1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? (Nguyễn Lệ Uyên) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      29-7-2021 | VĂN HỌC

      Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt?

        NGUYỄN LỆ UYÊN
      Share File.php Share File
          

       

      …thấy nguyên cả sự tục tĩu kèm với bài thơ
      trên xương cụt, thấy nguyên cả
      hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão”
      (Chinh Ba)


      Nhà văn Chinh Ba

      Khoảng những năm 1964 trở về sau, báo chí miền Nam thường xuyên bị đục trắng, bị bôi đen. Cầm các tờ nhật báo, tạp chí trên tay nhìn những ô đen trắng đó như nhìn thấy sự bất toàn bắt đầu xâm chiếm, ngự trị lên các hoạt động báo chí ở một miền đất được mệnh danh tự do, dân chủ! Đệ tứ quyền đang lần hồi bị bức hiếp một cách thô bạo. Rất nhiều bài chính luận đã lên tiếng đả kích cách “cai trị” này của chính quyền, của Bộ Thông Tin Chiêu Hồi miền Nam. Đến cuối tháng 10 năm 1965, đọc truyện ngắn Bài Thơ Trên Xương Cụt, đăng trên tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ số 4 (1), tôi mới nhận ra, theo cảm tính chủ quan, tính chất phản kháng thâm thúy của nhà văn. Tôi “hả hê” với cách hành xử của Út Lệ. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi, không ai làm gì được ai. Ngay cả ông Võ Phiến đang ngồi ở cái bộ ấy cũng chỉ biết thế và hay thế.


      Thời cuộc biến đổi như một cơn lốc.


      Mãi đến năm 2008, Trần Hoài Thư ngỏ ý với anh em, tập hợp những truyện ngắn tiêu biểu của các nhà văn miền Nam để in lại trong tủ sách Di sản văn chương miền Nam. Ngồi nói chuyện với Nguyên Minh, anh ấy nhắc: “Ông có nhớ truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt không? Tôi nói có, đọc nhiều lần. Tìm đâu ra nhỉ? Tôi nói, tôi còn giữ bộ Giữ Thơm Quê Mẹ, truyện đó đăng trên số 4. Vậy ông đánh máy đi. Trả lời: Tôi đã đánh từ lâu và lưu trong máy”. Về, tôi chuyển ngay cho Trần Hoài Thư cùng vài truyện ngắn của các nhà văn khác, coi như đóng góp một phần nhỏ cho công sức quá lớn lao của ông chủ Thư Ấn Quán. (Nhắc lại là đánh máy chớ không phải chép tay (2) như lời đề tặng của Chinh Ba ghi ngày 19.1.2011, lúc ông về SG in và ra mắt tập truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt (3)).


      Mặc dầu nhận được sách và giấy mời phát hành do chính tay Chinh Ba viết, nhưng rất tiếc, cả thư và sách đều đến chậm hơn tuần lễ! Đành lòng vậy.


      Không thể tham dự buổi ra mắt sách, không nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt thì ngồi nhà đọc tập truyện ông vừa gửi ra, và nhìn chân dung trên bìa gấp và bìa 4, đọc hết 14 truyện cầm bằng như đã ngồi cạnh ông, tâm tình cùng ông; cần chi phải kể lể dài dòng công sá? Vì nói như Nguyễn Bắc Sơn: “Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ. Ba ngàn thế giới cũng không to”.



      Tập truyện ngắn kèm theo những tranh minh họa của Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Phạm Cung, Hồ Hữu Thủ… làm cho tập truyện sang trọng hẳn lên. Tuy nhiên, cốt lõi của Bài thơ trên xương cụt không phải dựng lên từ màu sắc và đường nét minh họa của các họa sĩ tên tuổi, mà hơn hết là những dòng chữ phơi trần những ưu tư của nhà văn về thân phận con người, về sự sống và cái chết; sự trái ngược và tương phản giữa màu sắc, âm thanh; giữa niềm đam mê rực rỡ và sự tàn bạo giấu mặt đến phi nhân tính; giữa người chân thật và ma quỷ luôn rình rập bên cạnh!… Ông vẽ lên những mảnh đời có thật, đâu đó quanh ta; về thân phận con người trong bối cảnh xã hội bị hất tung lên, mọi giá trị đạo đức văn hóa bị bổ nhào cùng những hệ lụy của chiến tranh tàn khốc, để cuối cùng kết lại là nỗi khát khao được làm người theo đúng nghĩa con người.


      Những nhân vật trong truyện, không phải là những anh trưởng giả, những nàng tiểu thư khuê các, là tầng lớp thượng, trung lưu sống trong những ngôi biệt thự tráng lệ, vung tiền ở các hộp đêm… mà tất cả đều thuộc tầng lớp dưới, những người lao động nghèo khổ, những nông dân chất phác với những không gian mở rộng là cánh đồng nước mênh mông, một vùng lau lách sông rạch hay một vùng quê nghèo; hẹp hơn là bốn bức tường giam, nhưng thảy đều ngập ngụa bóng tối đầy dẫy những bất hạnh cùng khổ đau và tủi nhục “… dấu tích còn lại chỉ là dăm ba hàng cừ đơn lẻ bằng cây tràm, in xuống mặt nước vàng ngầu những nét khẳng khiu buồn bã. Người ta lớp chết, lớp bị bắt làm tù binh, lớp bị còng tay đưa đi làm lính, số còn lại thì chỉ riêng mỗi người biết được chỗ ẩn náu của mình” (Mồ Sống, trg 69).


      Thân phận làm người ở các nhân vật của Chinh Ba có cái gì đó thật tàn nhẫn. Nó không bình thường, bởi nỗi đau phải chịu đựng cùng những nghịch cảnh phải đối mặt trong đời sống, được ông đẩy đến tận cùng số phận hẩm hiu, đến tận rìa mép bờ vực sâu, đen ngòm. Nhân vật ấy vừa là người mà không phải người, vừa là bóng ma mang khuôn mặt quỷ nhưng lại là con người thật đang hiện hữu giữa mộ huyệt sâu, không rõ tự bao giờ và tại sao phải như vậy, không tên không tuổi, vật vờ giữa bãi tha ma, trong bóng tối: “Thật là kinh khiếp! Cả cái hàm dưới rơi đâu mất, lưỡi dài và nước dãi chảy lòng thòng xuống cổ, môi trên và mũi cũng bị sứt đi, bày ra một hàm răng trắng hếu, các bắp thịt trên mặt bị vết thương kéo chùng xuống làm cho đôi mắt xoạc to ra” (Mồ Sống, trg 85).


      Những số phận đó là những “hắn”, những “lão” với nhân dạng kỳ quái: “Da lão xanh, mồ hôi sương ửng sáng như có chất lân tinh” (Khát Nắng, trg 5). Đôi khi cũng có tên, có tuổi, như Hòa, như anh của Hòa nhưng ngoại hình thì thuộc loại “ma chê quỷ hờn” (4): “anh nó… mặt đen và khô, mũi nhọn mỏ két, đôi mắt sáng đỏ như hai cái tàn thuốc đang ngún cháy, trán đùn thấp xuống như cố làm cái đà thật chắc cho những sợi tóc bàn chải chĩa ngược lên trời” (Tóc, trg 44-45). Còn thằng Hòa thì: “Người nó tong teo như được kết bằng những que củi, da nó trắng xanh, mỏng và bủng. Mặt nó dường như đặt trong một cái khung hình thang: trán cao và hẹp, đôi má bạnh ra và trệ xuống… Lông mày thưa, lỗ chỗ như hai bờ cỏ tiết tháng bảy… Cái mũi to và hơi hỉnh của nó cố trườn ra xa hơn cặp môi dày” (Tóc, trg 45).


      Những hình thù kỳ quái kia, dưới ngòi bút Chinh Ba, không ai khác hơn là đồng bào của chúng ta. Họ phải mang một số phận nghiệt ngã, không do họ tự chọn lựa. Và đó là hệ quả của chiến tranh, của xã hội tha hóa. Cảnh đời bên ngoài cô đúc lại thành những con người như “lão” trong buồng giam; là đứa con nít, là một chàng thanh niên bị chiến tranh hất tung ra ngoài rìa cuộc sống bình thường, hay một chàng viết văn cố gắng đi tìm giá trị đích thực của đời sống anh ta đang mở trừng đôi mắt với cái giá bằng “hai mươi lọ pénicilline”; tất cả đều là sự kết tụ của những khổ đau chồng chất trong một thời đại loạn lạc, nhiễu nhương, chẳng khác gì thời mạt vận!


      “Lão”, chính xác là một tù nhân trong buồng giam. Lão biết số phận sớm muộn gì cũng sẽ đi tới cái chết, như những người bạn tù của lão. Lão biết trước phần số dành cho mình: “Rồi mình sẽ thúi ình ra để người ta cho mình một nấm mồ kín trên miếng đất của Ông Cha mình” (Khát Nắng, trg 7). Và rồi: “Trong lão, cái chết đang kết tụ” (trg 9). Người tù ấy, ý thức về cái chết đến với mình một cách rất rõ ràng, như thể ông ta nhìn thấu suốt cái chết đang đậu trong mắt mình. Nó như một định mệnh được an bài, không chút hối hận, không thấy luyến tiếc sau những lần có ý định vượt ngục không thành. Niềm khao khát mãnh liệt nhất đối với ông ta lúc này, không phải là được thoát ra bên ngoài cảnh tù ngục, mà là một chút ánh sáng, như thời thơ ấu, lão nghe mẹ lão nói: “Cha mày theo nghĩa quân bị Tây bắn chết, nhà mình bị đốt. Tao đẻ mày dưới gầm cầu, sát mé nước. Làm gì có lửa có củi! Nhờ trời nắng dữ lắm tao mới nuôi sống mày…” (trg 10).


      Đó, ngay từ thuở lọt lòng lão đã được sống sót nhờ có nắng. Vậy thì can cớ gì, trước khi chết và thậm chí khi chết lại không có được chút nắng phủ lên người? Tận sâu trong tiềm thức, lão tin nắng luôn mang đến sự sống, là sự phục sinh từ cõi chết và trong cái chết rất dịu dàng. Niềm tin ấy, trong phút chốc biến thành niềm khao khát, bùng cháy lên, thật dữ dội, thật mãnh liệt, tuồng như đó là cánh cửa cuối cùng tiếp cận với thiên đàng, là niềm hy vọng, dẫu mong manh để có được chính danh làm người trước khi gục ngã trên các bậc đá lạnh ngắt trong hầm ngục tối, chỉ vì: “…một phần đời người sau cùng của lão đã không có nắng rọi vào. Nên trước khi chết, lão thèm một tia nắng chiếu vào mặt, chiếu vào đôi mắt ngập bóng tối của lão; để da mặt lão nóng dậy lên, để mắt lão nhìn thẳng được mặt trời” (trg 12). Ước mơ nhỏ bé mà cũng to lớn vô cùng, qua thời gian khắc khoải đợi chờ, cuối cùng cũng đến được với lão, khi Chinh Ba kết thúc câu chuyện: “Lão xoay mình, ngửa thẳng mặt về phía mặt trời. Nắng rực rỡ dội tràn lên mặt lão. Đôi mắt gần mười năm xa mặt trời hoa lên với vô vàn những màu sắc chói chang huy hoàng. Thân lão dịu nhũn lại, rồi té sấp xuống nền đá. Mắt lão vẫn mở… Hôm sau, người ta thay vào chỗ ở của lão một người sống” (tr 14).


      Bóng tối và nỗi nhục nhằn về thân phận làm người được Chinh Ba đẩy lên cao hơn ở truyện Mồ Sống, mà theo ghi chú của ông là đã đăng trên các báo Pháp, Ba Lan, Canada trong các năm 1968 – 1969. Nhân vật chính trong truyện không phải là lão Tư hay Chót, mà là một người đàn ông nào đó không tên không tuổi, ẩn hiện đâu đó giữa cánh đồng hiu quạnh, có một khuôn mặt kỳ dị, ma quái: “… cái hàm dưới rơi đâu mất, lưỡi dài và nước dãi chảy lòng thòng xuống cổ, môi trên và mũi cũng bị sứt đi, bày ra một hàm răng trắng hếu, các bắp thịt trên mặt bị vết thương kéo chằng xuống làm cho đôi mắt xoạc to ra” (trg 85).


      Chinh Ba dừng lại ở đó, để nhân vật tự do lơ lửng trong một khoảng trống, để người đọc phải tự đặt ra câu hỏi, nhân vật ấy là ai? Phải chăng là Vàng, con lão Tư? Hay là một anh du kích, cũng có thể là tay anh chị giang hồ bại trận?


      Cái cách Chinh Ba xô đẩy nhân vật xuất hiện khá mập mờ và cũng khá đột ngột, theo kết cấu cổ điển, khởi đi từ ông lão chèo chiếc xuồng ba lá đi tìm thằng con trai tên Vàng đã mất tích trong một trận càn: “Trên trời có ba mươi chiếc máy bay, dưới nước có 60 chiếc xe lội nước, hôm đó con lão dậy sớm chống xuồng đi cắt bàng. Nó lọt vào giữa trận địa” (trg 70); cho tới những hồi ức về chuyện kết sui gia với bà Chánh Sáu. Rồi ông chèo xuồng, lang thang giữa cánh đồng nước mênh mông, chỉ có những lá dừa nước và những dề lục bình bao quanh, như thể đó là bố cục của một bức tranh tối màu với một nhân vật duy nhất: Ông già chèo xuồng. Bức tranh ấy, nhìn xa, nhìn gần đều tấy lên nỗi cô đơn sáng tối niềm hy vọng và vô vọng trong từng động tác chèo xuồng, cái nhìn hoảng hốt và những suy nghĩ rối tung của ông già: “Dưới ánh hoàng hôn nhập nhòa từ trời cao hắt xuống mặt nước, lão thấy loáng thoáng trước mũi thuyền một vật đen như đầu tóc đàn bà và một bàn tay chới với bám vào khoảng không. Lão đứng thẳng dậy, chiếc xuồng trờ tới. Nước quặn hình trôn ốc đảo tròn những tăm nước trắng phau, rồi tất cả tan chìm lặng lẽ, mặt nước khép kín lại như không hề có một hiện tượng lạ nào vừa mới xảy ra” (trg 71).


      Ở truyện Mồ Sống này, chủ đích của Chinh Ba là lên án chiến tranh bằng một giọng văn cay độc. Ông không gào thét, không phẫn nộ. Nhưng qua cách miêu tả hết sức bình thản các hiện tượng xảy ra chung quanh, người đọc cảm thấy có chút se lòng, một chút ngậm ngùi. Bởi sinh phần của bà Chánh Sáu không còn dành cho bà vì “bà đã chết như cái tan vỡ của một đám bụi, không còn để lại một chút xương cho Chót đem đặt vào ngôi sinh phần có lắp khung kính” (trg 75). Cái trớ trêu, là nơi dành cho người chết lại là chỗ để ươm mầm cho một sinh linh mới chào đời dưới lòng mộ huyệt. Đó là đứa con của Chót, kết quả của một trận càn thảm khốc, giữa Chót và một hình nhân dị dạng, dưới lòng mộ huyệt bà Chánh Sáu!


      Đau khổ và hạnh phúc của một kiếp người chính là lúc lão Tư “hớt hải bước xuống ruộng, lội đùng đùng… réo gọi tên con như một người điên” (trg 92) giữa một không gian lạnh ngắt để đón đợi những đợt phi cơ “dội bom xuống mục tiêu suốt mấy giờ đồng hồ liền”.


      Chinh Ba đã mở đầu truyện bằng “tiếng máy bay ầm ù không ngớt” và khép lại cũng bằng tiếng phi cơ phản lực dội bom, nhưng chỉ phác họa theo kiểu chấm phá để người đọc suy nghĩ sâu hơn về thân phận làm người của các nhân vật có mặt hay không có mặt trong truyện.


      Cũng viết về đề tài chiến tranh như: Ngó Lên Hòn Kẽm Đá Dừng hay Thằng Chằng… nhưng chỉ dừng lại ở mức độ miêu tả sơ lược, các nhân vật trong truyện đều “bảng lảng bóng hoàng hôn” chứ thật sự không làm người đọc phải rùng mình, gai lạnh sống lưng như Mộ Sống: Bởi truyện có dư thừa sự tàn nhẫn của chiến tranh nhìn từ các nhân vật đến ngoại cảnh.


      Những truyện khác như Hai Vì Sao Lạc, Kẽ Hở Bàn Tay, Lạc Đường hay Một Lứa Cá Mè… cách xây dựng cốt truyện và nội dung mang hơi hướm của phong cách Tự lực văn đoàn hay Vũ Trọng Phụng. Đó là những mối tình đẹp nhưng không thiếu cảnh trái ngang, nhất là Một Lứa Cá Mè khiến ta liên tưởng đến Làm Đĩ, Số Đỏ (4) trong thời kỳ văn học lãng mạn Việt Nam trong thập niên 40 ở thế kỷ trước. Nhưng ở đó (các truyện này), người đọc cũng cảm thấy an lòng, vì người sáng tạo ra chúng luôn đặt niềm tin, sự lạc quan có thừa để tạo nên những cái kết có hậu, nhất là truyện Đóa Sen Vàng.


      Bài Thơ Trên Xương Cụt, là truyện ngắn để đời của ông, bởi nó xuất hiện cách đây gần nửa thế kỷ nhưng chất văn học và tính hiện thực xã hội thì không hề mai một, cứ sáng lấp lánh như vì sao trên bầu trời trong xanh, mỗi khi ta ngước mắt lên và nhìn thấy. Truyện được viết trong trại Chí Hoà, rồi bí mật chuyển ra ngoài, sau đó Hoài Khanh chọn đăng trên Giữ Thơm Quê Mẹ số 4, tháng 10 năm 1965. (Khi viết đến đoạn này, tôi gọi đến anh Hoài Khanh đang ở Biên Hoà, hỏi anh còn nhớ ai mang truyện Bài thơ trên xương cụt đến anh? Anh Hoài Khanh nói: Chinh Văn mang đến, vì tôi có chọn và đăng một số bài thơ Chinh Văn trên GTQM, nên có quen nhau. Sau này mới biết Chinh Văn là em ruột của Chinh Ba). Ít ai biết vì sao ông bị chính quyền VNCH bắt giam 3 năm tại nhà lao Chí Hòa, cũng như bằng cách nào ông có thể dễ dàng viết truyện này trong trại tù và chuyển ra ngoài an toàn? Phần việc này xin để dành cho các nhà viết văn học sử.


      Chinh Ba viết Bài Thơ Trên Xương Cụt theo lối kể chuyện để dẫn dắt người đọc đi từ sự ngạc nhiên này tới nỗi kinh ngạc khác, bằng một giọng văn chua cay, sắc ngọt. Ông đã vẽ lên sự tha hóa về nhân cách con người, và mặt nào đó là xã hội đang bị sức thống trị tuyệt đối của những thứ quyền lực thô lỗ tục tằn ngày càng trương phình lên: Tiêu biểu là Ba Lò Heo. Con người dung tục ấy đã chen chân vào thế giới mà hắn không mảy may rung cảm và cũng chẳng cần rung cảm trước cái đẹp của nghệ thuật. Hắn nắm toàn quyền “sáng tạo” và chỉ đạo “nền văn nghệ gia đình” phải hò hát theo ý riêng.


      Út Lệ vốn dĩ là một cô đào ở một gánh hát, là hiện thân của niềm đam mê nghệ thuật (hò hát) bởi vì “… nàng sống để hát, và sống bằng chính tiếng hát của mình” (trg 128). Nàng sở hữu một giọng hát, theo như mô tả là “ấm áp, đằm thắm, ngọt ngào”, chí ít là với người dẫn truyện, sau khi nghe giọng hát Út Lệ đã nhận ra rằng: “Những cáu bẩn làm nhơ bợn tâm hồn tôi từ khi bon chen vào cuộc sống bỗng quyện lấy nhau mà trầm lắng xuống đáy thẳm trong vực lòng” (trg 127).


      Từ chỗ Út Lệ mới đặt chân lên căn gác trọ, đêm đầu tiên cất lên lời ca u buồn đến nỗi người ngoài cuộc không thể giấu giếm được nỗi lòng: “Ánh đèn thì tù mù, tiếng hát thì buồn. Tôi tưởng như sự tối tăm, vắng lạnh của căn nhà hoang đã được mở mắt và lên tiếng. Điệu hành vân áo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những dòng cảm nghĩ của tôi về cuộc sống” (trg 125). Sự “làm ẩm ướt những dòng cảm nghĩ” sau khi được lắng nghe Út Lệ “…phô diễn bằng những âm hưởng trong trẻo, dịu ngọt, thanh thoát, hồn nhiên và cởi mở…” (trg 126) như một cách cảm nhận và chia sẻ của nhà văn với nhân vật do chính mình tạo ra. Nhưng đó cũng chỉ là những khoảnh khắc “tự do” rất ít ỏi của Út Lệ, khi chưa có sự chỉ huy và can thiệp thô bạo của nhân vật thứ hai. Chỉ đợi đến lúc, sự thao túng lên tới đỉnh điểm, thì người nghệ sĩ “…phải vừa đọc vừa khóc vì tủi nhục, ấy là bài thơ trên xương cụt của Ba Lò Heo” (trg 141).


