|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Hoàng Khởi Phong
Hồi ký, theo đúng nghĩa của nó, là một thể văn qua đó người viết trở về để sống lại những kỷ niệm đã qua của mình, sống lại những kinh nghiệm mà đời sống đã ban phát cho mình, (những ban phát này có khi rất nghiệt ngã, nhưng chính chúng giúp xác định tư cách và giá trị của một con người), để rồi người viết ghi lại những gì đã được sống lại đó xuống giấy. Để gửi tới người đọc. Sau khi, trước hết, đã gửi tới chính mình.
Nếu ta chấp nhận sự chú giải về thể hồi ký như trên, điều vừa nói có thể được tạm gọi là định nghĩa (definition, denotation) của thể hồi ký. Nhưng hồi ký, cũng như bất cứ một từ nào, một quan niệm nào khác, ngoài định nghĩa, còn có cho nó ít nhất một hàm nghĩa (connotation). Hàm nghĩa khác định nghĩa ở chỗ nó không trỏ vào cái thể, cái nghĩa, cái hình của đối tượng (sự vật, ý tưởng, quan niệm... ) được khảo sát, mà nó trỏ vào cái ý, cái tình, cái cảm mà đối tượng gợi ra nơi mỗi cá nhân khác biệt. Định nghĩa thì phổ quát và có tính chất chung; còn hàm nghĩa thì đặc thù và có thể khác biệt đối với từng người, mặc dù đối tượng khảo sát chỉ là một. Như thế, những từ (và những quan niệm) như quốc gia, dân tộc, nhân dân, nhà nước, hòa bình, giải phóng, cách mạng... có những hàm nghĩa rất khác biệt dựa trên kinh nghiệm của từng người hay từng nhóm người khác nhau.
Cái hàm nghĩa mà thể hồi ký đem lại có liên hệ rất nhiều đến những kinh và nghiệm mà người ta có được sau một hay nhiều lần tiếp cận với thể loại này. Bằng cách chọn lựa những dữ kiện, những mảng sống (có thật, hay có khi được hư cấu!) để dưa vào hồi ký, và bằng một lối sắp xếp nào đó, bằng một giọng văn nào đó, một phương pháp trình bày nào đó, tác giả hồi ký có thể có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, những kinh nghiệm gần đây nhất về một số hồi ký dược viết bởi những chính khách Mỹ, bởi những nhân vật đã tham dự vào chính trường Mỹ, hay bởi những nhân vật được "may mắn" nhìn ngắm cái hậu trường của sân khấu chính trị này, hoặc gần cận hơn nừa-đối với người Việt tỵ nạn-là những kinh nghiệm về một loạt hồi ký đủ kiểu đủ thể của một số những nhân vật đã từng tham chính ở Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, đã cho người dọc một số hàm nghĩa không được tốt đẹp gì lắm về thể hồi ký. Mặc dù có đưa ra một số những kinh nghiệm sống, hoặc một số tài liệu, giúp soi sáng thêm được một số góc cạnh của lịch sử, nhiều hồi ký đã được viết ra từ một góc độ có tính toán kỹ lưỡng bằng một thứ lượng giác tâm lý, với mục đích chính của tác giả là tự bào chữa, tự đánh bóng, và, nếu là hồi ký lịch sử, tìm cách sắp xếp, định nghĩa lịch sử theo chiều hướng có lợi cho mình. Mục đích viết bây giờ là để tự bào chữa, hoặc để đả kích và bôi xấu những cá nhân, những phe nhóm khác mà mình không chấp nhận hoặc muốn loại trừ. Ít ra là trong ý thức mình, trong ước muốn của mình. Hồi ký, như thế, nhiều khi đã trở thành tự bạch ký, tự biện ký, đả ký, hay kích ký. Trong chiều hướng đó, có những quyển hồi ký mà ký danh của tác giả khiến người đọc phải lấy làm e ngại về nội dung hoặc sự trung thực của những gì được viết ra, cũng như làm người đọc phải ngờ về sự trung thực cửa chữ ký mà tác giả đã ký trên hồi ký của mình.
Từ những suy nghĩ không mấy phấn khởi trên, tôi hơi ngần ngại khi cầm trên tay tập hồi ký Ngày N +... của Hoàng Khởi Phong, một nhà thơ đã có thơ xuất bản từ những năm 1967, 1970 ở Saigon. Tuy nhiên, có một điều kích thích để tôi đọc hết tập hồi ký này chính là vì Hoàng Khởi Phong đã là một nhà thơ, một nhà văn, trước khi thành người viết hồi ký. Và phần đầu của tập hồi ký, Pieiku-Tuy Hoà, dài khoảng 70 trang trong toàn bộ 272 trang của quyển sách này-là phần tôi đã được đọc khi mới dặt chân lên đất Mỹ vào tháng 4 năm 1978-đã chứa những đoạn văn tôi coi là rất nghiêm chỉnh. Và điều quan trọng là nó có 1ửa. Và có chất văn chương.
Dạo ấy, thời đầu 1978, không khí văn chương ngoài nước chưa được sôi nổi và chưa có nhiều chất sáng tạo như giai đoạn hiện tại. Chỉ lèo tèo một vài tạp chí và một vài quyển sách in lại. Trong bối cảnh đó, tập sách Ngững mặt nhìn trăng sáng (viết chung với Hoàng Chính Nghĩa, trong đó có in phần Pleiku-Tuy Hoà này của Hoàng Khởi Phong với tựa đề Hành lang máu liên tỉnh lộ 7) với nội dung rất văn chương, với những suy nghĩ nghiêm chỉnh, những tâm tư gắn bó thiết tha với vận mệnh quê hương, đã khiến tôi chú ý và đặc biệt yêu thích. Bây giờ, sau khoảng mười năm lăn mình vào đời sống hụt hẫng ở đây, Hoàng Khởi Phong tìm về quê nhà. Và khoảng hơn 200 trang sách còn lại của tập hồi ký Ngày N +... chính là kết quả của sự tìm về đó.
Cuốn sách, như một đoạn phim đen trắng (với những tác dụng cần thiết đáng chú ý của kỹ thuật phim đen trắng này), ghi lại hành trình gian khổ, đau đớn và bi thảm của dân và quân hai tỉnh Pìeiku và Kontum về Tuy Hoà, khởi đi từ những ngày giữa tháng 3, 1975. Rồi sau đó, cảnh bi thảm ấy vây bọc lấy Nha Trang, Cam Ranh..., gửi đi trên toàn thế giới qua đài BBC và VOA cũng như qua một số đài truyền hình ngoại quốc cái hình ảnh hai túi người vĩ đại bị dồn đẩy ở những thành phố duyên hải nam Việt Nam này.
Từ một nhiệm sở ở Pleiku, tác giả đã điều động một đoàn người di tản, và cùng với họ xuôi về Tuy Hoà. Tác giả, sau đó, được lệnh trở về Quy Nhơn để nhận trách nhiệm cuối ở đây. Rồi hoàn cảnh chiến cuộc đẩy ông về Nha Trang trong cảnh hiểm nghèo trên một chiếc ghe khẳm. Và rồi những cơn địa chấn lại đẩy ông trở lại Phú Quốc (nơi ông đã từng coi những trại giam tù binh ở đây) trong một tư thế khác, đáng buồn hơn. Rồi là những ngày chót ở Sài Gòn. Những suy tư thao thức và những uất hận, đau xót về định mệnh kỳ lạ và nghiệt ngã của Việt Nam. Cuối cùng, cái còn lại là những cuộn mây trắng vô bờ, bay ngơ ngác thất thần trong vùng trời đứt lìa của Subic Bay. Những dòng mây trôi kia đã thả nổi trong lòng người viết cũng như người đọc một niềm thương nhớ dằng dặc. Bên kia vùng trời đứt lìa ấy là Việt Nam, là quê nhà. Ở bên này, mâỵ đã lênh láng bay đằng đẵng hơn mười ba năm trời. Và những trái tim thì vẫn còn đập. Tiếng dập đôi khi nghe như tiếng trống của thuở lâm hành.
Hoàng Khởi Phong, với quyển hồi ký này, đã để lộ rất trung thực cái con người nhà thơ và nhà văn nơi ông. Dĩ nhiên, trước hết, Ngày N +... không phải được viết ra từ vị thế của một nhà thơ, một nhà văn. Nó đã được viết ra từ chỗ đứng của một người chứng, một người lính, một sĩ quan thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Từ vị trí nhìn ngắm đó của tác giả, người đọc có thể tin cậy vào những điều ông kể, đặc biệt là vào những biến cố dồn dập xảy ra trong cuộc di tản mà ông mô tả. Sự thật vẫn còn rất nóng hổi với tên tuổi của những người chứng khác, bên cạnh ông, được ông đưa vào những trang sách. Cuốn sách có hơi thở, có nhịp đập của những trái tim người. Và chính những hơi thở, những nhịp đập của trái tim ấy đã được tạo nên bởi những suy nghĩ, những rung động, những góc cạnh mà chỉ cái khả năng chụp bắt bén nhạy của một nhà văn, một nhà thơ mới cho phép tác giả ghi nhận như thế.
Trong Ngày N +..., có những cảnh như đã được ghi lại từ một ống kính tốt của một phóng viên chiến trường. Cảnh đoàn Thiếu sinh quân di hành và giây phút các em từ biệt nhau để đi về những cõi tử biệt chia lìa khác nhau của cuộc đời (trang 26,62), cảnh vợ con binh sĩ đói khát, mệt mỏi, tiếng trẻ con khóc ngặt nghèo làm đứng tim người mẹ (trang 30,40), cảnh một người sĩ quan biệt kích đang trên xe Jeep bị Cộng Sản tập kích (trang 72,73), cảnh những đoàn người di tản từ Qui Nhơn (trang 89...), cảnh đoàn xe Jeep của tác giả cùng toán tuần tiễu đi kèm theo một chiếc GMC chở đầy tù binh bị phục kích trên dốc đèo Đại Lãnh... (trang 141), là một số cảnh đáng nhớ. Chúng như được quay bằng một máy quay phim tốt và được chiếu lại với hình ảnh sắc bén cùng với phần âm thanh nổi nhiều chiều. Hãy thử lấy một đoạn:
"Lúc đó, tôi mới để ý tới trên đường thiên lý, không phái chỉ có đoàn xe của tôi (...). Tôi muôn đoàn xe mình không bị chen kẽ bởi những xe lạ. Tất cả cứ trôi về phương Nam trong lúc nắng chiều lịm dần. Ban đầu, tôi còn nhìn thấy những xe chạy đầu, dần dần chỉ thấy vài xe trước mắt. Xe đã phải lên đèn, những chiếc xe đầu đoàn đã bắt đầu leo dốc đèo Đại Lãnh, đúng vào lúc đó tôi thấy một bó lửa túa ra từ bụi cây ven đường, một chiếc xe chạy bên hông đoàn xe tôi bị trúng đạn, nó chạy nghiêng hai bánh vài chục thước nữa trước khi lật bên vệ đường. Đoàn xe của tôi bị cắt khúc (...). Phúc thắng xe thật gấp, liếc mắt lại đằng sau, thấy đường trống, bẻ quặt tay lái, chân đạp thắng, chiếc xe oằn lại, chồm lên vệ cỏ bên đường rồi trở mũi ngược lại Tuy Hoà không đầy chớp mắt (...) (trang 141)
Bên cạnh những cảnh kinh hoàng sống chết đó, cũng có rất nhiều cảnh thơ mộng đã được ghi lại bằng tâm hồn và sự rung động của một nhà thơ:
"Một khu rừng tuyệt đẹp, những thân cây cao, to, lá như lá bàng. Con đường đổ đốc thoai thoải, bên phải là hàng triệu tảng đá xanh lớn nhỏ, thỉnh thoảng một khối lớn như một căn nhà đưng chênh vênh chờ đổ, bên trái là một dòng sông nhỏ, nước trong veo, chảy xiết... Bên kia sông là khu rừng tuyệt đẹp đó, chỉ có các cây lớn, thẳng tắp, nhiều cây cao hàng chục thước, thân lớn hơn sải tay, lá khô phủ đầy mặt đất. Bây giờ là tháng Ba, đang độ Xuân về (...) (trang 34)
Hình ảnh một góc rừng Việt Nam được mô tả bỗng làm gợi nhớ một cảnh thơ mộng nào đó ở Doctor Zhivago, trong truyện cũng như trong phim. Một cảnh nào đó đã được Boris Pasternak viết ra với tâm hồn của một thi sĩ. Hoàng Khởi Phong, với những dòng chữ vừa kể, đã chia sẻ sự rung động của ông với những nhà thơ trước bất cứ một cảnh đẹp nào đó của thiên nhiên, của quê hương, của con người.
Trong một đoạn khác, tả những thiếu nữ thanh xuân tắm đêm dưới ánh trăng non màu sữa, trong không khí đe doạ của chiến cuộc (trang 61), tác giả cho ta thấy tâm hồn nghệ sĩ của ông, lòng yêu mến cái đẹp, nhất là những cái đẹp mong manh, dễ vỡ, dễ bị tàn phá. Những thiếu nữ thanh xuân tắm đêm với quần áo trên người. Một cảnh đẹp không yên tâm. Một đe doạ chờ xuất hiện. Những suy nghĩ của Hoàng Khởi Phong ở đây thật hết sức con người, hết sức nghệ thuật. Cuốn sách, hình dung như một cuốn phim, đang mở rộng mắt nhìn vào những cảnh chiến tranh tàn phá với lửa cháy và máu người, cảnh những thiếu nữ tắm đêm này có tác dụng hết sức nghệ thuật. Nó tách ra mà vẫn là một phần của cuốn phim. Tách ra, bởi vì nó quá thơ mộng, yên tĩnh, và đẹp... Ở đây, người ta ngửi thấy mùi thơm của cây lá, của núi rừng, của trời đất. Người ta nghe được tiếng xao động của những vì sao, tiếng trở mình của sương móc. Và người ta như sờ tay vào được cái chất êm và thơm của dòng trăng non chảy trôi như sữa kia. Những thiếu nữ và những tiếng cười khẽ, tiếng đập nước đùa giỡn của họ thì vẫn ở xa, nhưng người ta vẫn cảm thấy như sờ tay được vào cái chất đọng và êm và mềm và thơm như sữa kia. Cảnh sẽ được cắt ở đây. Tác dụng của nó là cho người xem một hơi thở, một dấu chỉ của sự sống, rồi sau đó, lại dẫn họ vào cái chủ đề chính của cuốn phim: lửa cháy và máu người. Những hơi thở lại hụt đi và thần kinh lại bắt đầu được kéo căng ra.
Dù sao, tôi muốn cảm ơn Hoàng Khởi Phong đã cho tôi nhiều hình ảnh đẹp và thơ qua quyển sách. Những hình ảnh này, tôi tin, sẽ dẫn người đọc đi hết cuốn sách, sống hết cuốn sách, như nó cần phải được đi và sống như thế. Cảnh tác giả tả khung cảnh đèo Đại Lãnh (trang 82) cũng là một đoạn thơ mộng. Cảnh người lính Biệt động quân ngồi thổi sáo trong khu rừng chuối hoang ở thượng nguồn của đập Đồng Cam (trang 55, 56) lại là một cảnh thơ mộng khác. Cảnh này như một ám ảnh, trở về nhiều lần, trộn lẫn trong những mơ ước, những suy tư, thao thức của tác giả sau này.
Ngoài ra, phương pháp khắc họa hình ảnh của Hoàng Khởi Phong có được ưu điểm là tạo những ấn tượng rõ nét, đầy tính nghệ thuật trong mô tả của ông. Cảnh những chiếc hỏa long trang bị những khẩu đại liên sáu nòng bay vòng trên vùng giao tranh, những lằn đạn lửa của chúng vẽ thành những hình nón lật ngược, rồi những lằn đạn từ dưới đất bắn lên tạo thành những tiếp tuyến, những cát tuyến cho hình nón... (trang 47) là một cảnh thật linh động, được khắc họa bằng những hình ảnh rực lửa. Suy nghĩ về cái chết của những thành phố nơi Hoàng Khởi Phong cũng là một suy nghĩ độc đáo. Nó chỉ có thể được thành hình nơi một tâm hồn hết sức nhạy bén và rung theo cùng một độ rung địa chấn với những cơn bão lửa, với những gẫy đổ và nứt toang chóng mặt kia. Cái suy nghĩ ấy là suy nghĩ của một kẻ đã từng chạm mặt sinh tử, của một sinh vật đã có những lúc chạm mặt với cái chết, một sinh vật bị săn đuổi để, cuối cùng, với cái trí khôn, cái suy nghĩ của một loài thú thượng đẳng là con người, nó trở về với cái bản năng của một con thú đi tìm đường sống. Không phải chỉ có người dân Việt Nam mới có cái kinh nghiệm đau thương ấy. Tất cả con người, ở mọi nơi và mọi thời trên trái đất này, đối mặt với chiến tranh, đều đã và đang phải chịu đựng cái kinh nghiệm tàn khốc ấy. Hoàng Khởi Phong đã tả về cái chết của những thành phố như cái chết bi tráng của những con vật khác nhau đã bị dồn vào đường tử. Chia sẻ cái kinh nghiệm khốn khó, cái sinh mệnh đau thương của cả một dân tộc, sống như một sinh vật bị săn đuổi (Ôi Việt Nam, ngươi không phải đã luôn là một sinh vật bị săn đuổi bởi lịch sử hay sao?!), Hoàng Khởi Phong đã diễn tả cái kinh nghiệm bị săn đuổi, cái ý thức bị lấy mất sự sống kia, nơi các thành phố như thế này:
Tôi dã thấy những thành phố chết: Pleiku, Phú Bổn và bây giờ là Quy Nhơn, mỗi nơi chết một cách khác. Pleiku nơi có cả trăm ngàn quân, hàng trăm đơn vị lớn nhỏ chết như mãnh hổ trúng ngọn lao chí tử, nó lồng lên, sải bốn vó trên đường chạy trốn, Phú Bổn lại giống như một con nai trúng đạn, nằm thở dốc chờ chết. Nhưng Qui Nhơn thì khác hẳn, nó cũng là mãnh thú, chưa bị lao, chưa bị tên, nhưng đang bị dồn tới đường cùng. Hẻm núi ở trước mặt lại bị chặn, nó đang co cái thân thể khôi vĩ lại. Nó biết được những gì sắp đến nên trông rõ sự đau đớn tuyệt vọng nơi mỗi con đường, mỗi ngõ hẻm, mỗi căn nhà, và mỗi người dân. Tôi thèm được nghe tiếng ngựa hí, voi lồng, quân reo, trống thúc (...) (trang 122)
"... Tuy Hoà giống như một con cá lớn đã lọt vó, bốn góc nước cứ cạn dần rồi trơ trên nền vải thưa. Bây giờ là Nha Trang. Nha Trang như là một thành phố chết bởi bệnh dịch (...) (trang 191)
Đó là Hoàng Khởi Phong. Hoàng Khởi Phong, một nhà văn, một nhà thơ sôi nổi, xót xa, sống và chết với sự sống và cái chết của dân tộc, của lịch sử Việt, đã ý thức và viết về cái kinh nghiệm Việt Nam bị lấy mất đi sự sống như thế.
Trong quyển hồi ký, cũng có nhiều đoạn cay đắng, xót xa khác như đoạn viết về Quy Nhơn (trang 137), đoạn tác giả đổ rượu xuống sông mời bằng hữu đã chết (trang 240), đoạn viết về cụ giáo tổng thống Trần Văn Hương (trang 278)... Từ sự xót xa, cay đắng này đi đến việc lên án thái độ của các "danh tướng", lối sống của những người đã đè đầu cưới cổ nhân dân, bán máu dân... không xa xôi gì. Tác giả dù sao, trước khi lên án người khác, đã nghiêm khắc lên án chính mình. Một cách thành thật. Khi nào ông hãnh diện đã sống như một người lính, như một cấp chỉ huy, ông viết rõ. Và khi nào ông có những hành động, những suy nghĩ hèn nhát mà ông thấy xấu hổ với lương tâm mình, ông cũng viết rõ. Ngay cả chuyện "xuống xóm" của mình, ông cũng phơi bày ngay thẳng. Ở những điểm này, tôi thấy Hoàng Khởi Phong đã chân thật hơn nhiều người khác. Ông không ôm lấy tất cả những gì đẹp đẽ để bôi, để gắn lên con người mình. Ông thú nhận cả những điều sai, xấu và tỏ sự xấu hổ chân thật về những điều ấy, mặc dù ở một góc cạnh nào đó ông có thể đổ thừa những sự sai xấu đó cho hoàn cảnh. Sự lên án của Hoàng Khởi Phong đối với thái độ, tư cách của một số bậc "cha mẹ dân" có những biểu hiện đi từ sự diễu cợt, trào phúng đến sự cay độc, lên án gắt gao.
Hồi ký là một thể văn hết sức chủ quan. Sự chủ quan nằm ở ngay cội rễ của thể loại này. Tuy nhiên, có những cách chủ quan khác nhau. Sự chủ quan một cách thành thật, trong đó, có sự tự đánh giá và nhìn lại chính nhân cách mình một cách không khoan nhượng qua những cơn sóng của lịch sử, của đời sống, là một sự chủ quan có nhiều điểm đáng tin cậy. Chúng ta không nhất thiết phải chia sẻ tất cả những quan điểm đánh giá những "khuôn mặt lịch sử" của tác giả, mặc dù sự đánh giá này được quy chiếu trên những dữ kiện ]ịch sử khách quan. Nhưng chúng ta cũng phải tôn trọng những đánh giá đó, vì, từ vị trí của tác giả như một người lính, một người chứng, ông có quyền đưa ra những đánh giá này. Điều nên để ý là hãy nhìn vào cái lửa, cái lòng của tác giả khi ông đưa ra những nhận xét, những đánh giá trên.
Sự đánh giá này, phần lớn, tôi nghĩ, phát xuất từ những suy nghĩ, những thao thức của một người dân Việt thật sự yêu nước. Hãy đọc trở lại những đoạn Hoàng Khởi Phong viết về Nguyễn Huệ, viết về nguyên nhân của sự tan rã của miền Nam, về sự giả tạo trong đời sống được biểu hiện nơi những cấp trên trở xuống, về thái độ của người Cộng Sản, về ước muốn mơ làm một người lính thời Quang Trung của chính ông... Những đoạn văn ấy đầy lửa. Rạo rực và thiết tha biết bao. Hào sảng và cay đắng biết bao. Và cũng thật hết sức chân thành. Hãy đọc lại những đoạn ông viết về những phản bội, lừa lọc, gian manh, tham lam, ti tiện của con người. Hãy đọc lại những điều đó để hiểu và nhìn rõ hơn nữa thái độ mà tác giả đã chọn lựa. Ông có cái lý của ông. Và cái lửa trong những dòng chữ ông viết ra đã soi rõ cái lý đó.
Là con người hào sảng, nghệ sĩ, yêu cái đẹp và sự thật (và nhìn sự thật như cái đẹp), yêu cái khôn ngoan của cổ nhân, Hoàng Khởi Phong có cho thấy ông chịu khá nhiều ảnh hưởng của những sách như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Nam Hoa Kinh..., và những sách của Kim Dung. Nhiều hình ảnh giai thoại, tư tưởng trong các sách này được ghi lại hoặc nhắc đến rải rác trong quyển hồi ký. Hình ảnh "bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ" của Kim Dung được lập đi lập lại nhiều lần (ít nhất bốn lần) trong một số suy nghĩ vừa hào sảng, vừa xót xa của giả. Những suy nghĩ này quyện vào tiếng sáo của người lính Biệt động quân trên đập Đồng Cam ngày nào. Những hình ảnh này, nhất là ảnh hưởng của Kim Dung, ở một vài phương diện nào đó, làm cho ta thấy tác giả có cái lãng mạn sương khói của khá nhiều nhân vật đáng yêu của Kim Dung và làm cho ta mỉm cười khi thấy ông có vẻ cũng yêu thích cái "sương khói lãng mạn" đó. Ở một mặt khác, nó làm cho ta thấy tác giả chân thành, đáng mến. Viết về một cuộc triệt thoái đầy máu lửa, trong đó, mình đã có những lúc chạm mặt với cái chết, viết về định mệnh của cả một dân tộc, về ý thức bị tước mất đi sự sống của con người Việt Nam, của chính cá nhân mình, về nỗi uất ức trước sự phản bội, tham lam, ti tiện, ngu muội của một số người đã đẩy dân tộc Việt Nam vào con dường cụt của lịch sử (ít ra tính đếnn thời điểm 30 tháng 4. l975), tác giả không căm hờn nguyền rủa và không tự bơm phồng mình lên với những khẩu hiệu. Tác giả đã viết lại quyển hồi ký như một con người yêu nước. Yêu nước sôi nổi và yêu nước có suy nghĩ. Hơn nữa, tác giả viết nó với tư cách của một người lính. Và ông sống với những điều ông viết như một nhà văn, một nhà thơ sống với trái tim nồng cháy của mình.
Cuốn sách, dù sao, không phải là không có những khuyết điểm. Những khuyết điểm này có thể, phần nào, làm tác động của cuốn sách chậm lại, làm người đọc dừng lại suy nghĩ về tính cách hợp lý của một đoạn văn, hoặc làm tác giả không đạt được đúng mức độ chấn động mà ông muốn gửi vào trong lòng độc giả. Nhưng, một cách tổng quát, nó không làm hại gì đến cái cấu trúc của toàn quyển sách, cũng như không làm hại gì đến những suy luận, những tình cảm mà tác giả muốn chia sẻ với độc giả.
Khuyết điểm thứ nhất về bố cục nên nhắc đến ở đây là ở đoạn hai, Qui Nhơn-Phú Quốc. Tác giả đã mô tả những sinh hoạt điều binh, liên hệ đến những việc như nhận nhiệm sở, kế hoạch di tản, vấn đề tù binh... một cách khá chi tiết so với nhịp biến động của toàn quyển hồi ký nói chung. Những đoạn có tính cách khá chuyên môn này làm cho tác động của những biến chuyển được mô tả chậm lại so với những chấn động ở bốn phía như đang muốn bứt thoát và cuốn nó đi. Nếu ta có thể chụp được một tấm không ảnh phô bày khuôn mặt những biến chuyển như một toàn cảnh, ta sẽ thấy bầu không khí bao phủ ở đoạn hai này như loãng hơn bầu không khí ở bốn chung quanh. Nó loãng vì những tác động bị dàn mỏng và sự kiện dường như đang trôi theo một trục thời gian khác. Trong những đoạn khác, nhiều sự kiện tách biệt được chọn lựa một cách kỹ lưỡng rồi được nối kết lại làm người đọc như thấy chúng chảy tới theo một dòng liên tục. Sự liên tục ấy, thực ra, chỉ có tính cách biểu kiến. Nhưng chính tính chất biểu kiến được tính toán kỹ lưỡng này đã tạo được một tác dụng dồn dập cần thiết cho không khí của toàn cuốn sách. Sự liên tục trong đoạn hai, Qui Nhơn-Phú Quốc, là một sự liên tục thật. Nhưng chính vì nó đã được đặt trong một quần thể liên-tục- giả có tính cách hết sức nhất trí, nên chính nó lại trở nên lạc. Kết quả là nó làm chậm lại tác động của toàn quyển sách. Ở đoạn ba, Sàigòn-Subic Bay, tác giả có đưa ra nhiều suy nghĩ về con người, về thời cuộc; nhịp suy tư ở đây cũng chậm lại, nhưng nó chậm lại theo tỷ lệ buồn chán, ngột ngạt... đồng bộ với sự trì trệ, mệt mỏi, buông xuôi chung của tâm hồn Sàigòn lúc đó. Điều này có khác.
Đoạn tác giả tả lại cảnh gặp lại vợ con ở Bến Đá, Nha Trang, quá vắn tắt khiến câu truyện trở nên phần nào mất cân bằng. Qua bao nhiêu gian lao và mấy lần chạm mặt cái chết để có cơ hội tìm về với vợ con, để có thể tìm thấy mình còn sống, còn gắn bó với người với đất, với những tình cảm đẹp đẽ nhất của một con người, tác giả-có lẽ vì một suy nghĩ riêng nào đó- đã tả về sự gặp gỡ ấy bằng những dòng rất vắn tắt: "Tôi đón được chiếc Honda ôm, về tới nhà ông bác vợ tôi đã tám giờ tối. Cả nhà còn đủ cả..." Sau đó, dù cho tác giả có ghi lại một vài câu hàn huyên giữa ông và vợ trước khi thời cuộc đẩy ông mất hút vào Sàigòn rồi lên tàu ra Subic Bay một mình, tôi vẫn nghĩ một vài lời hàn huyên này có hơi quá vắn vỏi so với bao biến cố dồn dập chụp xuống con người ông từ những ngày rời Pleiku trong cơn tán lạc kia và sau đó suốt những năm dài biệt xứ. Có một tâm sự gì buồn khổ, khó nói bị nén lại ở đây chăng?
Đoạn cuối, cảnh từ biệt quê nhà trên vùng biển Subic Bay là một cảnh cảm động. Nhiều người đã sống cảnh này và họ có thể khóc khi nhớ lại. Hơi đáng tiếc, ở đây, ống kính của tác giả cũng lướt qua hơi vội vã, không làm nổi bật được những góc cạnh bi thảm và bi tráng của cảnh những con người Việt tự biệt xứ. Dù sao, chúng ta cũng không thể trách tác giả . Sự mệt mỏi, kiệt lực và nỗi thương tâm của chính người quay phim không thể làm cho đoạn phim được quay rõ với những góc độ mở rộng hơn. Máy quay phim ở đoạn cuối chỉ còn in rõ nét những giọt nước mắt chảy lặng lẽ trên khuôn mặt rám nắng của những con người Việt, lá cờ quê hương rực rỡ trong nắng chiều, và rồi một đống lửa nhỏ được gầy lên trên boong tàu. Đống lửa góp chút hơi ấm cho quãng dời biệt xứ vừa mở ra của những người dân Việt xa quê.
