|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Hà Nguyên Thạch
“Về đi cây, về với mầm/ thả hiu hắt bóng, lá lầm lũi bay / về đi đêm, về với ngày / ngợp bao la tối sao lay lắt buồn / về đi sông, về với nguồn / bỏ quên rong cỏ, nước cuồng nộ trôi / về đi em, về cùng tôi /dắt nhau qua bến luân hồi đón xuân” (Hà Nguyên Thạch)
Nếu tôi là người đàn bà từng có may mắn cư ngụ một khoảng thời gian trong đời nhà thơ, nếu tôi từng được làm một người tình của thi sĩ, hay ít ra, nếu tôi là một người mà đời không nỡ đánh, dù một cành hoa, tôi sẽ nhanh chân, không ngần ngại về với những lời dỗ dành (tên bài thơ) dịu dàng, tha thiết trên.
Hà Nguyên Thạch là một nhà thơ tài hoa trong ngôn ngữ mượt mà, mơn trớn. Nhà phê bình văn học Đặng Tiến, một người làm thơ rất hay dưới bút hiệu Nam Chi, trong một bài viết giới thiệu thơ Vũ Hữu Định, đã nhận định chắc nịch như đinh đóng cột :
... “Thơ tình yêu là lối thơ dễ làm và khó hay nhất” Rồi ông lý giải: “Một là vì đề tài lâu đời trở thành khuôn sáo, hai là người làm thơ tình khi thành thật thì chủ quan, đắc ý, tự nghĩ thơ mình là hay, hóa ra dễ dãi, trong khi người đọc bên ngoài cho rằng lẩm cẩm...” Nghe có lý quá. Nhưng tôi lại có cảm tưởng: thơ tình yêu khó làm mà dễ hay. Khó làm vì không dễ gì viết được một bài thơ tình yêu được nhiều người tâm đắc. Dễ hay vì thơ tình yêu chân tình thường rất đơn sơ lẫn cùng lẩm cẩm. Không có chút lẩm cẩm mất đi năm mươi phần trăm thi vị. Bởi yêu, tự nó đã là chuyện... lẩm cẩm rồi. Có thể nói, không có chút lẩm cẩm là chưa biết yêu. Suy luận của tôi không dựa vào căn bản thuyết phục nào. Chỉ đưa ra để mời bè bạn suy nghiệm cho vui thôi. Tôi có “đặt” văn vần, nhưng không chắc là thơ, nên chuyện hồ đồ khó tránh. Lâu nay tôi vẫn phục những nhà phê bình. Nhưng chưa gặp một nhà phê bình nào khi họ viết về thơ của một người khác. Những ông như Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc... với tôi, họ chỉ là những thi sĩ. Từ những bài thơ hoặc văn vần họ làm nên những bài thơ xuôi, đọc lý thú vô cùng, nhất là chữ nghĩa của ông Nguyễn Hưng Quốc, hoàn toàn thơm ngát chất thơ. Từ một bài thơ, các nhà phê bình đẩy sự suy tưởng, lẫn tình cảm, phiêu lưu rất xa theo sự thông cảm nhạy bén từng vấn đề của họ, mà đôi khi chính người làm thơ không tự hiểu nổi.
Chết chửa... hình như tôi làm dáng quá, xin lỗi, đẩy cửa vào ngay đây.
“Thế giới thơ” Hà Nguyên Thạch, “vũ trụ thơ” (lại dùng những chữ lớn của các nhà phê bình) Hà Nguyên Thạch là một cõi thi ca đầm đìa nước. Nước mắt ? Dĩ nhiên cũng có. Nhưng bên cạnh những giọt lệ quí báu, hiếm hoi của một nam nhi, còn có vô số khối lượng nước từ thiên nhiên như sông biển ao hồ, thác, suối. Tôi có thể dẫn bạn theo Hà Nguyên Thạch, bơi lội, giỡn chơi hoặc buồn phiền bên những dòng nước ấy ngay bây giờ tức thì:
Vào tập, không cần phải tựa, hay năm mười dòng đưa chân của người khác, đã có những câu lộng lẫy tuyệt vời của chính thi sĩ:
“Con nước đó đã bao lần sóng vỗ
chút tàn phai đậu xuống mép chân cầu..”
Và tiếp theo, nếu nói từng trang thì hơi quá, nhưng các bạn để ý đến ghi chú số trang dưới trích dẫn sẽ thấy rõ những nguồn nước phong phú trong thơ Hà Nguyên Thạch. Và tuy mê mải viết nhiều về nước, nhưng phải nói câu nào cũng đều là ngọc bích cả, nên tôi chỉ trích thôi, dành quyền trầm trồ lại cho quí bạn đọc :
... “ngày di động trên mỗi dòng thác đổ / có nghe không đời lẫn dấu trong mù... (trang 5)
... “ngày vẫn nắng cho tim mình bốc cháy / nước vẫn cuồng giao tận đáy sông dài...” (trang 6)
... “hãy trôi xuống những dòng cao nước lũ / cho sông dài nghe bờ cỏ hoang mang... (trang 8)
... “ở trên đó nguồn cao xô nước xuống / suối reo cười ai biết đá mòn đau...” (trang 9)
... “trời của nắng và trăm miền của gió / biển một bờ hoang sóng vỗ cũng thôi đành” (trang 10)
... “một viên sỏi tình cờ tung ra trên dòng nước / hạnh phúc của em đang bong dần từng gợn sóng đuổi nhau vào bờ...” (trang 14)
... “bởi mới đến núi sông này xa lạ / nên anh tìm dòng nước nhỏ làm quen..” (trang 20)
... “những lối ngõ đã cành hoang lá đổ / dòng sông dài nước lũ nhớ nguồn xưa..” (trang 21)
... “đêm, bọt nước theo nhau vào bãi vắng / ôm bờ cao nghe vỗ sóng rạt rào...” (trang 22)
... “từ con nước nhỏ nguồn cao / chở hồn anh xuống núi vào biển hoang / một tay với thác thương ngàn / một tay gối sóng nghe lòng lênh đênh...” (trang 24)
... “em thấy không những vệt nước trắng chạy dài trên sườn núi xanh là / khối đam mê tưởng chừng bất động/ tâm hồn anh năm tháng vẫn cuồng giao” (trang 26)
... “nằm đây một bãi hoang sầu / nghìn con sóng vỗ nát nhầu biển đêm / một loài chim lạ bay lên /bờ linh hồn nước đục lềnh tháng năm /mắt nhìn khoảng tối mù tăm /bàn tay dang mãi xa tầm ước mơ / mệt nhoài bọt nước bơ vơ /lênh đênh từ buổi biển bờ cách chia / ngày mai rồi ngày mai kia / cát khô bãi chát còn gì nữa đâu / hồn thơm mùi tóc cỏ lau / vọng trùng dương một điệu sầu mênh mang” (trọn bài Nhạc biển, trang 29)
... “người đứng lại khi dòng sông chảy xiết / kỷ niệm nào hai đứa trót trao nhau / người đứng đó bên dòng sông xanh biếc/ nhìn nỗi buồn trên rong cỏ trôi mau...” (trang 30)
... “người bỏ lại ánh đèn khuya rưng khóc / con phố dài tay với dòng nước đen / thôi đừng tiếc những lần qua thuở trước/ thành phố này xin giấc ngủ bình yên” (trang 31)
... “triều nước rút cuốn theo bờ mộng tưởng / trơ vơ nằm thân ốc biển buồn tênh...” (trang 36)
... “con nước đó mang hình anh trôi mất / buổi quay về này một khoảng hư không...” (trang 38)
... “thân bốc cháy suốt một mùa hạ nắng / nằm im nghe nức nở sóng triều dâng / bọt nước mỏi, chạy lên bờ đứng thở / hơi mặn nồng đành nhận chút bâng khuâng... (trang 41)
... “đêm thổi gió về khơi lòng biển động / con nước hiền bỗng phá phách bờ xa/ nghe lở lói nửa thân mềm cát trắng / vết hằn đau buổi ấy khó phai nhòa...” (trang 42)
... “chiều đi động bóng chân ngày / hỡi con nước có sầu vây xuống mù..” (trang 49)
... “mới hay trời đất không cùng / nước xa nguồn đã chia dòng xuôi trôi / biển lênh đênh một mặt trời / trôi lên bọt nước bóng đời vỡ tan” (trang 50)
... “trời cao trong đáy mắt / lòng sâu dưới chân đèo /nước nguồn xuyên kẽ lá / thác ngàn đổ xuống theo...” (trang 60)
... “khi qua đó chân cầu reo sóng nhỏ/ lời thanh xuân dạt bọt nước quanh bờ..” (trang 66)
... “từ hôm nước vỡ sông trời / biển mênh mông đó nối lời tuổi thơ...” (trang 79)
Có lẽ vì tràn ngập sông nước, biển sóng, thác ngàn như thế nên toàn tập thơ của Hà Nguyên Thạch được mang một tên chung, rất gợi hình: Chân Cầu Sóng Vỗ. Tập thơ dày 104 trang gồm 41 bài đủ thể loại. Mẫu bìa của họa sĩ Nguyên Khai. Phụ bản của các họa sĩ Nguyễn Quỳnh, Nguyên Khai, Hoàng Ngọc Biên. Nhà xuất bản Ngưỡng Cửa phát hành năm 1967, in trên giấy thiên thanh và hoàng ngự, cùng 50 bản đặc biệt cho bè bạn và nhà xuất bản.
Ngoài thơ tình yêu lứa đôi chiếm đa số, Hà Nguyên Thạch cũng bày tỏ những ưu tư về cuộc chiến, cùng vẽ ra vài nét tiêu biểu về một quê hương nghèo khó, một dân tộc nhược tiểu. Thơ anh là những trăn trở của tuổi trẻ, những rạo rực của tình yêu. Chải chuốt, bóng bẩy, giàu hình ảnh và điệu nghệ như một công tử thành phố thứ thiệt. Mà không thiệt sao được, khi anh được sinh ngay tại Phước Ninh trong lòng Đà Nẵng. Cũng ra đời năm 1941 như tôi, nhưng anh là đầu rắn, khác với cái đuôi rồng của tôi. Một khắc lệch nhau đã biết bao nhiêu khác biệt. Người ta thường nói thà làm đầu một con vật nhỏ, hơn phải là cái đuôi của con vật lớn. Nhưng làm sao chúng tôi chọn lựa được trước cái giờ đi đầu thai cấp bách. Rồng hay rắn xem ra cùng lênh đênh. “Mỗi cây mỗi hoa...” mà. Điểm gặp nhau, may ra là nỗi buồn sâu thẳm ở trong lòng.
Hà Nguyên Thạch có một vóc dáng, một diện mạo rất giống nhà thơ Du Tử Lê. Tầm người không cao, không thấp, như nhau. Không mập, không gầy, như nhau. Bộ đi dáng đứng của hai nhà thơ cũng na ná. Khuôn mặt cả hai cũng vuông vức bắt mắt. Cả Du Tử Lê và Hà Nguyên Thạch đều có một cặp chân mày đậm đà. Một cái mũi vừa tầm cao nhưng hai cánh hơi lớn. Tôi hoàn toàn không biết gì về tướng số. Nhưng nhớ có đọc qua đâu đó một lần. Những người có chiếc mũi và cặp mày như vừa mô tả là những người “cực kỳ” đào hoa. Một điểm chung nữa là cách chuyện trò với phái đẹp. Hà Nguyên Thạch cũng như Du Tử Lê, thật tuyệt vời trong nghệ thuật này. Tôi đã từng thấy cả hai anh thì thầm, rúc rích, duyên dáng, dí dỏm và có lẽ thông minh nữa trước người đối thoại khác phái của mình. Du Tử Lê, Hà Nguyên Thạch đều là những ông trọc phú tình nhân. Thơ của cả hai đều thuộc loại tuyệt bút. Ở đây tôi chỉ trích thêm một ít thơ của Hà Nguyên Thạch, có liên quan đến nghệ thuật này:
... “sương cỏ xuống cả một vùng nước mắt/ vẫn bền lòng người hỡi biết cho không” (Hà Nguyên Thạch, trang 7)
... “đời ngắn ngủi như một lần cỏ mọc/ anh cũng một lần xin mãi nhớ tên em...” (Hà Nguyên Thạch, trang 9)
... “thầm gọi tên em: đêm cần ánh sáng / ngùi thương anh chim thức giấc trên cành / ngỡ bước chân em vang ngoài lối vắng / anh nghiêng lòng sầu nhớ cất mênh mông.../ ... nên bày biện hồn anh bằng ánh sáng /chờ âm thanh đan kết tiếng em cười /rủ mây trời nâng dáng tóc em trôi /và hơi thở em nồng thơm ý sống / tiếng hát em tháng ngày ru anh ngủ /giấc bình yên trong đáy mắt em sầu / ta cho đời khí giới qua tim nhau / nghe cuộc sống vỡ ra từng ý nghĩa. (Hà Nguyên Thạch trang 47 và 48)
Ngọt tai, ngọt lòng đến như vậy, dáng hoa nào không bị cuốn hút ?
Hà Nguyên Thạch là cựu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũng như Trương Duy Hy, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhật Nam, Vũ Ngự Chiêu, Lệ Hằng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Gia Phụng, Huy Giang, Phan Duy Nhân, Lê Hân, Phạm Vũ Thịnh, Vương Ngọc Long, Võ Ý, Vô Tình, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Hữu Viện, Trương Đức Thủy, Nguyễn Nam An, Thành Tôn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Trần Vinh Anh, Nguyễn Đức Cung, Thùy An, Lam Hồ, Hoàng Trọng Bân, Châu Văn Tùng, Lê Mạnh Trùy, Tô Yên, Luân Hoán... và còn nhiều nữa, những người vui chơi trong thế giới văn học nghệ thuật, mà tôi chưa biết hết, chưa kịp nhớ ra.
Hà Nguyên Thạch trong tên thật Nguyễn Văn Đồng, con trai thứ hai (sau Nguyễn Văn Phượng) của ông trưởng làng Phước Ninh, bác Nguyễn Văn Được, theo học Đại học Sư Phạm Huế, ban Việt ngữ, cùng thời với Nguyễn Thiều Dũng (cháu nhà văn Nguyễn văn Xuân, hiện ở Việt Nam, là phu nhân của nhà nghiên cứu sử Châu Yến Loan), Tống Văn Diệu (em bà con của Tống Nhạn, hiện ở Birmingham, AL, USA)...
Trong thời gian uống nước sông Hương, ngắm các tà áo dài trắng qua cầu Tràng Tiền, Nguyễn Văn Đồng đã vụt trở thành một thi sĩ, thuộc trường phái lãng mạn. "Sợ Hồn Bay Nên Níu Chặt Vai Cầu" là một nhánh thơ trong cụm thi ca, đã giúp Hà Nguyên Thạch được báo chí Sài gòn, cũng như những người làm văn nghệ, nồng nàn đón nhận. Cũng từ đó, cái tên Hà Nguyên Thạch phổ biến rộng trong giới bạn văn. Thời ở Đại học Huế, Hà Nguyên Thạch đã cùng Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thiếu Dũng, Tống Văn Diệu... rủ rê Đynh Hoàng Sa cùng tôi góp bài cho tạp chí Nhận Thức do các anh ấy chủ trương. Đây là một địa bàn sinh hoạt văn học có cơ sở gần nhất với các bạn cầm bút thời bấy giờ tại Huế, Đà Nẵng.
Tôi không nhớ rõ bắt đầu kết thân cùng Hà Nguyên Thạch từ lúc nào. Hình như Thạch và Đynh Hoàng Sa đã đến tìm gặp tôi, rồi trở thành tri giao. Ba địa điểm chúng tôi thường gặp nhau là nhà ba má tôi trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục (nay là Ngô Gia Tự), nhà mẹ và dượng Đynh Hoàng Sa trên đường Hoàng Diệu (trên chợ Cây Me một chút). Và nhiều nhất là tại nhà ông già của Hà Nguyên Thạch, số 42/3 Phan Thanh Giản (nay là Hoàng Văn Thụ).
Cụ thân sinh của Thạch có vẻ nghiêm khắc. Việc hành chánh phường xóm hình nhu không bề bộn lắm, nên lúc nào tôi đến, cũng đều chạm mặt ông. Ngoài cúi đầu chào, tôi chưa có dịp được tiếp chuyện với ông bao giờ. Sát vách nhà Thạch là nhà của chị Võ Thị Thương, một người đẹp giỏi toán nổi tiếng của trường Phan Châu Trinh lúc bấy giờ. Chị Thương đi du học tại Canada trước 1975, từng về giữ chức Giám đốc Điện lực tại Sài Gòn. Nhưng hiện nay chị cư ngụ tại thành phố Québec, làm chủ một vài quán ăn. Chị Thương có cô em tên Cúc mà tôi thường được nhận những cái liếc mắt rất thơ. Cúc và Hòa (em trai chị Thương) đều định cư tại Québec, kinh doanh thành công trong dây chuyền ẩm thực của chị Thương. Trước nhà của Hà Nguyên Thạch là nhà ông Hoàng Đình Giáo, một nhân viên hành chánh cao cấp ngành Ngân khố, đi làm bằng xe hơi riêng hẳn hoi. Nhưng điều quan trọng với tôi là trong cái villa kín cổng ấy có đôi mắt của Thanh Tâm rất sáng, và nụ cười rất tươi vui. Rất may cho Tâm, cô chỉ trở thành đồng nghiệp ngân hàng của tôi sau này, mà không bị thơ tôi tấn công. Tâm hiện ở Houston USA. Kể lể dông dài như vậy để thấy tôi rành rẽ chỗ ra đời của Hà Nguyên Thạch đến mức nào. Sau này tôi trở thành con rể của hàng xóm Đồng, mọi người láng giềng càng trở nên thân thiết với tôi hơn nữa.
Thơ thẩn chẳng cầm chân được thời gian. Tuy theo hoàn cảnh riêng, chúng tôi chia tay một thời gian, rồi cùng tụ về thị xã Quảng Ngãi. Đynh Hoàng Sa dạy ở Trung học Trần Quốc Tuấn, Hà Nguyên Thạch, thú vị hơn, anh được dạy ở trường Nữ Trung Học. Dân Phan Châu Trinh Đà Nẵng hiện diện tại Quảng Ngãi thời bấy gìờ, ngoài Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, còn có Tô Yên, Lê Văn Nghĩa, lúc này còn là Trung úy Chi Đoàn Trưởng Thiết Giáp đóng bên cạnh bộ tư lệnh Sư Đoàn 2, Huỳnh Bá Dũng, Trung úy, trưởng phòng 3 Sư Đoàn 2 (đã hy sinh trong Tết Mậu Thân), Nguyễn Văn Phượng (anh ruột Hà Nguyên Thạch) Trung úy trưởng Ban 4 trung đoàn 4 Bộ Binh, Trần Hữu Lân, Trung úy, Trưởng phòng 4 Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Nguyễn Đình Trí, Giáo sư trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi, Trần Mỹ Lộc, Chuẩn úy, Trung đội trưởng tác chiến Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4 BB (đã hy sinh tại Xuân Phổ Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Pháp, Chuẩn úy, Sĩ quan liên lạc Việt Mỹ, Trung đoàn 4 BB, nhà văn Vương Thanh, Trần Hữu Huy, Trung úy, tiểu khu Quảng Ngãi, Châu Văn Tùng, Chuẩn úy, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 1/4 Bộ Binh. Và dĩ nhiên còn nhiều người khác tôi không được quen biết.
Hà Nguyên Thạch là một ông thầy giáo nổi tiếng ở xứ giàu chim mía này. Tôi tin chắc có khá nhiều cô nữ sinh áo trắng đã từng hơn một lần mơ tưởng đến ông thầy thi sĩ của mình. Thạch có một vài người yêu trong “đám xuân xanh ấy” đến tận phòng trọ “nâng khăn sửa túi” cho anh rất tận tình. Để rồi anh khép lại cuộc rong chơi độc thân cũng bằng một cô học trò tươi non, con một phú thương. Đó là giai đoạn sau khi tôi rời Quảng Ngãi.