      Cuộc chiến giữa nàng Út Lệ và Ba Lò Heo là cuộc đấu tranh không cân sức, giữa một bên là người nghệ sĩ và bên kia là tên đồ tể; giữa nghệ thuật và dao phay; giữa kềm tỏa, trói buộc và Tự Do! Hắn ta đã chen chân vào đời sống tinh thần của vợ. Hắn uốn nắn niềm đam mê của nàng bằng những “tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường” bằng cả những tiếng la hét, hằn học. Nói khác, ẩn ngữ “ghen bóng ghen gió” của Chinh Ba có thể hiểu đồng thời là sự áp đặt có hệ thống, có mưu đồ tính toán hẳn hòi, mà mục đích cuối cùng là nhằm triệt tiêu Tự Do và niềm đam mê cháy bỏng của người nghệ sĩ.


      Những “lệnh” của Ba Lò Heo liên tiếp đưa ra từ thấp lên cao: “Mày hát mửng gì mà đâm gan người ta quá vậy! Có câm họng lại không? Tao lột lưỡi mày bây giờ!”. Hay: “… tao biểu mày im thì mày phải im. Lý sự thì tao vặn họng” (trg 135). Út Lệ im, không hát nữa, nhưng không phải là nàng đầu hàng. Người thay nàng lên tiếng chống đối lại mệnh lệnh trái khoáy kia lại là đứa nhỏ “ngoe ngoé khóc lên”. Trò áp đặt quyền lực và sự phản kháng giống như cảnh nước nổi bèo nổi, để sau đó Út Lệ vặt lông tất cả những con vật hiện ra trong đầu óc nàng. Chúng lần lượt bị thay thế cho đến khi không còn con vật nào chịu thế chân vào tình cảnh đau lòng kia, thì Út Lệ phải cất lên: “Chiều chiều bắt ấy nhổ lông/Ấy kêu bớ chị…”.


      Và, một khi kẻ bị trị không chịu thi hành lệnh hay thi hành theo chiều hướng phản kháng, ngấm ngầm chống đối; thế tất kẻ thống trị phải nghĩ ra cách khác. Cách mà Ba Lò Heo nghĩ ra là giành lấy quyền sáng tạo tuyệt đối, tự đặt thơ và cho xăm trên lưng, một loại thơ lấc cấc, quái dị xưng tụng cho thứ chủ nghĩa vị kỷ, hẹp hòi, trác táng nhằm lăng nhục kẻ khác: “Men lên chí cả thêm hừng/ Công danh ta túm trong quần ta chơi” (trg 138). Đây có thể coi là khởi đầu cho bi kịch chỉ huy nghệ thuật và nghệ thuật bị chỉ huy giữa Ba Lò Heo và nàng Út Lệ. Về mặt nào đó, trò chơi tởm lợm này, do Ba Lò Heo đặt ra, bước đầu xem ra thắng thế, bởi quyền lực hắn đang nắm trong tay. Nhưng xem ra cái ưu thế kia bị lung lay dữ dội khi nàng đánh đúng vào chỗ nhược của hắn: “Anh Ba nè, sao đọc mấy câu này tôi nhớ ba thằng Bình quá hà!” (trg 139).


      Sự mâu thuẫn ban đầu biến thành sự xung đột có dao búa; có cả nước mắt và sự im lặng, nhẫn nhục chịu đựng. Câu chuyện kể bỗng dưng biến thành vở kịch có đầy đủ các yếu tố bi hài: Một khi kẻ nắm quyền thống trị bị đối phương chọt ngoáy đúng vào ý thức “ghen bóng ghen gió”, để cuối cùng Ba Lò Heo phải dùng tới hạ sách cực kỳ dung tục mang dáng dấp một tay anh chị máu lạnh, tàn nhẫn ở lò mổ Chánh Hưng, chợ Cầu Ông Lãnh, Khánh Hội… thuở xa xưa: “… em trịch cái quần anh xuống một chút… Em thấy chưa? Ở trên chỗ xương cụt đó… tao biểu mày đọc, không đọc thì bay đầu!” (trg 140).


      Không ai biết bài thơ “nằm ở chỗ kém sạch sẽ đó” có nội dung ra sao, chỉ nghe Út Lệ “nghẹn ngào”, điều này có nghĩa rằng, Ba Lò Heo, người đại diện cho kẻ thống trị văn nghệ đã làm được những gì hắn nghĩ, quyết thực hiện bằng bất kỳ giá nào, miễn đạt được mục đích tối ưu, có lợi cho hắn. “Nền văn nghệ gia đình” chân chính bị xóa sổ để thay thế bằng “văn nghệ xương cụt”, một loại văn nghệ được hình thành bởi những “tư duy” đố kỵ, một chiều và hẹp hòi bắt đầu hãnh tiến lên ngôi, thống lĩnh! “…thì Ba Lò Heo đã định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm-đã-ngứa chỗ xương cụt, nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão” (trg141).


      Tôi nghĩ, truyện dừng ở đoạn này thì cũng đủ nói lên tính hiện thực xã hội. Nhưng chừng như để cho độc giả khỏi phải nhọc công suy diễn, so sánh, đối chiếu, Chinh Ba cố công viết thêm đoạn ngắn như là cách giãi bày tâm sự, một cách biểu tỏ thái độ của người nghệ sĩ: Đó là quyền Tự Do tuyệt đối, quyền Tự Do sáng tạo: “Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật – nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi – thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích. Rốt cuộc Út Lệ đã thắng” (trg 142-143).


      Đó cũng chính là niềm tin của người nghệ sĩ.


      Chinh Ba đã để cho nàng Út Lệ chiến thắng trong cuộc rượt đuổi hụt hơi và trốn chạy đi tìm cái Đẹp. Niềm tin ấy thật mãnh liệt. Và chỉ có lòng đam mê và niềm tin không bị lung lay, rơi rớt thì tiếng hát mới thật ngọt ngào, ấm áp. Cái giá trị đích thực có đến được với nghệ thuật hay không chỉ khi nào Tự Do sáng tạo không bị tước đoạt thô bạo!


      (xứ Xương Rồng, tháng 3/2012)


      (1) Giữ Thơm Quê Mẹ, tập san văn nghệ do Lá Bối xuất bản, Hoài Khanh coi sóc, số đầu tiên phát hành tháng 7/1965.

      (2) Thủ bút và chữ ký của Chinh Ba.



      (3) Chinh Ba, Bài thơ trên xương cụt, nxb Trẻ, SG 2011

      (4) Chí Phèo, Nam Cao

      (5) Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng

      *

      Chinh Ba tên thật Phan Tân Nhựt.

      Sinh năm 1934 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

      Học tiểu học ở Bảo An, trung học ở Tam Kỳ rồi Quảng Ngãi.

      Đại học Sorbonne, Pháp.

      Hiện sinh sống tại Pháp.

      Cộng tác với các báo: Nhân Loại, Lẽ Sống, Bông Lúa, Ngày Mới, Giữ Thơm Quê Mẹ, chủ biên tờ Mã Thượng...

      Dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Phan Phong Chinh, Trọng Cưu, Thông Mai, Thảo Nguyên, Cước Nguyên, Kiều Mỹ Vân, Hà Thời Đán.

      Ông có khoảng 50 truyện ngắn đã đăng báo. Truyện Bài thơ trên xương cụt in chung trong tập Ảo Tượng cùng với Hồ Hữu Tường, Thiều Chi, Võ Phiến, Sơn Nam, Nhất Hạnh, Tuệ Uyển do nhà Lá Bối xuất bản lần đầu 1966 và tái bản năm 1971.

      Nguyễn Lệ Uyên

      Nguồn: Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay, Tập II
      Thư Ấn Quán xuất bản 2012

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Cảnh Cửu Và Sự Cô Đơn Đến Tận Cùng Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Như Mới Hôm Qua Nguyễn Lệ Uyên Hồi ức

      - Gia Tài Của Võ Hồng Nguyễn Lệ Uyên Tham luận

      - Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Tình Muộn Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

      - Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Bên Ngoài Hàng Rào Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

    3. Bài viết về nhà văn Chinh Ba (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Chinh Ba

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? (Nguyễn Lệ Uyên)

      Đi tìm “bài thơ trên xương cụt” của chinh ba (Trần Hoài Thư)

      Thân một mình hóa trăm (Bùi Văn Nam Sơn)

      Nhà văn Chinh Ba: Tiếc vì lời thề ngừng viết (Ngân Hà)

      Bài Thơ Trên Xương Cụt. tập truyện ngắn đầu tiên in riêng của Chinh Ba (Nhiều tác giả)

       

      Tác phẩm của Chinh Ba

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Bài Thơ Trên Xương Cụt (Chinh Ba)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)