Ngoài ra, trong phần góp ý này, tôi cũng muốn được đưa ra vài ghi nhận có tính cách tiểu tiết hơn ở đây.
Hình ảnh người lính Biệt đông quân với tiếng tiêu của anh đã trở về nhiều lần trong suy tư, thao thức của Hoàng Khởi Phong. Có thật đây là ống tiêu? Hay là ống sáo. Cách tác giả tả người lính khoan lỗ ở gióng trúc, thui ống, rồi đưa gióng trúc lên miệng thổi... làm cho tôi ngờ đây là một ống sáo. Sáo thổi ngang. Tiêu thổi dọc. Hắc tiêu (clarinette) hay sáo (flute) của Âu Mỹ cũng theo nguyên tắc như thế. Tôi ngờ rằng tác giả đã nhớ đến Trương Lương (Trương Tử Phòng) và các nhân vật võ hiệp lãng mạn trong truyện của Kim Dung với những tiếng sáo tuyệt vời của họ, nhưng đã viết lộn sáo ra tiêu chăng?
Trong một đoạn khác tả cảnh mặt biển, tác giả viết: "Nước đổi màu trong một sát na" (trang 225). Tôi nghĩ rằng từ "sát na" không nên được dùng trong bối cảnh này. Trong thế giới hiện tượng, sự đổi màu của nước trong một sát na (một niệm) là một điều không thể xảy ra. Tôi nghĩ tiến trình đổi màu này phải là một tiến trình tiệm tiến, dù cho có nhanh đến mấy. Nói là nước đổi màu trong một sát na là gạt bỏ tiến trình tiệm tiến này. Ngoài ra, từ "sát na" thường dung chứa trong nó một hàm nghĩa triết lý và tôn giáo. Trong bối cảnh được mô tả ở đây, hàm nghĩa triết lý và tôn giáo này không được đòi hỏi, và vì thế không cần đến. Câu văn vì thế mất trọng lực. Sự mất trọng lực này làm nguyên một đoạn văn bị nghiêng đi khiến tác dụng mô tả bị giảm sút. Đó là một điều hơi đáng tiếc.
Ngoài ra, khá nhiều câu đối thoại đã không được tách bạch rõ ràng (với lời đối thoại khác, hoặc với đoạn văn kể truyện) khiến độc giả hoang mang giữa những ý tưởng được trao đổi qua lại ấy. Hơn nữa, càng về những đoạn cuối, tác giả càng tạo những câu dài làm người đọc dễ dàng bị lạc vào trong những tư tưởng dày cộm và chằng chịt của ông. Có những câu (chẳng hạn trang 225, 259) có đến tám hoặc mười ý chính chằng chịt. Những ý tưởng này, vì chỉ được tách ra bằng những dấu phẩy, dan díu lẫn lộn vào nhau, làm người đọc khó nhận thức được những phương hướng liên hệ của chúng. Những câu như thế, nếu được tách ra làm nhiều câu nhỏ (và những câu nhỏ này vẫn có thể là những câu phức-complex-hay phức hợp- compound complex), ý văn sẽ mạnh và sắc nét hơn, khắc họa được sâu sắc hơn nữa cái hình, cái ý muốn diễn đạt. Ngược lại, những câu chưa hết ý, chỉ mới có một hoặc hai trạng ngữ (adverbial phrase), mà chưa có mệnh đề chính, cũng làm cho câu văn trở nên khó hiểu. Nhất là khi những câu xuất hiện trong dạng này lại không được viết như thế với chủ ý của tác giả. Tác dụng dẫn dụ, kích thích người đọc có một vai trò rất lớn trong kỹ thuật bố câu. Nếu coi câu, chữ, nghĩa, ý... là sức mạnh của chữ viết thì kỹ thuật hành từ, bố trí câu này chính là kỹ thuật hành quân của một nhà văn.
Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra nhiều lý luận sâu sắc, nhiều suy nghĩ chín chắn, chân thành; tuy nhiên, ở một vài đoạn, có thể vì bút đã lên, tác giả một đôi khi đưa ra một cái nhìn quá sơ lược, lại hơi có nét phúng thích, làm mất đi tính thuyết phục của chữ viết mình, nhất là đối với những độc giả trẻ. Chẳng hạn câu: "... Cộng Sản mới ló mặt ra, chẳng có đạo dụ gì cả, chưa ban bố hiệu lệnh nào, thế mà dân chúng đã co vòi lại, bỏ của chạy lấy người, thờ Phật cũng chạy, thờ Chúa chạy còn lẹ nữa. Đủ hiểu bọn chúng không khá được". Mặc dù hiểu rằng đây là một đoạn văn không chủ vào sự nghiêm chỉnh của lý luận, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngại là nó sẽ có ảnh hưởng không thuận lợi đối với những đoạn văn khác chuyên chở những thao thức, suy tư hết sức chân xác và sâu sắc của tác giả.
Cho dù là có một vài khuyết điểm như vừa được kể ra, tập hồi ký Ngày N +..., đối với tôi, là một tập hồi ký có thật nhiều nét văn chương. Nó là một tác phẩm tốt và có giá trị. Tốt, vì nó ghi lại được nhiều nét trung thực trong một toàn cảnh lớn của lịch sử Việt dưới mắt nhìn của người đã sống thật với đời sống của hắn ta và đã ghi lại thật tất cả những điều ấy bằng một ngòi bút chấm vào sự thật. Ngày N +... cũng đã gửi đến chúng ta sự rung động đằm thắm, lãng mạn, trữ tình và nóng hổi yêu thương cua một nhà văn, một thi sĩ, một người chứng đã sống thực với định mệnh của Việt Nam và định mệnh của chính hắn. Giá trị, vì nó cho ta một cơ hội để suy gẫm, học hỏi lại từ những biến động tang thương của lịch sử. Ngày N +... là tiếng nổ, là sự chấn động phát ra từ một cá nhân, từ một con người, vào giữa cái tang thương chung của lịch sử Việt Nam. Hãy nhân cái sức.chấn động ấy lên hơn 50 triệu lần để thấy rõ mặt mày, thân thể, định mệnh của bạn bè, cha mẹ, anh em ta. Hãy nhân cái tiếng nổ, cái sức chấn động kia lên hơn 50 triệu lần để thấy lại định mệnh và sức sống dân tộc.
Quyển sách có một bố cục mở. Tôi muốn nói tới lá thư Hoàng Khởi Phong gửi cho những em học sinh trường tiểu học Vườn Hồng. Bức thư như một cái cớ để tâm sự, để nói chuyện với tất cả mọi người, để nói lên những gì tác giả không thể nói hết trong những trang sách trước đó. Tôi nói rằng cuốn sách có một bố cục mở, bởi lẽ, tác giả trước khi đóng lại những trang của khói lửa tan hoang nghi ngút, đã mở ra cho chúng ta một khoảng trời trong xanh đầy hy vọng. Mở, như một bờ cửa mở vào trời xanh phất phơ mây trắng. Mở, như một tấm lòng phơi giữa muôn tấm lòng. Lá thư có nhiều nét tích cực. Và chân thành. Có sự chia sẻ và sự kêu gọi đóng góp. Trên nền lửa khói, người ta vẫn có thể nhìn thấy một đóa hoa. Đoá hoa của sự sống. Không đến nỗi bi đát như Remarque trong Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết với hình ảnh người lính trẻ gục ngã và cánh bướm bay trở về những đồng cỏ trong mơ, Ngày N +... đóng lại trong tôi với hình ảnh liên tưởng trở về từ bụi cát của Anne Frank, mắt ngước nhìn trời xanh, và lòng thì tha thiết tin yêu. "Tôi vẫn tin rằng những sự thiện vẫn còn tồn tại trên thế gian này. Tôi vẫn tin như thế..." (Nhật Ký Anne Frank)
Với bố cục mở của quyển sách là lá thư kết của Hoàng Khởi Phong, tôi cũng muốn được tin như Anne Frank, một lần nữa, vào những điều thiện, vào những điều chân chính và đẹp đẽ mà trần gian này có thể đem đến cho con người. Hay là nói như Hermann Hesse, "Cho dù có phải đau đớn quằn quại đến mấy đi chăng nữa, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này..."
Ý nghĩa của tro than chỉ có khi nó làm vực dậy cái đẹp, làm vực dậy sự sống. Chính sự sống và cái đẹp ấy sẽ cất cánh và cứu rỗi con người.
XII,1988
- Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định
- Trịnh Y Thư - Và khi về ngồi dưới những gốc nho biển Bùi Vĩnh Phúc Tựa
- Thế giới và những giấc mộng trong truyện của Vũ Quỳnh Hương Bùi Vĩnh Phúc Nhận định
- 9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu
- Quyên Di và mắt nhìn nhân ái vào thế giới của đời thường Bùi Vĩnh Phúc Nhận định
- Lời vào sách: 9 khuôn mặt . 9 phong khí văn chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu
- Cái Tôi ẩn mật và Dương bản Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận
- Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận
- Đọc Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc Bùi Vĩnh Phúc Nhận định
- Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ Bùi Vĩnh Phúc Nhận định
• Nhật Ký Lửa Của Một Nhà Thơ - Đọc Ngày N+... Của Hoàng Khởi Phong (Bùi Vĩnh Phúc)
• Hoàng Khởi Phong, Hào Phóng, Lãng Mạn, Sâu Sắc, Thẳng Thắn (Nguyễn Minh Nữu)
Hoàng Khởi Phong, nhà thơ, người chứng... (Nguyễn Mộng Giác)
Phỏng vấn Hoàng Khởi Phong (Nguyễn Mạnh Trinh)
Hoàng Khởi Phong - Truyện Một Người Lính Gương Mẫu (Cao Chiến Phong)
• Hoàng Dung - Chiến Tranh Đông Dương III
(Hoàng Khởi Phong)
• Tự sự Nguyễn Ðức Quang: Tâm Thức Dân Tộc và Phong Trào Du Ca 1966-1975 (Hoàng Khởi Phong)
Ngày N +.... (talawas.org)
Sự thật tương đối của lịch sử - Đọc “Trăng huyết” của Anthony Grey và Nguyễn Ước (talawas.org)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |