|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Quách Thoại tên khai sinh là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 ở Huế, mất ở Sài Gòn năm 1957 sau một thời gian dài bệnh tật. Thơ ông xuất hiện nhiều nhất trên các tờ Người Việt, Sáng Tạo, Thế kỷ Hai Mươi, là mấy tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, vài ba năm trước khi mất. Trước đấy ông có bài đăng trên các tờ Đoàn Kết, Làm Dân. Ông cũng chỉ thật sự được nhắc đến nhiều sau khi mất, nhất là mất trong bệnh viện thí Hồng Bàng.
Thi phẩm đầu của ông, Giữa Lòng Cuộc Đời, cũng chỉ được in ra vào tháng 6 năm 1963, gần 6 năm sau khi ông qua đời, nhân một người anh, nhà văn Lý Hoàng Phong, lúc ấy là chủ nhiệm tờ Tạp chí Văn Nghệ. Bài này đôi chỗ gọi Thoại là Nó là bởi Lý Hoàng Phong, tên thật là Đoàn Tường - cũng mới quá cố ở Sài Gòn - là anh ruột của thi sĩ.
Bài viết cũng nhằm cho độc giả thấy Quách Thoại được gia đình săn sóc tận tâm, nhưng đã chết nơi công cộng vì chính thi sĩ đã quá khao khát cuộc đời, không thể nằm chờ chết một chỗ, luôn trốn bệnh xá ra ngoài lang thang đây đó. Quách Thoại sở trường trong loại thơ nói, thơ Tự Do, và có những bài nổi tiếng như: Còn Sáng tạo Ta hãy còn sáng tạo, Như Băng Trường Tình, Trăng Thiếu Phụ.
Nhà thơ Quách Thoại
(1930 - 1957)
Thành phố chìm đắm giữa thiên nhiên. Con sông thanh mát trôi lững lờ, những triền núi xanh lơ chạy dài vây quanh mảnh đồng bằng nhỏ, những con đường đất leo lên những ngọn đồi êm ả giữa những rặng thông yên lặng, những ngọn đồi trơ trụi, chơ vơ, những cánh đồng và biển, biển khơi mù xa. Ấy là thành phố của những đêm trăng mông lung đầy ảo mộng, trăng trên trời, trăng trên sông, anh đứng trên cầu và nhìn xuống lòng sông in vằng vặc vành trăng, bầu trời và những cuộn mây trắng nổi lên về phía núi, trăng trên những con đường vắng lặng, trăng trong những khu vườn đầy bóng cây, bóng lá, trăng trên núi xanh, bầu trời gần trên đầu và mây bay chung quanh, trăng trên bờ biển, bãi cát vàng, những ngọn sóng trắng xóa.
Ấy là thành phố của những cô gái áo trắng, những cô gái của những dáng đi đẹp lạ, những dáng đi đài các, trang trọng, bình thản, những cô gái của những đôi mắt lặng lẽ, dò hỏi, nhiều ước mơ, những cô gái đội nón đi qua cầu tay cầm vạt áo, những cô gái ngồi trên đò qua sông, những cô gái ngồi bên cửa sổ, thấp thoáng trong vườn nhà. Ấy là thành phố mà mọi người đều biết nhau, thành phố của những học sinh và những công chức đi xe đạp, thành phố của những người nói thầm, thành phố của những dục vọng yếu đuối, nhỏ nhặt, thành phố của những ông vua mất ngôi, của những người quý phái sa đọa, của những ông quan có hầu, thành phố của đời sống gia đình với những ngày giỗ, với những xích mích giữa bà con, thành phố của những bà mẹ lo cho con đỗ đạt rồi lo kiếm vợ cho con, thành phố của những sự đam mê vụng trộm, lén lút, thành phố của những người thích nói chuyện văn chương và tôn giáo, của những chùa chiền và những nhà thờ, của những mơ tưởng siêu thoát và những giả dối vụn vặt, thành phố của những tình yêu lãng mạn, của đời sống tẹp nhẹp và những ước mộng lớn lao. Đó là quê hương của Quách Thoại.
Người cha là một công-chức nghèo. Người mẹ hay đau yếu. Một gia đình đông con. Người cha có người anh ruột đi làm quan ở một tỉnh miền ngoài, không có con, xin cho Thoại đi theo.
Thoại rời gia-đình từ hồi 6, 7 tuổi. Đến năm 10 tuổi, gia đình đòi Thoại trở về. Năm học lớp nhất, Thoại có một ông thầy dạy là con một lãnh tụ cách mạng xuất dương ở Nhật. Ông này đưa Thoại gần gũi với mấy người làm chính trị thường lui lại nơi nhà cụ Phan Bội Châu.
Từ ngày ấy, Thoại mơ những chuyện cách-mạng, chuyện tự do, độc lập, chuyện đánh đuổi quân thù, những mộng tưởng óng vàng của thiếu niên, của lòng yêu nước đẹp như tình yêu, của lòng hy sinh chảy mạnh trong dòng máu, của tình dân tộc ngào ngạt như lúa thơm.
Và chuyện cách mạng đã đến thật, chuyện đánh đuổi quân thù đã đến thật, ngay liền, nhưng không phải như người ta đã mơ tưởng. Sau những tiếng chiêng, tiếng trống, những tiếng hò reo cổ võ là những lừa dối, những tranh giành, những chém giết hằn học, hèn nhát, những cuộc đánh lộn chửi rủa giữa những tư- tưởng, những lý thuyết đủ thứ, và cái không khí gạt gẫm, nghi kỵ, dò xét, cái không khí soi mói, hăm dọa, phân chia, luồn lọt, bao vây, ám ảnh khắp nơi, anh không kịp suy-nghĩ, không kịp nhận định, cuộc đời bủa vây anh chớp nhoáng, lôi cuốn anh vào trong cơn giông bão, và anh bị xô đẩy đi, xô đẩy đi.
Đấy là lúc thành phố sống trong sự bàng hoàng, sôi sục, trong những lo âu chập chờn. Những gia-đình công-chức sống với đồng lương hàng tháng, bỗng nhiên người cha bị thất nghiệp, chỉ còn biết bán áo, bán quần, bán giường, bán tủ cho những người nhà quê lên mua. Người nông dân bán lúa đem tiền lên chợ đổi lấy cái áo gấm hoa lòe loẹt của ông quan mặc vào người. Những bà quan chạy ngược, chạy xuôi, làm mứt, làm bánh, đem đi bán kiếm tiền mua gạo. Những đứa con quên nghĩ đến việc xin phép cha mẹ đi thẳng đến đồn lính xin vào bộ đội. Chiều chiều những chuyến tàu đưa từ miền Nam về những tin tức chiến trường với những chiến sĩ chưa đến tuổi trưởng thành, những bộ mặt non tơ, những chiến sĩ bụi bặm, xanh xao, hớt hải trở về nhà thăm gia đình. Người con gái lấy vạt áo lau nước mắt, tất tả chạy từ trên ga về đến nhà và kêu lên, "Thằng Hai chết rồi má ơi!" và người mẹ rụng rời.
Cũng những chiếc tàu mang từ miền Bắc vào những tin tức đảng phái đấu tranh, đánh giết nhau. Đấy cũng là lúc những thanh niên không đi đánh giặc ớ nhà quây quần nói chuyện biện chứng duy vật, giai cấp đấu tranh "Các Mác nói", "Lê Nin nói". Ban ngày những cuộc biểu tình rầm rộ, ban đêm những buổi hội họp thâu đêm. Anh đồng chí nhanh nhẩu dơ tay đứng dậy: "Tôi xin nói". Những đoàn phụ nữ ngoại ô, áo trắng cụt, quần đen dài xăn lên đùi, sắp hàng dậm chân thình thịch tập đi một hai. Anh cán bộ mặt mày cạo gọt nhẵn nhụi, chị cán bộ hớt tóc ngắn như đàn ông, chải đầu bóng loáng, bận áo quần kaki chân mang ghệt, vai mang sắc-cốt song song bước đi lộp cộp ngoài đường. Có chị nông dân cắt đầu trọc, vừa đi gánh nước vừa hát nghêu ngao.
Giữa lúc cuộc đời đang đổi lốt phũ phàng, như nghiêng ngả, như xiêu đổ, Thoại với 15 tuổi trên đầu cảm thấy thất vọng, lạc lõng, Thoại không biết mình phải làm gì, mình phải đứng ở đâu. Trong lúc những người anh vừa rời ghế nhà trường bận vào người những bộ áo kaki, vác trên vai một khẩu súng rồi đi lên chiếc tàu hỏa vào miền Nam đánh giặc, Thoại thơ thẩn đến thư viện và đọc say mê những câu thơ của Tagore.
Vào hồi đó Thoại gặp một thanh niên miền Nam theo một tôn-giáo mới đi ra Bắc và bị mắc kẹt ở đó không trở về Nam được nữa. Người bạn miền Nam nói chuyện tôn-giáo với Thoại. Hai người rủ nhau đến một thánh thất nằm trên bờ sông Hương về phía núi để cùng nhau tu hành tìm đạo.
Thánh thất là một căn nhà nhỏ lợp tranh, nền đất, vách đất, quét vôi trắng ở giữa một miếng sân vuông vắn, đất cát trắng mịn với một vài bụi chuối, ít cây bưởi, cây mít, cây thanh trà, căn nhà nằm trên bờ cao, ở phía dưới là còn sông nước xanh uốn quanh lặng lờ, chung quanh là đồi núi chập chùng. Hai người bạn ăn chay, ban ngày đọc sách, nói chuyện đạo lý, nhìn trời, nhìn mây, nhìn sông, nhìn núi, đêm khuya họ ngồi trên chiếc chiếu trải dưới nền đất trước mặt cái bàn thờ đặt giữa căn nhà, họ ngồi thẳng, chân khoanh lại, hai cánh tay để thõng xuống, hai bàn tay cầm lấy nhau đặt ở trên bắp chân, họ nhìn lên ánh lửa đỏ của ngọn nến độc nhất đặt giữa bàn thờ, dìu tâm trí lại ẩn náu ở trong chính giữa con người cho được hoàn toàn yên tịnh để cho tâm thần và thể xác hòa hợp với nhau làm một, nuôi dưỡng cho nhau tìm về nơi nguồn cội của sự thật, ở đấy người ta thấu hiểu được mọi sự, không còn đau khổ nữa.
Trong đêm sâu, hai người bạn bỗng nghe tiếng lá rụng trên sân như bước chân ai vươn nhẹ. Họ đi ra ngoài vườn nhìn cảnh trời đất chuyển mình. Sau những ngày say sưa mùi đạo, hai người bạn đi đến các chùa chiền thuyết lý với mấy nhà sư, đi về những làng mạc, qua tới những tỉnh lân cận tìm kiếm những bạn đồng chí, truyền bá đức tin sáng lóa của mình.
Nhưng không bao lâu những cuồng vọng của lý-tưởng tan vỡ như những bọt sóng trên dòng thác lũ với tiếng súng của chiến tranh lan tràn. Sau một thời gian tản cư ở một tỉnh nhỏ, Thoại cùng gia đình trở về kinh đô. Thành phố sống nghẹt thở tù hãm giữa những chém giết, hãm hiếp, ám sát, tù đày. Cuộc đời bỗng nhiên biến thành những ngõ hẻm bế tắc mà mỗi người phải lựa chọn lấy một nhãn hiệu.
Người thực dân hỏi: "Việt-Minh hay Việt-Nam", người Cộng-sản hỏi: "Cộng- sản hay Tư-bản", người Quốc-gia hỏi: "Quốc-gia hay Cộng-sản".
Và anh phải lựa chọn giữa những danh từ đó, anh không thể có một bộ mặt, một dấu hiệu, một con người nào khác nữa, anh không còn một nẻo giải thoát nào nữa, anh không còn một thiên đàng hay một địa ngục nào nữa. Tất cả đều đột ngột tan vỡ. Tất cả đều hỗn độn và mâu thuẫn. Tất cả trở thành phi lý. Nhưng mọi người đều phải sống cho đến khi chết.
Người thanh niên mơ đánh đuổi quân thù, mơ tự do, độc lập không còn thấy đâu là con đường chiến đấu, người tu hành ăn chay tìm đạo không còn biết đâu là tôn-giáo của mình. Thoại cảm thấy tất cả cái vô nghĩa của cuộc đời, Thoại nhìn thấy tất cả bề sâu của thất vọng.
Chỉ trong mấy tháng trời. Thoại đã đi vào con đường sa lầy của trụy lạc. Thoại la cà nơi những tiệm hút của thành phố, chích vào người những ống "dolosal" mang vào cổ cái nghiệp chướng của ma túy. Thu đến với những cơn mưa lất phất, trời mây xuống thấp bao phủ lấy sông núi, thành phố trong nỗi buồn não u uất, trong nỗi bơ vơ quạnh hiu của ngày tận thế. Thoại thơ thẩn trên những con đường phố, xanh xao, bơ phờ, thất lạc. Nó cố gắng tìm dò một phương hướng, gồm thu những nghị lực còn lại để nuôi dưỡng cho nó một tin tướng, một hy vọng cuối cùng. Nó phải từ bỏ cái thành phố đang giam hãm thể xác và linh hồn nó. Thoại vào Nam trên một chiếc xe hàng đi qua đường Lào.
Sài gòn là thành phố của văn minh, của tiền bạc, của ông tây thực dân, của chú tàu buôn bán, thành phố của trật tự trong sáng và của hỗn tạp nhầy nhụa, thành phố của người giàu và người nghèo, của những bin-đinh và những xóm nhà lá, thành phố của tội lỗi, của những cuộc ăn chơi sa ngã, thành phố của nắng quanh năm và không có rét, thành phố không có thiên nhiên, thành phố của đời sống máy móc, vô tình, sống chết mặc ai.
Đấy là thành phố của những con buôn chánh trị, của những người làm áp-phe, thành phố của những người cách mạng bị thủ tiêu, của những người làm chính trị xa-lông, của những nhà trí thức, những nhà tư bản ăn cơm tây, đi xe hoa kỳ, nói chuyện thân kháng chiến và vô sản, thành phố của những thanh niên sửa soạn đi học tây và mơ tưởng đến những cô đầm, của những thanh niên bỏ nhà đi bưng; ấy là thành phố của những cô gái bán thân, của những người ngoại tình, của những trai trẻ và những ông già sa ngã, thành phố của đời sống vật chất, của trộm cướp, của những người tự tử, những người bệnh hoạn, những người đâm chém nhau vì một câu nói, những người hiếp dâm, thành phố của những người lao động uống bia, chửi thề, nói tục, ngủ ghế bố và có mèo; ấy là thành phố của cuộc sống vội vã, lật đật trên những chiếc xe, thành phố của sự buôn bán, của sự gian lận, của sự mua chuộc, của sự giành giật, của sự làm giàu nhanh chóng, ấy là thành phố của những cuộc ăn chơi ban đêm, của những giải trí trường tấp nập, những người đánh bạc đứng chung quanh sòng bạc như những con ruồi bu trên miếng mở, những xóm chứa nhởn nhơ, thập thò người gái điếm, những tiệm nhảy bập bùng đèn xanh, đèn đỏ, những nhà hút kín đảo, yên lặng, xanh xao.
Thoại nhập vào thành phố ấy với một ý muốn tự cứu, với mong ước tìm được một con đường, tranh đấu cho một tin tưởng. Nó đi đến với những "người quốc gia" liên lạc với kháng chiến, nó gặp gỡ những tổ chức tôn-giáo, nó đi theo một vài người cách mạng độc lập, làm một tạp chí hàng tuần, viết cho một vài tờ báo hàng ngày. Nhưng kết cục tất cả chỉ là ảo tưởng. Nó không kiếm được một chỗ đứng ở bất cứ nơi nào. Không một ngọn cờ của chính nghĩa, không một ánh sáng của một ý thức hệ soi đường. Không một lối đi, không một an ủi, không một hy vọng. Cuộc đời mắc nghẽn vào trong những xiềng xích nặng nề, oan nghiệt, không lối thoát. Nó đã lỡ dấn thân vào con đường hư ảo hiểm nghèo của mộng tưởng.
Ngày hết, bóng tối tỏa xuống trên thành phố. Thoại đi dọc theo những vỉa hè dài, những vỉa hè đường phố quen thuộc hằng ngày mà vẫn thấy xa lạ. Thoại thấy rằng nó chỉ có một mình ở giữa cuộc sống, một mình ở giữa cuộc đời một mình với những khát vọng, những thất vọng không nguôi. Nó chỉ có một mình, một mình trơ trụi, vì nó đã mất tất cả, tất cả cuộc đời, sự thật, tổ quốc, tôn-giáo, gia-đình, hy vọng, tình yêu.
Thoại dừng lại, châm một điếu thuốc rồi lại bước đi trong thành phố đã lên đèn. Tâm hồn nó lắng lại trong bóng sáng ấm cúng, dịu dàng, mát mẻ của con đường. Nó bỗng chợt thấy cuộc đời có một hình ảnh, một giáng điệu, một khuôn mặt lạ lùng bí mật và ở giữa sự sống đau khổ, hỗn-loạn, tối tăm, phi lý, tuyệt vọng, thấp thoáng một bàn tay vô hình, trong người nó mở ra một thế-giới và ở đó nó có thể lấy lại tất cả, cuộc đời, sự thật, tổ quốc, tình yêu, gia đinh, tôn giáo, nó có thể tìm lại tất cả, tất cả tin tưởng, ước mơ, hoài bão, tất cả vũ trụ, thiên nhiên. Đó là con đường của nghệ thuật, của văn chương. Thoại biết rằng nó vừa tìm thấy được chính mình. Nó không phải một chiến sĩ cách mạng, nó không phải một nhà tu hành, nó là một thi-sĩ.
Thoại lao đầu vào trong cơn đam mê, thức những đêm trắng để sáng tạo những bài thơ đầu tiên, để vừa kịp thấy rằng nếu nghệ thuật là nàng tiên cứu rỗi thì cũng là liều thuốc giết người, để thấy tất cả cái dốt nát, cái bất lực của mình, để thắt lấy vào người sợi dây chuỗi oan-trái của những lo âu, bất mãn, những dằn vặt, xâu xé thường xuyên. Nhưng Thoại không thể đăng thơ mình ở một cơ quan ngôn-luận nào cả và nó vẫn mơ ước có được một tờ-báo, làm được một tờ báo văn-nghệ. Nó luôn luôn sống với những vận động, những dự định và những tin tưởng để đi đến những thất vọng, những chán chường để rồi trở lại những dự định và những hy vọng mới. Nhưng cuối cùng Thoại vẫn không làm được một việc gì, vẫn sống nhờ vả, bám víu một vài người bạn. Nhưng cuộc sống không thể kéo dài như thế.
Thoại trở về quê nhà.
Sau hai năm xa cách, Thoại tìm lại sông núi cũ. Cuộc đời ở đây vẫn thở cái không khí tù hãm ấy, u uất ấy, phiêu diêu ấy. Vẫn những con đường phố với những bộ mặt không đổi thay. Vẫn những đêm trăng mơ mộng, những bình minh sương mù, những hoàng hôn tím thẫm trên sông. Thoại cùng một vài người bạn xuất-bản một tờ báo văn-nghệ được một số thì chết. Thoại lại lang thang trên những nẻo đường với những dự định, những trù liệu, những ước muốn không bao giờ hết. Trong thời gian này, Thoại đã yêu một người con gái, một nữ sinh có một đôi mắt lặng lẽ, một đôi mắt đen, mở rộng, ẩn núp một vẻ huyền bí của tôn-giáo. Người con gái cũng yêu Thoại, có lẽ đó là người con gái đầu tiên yêu Thoại. Thoại đã yêu với tất cả những đam mê sôi nổi của tuổi hai mươi. Nhưng Thoại không là gì cả, không nghề nghiệp, không tương lai. Cuối cùng lại chỉ có thể là sự thất vọng.
Những buổi chiều xuống trên thành phố sao mà buồn. Những ngọn lá vàng rụng. Những cành cây khô giang những cánh tay chơ vơ. Thoại bước đi trong bóng chiều êm ả và nó thấy đau nhói trong tim. Nó không ngờ tình yêu lại có thể làm khổ nó đến thế. Nhưng không phải là mối tình đầu. Mối tình đầu cũng là một mối tình tuyệt vọng, mối tình thầm kín từ những ngày trẻ thơ, nhưng lớn lên người con gái đã không yêu nó và người con gái đã đi bưng với những người cộng-sản. Lần này vết thương đau đớn hơn, nhức nhối hơn, sâu xa hơn, cho nó một nhận thức bi thảm về thân phận nó. Nó chỉ theo đuổi những hình bóng và nó chỉ có thể cầm bắt được những xác bướm của tình yêu, những xác bướm khô héo xác xơ.
Thoại thấy, trước mắt một con đường thăm thẳm, tối tăm, heo hút. Nó thấy cổ họng như thắt nghẹn muốn quay lưng, trốn chạy, xua đuổi một ám ảnh. Nhưng nó đã rẽ qua một ngõ hẻm, bước vào trong một căn nhà, đi vào trong cái không khí mù ám, mơ hồ, nằm xuống trên chiếc chiếu ấm mát, bên cạnh ngọn đèn nhỏ soi sáng thế giới của những người ở ngoài lề cuộc đời, những người hư hỏng, những người thất vọng. Thoại lại trở về với ma túy, nhưng lần này với một ý muốn hủy hoại? Lần này nó ghiền thật, ghiền nặng. Nó bỏ nhà trốn đi. Nó vào một tỉnh lân cận, xoay sở kiếm tiền hút.
Vài tháng sau nó trở vào Nam, trở lại với thành phố của sa đọa.
Thoại bước hẳn xuống hố sâu của trụy lạc. Nó nhờ vả một vài người bạn, xoay xở chỗ này chỗ kia. Thoại sống với những tiệm hút, sống với thế giới những người ghiền, gầy gò, xanh xám, đôi mắt thất lạc, nó bước đi trên đường, mất hút vào trong một hình bóng của địa ngục. Những người bạn không thể chứa chấp nó được nữa. Nó sống vất vơ vất vưởng, kiếm một vài việc làm không đi đến đâu, và phải xoay xở hằng ngày để kiếm một miếng cơm, một chỗ ngủ nơi một mái hiên, một gác xép.
Và một hôm, Thoại thổ huyết.
Nó đau phổi. Người anh buộc nó phải trở về gia đình, chỉ có gia đình mới cứu nó được vì trong trường hợp của nó muốn chữa bệnh phổi phải cai nha phiến trước. Chỉ có gia đình mới làm làm được công việc sau này cho nó. Nhưng Thoại không chịu. Nó lấy tiền để đi chữa bệnh và nói để tự cai nha phiến lấy, nhưng nó không thể tự cai được. Mặc một bồ đồ đen, đội một cái mũ nỉ đen, cái mặt vàng bệch phù phì, choắt lại, nó đi thơ thẩn trong thành phố như một bóng ma. Nó đứng lảng vảng trước nhà sách nơi đường Catinat, co ro, khẳng kheo, như xiêu ngã, dơ bàn tay với mấy ngón tay thòng ra như nơi một bộ xương.
Thoại xin tiền những người quen qua đường, miệng nó cười méo mó, đôi mắt nó long lanh yêu quái. Trong đêm khuya, nơi một tiệm hút ở Chợ Cũ, Thoại thất thểu đi ra, đi về phía những nhà băng, kiếm một vỉa hè, nằm xuống ngủ, kê đầu trên phiến đá lạnh.
Thoại thấy cái chết ở trước mặt nó như một vòng giây thắt cổ. Cuối cùng nó chịu trở về gia đình. Phải cai a-phiến cho Thoại trước khi nó vào bệnh viện. Người mẹ thuê một chiếc đò ở sông Hương, đưa đứa con chết dở sống dở xuống ở đấy. Thoại ở đấy với một bàn đèn có đủ thuốc để hút hàng ngày. Người mẹ bới cơm xuống đò cho con ăn và nhờ một người Tàu ở một tỉnh lân cận nấu một nồi thuốc cai. Hai tuần sau nồi thuốc nấu xong. Thoại thôi hút, uống thuốc cai, bệnh nghiền dứt, Thoại vào bệnh viện bài lao. Chỉ trong vài tháng, Thoại đã mập, mạnh, hồng hào, sức khỏe trở lại.
Nhưng con người như Thoại với những tình cảm bồng bột, với những đam mê không kiềm chế được, không thể nào có được sự kiên nhẫn và bình tĩnh cần thiết, đầy đủ để chữa cho mình khỏi bệnh.
Bệnh chưa lành nhưng có được một ít sức khỏe Thoại đã vội làm thơ, nói chuyện sang sảng với mọi người, trốn ra ngoài bệnh viện đi lang thang ngày đêm với bạn bè. Thoại xin về ở một dưỡng đường ở ngoại ô, bên bờ sông cho được tự do và Thoại lại bắt đầu chạy ngược chạy xuôi để kiếm cách in một tập thơ lấy tên là "Con đường thứ ba". Hẳn nhiên không thể nào in tập thơ ấy được.
Chưa lành bệnh Thoại đòi ra khỏi dưỡng đường. Thoại ham sống, ham tự do, ham hoạt động quá để có thể nằm yên lặng hàng tháng dài trong bệnh viện để điều trị. Những biến cố dồn dập đến với cuộc phân chia đất nước.
Thoại lại trốn gia đình trở vào Nam và bắt đầu đăng những bài thơ trên tờ báo Người Việt của một nhóm sinh viên di cư. Có lẽ là lần đầu tiên trong đời, tuy đau ốm Thoại cảm thấy phấn khởi và có những phút vui sống tham dự vào sự sinh hoạt văn nghệ, những phút an ủi, cởi mở, tin tưởng bên cạnh một vài người bạn thân thiết. Nhưng bệnh tật vẫn ám ảnh Thoại và nó thấy rằng với cuộc sống cô độc, vất vưởng, không cơ sở, không chỗ trú thân, phải nhờ cậy vào gia đình lúc nào cũng nghèo túng và một số anh em bạn bè, nó tự xem như số phận nó không có hy vọng gì sống được.
Cái chết vẫn đợi nó ở đầu đường, nó biết thế, ấy mà nó vẫn sống với hiện tại với những dự định, những mộng tưởng luôn luôn đổi mới. Cơn bệnh lại trở lại nặng. Thoại trở về với gia đình, vào lại nằm ở bệnh viện. Thoại vẫn làm thơ gởi đăng trên báo Người Việt.
Sáu tháng sau, Thoại lại vào Nam. Nó đến ở với người anh nơi một căn nhà bên sông. Cuộc sống khá yên ổn nhưng chỉ được một ít lâu, căn nhà cháy. Thoại lại lang thang. Người anh cả đưa nó đến ở một khách sạn ở thành phố. Ở đấy bệnh Thoại trở nên trầm trọng. Thoại bị ra huyết nhiều. Người anh đưa Thoại vào nằm ở bệnh viện Hồng Bàng. Nhưng Thoại không thể nằm ở trong bệnh viện, nó vẫn trốn ra ngoài đi chơi.
Thoại ốm nặng, sợ truyền nhiễm, không thể ở với ai được. Người anh muốn đưa Thoại về gia đình nhưng Thoại không chịu. Tờ Người Việt chết. Thoại lại đăng thơ trên tạp chí Sáng Tạo. Được ít lâu, người anh cả về Huế, Thoại theo về, vào lại bệnh viện. Thời gian này, Thoại thấy có lẽ mình không thể sống được nữa. Nhưng Thoại còn ham sống quá. Tuy rằng nó vẫn chờ đợi cái chết nhưng khi cái chết đến Thoại không muốn tin rằng mình có thể chết. Quẫn trí và tuyệt vọng. Thoại tin rằng một phép lạ sẽ cứu vớt nó.
Ở trong bệnh viện, ngày đêm Thoại tập luyện thân thể một cách liều lĩnh. Với hai tay nó nhắc nổi lên cả cái giường lớn. Đờm trong người nó tuôn ra rất nhiều và Thoại thấy nhẹ hẳn người đi. Thoại nói với cha mẹ nó nghe một tiếng nói thiêng liêng kêu gọi nó và nó đòi từ bỏ bệnh viện, cạo trọc đầu, lên núi đi tu.
Nhưng Thoại không lên núi, nó lại bỏ trốn vào Sài gòn. Lần này, Thoại mặc áo cà sa nâu, đội nón lá, nó đi trên đường phố Sài gòn và nói với bạn bè: "tôi sẽ làm kinh bằng thơ lục bát", "tôi sẽ đi tu ở Ấn-độ."
Thoại thấy trong người thanh thoát, gần như khỏe mạnh. Nó tưởng phép lạ cứu nó thật. Nhưng thật ra chẳng có phép lạ nào, đó chỉ là ngọn lửa bùng cháy trước khi tắt. Cơn bệnh lại đổ xuống trên người nó.
Đêm rớt trên thành phố, Thoại ngồi một mình bên lề đường, nơi mái hiên một nhà hàng. Mấy người bạn vừa ngồi quây quần chuyện vãn đùa bỡn và nói đã đi hết. Chỉ còn lại mình nó. Nó khúc khắc ho, ôm lấy ngực. Nó bỗng thấy nước mắt dàn dựa trên má. Những người độc nhất có thể thương yêu nó, hiếu biết nó, đã từ giã nó. Nó trở về với sự cô độc khắc khoải, bứt rứt.
Cả cuộc đời Quách Thoại hiện về như một ảo ảnh của tuyệt vọng. Một cuộc đời một tuổi thanh niên bỏ đi. Bao nhiêu điên cuồng, bao nhiêu lý tưởng và bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu hy vọng và thất vọng, bao nhiêu ốm đau, bệnh tật, chán chường, sầu não, bao nhiêu nghiệp chướng tội lỗi, bao nhiêu lạc lầm, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nhiệt thành, bao nhiêu tủi nhục, căm hờn, bao nhiêu lang thang, phiêu bạt, bao nhiêu cô độc, bơ vơ, vất vưởng, lạc loài ...
Và kết cuộc, để đi đến đâu, để đi đến mấy bài thơ dở hơi, vô dụng, mấy bài thơ than van, kêu gào, ca tụng vẩn vơ... ấy thế mà nó vẫn mơ tưởng cách mạng cả cuộc đời, nó vẫn mơ tưởng tuyên bố được chân lý. Nhưng nó vẫn không thể thù ghét được cuộc đời, nó vẫn không thể phủ nhận sự thật, nó vẫn không thể nghi ngờ Thượng đế, nó vẫn không thể xa rời nghệ thuật.
Những câu thơ "văng vẳng" trở về với nó:
Ôi!... những tâm hồn nghệ sĩ
Chúng ta không quì lâu được
ở ghế nhà thờ
Chúng ta yêu cực điểm
một người đàn bà
Nhưng vẫn muốn chết
Sau khi làm xong một bài thơ
Chúng ta là những kẻ hoàn toàn bơ vơ
Không chịu thở theo nhịp đều hơi thở
Nhưng vẫn có thể chiến đấu
đến chết đi
Vì quá yêu cánh tay giản dị
một người thợ
Chúng ta ích kỷ tự ái thờ ơ
Nhưng vẫn luôn luôn thương yêu
niềm nở mong chờ
Khổ thay những tâm hồn chiến tranh nặng nợ là chúng ta
Những kẻ bộ hành đứng dưới một mái hiên ga
Để thấy tàu đi rồi khóc
Và lại nghĩ rằng
Mình cũng đã từng đi...
Nó cũng đã từng đi. Và bây giờ, đã sắp đến đoạn đường cùng, sấp đến giờ từ giã cuộc đời mà nó đã từng yêu, từng say mê, từng chiến đấu. Nước mắt lại tuôn ra ước đẫm trên má nó. Nó thổn thức khóc.
Vài tuần sau, Thoại hấp hối trong bệnh viện nơi một căn phòng bố thí. Một người bạn trẻ và người anh đến với nó những ngày cuối cùng và chôn cất nó nơi một nghĩa địa xa ngoài đô thành. Thoại nằm xuống lòng đất trong một bộ áo tu trắng với nơi cổ tay một tượng ảnh Đức Mẹ. Những giờ vất vả với cái chết trên giường bệnh Thoại van xin "Lạy Thượng Đế ban ơn".
Cho đến phút chót, Thoại vẫn kêu gào muốn sống.
(11.1960)
- Đứng Trước Thực Tại Lý Hoàng Phong Nhận định
- Nhà Thơ Quách Thoại Lý Hoàng Phong Tạp bút
• Quách Thoại, Nhà Thơ Thời Dựng Nước Cộng Hòa (Viên Linh)
• Nhà Thơ Quách Thoại (Lý Hoàng Phong)
- Tưởng nhớ Thi sĩ Quách Thoại tại Tiểu Sài Gòn (dutule.com)
- Quách Thoại, nhà thơ đấu tranh đầu tiên của Việt Nam (1930-1957) (Mặc Lâm, RFA)
- Tiểu sử thi sĩ Quách Thoại (tiengquehuong)
- Huyền thoại về một nhà thơ Huế (Võ Công Liêm)
- Ra mắt tập thơ ‘Giữa Lòng Cuộc Đời’ của Quách Thoại (Thanh Phong)
- Quách Thoại - Giữa lòng cuộc đời (Nhiều tác giả)
- Thanh Tâm Tuyền về Quách Thoại (Nhị Linh)
- Văn học miền Nam: Thi sĩ Quách Thoại (Nhị Linh)
• Trang Thơ Quách Thoại (Quách Thoại)
Thơ trên mạng:
- thivien.net - thica.net
• Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Nho Châu)
• Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh (Phạm Ngọc Lư)
• Vàng Lạnh Câu Thơ (Nguyễn Lệ Uyên)
• Một Thoáng Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Vy Khanh)
- Nguyễn Nho Sa Mạc: nguời thi sĩ tiên tri (Trần Hoài Thư)
- Gặp Nguyễn Nho Sa Mạc từ Nguyễn Thị Liên Phượng (Luân Hoán)
- Một nhà có 9 người làm thơ ở làng La Qua, Quảng Nam (Lý Đợi)
- Nguyễn Nho Sa Mạc Một ngôi sao xẹt qua bầu trời thi ca (Đỗ Trường)
- Nguyễn Nho Sa Mạc: Một tấm chiếu cho khổ nạn VN… (Blog Trần Hoài Thư)
- Thơ học trò, Nguyễn Nho Sa Mạc (Đặng Tiến)
• Trang Thơ (Nguyễn Nho Sa Mạc)
Thơ trên mạng:
- thivien.net - thica.net
• Tô Đình Sự, Người Ngoài Chân Mây Thênh Thang (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Tô Đình Sự, Một Người Bạn (Phạm Nhã Dự)
• Nhà thơ Tô Đình Sự (T. V. Phê)
• Mấy Ngày Sau Cùng Của Tô Đình Sự (Yên Bằng)
- Tô Đình Sự (Linh Phương blog)
• Trang Thơ Tô Đình Sự (Tô Đình Sự)
• Một Người Thơ Quảng Nam: Nguyễn Nho Nhượn (Diên Nghị)
- Nguyễn Nho Nhượn - một ánh sao bay qua bầu trời (Nguyễn Nhã Tiên)
- Nguyễn NHo Nhượn - Một tiếng thơ về thân phận, một trái tim yêu quê hương (Huỳnh Văn Hoa)
- Tưởng Nhớ Một Nhà Thơ Tài Hoa & Mệnh Bạc, Nguyễn Nho Nhượn (Mang Viên Long)
- Tưởng Nhớ Nguyễn Nho Nhượn (Lê Đình Phạm Phú)
- Nguyễn Nho Nhượn-Tiêu Biểu Qua Bài Thơ “Khi Trở Về Vĩnh Điện” (Mang Viên Long)
- Vài nét về nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn
(Nguyễn Nho Khiêm blog)
• Trang Thơ (Nguyễn Nho Nhượn)
Thơ trên mạng:
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |