|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Lãng Nhân
(1907 - 2008)
Trong văn chương, người ta thường thích thú nghiền ngẫm tiểu thuyết, thơ phú, các áng văn dịch, hoặc nghiêng về các đề tài khảo luận xã hội, thời thế liên quan đến lịch sử dân tộc, đất nước. Họa hoằn mới có một số người để mắt đến các luận đề triết lý, nghị luận khô khan làm nhức óc hơn là đem lại sự tán thưởng thoải mái, tự nhiên. Dầu sao, tất cả vấn đề trên thường đã được bao phủ bằng một mỹ từ hoa lệ. Tác phẩm! Ít khi nào một cuốn hồi ký dành được chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, được công nhận có giá trị văn chương. Nếu có, họa chăng chỉ là cái giá của một sự ghi chép, đánh dấu những sự kiện, những tình tiết về một thời sống động ở ngày qua. Đã gọi là Hôi ký, tác giả cứ phải là người sống thật trong cuộc, được biết, được thấy tận mắt những chứng tích. Cho nên, nếu người viết là một tâm hồn biết tự trọng, nghĩa là đặt nặng phần sự thật trên hết thì những điều nêu ra, tự nó, lại đã hàm chứa một giá trị sử liệu, văn hóa, văn học của thời đại. Bằng không, thật là một sự đáng tiếc lớn dắt dẫn người đọc đặt bước vào một nhận định lầm lạc vô cùng tai hại.
Vì vậy, viết hồi ký tưởng dễ mà kỳ thật rất khó. Viết sao cho trung thực, khách quan, khiêm tốn mà duyên dáng, gợi được thi vị cho người đọc mới là điều đáng kể, đáng đón nhận. Vẫn hay có mình ở trong mà tác giả vẫn tránh được sự tự đề cao đáng trách. Thành thử hồi ký đã là một hình thức "văn chương đại chúng" nằm trong "văn chương bác học". Cung cách bình dị ấy chứa đựng một biển trời thanh thoát, cao thượng, một phong độ hào hoa của người cầm bút, của văn nhân.
Xưa nay, những thể loại hồi ký - về mọi sinh động ở đất nước Việt Nam, tuy xuất bản khá nhiều song giá trị cao độ, đạt tiêu chuẩn lại gần như hiếm có. Ấy là chưa vội nhắc đến nét tầm thường, thấp kém ở những thiên hồi ký được viết ra với dụng tâm đề cao một số cá nhân, một số quyền lực bất xứng (vì nhiều lý do riêng tư) hoặc ẩn chứa những sự trả oán trả hận.
Có điều, may thay, trên tất cả - vẫn còn một số đông độc giả thuộc nhiều đẳng cấp lại là những nhà trọng tài, những nhà phê bình hết sức tinh tế. Không có gì qua mắt nổi người đọc! Tự người đọc luận ra, đánh giá đúng sự Hư, Thực của mỗi tình tiết, mỗi vấn đề. Xin tạm nêu một thí dụ làm dẫn chứng trong hằng hà sa số những dẫn chứng. Chẳng hạn, ở thời gian vài năm gần đây nhất, một tác giả hồi ký đương thời đưa ra những nét nhìn về cuộc máu lửa tang thương trên quê hương Việt Nam, đặc biệt về nền đệ nhất Cộng hòa Miền Nam trong tay nhà lãnh đạo Ngô Đình Diệm.
Thời gian phôi pha, ông Diệm không còn nữa. Người viết đã không mấy chân thật hướng về những ưu khuyết điểm chung, nhằm rút trả một bài học lịch sử, thời cuộc đất nước, mà đã cố tình tạo một "huyền thoại" cho chính mình, gắn chặt liên hệ... "đồng chí ruột thịt", "ngang ngửa" giữa tác giả với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào thời ông Diệm trong tuổi 30 làm Thượng thư Bộ Lại Triều đình Huế khoáng thập niên 1930.
Thế nhưng chỉ cần một chút tinh ý, người ta có thể nhận ra ngay cái đúng hay không đúng qua một vài sơ hở nhỏ nhặt nhất. Hãy cứ đem so sánh tuổi tác cách biệt giữa hai người (ông Diệm và tác giả) vào thời bấy giờ, cùng xuất xứ chân phương của người viết (tác giả chỉ mới ở vào một chức vị "rất khiêm nhường", còn đi chân đất, mà ông Diệm thì đã là một Thủ tướng Hoàng triều) tất thấy ngay mọi lời suy diễn trời biển đã mất hẳn thế đứng, đâu còn cần tổn phí nhiều giấy mực để "bàn qua cãi lại", "nói tới nói lui"!
Chúng tôi vừa xin nêu ra một nhận định tổng quát về quan điểm viết Hồi Ký, vừa muốn được đòi lại chỗ đứng xứng đáng cho những thiên hồi ký nghiêm túc trên văn đàn. Và xin nhấn mạnh rằng, nếu hồi ký được biểu lộ đúng nghĩa của nó thì đọc hồi ký lại là một thích thú vô chừng. Nó cho phép nhiều thành phần hiện tại bỗng nhớ về quá khứ, sống lại với dĩ vãng - trong đó biết bao kỷ niệm chợt hiện ra. Có việc, có người mà ta biết nhưng biết không tường tận. Có việc có người mà ta chưa biết hoặc đã quên đi thì nay sống lại đậm nét, phong phú, linh hoạt hơn. Chẳng khác nào tác giả Hồi Ký đã là một nhà đạo diễn kỳ tài, sắp xếp lớp lang một cốt truyện có thực với nhiều khuôn mặt hiện diện mỗi người một vẻ, một cốt cách riêng biệt. Cái hấp dẫn, cái tuyệt hảo của một thiên hồi ký là như vậy.
Giờ đây, trong chiều hướng luận bàn ấy, chúng tôi xin đề cập đến tác phẩm của một nhà văn gắn bó trọn đời người với làng báo làng văn đất Việt từ đầu thế kỷ hiện hữu kéo dài đến thời điểm đen tối 75 khi miền Nam không còn là giải đất lý tưởng của những người hoạt động văn nghệ... Vị nghệ thuật nữa, và tiếp nối 20 năm dài vật vờ lưu lạc trên đất nước người.
Các sách của Lãng Nhân do Nam Chi Tùng Thư xuất bản tại Sài Gòn.
Cơ sở xuất bản Zieleks (Ziên Hồng) tái bản tại Hoa Kỳ (nguồn: Kệ sách Học Xá)
Đặt dưới tựa đề "NHỚ NƠI KỲ NGỘ", nghe thoáng một chút gì lưu luyến, khắc khoải, man mác buồn, tác giả thiên hồi ký ấy là nhà văn lão thành Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Phùng quân không còn là khuôn mặt xa lạ với chúng ta, với văn giới Việt Nam. Vào đời, gắn bó với bứt mực, văn chương, từ sau thập niên đầu thế kỷ XX, nay ở tuổi 90, nhà văn Lãng Nhân sống tha hương ở vùng Cambridge Anh quốc với hiền phụ nội tướng trong một mái nhà nhỏ xinh xắn tọa lạc trên ngọn đồi Oxmoor. Hầu như người văn nghệ sĩ ấy chưa hề có một ngày lỏng buông ngọn bút. Vẫn tiếp tục viết không ngừng nghỉ. Những tác phẩm "Trước Đèn", "Chơi Chữ", "Giai thoại nhà nho", chuyện Cà Kê", "Hán Văn Tinh Túy", "Những Trận Đánh Pháp"... xuất bản trước kia đã đưa nhà văn lỗi lạc bước vào danh vị chói sáng của nền Văn học Việt Nam. Nhiều sáng tác phẩm trong hai thập niên gần nhất, như "Hương Sắc Quê Mình" nhắc nhớ đến những người phụ nữ Việt vang danh trong lịch sử cùng những giai thoại sưu tầm công phu và một số nhân vật thời cận kim như Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh, Hoàng Trọng Phu, Phan Khôi... được viết với thể văn phiếm luận nhẹ nhàng mà xúc tích đem lại nhiều hứng thú cho những lứa tuổi cao niên, trung niên giờ đây. Đặc biệt, Phùng quân còn làm sống lại bút pháp châm biếm thâm trầm riêng biệt, nhằm lột trần khuôn mặt xảo trá, gian manh, tàn độc của người Cộng Sản và chế độ Xã hội chủ nghĩa rừng rú, đặt trên đầu 70 triệu dân ba miền Trung Nam Bắc Việt Nam. Hàng trăm bài "Cà Kê", kể chuyện rộng rãi đấy, từ sau ngày tháng 75 đến nay, nhưng lại là những chứng tích... cười ra nước mắt về một thời đại bi thương nhất trong lịch sử đất Việt. Nó vẫn là văn chương mà vẫn mang sắc thái đáy ý nghĩa của những câu vè, câu ca dao bình dân từng được truyền tụng trong nhân gian từ bao đời qua. Chỉ đọc một lần, người dân sẽ nhớ mãi. Cười mãi- Cười mỉa mai! Cười hãi hùng! Cười ghê rợn! Cười xa lánh... về cái gọi là "chế độ Cộng Sản" trên giải đất quê hương chúng ta... Và "Tấm bia miệng" ấy sẽ lưu lại muôn đời!
Gần đây, nhà văn còn là một nhà Thơ đã cho ra mắt cuốn "Thơ Pháp Tuyển dịch" gồm hơn 100 bài của hầu hết các thi sĩ Pháp nổi tiếng từ thế kỷ 16 đến 19, tạo một sự tán thưởng hào hứng trong giới thi nhân Việt và những độc giả có sẵn một căn bản vững vàng về Pháp ngữ. Lãng Nhăn không chỉ dịch lấy ý mà ông đã đem hồn thơ Việt, kỹ thuật tinh túy của thơ Việt để lột hết tinh thần các bài thơ Pháp kia sang lời thơ Việt. Cái tuyệt vời là điểm ấy. Tưởng nên biết thêm về mẫu người văn nhân đa tài ít có. Vào thập niên 30, Phùng Quân là cựu học sinh Trường Bưởi Hà Nội vì tham gia cuộc bãi khóa, bị bó buộc giã từ mái học đường và sớm trở thành một nhà báo. Ông viết cho các tờ Nhật Tân, Đông Tây, Duy Tân Ngọ Báo và nhật báo Pháp ngữ "Le cri de Ha noi"...
Tinh thông Hán học và Tây học, Phùng Quân Lãng Nhân là cây bút nổi tiếng về các đề tài nghị luận. Nhưng điều kỳ thú nhất để ngày nay bạn đọc và các thế hệ trẻ già trong giới cầm bút hải ngoại tiếp tục thưởng thức văn ông, chính là ở điểm: Hãn hữu lắm, mọi người chúng ta mới bắt gặp một cây bút tài danh đã kinh nghiệm tồn tại suốt thế kỷ! Vì, ngoài thiên chức viết văn, Phùng Quân còn là một nhân chứng thời đại. Nghe, Thấy, Biết quá nhiều! Phong độ mẫu mực, một lòng một dạ trước tinh thần thượng của nền văn hóa dân tộc ngàn xưa cho phép Phùng Quân viết ra và được bạn đọc gần xa đặt lòng tin cậy, mến mộ.
Từ sau 1975, lưu vong nơi phương trời Tự do, các sáng tác phẩm ở ông đều mang thêm bút hiệu "Tị Tần". Ý chừng Phùng Quân muốn nói lên nỗi lòng đòi đoạn của một văn nhân bỏ nước ra đi, đoạn tuyệt với chế độ CS hà khắc, phi nhân chẳng khác nào xưa kia Tần Thủy Hoàng đã ác độc, tàn nhẫn đốt cháy, hủy diệt tất cả sách vở thánh hiền. Bút hiệu kia là một nét thủy chung, danh dự, một quan điểm bất khuất ở Phùng Quân. Nhưng cũng chẳng lấy gì làm lạ, vì trên nửa thế kỷ về trước, Phùng Quân đã từng biểu lộ lòng trung trinh đối với quê hương xứ sở qua ngọn bút đầy hào khí trước nhà nước đô hộ Pháp. Lúc ấy ông đã chọn bút hiệu Lãng Nhân và giữ mãi đến ngày nay. "Lãng Nhân" không chỉ là một tâm hồn nghệ sĩ giang hồ nay đây mai đó. Mà trong lịch sử đất nước Phù Tang, ở đời phong kiến cổ xưa còn truyền tụng sự tích 47 người dũng sĩ dốc lòng phò tá chủ tướng sứ quân của họ, và khi vị sứ quân thất thế trước quân Triều đình, bại trận lưu vong thì 47 tay kiếm khách dũng khí ấy đã bỏ lại đằng sau tất cả vợ con, gia đình, dấn thân phiêu lưu, lang bạt bốn phương trời. Họ cùng mang chung một danh hiệu "Lãng Nhân" - có nghĩa là "người chung thủy". Hai tiếng ấy ghi trong lịch sử võ sĩ đạo Nhật bản, vào thời cận kim đã được các nhà làm tự điển Anh Mỹ trích dẫn đặt vào sách.
Phùng Quân sinh bất phùng thời, giữa hoàn cảnh nước nhà bị đế quốc cai trị, thế nên sự "Tất Đắc" chỉ còn đem trút cả vào con đường văn học. Và nếu mỹ nhân cũng như danh tướng không để người đời thấy đầu đã bạc thì ngược lại, Phùng Quân càng bạc trắng mái đâu càng giữ vững phong độ trong nghiệp cầm bút. Phải chăng nhà văn đã muốn chứng tỏ một định lý kỳ ảo của kiếp người Văn chương trẻ mãi không già. Cũng như mầu thời gian không bao giờ mang dấu tàn tạ. Và nhà danh sĩ trên trường văn trận bút ấy quả đã khác xa một kiện tướng chốn xa trường. Trời còn để sống và hồn trí còn minh mẫn thì còn viết, còn sáng tác. Viết cho đời, cho bạn đọc, cho văn hữu kẻ còn người mất, tưởng niệm lại một thời đã qua, và để lại một chút gì cho một thời sẽ đến. Với những ai thiếu đi lòng khiêm nhường, thiếu sự thanh thoát tư tưởng của nếp nhân sinh quan dân tộc Việt thì mệnh danh tài năng kia là một cổ vật. Nhưng với những văn nhân đã thoát vòng trần lụy ồn ào, chỉ dung dị ngậm ngùi than lên: Tất cả, chẳng qua là nghiệp chướng. Nghiệp chướng cầm bút! Thôi thì, còn hơi thở thì cứ viết, phải viết. Viết mãi cho đến phút cuối của đời người.
Thiên hồi ký "Nhớ Nơi Kỳ Ngộ" êm đềm, tình cảm, tình nghĩa- nghe thoáng như hơi sương lạnh của một mùa Thu đến, tỏa trên đầu cành, ngọn cỏ. Như tiếng gió rì rào, vi vu nơi khóm lau khóm trúc. Như mặt nước hồ thu gợn sóng lăn tăn giữa bầu trời một màu sữa đục buồn mênh mông. Vâng, không buồn sao được? Vì tự nó đã là một bản nhạc tình tứ ru hồn của Văn chương. Nó đã đem văn chương tạo thành họa phẩm với bao nét gần xa, lãng đãng, lúc ẩn lúc hiện: nhiều văn nhân cả đời đem tiếng lòng thổn thức ghi vào rừng chữ nghĩa để rồi đến một lúc nào vĩnh viễn nằm xuống, khó tìm thấy được một lời ai điếu cho những gì họ đã viết ra.
Nhiều văn nhân còn tồn tại, đang viết đấy mà không hề dám dành một khoảnh khắc nghĩ rằng họ sẽ còn được nhắc đến khi theo chân những người đồng nghiệp sớm đi trước về nẻo hư vô! Dù sao chăng nữa, tập thể ấy không nhiều thì ít đều là những kẻ đóng góp mảnh hồn riêng cho sự kết tinh toàn hảo nền văn chương đất Việt.
Nhà thơ Nguyễn Bính có lúc đã bày tỏ tâm trạng ai oán, qua tiếng than:
"Xót xa một buổi tìm gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền"!
Cho nên, đáng là lúc Tị Tần- Lãng Nhân nên viết về lớp người muôn năm cũ trong giới cầm bút như đã viết.
Chắc chắn tác giả đã vừa thực hiện một rung động đẹp của đời mình. Trước 1975, ở Miền Nam, nhà văn Vũ Bằng cũng có ý thể hiện "giấc mộng con" này. Nhưng với tác phẩm "40 năm nói láo" được đem xuất bản, ông chỉ mới đề cập sơ lược về lĩnh vực báo chí. Nét nhìn còn phiến diện- và hầu như để thuật lại đời cầm bút của chính ông.
Tôi không dám nghĩ là Phùng Quân Lãng Nhân đã soạn thảo một tuyệt tác hồi ký. Mà chỉ muốn được nêu lên, từ tập mở đầu "Nhớ Nơi Kỳ Ngộ" này sẽ mở đường cho "những Kỳ Ngộ" khác ở ngày mai. Hoặc sẽ là một khích lệ trao đến làng báo làng văn hải ngoại cùng bắt tay vào việc hoàn thành một công trình chung của báo giới, văn giới Việt Nam. Nếu lại được Hội Văn Bút Việt ở vùng trời Tự do xem đây là điều nghĩa lý, đặt thành mục tiêu hoạt động đẩy sự sưu tầm đến tối đa có thể, và viết về những khuôn mặt cầm bút qua hai thời Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam, cùng ở nơi hải ngoại, thì mục đích đạt được cũng là một việc làm đáng kể. Chẳng hơn là bỏ thời gian, công sức tìm hiểu ngược xuôi về lớp vãn nô Xã Hội chủ nghĩa để rồi... cuối cùng chỉ thấy đó là sự hợp tan dã tràng se cát!
Phần riêng, tôi xin thưa rằng, đọc hồi ký Nhớ Nơi Kỳ Ngộ của Phùng Quân, cái hay đâu chưa luận, tưởng cứ phải để bạn đọc cùng văn giới thưởng ngoạn, chỉ bỗng nhiên thấy lòng mình xuất cảm muốn cầm bút ghi lại đôi dòng hòa điệu cùng tác giả. Tác giả chọn, nhớ về một số nhà văn, khoảng 70 người, và viết về họ. Tôi đọc thiên hồi ký ấy lại viết đôi nét... hồi ký... về người tác giả Lãng Nhân! Thế mới hay rằng văn chương quả đã có hồn. Hồn truyền cảm.
Trời Tây phương vào giữa mùa Đông 95-96 nổi lạnh nhiều. Nhưng cái lạnh của tạo vật dễ chừng chưa thấm với cái lạnh trong lòng người. Ngồi đây, trong căn phòng sưởi ấm bốn bề cửa kính và tường vôi bao bọc, nhìn tuyết mưa rơi ngoài kia, cơn giá buốt của tâm hồn bừng trỗi dậy mãnh liệt. Tâm hồn của kẻ mất nước, những kẻ mất nước, sao thê lương làm vậy! Người ta vẫn có thể trốn cả... trời, né tránh để không chịu sự đồng hóa vào ngọn trào văn minh vật chất Âu Mỹ song lại không thể trốn thoát... lòng mình. Cái khiếp đảm kỳ lạ của con người Việt Nam là thế đấy. Cái rung động tình cảm bao la của những người cầm bút đất Việt đứng trước chủ thuyết Cộng sản xa lìa dân tộc là thế đấy. Sống là Việt Nam. Chết vẫn chỉ là Việt Nam. Giản dị có vậy. Không cần phải thêm thắt một từ ngữ nào hơn. Dù cho từ ngữ ấy có sắc như ngọn... Mác (!). Càng không thể lạc bước, quay đầu về con đường kia khác.
Giữa tâm trạng ngổn ngang phức tạp, tôi nhận được từ Cambridge gửi về Luân Đôn tập bản thảo Hồi Ký của Phùng Quân với yêu cầu viết lời đề tựa. Phùng Quân, vì những kẻ còn người mất mà viết. Vì đoạn đường văn học Việt Nam mà viết. Tôi lại vì Phùng Quân, vì tập thể những đồng nghiệp trong văn giới Miền Nam của một thời đã qua đi mà viết. Xin coi đây là tiếng lòng ray rứt của những nhà văn nhà báo khi cầm bút viết về nhau, cho nhau. Nó còn có nghĩa ghi lại một cảm tình đậm đà giữa những người làm văn nghệ, dù đã gặp hay chưa gặp. Mãi mãi, truyền kiếp, dù đi trước hay đi sau, rải rác hay quy tụ, họ vẫn chỉ là Một. Đồng hội đòng thuyền.
Đọc Phùng Quân, tôi nhớ lại thật rõ về ông. Dù tuổi tác cách biệt khá nhiều, nhà văn một mực khiêm tốn này luôn coi tôi là tri kỷ. Dạo 1954 đất nước vừa chia cắt, Phùng Quân là giám đốc đại diện Cơ sở ấn loát Kim Lai ở Sài Gòn. Ấn quán này bề thế nhất miền Nam lúc bấy giờ, và là một Công ty hợp tác Pháp Việt, khởi thủy mang tên "Imprimerie Francaise d'Outre-Mer" (gọi tắt là IFOM). Tôi là chủ nhiệm tờ tạp chí Pháp ngữ "Horizon" nên hay cùng anh bạn quản lý Ninh Bảo Thái (sau này, 1965, làm chủ nhiệm nhật báo Công Chúng) và nhà văn Vũ Bằng lui tới Kim Lai gặp gỡ anh Nguyễn Doãn Vượng (phụ tá kỹ thuật), một nhà báo thời tiền chiến, đã có lúc sát cánh với nhà văn Đàm Quang Thiện quay cuốn phim Việt Nam đầu tiên (Cánh Đồng Ma). Tờ Horizon lại vừa lỡ ký hợp đồng tại nhà in Trương Vĩnh Lễ (Ông Lễ sau là Chủ tịch Quốc Hội nền Đệ Nhất Cộng Hòa) nhưng không vì thế mà chúng tôi nhẹ mối giao tình. Đương nhiên, hầu như thường xuyên, anh em chúng tôi quây quần lại, chuyện trò với Phùng Quân. Vài thập niên dài trôi qua, quả là sự tàn phá hình hài ghê gớm, chứ hồi ấy, Phùng Quân sao phong độ hào hoa đến thế. Cặp mục kỉnh trắng có trong tay, dù chỉ dùng nó khi đọc, những tẩu thuốc "píp" thì luôn phà khói thơm lừng. Kim Lai là nơi họp mặt giới nhà báo sính tự do, ưa "tìm chuyện". Những chuyện xoay quanh Dinh Độc Lập, về hiện tình chế độ, và thoát ra từ nguồn tin hành lang "Ngoại Giao Đoàn Sài Gòn" cung cấp. Chuyện tự nó dã vui đầy tính cách châm biếm (xoáy vào bà Nhu) song người chủ động kể lại là Phùng Quân với nét duyên dáng, dí dỏm cố hữu. nhẹ nhàng mà thấm mà đau, nên đẩy đến co độ của sự hào hứng ở người nghe bên bình trà mạn sen nồng hương vị. Giá còn ở buổi xa xưa, điều vừa nhắc trên đây được sớm tiết lộ dễ thường "Ông Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống" Trần Kim Tuyến dù muốn làm ngơ cách gì thì nhẹ nhất cũng đành phải áp dụng biện pháp đẩy Phùng Quân Giám Đốc Kim Lai... quẩy gánh hành trang rời nước ra đi sang phương trời Tây lừ lúc nào rồi!
Mới khoảng 2 năm trước thôi, ngồi nơi ngọn đồi đầy sương mù Cambridge, nhà văn Lãng Nhân với BS Trần Kim Tuyến là đôi bạn tương đắc. Cả hai lui tới với nhau như đôi tình nhân ngoài đời. Gác bỏ chuyện xưa tích cũ về thời thế, họ làm thơ, bình thơ, bàn chuyện văn chương. Luận việc đời người. HỌ như Lã Vọng, Sào Phủ thuở trước.
Tôi thầm nghĩ, không cứ một mình Phùng Quân, đến cá nhân chúng tôi cũng dành lại tình cảm ấy cho BS Tuyến. Nhớ về chuỗi ngày qua, cuối năm 1953-1954, BS Tuyến và tôi đã có một thời gian dài mật thiết khi hàng ngày gặp nhau tại tòa soạn Tạp chí "Xã Hội" (do ông Ngô Đình Nhu làm chủ nhiệm, lúc ông Ngô Đình Diệm chưa về nước chấp chính). BS Tuyến nặng tâm hồn văn nghệ và ông cũng là người cầm bút có hạng. Thế rồi, thời cuộc đổi thay, làn gió quyền lực đã khiến chúng tôi xa cách! Mỗi người một con đường riêng. Lần gặp mặt sau cùng của năm 1957, vô phương hàn gắn, để rồi từ buổi ấy đến nay, gần 40 năm qua, biết bao nước chảy dưới chân cầu, chúng tôi mới lại tái ngộ, trùng phùng. Tôi vẫn mến yêu con người ông nếu nhìn riêng về phương diện làm người. Ông hiền hoà, bình dị. Nhưng thời thế và chính trị quả là ác liệt. Nếu nước chưa mất dễ thường hai chúng tôi vẫn mất nhau... Trong toàn bộ tập hồi ký "Nhớ Nơi Kỳ Ngộ", tác giả Lãng Nhân thận trọng ngòi bút. Ông kể tên người, nhắc việc, văn phong lẫn cá tính của từng nhà văn được đề cập đến song hình như vẫn muốn tránh mọi nét rườm rà về đời sống cá nhân. Tác giả tiết chế lời khen. Càng không nặng lời chê bai. Thỉnh thoảng lắm mới thấy đôi điều lộ ra. Như đối với Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong dốc lòng thờ Nhà Nước Bảo Hộ, và sau 1975 là trường hợp của nhà văn, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Vì thật đáng tiếc, nhà văn này, giữa tuổi đời khá cao đã đặt bút nghênh đón cảnh mất nước Miền Nam qua bài viết "Đổi Kiếp Đời" đăng trên mặt báo của Đảng, với những lời:
"Hơn tám mươi năm lộn kiếp đây. Tuổi đời: Lên Một, tính từ nay!" nghe thoáng có chất thơ của Tố Hữu khóc "ông nội Staline" nằm xuống! Tác giả Lãng Nhân lại hầu như không muốn luận bàn sâu đến màu sắc chính trị. Thế nhưng ông đã chọn một khuôn mặt trí thức khoa bảng, một cây bút văn chương ở bên kia chiến tuyến để tự diễn tá, phơi bày, lột trần "sự thật" về một chế độ chính trị khủng khiếp nhất. Người duy nhất ấy, được nhắc đến trong tập Hồi Ký, là Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
Chúng tôi nhớ lại ngày xưa, ông Tường khi vừa chớm qua tuổi 20 đã đoạt luôn hai bằng tiến sĩ: Luật khoa và Văn khoa đại học đường Paris. Trở về nước, tại thủ đô Hà Nội thời Pháp thuộc, ông hành nghề luật sư và viết văn, văn Pháp. Trong giới trí thức Việt Nam thượng thặng, đồng một thời với ông, phải kể đến Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm. Ông Khiêm xuất thân khoa bảng từ "Ecole Normale Supérieure" đất Ba Lê, một đại học đường có giá trị siêu đẳng của Pháp quốc. Bên cạnh hai danh tài này, còn có thêm Nguyễn Tiến Lãng. Ông Lãng lại chỉ đậu có mảnh bằng Tú tài, học ở nước nhà, chưa hề xuất dương. Nhưng ông Lãng cầm bút viết văn (vẫn văn Pháp) được công nhận là văn hay, nổi tiếng. Cũng vì thế ông được Bà Bảo Đại Nam Phương Hoàng Hậu vời làm bí thư riêng.
Cả ba nhân vật trên mặc tình cầm bút tung hoành. Mỗi người một vẻ. Giới thanh niên có nền học vấn thời ấy nghiêng theo ông Tường và ông Lãng vì văn phong lãng mạn, bay bướm, có hồn, dù "thạc sĩ Văn Phạm" Phạm Duy Khiêm viết tiếng Pháp không thể còn kẻ hở của cái gọi là "sai mẹo luật!" Con gà tức nhau tiếng gáy. Tất nhiên giữa họ đã không khỏi xảy ra những cuộc va chạm, dẫn đến bút chiến. Ông Tường chê ông Lãng viết văn còn kém cỏi. Và ngược lại, ông Thạc Khiêm bảo thẳng ông Nghè Kép Nguyễn Mạnh Tường "quá dốt" (!) hãy cắp sách trở về trường học thêm Pháp ngữ cho tinh thông... Thì ra thời nào cũng thế, thế hệ trước hay sau đều thường có chung một căn bệnh hiếu kỳ, hoách lác, đố kỵ, rởm, trong địa hạt viết lách. Bây giờ, nước mất nhà tan, trong giòng đời luân lạc, đâu đã thiếu đi bóng dáng của một số kẻ hợm hĩnh dùng bút thay cho dao bầu hàng thịt đâm lẫn nhau những nhát chí tử.
Tưởng đã đến lúc phải đem văn chương lạo thành vết chàm để lại trên gương mặt đám người ấy, may ra họ mới nhớ đời:
"Rõ khéo khỉ leo cao tưởng bở
Leo càng cao càng hở trôn ra"!
Người cầm bút phải cứ nên biết, nên nhớ rằng: Văn chương và tư tưởng như hình với bóng. Ngoài Văn chương ra còn có Hồn. Có "nghĩa lý" của nó. Văn ấy lại muôn đời muôn kiếp đặt dưới sự duyệt xét của người đọc. Bạn đọc mới là bậc thầy. Những bậc "vạn thể sư biếu" của kẻ cầm bút!
Từ một Nguyễn Mạnh Tường có quá khứ vừa kể, ông đã dám từ bỏ gốc gác đầy hào quang của mình, theo tiếng gọi của hồn nước dành Độc Lập cho dân tộc, cùng hàng triệu đồng bào ở mọi từng lớp tư sản, trí thức, quan lại, điền chủ... đi "kháng chiến" chống ngoại xâm (1946). Cá nhân ông Tường không lầm. Cũng như hàng triệu người Việt không lầm. Tất cả vì đại nghĩa mà rồi "bị lừa". Đã bị phản, bị lừa thì đành... dương mắt ếch, bó tay! Còn gì để bàn luận? Với ai có hoàn cảnh chứng kiến, đều biết thời gian 1947-1949, tại Liên Khu III, ông Tường vẫn là một luật sư nhưng không có quyền "nhận thân chủ', chỉ được Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Liên Khu chỉ định đứng biện hộ trước các tòa án Đại hình, Quân sự cho các tội phạm có danh xưng... "Nhân dân phản động"! Ngoài ra, ông Tường cùng với Luật sư Trần Chánh Thành hoạt động gây phong trào Sinh viên Cựu sinh viên ở vùng đất ấy. Có ai ngờ một con người tầm thước, dáng dấp chắc nịch, đầy vẻ trí thức thông minh, hùng biện, dễ cảm mến, để rồi, sau những bài báo đăng trên Nhân Văn Giai Phẩm, ông trở thành một tên tù triền miên bị giam lỏng của chế độ. Vài năm trước đây, ông Nguyễn Mạnh Tường được phép sang Pháp ít lâu rồi lại giã từ đất trời tự do, trở về Hà Nội. Nhìn ảnh ông in trên mặt báo, kẻ ngày xưa gặp ông thường xuyên ở Liên Khu III bỗng thấy lòng ngậm ngùi xúc cảm: không còn rớt lại một nét gì của Nguyễn Mạnh Tường trong buổi bình minh nữa... Sự tàn phá bởi thời gian chỉ là một phần. Phần kinh hoàng, là vì... đói! Cơn đói hành hạ ông (và gia đình) trong nhiều năm liền. Đến nỗi, làm sao (?) ăn gì (?) cách gì (?) để có thể cầm hơi mà sống? Xin hãy nghe ông bảo, qua giọt nước mắt đắng cay, nó đã trở thành một cái... "nghề". Nghề chống đói (xin nhắc lại chống đói, chứ không phải chống đối!) Và ông nghẹn ngào: "Tôi học nghề đói như thế đấy..."! Thử hỏi còn bản cáo trạng nào thê lương hơn thế đối với một chế độ cầm quyền?
Tác giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc thật ý nhị và có lý khi đặt đoạn viết về người bạn nhà văn của ông ở bên kia chiến tuyến vào phần chót của thiên Hồi ký. Cảm thông với Phùng Quân, chúng tôi cũng xin không dấn sâu vào lời bàn chính trị. Nếu có buộc lòng nhắc đến, chỉ thoang thoảng, nhẹ như... tà áo lụa Hà Đông của nhà thơ Nguyên Sa. Và chúng tôi xin lại được mượn nỗi niềm tâm sự xót xa của một nhà văn lạc bước cùng đôi nét biết về người trí thức bất hạnh nhưng đầy đủ tiết tháo, danh dự, có tên là Nguyễn Mạnh Tường đế kết thúc phần nhận định tác phẩm của Phùng Quân. Và xin hân hạnh giới thiệu "Nhớ Nơi Kỳ Ngộ" đến bạn đọc trên bốn phương trời tự do.
(Luân Đôn, 1997)
- Tâm hồn và văn phong của nữ tác giả Dư Thị Diễm Buồn Mạc Kinh Lời Tựa
- Nhớ Nơi Kỳ Ngộ của Nhà Văn Lãng Nhân Mạc Kinh Giới thiệu
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |