớ ngày 19.01.1974, lúc Lê Trúc Khanh xây dựng một chương trình cho quán cà phê Về Nguồn tại 93 Tạ Thu Thâu - Cần Thơ, với sự trợ giúp của Nguyễn Cát Đông và tôi, chủ yếu tạo nơi sinh hoạt cho anh em trẻ ở Cần Thơ và Miền Tây. Năm đó, tôi có chuyển khoảng 2000 đầu sách, tác phẩm tự lực của anh em văn nghệ trẻ khắp miền về triển lãm chung tại đây. Ngoài ra, chương trình có giới thiệu hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, hoa giấy, tranh thêu Bích Đàn... Phần đông tôi vay mượn nhiều nơi, để giúp phong phú thêm chương trình khai mạc Về Nguồn. Trong đó, ngoài tranh Lê Triều Điển, còn có 2 bức tranh sơn dầu của Hoàng Thụy Kha (Trần Bất Bạt): Âm Thanh Trong Động Đá, và Hoàng Hôn.


      Hai tác phẩm biểu hiện hai trạng thái âm dương khác biệt. Bức Hoàng Hôn, từng nét sơn dầu rực đỏ màu lửa trên một khung trời hoàng hôn nghiêng ngả, hai bành bạch tượng của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị vùng dậy trước hàng loạt mũi tên độc của quân xâm lược Trung Quốc Mã Viện. Còn bức tranh Âm Thanh Trong Động Đá, lại mang mang một sự trầm lặng âm thanh của một người cổ đại với cây đàn đá, trong một huyệt động, âm sắc chan hòa trong màu tĩnh lặng...


      Tất cả 2000 quyển sách, tôi để lại cho Lê Trúc Khanh mượn phục vụ người đọc một thời gian, chỉ đưa về những mô hình văn nghệ khác để hoàn trả các tác giả. Ngày về Sài Gòn kiểm tra lại thiếu 2 bức tranh của Hoàng Thụy Kha, tôi tìm tòi mãi mới ghi nhận mập mờ, còn bỏ sót lại nhà Trần Kiêu Bạt. Tức tốc, bay về Cần Thơ, ghé ngang tư gia của Bạt, thì thấy vỏn vẹn trên vách treo một bức Hoàng Hôn. Tính lãng bạt và bất cần đời, hào phóng trong mọi tình tiết, là cái nhu cầu hình như cần thiết của người miền Nam chăng? Trần Kiêu Bạt cho hay Trầm Mặc Nghệ Thế ghé chơi ngay buổi trà dư tửu hậu của cuộc triển lãm, đã hỏi Trần Kiêu Bạt và được tặng bức Âm Thanh Trong Động Đá. Hai bức tranh, tương phản gam màu, hai ý nghĩa cùng cực của cuộc sống, mà lại tương sinh tương khắc vô cùng, chính vậy với bản chất trực tính, lăng ba vi bộ như Trầm Mặc Nghệ Thế tại sao lại thích ứng với bức tranh tĩnh lặng đầy thiền vị như vậy?


      Từ năm 1974, tôi bẵng đi tin tức của Trầm Mặc Nghệ Thế, một phần chiến cuộc càng lúc càng gay go, mà mọi ngã đường đều cạm bẫy lưu thông khó khăn. Bước du hành từ Sài Gòn về Cần Thơ cũng phải mất một ngày trời, và di chuyển từng giai đoạn, từng chuyến xe, tiêu tốn thời gian hơn...Vì vậy, ở các tỉnh lân cận, không nằm trên trục lộ thường ít có dịp bay ngang. Lúc này, chỉ có Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc là lộ trình chính, nên ở Cần Thơ thường xuyên gặp gỡ Lâm Hảo Dũng, Trần Kiêu Bạt, Minh Nguyễn, Nguyễn Đông Vũ, Lê| Triều Điển, Trần Hoài Thư, Nguyễn Thành Xuân, Ưu Thức (Đặng Thư Cưu), Lê Trúc Khanh, Huyền Vân Thanh, Trần Kiên Thảo...


      Cách biệt khoảng thời gian gần 30 năm, thời gian so với vô thường chẳng có bao nhiêu, nhưng với một đời người như đã đánh mất khoảng nửa cuộc sống. Thắm thoát đó, mà diệu vợi với khoảng cách không-thời gian, nhưng Trầm Mặc Nghệ Thế vẫn an ủi khi gặp bạn ở Sydney: Mặt đất này đâu có chi lớn rộng/ Đi man thiên rồi cũng gặp một ngày. Chính vậy, năm 2005, khi Vũ Ngọc Đức ghé tư gia thông báo Trầm Mặc Nghệ Thế muốn gặp mặt bạn bè sau những năm cách biệt, làm chùn lòng người xa xứ. Bỗng nhiên, hào khí lãng tử một thời bùng cháy trở lại trong tôi, khi ngồi tưởng tượng lại bóng dáng của một chàng làm thơ đầy phong cách kiêu bạt, chí khí vững vàng như núi, tình nghĩa anh em càng làm nao nức buổi hẹn hò. Dáng dấp của Trầm Mặc Nghệ Thế điềm đạm và trầm tĩnh hơn ngày nào, khoác trên vai đãi nhật bình, tư thái đầy vẻ thiện căn, làm tan biến ảnh tượng của những ngày thanh niên tung hoành giữa cõi man thiên. Sự đổi khác một con người từ tư hướng, quan niệm và lẽ sống trong đạo và đời. Tư thái sau thiên niên kỷ mới, mà lần gặp gỡ đầu tiên này sau bao năm cách biệt, Trầm Mặc Nghệ Thế đã giũ bỏ bút hiệu xa xưa, trở lại nguyên hình một cơ địa nguyên khai Lý Thừa Nghiệp, như một hành giả và trên vai một sơ nguyên lưu trú từ hàng năm tịnh trí. Anh tặng tôi thi phẩm Bóng Nước Xao, in tại Australia năm 2005. Sau nhiều năm tôi hân hạnh đọc thêm nhiều tác phẩm của Lý Thừa Nghiệp và nhiều CD phổ nhạc, đầy công phu và tài lực. Sự hy sinh của một người làm văn nghệ, cũng là một lẽ sống cho người, cho mình và góp phần xây dựng một nền văn hóa văn học quê hương.



      Đến nay, thi phẩm Bóng Nước Xao, Lung Linh Hoa Tạng, Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu... định hình, đã đẩy bóng dáng người thơ đi qua cánh cửa chân không, đạo pháp một cách mầu nhiệm. Nhập vai người thừa hành, đi tìm ý chỉ, thơ Lý Thừa Nghiệp đã khoác một lớp áo thiền vị, thấm đẫm ý hơn lời. Chiều sâu của ngôn từ, dù có thanh thoát hơn trong từng thi tập mới nhất, nhưng tụ chung cái thành công của nhà thơ nào cũng vậy, tạo lập cho văn thể một sáng tạo thế giới riêng biệt, từ ngôn từ đến ý từ, và định được lực từ, cho đến một tha tâm thông trên đường quảng bá tư tưởng, vạch một sinh lộ trong 84000 lối đi mà đấng chí tôn đã hướng chỉ. Bởi sinh tử còn vay mượn, thì sự luân hồi làm sao giải thoát, cho nhập được chân nguyên. Phật tâm làm sao tỏ thì y bát vẫn là vận dụng của phù du nhân thế.


      Cuộc hồi sinh chỉ được phối lực của tâm và trí, mà con đường đạo hạnh dẫn lưu hành giả bước đi trên chánh pháp lưu truyền, tạo lập một  hướng hoằng dương minh triết, tương khai đạo vị. Xá lợi tích lũy hằng năm, hằng kiếp mà lửa tam muội tụ thành từ não cân vị pháp, mới từ trong vô lượng đất lành/ dậy lên sắc tướng âm thanh chập chùng/ cuộc sinh tử đó khôn cùng/ mênh mang nhân ảnh bụi hồng mù bay. Bước qua hằng vạn mê đồ, có lẽ nhà thơ đã tĩnh tọa được ý nghĩa chân như, tâm thức lắng đọng trong từng sát na nghiệp lực, đẩy khỏi hồn những căn thức chập chùng ảo vọng của đời người. Cái mê, tỉnh cũng chỉ phù du nhưng bước chân tha nhân vẫn chưa định hướng thì mê lộ là lẽ thường hằng. Và khi biển vỗ không ngừng/Xô tôi nhân quả với từng sát na/ Bến bờ nào đã trôi xa/ Dòng sinh tử thổi bão qua mịt mù/ Bạc đầu ngồi đếm Xuân Thu/ Trường thi một cõi mơ hồ như sương.


      Cái tinh không của thiền vị còn mờ nhạt trong thi tập Bọt Nước Xao, vì còn nhiều cảm tính nhân thế, đầy rẫy những tàn phai, gió rét, sương giăng... mà bao nỗi hư hao, gởi theo gió rét thổi vào hư vô. Thật ra, biểu tượng của thi ca, thì đây là một hình ảnh tuyệt vời của sáng hóa, đưa đẩy cái băng hoại tử sinh hữu hình tràn ngập tan bến với vô hư chân không vô ngã... Sự bày tỏ của nhà thơ trước những chuyển biến trên bước đi giữa con đường đạo pháp, vẫn còn những chân giá trị theo từng bậc thang, từng cuộc đất duyên ngộ bước qua, sự tìm tòi lẽ đạo là điểm chánh của thi tập. Bao nhiêu duyên nghiệp phù thế, từ cảm nhận lúc hóa duyên, từ hình ảnh bạn bè, mẹ già, cảnh trí thiên nhiên, những mùa hoa nở, những trang kinh... để đợi giờ hóa sinh, thì đó là hình thức của một pháp môn Tiệm ngộ mà đến giờ khai thị trên trang kinh, sẽ nở sen vàng:


      Hừng đông trời mờ tỏ

      Vạn pháp trắng hư không

      Trong tâm thể tinh ròng

      Sen đã hồng bát nhã


      Thật vậy, vạn pháp quy tông, bức ngưu đồ đã chuyển hóa cùng cực mà mùa hoa vàng vô lượng tinh khôi trong thái dương sẽ nở vĩnh viễn giữa trọn một mùa hoa. Cái ảo diệu của đạo pháp, là chân không, cái vĩnh viễn vẫn bình yên, là cánh đồng sen phật pháp vô lượng vô biên... như chính nhà thơ chiêm nghiệm trong cơn gió mới thổi suốt mùa thiền định. Thị tập Lung Linh Hoa Tạng có một sắc thái vượt thoát, và cởi bỏ những ràng buộc của vật thể, đưa ý nghĩa chân như rực rỡ suốt cuộc hành trình:

      Ngồi dưới một vầng trăng

      Nghe sương rơi âm thầm

      Trăm năm trò hư ảo

      Sao lạnh tràn thân tâm


      Chong mắt nhìn hư không

      Bốn phương trắng cõi lòng

      Vạn pháp hề! như nhứt

      Trăm sông rót một dòng

      Sự cảm nhận, nhập thể vào bản chất vi diệu của trung đạo phải là sự đồng hóa tinh anh, hòa chung một không khí, một hợp lưu, sát na từng vi tế hóa hiện để không có sự thải trừ vì dị thể, chẳng tương giao. Đi vào đạo vị là sự trang nghiêm hóa hiện, như: cây xanh từ vô thỉ, vẫn điềm nhiên ra bông.


      Trên đường thi ca, có nhiều thi nhân vận dụng chiêu pháp của Thơ để phổ biến đạo pháp. Trường hợp thi hóa kinh Phật của Phạm Thiên Thư qua mấy quyển Kinh Hiền, Kinh Thư, Kinh Ngọc... vận dụng thi ca chuyển luân cho bảy bộ kinh Đại Thừa: Kim Cang, Hiền Ngu, Pháp Cú... để kinh Phật đi thẳng vào hồn người. Trường hợp của Vũ Anh Sương cũng thế, nhưng chính cái trích lược kinh Phật để thi hóa thành thơ là việc làm không nên... Riêng dụng tâm của thiền vị, đạo pháp tự tâm sinh pháp, tự pháp sinh thi, như trường hợp của các nhà thơ qua các thời kỳ thì thi ca hòa quyện trong từng giác ngộ của đẳng cấp từng người. Thơ Lý Thừa Nghiệp có cái chánh đạo như vậy. Tôi đồng ý với nhà nhận định Vĩnh Hảo:

      “Dòng thơ Lý Thừa Nghiệp là dòng sông cuồn cuộn chảy ngang trần gian thống khổ. Ngôn từ lúc sôi nổi, lúc thâm trầm; tứ thơ lồng lộng, bát ngát. Dòng sông này cưu mang tất cả bẩn đục của cuộc đời, nâng lên thành những bọt sóng lao xao, thi vị hóa và tịnh hóa chúng bằng sự cảm nhận sâu sắc nguyên lý vô thường, khổ, không. Hai cõi thơ nhìn theo thể cách của Hoa Nghiêm, tương thông và dung nạp nhau một cách tuyệt vời; và nói theo thể điệu của thi ca, là một kết hợp thơ mộng, hài hòa, ý vị của một thi phẩm đẹp từ cấu trúc đến nội dung. (California, 24.4.2007)

      Khép lại bài viết, sự tán thán cho bước đường tu tập của nhà thơ dĩ nhiên là tạo dựng một hướng đi cho thi ca tải đạo, lập trình một hạnh quả tinh ròng trên bước thiền hành, chống gậy vàng bước qua cõi vô hư: Đường xa chân có mỏi/ Hát một khúc thiền ca/ Dựa lưng cùng đêm tối/ Khép cánh cửa ta bà ...


      Viết tại Thư Trang Quang Hạnh.

      (Nửa khuya, 26.06.2011)


      Ngô Nguyên Nghiễm

      Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi III
      Nxb Thanh Niên, 2011

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Minh Nguyễn, Tình yêu sợi khói mong manh Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Trần Biên Thuỳ, tắm mát dòng sông nước đổ đầy Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Học giả Nguyễn Văn Hầu, Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nam Bộ Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Lưu Vân, Ngựa Hoang Lạc Nẽo Vô Thường Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Dương Trữ La, Bên Kia Một Dòng Sông Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Hư vô, đêm mơ thánh nữ đá vàng tàn phai Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Lê Triều Điển, Cuộc Hành Trình Tìm Lại Chân Tướng Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

      - Ý Niệm Về Quan Điểm Sáng Tác Của Nhà Văn Nguyễn Thị Hàm Anh Ngô Nguyên Nghiễm Nhận định

    3. Bài viết về nhà văn Lý Thừa Nghiệp (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Lý Thừa Nghiệp

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Lý Thừa Nghiệp với CD Thơ-Nhạc "Thực Tại Nhiệm Mầu" (Thiện Hữu)

      Lý Thừa Nghiệp, Lung Linh Hoa Tạng Hát Một Khúc Thiền Ca (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Tiểu sử Lý Thừa Nghiệp  (vinhhao.info)

      Lời Giới Thiệu thi tập Lung Linh Hoa Tạng của TK Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp  (Vĩnh Hảo)

      Đọc thơ Lý Thừa Nghiệp  (Phan Tấn Hải)

       

      Tác phẩm của Lý Thừa Nghiệp

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      - Chân Dung Tự Họa

      - Bài thơ tình cho em

      - Trang thơ Lý Thừa Nghiệp

      - CD Thơ Nhạc "Thực Tại Nhiệm Mầu"

      Tác phẩm trên mạng:

      - diendantheky.net - Hợp Lưu

      - damau.org - sangtao.org

      - banvannghe.com

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)