Lúc tôi còn có mặt trong thị trấn nhà binh này, chúng tôi có nhiều sinh hoạt văn học. Lực lượng tham gia trong cuộc chơi gồm: họa sĩ Nghiêu Đề, từ Sài Gòn về tị nạn quân dịch. Khắc Minh, dân địa phương, thuộc diện lính cảnh của tòa tỉnh, con trưởng của một đại phú gia bậc nhất Quảng Ngãi. Phạm Trung Việt, công chức ngành thông tin, cha đẻ tác phẩm Non Nước Xứ Quảng (Ngãi). Minh Đường, nhà thơ chân chất, hơi khép kín với nghề truyền thanh. Phan Nhự Thức, anh chàng này, theo ghi nhận của nhà văn Nguyễn Văn Quảng Ngãi đăng trên đặc san Quảng Nam Đà Nẵng, số Xuân Quí Mùi, 2003 như sau: .... “là người hòa nhã, dễ dãi, chân tình nên được anh em mến thương nhất và cũng bị rầy rà nhất nhưng không bao giờ biết giận...”. Phạm Cung, họa sĩ, rất tiết kiệm tiếng nói. Trần Thuật Ngữ, bạch diện thư sinh thứ thiệt, và dĩ nhiên gần như hầu hết anh em từ Đà Nẵng vào như danh sách đã ghi trên. Công việc chúng tôi làm, tôi đã từng nhắc tới, trong một bài viết ở tập Quá Khứ Trước Mặt, đó là hai tạp chí Trước Mặt (gần đây nhà văn Trần Hoài Thư bắt gặp lưu trữ trong một thư viện đại học Cornell ở New York Hoa Kỳ) và Tập Hợp, nên chẳng dám nhắc lại.
Hà Nguyên Thạch làm thơ tình vẫn hay. Nhưng anh không dành nhiều thời gian cho thi ca. Cho đến năm 1975, anh in được 2 tập thơ, tập Chân Cầu Sóng Vỗ và một tập rất mỏng đánh dấu ngày Hà Nguyên Thạch lập gia đình. Tập này tôi nghĩ mãi không nhớ ra tên. Tuy không như Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức bỏ Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhưng Hà Nguyên Thạch bắt đầu có ý định sinh hoạt chính trị. Anh tham gia đảng Dân Chủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và giữ chức Phó Chánh Sở Học chánh tỉnh Quảng Ngãi. “Trên Vuông Chiếu Đời Ta”, tên một bài thơ, tôi từng nhắn:
"Bỗng nhớ đến tên Hà Nguyên Thạch /đi đâu hay đắp chiếu ngủ vùi ?/ lâu nay sao chẳng làm thơ nhỉ /yêu quá cho nên đã đổ lười ?/ hay là cơm áo chưa vừa phải/ xe ngựa đua tài phải tới lui/ tao nói điều này e không phải/ nhưng tin mày không giận, mà cười !" (LH-Rượu Hồng Đã Rót, 1974-)
Quay qua, quay lại, thời gian qua nhanh, tôi bận rộn cùng những con số ở Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín Đà Nẵng, không có dịp vào thăm Hà Nguyên Thạch. Mãi đến tháng 11 năm 1984, tôi mới gặp lại Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức tại Sài Gòn. Đynh Hoàng Sa có cuộc sống tương đối dễ thở. Đồng và Minh thì quá rách nát. Gặp nhau, không còn để bàn chuyện phải làm. Cũng không nhắc gì đến thi ca. Vài ba cuộc rượu rất ư là lỏng lẻo, rời rạc.
Tôi ngồi chơi với Cung Tích Biền, Biền nói nhiều về Hà Nguyên Thạch, nhưng hình như tôi không hiểu mấy. Đại khái Hà Nguyên Thạch chạy bàn, Hà Nguyên Thạch lao công, Hà Nguyên Thạch say...
Trần Dzạ Lữ, đèo tôi trên xe đạp, nói về Hà Nguyên Thạch, Chu Vương Miện tiếp tôi bên chòi sách cũ, nói về Hà Nguyên Thạch, Lê Vĩnh Thọ ở quá miệt chợ Búng, Bình Dương, mừng tôi, nói về Hà Nguyên Thạch, Rồi Hoàng Trọng Bân, rồi Nghiêu Đề nói về Hà Nguyên Thạch. Tin nào về người thi sĩ này cũng giàu nét không vui. Bạn bè buồn cho anh về sự đổ vở trong hôn nhân.
Trước khi tôi ra đi, gần như đầy đủ các bạn đến chào tôi một lần chót trong một tiệc rượu, hình như gần nhà Thành Tôn. Đynh Trầm Ca hát Ngồi Lại Bên Cầu do anh phổ từ thơ Hoài Khanh, thật tuyệt, nhưng không giữ được chân Hà Nguyên Thạch, anh có chút bất mãn với Đynh Hoàng Sa, bỏ về trước, Chúng tôi nắm tay nhau. Không phải Đồng muốn khóc, hay chính tôi rơi nước mắt. Chẳng phải đâu, chúng tôi cùng giấu nhau, nhưng cùng thất bại. Tôi ra đi để vào "Cõi Thiên Đường" (chữ của anh Lê Ngọc Hiển tôi) nhưng có cảm tưởng xa vời như vào cõi miên viễn, không bao giờ gặp lại. Cuộc rượu tiễn đưa đã có chút gì lấn cấn, tôi được Thành Tôn, Hoàng Trọng Bân đưa về sớm hơn dự định.
Hà Nguyên Thạch! Hà Nguyên Thạch! Người bạn từng nằm gác chân nhau, từng chia nhau một cõi trăng hoa đang làm gì? ra sao, sau những năm 1985? Những thăng trầm của anh đi từ một cuộc đổi đời, tôi biết được ít nhiều qua các bài viết của nhà thơ Phan Xuân Sinh, (cũng dân Đà Nẵng chúng tôi, hiện làm ông chủ một quán ruợu tại Boston, USA), nhà văn Nguyễn Văn Quảng Ngãi (nhìn hình đăng trên đặc san QNĐN tôi thấy phương phi lắm, nhưng tiếc, chưa được quen biết).
Câu chuyện phim tàu tôi đang nghe từ DVD phát qua tivi theo thói quen trong lúc gõ bài, đến đoạn Tề Cảnh Công lo sợ Lỗ Định Công dùng Đức Khổng Tử (551-479 trước Tây lịch) làm Nhiếp Tướng Sự (tướng quốc) Nước Lỗ sẽ mạnh. Cái ghế của Tề Cảnh Công có thể bị đe dọa. Lê Di, quân sư của Tề hiến kế lập một Bộ Nữ Nhạc, dâng qua Lỗ. Lỗ Định Công quả thật đã vì bộ nữ nhạc mà lơ là bàn chuyện quốc sự với ngài Khổng Trọng Ni. Chán vì việc này lại thêm bà Thượng Quan, người vợ yêu quí đã thất lộc gần một năm, Đức Khổng Tử bỏ Lỗ chu du qua các nước Vệ, Khuông, Trần, Thái, Sở... để thuyết giáo cái đạo của mình. Một hôm trên đường đi, ngài gặp một bà lão, ôm người con trai vừa qua đời gào khóc não nùng. Ngài áy náy hỏi:
“- Phu nhân khóc một cách thảm thiết như vậy, xem ra không phải chỉ mất một người thân đâu?
- Tiên sinh nói rất là đúng, năm kia cha chồng tôi bị cọp cắn chết. Năm ngoái chồng của tôi lại bị cọp cắn chết nữa, để lại tôi và con tôi ngày đêm cứ sợ sệt mà sống qua ngày. Nhưng năm nay con trai của tôi lại cũng bị cọp cắn chết nữa rồi, bây giờ chỉ còn mình tôi...
- Đã như thế sao phu nhân không dọn đi nơi khác
- Tiên sinh không có biết, đây là giao giới giữa hai xứ Lỗ, Tề, không ai quản lý, không có hà chánh để cho bá tánh sống không nổi, nên chúng tôi đều ở lại”
Đức Khổng Tử ngậm ngùi ngẩng nhìn trời hỏi:
- “Hà chánh còn dữ hơn cọp sao ?”
Đoạn truyện vừa đi lạc vào trang viết của tôi phía trên nằm trong bộ Đông Châu Liệt Quốc, thời Xuân Thu DVD 4. Những đối thoại giữa ngài Khổng Trọng Ni và bà lão, tôi cóp y nguyên văn lời chuyển âm. (xin lỗi nhà sản xuất)
Chuyện một thể chế chính trị khắc nghiệt làm cho dân chúng tìm đường lánh xa, xem ra cũng có phần có thật. Sau tháng 4 năm 1975, đất nước Việt Nam được thống nhất một cõi chữ S. Không hiểu vì lý do gì dân chúng miền Nam, đua nhau vượt biên, vượt biển dần dà kéo luôn theo một phần dân chúng phương bắc, nhất là Hải Phòng. Sự kiện này hình như là một biến cố của lịch sử, chắc chắn phải được ghi chép để đời. Nhưng những dòng sử dành cho các thế hệ hậu sinh sẽ ra sao? Hào quang của cái “chiến thắng thần thánh” trước một kẻ địch không đánh, chỉ chạy và tan rã sẽ choáng hết những gì đi kèm bên nó. Vậy thì có lẽ không được trung trực lắm. Chúng ta không nói đến chuyện “ai thắng ai”, “ai cứu ai” vì có vẻ lục lâm thảo khấu quá. Chỉ nói đến việc “thời sự” chính xác. Đây rõ ràng là “Câu chuyện Việt Sử”. Chúng ta hiện không có một “Thôi Chữ vô đạo thí quân đoạt quốc” (lại chuyện Tàu) và che lấp cái tội của mình bèn cách giết sử gia Sử Dư Trực Khương. Nhưng lưỡi kiếm của bạo quyền thời Thôi – Khánh, không làm chùng ngọn bút lông của các người em của sử gia. Họ theo nhau, chịu đổi mạng sống để viết vững câu “Hà ngũ nguyệt ất hợi Thôi Chữ thí kỳ quân”. Sử Tàu ngàn năm trước là vậy. Sử ta bây giờ dưới xã hội chủ nghĩa ra sao? Mấy ông nghiên cứu sử sẽ viết như thế nào về biến cố lịch sử 1975?
Chuyện thời sự đã qua cần quên đi cho tâm hồn nhẹ nhàng. Sao tôi vẫn nhớ và vô cớ mang vào bài viết này để làm gì cho nặng nề, làm mất cảm tình của nhiều người đọc? Tôi cũng thấy cái vô duyên của mình ở đây. Nhưng nghĩ lại nguyên nhân đưa đến nỗi thăng trầm nhiều chua xót của bạn mình, lại không nở xóa bớt cái rườm rà đáng trách.
Trong cái đoạn gọi là lịch sử ấy, ông bạn tôi, nhà thơ Hà Nguyên Thạch trôi dạt vào Sài Gòn cùng gia đình. Tránh được một cuộc tập trung cải tạo vì giai cấp trí thức tiểu tư sản, cộng thêm cái tội đảng viên đảng Dân chủ. Tuy tránh được tù tội nhưng vẫn nơm nớp lo sợ, nên cũng như toàn thể thị dân khác, Hà Nguyên Thạch lo tìm đường ... xuất ngoại. Không lận lưng được cái mục đích cao đẹp “đi tìm đường cứu nước” như của ông Trần Dân Tiên, mà chỉ mưu cầu yên bản thân và gia đình, Hà Nguyên Thạch thất bại liên tục sau nhiều lần cố gắng thay đổi số mạng. Nơi đến của nhà thơ là nhà tù. Khi được trở ra thì vợ con anh đã ra được nước ngoài. Mừng và buồn lẫn lộn. Giá chị Thạch không nằm trong một thiểu số phụ nữ Việt Nam đặc biệt, thì có lẽ sau đó và đến ngày nay, nhà thơ của chúng ta đâu có không biết nước Mỹ rộng lớn “phồn vinh giả tạo” đến mức nào. Chương trình đoàn tụ gia đình đẹp đẽ biết mấy đã không dành cho một người làm thơ biết thương yêu, đã từng lót thơ trên mặt giường đêm động phòng, đáng buồn thay.
Hà Nguyên Thạch ở lại cùng Sài Gòn. Đêm đêm anh ghé về tá túc bên hiên kiosque bán sơn mài của nhà văn Cung Tích Biền trong một thời gian dài. Quán cà phê văn nghệ nổi tiếng của nhà thơ Huy Tưởng trên đường Bà Lê Chân, nằm gần chợ Tân Định, cũng được hân hạnh tiếp hơi ấm của cơ thể Hà Nguyên Thạch. Người làm thơ chạy bàn, bưng cà phê, dĩ nhiên chẳng khác gì một “lao động vinh quang” bình thường. Có khác chăng là những suy tư bất ngờ, anh chợt đánh rơi vào chất đắng một cách vô hình. Nhưng tôi tin Hà Nguyên Thạch không rớt nước mắt. Cùng với cà phê, Hà Nguyên Thạch còn đến với kem đánh răng Momosa, được sản xuất từ cơ sở Nguồn Sống, mà ông chủ lúc bấy giờ là nhà thơ Phan Xuân Sinh. Hà Nguyên Thạch mang kem đi bỏ mối tại hầu hết các chợ ở Sài Gòn. Một thân một mình, để tìm quên sau những vất vả thể xác, Hà Nguyên Thạch đến với rượu. Đây cũng là một bằng hữu chí tình xưa cũ của anh. Làm sao có thể trách Thạch khi anh có vài nét đi sai lạc với bản tính hiền hòa, lịch sự vốn có của anh. Phan Xuân Sinh kể lại trong một bài viết trên mục Đất Tình của Vuông Chiếu Luân Hoán:
... “Một lần uống rượu tại nhà anh Đynh Trầm Ca (hình như vậy), lúc đó có anh Trịnh Công Sơn. Nửa chừng bữa rượu tôi phải đi công chuyện. Ngày hôm sau đi làm Đynh Trầm Ca kể lại cho tôi nghe lúc cuối bữa rượu anh Hà Nguyên Thạch gây gổ với anh Sơn. Thiệt tình thì chỉ có Hà Nguyên Thạch chửi tùm lum, còn anh Sơn thì yên lặng. Sau có lẽ cảm thấy không chịu được lời nặng nề của Hà Nguyên Thạch, anh Sơn bật khóc. Theo tôi đoán, trong suy nghĩ của Hà Nguyên Thạch, thời gian đó anh Trịnh Công Sơn được ưu đãi, cuộc sống có phần nào dễ chịu. Trong lúc anh Hà Nguyên Thạch, ngược lại, quá khổ, từ những bức xúc đó, bình thường không có nơi nào trút được, chỉ có khi uống rượu mới nói toạc ra cho hả dạ, không cần biết đụng chạm hay nể nang ai cả”
Tôi hình dung ra được những phẫn chí của Hà Nguyên Thạch. Cũng thấy được những chua xót, buồn tủi mà Thạch phải chạm mặt ngay sau cơn giận dữ đi qua cùng men rượu phai nhạt. Thương và buồn cho bạn, nhưng chính tôi cũng không thoát nổi vòng vây chán nản, phiền muộn, bế tắc trong nhiều năm đầu tại quê người.
Năm 1993, trên tuyển tập thơ Tháng Giêng Sài Gòn Anh Làm Thơ Yêu Em được nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố HCM ấn hành tại Sài Gòn, do nhà thơ Hà Nguyên Dũng, (không bà con gì với Hà Nguyên Thạch) từ Việt Nam gởi tặng, tôi gặp được một bài thơ của Hà Nguyên Thạch. Bài Mùa Xuân Nào Đó, in kèm với những nét phác họa Thạch. Không rõ bản vẽ của ai, của Nguyên Hạo? hay của Nguyễn Sông Ba? đã thể hiện rất giống Hà Nguyên Thạch. Bài thơ nguyên văn như sau:
“Còn những chén rượu sầu lòng chưa uống cạn
nên làm thơ còn có nghĩa chờ say
lúc say khướt sẽ lăn tròn hoài vọng
chạy quanh đời nghe hồn nhẹ như mây
em hãy nhớ hong tình trên ngọc tóc
cho trăm năm lòng rối tận chân mày
anh cũng sẽ trôi hoài theo dòng máu chảy
chờ tim em, ngày đổi nhịp tình phai
Còn những ánh mắt nhìn nhau không nói hết
nên làm thơ là gõ nhẹ lên tim người
một sớm nào ngôn ngữ vỡ trên môi
em có thể giấu trong tim dòng nước mắt
khóc cuộc tình vừa trổ nụ hôm qua
bóng lá sầu bỗng chen giữa cành tươi
nghe ký ức xếp từng ngăn lá rụng
(thuở yêu người gió thổi mãi không nguôi!)
Còn những gót chân người đi qua rất vội
nên làm thơ là khép kín hồn mình
hồn mỏng quá nên em nhìn vẫn thấy
dẫu tình si loang lổ giữa lòng anh
khối vàng tay không giữ nổi áo người xanh
chắc em hiểu vì sao những bờ cỏ úa
mọc hoang vu trong đáy mắt u tình
mọc rất dày trên cõi đắng thơ anh
em nào biết một mai đời cũng xế
(ngã xuống thơ anh tìm lại dấu môi mình)
Còn những mùa xuân lòng chưa đuổi kịp
nên làm thơ là thách thức với thời gian
dựng đau thương như một cõi thiên đàng
nuôi hạnh phúc bằng những chùm trái cấm
em có đến xin quay lưng cùng ngày tháng
bởi trăm năm cũng giãy chết giữa môi hường
một đời người tay với mãi lầm than
chân giẫm mãi cho bóng trườn khát vọng
(sống là gắng xô ngã thân mình chung với bóng
mộ thiên thu đã xây sẵn giữa lòng sầu)
Chắc ngậm ngùi mai lỡ có xa nhau
em hãy nhớ còn mùa xuân nào đó”
(TGSGALTYE trang 169, 170)
Bài thơ Thạch viết năm 1970, theo như ghi chú phía dưới. Thơ còn buồn, buồn lắm. Nhưng tôi thấy ra một dấu hiệu lạc quan trong cuộc sống Hà Nguyên Thạch. Quả đúng như vậy. Nhà văn Nguyễn Văn Quảng Ngãi, đã có dịp gặp anh. Ông ghi lại mấy dòng trong bài Một Thoáng Hương Xưa trên đặc san Quảng Nam Đà Nẵng:
... “Hiện Hà Nguyên Thạch đã lập gia đình mới, có con, đang sống tại Vũng Tàu và có dạy một ít giờ cho một Đại học tư ở Sài Gòn....”
Trong bài viết của Phan Xuân Sinh, đã dẫn trên, cuối bài Sinh viết:
... “Mới đây được nghe họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cho biết, đã gặp Hà Nguyên Thạch tại Sài Gòn. Thạch có uống rượu với anh Khôi, nhưng anh trầm tĩnh hơn, ít nói hơn và cuộc sống của anh cũng thoải mái hơn. Bây giờ anh được đi dạy trở lại, tuy có muộn màng nhưng còn hơn phải đạp xe lang thang như ngày trước. Mừng cho anh quá”.
Cũng như Phan Xuân Sinh, cũng như nhiều bạn văn khác, tôi thành thật vui khi biết được những tin trên. Chắc chắn tôi sẽ được gặp lại người bạn thơ cũ trong một vài năm đến đây, dù chúng tôi đã vừa cùng vượt qua cánh cửa “trưng binh quân dịch” lần thứ hai. Và đang sẵn sàng, chấp hành “lệnh động viên” của cõi âm.
- Tưởng Năng Tiến Luân Hoán Tâm bút
- Chu Vương Miện, Thơ Với Cuộc Chơi Loanh Quanh Giữa Chợ Luân Hoán Nhận định
- Hà Nguyên Thạch Còn “ngại hồn bay”? Luân Hoán Hồi ức
- Nguyễn Đông Ngạc, ngọn pipe chợt tắt trên môi Luân Hoán Hồi ký
- Ngôn Ngữ, Tin Cuối Trước Khi In Luân Hoán Giới thiệu
- Ngôn Ngữ, Tin Đầu Tiên Luân Hoán Giới thiệu
- Tạp Chí Trước Mặt Luân Hoán Tạp bút
• Hà Nguyên Thạch Còn “ngại hồn bay”? (Luân Hoán)
- Hà Nguyên Thạch với Chân Cầu Sóng Vỗ (Trần Yên Hòa)
(khacminh.wordpress.com)
- Một bài thơ cũ: Nhà thơ Hà Nguyên Thạch (nguoi-viet.com)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |