1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đi Vào Mê Hồn Trận Của Thi Ca Và Tiếng Nói (Trần Hồng Châu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      08-07-2014 | VĂN HỌC

      Đi Vào Mê Hồn Trận Của Thi Ca Và Tiếng Nói (*)

        TRẦN HỒNG CHÂU
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà thơ Đỗ Quý Toàn

      Thơ tự bản chất là một cái gì khó vô cùng (1). Nói về thơ cũng khó. Thi chi nan ngôn dã. Nói về một tác phẩm hoàn toàn dành cho những nhận định về thơ lại là một việc khó nữa. Biết vậy nhưng chúng ta vẫn cứ tiến vào con đường gai góc đầy hoa đó. Vì sức quyến rũ không thể cưỡng nổi của thơ. Vì thơ tồn tại dài dài mãi, chừng nào vẫn còn con người, đất trời, cỏ cây và tình yêu...


      Trong vũ trụ thơ, cảm nhận trực tiếp là phần chính. Tất cả hầu như chìm đắm trong một vầng sáng mơ hồ. Nhưng, ở một bình diện khác, phân tích, định nghĩa, nêu lên bản chất hay thuộc tính, nêu lên những ý niệm và phạm trù liên quan đến thơ, cũng là một công việc bình thường, không phải hoàn toàn bất khả thi, trong một chừng mực nào.


      Tác giả Tìm thơ trong tiếng nói nhận diện thơ qua một số ghi chép nhanh, vội, một số "tiệp ký" như kiểu Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký. Nếu tôi không lầm, từ ngữ này được dùng lần đầu trong văn học hiện đại. Cũng như Nguyễn Tuân đã phổ biến từ ngữ và thể tùy hút, nối tiếp truyền thống Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút.


      Tuy vậy, "tiệp ký" chỉ phù hợp với bề ngoài, hình thức ngắn gọn, có vẻ đột khởi, buông lơi, đôi khi thân mật, nơi những ghi nhận của Đỗ Quý Toàn thôi. Còn về nội dung, những tiệp ký đó, ngược lại, chứng minh cho một khối kiến thức tích lũy lâu ngày, được chuyển hóa, vận dụng khéo léo, dầy công phu ma luyện, "sao tẩm". Nói cách khác, nội dung đó là thành quả nhiều thao tác "kết tụ" (2), nhiều chắt lọc, trau chuốt trong tiềm thức, và như vậy có thể nói, chúng... không còn là tiệp ký nữa.


      Đúng thế. Chúng ta biết rõ, như lời chép ở đầu sách, là tác giả đã dụng công nhiều: khởi sự từ 1984, một số những nhận định về thơ này đã được "viết lại hoàn toàn" trong năm 1991. Chúng ta ghi nhận ở đây thái độ cẩn trọng của tác giả. Tiếp xúc với thơ đâu phải chuyện thường, tuy thơ nhiều khi vẫn chỉ là cái gì rất đơn giản, bình dị. Chúng ta không quên rằng, người xưa thường trang trọng ngồi bên án, đốt trầm hương, trước khi đọc thơ!


      Nói chung, ta thấy tác giả đã theo sát đề tài. Tìm thơ trong tiếng nói. Chú trọng đặc biệt đến bản chất ngôn ngữ thơ, đến chất thơ đích thực và tác động thơ trên tâm hồn người đọc bằng phép lạ: màu sắc và vóc dáng ngôn từ. Xuyên suốt qua gần ba trăm trang sách vẫn một sợi chỉ đỏ duy nhất: tiếng nói như khuôn mặt và linh hồn bài thơ...


      Những cảm nghĩ và nhận định của tác giả được chia thành từng bài ngắn, gắn bó với chủ đề, nhưng vẫn độc lập, có thể tách rời ra để tiếp xúc với người đọc. Tôi nghĩ đến những hộp kẹo dragées của tuổi thơ. Hộp kẹo "Tìm thơ trong tiếng nói" Màu hồng, xanh, tím nhạt, mơ hồ và rõ ràng, mong manh và bền chặt như một ấn tượng. Những viên kẹo mà thỉnh thoảng ta lại nhón một viên (không ai ăn một lúc cả hộp!) để lắng nghe mùi vị tan dần trên đầu lưỡi...


      Một số nhận xét trong Tìm thơ trong tiếng nói có thể coi là "cổ điển". Cái nhìn mới mẻ, hồn nhiên, "trẻ thơ", "tiền sử" của thi sĩ (chúng ta đã quen biết từ thời Bergson còn sinh tiền). Tính chất ma thuật, thần chú của ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ thơ (Lévy-Bruhl trước thế chiến và, sau này, những nhận xét mang tính cách cơ cấu học (3) của CL. Lévi-Strauss, người đã đặt chân lên nhiều giang sơn bộ lạc với những mô thức văn hóa, vật chất và tinh thần khác nhau). Kỹ thuật ngâm tẩm, hong phơi (từ ngày Giả Đảo, vì mải mê làm thơ, đã... suýt đụng phải xe quan Kinh triệu doãn Hàn Dũ tại đường phố Trường An!).


      Nhưng làm sao được! Đã nói đến thơ là phải phân tích những yếu tố đó. Cũng như khi suy luận về tình yêu thì phải ít nhiều bàn về "tiếng sét" ái tình, về ranh giới, hư hay thực, giữa nhục cảm và tình yêu "lý tưởng" v.v... Tính cách độc đáo của tác phẩm chính ở chỗ nó đã trình bày những vấn đề kể trên với một cái nhìn sắc bén, thường để lại âm hưởng tích cực trong tâm hồn người đọc. Được như vậy cũng đã đủ là mong ước của bất cứ tác giả nào rồi! Vì tất cả chúng ta đều đến quá muộn trong một thế giới quá già! Thật là ngao ngán. Cái gì cũng đã được người xưa nói đến cả rồi! Có cần nhắc lại là trong trường hợp đó, điều quan trọng là tiếp tục sáng tạo, tiếp tục khám phá, đào sâu, bằng đam mê và chân thành của cá tính, để đạt tới cái mới, từ những vật liệu xưa cũ.


      Đỗ Quý Toàn nhìn thơ từ phía ngôn ngữ thơ, coi tiếng nói như thành tố có trọng lượng nhất của thơ. Khuynh hướng này phát triển từ khi Mallarmé, và người thừa kế là Valéry(4), nhấn mạnh về khía cạnh "làm", thể hiện, xây dựng bài thơ như một tòa nhà mà những viên gạch tường là hàng loạt phân tử ngôn ngữ. Những phân tử có khả năng biến hóa phi thường về âm sắc, hình tượng, nội dung ngữ nghĩa, ý hướng thông điệp... do vị trí, do tính cách liên hợp, và sử dụng từng bộ phận trong văn cảnh chung. Đúng như những quân bài, những coups de dés vẫn thường được trang, chia, hoặc gieo lại, đưa tới muôn ngàn bố trí và phối hợp khác nhau. Và nhà thơ cũng thành tạo hóa vạn năng với ngôn từ muôn hình vạn trạng, mỗi lúc lại khám phá ra một kết hợp lạ, một "trò chơi" mới. Đây, một mình tôi với tiêng nói tôi. Một trò chơi mới bắt đầu (Alain Borne trong Contre-feu).


      Nhưng, cùng với Mallarmé và Valéry, động lực chính đưa ngôn ngữ lên ngôi (tiếng nói, lời thơ, không chỉ là cái chứa đựng mà còn là cái được chứa đựng trong bài thơ) có lẽ phải kể từ ảnh hưởng những công trình độc đáo, có tính cách xoay chiều trong địa hạt ngữ học những thập niên đầu thế kỷ, với cái nhìn tiền cơ cấu luận của F. de Saussure và các "Câu lạc bộ ngữ học" Mạc Tư Khoa hay Praha. Từ đó ngữ học, song song với triết học (thực ra ngữ học cũng chỉ là một bộ môn của triết học hiểu theo nghĩa rộng) đã tràn qua những cánh cửa mở rộng của văn học (5).


      Có thể nói tác giả Tìm thơ đã lĩnh hội và áp dụng linh động hầu hết những khám phá về vai trò tiếng nói trong thơ vào văn học Việt Nam. Ông nhìn, nghe, sờ mó, đánh giá từng từ, cụm từ, từng câu thơ một cách sành điệu. Độc giả thích thú với ông khi cùng "dong lửa đốt tơi bờ Mái Tây", khi cùng nhìn nữ lang "hành tức quần cư tảo lão mai" (bước đi gấu quần quét cánh hoa mai), khi cùng nhận thấy "hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh" (6), khi cùng lượng định mức độ cảm xúc của bài thơ nói về tình yêu quê hương nổi sóng trong những tâm hồn lữ thứ ở nơi góc biển chân trời (Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Văn Ngọc).


      Những giải tích vi phân, chẻ sợi tóc làm tư, nếu cần, vẫn luôn luôn xuất hiện. Khó mà đòi hỏi hơn khi ông nhận xét về truyền thông và nhiễu xạ trên đường đi của thơ tới tâm hồn người đọc, về hiện tượng réminiscience", rất vô thức, giữa câu thơ Đỗ Phủ và thơ của chính mình, về "vẻ bình thường mới mẻ", về "trò chơi ngôn ngữ" riêng của từng tác giả; về tính, tình và tiếng nói. Những phân tích, cân nhắc từng dáng vẻ, sắc thái, cấp điệu khác nhau của tiếng nói. Những nắm bắt từng dị biệt vi mô của từng từ hay cụm từ, tùy theo ngữ cảnh và cái khí chất, cái mood, của nhà thơ ở mỗi vùng không gian và thời điểm khác nhau. Tùy theo kế thừa lịch sử của mỗi từ và cái hệ số tình cảm, xúc động đã để lại dấu ấn vào nội dung mỗi từ qua bao thế hệ... Chỉ tiếc là phần phân tích âmđiệu tiếng thơ, về trọng lượng của những yếu tố đó trong chất thơ, còn nhiều thiếu sót. Nhưng đây là vùng biên giới âm nhạc, và không phải bất cứ người ngoại đạo nào cũng có thể xâm nhập một cách dễ dàng được (7).


      Những phản ứng và thao tác kể trên đều quen thuộc với Đỗ Quý Toàn và xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm. Có thể thêm một vài ví dụ nữa. Ông nhắc lại động từ "làm thơ" của Phùng Quán, đoạn "đường đi khó" của Nguyễn Bá Học, cánh rừng phong đưa mắt nhìn Pasternak và cũng được nhìn lại, tiếng trả lời ẫm ờ "hỏng biết" của cô gái Hậu Giang... Ông là chiếc cân tiểu ly đánh giá từng hạt bụi vàng bạc trong thi ca, một hạt bụi cũng có cái giá, hay cái vô giá, của vài quý kim.


      Các nhà thờ nói chung là hiện thân lòng yêu vô hạn tiếng nói quê hương. Tôi yêu tiếng nước tôi. Tôi tìm thơ trong tiếng nói. Yêu thơ là sống chết với tiếng nói quê hương. Ăn nằm với tiếng nói, ôm ấp vỗ về nó, ngắm dáng vẻ, ngửi mùi hương nó, nghe nó thỏ thẻ tâm tình, nhấm nháp cái ngọt bùi tuyệt trần của thanh sắc nó như một người tình! Đã đành là chúng ta ra đi không mang được quê hương trong hành lý, nhưng ít ra ta còn giữ được tiếng nói, cái phần lửa hương không ai chiếm đoạt nổi mà chúng ta nguyện ở bên "cho vẹn kiếp"! Không thể đánh mất được bản ngã khi còn tiếng nói, khi còn yêu mến những lời thơ quê hương, hiện thân của hồn dân tộc (8).


      Có thể nhận thấy ở nơi tác giả một nỗ lực vươn tới cái mới trong ngữ và mỹ học, trong kinh nghiệm sáng tạo của các nhà thơ và phê bình thơ tiền bối, để được trang bị đầy đủ khi bước vào thế giới của thơ và tiếng nói. Những nhận định của Wittgenstein(9), nhà cách mạng trong ngôn ngữ học cận đại, của Thánh Thán, người xưa nhưng rất "hôm nay", của Ezra Pound, nhà thi sĩ độc đáo, uyên bác, đã có lần bị gạt ra một bên sân khấu văn học vì chính kiến, của Lê Quý Đôn và Cao Bá Quát, những thi sĩ đi trước thời đại... Sự tiếp xúc với các nhà đó giúp tác giả Tìm thơ đem lại một luồng sinh khí mới, tươi mát cho những vấn đề cơ bản của thơ: quá trình hình thành, chất liệu thơ, âm hưởng trong tâm hồn người thưởng ngoạn, nhiệm vụ của nhà phê bình thơ, người "siêu" độc giả, môi giới giữa thi sĩ và quần chúng văn học v.v...


      Tác giả tỏ ra có sự thận trọng cần thiết khi nói về vai trò nhà phân tích thơ, và biết rõ đâu là giới hạn của nó. Chúng ta đồng ý là người đọc cũng đóng góp tích cực với thi sĩ để dựng nên khuôn mặt bài thơ. Người đọc phải đến với thơ trực tiếp, hồn nhiên, không có một bức bình phong nào ngăn chắn. Như người mộ đạo cảm thông, nói chuyện thẳng với đấng tối cao. Bởi vì, không ai phủ nhận điều này: Thơ là linh hồn, là tinh túy của tiếng nói, là chỗ thâm nghiêm nhất trong đền, nơi có tế đàn ở hậu điện.


      Nhưng, trong nhiều trường hợp, nhà phê bình, với một hòa hợp nhịp nhàng của khối óc và trái tim, rất có thể đóng vai hàng giáo phẩm, hay người đồng thiếp trung gian. Nhà phê bình kéo dài âm hưởng bài thơ, làm nó phong phú thêm, sống thêm một cuộc đời khác nữa. Bài thơ đến với quần chúng thưởng ngoạn, mang thiên hình vạn trạng, tùy theo cảm nhận. Ngay chính tác giả bài thơ cũng không tự coi là giữ độc quyền hiểu biết nó. Nó tự hóa thân khi đi qua những tâm hồn khác, tuột ra khỏi vòng tay người sáng tạo. Một Proteus huyền thoại với nhiều sắc thái. Một thực thể "mở", vì mơ hồ, mung lung, không đường biên sắc cạnh. Thi sĩ với "bốn bề tâm tư" bỏ ngỏ, với cách thế diễn đạt, nhiều khi bấp bênh, bất ngờ, khác thường (insolite) là một đối tượng luôn luôn di động, khó nắm bắt, khó định hình. Do đó nhà phê bình thơ đúng đắn cũng chỉ nhìn cách hiểu của mình như một dự án, một "khả dĩ", một đề nghị cũng bỏ ngỏ như bài thơ.


      Về một mặt khác, nhà phê bình, trong chừng hạn nào, cũng giúp người sáng tạo thấy rõ chân dung mình hơn, thấy những khả năng và giới hạn, nhiều khi bị che khuất bởi lóp vỏ cứng của chủ quan. Vì thực ra, đa số nhà thơ sáng tạo trong màn sương của vô thức (10), tự động, hồn nhiên, chẳng hỏi vì sao, hay như thế nào. Do nhà phê bình họ được lôi cuốn vào vùng trời ý thức. Chưa chắc đó đã là điều họ mong muốn, nhưng dù sao đổi thay cũng là một hiện tương hữu ích, vì có sự trao đổi, cọ sát giữa những kinh nghiệm riêng tư khác nhau.


      Trong chiều hướng những nhận định kể trên có thể nói phê bình thơ cũng là sáng tạo và Đỗ Quý Toàn, may mắn, cũng có lúc "tìm" thấy thơ trong tiếng nói. Trong lúc ở quốc nội người làm, cũng như người phê bình thơ đều bị gò bó, kiềm tỏa bởi mỹ học Mác Lê thô sơ, máy móc và khiên cưỡng thì ở hải ngoại, với mật độ độc giả nhỏ bé hơn nhiều, chúng ta đã có Nguyễn Hưng Quốc và nay lại thêm Đỗ Quý Toàn (11). Họ là nhũng sứ giả của thơ, đi reo rắc lòng yêu thơ trong môi trường quá duy vật của mảnh đất tạm dung, mảnh đất mà J. Brodsky đã ngậm ngùi mô tả "sự thờ ơ đối với thơ", khác hẳn nhiệt tình cao độ ông từng gặp nơi quê nhà, bên sông Volga (12).


      *


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Trở về với Tìm thơ. Ở đây ta thấy tác giả được trang bị bằng những kiến thức và hiểu biết khá mới mẻ. Ví dụ những khám phá về chức năng riêng biệt của các não thùy bên phải và bên trái(13), những "ngụy tưởng về dự ý của người viết" (intentional fallacy), những phân biệt của J.L. Austin ra câu nói hành động và câu nói nhận định, những "ý ẩn tàng" (implication) của H.P. Grice v.v..., tất cả những dụng cụ tinh vi, nhưng phải sử dụng cẩn nhận và khéo léo. Vì thơ là cái gì rất mong manh, sinh động và một va chạm nhỏ cũng có thể làm chất bọt biển, mây khói đó tan biến ngay.


      Trong suốt chiều dài tác phẩm, chúng ta đã được tác giả hướng dẫn, xê dịch qua nhiều không và thời gian chói lòa ánh sáng thơ. Từ Thôi Hiệu đến Octavio Paz, từ Coleridge đến Vũ Hoàng Chương... có thể nói là "Thi chi bách gia chư tử" đã được huy động về vương quốc thơ để làm nhân chứng, để thuyết pháp, vì đây là Đạo Thơ. Tôi nghĩ trong một tác phẩm phê bình thơ, mặc dầu bản chất đối tượng là cảm xúc, ấn tượng chủ quan, những kiến thức, tài liệu và dẫn chứng khách quan cũng có ích và quan trọng, miễn là không mang tính chất áp đặt, gò bó.


      Tác giả đã vận dụng kiến thức một cách tương đối nhuần nhuyễn, phốí hợp não thùy trái của trí tuệ, phân tích trừu tượng với não thùy phải của cảm xúc, cụ thể, tổng hợp. Ông thay đổi bình diện cảm nghĩ và bình diện đối tượng tiếp xúc (14) khá dễ dàng, có thể vì, ở ngoài đời, ông đã có mặt trong nhiều địa bàn hoạt động khác nhau.


      Lý trí và tình cảm trí tuệ và trực giác... Cố gắng giữ được thế quân bình. Riêng ở lĩnh vực thơ, ai cũng biết là nếu chiều hướng phân tích chi ly, tìm hiểu tại sao, thế nào v.v... mà kéo dài, hay lấn áp, thì sẽ thấy ngay nguy cơ là thơ có thể bị ngạt thở (tất nhiên điều này đúng và hoàn cảnh nhà thơ hơn nhà phê bình).


      Đó là một bi kịch tinh thần mà nhiều người trong chúng ta chắc đã từng trải. Đôi lúc ta thấy phải đau xót rũ bỏ một gánh nặng gì đó để nhẩy ùm xuống "tắm mát nên ngọn sông đào". Như đứa trẻ thơ không quá khứ. Như thiền sư chìm vào cái Tĩnh, cái Không, cái Vô cùng, vào những gì vốn là thể xác cơ hữu của Thơ.


      Cũng nhân đây chúng ta, nói chung, cần lưu ý một điều. Những mô thức, ý niệm, phạm trù và cái nhìn phân tích của Tây phương đã chứng tỏ là có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Chúng phong phú, độc đáo, đa diện hóa bản thân và giúp người nhận định đi đến cùng tận vấn đề. Chúng thích hợp với những tác phẩm đương đại, sản phẩm của những cá nhân sáng tạo thường cùng chia sẻ kinh nghiệm trí thức. và tình cảm với nhà phê bình. Đối với văn chương cổ điển ở một vùng kinh vĩ tuyến khác, như Việt Nam xưa chẳng hạn, chúng vẫn rất hữu ích vì đối tượng được thăm dò, khám phá bằng những "thiết bị" mới mẻ, từ những góc cạnh, những điểm nhìn khác nhau.


      Nhưng nếu chỉ dùng độc nhất loại công cụ đó thì rất có thể đưa tới những ngộ nhận khiên cưỡng, hoặc có tính chất đắp vá, rất bề ngoài (15). Trong trường hợp này điều tốt nhất là hãy bỏ những gì cồng kềnh ở ngoài cửa, để đi thẳng vào trung tâm, chìm dần, đồng hóa, ở lại, với đối tượng bằng một cảm thông trực tiếp, thoát ra khỏi mọi lề lối, kỹ thuật, nguyên tắc định hướng đã có sẵn.


      Thi sĩ và thiền sư. Thi sĩ và đạo sĩ. Như trường hợp Mạnh Hao Nhiên, Vương Duy hay Tào Đường. Hình như tác giả Đi tìm cũng ý thức điểm đó, nên có lúc đã dừng lại ở đường biên cần thiết, để uyên bác và lý trí đứng chờ bên ngoài Cấm Thành. Ông có khả năng đó vì đồng thời cũng là nhà thơ. Và đây là một nhận xét được nhiều người chia sẻ: làm và tìm hiểu thơ (nhất là làm thơ) đòi hỏi một cộng sinh đặc biệt: vừa là một tâm hồn nguyên sinh sống bằng trực cảm, vừa là một thuật sĩ dầy dạn kinh nghiệm, có khả năng sai khiến mọi kỹ thuật, mọi phù phép, dao hai lưỡi, để chúng không tác hại mà chỉ có thể phục vụ tích cực cho thơ thôi!


      Cái nhìn tinh tế của người đi "tìm thơ" họ Đỗ là có thực. Nó đã lượm bắt được hơn một hạt phấn vàng từ đôi cánh thần kỳ của con bướm thơ. Từ buồn đến vui, từ thanh đến tục, từ cái vô biên gần gũi đến cái nhỏ bé vĩ đại. Nó len lỏi, phân cắt, nhấc lên đặt xuống, lắng nghe chất thơ ngấm dần vào tâm tư. Từ rừng thu và tấm lòng thần hôn của Nguyễn Du đến Lý Bạch với nước đổ từ trời xanh của Hoàng Hà kỳ vĩ. Từ những "thân thể" mới cũ của Octavio Paz đến cái "bống cùng bông" của Hồ Xuân Hương. Từ cái "động dưới chân bèo" ở huyện Bình Lục đến ả mèo con xinh đẹp của Luân Hoán hay đồng tiền mừng tuổi của Nguyên Sa.


      Tâm hồn mẫn cảm, trực giác của thi sĩ cộng với kiến thức dồi dào, khả năng phân tích và nhận xét của nhà phê bình đã dẫn dắt người đọc đến thẳng hiện tượng thơ, sự-vật-thơ. Như T.S. Eliot, Ezra Pound hay Xuân Diệu, những nhà thơ nói về thơ. Như khi một y sĩ sản khoa, đã từng là mẹ, nói về người đàn bà đi biển một mình... Đây là người trong cuộc nói về một đối tượng quen biết. Đây là một đối thoại với chính mình, tự phân thân thành chủ và khách thể. Một cảm thông giữa những tâm hồn đồng điệu. Tuy đa diện mà vẫn là độc nhất, tuy cá biệt mà vẫn có một mẫu số chung (16).


      *


      Điểm đáng nói nữa trong Đi tìm là cái duyên dáng, nhẹ nhàng, đôi khi pha chút màu sắc thực tế, cụ thể nếu cần. Những cái gì có thể thấy trong từng tiểu đề (Thơ mình lại hay. Khi mai hoa không phải là hoa mai. Cô còn nhớ không? Đi tìm con voi...), trong từng đoạn phân tích và nhận xét (Cô Hai và anh Tám gan bảy lá. Bài "thơ" ở Chiêu hiền quán. Hai lá thư tình...). Duyên dáng, mỹ lệ, thực tế, giống như quê hương ca dao và quan họ của những ngọn đồi và đồng ruộng Kinh Bắc. Cái duyên dáng, tài hoa, đầy nghệ sĩ tính, của tâm hồn văn nhân và sĩ phu Bắc Hà theo nhận xét của vua quan triều Nguyễn. Những người như Lý Văn Phức, Trần Bích San, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Thận Duật, Bùi Ngọc Quỹ, Nguyễn Tư Giản..., vì văn tài, đã được đề cử thay mặt triều đình trong những cuộc thương thuyết ngoại giao khó khăn với Trung quốc hay Tây phương. Cái duyên dáng gói gắm một nội dung xúc tích, tỉ mỉ tối đa hay khoáng đạt mênh mang, tùy khung cảnh và khí hậu sáng tác thơ. Cái duyên đáng buông lơi thân mật, thư thái, phù hợp với những thể văn nhẹ nhàng, ngẫu phát, "theo dòng" cảm xúc, như tùy bút, tiệp ký, đoản văn, phiếm luận v.v...


      Đỗ Quý Toàn có nói tới cái "bình thường mới mẻ", cái giản dị làm kinh ngạc vì chứa đựng một yếu tố siêu việt nào đó mà riêng thi sĩ nắm bắt được và chia sẻ. Ông nhắc lại một ví dụ đắt giá là bài "Mùa thu câu cá" của Nguyễn Khuyến. Cảnh bình thường nhất, ngôn từ đơn giản nhất, nhưng bài thơ rất thành công. Đồng ý. Nhiều lúc chúng ta quên hẳn nét độc đáo, phong phú đến dị kỳ, của những gì bình thường nhất trong cuộc sống. Nói cách khác, đối với tâm hồn người thơ, người có cái nhìn luôn luôn mới, thì một hạt bụi nhỏ bé, tầm thường, cũng là một thế giới vĩ mô, khả dĩ để lại một âm hưởng, một dấu ấn đậm nét.


      Nhưng giá theo hướng ngược lại, để cho quân bình, như một vế đối lập, tác giả cũng nói đến cái phi thường, cái rực rỡ bí huyền ở nơi xa đến với chúng ta mà thật là bình dị thân mật... Wordsworth ngợi ca tính cách siêu linh, gây kinh ngạc khôn tả, của mấy bông thủy tiên tầm thường phất phơ trước gió, bên ven hồ, trong khi Coleridge, ngược lại, mô tả những hiện tương nhiệm mầu, nhũng linh thần quê hương, cao cả, nhưng gần gũi, quanh quất bên mình ta như bầu bạn hằng ngày, trò chuyện thân mật. Đó là hai hướng cảm nhận tương phản, nhưng vẫn có thể gọi là bổ túc. Tôi có cảm tưởng là họ Đỗ thân thiết với Frost và Dickinson hơn Yeats hay T.S. Eliot chẳng hạn.


      Tôi nghĩ chúng ta không nên thu hẹp tâm hồn. Khả năng yêu mê của nhà thơ không biên giới. Chúng ta yêu cái hồn nhiên đơn sơ của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương, đồng thời cũng đắm say những hạt minh châu đài các, quý phái, mài dũa tinh vi, của Đoạn trường tân thanhCung oán ngâm khúc. Chúng ta mê nhịp chân cô hàng xén Nội Duệ, Phù Lưu trên đường về "chợ huyện một tháng sáu phiên", nhưng cũng không ngớt lời ngợi ca nét kiều mị của những vương giả chi hoa như Mỵ Châu, Huyền Trân hay Lê Ngọc Hân...


      Phải chăng vì vậy mà tác giả có vẻ hơi "khó" với những vần thơ rực rỡ của Đinh Hùng, tuy chỉ là "đùa" nhẹ về tần số từ ngữ và thi ảnh. (Em đi...), thực ra nếu đo tần số thì nhà thơ nào cũng có những ám ảnh riêng, những sở đoản, lãng quên, những "tật" thường đưa tới tần số cao trong từ này từ nọ.


      Đơn giản, hồn nhiên hay vàng son, diễm lệ trong diễn tả chỉ là những tấm áo choàng, tùy hoàn cảnh và tâm hồn nhà thơ, mặc dầu ngôn từ cũng là bản chất bài thơ. Cái chính là điểm xuất phát phải từ cảm xúc mạnh và chân thật, và điểm cuối cùng, trong thể hiện, là phải "đạt", phải "tới". Điều cốt yếu là đơn giản, bình dị không thể đồng nghĩa với thô lậu, tầm thường, còn những hạt ngọc sáng chói thì không được phép chỉ là nước sơn hào nhoáng, giả tạo của những hạt chất dẻo!


      Một điểm tác giả Tìm thơ có vẻ luôn luôn quan tâm là sự sai biệt giữa Văn và Thơ. Mỗi thể đều có những đặc tính và kỹ thuật tương đối khác nhau. Nhưng dù sau đây cũng chỉ là những phân loại, ít nhiều mang tích cách hình thái, mặc dù trong tâm tư người thưởng thức, cái bình cũng có thể ảnh hưởng tới chất rượu. Nếu ta đi từ đầu biên này đến đầu biên kia, ở những vùng cực, tất nhiên có sự khác nhau rõ nét, nhưng ở miền giao thoa thì mọi tuyến chia cắt đều nhạt nhòa. Chúng ta đương ở trong hay ngoài lãnh địa của thơ? Khó mà biết được. Có những đoạn văn xuôi "thơ" hơn thơ nhiều và có nhiều bài thơ máy móc, khô khan, "tản văn" hơn một bài tản văn. Văn xuôi của Chateaubriand hay D.H. Lawrence rõ ràng là "thơ" hơn thơ Boileau hay Pope. Bài Linh tế tháp ký của Trương Hán Siêu, bài tựa Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh, tập Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác cũng vậy, nếu đem so sánh với một số bài thơ sáo và nhạt nhẽo trong Văn đàn bảo giám chẳng hạn (17).


      Ngoài ra, có lẽ cũng nên phân tích, tìm tòi thêm về những tương đồng và dị biệt giữa thi văn, âm nhạc, điêu khắc và hội họa. Chúng ta có thể khám phá và khai thác nhiều điểm lý thú (18), do đó làm nổi bật hơn nữa khuôn mặt của thơ, theo kỹ thuật mô tả bằng cách so sánh những dị biệt. Dị biệt có thể là ít, nhưng tương đồng chắc phải nhiều. Vì nghệ thuật khó mà phân thân được, nếu nhìn nó như một nhu cầu tự nhiên của con người. Richard Wagner từng mơ về một nghệ thuật trọn vẹn, tự nhiên, trực tiếp. Một nghệ thuật duy nhất, toàn khối, bao trùm mọi bộ môn, một "natural philosophy" thực là mênh mông như tâm hồn người sáng tạo.


      *


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Điều nhận xét sau cùng là, với gần ba trăm trang, tác giả đã đưa chúng ta vào mê hồn trận của tiếng nói, và từng ngõ dọc đường ngang của thơ, để tìm thơ qua những "trò chơi ngôn ngữ". Trò chơi của những Mallarmé, Jakobson, Wittgenstein, A. Borne... Đến nỗi chúng ta đồng hóa thơ với ngôn ngữ, với tiếng nói...


      Nói cho cùng, điểm đó đúng. Đứng trước bài thơ chúng ta có gì ngoài những chữ, những lời thơ cụ thể. Bài thơ là chữ, là lời nói, sừng sững, hiển hiện, ở đó. Chữ và lời mang theo máu thịt và linh hồn bài thơ. Vì, từ khi ngôn từ xuất hiện và sống với chúng ta, nó đã mang nặng những vui buồn, nước mắt nụ cười, quá khứ hiện tại và tương lai chúng ta. Nó hầu như trở nên một thành tố định nghĩa con người. Như đã biết, ý nghĩ đó càng rõ nét trong những thập niên gần đây, khi ảnh hưởng của ngôn ngữ học trong văn học trở nên mạnh mẽ thêm với trường phái "cơ cấu" và các nhóm ngữ học gốc Đông Âu, nhấn mạnh vai trò quyết định của tiếng nói. Và chúng ta nghĩ tác giả tìm thơ cũng không di ra ngoài quỹ đạo của khuynh hướng thời đại đó.


      Nhưng một mặt chúng ta lại băn khoăn. Thơ chỉ là tiếng nói thôi ư? Đã đành tiếng nói là phù chú, là nhịp cầu giao cảm, là cái gì ít nhiều cũng làm chúng ta không giống các chủng loại sinh vật khác, tiếng nói là từ tâm hồn thoát ra, đồng thời cũng có khả năng biến đổi và ảnh hưởng đến tâm hồn. Nhưng, dù chĩu nặng tâm tư chúng ta, do chiều dài và trọng lượng cuộc sống, tiếng nói rút cục vẫn chỉ là những ký hiệu, dù là ký hiệu tuyệt vời, sinh động, có hồn.


      Tiếng nói là cái gì dứt đoạn, cục bộ, rời rạc, từng mảng (discontinu) trong khi tâm hồn chúng ta, dòng tư duy và cảm xúc là cái gì trôi chảy không ngừng (continu) tràn lan, man mác, liên tục, không góc cạnh, không cân lượng, đo đếm, gói ghém được, hoàn toàn bằng màng lưới tiếng nói, bằng những công cụ chỉ là ký hiệu bất toàn, dù là siêu ký hiệu. Tất nhiên là phải ra ngoài những ký hiệu, đọc và cảm giữa chữ và lời. Phải sử dụng tối đa khả năng gợi cảm của ngôn ngữ và sức đẩy vô hình nào đó thì mới mong vượt khỏi nhà tù của ngôn ngữ ít nhiều hình thức, nhân tạo, và ước lệ, Ý tại ngôn ngoại.


      Tiếng nói, ngôn ngữ, là những bông hoa nổi trên mặt hồ. Đằng sau, dưới sâu lòng hồ, nơi chúng xuất phát, là cả một niềm bí ẩn, một thế giới vô cùng phong phú và sinh động mà chúng ta lờ mờ chỉ blết, chỉ thấy một vài phát biểu, một vài dấu vết rời rạc trên mặt nước. Bài thơ bắt rễ từ lòng hồ, từ những vùng thẳm sâu của tâm hồn. Nguồn cảm xúc chân thật đó kích động nội tâm và ngoại giới... tứ thơ, làm rung chuyển cả châu thân người sáng tạo. Đó là gốc rễ bài tho. Ngôn từ, tiếng nói, cuộc chơi ngôn ngữ là hoa lá. Hoa lá quan trọng không kém gì gốc rễ, vì đều là bộ phận bất khả phân của cây Thơ. Chúng ta chỉ thấy hoa lá khi ngắm cảnh. Nhưng dù sao cũng phải cố gắng đi tới gốc rễ ẩn tàng, uyên nguyên của bài thơ.


      Hoa lá, gốc rễ là hai diện cộng sinh hài hòa, nương tựa lẫn nhau. Chẳng lẽ Đỗ Quý Toàn, từng sống với kinh nghiệm làm thơ, lại chỉ biết một mặt (19), chỉ say mê và viết về tiếng nói, về chữ và lời thơ thôi. Không! Đọc kỹ rồi mới thấy thực ra ông không quên bộ phận nào của thơ. Ở trang 51, ông viết: "Chỗ bắt đầu là ở tâm, ở cách nhìn của thi sĩ". Trang 66, ông lại nhấn mạnh: "Gốc: những cảm thọ của thi sĩ. Tín hiệu hóa: thành lời nói" (20). Và, khi đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản, ta mới thấy là tác giả còn dành một bữa tiệc thơ khác cho người mộ điệu. Trong cuốn "tiệp ký" thứ hai, sẽ xuất bản, chắc ông có dịp nói nhiều hơn về cái gốc của thơ: "Thơ mọc trong ta như cỏ cây trên mặt đất". Có thế chứ!


      Đến đây chúng ta có thể coi là Tìm thơ trong tiếng nói, với niềm cảm xúc phong phú, nhậy bén, với cái nhìn tinh tế, cẩn trọng và duyên dáng (không kể những sở đắc uyên bác của nhà phê bình sống nhiều con người trong một con người) có lẽ là tác phẩm "đạt" nhất của họ Đỗ, trong thời điểm này.


      Khen đấy, nhưng tôi cũng phần nào lo lắng cho tác giả. Sau khi đã khoác áo choàng trắng và mổ xẻ bằng tia laser, sau khi đã phân tích tỉ mỉ chất thơ qua tiếng nói, phân tích định tính và định lượng đủ cả, lúc ông trở về "ngôi nhà tranh với tấm lòng vàng" của Nàng Thơ, không biết nàng có làm mình làm mẩy, không biết Nàng có e ngại gì đốí với "người biết quá nhiều" không!


      Trần Hồng Châu

      Dăm Ba Điều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật
      Nxb Văn Nghệ, California, 2001

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Ghi chú:


      (*) Tìm thơ trong tiếng nói, Đỗ Quý toàn, Thanh Văn xuất bản, Los Angeles, 1992.

      (1) Mà nhiều khi cũng rất dễ.

      (2) Cristallisation, nói theo ngôn ngữ Stendhal, một hiện tượng tâm lý trong quá trình sáng tạo văn nghệ, cũng như quá trình phát sinh và hình thành tình yêu.

      (3) Có tác giả ưa dùng các từ ngữ cấu trúc luận, cấu trúc học (Structuralism). Nói nôm na, thì trường phái này chu1 trọng đặc biệt đến bản chất và cách ca61u tạo, tổ chức, sắp đặt những thành tố kết hợp nên một thực thể nào đó (ví dụ ngôn ngữ).

      (4) Mallarmé nói đến sự tan rã (désarticulation) của cấu trúc (Structure) câu nói, câu thơ, với những mảnh từ trôi nổi như những mảnh ván, buồm, lái của con tàu sau trận phong ba. "Từ" luôn luôn được tái tạo, sắp xếp lại trong muôn ngàn phối hợp như khi trang, chia lại cỗ bài hay tung, gieo những quân súc sắc. Có cái gì như một tín hiệu báo trước thuyết deconstruction - phá thể - của Derrida! Đối với Valéry thì thơ là ngôn ngữ ở trong ngôn ngữ, trong sáng, nguyên sinh, tới một độ tinh khiết tuyệt đối. Ngôn ngữ thơ là chất thơ, là... nội dung bài thơ.

      (5) Nếu ta coi là "vạn sự khởi ư... văn", văn vận dụng đủ mọi yếu tố, văn là đầu mối toàn diện, chứa đựng tất cả, thì ta hiểu tại sao lại có hiện tượng xâm nhập của các bộ môn khác vào địa hạt văn.

      (6) thơ Bùi Giáng. Tác giả Tìm thơ còn nói đến Paris và nỗi nhớ khôn ngnôi của Nguyên Sa, đến bầy ngựa chứng và những người tình chạy vào mộng mị của Tô Thùy Yên v.v...

      (7) Tuy nhạc tính trong thơ không nhất thiết giống như âm nhạc, những bài thơ như The Raven của E. Poe (với điệp khúc more ở nửa đầu và never more ở nửa sau, The Lake Isle of Innisfree của Yeats (I hear lake water lapping with low sounds by the shore), Le Pont Mirabeau của Apollinaire (nỗ lực tìm một mô thức nhạc diễn tả mối tình tuyệt vọng trôi khỏi vòng tay thi sĩ như nước chảy dưới cầu), hay Mầu thời gian của Đoàn Phú Tứ (trong một bài thơ sử dụng nhiều điệu và thể thơ khác nhau để nói lên mầu thời gian, qua sự chuyển dịch từ hiện tại về quá khứ và ngược lại...), các bài đó chắc hẳn đều giàu chất nhạc. Nhưng cảm thì dễ mà phân tích thì lại là một chuyện khác.

      (8) Hồn dân tộc, cái Volksgeist của Herder và các nhà tiền lãng mạn Đức, sáng chói như một ngọn hải đăng trong những ngày bi thảm nhất của quê hương Goethe. Không một nhà lý thuyết văn nghệ nào không đề cập đến nó. Và đó cũng là điều khó khăn cho các tác giả hải ngoại. Hồn dân tộc còn đó, nhưng, đất, nước, cỏ cây, sắc hình cụ thể trời quê hương, nguồn cảm nồng ấm của sáng tạo, thì thật là thiếu vắng! Th. Mann, tuy viết khá nhiều trong thời lưu vong, cũng từng tâm sự chua xót về mất mát đó.

      (9) Từ những nghiên cứu toán lý và kiến trúc Wittgenstein đã đi tới ngữ học. Đi tới cấu trúc tiếng nói là "trò chơi ngôn ngữ" (languagc game) linh động, muôn mặt.

      (10) Có những nhà thơ như Valéry, ngược lại, nhấn mạnh tính chất "ý thúc" cao độ, khi sáng tác thơ.

      (11) Nguyễn Hưng Quốc chú ý đến thơ Việt Nam về phương diện thuần túy văn học. Đỗ Quý Toàn nhìn thơ nói chung, qua lăng kính ngữ và mỹ học, lấy tiếng nói làm đối tượng chính ở Tìm thơ.

      (12) Tuy nhiên, nếu khách quan, ta cũng thấy là ở Mỹ, trong các khuôn viên đại học, tiệm sách, quán cà phê cũng vẫn có những buổi giới thiệu và bình thơ khá hào hứng.

      (13) Tuy từ đầu thế kỷ T. Ribot đã xác định được phần nào vị trí của vài cơ năng trên vùng chất xám não bộ.

      (14) Lúc đó, như các nhân vật trong tiểu thuyết giả tưởng, ta bỗng cảm thấy cái say sưa thú vị của đổi thay. Đổi thay bình diện sống, bình diện tư duy, rất có thể là một phép dưỡng sinh tinh thần. Như khi người sinh viên kỹ sư của Cal Tech hay MIT (các đại học có nhiều phương tiện nhất), sau nhũng giờ căng thẳng vật lộn với những phương trình cơ học hay hóa lý, lại được để giác quan chìm đắm trong âm thanh Mozart hay Chopin, nơi phòng nhạc mà nhà trường dành riêng cho họ.

      (15) Hiện tượng này cũng có ở nơi người làm thơ. Những sở đắc từ văn nghệ nước ngoài là hữu ích, nhưng nhất định không thể để chúng chi phối quá mức cần thiết, hoặc áp dụng một cách ồ ạt, không lựa chọn. Như đã thấy, ngôn từ, tiếng nói, có địa vị quan trọng trong thơ. Cơ cấu tiếng Pháp hay Anh, Mỹ chẳng hạn thuộc hệ thống ngôn ngữ Ấn Âu. Chúng có cấu trúc tuân theo những quy luật riêng, khác ngôn ngữ Việt Nam thuộc hệ thống Nam Á. Do đó sự mô phỏng máy móc chỉ chứng tỏ là thiếu vắng tự tin và phán đoán lành mạnh, đồng thời có thể tạo ra những sản phẩm lai căng, giả tạo. Có lúc chúng ta đã thấy một vài bài thơ tiếng Việt giống thơ Pháp và Anh Mỹ như những bản dịch xa lạ.

      Chúng ta cũng thấy một vài cuốn văn phạm Việt Nam ở thời kỳ đầu, hoàn toàn dựa trên nền móng văn phạm Pháp, trên cấu trúc một ngôn ngữ Ấn Âu. Cũng từng ấy loại từ và chức năng, từng ấy mô thức kết hợp và cung cách phân tích từ, câu, đoạn... rập theo khuôn mẫu văn phạm Cl. Augé, Crouzet, Larousse... Chỉ có những nét đặc thù, độc đáo của tiếng Việt là không được đề cập tới. Thực đáng tiếc!

      (16) Có nhà xuất bản từng giao cho các tác giả nhận định về đồng nghiệp xưa, tương đối "giống" mình nhất. Maurois nói về Montaigne, Gide về Dostoievsky...

      (l7) Đấy là chúng ta chưa kể những áng văn xuôi nổi danh như Chiếu rời đô, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Văn tế trận vong chiến sĩ.

      (l8) Ở kỹ thuật dựng và diễn tả, ở tác động tới cảm quan người thưởng ngoạn v.v...

      (l9)Tuy sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ nét.

      (20) Khi bàn về lời thơ đẹp và lạ của Mạnh phu tử, sau những giờ phút ở chốn "hồng phấn thanh lâu", tác giả viết ở trang 195- l96: "Kinh nghiệm sống khác thường nẩy ra những lời lẽ lạ lùng... Nhờ trạng thái tâm thần lạ lùng nên phát sinh ra những cách thấy, cách biết lạ lùng... Cái thấy và cái biết lạ hiện ra thành ngôn ngữ lạ. Chỉ nhìn vào ngôn ngữ chưa đủ, Phải nhìn vào tận cái thấy, cái biết của người làm thơ".


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Về một người "phải lòng" tiếng Việt Trần Hồng Châu Nhận định

      - Con Người Yêu Chân, Thiện, Mỹ Quay Đầu Nhìn về Quê Hương Khổ Đau Trần Hồng Châu Nhận định

      - Bụi và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng Trần Hồng Châu Khảo luận

      - Đi Vào Mê Hồn Trận Của Thi Ca Và Tiếng Nói Trần Hồng Châu Khảo luận

      - Nền Quốc Học Việt Nam và Vai Trò Đại Học Trong Tương Lai Trần Hồng Châu Tiểu luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)