1. Head_

    Dương Kiền

    (28.12.1939 - 17.11.2015)

    Khái Hưng

    (.0.1896 - 17.11.1947)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhà Thơ Tô Đình Sự (T. V. Phê) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      20-08-2012 | VĂN HỌC

      Nhà thơ Tô Đình Sự (1944 - 1970)

        T.V.PHÊ
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà thơ Tô Đình Sự
      (1944 - 1970)

      Chiếc xe Jeep chở bốn người chao đi rồi băng thẳng qua bên kia xa lộ Biên Hòa khi người tài xế nhấn hết ga chạy trên mặt đường sũng nước. Tô Đình Sự bị thương nặng nhất, theo lời kể của Yên Bằng: "Tôi tỉnh dậy trên băng ca của Quân Y Viện Cộng Hòa cùng với mùi thuốc xông nồng đến độ buốn nôn. Quay sang bên cạnh, tôi còn lờ mờ nhìn thấy Sự nằm thở đều, phía trái trên đầu anh bị lủng một lỗ khá lớn và máu tươi vẫn còn rịn chảy. Sáng hôm sau Sự và Chương được đưa vào nằm ở trại Tổng Quát 7 còn tôi được xuất viện vì thương thế không mấy quan trọng ... Lâm Chương trốn ra khỏi bệnh viện tìm đến báo tin Sự chết lúc 7 giờ sáng ngày 13 tháng 10 ..." (1)


      Trong dịp Tô Đình Sự từ Phan Rang vào Sài Gòn đi công tác (6-10-1970), anh đi thăm bạn bè (Phạm Nhã Dự, Phan Việt Thủy, Lâm Chương, Trần Phù Thế ...) và ở lại nhà Yên Bằng tại Tân Cảng. Thời gian này Sự viết một truyện ngắn cuối cùng trong đời anh với nhan đề: "Hoài Hoài Cách Ngăn". Sáng 9 tháng 10, Tô Đình Sự đem truyện đưa cho Khánh Giang (báo Thời Nay) để lấy nhuận bút xài trước vì đời lính túng thiếu là chuyện thường! Buổi chiều cùng ngày, Lâm Chương và người tài xế tên Tiên lái xe Jeep đến kéo Tô Đình Sự và Yên Bằng đi uống rượu. 23:50 đêm 9-10, lúc ra về, tai nạn đã xảy ra.


      Ám ảnh về cái chết bất ngờ đó thường xuất hiện trong thơ của anh:

      ...

      Em đâu hiểu đời anh không có bến

      những chia lìa không định sẵn một khi

      em sẽ khóc và cuối cùng chỉ vậy

      trong trở về gọi là vĩnh quyết ...

      (Một bài thơ tháng sáu 70)


      ...

      Khi ra đi không kịp chào nhau

      khi ra đi không kịp chúc nhau

      khi ra đi còn nhiều vướng bận

      xin gởi tới mùa xuân sắp đến

      gửi lại anh em bè bạn âm thầm xót xa

      gửi lại những người yêu sắp chia lìa

      như đã biết ...

      (Gửi tới mùa xuân)


      Cái chết bàng bạc mơ hồ trong một đoạn nhật ký viết dở dang: "Tôi đi băng ngang qua đời, băng qua hạnh phúc đang dong chờ. Băng qua ngày tháng sầu mơ. Rồi bên bờ xa lạ, rồi đồi núi chập chùng, rồi tình người theo nhau rụng xuống dưới nổi trôi của cô đơn bốn bề vây hãm. Cô đơn phỉnh phờ tôi mệt nhọc đi xa đời người ... Đi về một ngơi nghỉ, một ngơi nghỉ thật dịu dàng nôn nóng từ lúc nào cũng đã tới cái chốn định sẵn, cái chốn gọi là ngày về. Không là ngày về của một đứa con hoang. Không là ngày về của một lãng tử. Không là ngày về của một người đã bỏ đi rồi trở lại. Không phải ngày về là quay lui con đường đã qua. Ngày về là chốn trước mặt. Những viễn mơ tương phùng định đặt sẵn một phía trời nhạt thếch". (1)


      Nhưng rõ nhất là hai câu thơ đề từ cho truyện ngắn cuối cùng "Hoài hoài cách ngăn" cũng tiên tri cho cái chết của anh:

      ...

      Buổi ra đi không hẹn ngày về

      Mai với mốt biết bao giờ gặp gỡ?


      Anh ra đi còn để lại một bài thơ gởi cho báo Khởi Hành chưa kịp đăng, chín ngày sau "Một bài thơ tháng sáu 70" mới đăng trên Khởi Hành số 76, 22.10.1970 như để tưởng niệm cái chết của anh. Anh ra đi còn để lại bài viết cho tạp chí Khai Phá, tạp chí ra từng số chủ đề, được độc giả nhiệt tình đón nhận và cổ vũ: "Chủ đề Khai Phá 2: 'Con đường văn học nghệ thuật Việt Nam trong mười năm qua,' do Tô Đình Sự và Phạm Nhã Dự chủ trì, hoàn thành trước vài tháng Tô Đình Sự bị tai nạn giao thông trên xa lộ Biên Hòa (Sài Gòn) ... Tất nhiên bài họp mặt bàn tròn với mười khuôn mặt anh em văn nghệ vẫn được trao tận tay Khai Phá. Để tưởng niệm Tô Đình Sự, Khai Phá số 2 lấy chủ đề trên do Tô Đình Sự đặt tựa, để trình bày những chính kiến của các văn nghệ sĩ trẻ trong tình huống hiện tại..." (2). Khai Phá 2 cũng đã được ấn hành tại nhà in của nhà văn Nhật Tiến (cơ sở Ấn loát - xuất bản Huyền Trân, 137 Thiệu Trị, Phú Nhuận, cổng xe lửa số 6, Gia Định.


      Bạn bè của anh: Trần Phù Thế, Lưu Vân, Phù Sa Lộc, nhóm Về Nguồn Tây Đô... cũng tổ chức đêm thơ tưởng niệm anh tại quán Tìm Quên, Cần Thơ ngày 6.12.1970.


      Tô Đình Sự thuộc thế hệ các nhà văn miền Nam viết văn, làm thơ trên "ba lô" vì đất nước chiến tranh, học xong Trung học là nhập ngũ. "Trong thời chiến, xấp giấy trắng nhét vào túi áo trận, có khi máu nhuộm thấm, có khi một bài thơ viết dang dở được tìm trên thi thể, có khi một bài văn, bài thơ gởi về tòa soạn lại là di cảo..." (3). Đó là thế hệ cuối cùng các nhà văn nhà thơ miền Nam, họ còn rất trẻ trước 1975, nên phần đông chưa kịp có tác phẩm in thành sách: "Đối với việc bảo vệ đất nước, họ là thành phần chính mang súng ra tuyến đầu trực diện với địch. Đối với văn chương, họ đã góp phần rất lớn trong việc bồi dựng nền văn học chiến tranh ..." (3)


      Nhớ lại thời đó, thường ở mỗi tỉnh, nhiều anh em tâp hợp người cùng chí hướng đứng ra thành lập và xuất bản các tạp chí. Chúng ta có thể kể:

      - Huế có tờ VIỆT do Nguyễn Văn Ban, Tần Hoài Dạ Vũ, Kiều Trung Phương, ... chủ trương.

      - Quảng Nam, Quảng Ngãi có tờ TRƯỚC MẶT do Luân Hoán, Thành Tôn, Phan Nhự Thức, ...

      - Qui Nhơn có tờ NHÌN MẶT do Trần Hoài Thư, Đặng Hòa, ...; tờ VỠ ĐẤT.

      - Tuy Hòa có SÓNG do Hoàng Đình Huy Quan, Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Cao Hoàng, ... chủ trương.

      - Nha Trang có tờ DỰNG ĐẤT do Lê Minh chủ trương. Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh có viết bài ...

      - Phan Thiết có QUÊ HƯƠNG do Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, .... chủ trương, v.v....

      - Miền Nam có: Mây Chiều (Gia Định), Mạch Thở (Biên Hòa), Biểu Tượng (Vĩnh Long), Trình Diện, Tuổi Đất (Châu Đốc), Biên Giới, Động Đất (Tây Ninh), ... (2)


      Hồi tưởng những địa điểm cũ với nhiều kỷ niệm ghi sâu trong ký ức người Phan Rang như: Trường Duy Tân, Bồ Đề; rạp hát Thanh Bình, Việt Tiến; nhà sách Quảng Thuận, Tao Đàn; nhà in Nghệ Thương, chụp hình Tân Mỹ, kem Tuyết Sơn, may Hòa Vang, tiệm Hiệp Thạnh, Từ Sơn v.v... trong đó có quán cà phê Diễm của anh Vô Thường, mà Tô Đình Sự cùng các anh em ưa thích văn nghệ như Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ, Võ Tấn Khanh (Tôn Nữ Hoài My), Nguyễn Mậu Hưng (Nguyên Thạnh), Nguyễn Phan Thịnh, Chu Trầm Nguyên Minh, .... thường lui tới để bàn chuyện văn chương:

      "Không ngờ căn phòng tôi thuê lại gần nơi Võ Tấn Khanh dạy học - trường tiểu học Đô Vinh, Tháp Chàm - Cũng nhờ có Võ Tấn Khanh mà tôi lại có phương tiện để về Phan Rang và đến với anh em trong nhóm Ý Thức. Đêm nào, tôi với Khanh, với Nguyên Minh, Lê Ký Thương, Trần Hữu Ngũ, có cả Tô Đình Sự (từ quân trường Đồng Đế biệt phái về Ty Thuế Vụ Ninh Thuận). Tối thường hay gặp nhau ngồi uống cà phê nơi quán Diễm, mà chủ nhân của ngôi quán này là người bạn thân của Nguyên Minh. Người nghệ sĩ chơi đàn Guita bằng tay trái: Vô Thường" (4).

      Những thảo luận đầu tiên trong việc hình thành tờ THẾ ĐỨNG ở Phan Rang do Tô Đình Sự, Phạm Nhã Dự chủ trương, tờ Ý THỨC do Nguyên Minh, Thùy Linh (Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ) chủ trương, chắc cũng diễn ra nơi quán Diễm này. Địa chỉ Rô-nê-ô Nguyễn, 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang là trụ sở của tờ báo Ý Thức. Một địa điểm nữa, Tô Đình Sự thường hay về gặp anh em văn nghệ cùng viết chung trên tờ Dựng Đất như Nguyễn Huy Hoàng, Thanh Hồ, Thế Vũ, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Văn Nhàn, Trần Hoài Thư, ... là nhà sách Huy Hoàng trên đường Độc Lập, Nha Trang.


      Tô Đình Sự sống hối hả như tiên cảm cuộc đời rất ngắn ngủi của mình! Tuy làm ở xa nhưng cuối tuần là anh lái xe honda, rất bạt mạng, về thăm vợ con:

      ...

      Những lần vượt trăm cây số đường trơn ổ gà

      trong mưa lầm lũi

      về thăm em thật vội vã

      (Trận Bão Cuối Mùa)


      Anh lúc nào cũng vui cười, sống hết mình và hào phóng với bạn bè trong tiệc rượu. Nhưng anh diễn tả đời sống trong thơ khác hẳn! Đó là đời sống của con người trong thời chiến tranh khốc liệt, đẩm máu. không biết sống nay chết mai:

      ...

      Dựng đời trên một hỏa thiêu

      li ti tiếng nổ như kêu gào người

      tro khô gió bốc liên hồi

      bay bay cõi thực hư rồi cõi âm.

      (Dựng Bóng Ngày)


      Đó là đời sống buồn bả, cô đơn, chán chường, mòn mỏi, không thấy tương lai. Hầu như đây cũng là tâm trạng chung của tuổi trẻ miền Nam trong chiến tranh:


      ...

      Thanh niên, bóng đứng trưa sầu

      hôm nay ngựa mỏi vó đau nhìn ngày

      cỏ khô gặm mãi chẳng nhai

      mắt che đâu thấy dọc hai bên đời

      lúc nào tả hữu cũng vui

      vui trong máu đọng vui ngoài cô đơn.

      (Việt Nam một chín sáu chín)


      Đó là đời sống nhiều cay đắng, giả dối, thậm chí đón xuân cũng chỉ là miễn cưỡng. Chưa có nhà thơ Việt Nam nào diễn tả cái Tết mỉa mai, hậm hực như anh:

      Đốt cây pháo bông thời thế lầm lì mừng tuổi nhau

      ...

      Lũ trẻ nhỏ reo hò trong nhịp khổ nhọc rất mực

      Trói thúc ké mùa xuân và nài nỉ

      Hạnh phúc rêu rao một người thất chí

      Thắt cổ nhân tình bằng sợi dây đáo

      Tình ái cắm đầu chạy trong khi không có gì đuổi theo

      Mùa đông cười ngất ngất.


      Tôi leo từng nấc thang dài

      Giữa bao la đời bao quát

      Tôi dạy tôi làm xiếc kiếm cơm

      Tôi dạy tôi khóc cười cho đúng lúc

      (Còn Những Gì Đã Mất)

      Tình yêu trong thơ Tô Đình Sự cũng rất ảm đạm, vô vị:

      ...

      Hạnh phúc nào còn chưa tới

      ôi đời anh những ngày luôn trống trải

      dù có em dù có ai bên cạnh

      (Trận Bão Cuối Mùa)


      Nhớ đến cuộc tình dĩ vãng chỉ thấy xót xa, kỷ niệm còn đọng lại tưởng như của hai vai diễn nhạt nhẽo trên sân khấu đời:

      ...

      Thật thà để nói với nhau

      về một chút tình đã xa

      cùng nhan sắc em

      ôi những sầu muộn kia

      ngóng đợi gì trên con mắt đa tình một thuở

      nhìn đắm đuối bóng đời trôi nổi

      vui gì đâu mà chúc tụng

      em sân khấu anh một lần trình diễn

      vai một tên tráng sĩ không gươm

      không rượu tiễn không ai chúc tụng qua sông

      (Trông Theo Vô Cùng Buồn)

      Gió mưa trên rừng dương động cát nơi quê nhà là một hình ảnh rất đẹp, thường khiến nhà thơ nhớ nhiều đến kỷ niệm về mối tình dĩ vãng và anh diễn tả trong thơ đầy gợi cảm u hoài:

      ...

      Bão đã tới từ trưa nay

      mưa thật hắt hiu bay bay thoảng gió

      vi vu chiều trong làn chăn ấm

      nhớ những ngày mưa dầm trên động cát

      nhiều dương

      hôn em nhiều lần

      cùng cơn lạnh phủ kín mơ ước

      (Trận Bão Cuối Mùa)


      Cảnh mưa bay trên bãi cát rừng dương tuyệt đẹp đó khiến nhà thơ không thể cưỡng được lời tỏ tình khi đưa tay vuốt nuớc ước nhòa trên mái tóc người yêu:

      ...

      Động cát kia ta thẫn thờ

      ủ dột nàng những hàng dương thẳng dáng

      mưa thơ ngây trên tóc xóa nhòa

      đưa tay vuốt nói yêu em chừng đỗi

      (Trận Bão Cuối Mùa)


      Nhiều hình ảnh đẹp về tình yêu trong thơ anh, ngắn gọn và súc tích, chẳng hạn:

      ...

      Cọng cỏ úa một lần em vội ngắt

      cắn trong răng cho những ngày sắp đến

      nói đùa nhau tình sẽ úa tàn

      em lần lựa mở to đôi mắt lệ

      trời tháng sáu mưa bụi bay bay.

      (Một Bài Thơ Tháng Sáu 70)

      ...

      Giấc mộng dài mông mênh hồn khói

      âm thầm cánh tay đau gối đầu

      có em ngủ vùi

      mắt nai hiện mơ ước xa xăm

      (Trận Bão Cuối Mùa)


      Anh dùng nhiều từ tượng hình để diễn tả tình cảm, đôi khi rất lạ và đầy bất ngờ: thân sóng nhảy, hồn xanh dấu cỏ, đường ngõ rưng rưng, hồn khói, mộng dạt ngang (Trận Bão Cuối Mùa); an ủi thinh không, dòng tóc đổ, mơ ước heo may (Dấu Mưa Qua); buồn rợn cánh chim, bọt trắng chân tình (Một Bài Thơ Tháng Sáu 70) ... Những ý tưởng tuy rất cũ như "dòng đời như nước chảy" chẳng hạn, qua thơ anh đọc lên vẫn thấy xúc động, mênh mang buồn cho đôi lứa yêu nhau, buộc chặt cuộc đời vào nhau lại không biết tương lai đi về đâu, nhưng vẫn phãi ẩn nhẫn sống cho qua kiếp người vô định:

      ...

      Cuối cùng một đời là đâu

      ai nào biết

      như hôm qua một lần

      anh nhìn con nước chảy

      dưới dốc cầu

      thầm nhủ nhiều liên lụy

      và nhớ em nhiều nỗi

      (Trông Theo Vô Cùng Buồn)


      Thơ anh tuôn trào đầy sinh khí, theo lời Yên Bằng, bạn anh kể lại: "Sự làm thơ cũng như viết văn quá dễ dàng, viết không cần thảo trước và nhanh không thể tưởng tượng được" (1).


      Nhà thơ Viên Linh cũng nhận xét: "Thơ Tô Đình Sự ào ạt như một trận mưa mùa hạ, đổ ầm và tắt ngưng bất ngờ, và lại mưa nữa, trong khi trời có thể đang nắng bên kia đường. Sự phần lớn làm thơ tự do. Nhịp sống anh xô bồ, nhảy quãng, tâm tư ấy không nhốt được trong thơ lục bát, hay thơ vần nhịp nhàng. Anh là điển hình của một dòng thơ đang phát triển thì đột ngột chấm hết." (5)


      Anh hoạt động văn nghệ rất tích cực, nhưng cuộc sống lại quá ngắn ngủi nên chỉ xuất bản được tác phẩm: Tầm Tay Tuổi Ngọc, 1965 (chung với Ngọc Thùy Khanh, Phạm Nguyễn Gyiểm, Lê Thị Bích Ngọc), Vùng Trú Ngụ (1967); còn lại là thơ đã đăng rất sớm từ năm 1962 trên Bách Khoa, Thời Nay, Sống, Văn Học, Khởi Hành, Khai Phá, Hướng Đi ... Anh còn chủ trương và biên tập cho các tạp chí Thế Đứng, Bộ Binh Thủ Đức, Quyết Tiến. Bây giờ sưu tập lại thơ anh và các tác giả cùng thế hệ anh thât rất khó khăn, vì biến cố Tháng Tư năm 1975, các sách báo, tạp chí, tác phẩm văn chương rất giá trị của miền Nam bị kỳ thị dưới con mắt đố kỵ thiển cận đầy ác ý của kẻ chiến thắng. Họ qui kết hàm hồ rằng tất cả văn hóa phẩm miền Nam là đồi trụy, phản động và ra sức tich thu, tận diêt!


      Nhà phê bình Đặng Tiến đã viết rất ngắn gọn nhưng đầy đủ, chính xác trong bài giới thiệu Thơ Vũ Hữu Định toàn tập, Thư Ấn Quán xuất bản năm 2005 như sau: "Văn thơ Miền Nam 1954-1975 được gọi là nền văn học bất hạnh vì nó đã bị xuyên tạc, tuyên án, thiêu hủy và bôi xóa; các tác giả đã bị tù đày, đọa đày và lưu đày" (3). Nhưng vẫn còn hy vọng có thể tìm lại được trong các thư viện ở Mỹ! Thư viện trường Cornell ở Ithaca, Nữu Ước đã lưu trữ được nhiều ấn phẩm của miền Nam chúng ta, từ những bài diễn văn của tổng thống đến báo chí, giai phẩm các trường học; thậm chí giai phẩm Ngưỡng Vọng của trường Bồ Đề Phan Rang cũng có! Cụ thể là các nhà văn, nhà thơ thế hệ của Tô Đình Sự như Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch ... đã ra sức truy tìm từ nhiều nguồn - nhất là trong các thư viện Mỹ - các tác phẩm cũ của miền Nam, tập trung lại và xuất bản thành sách để phổ biến rộng rãi. Hiện nay các anh ấy đã xuất bản: Thơ miền Nam trong thời chiến, tập I, II, Thư Ấn Quán, 2007; Thơ tự do miền Nam, Thơ tình miền Nam, Một thời lục bát miền Nam, Thư Ấn Quán, 2008.


      Nhóm ấy còn chủ trương tạp chí "Thư Quán Bản Thảo" với mục đích "giữ gìn và phổ biến những sáng tác của bạn bè thân hữu bất hạnh và bị lãng quên hiện sống trong nước cùng những người làm văn học nghệ thuật của miền Nam trước 75" như lời Tòa soạn từ tập 1 tháng 10/2001 (*).


      Tô Đình Sự sinh ngày 1.5.1944, tại làng Kinh Dinh, Tỉnh Ninh Thuận. Anh nhập ngũ khóa 27 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại trường HSQ/Đồng Đế, Nha Trang. Năm 1969, biệt phái về Ty Thuế Vụ Cam Ranh (Ba Ngòi). Anh mất đi để lại vợ và ba con lúc ấy còn nhỏ dại ở căn nhà tôn nghèo nàn, trong con hẻm đường Lê Lợi, bên cạnh đình làng. Mộ anh tại chân núi Cà Đú (6), Phan Rang. Vài dòng sơ lược nhắc đến anh để thương tiếc cho một tài thơ đầy triển vọng, sớm lìa cõi nhân gian, cái cõi mà trong thơ anh gọi là "hỏa thiêu" hoặc "bóng đời trôi nỗi".


      T. V. Phê

      (tháng 9/2009)

      Tài Liệu Tham Khảo:

      1. Mấy ngày sau cùng của Tô Đình Sự (1943-1970), Yên Bằng, Khởi Hành 96 tháng 10/2004.

      2. Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam, Ngô Nguyên Nghiễm, Khởi Hành 151, tháng 5/2009.

      3. Về Cali, Trần Hoài Thư, Thư Quán Bản Thảo tập 32, tháng 7/2008).

      4. Viết về những người bạn (Ý Thức), Phạm Văn Nhàn, Thư Quán Bản Thảo tập 33, tháng 10/2008.

      5. Thơ Tô Đình Sự, Viên Linh ghi chú, Khởi Hành 96, tháng 10/2004.

      - Các tạp chí văn nghệ miền Trung thời chiến tranh: Tuy Hòa và Sóng, Nguyễn Lệ Uyên, Khởi Hành 145, tháng 11/2008.

      - Các tạp chí văn nghệ thời chiến: Tạp chí Ý Thức, Phạm Văn Nhàn, Khởi Hành 146, tháng 12/2008.

      6. "Buổi chiều ở nghĩa trang Cà Đú" (thơ Phạm Nhã Dự đọc trong đêm tưởng niệm Tô Đình Sự tại quán Phấn Thông Vàng đường Nguyễn Thông do Phạm Nhã Dự và Khánh Giang tổ chức):


      Trở lại Phan Rang lần này nữa

      Thăm mày, không biết ngắn hay lâu

      Thăm mày đù má mày đã chết

      Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mầu


      Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ

      Gió nổi trong tao đến lạnh mình

      Đù má, nhang mày sao chẳng cháy

      Đốt mãi que diêm đến cạn cùng


      Bên kia dãy núi trơ thân chó

      Còn dưới chân tao lại sụt sùi

      Mẹ kiếp vợ mày đang khóc mướt

      Con mày, trời hỡi nó cười vui


      Còn tao, tao chẳng cười hay khóc

      Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người

      Đù má, tao chửi thề đây Sự

      Chửi hết trăm năm chửi hết đời


      Bây giờ mày đã nằm yên phận

      Còn vợ, bào thai, hai đứa con

      Đù má, một đời làm thi sĩ

      Chẳng đủ cho con lấy một đồng.

      (Phạm Nhã Dự)


      (*) Tạp chí Thư Quán Bản Thảo chỉ tặng theo yêu cầu của độc giả, không bán. Địa chỉ liên lạc: Thư Quán Bản Thảo, P.O. Box 58, S. Bound Brook, NJ 08880; hoặc email đến tranhoaithu@yahoo.com để hỏi thêm chi tiết.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định

      - Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận

      - Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận

      - Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định

      - Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút

      - Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận

      - Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận

      - Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận

      - Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút

      - Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút

    3. Bài viết về những nhà thơ chết trẻ (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

      NHỮNG NHÀ THƠ CHẾT TRẺ

       

      1. Bài viết về Quách Thoại

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Quách Thoại, Nhà Thơ Thời Dựng Nước Cộng Hòa (Viên Linh)

      Nhà Thơ Quách Thoại (Lý Hoàng Phong)

      - Tưởng nhớ Thi sĩ Quách Thoại tại Tiểu Sài Gòn   (dutule.com)

      - Quách Thoại, nhà thơ đấu tranh đầu tiên của Việt Nam (1930-1957)    (Mặc Lâm, RFA)

      - Tiểu sử thi sĩ Quách Thoại   (tiengquehuong)

      - Huyền thoại về một nhà thơ Huế   (Võ Công Liêm)

      - Ra mắt tập thơ ‘Giữa Lòng Cuộc Đời’ của Quách Thoại   (Thanh Phong)

      - Quách Thoại - Giữa lòng cuộc đời   (Nhiều tác giả)

      - Thanh Tâm Tuyền về Quách Thoại   (Nhị Linh)

      - Văn học miền Nam: Thi sĩ Quách Thoại   (Nhị Linh)

       

      Tác phẩm của Quách Thoại

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang Thơ Quách Thoại (Quách Thoại)

      Thơ trên mạng:

         - thivien.net    - thica.net



      2. Bài viết về Nguyễn Nho Sa Mạc

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Nho Châu)

      Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh (Phạm Ngọc Lư)

      Vàng Lạnh Câu Thơ (Nguyễn Lệ Uyên)

      Một Thoáng Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Vy Khanh)

      - Nguyễn Nho Sa Mạc: nguời thi sĩ tiên tri (Trần Hoài Thư)

      - Gặp Nguyễn Nho Sa Mạc từ Nguyễn Thị Liên Phượng (Luân Hoán)

      - Một nhà có 9 người làm thơ ở làng La Qua, Quảng Nam (Lý Đợi)

      - Nguyễn Nho Sa Mạc Một ngôi sao xẹt qua bầu trời thi ca (Đỗ Trường)

      - Nguyễn Nho Sa Mạc: Một tấm chiếu cho khổ nạn VN… (Blog Trần Hoài Thư)

      - Thơ học trò, Nguyễn Nho Sa Mạc (Đặng Tiến)

       

      Tác phẩm của Nguyễn Nho Sa Mạc

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang Thơ (Nguyễn Nho Sa Mạc)

      Thơ trên mạng:

         - thivien.net    - thica.net



      3. Bài viết về Tô Đình Sự

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Tô Đình Sự, Người Ngoài Chân Mây Thênh Thang (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Tô Đình Sự, Một Người Bạn (Phạm Nhã Dự)

      Nhà thơ Tô Đình Sự (T. V. Phê)

      Mấy Ngày Sau Cùng Của Tô Đình Sự (Yên Bằng)

      - Tô Đình Sự (Linh Phương blog)

       

      Tác phẩm của Tô Đình Sự

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang Thơ Tô Đình Sự (Tô Đình Sự)



      4. Bài viết về Nguyễn Nho Nhượn

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Một Người Thơ Quảng Nam: Nguyễn Nho Nhượn (Diên Nghị)

      - Nguyễn Nho Nhượn - một ánh sao bay qua bầu trời (Nguyễn Nhã Tiên)

      - Nguyễn NHo Nhượn - Một tiếng thơ về thân phận, một trái tim yêu quê hương (Huỳnh Văn Hoa)

      - Tưởng Nhớ Một Nhà Thơ Tài Hoa & Mệnh Bạc, Nguyễn Nho Nhượn (Mang Viên Long)

      - Tưởng Nhớ Nguyễn Nho Nhượn (Lê Đình Phạm Phú)

      - Nguyễn Nho Nhượn-Tiêu Biểu Qua Bài Thơ “Khi Trở Về Vĩnh Điện” (Mang Viên Long)

      - Vài nét về nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn 

      (Nguyễn Nho Khiêm blog)

       

      Tác phẩm của Nguyễn Nho Nhượn

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Trang Thơ (Nguyễn Nho Nhượn)

      Thơ trên mạng:

         - nhokhiem.wordpress.com   



      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)