1. Head_

    Duy Thanh

    (11.8.1931 - 24.11.2019)

    Tuệ Sỹ

    (15.2.1943 - 24.11.2023)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Một Chút Kỷ Niệm Xưa (Văn Quang) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      16-3-2014 | VĂN HỌC

      Một Chút Kỷ Niệm Xưa

        VĂN QUANG
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà thơ Thái Thủy

      "Hồi đó cả nước đều nghe Tao Đàn. Sau này tôi ở Pleiku, tối có chương trình Tao Đàn, nhà nào cũng mở nghe. Sài Gòn cũng vậy. Khi gặp nhà văn hồi chánh như Xuân Vũ, anh cho biết ngoài Bắc cũng nghe lén Tao Đàn..."


      Tôi không nhớ đã quen biết anh Thái Thuỷ từ năm nào, chỉ nhớ vào khoảng năm 1957, khi tôi từ Nha Trang về làm việc tại Ban Báo Chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng. Khi đó anh Thái Thuỷ đang làm chương trình Tao Đàn với các anh Đinh Hùng, Huy Quang, Thanh Nam, Hoàng Thư, chị Hồ Điệp, Phạm Đình Chương, Ngọc Bích, Tô Kiều Ngân, Quách Đàm… Có lẽ, qua một trong số những người bạn này, tôi gặp Thái Thuỷ.


      Hồi đó anh đang sống chung với Thanh Nam và Hoàng Thư. Ba chàng ngự lâm không biết bắn súng này sống trong một ngôi nhà ở đường Phan Văn Trị rồi sau đó chuyển về sau rạp hát Quốc Thanh, gần đường Cống Quỳnh và nơi trú ngụ sau cùng là building Cửu Long, nằm trên đường Hai Bà Trưng, nay vẫn còn. Nhưng hồi đó có một tay chà-và gác cửa hẳn hoi, tuy chẳng bao giờ cần hỏi ai mà chỉ đợi khách đến building hỏi thăm số phòng. Ngày nay thì nó tàn tạ lắm rồi, trông bề ngoài nhơm nhếch, cứ như “dân tứ xứ đi chiếm đất giành dân” vào ngự trị vậy. Đôi lúc đi ngang qua mà bùi ngùi.


      Những ngày tháng đó chúng tôi mới có nhiều kỷ niệm. Leo lên hơn 80 bậc thang mới tới căn phòng số 7C (nếu tôi nhớ không lầm) trên lầu 3, building Cửu Long. Căn phòng toen hoẻn chỉ có một cái giường vừa đủ một người nằm, vậy mà ba ông nghệ sĩ được coi là “lớn” của Sài Gòn thời đó, chung nhau ở trọ. Thời kỳ này cả ba cùng độc thân, một ông nằm giường, hai ông nằm đất. Sau này ông Thái Thuỷ mới “tậu” lại căn phòng 11C của ông Lâm. Ông này làm cho hãng truyền hình Mỹ, nhưng anh em lại cứ thích gọi cái tên “nặng mùi xã hội đen” là Lâm Thợ Điện. Lúc đó ông Thanh Nam mới mua được một cái tủ lạnh, chứa thức ăn thì ít, chứa la de thì nhiều. Nhưng thật ra Thanh Nam được mệnh danh là “ba 33”, tức là chỉ uống ba chai là chân tay quờ quạng rồi.


      Thái Thuỷ thì rất điều độ, rượu nào cũng uống được, làm một ly với bạn bè thôi. Anh cả nể, nên cái gì cũng biết một tí, để chiều bạn chứ không phải chiều mình.

      Có lẽ vì thế mà anh rất nhiều bạn bè, nhất là những người nhiều tuổi hơn anh cũng quý anh, coi anh là bạn. Tôi nhớ hồi đó có anh Khôi, từ Mỹ về giữ chức Tổng Giám Đốc Thông Tin cũng hay lên phòng Thái Thuỷ nằm dài ra trên nền gạch bông đấu láo. Từ những ông, gần gấp đôi tuổi anh, cũng rất thân mật và yêu quý anh.


      Con người nhỏ thó, nhưng nói năng cứ như ông già. Giữa Thái Thuỷ và Đinh Hùng chưa biết ai nhỏ con hơn ai. Anh còn một người bạn thân nữa là ông Ninh, tục gọi là Ninh con, cũng không “to” hơn anh là bao. Theo tôi biết sở dĩ gọi là ông “Ninh con” để phân biệt với ông “Ninh lớn” tức cụ Hà Thượng Nhân bây giờ.


      Hồi đó ông nghệ sĩ nào có máy đánh chữ đã là hay lắm rồi, chúng tôi toàn viết tay. Thái Thuỷ thường phải phụ trách phần biên tập bài vở cho chương trình Tao Đàn này. Nói cho rõ hơn, anh ngồi soạn bài vở, thu thập tài liệu, phân công ai nói phần nào, ai ngâm bài nào như một nhà đạo diễn làm Bảng phân cảnh kỹ thuật kiêm luôn quay phim, tức là chính anh cũng nhận “xướng ngôn” những gì. Hồi đó, chương trình Tao Đàn thu thanh trực tiếp, tức là thu và lên sóng cho khán giả thưởng thức ngay. Nên không thể có sự lầm lẫn nào. Một tiếng động cũng sẽ được phát đi trên sóng.


      Ở bất cứ đài phát thanh nào, người làm tin trực tiếp phải là những chuyên viên nhiều kinh nghiệm. Ban Tao Đàn cũng gồm những vị như thế.

      Vậy mà có lần Thái Thuỷ nói với tôi một chuyện khá vui: Mấy ông Ngọc Bích, Phạm Đình Chương… vẫn chơi xúc xắc sau “tấm màn nhung” của phòng thu thanh trong khi chờ đợi tới lượt mình. Cái cảnh chơi lén lút ấy có vẻ như thú vị và trẻ trung lắm. Dù nếu ban kiểm soát bắt gặp thì cũng hơi phiền. Nhưng với những “đàn anh” như Tao Đàn thì rồi cũng huề cả làng thôi.


      Hồi đó cả nước đều nghe Tao Đàn. Sau này có thời gian tôi ở trên Pleiku một năm, hầu như nhà bất cứ người dân kha khá nào hoặc phòng một sĩ quan độc thân nào cũng có một cái “radio” và những buổi tối có chương trình Tao Đàn, nhà nào cũng mở nghe. Ở Sài Gòn cũng vậy.


      Khi gặp những người hồi chánh như anh Xuân Vũ, một nhà văn tập kết ra Bắc, rồi hồi chánh vào khoảng đầu những năm 1970, tác giả “Đường đi không đến”, tôi có dịp trò chuyện thân mật để tìm hiểu xem những chương trình phát thanh nào ở miền Bắc thích theo dõi. Lúc đó tôi được biết, người dân và một số nghệ sĩ ở ngoài miền Bắc cũng “nghe lén” Tao Đàn và một vài chương trình khác, nhưng tất nhiên là phải rất cẩn thận.

      Như thế đủ chứng tỏ ảnh hưởng của Tao Đàn rất lớn đối với thính giả.



            Nhạc sĩ Ngọc Bích

      Theo tôi biết, cố thi sĩ Đinh Hùng là người phụ trách chính chương trình này, nhưng Thái Thuỷ, Thanh Nam, Huy Quang là linh hồn của Tao Đàn, tất nhiên phải kể đến cả những nghệ sĩ khác nữa đã góp công sức làm nên chương trình văn học nghệ thuật rất có giá trị này, dấu ấn không thể phai về phát thanh của Miền Nam VN trước những năm 1975.


      Thời kỳ Thái Thuỷ còn độc thân, anh em cứ cho cái hỗn danh là “chú nhóc” vì cái tạng người nhỏ bé của anh. Nhưng “chú nhóc” lại rất hào hoa, rộng rãi. Hồi đó nhà hàng La PagodeCatinat là nơi một số lớn anh em nghệ sĩ thường gặp nhau vào buổi chiều, hàng ghế salon còn kê dài dài ở ngoài hè phố, mỗi lần Thái Thuỷ đi chơi về ngang là ghé vào vơ lấy bông tính tiền trả hết.

      Sau này khi Thái Thuỷ có vợ thì cái hỗn danh ấy không còn nữa. Cái bộ ba ngự lâm pháo thủ không biết bắn súng cũng rụng dần theo thời gian. Hoàng Thư đi trước với một người đẹp, con ông chủ nhà hàng cơm Tây nổi tiếng ở Đa Kao, sau đó đến Thái Thuỷ về Phú Nhuận và Thanh Nam là người trụ lại cho đến khi chị Tuý Hồng từ Huế vô Nam mới “đưa chàng về dinh”.


      Trong thời gian ở cái được gọi là "trại cải tạo", Thái Thuỷ “may mắn” bị tóm sau chúng tôi ít ngày và “được” đưa lên trại Gia Trung, một trại nổi tiếng về sự hà khắc, hỗn hào. Để chứng minh cho một trong những sự hỗn hào, anh Thái Thuỷ kể lại chuyện một anh tù cải tạo hơn 60 tuổi để bộ râu. Khi đi qua cổng trại, bị một anh coi tù chặn lại hoạnh hoẹ: “Mày bao nhiêu tuổi mà để râu?” - “Tôi ngoài sáu mươi”. Anh coi tù, -chừng 19- 20 tưổi- trừng mắt phán: “Ôn con mà đòi để râu! Về cạo ngay đi.”


      Vài năm sau, khi chúng tôi từ Bắc “được” đưa về trại Hàm Tân, Thái Thuỷ cùng một số bạn tù khác cũng được đưa về đây. Nhìn Thái Thuỷ xách hành lý tả tơi đi vào trại, tôi không thể nhận ra anh được nữa. Cái kính cận thị mất gọng, nứt mắt, buộc bằng hai sợi dây lòi tói, trên một khuôn mặt hốc hác. Bộ quần áo tù, vá chằng vá đụp, anh đi ngơ ngác với một vẻ chán chường. Tôi biết các anh ở trại Gia Trung về hầu hết là “đói dài”. Sau khi đã ổn định chỗ ở trong tù, tôi kéo anh ra một góc tâm sự và bàn với một người bạn tôi vẫn “sinh hoạt” chung trong tù, chia cho Thái Thuỷ một ít đồ dùng. Nhưng Thái Thuỷ và tôi đi đến giữa sân, gặp ngay tên cai tù, suýt nữa thì cả hai cùng vào nhà đá “nằm nghỉ mát treo một chân lên”, chơi với muỗi. Nhưng cũng may, sau một hồi giải thích, nó lại tha. Từ đó chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên.


      Cho đến khi Thái Thuỷ được tha trước tôi hai năm, anh rủ một người bạn phóng xe gắn máy từ Sài Gòn lên thăm và tiếp tế thêm cho tôi vài gói thuốc, mấy phong bánh. Anh trở thành người “đi thăm nuôi” như các bà vợ đáng thương của những người ở trại cải tạo.


      Khi tôi về Sài Gòn, bắt đầu “sự nghiệp” đánh vi tính thuê kiếm sống; tôi đã định rủ rê Thái Thuỷ đi vào con đường này, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Nhưng rồi anh quyết định đi định cư ở Mỹ. Trước khi đi, anh chăm chỉ lên nhà tôi học vi tính. Thật ra cũng chưa biết học để làm gì. Bây giờ mới biết là nó hữu dụng như thế nào. Ít ra thì hàng ngày cũng gõ được email cho bạn bè, làm được vài cái hình ảnh gửi cho con cháu, nghe được vài bản nhạc “chùa”. Mỗi lần nhận được thư điện tử của anh, tôi thích thú và thầm nghĩ “ông có ở đâu thì tôi với ông cũng còn nhiều nợ nần lắm”. Nhưng kỷ niệm giữa tôi và Thái Thuỷ nói cả năm cũng chưa hết.


      Được tin báo Khởi Hành tổ chức một buổi họp mặt với những người Bạn Tao Đàn, tôi ghi vội vài hàng này, gọi là một chút quà tặng bạn.


      Tôi ở một vùng quê mùa tại Việt Nam, hình dung ra buổi họp mặt rất nhiều ý nghĩa sâu sắc và trên hết là những cảm xúc tràn đầy của những người nhớ về những kỷ niệm xưa, đánh thức tình yêu, tình người và cả một thời gian không gian cứ như đang sống lại. Có lẽ chúng ta chẳng có nhiều thời gian được sống lại như thế.


      Xin kính chúc các vị khách và bạn bè trong buổi “hội ngộ tương phùng” HẠNH PHÚC và gia quyến KHOẺ MẠNH.


      Lộc Ninh, tháng 7 năm 2006

      Văn Quang

      Khởi Hành số 118, Tháng 8.2006

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022