|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Bùi Ngọc Tuấn
Ngồi lạnh buồn trong cơn mưa bão từ chiều. Gác vắng quá đơn độc và nhớ nhung quá, nhất là khi mình giở tập thơ Say Giữa Mùa Trăng của Bùi Ngọc Tuấn ra đọc. Rồi lại khép lại, tự dưng nhớ đến một vầng trăng ngày nào còn ở trong ngục Chí Hoà. Lúc sắp chuyển trại, về sáng. Anh em tù tập trung lại để đưa đi xa. Mỗi người một vắt cơm. Cơm nhỏ đi gần, cơm lớn đi xa. Nhưng đi đâu thì đi cóc cần biết. Chỉ thấy trăng ngoài song sắt sáng ngời rọi vào trong phòng giam.
Dường như thi sĩ nào cũng có viết về trăng. Dường như xưa nay Trăng là linh hồn của thi sĩ hay là hiện thân bất tử của thi nhân với thời gian vậy. Với Bùi Ngọc Tuấn thì vừa say rượu vừa say tình mà cũng say Trăng. Mà Bùi Ngọc Tuấn say trăng, như một Van Gogh say mặt trời, với những hình ảnh siêu thực trong thơ chàng như bốc cháy cả vầng trăng thiên cổ ‘Trăng cháy đỏ, trăng đổ đầy máu lệ’ khác hẳn với vầng trăng bình yên tự thuở nào:
Trăng cháy đỏ giữa trời khuya cuồng gió
…
Trăng cháy rồi mà gió hú khôn nguôi!
Trăng bốc cháy hay chính tâm linh nhà thơ đang ngút ngàn khói lửa. Lửa trời đất, lửa tâm linh và lửa của lớp lang lịch sử đã làm một cuộc phần thư ngày nào như Vũ Khắc Khoan trong Thần Tháp Rùa.
Lời của gió của trăng của thảm khốc. Thôi thì chúng ta, cũng như người đời đừng hỏi han cớ sự gì hết! Cái nỗi thảm khốc, thảm hoạ kia tự đâu mà ra! Nhưng ta có thể nghĩ rằng cái đầu nhà thơ đang bốc hoả! Và thi nhân đã hóa thân thành ánh lửa tự lúc nào!
Rồi có lúc lắng dịu để cho hồn trăng, và tiếng đàn hoà lẫn bốc hương bên trời lận đận khiến ta nhớ nhiều đến Giang Châu Tư Mã và Khúc Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị xa xưa. Có lẽ bài Ðàn Trăng tặng cho Ðào Vũ Anh Hùng một người bạn lớn của chúng ta đã lắng nghe nhiều nỗi.
Tắt đèn rót rượu chờ trăng
Tiếng đàn hàng xóm động trang thơ buồn
Trang thơ buồn như giòng nước trên bến Tầm Dương, như nỗi lòng của người trên bước lưu đày biệt xứ xa quê hương tự thuở trời đất nổi cơn gió bụi Tự buổi ‘đàn trăng vương nỗi điêu linh bên trời’ Sao ngậm ngùi thế ấy! Thế rồi ‘tắt đèn rót rượu chờ trăng’ cho đến lúc ‘đàn trăng rượu đã ngất ngây - Ðêm vơi, trăng xế, chống tay lặng người’… Những câu thơ lục bát không còn là thơ điệu nữa, nó bốc hơi men lung linh dưới vầng nguyệt bạch - nó hiển hiện lên hình ảnh của thi nhân như một bóng dáng liêu trai nào mờ mờ nhân ảnh, ngồi hà tư hà lự thế kia!
Trong cuộc đời có những điều hết sức oái ăm đó là tri âm tri kỷ ít khi được ở gần nhau. Trước hay sau gì đó, rồi cũng cách chia nhiều ngã đường đời. Vì thế mới có bài Lý Bạch tiễn Uông Luân, mới có nỗi buồn Bá Nha mất Tử Kỳ hay Khổng Phu Tử mất Nhan Hồi. Như Nguyễn Khuyến nhớ Dương Khuê. Một người ở muôn trùng xa nhớ về một người ở quê hương, như ngừơi đi chốn non nước quan san nhớ về cố quận. Ðó là tâm tình của Bùi Ngọc Tuấn với Nguyễn Ðức Sơn. Có một vầng trăng sáng, có rất nhiều rượu ngon, mà bạn thì ở bên trời còn nỗi niềm nào hơn nỗi khát khao hoài vọng ấy nữa.
Vả lại đời nay tình tri âm tri kỷ hầu như chỉ còn tồn tại ở trong tâm hồn của người nghệ sĩ có thủy có chung. Còn thế sự thì lao xao, khoa học tối tân điện tử máy móc tinh xảo đã đánh mất tình nghĩa của nhân loại từ lâu rồi.
Với Bùi Ngọc Tuấn, Rượu và Trăng và tuần trăng nữa như một thế kỷ chỉ có toàn Trăng và Rượu… Và Rượu là nguồn suối, là ngọn nguồn chảy ra từ lòng trăng sáng ảo huyền… thứ rượu có hào khí, thứ rượu của tinh thần Ðông Phương thi sĩ nó nâng ý chí cao vọi của con người, nó bốc thành sương bóng lung linh kỳ ảo dưới vầng trăng như một thuở nào ta thấy trích tiên thi sĩ ngồi trên chiếc bách, dưới ánh hào quang trên những đợt sóng thần ở bể Ðông. Từng chữ từng lời thơ những tinh thần lãng mạn sâu thẳm, siêu hình mênh mang ẩn ngữ trùng ngôn chi ngôn vô ngôn vô bờ vô bến… như kiếp người giữa đại hải đầy bão táp phong ba, và nhỏ nhoi vô cùng trước vũ trụ vạn vật… nhưng cũng cứ như các ngài triết gia ôm choàng lấy vũ trụ vạn vật không gian, thời thể thời tính ở trong quả tim của mình mà thị hiện vũ tru. Vũ trụ hiện thị ngô tâm… (Lục Tượng Sơn) thi ca tư tưởng là thế đó … Trọn bài thơ Sinh Nhật Ca, để cuối cùng thốt lên
Lạnh băng ôi giòng đời
Trôi miệt mài bất tuyệt
Thôi, mang túi lên vai
Ði về đâu chẳng biết
Trần Tuấn Kiệt xin tặng Bùi Ngọc Tuấn mấy câu thơ từ xưa của mình, thuở chúng mình, hai thằng thi sĩ lang thang ở các ngả đường ở thành phố Sài Gòn cũ …
Mai sau hò hẹn xin ghi nhớ
Ðừng để nhân gian lạnh lối về.
Câu hỏi đặt cho cơ sở tồn sinh một vấn đề cổ kim hận sự thiên nan vấn! Chỉ đâu đây có tiếng thở dài của Trần Tử Ngang: “Ðê đầu tư cố hương” Như là tiếng vũ trụ lên lời chào đón ngày về của thi sĩ … Nhưng dường như có tiếng nhạc của ai kia vọng lại, “Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ ngườI” - Xuân Diệu - kẻ đi người nhớ. Kẻ đi từ vạn cổ, tiếng nhạc tự ngàn thu và những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ! (Vũ Ðình Liên). Ngẫm người xưa, để nghĩ tới người đời nay, lần anh cũng đi vào thiên cổ, đi về đâu? Nó như khiêu gợi ta nhớ rất nhiều, nhớ rất đậm đến những vần điệu thiên tài kim cổ. Tôi chợt nhớ Bùi Giáng quá đỗi …
Rượu, Trăng, Sương khói, lầu thơ, ngấn lệ, đơn độc, hành nhân trên đường đời. Con đường của khách lữ, của kẻ lãng du, có thể đó là nẽo song hành hội thoại cùng biển dâu … dâu bể! Cũng có thể đó là lối nghịch hành tấp tểnh ngổn ngang nỗi hận sầu lịch sử điêu linh. Tâm hồn Bùi Ngọc Tuấn như 'chiếc hồ - (Le Lac) - của Lamartine' buông cả khói cả sương, thả cả giòng sóng mênh mông trôi theo bến bờ vô định của chiếc bách giữa giòng … khiến ta hình dung ra nhà thơ dường như đang ngồi dưới gốc cây sồi nhìn ra lớp sương bóng mơ hồ của thời gian bên cạnh hồ rượu cũng bốc khói quyện vòng lên bao phủ lấy vầng trăng tình sử! Mang nỗi buồn bao la đó để mà
Lang thang góc bể chân trời
Rượu đêm khuya để ngậm ngùi vầng trăng
Từ lâu nay các nhà thơ lớn, thường quên cả nghệ thuật ngôn từ thi ngữ mới, để ẩn cư vào cùng vũ trụ hoang sơ nguyên tuyền của lịch sử, của cổ thi. Thơ họ Bùi cũng ngân lên điệu cổ thi mịt mùng đó sau khi đã trải qua từng cơn giông bão của hiện tiền lịch sử, của xã hội nhân gian, của đời mình … Thơ cao vọi đến Trăng, trăng hoà lẫn với thơ với rượu, rượu mang mang nỗi buồn trần thế, với những mùi hương xuân sắc lạ lùng… cho cả đến người em cũ năm nào …
Trăng em vời vợi đêm trường
Tóc thơm còn thoảng mùi hương quê nhà.
Ðể rồi những đêm say, mùa đổi nghe sầu vọng âm … cho đến âm hưởng cuối cùng:
Ðời đã rót đầy men đắng cay
Tiếng đinh đã đóng động quan tài
Ngày mai nằm chết bên bầu rượu
Tâm thể sẽ thành mây trắng bay
(Sinh nhật ca)
Với bài “Trở về Ðơn Dương” có những vần điệu mà không dễ gì những nhà thơ lúc nào cũng ở quê nhà, hay nhà quê chưa chắc gì viết nổi:
không còn gì nữa cả và
nhạt hương của nắng - phai hoa của chiều
nẻo dài gió lặng cô liêu
rào nghiêng cửa mục cổng xiêu ngõ tàn
cuốn mù muôn dặm thời gian
cảnh xưa tâm cũ vút ngàn trùng khơi
về đây vai áo tả tơi
đường quanh đổi khúc - lá rơi lạnh lùng
về đây chân bước ngập ngừng
nương đồi lạc lõng - núi rừng xa xôi
suối xanh giòng - trắng mây trời
phải nơi cố quận! phải thời đã xa!
không còn gì nữa cả và
không còn sắc thể bóng tà huy xưa
Thơ chảy một giòng theo năm tháng, rồi cuộn lại quyện lại như vũng xoáy thời gian ngược giòng rồi lại tăm tấp trôi đi dưới bóng chiều mênh mông tịch mịch. Ðể rồi tất cả chìm vào vũ khúc đêm thâu:
Sầu âm cung điệu phai tàn
Lời vương nửa nhịp - tiếng đàn phân vân
Tiếng thơ Bùi Ngọc Tuấn buồn lắm! Buồn đến não lòng, buồn đến đứt ruột, buồn đến máu tuôn, hận đến nghìn đời, để rồi chuyển khúc vọng lên nỗi cuồng nộ dữ dội:
Rừng phong bốc lửa điên rồ
Trời đêm cuồng nộ cháy từ giòng trăng
Ðó là đêm gì, đêm của sa mạc hư vô, của loạn ly của đảo điên thế sự, của trời đất sinh, của núi sông tan tác bời bời, của tâm sự phản kháng cùng cực … cái định mệnh chó má của con người thời đại chúng ta:
Lạc vào cửa quỷ nhà ma
Ðường ngang lối dọc không ra khỏi buồn
Cửa quỷ, nhà ma, đường ngang, lối dọc thăm thẳm mê cung lớp lang lịch sử mà “giòng trầm luân vẫn xoay tròn tháng năm” vẫn là điệu luân vũ khúc, điệu của âm cung của hoả ngục, của trò chơi ma quỷ.
Các bạn tri âm tri kỷ còn ở lại bên kia trời trong đó có Trần Lam Giang, Bùi Hồng Sĩ, vợ chồng Nguyễn Khắc Nhân, Ngô Xuân Hậu, Phạm Tài Tấn, Nguyên Khai, Phạm Quốc Bảo, Phan Ngọc Diên, Hà Thúc Sinh v.v… xin mượn những vần điệu của họ Bùi để tặng nhau:
Hơn nửa đời qua như chớp nhoáng
Ðêm dài, năm ngắn chất trên vai
Sự nghiệp? Quẩn quanh trò cơm áo
Công danh? Trôi với gió mưa đời
Rượu uống nửa đêm thêm nhớ bạn
Mơ về nơi cũ buổi thanh xuân
Chúng ta cười vỡ chiều bên quán
Mà chẳng than đời, chẳng tiếc thân
(Sầu gửi bạn)
"Sầu tư hương" gửi Viên Linh và Phan Nhật Nam gợi cho lòng người dù ở quê hương hay ở cõi xa xứ cũng một niềm ly hận:
Cõi xa lạ hỏi nơi nào nương tựa
Quê nhà xa vời vợi cuối tâm tư
Sầu cay đắng đứng giữa đời điên loạn
Ngửa mặt gào gió lộng tiếc quê xưa …
Bùi Ngọc Tuấn ơi quê xưa còn đâu nữa! Ta bây giờ chỉ biết trông trời mà ngâm như Nguyễn Du mà thôi “vời trông cố quốc biết đâu là nhà” Ðó chính là nguồn thơ, là bi kịch nhất của anh em chúng ta …- Và nhất định chúng ta sẽ giữ lại được quê hương mình, một quê hương chân chính, quê hương của tổ tiên từ thời Văn Lang để lại. Cũng chẳng phải đó là một quê hương siêu hình nào của Lý Bạch xa xưa … và kẻ vong quốc không phải là chúng ta đâu. Kẻ vong quốc chính là kẻ vong thân từ căn cơ tư tưởng hiện tiền ở tại đất nước hôm nay đó, của loài tà thuyết hư ngụy và bịp bợm đánh lừa trẻ thơ mà thôi - phải không Viên Linh và Phan Nhật Nam, Phương Triều, Trần Hoài Thư, Bùi Bảo Trúc, Ngô Vương Toại và Ðào Vũ Anh Hùng của tôi.
Dường như tôi có nói đến bài “Một Ðêm Trên Cánh Ðồng Tuyết Phủ” của Bùi Ngọc Tuấn ở đâu đó. Tôi chỉ xin ghi lại, hình ảnh này đã khiến cho tôi nhớ tới bài “Giang Tuyết” của Liễu Tôn Nguyên đời Ðường. Lâu nay tôi cứ đọc đi đọc lại bài Giang Tuyết đến thuộc lòng xin chép để tặng bạn thơ.
Thiên sơn điểu phi tuyết
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu thoa lạp ông
Ðộc điếu hàn giang tuyết
Có lẽ không bài thơ nói về tuyết nào đồng điệu hơn bài “Một Ðêm Trên Cánh Ðồng Tuyết Phủ” của Bùi Ngọc Tuấn - thật là kỳ thú tuyệt vời khi ta đọc lại mấy câu cuối trong đó :
Cánh đồng - cánh đồng ngời tuyết phủ
Tôi với vầng trăng cùng lạnh tê
Bốn phía chân trời lung linh tuyết
Gió lạc đường đi, mất lối về
Riêng cái thế giới ngất ngư của trăng của họ Bùi khác hẳn với trăng của Hàn Mặc Tử, của Xuân Diệu mơ màng trăng huyền hoặc, trăng ngọc bích, trăng vàng xô sóng bạc. Không phải trăng hư vô của họ Hàn, và Trăng Thiếu Phụ tuyệt vọng của Quách Thoại, trăng của Bùi Ngọc Tuấn trong cái yên lặng vô cùng đó cũng như chất men nồng càng uống càng say, càng thăm thẳm mênh mông và vĩ đại trước cái cô đơn, tạnh vắng, cái nhỏ nhoi của con người khiến cho đột nhiên, cảm nhận thấy chân lý của cuộc đời, thân phận của mình bỗng bơ vơ lẻ loi vô cùng… như những giòng thơ sau đây:
Chúng tôi cùng im lặng dưới trăng thu
Và thảng thốt, say sưa và run sợ
(Ðêm trăng thu trên bãi biển Nhật Lệ)
Có một quyền năng gì đó của thiên nhiên kỳ bí chi phối đến định mệnh con người.
Ðọc tiếp bài “Mới ốm dậy đêm nằm nghe mưa viết gửi Trần Tuấn Kiệt” tôi tự hỏi: Một người tha hương như họ Bùi, từng cơn nhớ về cố quận, phóng những vần thơ như ánh sáng xuyên qua bốn biển năm châu về tận quê nhà có lẽ còn thú hơn một thằng tứ bề thọ địch - ở tại quê mà vẫn cứ hỏi … Trông vời cố quốc biết đâu là nhà! Không biết ai lại chịu lắm bi kịch hơn ai trong cõi hồng trần bụi bặm này nhỉ!
Phải không? “Vận nước nổi trôi” ôi nhớ làm sao những giòng nhạc của Phạm Duy, của Phạm Ðình Chương của Trầm Tử Thiêng (thằng bạn nối khố từ bé của tôi đã viết bài trường ca Áo Dài Việt Nam gì đó mà tôi được nghe một lần…)! Bùi Ngọc Tuấn ơi:
Rượu không mà tưởng say nhè
Tay bưng mặt khóc hỏi quê chốn nào?
Quê hương này đấy - hỡi người bạn thơ.
Ta đứng lặng chìm sâu trong bóng tối
Của hồng triều lịch sử Việt Nam
(Trần Tuấn Kiệt -
Những cành điệp cũ bên đường Lê Thánh Tôn)
Với bài Trăng Bùi Ngọc Tuấn đã lên lời đối diện với hư không. Họ Bùi nhớ trăng như nhớ người tình: 'trăng bỏ trần gian đi không về', như người trần gian nhớ cảnh thiên đường
Hoa lưu động chủ ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
(Cổ thi)
Mang theo biết bao nỗi nhớ nhung biền biệt. Người đời đã ra đi. Ðã như họ Bùi bỏ thiên đường đi mãi không về nữa chỉ còn lại nỗi khao khát nhớ thương một bóng hình hư ảo
Giữa trời tôi gào trăng rất lâu
Trời ơi! Trăng chết ở phương nào
Ðêm nay gió rú như cuồng nộ
Ai xé ngang trời một ánh sao!
Những linh hồn đảo điên hoài cố hương xin hãy tỉnh lại cơn mộng, cơn say để mà sống với sa mạc trần gian thăm thẳm này. Nếu không sẽ tan thương hơn nhiều nỗi! Và hãy cứ thõng tay vào phố mà đọc thơ một mình giữa buổi chiều cuối năm như thi sĩ :
Rượu rồi gõ chén ca chơi
Năm tàn tháng tận chiều rơi nặng nề
…
Trông lên trăng xuống bao giờ
Thõng tay vào phố đọc thơ một mình …
Như thế cũng là Tiếu Ngạo Giang Hồ lắm vậy! Lý Thái Bạch thường bảo Ðời như quán trọ bên đường! Bùi Ngọc Tuấn nhắc nhở ta:
Quán đời ghé tạm chơi dăm lúc
Mà bão giông tràn cho lệ sa
Hỡi ơi! Trời đất nuông gian tặc
Uất hận nghìn năm một sắc cờ!
Tiếng thơ càng xa xăm, càng đầy mộng, càng si mê càng đảo điên của thi sĩ họ Bùi, xin để xin nhường lại cho những người yêu thơ đón nhận …
Ta hãy mượn bài “Say Giữa Mùa Trăng” để tạm khép lại những cánh thơ hư hạc như mây ngàn ngoài bể Ðông cứ bay lượn cứ tuôn ra như không bao giớ ngớt. Bài thơ như sau:
Trăng đêm nay chính là tôi ngất ngưởng
Rượu đã rồi - tỏa ánh bạc nơi nơi
Ðêm trong vắt vút sâu vào tâm tưởng
Ðàn ai chùng cho nhạt ánh mây trôi
Tôi nằm xoãi trên đồi nhung cỏ mượt
Cả thinh không còn lại cõi trăng vàng
Lời thơ cổ thì thầm trong tiếng gió
Không còn ai hiểu nghĩa của đêm trăng
Nàng loã thể trải mình ngời ánh nguyệt
Da nõn nà sáng dịu cả nhân gian
Tôi chết lặng trăm lần - tôi sống lại
Yêu điên cuồng, say tuý luý miên man
Tôi nhảy múa khắp cõi trời hồng ngọc
Sắc quỳnh hoa hương nguyệt quế là trăng
Tôi chới với xuất hồn trong ảo mộng
Bay lững lờ như một tiếng chuông vang
Ai nổi gió cho ngàn cây lóng lánh
Tiếng ru trầm tha thiết động tâm tư
Cánh vạc lẻ bên trời như đứng lặng
Ðêm chưa tàn sao tôi đã ngất ngư
Trăng đêm nay chính là tôi lãng đãng
Ðắm mình vào hương rượu ngát hương trăng
Quên tất cả trần gian, quên mộng ảo
Nàng với tôi là một ánh trăng vàng.
Nhưng tiếng thơ ấy mở phơi nhiều viễn tượng mới đưa ta về những chân trời mộng cũ. Một mối chân tình nào đó gởi gấm cho quê hương đầy giông bão đen tối hôm nay, một tấm lòng nào đó như sao băng trở lại vùng đại dương mênh mông của những ngày vuợt bể vì sự tự do tuyệt đối trong đời. Cái ngạo khí, cái hoài bão mở phơi ra từng trang thơ đầy Trăng Rượu và máu lệ và nỗi buồn như pho tượng lạnh lẽo bên bờ đại hải băng dương:
Những đêm ngồi chết như hình tượng
Tưởng đến nơi xưa, thời đã qua
Tưởng chuyện đổi đời là ác mộng
Lòng chùng tâm sự, lệ buồn sa
Ðôi khi người ta cứ nghĩ Bùi Ngọc Tuấn như sống nửa tỉnh nửa say - nửa âm nửa dương, hư hư thực thực như để lãng quên trong rất nhiều nỗi dằn vặt khuôn nguôi - chìm đắm linh hồn sầu mang mang thiên cổ đó mãi:
Rượu tàn còn lại gì không
Gió tung cuối bãi, đầu sông trăng mờ
Ướp hương men, ủ giòng thơ
Cuối đường phiêu lãng, say chờ kiếp sau
Rồi mai bước lại từ đầu
Vẫn tâm hiu quạnh, vẫn sầu nhân sinh
Vòng xoay vẫn xoáy cho nhanh
Thực hư, say tỉnh quay quanh không ngừng
(Lòng nặng cơn say)
Chúng ta ở đây để tưởng nhớ đến những bằng hữu từ nơi xa xăm, nơi ấy cũng có những cơn mưa “vang giọng quê nhà” của người viễn khách, bài “Chiều Mưa Thương Nhớ” là một bài trong những kiệt tác về lục bát của thi sĩ hiện đại … Những bài lục bát đó, có thơ của Cung Trầm Tưởng, của Viên Linh, Trần Dạ Từ, Hoài Khanh, Nguyễn Ðức Sơn, Hoàng Trúc Ly v.v…
Rất nhiều bài thơ nói về đêm, về quán rượu vắng, về nỗi buồn thiếu bạn cùng say … hay là lúc thi nhân đã chạm trán quá nhiều với cuộc đời chỉ thích ngồi uống rượu một mình … Bùi Ngọc Tuấn ơi! Say Trăng, say Rượu hay say đời say tình bằng hữu tất cả chúng ta đều có lúc “Say Giữa Mùa Trăng” tất cả rồi. Mùa trăng bất tử. Mùa Trăng của một thời oanh liệt Xuân Thu … Mùa Trăng vĩnh cữu của thơ của nhạc, của trần gian của cõi bờ thấm đậm những tình nghĩa ở đời. Vì thế mà cứ như Nguyễn Du cứ để gió cây trót lá, để như Trăng ngàn ngậm gương thiên cổ cũng đã là thống thoái biết bao nhiêu rồi! Và bây giờ thì xin cùng bạn nâng chén nhé. Ta cùng Say Giữa Mùa Trăng đấy bạn!
24/07/2003
- Đọc Những Dòng Thơ Mới Của Viên Linh Trần Tuấn Kiệt Nhận định
- Ðêm lạnh ngồi đọc thơ "Say Giữa Mùa Trăng" của Bùi Ngọc Tuấn Trần Tuấn Kiệt Nhận định
- Nhận Định về Thơ Ngô Nguyên Nghiễm Trần Tuấn Kiệt Nhận định
- Ngày Tết Nhớ Về Văn Nghệ Sĩ Thời Trước 75 Trần Tuấn Kiệt Tạp bút
• Ðêm lạnh ngồi đọc thơ "Say Giữa Mùa Trăng" của Bùi Ngọc Tuấn (Trần Tuấn Kiệt)
Tiểu sử (http://newvietart.com/)
• Cung Trầm Tưởng – Tình sâu nghĩa nặng
(Bùi Ngọc Tuấn)
• Trần Tuấn Kiệt, Mây Phiêu Du (Bùi Ngọc Tuấn)
• Cung Trầm Tưởng - tiếng Việt, lời thơ
(Bùi Ngọc Tuấn)
Loạt bài đồ gốm cổ Việt Nam (talawas.org)
Buổi Chiều Ở Fort Chaffee (newvietart.com)
Người Quận Trưởng Phủ Lý (newvietart.com)
Cà Phê Đá (newvietart.com)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |