Nhà thơ Tô Đình Sự
(1-5-1944 - 13-10-1970)
Trong những bạn bè văn nghệ thân quen và có nhiều giao tế liên tay trên bước đường hoạt động nghệ thuật ở thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, có lẽ Tô Đình Sự là một trong những người bạn đồng hành, thường xuyên liên lạc trao đổi sáng tác và tin tức liên quan nhau. Tuy nhiên, không như những bạn hữu hoạt động tại Sài thành như Nguyễn Lê La Sơn, Hà Thúc Sinh, Phạm Nhã Dư, Trần Phù Thế, Phù Sa Lộc, Lộc Vũ, Thụy Miên... thì chuyện gặp gỡ trà dư tửu hậu hầu như thường xuyên không bao giờ có khoảng cách của thời gian hò hẹn.
Với Tô Đình Sự, những lần du ngoạn về phố thị phương Nam, là cả một sắp đặt dự trù của người đi và cả người đón. Trong giai đoạn chiến tranh bộc phát, đường xá cũng đầy trở ngại, giao thông lạc hậu nên con đường quốc lộ dài hơn 400 cây số từ Phan Rang vào Sài Gòn, cũng khiến khách viễn du mất nhiều thời gian chờ đợi. Nhiều lúc cái khó khăn trở ngại trong cuộc hành trình cũng giúp sự tao ngộ tăng thêm phần giá trị quý giá hơn. Quen biết với Tô Đình Sự trong những năm tháng tuổi trẻ còn mang nặng nhiều say mê văn nghệ, những chú ý danh tính nhau trên từng bài thơ đăng trên các tờ nhật báo hay tạp chí, hầu như là chuyện thường tình. Có lúc thích thú một vài câu thơ tâm đắc khiến tự dưng ghi nhận nhau như những bằng hữu đã thân quen từ những góc nhỏ trí nhớ xa xôi nào.
Khoảng năm 1964 - 1967, thỉnh thoảng Tô Đình Sự và tôi thường đang chung trên trang thơ Tiền Tuyến do nhà thơ Viên Linh và Hoàng Anh Tuấn tuyển chọn, lúc này Tô Đình Sự còn bút hiệu Song Nguyên Hoài Thảo. Song Nguyên Hoài Thảo được dùng đăng rải rác ở các báo, đến năm 1967 khi xuất bản thi phẩm Vùng Trú Ngụ, thì anh đoạn tuyệt với dĩ vãng và dùng chính tên họ Tô Đình Sự để chuyển sang một hướng sáng tác mới. Tình trạng này cũng có khá nhiều anh em thời đó, can đảm dùng chính thức tên họ như một cầu chứng với bước đi mới trong văn học nghệ thuật, như một Vũ Thúy Thụy Ca (Đặng Tấn Tới), Mây Viễn Xứ (Lâm Hão Dũng)... Giao thiệp với Tô Đình Sự trong thời gian này, cũng chỉ là một sự tương đắc kính trọng nhau qua tài hoa, nên sự thân quen chỉ đến lúc gặp Tô Đình Sự qua hướng dẫn của Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn và Yên Bằng, thì tình cảm càng đậm đà.
Lối sống phiêu bạt, mang chút dáng dấp thư sinh hiền dịu nên Tô Đình Sự dễ dàng trao đổi cảm thông với bạn bè. Chúng tôi thường hẹn hò những buổi sáng tương giao tại Quán sách cô Nga đường Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi, nơi đó bắt gặp nhiều nhân tài tứ phương hội ngộ. Phạm Nhã Dự và Tô Đình Sự như cặp bài trùng, đối xử nhau tương kiến như giữa người thân ruột thịt, chính hai anh đã liên tay thực hiện tạp chí Thế Đứng, Tiếng Nói Văn Học Nghệ Thuật với cộng tác của nhiều anh em văn nghệ tỉnh thành, tạo một tiếng nói đầy thực lực và uy tín trong giai đoạn cùng cực của đất nước.
Cuộc đời nếu trôi chảy xuôi dòng, chắc chắn sẽ giúp Tô Đình Sự tạo dựng được nhiều sáng tác góp phần không nhỏ với văn học Việt Nam. Ngày anh gặp tôi tại Sài Gòn đầu năm 1970 là lúc tôi vừa sửa soạn hoàn chỉnh tờ báo Khai Phá 1, nhưng bước đầu của hình thành luôn luôn vấp váp thiếu nhiều kinh nghiệm, nên tôi và Lưu Nhữ Thụy phải chuyển về in tại Long Xuyên cho kịp giới thiệu với người đọc. Chính vậy, tôi bẵng đi một thời gian xuôi ngược đi - về, để chăm sóc tờ bào kịp với quy ước, nên sự gặp gỡ Tô Đình Sự cũng có vơi chút nào, mà thời khắc với một công chức như anh cũng sắp xếp khá ít ỏi, giữa hai đoạn đường Phan Rang - Sài Gòn chỉ trông chờ ở những cuộc phép để gặp gỡ anh em (Lúc này Tô Đình Sự về công tác tại Ty thuế vụ Phan Rang).
Tháng 04/1970, khi Khai Phá 1 được phát hành gần 20 tỉnh thành, từ Phan Rang, Tô Đình Sự có tin nhắn chúc mừng thành công của nhóm chủ trương, Tâm hồn chân thành của một người nghệ sĩ là vậy, cái vui của bằng hữu chính là cái vui của bản thân mình. Hơn trăm lá thư gởi về chan hòa đầy hạnh phúc, có thư Tô Đình Sự gởi kèm cho tôi hai bài thơ Dựng Bóng Ngày và Trông Theo Vô Cùng Buồn mà anh tâm sự không giúp được gì hơn cho anh em, chỉ có cách là hiện diện chung sức và giới thiệu Khai Phá với anh em văn nghệ Phan Rang.
Chính Tô Đình Sự đã thông báo với Ngọc Thùy Khanh, lúc đó đang ở tại Đà Lạt và nhờ Ngọc Thùy Khanh đại diện cho tờ báo tại xứ sương mù này. Tình cảm văn nghệ ngày xưa thật chan hòa cao đẹp như giọt sương mai nhẹ nhàng hóa thân trên từng cánh tường vi chợt nở. Đón nhận thêm một người bạn mới bằng tất cả tấm lòng và đầy nghi lễ khí tiết Đông phương, đã làm kỳ diệu hơn một tình người đầy chân chất.
Tôi vẫn như con thoi bay liên tiếp về các nơi anh em văn nghệ ẩn trú, hầu giao tế và góp nhặt tài liệu để tờ báo được ra mắt định kỳ, dù rằng cơm áo gạo tiền cũng là một nỗi khổ của tay trắng hoạt động tự lực. Bằng hữu góp mặt và tiêu thụ tờ báo một cách vô lợi, nhưng vẫn không đắp đổi cho hơi thở được đầ sinh khí hơn. Khoảng đầu tháng 10/1970, Tô Đình Sự nhắn vào sẽ ghé thăm lại bằng hữu chí cốt ở Sài Gòn. Yên Bằng, Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn... sắp xếp những hẹn hò chào đón đế có dịp anh em chung vui một cách đầy đủ.
Sáng 10/10/1970, Hà Thúc Sinh bằng người qua cầu chữ Y vội vã báo tin tai nạn thảm khốc vừa xảy ra trong đêm qua (09/10/1970) với Yên Bằng, Tô Đình Sự và Lâm Chương trên một chiếc xe định mệnh. Cùng lúc Nguyễn Lê La Sơn cũng chạy lướt qua tư gia, đang đông đủ anh em văn nghệ vừa tụ họp, ngơ ngẩn nhìn nhau. Tất cả thống nhất cùng đèo nhau chạy vội về hướng Gò Vấp đến Tổng Y viện Cộng Hòa, kẻ trước người sau đều mang nặng trong lòng một rung cảm lo sợ bâng quơ.
Bên giường bệnh, Tô Đình Sự đang được truyển dịch liên tục, thần thái vẫn nói cười tỉnh táo, bên cạnh Lâm Chương mặc bộ đồ ngủ sọc xanh, không biết đã thay đổi lúc nào trong đêm vừa qua, ngồi trò chuyện với anh em. Tô Đình Sự nắm tay tôi hỏi thăm công việc của tờ báo. Lúc này bên cạnh giường bệnh, Tô Đình Sự đã được thông tiểu bằng một bọc nhựa đầy máu, tôi âm thầm lo lắng hơn các bạn khác tưởng chừng Sự vẫn an bình. Cơn vật vã hôn trầm đã đẩy đưa Tô Đình Sự bước rời cõi sống ngày 13/10/1970.
Tài liệu cuộc nói chuyện văn nghệ do Tô Đình Sự chủ trì (trích tạp chí Khai Phá 2 năm 1971) và giới thiệu các tác phẩm xuất bản trước năm 1975.
Khai Phá 2 sắp xếp ra mắt, cũng vội vã dành lại cho Tô Đình Sự một phút tưởng niệm hầu an lòng người bạn quá cố tài hoa. Ngoài hai bài thơ Tô Đình Sự gởi mấy tháng trước, và tôi nhận được thêm một bản thảo của cuộc họp bàn tròn do Tô Đình Sự chủ trì với chủ đề: Nói Chuyện Với Nhau Cho Nhau Về Con Đường Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Trong 10 Năm Qua, với khoảng 10 văn nghệ sĩ góp mặt gồm: Tô Đình Sự, Lâm Chương, Nguyễn Lăn Viêm, Hà Nghiêu Bích, Nguyễn Nguyên Như (Nguyễn Thành Xuân), Lưu Vân, Trần Văn Sơn, Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, Lưu Nhữ Thụy.
Nhiều lúc ngồi đọc lại những bài thơ hiếm hoi còn sót lại của Tô Đình Sự, chợt bàng hoàng: Tôi dẫm hồn lên dấu mây qua / một khoảng dài lâu hổng gió / lêu bêu buồn rợn cánh chim. Không khí trong thơ Tô Đình Sự đầy rập khoảng không u buồn trong một thế giới thật hoang sơ. Tất cả trang trải trong thơ anh như hồi tưởng của tôi, về 40 năm qua trong những lần đã đọc suốt thi tập Vùng Trú Ngụ rồi tác phẩm mới Thơ Viết Ngày Yêu Em mà anh vừa hoàn thành trước khi có cuộc chia tay nghiệt ngã, tất cả đều mang một khí sắc loang lổ bi thiết mà chính anh đã thảng thốt bày tỏ em đâu hiểu / anh đã ngoài chân mây thênh thang, như một cuộc vẫy tay định mệnh chào vĩnh biệt với bóng đời trôi nổi...
Viết xong ngày 05/09/2009