Tranh Hoa Cúc, Nhất Linh vẽ năm 1948
Mấy bông cúc này tôi vẽ cách đây đúng 12 năm (1948) và lại đúng vào năm Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long mất. Chậu cúc này do chính tay Hoàng Đạo mua về để bày tết, trang hoàng một gian nhà tiều tụy ở một làng hẻo lánh Quảng Đông, nơi mà hai anh em, sau việc Bảo Đại ký kết hiệp ước Bolaert, rút lui về để nghiên cứu một lý thuyết quốc gia khà dĩ tập trung được hết thảy các khuynh hướng rời rạc trong hàng ngũ chống cộng. Năm ấy công việc nghiên cứu đương tiếp tục thì cái chết đột ngột của Hoàng Đạo làm gián đoạn.
Ngoài việc bày cúc mừng tết, chúng tôi có dán câu đối, Hoàng Đạo thì nghĩ câu đối, tôi thì viết chữ. Đôi câu đối dán ngay chỗ Hoàng Đạo ngồi viết đến nay tôi còn nhớ:
Tĩnh chỉ thanh u xứ
Nhàn quan thiên hạ xuân
(ngồi yên ở một nơi thanh u
nhàn nhã ngắm xuân thiên hạ).
Câu ấy diễn đúng cái cảnh của hai anh em chúng tôi vì ở một nơi hẻo lánh và cũng tả đúng cái cảnh ngắm xuân thiên hạ (xuân ở hải ngoại). Nhưng cũng là báo trước cái chết của Hoàng Đạo.
Ngồi yên ở nơi thanh u tức là nằm trong mộ lạnh, mà xuân từ nay chỉ là xuân của thiên hạ thôi, riêng mình không bao giờ có mùa xuân nữa.
Cũng năm ấy làm thơ khai bút Hoàng Đạo lại có viết một câu:
Nhất chiêu, thừa Bạch hạc
(một sớm cưỡi con hạc trắng)
Bạch Hạc là tên làng chúng tôi ở.
Quả nhiên, một sớm Hoàng Đạo ra đi không trở về nữa, đúng như câu thơ Đường:
Hạc vàng đi không trở lại.
Bìa báo Văn Hóa Ngày Nay
do Nhất Linh chủ trương
Ở cái buồng nhỏ của tôi dán đôi câu đối:
Nhàn muôn hướng sơn lộ
Thu nguyệt mãn thư phòng
(Cửa nhà mở nhìn ra con đường núi
Trăng thu chiếu vào đằng phòng khách)
Câu ấy cũng vận vào cái cảnh 9, 10 năm sau tôi về rồi ở vùng rừng núi Đa Mê. Tết này vừa đúng mười năm; trông hoa lại nhớ tới người và bông hoa như còn giữ lại cái vui của mùa xuân tha hương cũ và nỗi buốn thương nhớ người xưa. Nhưng tôi tự an ủi hai mươi nhăm năm nữa (tôi tin thế) sẽ lại gặp Hoàng Đạo ở một thế giới khác!
Mắt mờ lệ nhớ người xưa
Mười năm thương nhớ bây giờ chưa nguôi.
Trông hoa lại nhớ đến người,
Hoa xưa xuân cũ biết đời nào quên,
Cảnh tiên còn gặp người tiên,
Đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng.
Nhất Linh, 7-1-59