|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Khoa Hữu
(1938-2012)
Đặt bút viết về thơ Khoa Hữu, cảm giác đầu tiên không tránh khỏi của tôi là: anh là một nhà thơ phản kháng. Anh đang ở trong nước và những bài thơ của anh là "có vấn đề" đối với nhà nước chuyên chế ở đó. Do vậy, động lực thúc đẩy việc viết có thể không phải bắt nguồn từ bản thân thơ anh, mà từ thái độ "chính trị" của anh, từ sự can trường của anh. Nó nhắc nhở ta đến những trường họp của một số nhà văn, nhà thơ bất đồng chính kiến khác ở trong nước.
Tất nhiên là có như thế. Từ khi đọc thơ anh trên báo tôi vẫn nghĩ thơ anh được bí mật gửi ra nước ngoài và nhà nước Cộng Sản không biết anh là ai. Nghĩa là anh đã không hoặc chưa bị làm khó dễ ở trong nước. Nhưng khi cầm tập thơ, bìa sau ghi rõ lý lịch và hình ảnh của anh, tôi có phần sửng sốt: anh can trường đến thế sao? Sau đó, tôi được biết là anh đã từng bị nhà cầm quyền Cộng Sản gọi lên thẩm vấn nhiều lần về những bài thơ đăng tải ở nước ngoài. Cũng phải thôi. Chỉ cần một, hai câu thơ với nghĩa nước đôi, mập mờ là có thể bị làm khó dễ huống hồ gì, xuyên qua toàn bộ những bài thơ của anh, thái độ của anh được bày tỏ thẳng thắn, không cần qua một ẩn dụ nào. Trong tập "Thơ Khoa Hữu", thái độ đó còn được bày tỏ rõ hơn ở bài đầu tiên "Tuyên Ngôn Của Thơ":
Vì Hoà Bình, vì Tự Do
vì con người vì hạnh phúc
mỗi chữ viết oằn một niềm đau
thơ không khuất phục. (tr. 15)
và bài cuối "Bản Nháp Tờ Di Chúc":
Ta say quên chỗ ta nằm
dọc ngang thước đất nhớ trăng bốn bề
tháng ngày ta đã hôn mê
thân phơi bóng núi hồn về cửa sông. (129)
Phải chăng qua "Bản Nháp Tờ Di Chúc" này, anh đã trù liệu đến những hệ lụy không lường trước được khi tập thơ được in ra ở hải ngoại. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết trong lời tựa "Từ trong nước, sống âm thầm như một kẻ vô danh, anh gửi những vần thơ huyết lệ ra nước ngoài" (tr. 12).
Giờ thì anh không còn vô danh nữa, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Có thể đó là lý do để viết về Khoa Hữu, hay nói đúng hơn về tập "Thơ Khoa Hữu" (1) vừa được Văn Học xuất bản cuối năm rồi (1997). Nhưng khác với nhiều người khác cũng ở trong một hoàn cảnh na ná như anh, ở đây, vấn đề không phải chỉ như thế. Giữa khu rừng thơ văn hải ngoại bạt ngàn, bề bộn, hoa và lá và cỏ đua chen, thơ Khoa Hữu nổi bật lên đầy cá tính, với một phong cách rất riêng, một hơi thở rất riêng, một không khí rất riêng và tất nhiên, với một tâm cảnh rất riêng, nếu không muốn nói là vô cùng riêng.
Tôi không làm thơ (hoặc làm nhưng chỉ đế tự thưởng thức), nhưng rất sính đọc thơ. Trên báo chí trong nước cũng như ở hải ngoại, tôi tìm thấy nhiều bài thơ hay - và rất hay - nhưng lạ là, lại hay, hoặc rất hay một cách chung chung. Chúng hay hao hao, từa tựa nhau. Nghĩa là, dường như ít, hay khó, hay có thể không nhận ra lý lịch bài thơ chỉ bằng cách đọc bài thơ đó nếu không nhìn tên tác giả. Còn những bài thơ gọi là "hay hay", tôi vẫn thường mang máng lầm giữa tác giả này và tác giả khác. Tất nhiên, trừ những bài thơ với kỹ thuật, hoặc ngôn ngữ quá tân kỳ, quá bạo, khiến ta không thể lẫn được.
Riêng Khoa Hữu, chỉ qua một vài bài thơ là cá tính, phong cách và tâm cảnh anh định hình, tạo nên một chất thơ khoahữu riêng biệt, rất khó nhầm lẫn, đặc biệt là trong thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt". Trường họp này nhắc ta nhớ đến Nguyễn Bắc Sơn với bài thơ đầu tiên đăng ở tờ Khởi Hành dạo nào:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui.
Chỉ với một đoạn thơ trên, chúng ta có ngay một chất thơ nguyễnbắcsơn.
Nguyễn Mộng Giác nhận xét: Khoa Hữu "không cần, mà cũng không có thì giờ để tìm cách đổi mới câu cú, chữ viết" (tr. 11). Cách ngắt câu, xuống hàng, vần điệu... hoàn toàn làm theo lối cổ điển bình thường. Hầu hết là thơ lục bát. Phần còn lại làm theo thể "thất ngôn tứ tuyệt". Một hai bài "ngũ ngôn tứ tuyệt". Chỉ có bài đầu tiên và một bài thơ ngắn khác là được làm theo lối "tự do".
Đọc từng bài riêng lẻ của anh trước đây, cũng như đọc lại toàn bộ thơ anh trong tập thơ, lúc nào tôi cũng có một cảm giác u hoài, man mác rất cổ điển, cứ như đọc một bài cổ thi hay một bài văn thời xa xưa nào. Ừ, thì cũng buồn, chán, thậm chí thù hận. Nhưng cảm giác man mác, tựa như cảm giác khi ta đi dạo quanh một khu thành quách cũ rộng lớn, cứ đeo đẳng lấy ta. Nguyễn Mộng Giác bảo: "Không khí thơ biên tái bàng bạc ở nhiều bài" (tr. 1l). Vâng, "biên tái". Nhưng từ đâu ta có cái cảm giác đó?
Trước hết, có lẽ là cách dùng chữ của Khoa Hữu. Anh sử dụng rất nhiều từ ngữ và hình ảnh cổ điển trong thơ. Nhiều từ hay cụm từ loại này trở đi trở lại nhiều lần, hoặc giống nhau hoặc pha pha đôi chút: vầng dương, nhật nguyệt, niên sử, bóng hạc, gươm báu, trăm họ, mài gươm tạo hóa, anh hùng mạt lộ, thân phơi bóng núi, trang sách ước, chiến bào, vong quốc, mảnh áo bào, chiếu hoa, gió bạt oán cừu, thiên tử, thứ dân, hưng phế, cõi vô lượng, tà dương, nhà nghiêm, da ngựa bọc thây, bẻ bai...
Nhiều câu thơ của anh phảng phất mùi Đường thi:
- Đêm gối đầu đất Sở
mai thức về đất Yên
- Cởi chiến bào súng trận
trải vầng trăng Xuân Thu
Có những câu khiến ta sống trong khung cảnh Chinh Phụ Ngâm hay Cung Oán Ngâm Khúc:
- Đồng trụ chiết, rung chiều cổ độ
- Vó ngựa sắt tung mùi thư sử
- Người đi tủi giấc mơ kinh sử
một hồn trăng treo bóng giang đầu
Đoạn sau đây khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một tráng sĩ trong một giai đoạn lịch sử thời nào xa ngan ngát:
Ta về kẻ đường xa lỡ vận
chuyện tử sinh nặng bước phong trần
áo giang hồ đi chưa đủ ấm
ngày về ta vẫn bóng phù vân
Một số lượng lớn thơ Khoa Hữu được làm theo thể lục bát, một lục bát hoàn toàn, không cách tân, không đổi nhịp, rất cổ điển, rất bình dân, vần điệu ôm nhau rất chặt chẽ.
- Sài Gòn/tháng chín/đêm mưa
ta như/khách lạ/về thưa/bóng người
- Mấy lời/đau gửi/non sông
khép thân/bức tủ/mở vòng/bi ai
nghe trong/đất nấc/tiếng trời
nghe trong/tâm huyết/bóng ai/trở về
Họa hoằn lắm, ta mới bắt gặp một cách ngắt nhịp khác:
- Mười lăm năm/vết ung thư
- Bốn mươi năm/khúc đoạn trường
Riêng trong thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt", đa phần các câu thơ được anh ngắt theo nhịp 3/4, chứ không theo kiểu 4/3 (hoặc 2/3) như nhiều nhà thơ khác vẫn làm khi chọn thể thơ này (Tô Thùy Yên, Mai Thảo chẳng hạn). Cách ngắt câu này mang máng giống cách ngắt hai câu đầu thể song thất lục bát.
Bốn mươi năm/lạc phương trời khách
vẫn như chung/chia nỗi đọa đày
lời thề cũ/mừng khi gặp mặt
sao lạnh lùng/đau thuở chia tay
Có nhiều câu đọc lên nghe không khác gì hai câu đầu thể song thất lục bát:
- Nén hương cháy/ hắt hiu đời trước
ngọn nến chong/vĩnh biệt đời sau
- Ta mong ta/gió giam đầu núi
hạ đi đày/mưa tủi qua sông
- Đây bằng hữu/đây con đây vợ
đây ngồi nhà giam giữ chung thân
Tuy làm thơ theo lối cổ điển như thế, anh hoàn toàn không lưu ý đến luật bằng trắc cổ điển "nhất tam ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh" áp dụng trong thể thất ngôn tứ tuyệt. Điều này trái hẳn với nhà thơ "tự do" Tô Thùy Yên. Hầu như trong tất cả những bài thơ thuộc loại bảy- chữ-bốn-câu, Tô Thùy Yên rất nghiêm chỉnh tuân theo luật bằng trắc nói trên.
Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
(TTY, Thơ Tuyển, tr. 39)
Ở điểm này, Khoa Hữu "tự do" hơn Tô Thùy Yên nhiều. Tuy nhiên, tôi lưu ý một điểm đặc biệt ở thơ anh: anh rất chỉnh ở cách gieo vận các chữ cuối trong những bài thơ thể bảy chữ bốn câu, cả vần trắc lẫn vần bằng, trong lúc Tô Thùy Yên chỉ lưu ý đến vần bằng.
Ở Tô Thuỳ Yên:
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Trong lúc đó, ở Khoa Hữu:
- Phát đạn nổ chiến tranh, đã bắn
tuyên án ta - bản án tử hình
đem sợi tóc treo ngàn cân nặng
vận mệnh trời hai chữ đinh ninh
- Ta mong ta, gió giam đầu núi
hạ đi đày mưa tủi qua sông
mùa xuân ơi xanh trời trăn trối
cánh đào rơi như giọt máu đông
Ở mấy câu trên, ta thấy bắn vần với nặng, hình với ninh, núi với trối, sông với đông.
Vần bằng, anh gieo đại loại như: trăng-bằng, may- đày, xanh-tình, chồng-không, đầu-đâu, hồn-hôn, thù-ta, lưng-trầm...
Vần trắc, anh gieo: sử-sự, xứ-tử, biệt-hết, trước- được, chết-hệt, lá-lạ, giấc thật, trắng-tháng, bể-rễ, thật- trước, núi-trối...
Chính vì thế, những bài thơ của anh rất giàu âm điệuu, luyến láy nhịp nhàng, khiến cho âm hưởng của thơ càng thêm đậm đà, bàng bạc không khí cổ điển.
Tôi đồng ý với nhận định sau đây của Nguyễn Hưng Quốc: "Hầu hết các nhà thơ miền Nam, trong những năm đầu, tức là vào cuối thập niên 50, hăm hở làm thơ tự do, từ đầu thập niên 60 trở về sau, dần dần quay lại các thể thơ cách luật, nhưng các thể thơ cách luật ấy, dưới ngòi bút của họ, khác hẳn các thể thơ cách luật cũ: thứ nhất là họ thường bỏ niêm; thứ hai là họ thường ngắt theo nhịp lẽ, nhịp 3/4, tức nhịp thất ngôn truyền thống hơn là thất ngôn Đường luật; thứ ba là mật độ các thanh trắc tăng lên; thứ tư là tần số xuất hiện của các từ láy, các từ đệm ngày một thưa thớt dần; cuối cùng, thứ năm là hệ thống vần cũng lỏng lẻo hơn" (NHQ, Thơ, V.V... và V.V..., tr.212-213).
Rõ ràng là, cách tân gì thì cách tân, người ta không thể loại bỏ được thể loại thơ cũ mà nguyên tắc căn bản vẫn là vần điệu và các giới hạn về câu, chữ. Đọc thơ trong các tạp chí trong nước cũng như ngoài nước hiện nay, thơ cách luật vẫn chiếm ưu thế về số lượng và cả về chất lượng, vẫn được người làm thơ và người đọc thơ ưa thích. Tại sao có sự quay lại đó? Tôi cho rằng lối làm thơ tự do, trong lúc giải thoát nhà thơ ra khỏi một số ràng buộc hình thức vô lý để họ thoải mái bày tỏ tâm cảm họ, thì đồng thời cũng đẩy nhà thơ xa dần cội nguồn của thơ, theo đó thơ là một tổng hợp giữa âm thanh, cảm xúc, ngôn ngữ và ý thức. Nhà thơ "quay lại", mang theo hơi hướm của tự do và do đó, thổi vào các thể thơ cũ một sinh khí mới, giúp nhà thơ điều hòa được hai đòi hỏi trái ngược nhau.
Hình như khi muốn diễn tả một tình cảm mãnh liệt nào đó về cuộc đời, về tình người, về sự thống khổ, về hạnh phúc..., nhà thơ thường chọn lối cổ điển. Gọn, hàm súc, cô đọng. Mặt khác, nhờ tùy nghi châm chước về luật bằng trắc, vần điệu, khổ, nhà thơ vẫn có tự do khi muốn diễn đạt cho tận cùng cảm xúc cũng như ý tưởng của mình. Tô Thùy Yên chẳng hạn, đã chọn lối bảy chữ bốn câu với bố trí chặt chẽ về luật bằng trắc, về vần điệu trong khá nhiều bài. Khoa Hữu là một trường họp khác tương tự.
Dường như cũng tâm trạng đó, nỗi lòng đó, mỗi khi được diễn tả bằng những vần thơ cân đối, chữ nghĩa sít sao, âm vận nối kết khiến cho lòng ta cảm khái hơn, dạt dào hơn, hòa nhập hơn với bài thơ và qua đó, với tâm cảnh của tác giả hơn. Và cũng dường như, làm thơ theo lối cổ điển có một cái thú là nhà thơ phải động não hơn trong khi tìm chữ cho phù họp với cảm xúc đã đành, mà còn phải tìm chữ cho phù họp với cấu trúc chung và với âm thanh, vần điệu. Điều đó đòi hỏi nhà thơ phải biết đào sâu hơn cái "thể tính" của ngôn ngữ. Một chữ phải "chết" một chữ, khiến cho mất chữ đó đi, bài thơ hoặc câu thơ trở thành chênh vênh, lấp lửng, không "đạt", không "hồn". Do vậy, khi hoàn thành, nó trở nên một chỉnh thế có giá trị tự tại của nó. Dở thì đành là dở. Hay nhất định là hay.
- Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay
- Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
(TTY, Tuyển Tập, tr. 128)
Đấy! Ngày trở về của người tù Tô Thùy Yên. Âm thanh quyện lấy chữ. Ý đan lấy lời. Cảm xúc níu lấy vần điệu. Dễ gì thay đổi được một chữ "lớn", một chữ "phai", chữ "cũng", chữ "rưới" hoặc thay cách gieo vần mà không làm tổn thương đến câu thơ, bài thơ, không khí thơ, và cái cảnh bi thiết của một kẻ trở về cô độc trên đường lớn!
Cũng cái cảnh trở về như thế, Khoa Hữu đã chọn kiểu diễn đạt "cũ càng" như trên để nói lên nỗi lòng của mình:
- Ta về mang dáng ngày phiêu bạt
nếp da nhăn trí nhớ âu sầu
như trẻ thơ cười trong tiếng khóc
ta về làm chứng cuộc bể dâu
- Quê nhà như cỏ hoang đồng nội
như gió mùa thổi vuốt tóc mây
quê nhà lời linh hồn - ta đợi
ba mươi năm giải nỗi oan này.
Thơ Khoa Hữu, nói chung, như đã đề cập ở trên, "cũ càng" nhiều chỗ: cấu trúc, vần điệu, từ ngữ. Có nhiều bài thơ, anh đã dùng cả điển cố như đất Sở, đất Yên, Nhạn Môn Quan, đồng trụ chiết... Đã thế, nỗi buồn của anh, tâm sự của anh, nỗi bi phẫn của anh nào có gì mới đâu. Ai trong chúng ta chẳng kinh qua vô vàn đau đớn của cuộc phế hưng trong mấy chục năm rồi. Ấy thế mà, đọc thơ anh, ta vẫn cảm thấy có cái gì khác sâu hơn, xa hơn, tái tê hơn, ngậm ngùi hơn, thê thiết hơn những gì ta vẫn thường biết, thường nghe, thường cảm giác. Dường như thơ của anh đã làm mới lại cảm xúc, mài nhọn thêm nỗi bi thiết, đẩy cao thêm nỗi oan khiên, khoét sâu thêm niềm tủi nhục. Tuy thế, ngôn ngữ cũng như tư tưởng anh không có gì cầu kỳ, bí hiểm. Bằng tài năng, bằng sở hứng của mình, anh đưa thêm ý, thêm tình vào những điển cố, ngôn ngữ cũ, hiện đại hóa những hình ảnh, biểu tượng xưa, và ngược lại, "biên tái hóa" những tình, những cảnh hiện nay. Chúng pha trộn, lẫn quất, hòa vào nhau tạo nên những câu thơ, đoạn thơ rất thấm, rất đậm khiến ta ngẩn ngơ:
- Đêm đã trắng sao ta còn thức
nhớ quân đi gió bạt oán cừu
bỏ áo trận xanh trời Vạn Kiếp
xếp ngọn cờ vàng áng mây thêu
- Đất báo oán người gây chinh chiến
thay áo bào, súng trận, ta đi
thiên hạ tứ phương thù, dấy loạn
trăng chiêm bao đưa bóng ta về
Toàn bộ những bài thơ của Khoa Hữu là một chuỗi dài những tiếng kêu bi phẫn. Trăm bài thơ là một bài thơ. Một trường ca bi phẫn. Đó là một nỗi bi phẫn không cạn, không ngưng nghỉ, không mệt mỏi. Nỗi bi phẫn xuyên suốt phần còn lại của đời anh, xuyên suốt sự nghiệp thi ca của anh. Mỗi một giòng thơ, mỗi một đoạn thơ hay mỗi một bài thơ - dài hay ngắn - đều đầm đìa bi tráng. Tôi có cảm giác như nhà thơ đi suốt non sông, vác nỗi bi tráng trên lưng như một phần thịt da của mình, một phần đời mình, câm lặng nhìn, câm lặng nghe, và câm lặng cất tiếng kêu bi thương cho chính mình nghe. Tất cả quanh anh đều nhuốm vẻ bi tráng: bạn bè, người, vật, thân phận, ngọn cỏ, khu rừng, giòng sông, nấm mộ, người tình...
Qua đèo Hải Vân:
Ơi Hải Vân đèo cao trăn trở
cắt ruột gan từng khúc lòng ta
Đến biển Cà Mau:
Vào thăm thẳm rừng gây thương tích
cây vô danh chết đứng đời ta
Sài Gòn:
Sài Gòn ơi, máu điêu linh
trái tim thiên cổ trăm tình cưu mang
Trên sông Cửu Long:
Chiều như thổ huyết trên sông
đỏ loang sắc nước mây giòng trường giang
Ở Đà Lạt:
Lên cao dốc đứng cây ngồi
xuống sâu lưu lạc phận người về thăm
Qua trường nữ Gia Long:
ta về mù mịt thế gian
môi khô bật máu cười khan tiếng cười
Ban Mê Thuột:
ta về đỏ mắt hoàng hôn
rừng thay áo trận núi chôn mộ người
Về Củ Chi:
Củ Chi ơi, gạch ngói
người lính cũ về thăm
chiến trường xưa ngọn khói
lòng ta bia đá câm
Một trong những từ (và ý) được anh lập đi lập lại nhiều lần dính líu đến oan và oán: oan khuất oán cừu, u hờn, oan tình, hồn oan, giải oan, oan khiên, oán thù, oan hồn, kêu oan...
- những oan khuất đời con chưa hứa
- một ly cố quận rót đầy oán sâu
- tối đất oan khiên đỏ hận thù
Các hình ảnh máu me, chết chóc cũng trở đi trở lại nhiều lần: biển máu, ngậm máu, trăng thổ huyết, tẩm máu, cầm máu, nợ máu, bật máu, sặc mùi tanh, vết thương tươi, cắt ruột gan, mũi giáo còn tanh, xé bật tanh hôi, xương cốt người, nắm hài cốt, đao phủ, quỷ sứ, quật mồ, hạ huyệt...
- máu nào lăn lóc giòng thơ
- mũi dao đâm suốt tuyệt vời thế gian
- thu vàng vấy máu trời kia
- lời máu đỏ ròng ròng phán xét
- mảnh da vàng thuộc đến chung thân
Nỗi oan khiên, phẫn uất, hình ảnh máu lệ bàng bạc hầu như trong tất cả các bài thơ. Nhưng tinh túy nhất, tài hoa nhất, cô đọng nhất và đánh động trái tim người đọc nơi sâu thẳm nhất, nằm ở những bài thơ bảy-chữ-bốn-câu. Có những bài rất dài: Trở Về, 17 đoạn; Gửi n.b.t, 17 đoạn; Sự Yên Lặng Của Cát Bụi, 27 đoạn; Tượng Lính, 17 đoạn; Kẻ Lưu Đày Trên Quê Hương, 21 đoạn.
Tôi cho rằng tài năng của Khoa Hữu biểu lộ rõ nhất ở những bài thơ vừa kể. Và cái chất khoahữu đặc biệt mà tôi đề cập ngay đầu bài cũng nằm trong những bài thơ trên. Qua chúng, hầu như tất cả những oan khiên, day dứt, đớn đau, bi phẫn của người thất trận, của người lính thất trận, của người tù, của người mất quê hương ngay trên chính quê hương mình, được giãi bày ở mức độ bi tráng cao nhất, ràn rụa nhất, sống động nhất. Nỗi bi phẫn của anh (hay của bạn bè anh, của đồng bào anh), theo lời thơ, theo hình ảnh trong thơ, theo nhịp điệu của thơ kết tụ, cô đặc lại trên từng câu, từng chữ, nâng ta lên từng bậc, lên mãi, ngút trời... Hờn thì hờn suốt biểu sâu (tr.82), buồn thì buồn dâng tới đỉnh, ta chạm vô cùng (tr. 83). Nó là tiếng kêu đơn lẻ, thoát ra từ thân phận của một cá nhân, nhưng trở thành tiếng kêu trầm thống rợn người của cả một khối dân tộc, nếu không muốn nói là của toàn khối dân tộc bị hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy vào một giai đoạn lịch sử bi thương nhất, trong đó chiến tranh, hận thù và oan khiên đeo đẳng hoài không dứt. Đã hẳn kẻ bại trận thì buồn đau, thì tủi nhục, thì căm hờn. Nhưng trong giai đoạn lịch sử vừa qua và hiện nay, cái buồn đau, tủi nhục đó vẫn có gì khác thường, có gì "không phải", có gì dường như không thật. Hay nói như anh, có cái gì oan trái, hàm oan, oan khuất:
- Khối tư tưởng núi ngồi hóa thạch
nặng nghìn cân đá chất hàm oan
ta hỏi cây, cây chờ giải thoát
đường lên đất lở đá hoang đường
- Em hát cho Việt Nam dĩ vãng
ba mươi năm rền cuộc chiến tranh
mười lăm năm còn người bại trận
còn ghê môi kê liếm máu mình.
- Em hát ư hay lòng ta khóc
từng bóng ba về gọi đêm đêm
một triệu mộ phần xưa oan khúc
một triệu người ly tán quê hương
- Ta về như nỗi oan này
bóng ma vô định một ngày lại đi
Trong anh là sự hội tụ đến cực điểm của tâm thức người lính bại trận, của người tù chung thân, của người mất quê hương. Thêm vào đó là tình đồng đội. Theo tôi, những bài thơ nói về lính nằm trong số những bài thơ hay nhất của Khoa Hữu: Sự Yên Lặng Của Cát Bụi, Tượng Lính, Qua Đất Quân Trường Vạn Kiếp... Anh đi thăm nghĩa trang quân đội, thăm những chiến trường xưa như Cổ Thành, Củ Chi, các quân trường. Lòng anh trĩu nặng hình ảnh cuộc chiến tranh, trĩu nặng tình đồng đội. Trong chất ngất tủi hờn, trong ngập ngụa kỷ niệm, anh vẽ lại một cách sống động cuộc chiến tranh tàn khốc mà anh và đồng dội anh đã từng tham dự. Hết chiến trường này đến chiến trường kia: Khe Sanh, An Hạ, Trảng Bàng, An Lộc, Ba Thu, Creck, Snoul... Hết người bạn này đến người bạn kia nằm xuống giữa chiến trường.
Lên Creck, Snoul chiều vĩnh biệt
xác tăng, thép súng cháy thành than
xuống Ba Thu, đạn còn người hết
tiếp máu ta rửa sạch chiến trường
- Cây súng trận trả về hậu cứ
phòng xác Tổng Y Viện lạnh nằm
tấm ảnh bóc từ quân bạ cũ
dán lên tường hẹn chuyến lại thăm
Đấy, bên ngoài, người lính Khoa Hữu mất hết, nhưng bên trong, chiến trường xưa và đồng đội vẫn tươi rói kỷ niệm. Những người lính ấy chất ngất đời hai vai trận mạc, với chiếc nón sắt quên đời lăn lóc và tấm thẻ bài đây lời đính ước, để rồi:
đất nghĩa trang chung ngày hạnh ngộ
mộ mộ bia lớp lớp bảo tàng
Kẻ còn sống thì thua cuộc chiến tranh, nên:
Ta làm thơ gửi thằng cầm súng
hơn triệu thằng bỏ súng đi đâu
đưa đến quê người đời lận đận
ta quê nhà nhức vết thương sâu
Có lẽ đó chính là lý do sâu xa nhất khiến Khoa Hữu bất chấp tất cả để làm thơ:
Đất ấy của ta ta còn hiểu
đồng đội của ta ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau
Vâng, đất ấy của ta. Anh ở lại trên quê hương của anh - một quê hương đã thống nhất, đã ngưng tiếng súng - nhưng khốn nỗi trong tâm thức của một kẻ lưu đày. Sống trong quê hương, nhưng như người biệt xứ. Quê nhà vẫn chỉ là nỗi nhớ vì cá chậu chim lồng nhốt lịch sử. Anh nghe sấm truyền kinh ngọn gió rung. Quê nhà anh bị người ta phá ngôi đền họ, cướp nhà ta đất khói hưng này, đòi nợ sống, đòi da người chết. Bởi thế mà:
- Ta đi trăng huyết ràn rụa máu
tối đất oan khiên đỏ hận thù
- Ta đã sống khác gì thú vật
trả sưu thân trả thuế linh hồn
Quê hương, cái thực thể ấy, với Khoa Hữu, chỉ chứa đựng toàn những mất mát, hoang vu và thù nghịch. Trong lòng anh, quê hương chỉ còn là một mong ngóng vu vơ, một trông chờ bất tuyệt, một quê hương mà lịch sử bốn ngàn năm chỉ tóm lại trong một ngày với hình ảnh xác xơ, rách nát ách bần cùng lũ lượt qua đây. Tất cả chỉ là một cõi chết. Sài Gòn, nơi anh ở toàn là nhũng dấu chân nằm chết... những chiếc lá nằm chết... gạch ngói cũng nằm chết... lịch sử cũng nằm chết, để chỉ còn trong anh:
trái tim phẫn nộ
thở cùng hơi thở Sài Gòn ơi
Anh tự hỏi:
Về ư? ví còn nơi về được
ví ta quên hết chuyện đau lòng
xin làm con dế mèn hóa kiếp
chốn bụi bời cất tiếng hát rong
Thú thật, viết về Khoa Hữu, tôi chỉ muốn trích thơ anh hơn là viết. Mọi giải thích, mọi quãng diễn, mọi nói quanh nói co... cho dài, hình như đều thừa ra so với tiếng kêu đứt ruột thoát ra từ những giòng thơ bi phẫn của anh. Thơ anh là tiếng kêu, tiếng thét, tiếng khóc, tiếng la. Chúng bật ra từ một oan khiên tưởng chừng như bất tuyệt, một nỗi đau thương vò xé trong câm nín. Bởi thế mà thưởng thức thơ anh, theo tôi, không phải là thưởng thức chỉ cái thú đau thương, những tứ thơ hay, lại càng không phải là thưởng thức những hình ảnh đẹp, những ý tưởng siêu hình, hay những cảnh giới thiền, mà là đồng cảm với một tâm cảnh rất đặc thù của Khoa Hữu: đó là một bi phẫn không mệt mỏi, trộn lẫn giữa những oan trái, lạc lõng, mất mát không gì bù đắp nổi. Chưa có nhà thơ nào sống trong, nuôi dưỡng trường kỳ và bày tỏ lên - ngay trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã của bản thân - một nỗi bi phẫn như thế. Chính ở điểm này, thơ anh đòi hỏi người đồng điệu. Không đồng điệu, có lẽ khó đến được với thơ anh. Riêng tôi, tôi không nghĩ là mình hoàn toàn đồng điệu với anh. Nhưng tôi hy vọng (và tin rằng) anh là một nhà thơ chân chính, chân chính với chính anh, với bạn bè anh, và sau hết với non sông tổ quốc.
Tôi xin kết thúc bài này bằng cách trích ra một vài đoạn thơ khác nữa của Khoa Hữu mà tôi rất thích:
- Sẽ có một ngày trời không tuổi
tiếc thương ta đất cũng không già
một ngày, một ngày đích thực tới
trái tim này, em giữ giùm ta
- Em yêu, tóc dài thêm độ ấy
tiếng gà trưa dậy chỗ em nằm
thiếu thời em là hoa là trái
cỏ trầm hương mắt lá đăm đăm
Những cánh mai tung trời thân thuộc
vụt thời gian con én bay về
nắng xé lụa phơi mùa hạ trước
gốc phượng tàn côn đẫm tiếng ve
Một đoạn nữa:
Ta cạn lòng ta không biết khóc
hãy như hoa nở báo tin mừng
như tảng đá xanh núi bất khuất
như lời vô tận sóng biển đông
Bốn câu thơ sau cùng này không phải trích từ tập "Thơ Khoa Hữu", mà trích từ một bài thơ mới nhất của anh in trên tạp chí Văn Học, số Xuân Mậu Dần 141, trang 44, tựa đề "Hồng Hạc".
Hãy như hoa nở báo tin mừng! Mong lắm thay, giữa những oan khiên, bi phẫn, vẫn còn chỗ cho hy vọng - dù là nhỏ nhoi chăng nữa!
Tạp chí Văn Học (Cali) số 144, tháng 4, 1998
(l) Thơ Khoa Hữu, nhà xuất bản Văn Học, California 1997
- Tình bạn trong văn chương Trần Doãn Nho Phiếm luận
- Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh Trần Doãn Nho Nhận định
- Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay Trần Doãn Nho Nhận định
- ‘Nghiệp’ thơ của Trần Yên Hòa Trần Doãn Nho Nhận định
- Đọc Ngu Yên: Trải nghiệm học thuật về thơ Trần Doãn Nho Nhận định
- Tranh Tĩnh Vật Trần Doãn Nho Tạp bút
- Tháng Tư, nói chuyện tị nạn Trần Doãn Nho Tạp luận
- Một truyện rất Huế, ‘Thương Nhớ Hoàng Lan’ Trần Doãn Nho Giới thiệu
- Từ một tờ bìa báo cũ... Trần Doãn Nho Hồi ức
- Buổi trao giải văn học Phan Thanh Giản (15.8.2021) Trần Doãn Nho Tường thuật
• Lục Bát Như Một Tín Hiệu (Diễm Châu)
• Khoa Hữu, Nỗi Bi Phẫn Bất Tận (Trần Doãn Nho)
Đi Vào Cõi Thơ Khoa Hữu (Nguyễn Mộng Giác)
Tưởng niệm thi sĩ Khoa Hữu (Nguyễn Mạnh Trinh)
Nửa Khuôn Mặt (Thư Ấn Quán, 2010)
(nuakhuonmat.wordpress.com)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |