|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà biên khảo Đoàn Thêm
Tôi hiểu là những phần nào tốt đẹp nhất và cũng riêng biệt nhất của xứ sở và giống nòi.
Song tôi nghĩ rằng sự đánh giá phải tùy chủ quan, khó theo tiêu chuẩn nào chung. Thì cũng như trong nghệ thuật.
May ra thì được người khác đồng ý. Ngược lại, cũng không sao. Dẫu thế nào, tôi cũng dè dặt trong sự phê bình.
Đối với bạn Hợi của tôi, thì cũng là quốc túy, vẻ đẹp thùy mị đoan trang với duyên dáng nhẹ nhàng hay óng ả, và tình tứ kín đáo mà vẫn hấp dẫn, của mỹ nhân Việt xưa nay. Anh từng thấy như vậy, ở vài cô gái quê mang khăn vuông mỏ quạ, ở cô bán hàng tiệm sách Hà Nội 1930, ở nhiều bà trẻ rẽ đường ngôi lệch và mặc áo kiểu Cát Tường 1935, ở nữ sinh lững thững trên vỉa hè Sài Gòn 1960, hay vợ một sĩ quan mặc đầm theo mốt Paris 1970... Ờ đâu và bao giờ, trong tầng lớp nào, cũng có thể gặp người với vẻ kia, và dẫu trang phục cũ hay mới.
Tôi thông cảm với Hợi, vì cũng như anh, tôi nhận ra vẻ đẹp chung cho nhiều người đẹp Việt Nam, và cũng riêng cho phái đẹp Việt. Tôi còn thấy thế, dù người đẹp thân tròn hay mảnh mai, giàu hay nghèo, có học hay ít chữ. Ngoài ra, mặt hiền thì tính cũng phải lành, và kín đáo thì nhờ thói giữ gìn quen từ thủa nhỏ, như vậy là kết quả giáo dục và di truyền. Không thiếu gì những người đẹp sửa mình theo lối Tây phương, hoặc càng ngày càng giống người đẹp Âu Mỹ: cũng có sức thu hút, nhưng Hợi và tôi không coi vẻ đẹp đó là quốc túy.
Quốc túy của bác sĩ Tỵ có tính cách thiết thực hơn: chất ngọt và thơm của nhiều trái cây, như cam làng Canh, vải làng Quang, quít Thái Nguyên, hồng Lạng Sơn, nhãn Hưng Yên, bưởi Phủ Đoan hay Nghệ An, soài miền Nam... Anh bảo: đó là hương vị đặc biệt của đất và nước Việt Nam. Anh kể cả rau sắng chùa Hương, tôi cũng chịu; nhưng anh khen cả lòng lợn tiết canh, thì tôi mạn phép ngờ... Hợi nhắc anh là còn quế Thanh Hóa mà cụ Lang rất quý, hay cả yến Quảng Nam mà người Tàu tranh nhau mua.
Có bạn hỏi Thân: nếp sống đạo đức của ông cha chúng ta, không phải là quốc túy hay sao?
Nhưng Thân không chịu và tôi cũng dè dặt. Theo Thân, thì đạo đức ấy là của Tàu truyền sang, tuy được châm chước, không phải là thuần túy Việt Nam. Vả lại, rất ít người biết hay chịu theo đúng tinh thần Khổng Mạnh, như chúng tôi đã thấy: có những sự sai lầm hoặc bóp méo mà bao người thuộc thế hệ tôi đã phải cố tránh.
Ngoài ra, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thì ở dân tộc nào chẳng có, nếu đã tới một trình độ văn minh nào đó. Lắm khi, những người tốt của họ còn thật hơn đấng quân tử của ta. Con hiếu, mẹ hiền, vợ ngoan... đâu có thiếu ở các xã hội Âu Mỹ, ngay cách đây mấy ngàn năm, tại Hy Lạp hay La Mã? Chúng ta chưa có và chưa biết bao giờ có những người bác ái như bác sĩ Schweitzer hay bà phước Teresa... Hợi cũng đồng ý: đạo đức là của chung cho nhân loại, không như vẻ đẹp của phụ nữ đẹp tại Việt Nam hay hương vị mà Tỵ ưa chuộng.
Về phần tôi, quốc túy đáng tin, đáng trọng và đáng ưa nhất, là tiếng Việt và phần kiệt tác đối với tôi trong thi ca Việt.
Vì Việt ngữ là một may mắn đặc biệt mà Tạo Hóa dành cho nòi giống Việt, với một tiềm năng dồi dào cho phép tiến mau, nhất là trên đường văn hóa.
Chúng ta chỉ có một thứ tiếng chung trên khắp nước xưa nay, không như dân nhiều xứ khác. Họ bị chia rẽ hoặc sâu xé vì nói những thổ ngữ khác nhau: người Tàu Bắc Kinh không hiểu người Vân Nam, hay Quảng Đông và ngược lại. Phi Luật Tân, và những cựu thuộc địa Anh như Mã Lai, Tân Gia Ba, Miến Điện, Ấn Độ, Hồi Quốc, Tích Lan,,, phải mượn Anh ngữ làm tiếng chính thức cho toàn quốc. Vì tranh dành ưu quyền cho tiếng nói riêng của họ, dân vùng này kèn cựa va chạm với dân vùng kia, lắm phen đến đổ máu. Tại xứ tiền tiến như Gia Nã Đại, cũng có tranh chấp gay go về tiếng Anh và tiếng Pháp dù cả hai đều được công nhận. Tại Bỉ, người Wallons và người Flamands lục đục với nhau vì vấn đề ngôn ngữ bất đồng...
Chúng ta tránh được những bất lợi hay tai họa như trên, nhờ có quốc ngữ chung.
Cũng vì thế, mà kiến văn Tây phương được quảng bá mau lẹ, đồng thời văn hóa Việt thủa xưa đã có thể duy trì và phổ biến. Con cháu ngày nay còn biết đến những tác phẩm đáng lẽ mai một từ hồi Pháp thuộc, vì ông cha chỉ viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Nhờ quốc ngữ, từ cuối thế kỷ trước, nhiều sử sách và thi văn cổ được sao chép và dịch ra, khiến các lớp người Tây học hiểu nổi.
Chữ Việt theo tự mẫu (alphabet) La Tinh, lại thuộc loại độc âm (monosyllabique) nên dễ bồi bổ để thành phong phú, bằng cách lấy hẳn chữ cùng loại như của Tàu, hoặc Việt hóa các danh từ chuyên môn Tây phương, nên ta sớm có đủ tiếng dùng trên các địa hạt khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, luật pháp, hành chính... Chương trình học bằng Việt ngữ vì thế đã được áp dụng từ 1945, và giúp các thế hệ trẻ biết nhiều hơn về sử Việt, văn chương và phong tục Việt.
Việt ngữ giản dị nên dễ học hơn chữ Tàu chữ Pháp. Chỉ học vài tháng, là trẻ thơ biết đọc biết viết, và nhiều người lớn tuổi từng bị mù chữ, cũng xem được nhật báo hay tiểu thuyết. Đây là lợi điểm rất đáng kể về mặt giáo dục quần chúng.
Ngoài công dụng thiết thực như trên, Việt ngữ còn có tính chất riêng để có thể coi là tiếng nói của tình cảm, hay của nhà thơ. Điều này sẽ dễ hiểu hơn, nếu so sánh thơ ta và thơ Pháp.
Tình cảm là sự tự nhiên, thì chỉ có thể bày tỏ thành thực bằng tiếng và giọng tự nhiên. Dần -hồi trẻ ưa và phục Pháp- đến nỗi chỉ dùng tiếng Pháp để nói riêng với vợ những chuyện thân mật nhất. Rồi về sau, anh phải thú thật: trong những lúc âu yếm, anh bảo vợ "Je t'aime" tức tôi yêu, và gạn hỏi vợ "M'aimes-tu?", có yêu tôi không? Song vợ thường chỉ lả người im lặng, rồi có khi, tới giây phút nào đó, mới khẽ thở dài ra một tiếng "Yêu! "... Dần thấy bủn rủn cả người và ôm vợ chặt hơn. Anh cho biết là thấm thía bằng mấy những bận anh cố giục để Vân đành chiều ý mà nói "Je t'aime". Bởi thế, anh chỉ còn tâm sự với vợ bằng tiếng mà cụ Tuần bà đã dạy anh bập bẹ từ tuổi biết đi.
Tôi từng có dịp bảo Dần: chúng ta đã rung động theo nhịp du dương của Lamartine, chưa quên những tiếng hồn nhiên thánh thót của Verlaine, mơ màng nghe điệu lạ lùng của Mallarmé... Dần càng ngày viết văn Pháp càng giỏi, mấy giáo sư Pháp xưa kia khen Dần, nay bảo rằng đáng lẽ Dần phải học tiếp để đậu thạc sĩ văn chương. Nhưng Dần lại hay làm thơ Pháp theo lối những thi nhân vừa kể, cố nói lên những nỗi niềm yêu người nhớ cảnh, thì "nó làm sao ấy"... quả như Hợi thấy. Lại có bài bị Tỵ chê là "không thơm": có thể vì tính Tỵ bộp chộp và vốn không ưa thích thơ bao giờ.
Anh cho biết anh rất cần bộc lộ và chỉ quen nghĩ bằng tiếng Pháp. Tôi khuyên anh nên đọc thi văn Việt Nam, rồi sau này làm thơ Việt. Anh chịu nghe, rồi thấy thích. Dần rất nhậy cảm và có thừa năng khiếu. Bảy năm sau, bị xúc động mạnh vì thời cuộc bắt buộc di cư vào miền Nam, anh làm thơ Việt song chỉ cho vài bạn biết thôi. Hợi và tôi đồng ý là anh không kém bao nhiêu Xuân Diệu hay Vũ Hoàng Chương, đôi khi còn hơn phần nào: thơ anh không "Tây" như nhiều bài của tác giả "Thơ thơ", và bình dị hơn họ Vũ trong những đề tài lịch sử hay vũ trụ.
Dần nhận ra với chúng tôi rằng người nước nào chỉ có thể làm thơ bằng tiếng nước ấy, ngược lại là giả tạo và phản nghệ thuật.
Chất thơ nếu có, gắn liền với tiếng mẹ đẻ. Cũng vì thế, mà tôi không dám dịch thơ ngoại quốc ra thơ tiếng Việt, chỉ dịch ra văn xuôi để cho hiểu qua mà thôi. Cai Trị kiêm văn sĩ Crayssac đã dịch cả truyện Kiều thành thơ "alexan-drin" của Pháp: nhiều công phu đấy, nhưng tôi chẳng còn thấy đâu chất thơ của Nguyễn Du. Đọc những bài thơ Việt dịch thơ Đường, nhiều khi tôi nhận là khéo, song tôi không còn cảm xúc như khi đọc nguyên bản của Trương Kế hay Vương Duy...
Làm thơ bằng hai thứ tiếng, Dần mới tìm ra như tôi đã mách, những điểm khác nhau giữa hai lối diễn tả và những đặc sắc của Việt ngữ.
Thơ hay của Pháp khi tả cảnh và tự tình, thường gợi những hình ảnh đẹp, nhưng bằng nhiều chữ, nên cho cảm tưởng là rõ nét đậm màu và như thế, chất thực có khi làm giảm chất thơ. Càng như vậy, vì câu cú hợp lý quá, vẫn phải đúng văn phạm như trong văn xuôi với những tiếng phụ Và (et), Bởi (par), Vì (car), Nếu (si), Khi (quand)... Những chữ nối chữ vào vế và nối vế thành câu, không khác nào những vòng nối nhau thành một chuỗi xích.
Trái lại, thơ Việt cũng như thơ Tàu hay tranh thủy mạc: vài nét lơ thơ cũng đủ cho tưởng tượng; số chữ trong câu có hạn: 4, 5, 7, hay trên 6 dưới 8... nên phải tránh chữ phụ để dành chỗ cho những chữ chính và đẹp. Có thể nói trống không, không chủ từ, không túc từ, tuy vậy hay bởi vậy mà câu nhẹ nhàng, lời bóng gió dễ đưa vào mộng.
Việt ngữ lại có hai ưu điểm đặc biệt rất lơi cho thi ca.
Trước hết, tiếng ta có năm âm ghi trên mặt chữ bằng năm dấu Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng: các giọng khác nhau thì câu mềm dẻo dễ thành vần điệu để ngâm nga.
Hơn nữa, có những chữ kép, ghép theo âm hưởng thuận tai, giúp cho gợi hoặc gây những cảm xúc mông lung, tế nhị, hứng thú hay sầu bi khó nói nên lời (l'ineffable): theo thi sĩ Pháp Paul Valéry, thì đó mới là thuần chất của Thơ. Những tiếng đáng kể, không có trong ngôn ngữ Pháp hay Tây phương: như bâng khuâng, lâng lâng, hắt hiu, man mác, nhớ nhung, não nùng, vẩn vơ...
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa
(Bích Câu kỳ ngộ)
Lơ thơ tơ liễu buông mành
(Truyện Kiều)
Tôi có lần thách Dần và nhiều bạn tìm ra chữ Pháp nào tương đương với "bẽ bàng" trong câu:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
(Truyện Kiều)
Không có gì như vậy trong tiếng Pháp, thơ Pháp hay đúng hơn, trong tâm hồn Pháp. Chỉ Nguyễn Du và chúng ta biết tâm trạng đó, thì chỉ tiếng "bẽ bàng" mới gợi được thôi.
Cũng như bao người, tôi coi truyện Kiều là một kiệt tác. Duy phần thơ mà tôi thích nhất, chỉ gồm những câu hay mà không mang dấu vết Tàu nào, chữ sách Tàu, điển tích Tàu; như trong đoạn trích ra đây, tả tiếng đàn của Kiều:
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia
Tôi bỏ qua những câu như thế, nhưng thuộc mấy câu như sau:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan nhuốm thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đô mưa
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ...
Tất nhiên tôi ưa vì thấy hay, song nhất là vì cái hay đó nằm trong những câu gồm toàn tiếng Việt. Tôi mừng và càng tin rằng Việt ngữ cho phép đi tới những vần điệu như trên. Tính chất và khả năng nghệ thuật đó không hề chịu ảnh hưởng Tàu, đưa tiếng Việt và hoàn toàn Việt lên hàng quốc túy.
Cũng đáng là quốc túy, một số khá nhiều trong các ca dao tục ngữ của ta. Đây là tiếng hồn nhiên của những chân tình mộc mạc, nói lên buồn vui, thương nhớ, yêu ghét, ước mơ của những con người chất phác muốn sống yên lành và theo lẽ phải. Những lời nôm na, dù thu gọn trong ba bốn chữ, ngộ nghĩnh hoặc mỉa mai sâu sắc, cũng chứa đựng sự thật và điều khôn mà một phần vẫn còn giá trị, tuy đã bắt nguồn từ cuộc sống mấy ngàn năm trên đồng ruộng quê hương... (Ai muốn biết rõ, hãy đọc Phong Dao Tục Ngữ của Nguyễn Văn Ngọc, hoặc Gương Phong Tục của Đoàn Duy Bình).
Tôi thường nghe ngoại ngữ hay đọc ngoại văn hàng ngày, nhưng ưa hay ghét, khen hay chê, thì cứ thấy ngay tiếng Việt trong đầu óc: như "biết điều đấy" khi nghe một chính khách Pháp tuyên bố trên đài truyền hình tại Paris... hay "cù lần", sau khi xem qua một mục báo Anh ngữ... Không bao giờ tôi nói hay nghĩ "O.K." như một cháu tôi. Xưa kia, cũng thế: ngoài những lúc phải viết ngoại văn, luôn luôn tôi nghĩ bằng tiếng Việt, như thể nói thầm với mình bằng tiếng đó.
Cho nên có lần tôi tự hỏi: tiếng Việt là phương tiện cho tôi biểu lộ ý kiến hay tình cảm, hay là chất sống động của tâm hồn tôi? Dù sao, sau khi viết xong một bức thư hay một bài văn, nếu nói ra được đúng ý tôi, thì tôi lại cảm thấy mình là người Việt.
- Đẹp Là Gì? Đoàn Thêm Biên khảo
- Hội Họa Cũ Và Hội Họa Mới Đoàn Thêm Nhận định
- Quốc Túy Đoàn Thêm Biên khảo
- Giành Và Giữ Độc Lập, Mở Mang Lãnh Thổ, Xây Dựng Xứ Sở Đoàn Thêm Biên khảo
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |