1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tản Mạn Về Kiên Giang, Nhà thơ Minh hương Việt hoá (Nguyễn Văn Sâm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      06-11-2014 | VĂN HỌC

      Tản mạn về Kiên Giang, nhà thơ Minh hương Việt hóa

        NGUYỄN VĂN SÂM
      Share File.php Share File
          

       


          Kiên Giang Hà Huy Hà
      năm 2008 (Hình trên mạng)

      Trong văn chương Việt Nam hiện đại có một sự kiện đặc biệt là ba thơ-truyện [1] của ba nhà thơ Bắc Trung Nam nổi tiếng lại xuất hiện rất gần nhau, cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50. Cả ba đều đã được phổ nhạc, phổ rất đạt, tiếng nhạc lời ca tuy có tăng gia thêm giá trị cho các bài thơ, đem tác phẩm đến người thưởng thức nhiều hơn, nhưng trên căn bản cả ba bài đều được công nhận là tuyệt tác, đáng nể. Mỗi bài có giá trị riêng nhưng lớp người thưởng thức chung quy chỉ là một nhóm: dễ ngậm ngùi vì sự bi thiết của một tình yêu có người nữ bất hạnh, có chia ly mà không có tái hợp vốn nghịch lại với sở thích truyền thống của người nghe/đọc Việt Nam. Hữu Loan và Kiên Giang với người vợ/người yêu bất hạnh, Vũ Anh Khanh với vùng quê tan tác vì bom đạn – mà ta có thể coi là tượng trưng cho sự tan tác của một cành hoa, một người nữ không may.


      Tại sao họ sáng tác ngược lại với sở thích chung lâu đài mà lại được ưa thích? Phải chăng vì cảm quan con người gần đây đã đổi thay? Cũng có thể người nghe đọc thơ-truyện đó thì liên tưởng đến sự bi thương của mình hay người thân, ít ra cũng là sư bi thương của một ai đó sống trong thời đại nầy, cách câu chuyện thiệt của ba tác giả không xa.


      Người ta đọc thơ của họ, thấy liền trước mắt hình ảnh từ sự thật, cho nên dễ hóa mình là một phần tử của câu chuyện, hay đi xa hơn một chút, sự kiện đó, bi kịch đó mình đã thấy hoặc đã xảy ra cho mình. Tác giả đem chính đời họ để nói giùm người thưởng thức, vì có sự tương tác và đồng cảm nên tác phẩm được chào đón nhiều.


      Hữu Loan kể về người vợ đầu tiên, người vợ ông coi như tình yêu em gái, trong sáng với thương yêu che chở, Kiên Giang với cô Nguyễn thị Nhiều bạn học, từng trao đổi bài vở, buông bắt ‘chuyện không đâu vô đâu’ với những ánh mắt tha thiết ‘không bao giờ nói và nhất là không hứa gì nhưng là hứa trong tâm tư rất nhiều’ [2]. Vũ Anh Khanh là chuyến về Trảng Bàng chơi nhà bạn văn đồng tư tưởng, ghé họ đạo Tha La, xúc động trước sự hoang tàn do chiến tranh tác động lên đời sống của dân xóm đạo hiền lành khiến cho hầu hết thanh niên trong xóm tức giận quyết phải lên đường làm một cái gì cho xứ sở, không cần biết sau đó là kết cuộc sẽ như thế nào….


      Hữu Loan và Vũ Anh Khanh đã mất từ lâu, một người chết già sau thời gian dài sống đời chua xót vì bài thơ mang đến và vì thái độ phản kháng với chế độ, một người chết trẻ khi quyết lội về vùng đất tự do để được sống và viết phù hợp với ‘đóa tài hoa’ [3] của mình.


      Và mới hai ngày trước đây, chiều 31/10/2014 Kiên Giang đã nằm xuống. Cái chết của thi sĩ chuyên viết thơ-truyện nầy coi như Trời cho một bonus khấm khá, 87 [4] tuổi, sanh năm 1927, chết già, tuy rằng những tháng cuối đời phải buồn bã vì bịnh tật và nghèo khổ. Bịnh tật là do ba tháng trước ông bị xe đụng [5]. Ôi sao những người văn nghệ già của đất nước ta bị tai nạn xe cộ nhiều như vậy! Sơn Nam trước đây, Kiên Giang bây giờ, và còn biết bao nhiêu người nữa mà ta không biết! Người già được Bác Sĩ khuyên cố tránh đừng để té ngã gãy xương, xương già khi gãy khó lành. Ta nói mà không sợ quá lố, hai cái chết nầy là kết quả trực tiếp từ những tai nạn mấy tháng trước ngày mất. Những sáng tác ấp ủ cuối đời của họ không thực hiện được vì những anh nầy ông nọ say xỉn chạy càn, phóng ẩu sau cơn vui…


      Thôi! Cứ tạm an ủi nhau để khỏi bi thiết quá độ và trách móc vô ích, ta coi như số của Sơn Nam và Kiên Giang là như vậy. Hết số thì về Trời. Tác phẩm để lại cho Đời bao nhiêu đó đã đủ. Đời chỉ đáng nhận số lượng bấy nhiêu đó từ những người-Trời nầy thôi.


      *


      Tôi giao tình thân mật với Sơn Nam từ trước 75, những năm 69-79 hai người thường nhậu rượu đế ở tệ xá trên đường Chi Lăng; trước 75 thì có chút gì nhè nhẹ rẻ tiền đưa cay, sau 76 thì nhậu khan phần lớn, nhưng chỉ có dịp quen biết với Kiên Giang độ chừng mười năm nay thôi. Mười năm nhưng gặp nhau độ 5, 7 lần, khi thì ở hội quán Nghệ sĩ đường Cô Bắc, khi thì ở quán cóc đường Nguyễn Cư Trinh, hai lần sau cùng nhân đám tang nhà văn Thẩm Thệ Hà. Chúng tôi không còn trẻ nữa nên hai người chỉ nhăm nhi cà phê, Kiên Giang ly đen nhỏ với một món ăn gì đó, người ở xa về ly cà phê sữa thiệt ít cà phê. Chuyện lan man đủ thứ không ra đầu đuôi ngô khoai gì, đụng đâu nói đó. Thỉnh thoảng do thói quen cố hữu, tôi – hay người đi theo – ghi lại vài ba ý đặc biệt hoặc năm ba câu thơ của người mình nói chuyện, nhờ đó giờ đây tôi có được một vài câu thơ-miệng của Kiên Giang. Tôi gọi là thơ-miệng vì ông đọc cho tôi, và thiệt tình không biết ông có đọc cho ai khác hay đã in ở đâu chưa.



          Địa chỉ ông cho tôi trước khi về Long Xuyên năm 2010. Cả hai bây giờ đã trở thành hư ảo, số đt thì càng hư ảo hơn!

      Tôi xếp Kiên Giang vô lớp nhà thơ của tình yêu: Tình yêu gái trai không trọn vẹn mà ai cũng biết, tình yêu quê hương âm ỉ, giấu giếm trong lòng, chỉ khi hứng chí tuôn ra chút chút với bạn bè có chút gì liên quan đến chữ nghĩa hay ý kiến về những chuyện xảy ra chung quanh.


      Kiên Giang có lối nói chuyện thẳng thừng, gọn, không rào đón, tiếng nói mạnh, thấy trong cách nói sự ngay thẳng của người Nam. Ông thường nhấn mạnh, tôi là người gốc Hoa, có thể gọi là Minh Hương. Nhưng Minh Hương gì nữa? Tôi trở thành người Việt chánh cống lâu rồi hồi nào không biết, có lẽ do chơi thân với toàn là người Việt… rồi mất gốc luôn. Nơi đây là quê hương tôi, quê hương con cháu tôi…


      Tôi cảm giác sờ đụng được sự thành thật trong lời nói của người thơ kiêm soạn giả cải lương nầy. Việt Nam đã có nhiều người gốc Hoa bồi đắp cho văn chương Việt bằng tác phẩm có giá trị như Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tích, Hồ Dzếnh… có thể là cả Phan Thanh Giản và nhiều nhà thơ sành chữ Hán khác của Miền Nam nữa… Dòng máu cha sanh mẹ tạo hình thành con người sinh học của ta, nhưng chính tâm hồn và cảm thức của ta mới quan trọng, nó được cá nhân ta hoàn thiện từ từ theo thời gian và nhận thức để tạo nên con người thật là ta với bản ngã của ta. Tâm hồn Kiên Giang đáng quí ở chỗ chung thủy với người yêu, cảm thấy mình có lỗi khi không hiểu ý tình của người yêu cho nên ray rứt trường kỳ, sự ray rứt đó tạo nên thơ-truyện buồn Hoa Tím Thôi Cài Lên Áo Tím. Ray rứt đó khiến ông thay đổi đoạn kết câu chuyện dầu rằng thoại trước đã thành công. Sự công bố câu chuyện tình yêu, công bố hình ảnh người tình quá vãn là sự biểu hiện đáng quí cái tâm hồn chung thủy của ông.



          ,
      Bìa bản nhạc thơ Kiên Giang
      do Huỳnh Anh phổ (Internet)
      Thơ: Kiên Giang         ,
      Nhạc: Huỳnh Anh   
      Tiếng hát: Hoàng Oanh

      Tôi nhớ lần nào đó mình đã hỏi:

      ‘Mối tình đó anh mang trong lòng hoài làm sao chịu nổi, làm sao sống?’


      Và ông trả lời gần như gằn từng tiếng:

      ‘Đâu phải lúc nào cũng nhớ đâu! Nhưng mà tiếc vì mình vô tình, vì mình lo công việc riêng làm mất hụt nhiều thứ. Mình có lỗi nhiều với người ta. Nhắc nầy làm nọ cũng là cách xin lỗi người ta.’


      Ông chuyển đề tài hỏi tôi có đem theo quyển Lúa Sạ Miền Nam có bút tích của ông mà tôi mua được ở chợ sách cũ như đã hứa trước khi đến không. Tôi đưa ra mấy trang copy bút tích của ông, của Sơn Nam …, ông cám ơn sau khi đã coi lại cẩn thận.


      Tôi ngồi nhìn người thơ lớn tuổi, điếu thuốc gắn trên môi, tàn dài chưa rớt, tay lật lật những tờ giấy, ngừng lại hơi lâu ở hình chụp chung hai người trẻ Kiên Giang và Sơn Nam, tôi ngẫm nghĩ về cách ông cẩn thận và trân trọng đối với kỷ niệm trong khi đó cũng như bạn chí cốt của ông trước đây, khi được tặng tiền đã hờ hững bỏ túi không bao giờ đếm hay sành soạn coi ít hay nhiều.


      Nói chuyện với ông mấy lần tôi biết được lắm điều thú vị mà trước nay mình không biết. Chẳng hạn nhà thơ Truy Phong sống suốt đời ở quê trên cù lao Dài, quận Vũng Liêm, đã chết cách đây 4 năm. (lúc chúng tôi nói chuyện 2010), chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Tử Quang của xứ Sóc Trăng cũng có làm thơ và ông ta ký là Vô Ngã, chẳng hạn như tuồng cải lương Trương Chi Mỵ Nương tuy để tên một mình Hà Huy Hà nhưng có sự góp sức đáng kể của Hà Triều và Hoa Phượng mà vì lý do tế nhị với đoàn hát không thể để tên ba người.


      Tôi ngạc nhiên nhiều khi ông kiên nhẫn đọc đi đọc lại cho người chép chép bài thơ của thi sĩ Nguyễn Văn Cổn, một bài thơ quê hương nhè nhẹ kiểu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân, thầy tôi:


      Tù-và văng vẳng nhớ quê xưa,

      Nhớ bóng làng ta khuất lá dừa,

      Nhớ ngọn lúa vàng bông phất phới,

      Nhớ bần bên rạch ngọn đong đưa…

      (thơ Nguyễn Văn Cổn)


      Phải yêu thắm thiết quê hương nầy mới nhớ được bài thơ ít người biết kia! Càng ngạc nhìên hơn nữa khi ông đọc vài bài thơ-miệng của mình về thời thế với nội dung mà tiếng bên đó bây giờ gọi là nhạy cảm, có vấn đề, nói chơi với nhau thì được viết lên giấy trắng mực đen thiệt là gay.


      Tôi thích nhứt ba câu mà Kiên Giang nhấn mạnh trước khi đọc: ‘Tôi làm ba câu thôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu, ai muốn làm thêm thì cứ làm, tôi không chịu trách nhiệm’:


      Đĩ điếm cũng thay khung mặt nạ,

      Đổi ngón nghề, lang chạ gian manh.

      Hòa Bình tưởng hết chiến tranh…

      (thơ-miệng Kiên Giang)


      Tôi ứng khẩu thêm vô câu cuối theo cái nhìn của người ở ngoài nước…, ông nghe xong chỉ cười cười không nói gì.


      Có lần trước khi chia tay ông nhấn mạnh về tình người, tình bạn về cách sống của người lúc lên voi làm sao cho phải đạo và kết luận bằng cặp thơ:


      Cho hay hết thảy đều tan biến,

      Còn lại ngàn sau chút nghĩa tình.

      (thơ-miệng Kiên Giang)


      Và, ông vừa nói vừa mỉm cười: – ít thấy ở ông. Có hai câu nầy cho Việt Kiều:


      Dầu xa cách mấy trùng dương,

      Ở đâu cũng có quê hương trong lòng.

      (thơ-miệng Kiên Giang)


      Anh Kiên Giang! Hơi khác với trường hợp anh sanh ra và sống trọn đời ở Việt Nam nên tha thiết với quê hương phong cảnh Việt, trở thành người thuần Việt, không để ý gì đến xứ sở máu thịt Trung Hoa, chúng tôi sanh ở Việt Nam, sống thời gian dài ở nước ngoài hơn sống ở nơi mình sanh ra nên có cái quê hương của tuổi trẻ trong lòng, đồng thời cũng có cái quê hương trung niên trong trí, cái quê hương thứ hai đã bao bọc và che chở chúng tôi khi bị quyền lực trên cái quê hương thứ nhứt làm khó dễ trăm bề…


      Vâng, thưa anh Kiên Giang, dẫu xa quê hương cách mấy, trong lòng những người xa xứ chúng tôi cũng canh cánh nhớ về cái quê hương đầu tiên nơi mình được sanh thành. Nhưng cũng từ lòng yêu quê hương thâm sâu đó chúng tôi đau đớn thấy nó bị bóc lột lợi dụng, ngóc đầu lên không nổi, thua kém những đất nước chung quanh….


      (California, ngày 03 tháng 11 năm 2014)


      [1] Tôi gọi thơ-truyện là những bài thơ kể chuyện có đầu đuôi, thời gian dài. Đó là chuyện về cuộc sống không phải một mãng nhỏ của đời sống.

      [2] Đại ý được ghi lại theo trí nhớ của người viết khi nói chuyện với nhà thơ.

      [3] Tài liệu nói rằng họ Vũ trước chết do thuốc của tên tẩm độc đã đọc câu thơ của mình: Một đóa tài hoa ai biết không?

      [4] Tài liệu chỗ nầy nói ông sanh năm 1927, chỗ khác nói sanh năm 1930, đây tính theo 1927.

      [5] Theo tin tức báo chí.


      Nguyễn Văn Sâm

      sangtao.org

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Bút ký về hai vị thầy của tôi Gs Nghiêm Toản và Lm Thanh Lãng Nguyễn Văn Sâm Bút ký

      - Nguyễn Vy Khanh: Đã Từng Có Một Nền Văn Học Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Sâm Nhận định

      - Bài nói chuyện nhân buổi RA MẮT SÁCH 45 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì? của GS Lê Thanh Hoàng Dân Nguyễn Văn Sâm Giới thiệu

      - Thầy Nguyễn Khắc Kham - Võ Trường Toản Miền Nam Nguyễn Văn Sâm Tạp luận

      - Nguyễn Mạnh An Dân: Tiếng thét trước tệ nạn Nguyễn Văn Sâm Nhận định

      - U Tình Lục, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thí nghiệm về đất trời Phương Nam Nguyễn Văn Sâm Giới thiệu

      - Buổi nói chuyện về ngữ học cơ cấu của một học giả tuổi gần trăm Nguyễn Văn Sâm Nhận định

      - Một chút Văn Khoa Sàigòn năm 60 Nguyễn Văn Sâm Tản mạn

      - Lê Hữu Mục: Tâm moa là mây Nguyễn Văn Sâm Tản mạn

      - Trương Vĩnh Ký, người giữ lửa cho tiếng nói Nam Kỳ Nguyễn Văn Sâm Điểm sách

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)