|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Văn-học Việt-Nam hải-ngoại có một bộ phận chúng tôi gọi là “Người cũ, Việc xưa” thường gồm các bút ký và hồi ký mà trong hoàn cảnh chung của người Việt phải rời khỏi nước thường có tính cách chính trị. Hồi ký là tác-phẩm của một người trong một khung cảnh lịch sử với những sự kiện, biến cố trội bật, và phân tích của tác giả quan trọng vì người này có liên hệ đến những biến cố đó. Bút ký khi tác giả viết về đời mình hay chuyện xưa mà tác giả là nhân chứng - nhưng cái riêng mạnh hơn cái khách quan. Các tác phẩm này nói chung giúp nhiều cho sử gia những người đọc cùng thời với tác giả dễ có những phản ứng có khi đưa đến tranh luận hay gây thành chiến dịch phản công. Nói chung, với văn-học hải-ngoại, tính hồi ức và tự sự đã dàn trải trong đa số các tác phẩm xuất bản và trên các tạp chí, nhưng khi cái Tôi mở ra không thể kiểm chứng hay đối chứng sẽ dễ trở nên nguy hiểm và tỉ lệ hồi ký có khi rất thấp!
44 năm văn-học hải-ngoại cho thấy đã có một số khuynh hướng sáng tác và diễn biến tư duy của các tác giả Việt-Nam nói riêng và người Việt-Nam nói chung ở ngoài nước, về những vấn đề chính trị, xã hội liên quan đến họ, và nhất là những hậu quả của chiến tranh 1957-1975. Phần này chúng tôi thu gọn trong phạm vi văn học, nghị luận và hiện tượng hồi-ký. Các câu hỏi thường được đặt ra cho các tác-giả khi đặt bút viết hồi ký: viết tiểu-thuyết lịch-sử hoặc hồi-ký, bút ký? Và để cái Tôi chễm chệ nằm trên trang giấy hay sử-dụng nhân-vật văn chương? Viết ở ngôi thứ nhất hay thứ ba? Viết khách quan, tham khảo hay chủ quan, sống thực?
Văn chương không thể tách rời cuộc sống, nguồn gốc và quê hương. Với nhiều người thuộc thế hệ di dân thứ nhất, nói đến quê hương là nói đến quá khứ, và thường là quá khứ của riêng họ. Trong 44 năm qua, đã có hàng trăm hồi ký đã được đăng báo và xuất bản, tuyệt đại đa số viết bằng tiếng Việt, một phần rất nhỏ tác giả viết bằng hai ngoại ngữ chính là Anh, Pháp. Một phần viết chung với người ngoại quốc (Bùi Diễm, Nguyễn Cao Kỳ, Le Ly Hayslip, Nguyễn Thị Thu-Lâm,...) và phần nhỏ khác được người dịch chuyển ra ngoại ngữ (Trương Như Tảng, Bùi Tín,...). Mặt khác rất ít hồi ký do các tác giả phụ nữ viết, có thể kể Le Ly Hayslip, Nguyễn Thị Thu-Lâm, Đoan, Phạm Thị Quang Ninh (Cùng Nhau Trôi Nổi, 1999), Phạm Văn Bằng (Hồi Ký Tình Yêu, 2011),... Các ông thường viết về đời sống hoạt động công khai và hồi ký chính trị, khoe khoang quyền lực, thành tích trong khi đó các bà viết hồi ký có khuynh hướng viết hồi tưởng cá nhân và tiểu thuyết hóa, cho người đọc thấy những đau khổ và dằn vặt giữa đời sống công và tư riêng của họ. Trường hợp Yung Krall (Đặng Mỹ Dung) tác-giả A Thousand Tears Falling (Longstreet Press, 1995) là một ngoại lệ (được chính tác-giả dịch ra tiếng Việt: Nghìn Giọt Lệ Rơi).
Những năm gần đây, một số cơ quan báo-chí truyền thông của người Việt hải ngoại đã tổ chức những cuộc thi viết hồi ký và bút ký: giải Forum Viết Về Nước Mỹ (Writing on America) của Việt Báo ở Nam California sau in thành sách, 3 quyển, 2000-2002; Hành Trình Biển Đông của Foundation cùng tên, xuất-bản thành Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông (Westminster CA, 2003), nhật báo Viễn Đông với Chuyện Người Tù Cải Tạo (2 tập, 2007), Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo (3 tập, 2004-5), Chuyện Làng Báo Việt (2003), v.v. bên cạnh những cuộc thi truyện và thơ các báo, nhóm, hoặc các giải biên khảo và văn học của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do cho một số tác-phẩm sáng-tác và biên-khảo, v.v.
Về thể-loại hồi ký, bút ký thì trước 1975, ở miền Nam ít có hồi ký. Sau 1975, hồi ký và bút ký là thể loại chiếm một phần quan trọng từ 1980 đến khoảng năm 2000, sau đó thì thưa thớt hơn. Ở đây xin nhắc đến vài cuốn hồi-ký đã xuất hiện qua các giai đoạn khác nhau của văn-học hải-ngoại và chúng tôi nói đến những tác-phẩm có tính văn-chương. Đây là nhân chứng của tấn bi kịch chung trong đó có cuốn có giá trị văn-học đặc biệt.
Nguyễn Tường Bách ngay sau 1975 đã có hồi-ký Việt-Nam Những Ngày Lịch-Sử (Montréal: Tủ sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1981) lúc ông còn di trú ở Trung Quốc, và sau này khi sang Mỹ định cư có thêm hồi-ký Việt-Nam Một Thế Kỳ Qua (2 tập, 1998-2001, Thạch Ngữ) và tập tiểu thuyết Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn (Tân Văn, 1995) tất cả viết về giai đoạn Tự Lực Văn Đoàn và những con người cách mạng dân-tộc sau đó.
Nguyễn Khắc Ngữ lập nhà xuất bản Nghiên Cứu Sử Địa ở Montréal (Canada) lúc đầu in đóng theo lối thủ công, và đánh dấu tay, đã có công ghi lại Những Ngày Cuối Cùng Của Việt-Nam Cộng-Hòa (1979), trong đó ông đã tỏ phẫn nộ của con người trí thức dù khách quan của sử-gia vẫn là chính.
Cao Xuân Huy với Tháng Ba Gãy Súng (1986) chuyện mất nước với kinh qua của chính tác giả khi Huế rơi vào tay cộng sản Hà Nội vào tháng 3-1975. Anh trung úy Thủy Quân Lục Chiến không có ý làm người hùng, đi lính vì phải đi, như mọi người; đi lính vì tuổi trẻ và chống cộng vì mọi người chống cộng. Nhưng đánh giặc tận tình và sống vì danh dự, hết mình với đồng đội.
LM Vũ Đình Trác xuất-bản hồi-ký Rồng Xanh Ngục Đỏ: “hồiký của Người tị nạn Cộng-sản thứ một triệu lẻ một” (Garden Grove CA: Hội Hữu, 1986) từ sau biến cố 30-4-1975 cho đến năm 1980 vượt biển thành công.
Duyên Anh ngay sau khi vượt biên thành công đã viết hai cuốn hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ và Sài Gòn Ngày Dài Nhất (cả 2 đều do NXB Xuân Thu, 1988) cuốn trước về cuộc-đời tác-giả và cuốn sau về cái chết của thủ đô miền Nam khi bị Cộng-sản Bắc Việt cưỡng chiếm.
Nguyên Sa có tập Hồi Ký (Đời, 1998) về đời-sống và sinh hoạt văn hóa của ông trong khung cảnh xã hội, chính trị ở miền Nam. Trước đó, ông đã cùng Lê Bá Chư cũng đã tập trung các chứng giám của một số người trong cuộc (chiến-tranh Việt-Nam) trong tuyển tập Lịch Sử Ngàn Người Viết (Đời, 1995) - tiếc là chỉ xuất-bản tập 1 rồi thôi.
Nhà văn, nhà báo, phóng viên chiến trường Phạm Huấn cũng đã viết một số tác phẩm về chiến-tranh Việt-Nam: Cuộc Triệt Thoái (Khỏi) Cao Nguyên 1975 (TGXB, 1987), Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 (TGXB 1988), Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975: Tướng Phạm Văn Phú và những trận đánh (PC Art, 1988), Trận Hạ Lào, 1971 (San Jose, CA: Minh Ha & Huan Pham, c1990). Với vai trò sĩ quan trực tiếp làm việc cho các tướng lãnh và sĩ quan tư lệnh, ông ghi lại tài năng cũng như sở đoản và cả vô trách nhiệm của những người chỉ huy quân sự và đất nước trong việc mất miền Nam năm 1975, đồng thời ông vinh danh những người lính anh hùng, dũng cảm, những người lính mang cấp bậc thấp nhất cũng như các vị sĩ quan can trường như đại tá Bùi Quyền, ...
Lê Xuân Khoa. Việt Nam (1945-1995): chiến tranh, tị nạn, và bài học lịch sử. Tập 1. Bethesda MD: Tiên Rồng, 2004; khi tái bản lần thứ ba - do Người Việt Books 2006, đổi tựa là Việt Nam 1945-1990, Bốn cuộc chiến tranh và Bài học lịch sử). Tác-giả viết vì muốn đáp ứng nhu cầu phải học bài học lịch-sử và đi tìm sự thực về những biến cố đã xảy ra trên đất nước từ năm 1945 (và ông mong muốn viết tiếp phần về lịch sử tị nạn và cộng đồng từ 1975 đến 2015).
Hà Thúc Ký có “hồi-ký chính-trị” Sống Với Dân Tộc (Phương Nghi, 2009) về cuộc đời làm chính-trị từ trong ra ngoài nước. Giáo sư Vũ Quốc Thúc có hồi-Ký Thời Đại Của Tôi (Người Việt, 2010) gồm 2 tập: 1- Nhìn lại 100 năm lịch-sử và 2- Đời tôi trải qua thời biến.
Võ Long Triều viết loạt hồi-ký đăng nhật báo Người Việt (California) sau xuất-bản thành 2 tập Hồi-Ký (Người Việt Books, tập 1: 2009; tập 2: 2011). Hồi-ký của ông lúc đăng báo đã có những phản ứng của người trong cuộc, ở trong và ngoài nước. Ông đã cố gắng làm vai-trò nhân chứng trung thực, không kiêng dè – dĩ nhiên với mụcđích nói lên sự thật được chừng nào hay chừng đó và ở trong tư cách người Việt lưu vong từng có một số trách nhiệm thời chiến-tranh!
Tất cả các tác-phẩm hồi-ký về lao tù, “cải tạo” hoặc thời sống sau tháng Tư 1975 nói chung tố cáo chế độ Cộng-sản qua những điều mắt thấy tai nghe, qua những mưu đồ, hành động cướp phá miền Nam - con người cũng như vật chất, tinh thần.
Trần Huỳnh Châu là người đầu tiên xuất bản “hồi ký cải tạo” với Những Năm Cải Tạo Ở Bắc Việt (1981) kể chuyện bị “tù đày, cải tạo” sau ngày 30-4-1975. Phạm Quốc Bảo viết Cùm Đỏ (Người Việt, 1983; tái-bản 2018) vẽ lại bức tranh toàn cảnh của lao tù cộng sản dành cho những con người phục vụ cho nền cộng hòa Việt-Nam trước 1975.
Nhà văn đánh mốc cho thể-loại này vào giai đoạn tiếp nối của văn-học hải-ngoại là Hà Thúc Sinh với Đại Học Máu (1985) với hơn 820 trang cáo trạng đanh thép chống chế độ lao tù với mỹ từ “học tập cải tạo”. Trong lời Tựa mở đầu, tác giả cho biết đây là “bản phúc trình của người lính Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi, bị ở tù cộng sản, rồi thoát được ra ngoài, ngồi viết lại để kính gửi tới những ai còn thương yêu và còn quan tâm đến nước Việt Nam và con người Việt Nam còn lại”. Chuyện người lính tên Vĩnh nhập cuộc chiến, thua những kẻ không đáng thắng, anh bị khổ nhục nhưng vẫn tự tin và bất khuất. Sau sửng sốt của Đại Học Máu là hồi ký lao tù của những sĩ quan tâm lý chiến như Phạm Quang Giai với Trại Cải Tạo (“hồi-ký lao tù cộng-sản”, Houston TX: TGXB, 1986), Tạ Tỵ với Đáy Địa Ngục (tác-giả viết trong trại tị nạn Sungei Besi Mã Lai, từ tháng 9 đến 12-1982; San Jose CA: Thằng Mõ, 1985) vẽ lại chốn địa ngục trần gian ông đã trải qua nơi các trại cải tạo từ Nam ra Bắc, v.v.
Đặng Chí Bình là một trường hợp đặc-biệt, bộ hồi-Ký Thép Đen của ông được người đọc ở hải-ngoại đón nhận, được tái-bản và mong đợi tập sau; gồm 4 tập gần 2000 trang, viết trong thời-gian gần 20 năm (1985-2002) và do NXB Đông Tiến (San Jose CA) xuất-bản từ 1987 đến 2005. Đặng Chí Bình là bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh đột nhập miền Bắc, móc nối các tổ chức chống cộng, nhưng chẳng may bị lọt vào tay kẻ thù cộng-sản, và bị lao tù gần 20 năm. Đó là một trong những chiến sĩ anh hùng âm thầm, cô đơn kiên trì chống chủ nghĩa cộng sản ngay trong lòng đất địch. Ra tù, ông vượt biên tìm tự do và tiếp tục chiến đấu trong sứ mạng chống lại chủ nghĩa cộng sản bất nhân và cực kỳ độc ác.
Duyên Anh viết hồi-ký Trại Tập Trung (Xuân Thu, 1988) kể chuyện ông bị Cộng-sản bắt đi tù “cải tạo” và đời-sống trong tù.
Nguyễn Vạn Hùng xuất-bản Vùng Đất Ngục Tù “hồi-ký tù cải tạo” (Los Angeles: NXB Thời Luận, 1988), mà theo tác-giả, tập hồi ký này là "biểu tượng của cuộc đấu tranh thầm lặng ở những tù nhân, nó không chỉ xảy ra trong một trại tù mà là tất cả mọi trại tù”.
Hoàng Liên (Nguyễn Văn Đãi) với Ánh Sáng và Bóng Tối (1990) là hồi ký của 14 năm tù của một đại biểu chính phủ bị Việt cộng bắt vào dịp tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Huế và giam giữ suốt 12 năm. Cuộc sống trong tù với những đối đầu kẻ thù thường xuyên khiến tác giả có nhiều suy nghĩ về chính trị và thân phận con người mong manh.
Nguyễn Chí Thiệp có Trại Kiên Giam (Sông Thu, 1992) đặc biệt kể chuyện lao tù Cộng-sản dành cho những công chức hành chánh và chính-trị cao cấp của miền Nam. Phạm Bá Hoa có hồi-ký Ký Sự Trong Tù (Houston TX: Ngày Nay, 2008). Nguyễn Thanh Ty viết lại Trong Lao-Tù Cộng-Sản và Trại Đá Bàn & A.30 (2005).
Tạ Chí Đại Trường lúc còn trong nước đã gửi ra xuất bản Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài (viết 1982, xuất-bản 1993) suy nghiệm về thân phận nhục nhằn của những người trí thức thua trận, những người tù cải tạo bị đày đọa. Kẻ thẳng hành hạ họ, đời sống khốn cùng của cả xã hội đày đọa gia đình vợ con họ, và cả bản năng con vật biết suy nghĩ là họ cũng có lúc đẩy họ xuống cái tầm thường, nhỏ hèn. Cũng có những bất thường của người canh tù, những cảnh anh hùng của người bó thân. Cái kiếp sống khó hèn đó vẫn tiếp tục khi người tù học tập được thả.
Năm 2003 có hồi ký Tôi Phải Sống của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ thuộc một giáo xứ ở Tân-Tây-Lan nhưng xuất-bản tại Hoa-Kỳ và được tái-bản nhiều lần sau đó. Cuốn hồi-ký này được viết ra để tố cáo chế độ tù cải tạo của cộng-sản Hà-Nội đồng thời vạch mặt những kẻ cũng tù nhưng hai lòng, làm tay sai và đàn áp với đủ thứ bạo lực bất nhân tàn bạo đến gây nên cái chết của nhiều đồng tù. Được viết bằng chính mạng sống, chính kinh nghiệm khốn khổ của tác-giả, và với tác phẩm này, tác-giả đã kể lại con đường tìm ra lẽ sống của ông.
Thế Uyên với các tác-phẩm ở hải-ngoại đều do nhà Xuân Thu xuất-bản như Sài Gòn Sau 12 Năm (1989), Con Đường Qua Mùa Đông (1990), Nghĩ Trong Mùa Xuân (1992),... là những bút ký về những năm tù “cải tạo”, về quãng đời khó khăn ở Việt Nam, về những con người và cuộc sống đổi thay cũng như đời-sống nơi quê-hương mới.
Nhã Ca với Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa (1989) là tác phẩm đầu sau khi ra khỏi nước nhờ vận động của Văn Bút Thụy-Điển. Cũng như Sài Gòn Cười Một Mình (Thương Yêu, 1990) và Chớp Mắt Một Thời (1992) sau đó, là những hoài niệm về một miền Nam trước Tháng Tư Đen và chân dung xã hội mới với nhiều ấm ức khôn nguôi và cảnh đời ngang trái. Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (1990) của bà là những trang văn chương về một quãng đời kinh hoàng đầy bất hạnh. Nạn nhân là mọi người nhưng được thu gọn lại trong thế giới gia đình và bạn bè thân hữu văn chương. Những cái chết bi thảm, những cuộc sống vô định và những tình người chân thành, cả khi ở đáy ngục tối hoặc không còn gì!
Một đề tài khác đặc-biệt riêng của văn-học hải-ngoại là hồi-ký và bút ký về những thuyền nhân (và bộ nhân) tị nạn. Nhiều tác phẩm đã thành công nói lên những hậu quả tàn bạo của chiến tranh:
Lê Đại Lãng (Hồ Đắc Túc) với Nước Mắt Trong Tim (“bút ký Hồng Kông”, Tác-giả xuất-bản, 1990) về thuyền nhân miền Nam và Đường Phía Bắc (Đồng Dao, 1993; Trẻ, tái-bản, 2012) về thuyền nhân đi từ miền Bắc.
Võ Kỳ Điền (Võ Tấn Phước, 30-10-1941-) với Pulau Bidong, Miền Đất Lạ (1992), về chuyến vượt biển và đời sống cùng chân dung "con người".
Chuyện vượt biển và những bi kịch khác cũng được nhiều người khác ghi lại, như Vàng, Máu và Nước Mắt (Phạm Hữu Trác chủ biên, HQTYSVNTD) khổ nạn của giới y sĩ, Hải Tặc trong Vịnh Thái Lan (Dương Phục, Vũ Thanh Thủy và Nhật Tiến, 1981) trình bày những thảm cảnh vượt biển và tị nạn.
Trang Châu ghi lại biến cố “thuyền nhân” với những cuộc giải cứu đồng bào của chính ông trên biển trong Về Biển Đông (1995). Mai Kim Ngọc (Vũ Đình Minh) thì có Thuyền Nhân (Văn Nghệ, 1990). Nhà báo Nguyễn Ang Ca có tập hồi-Ký Giá Tự Do (Đại Nam, 1991).
Gần đây nhất, Huỳnh Công Ánh xuất-bản Hồi-Ký Vượt Tù Vượt Biển (2017, 370 tr.) in chung phần Anh-ngữ “Escape To Freedom from Prison Break Perilous Sea”.
Một khuynh hướng khác viết về chiến tranh như quá khứ nhìn lại và với cái nhìn suy tư của kẻ chín muồi đời, trong số có Đỗ Thúc Vịnh với Hoàng Hôn Tùy Bút (1991), Nỗi Ám Ảnh Của Quê Hương ('tuyển tập đoản văn'; Westminster CA: Đỗ Đỗ, 1996). Vũ Ký có Truyện Và Ký (1994). An Khê có tập Từ Khám Lớn... Tới Côn Đảo (Toronto: Làng Văn, 1992). Chủ báo Đinh Văn Ngọc có Hai Mươi Năm Thăng Trầm (1993). Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh có tập bút ký Những Mùa Xuân Trở Lại (Westminster CA: Việt Báo, 1999, tb 2007) tuyển những bài viết về con người, khoa học và sinh hoạt báo-chí, kỷ niệm báo tiếng Việt 130 tuổi và kỷ niệm 50 năm ông làm báo.
LM. Cao Văn Luận cập nhật phần đã xuất-bản trước 1975 và thêm phần cho đến ngày mất nước 30-4-1975, với Bên Giòng Lịch Sử 1940-1975 (Sacramento CA: Tan Tu Research, 1983).
Lê Văn Phúc viết Tôi Làm Tôi Mất Nước (1984) để tự trách và phúng thích những kẻ có trách nhiệm mà không hành xử cái trách nhiệm của mình; nạn nhân và thủ phạm là mỗi người! Thấy ai cũng viết sách đổ lỗi cho người khác, ông kể tội mình đã làm những việc góp phần làm mất nước.
Doãn Quốc Sỹ viết Người Vái Tứ Phương (Văn Nghệ, 1995) viết năm 1982 về đời sống ở miền Nam sau 1975, Mình Lại Soi Mình (Văn Nghệ 1995) chuyện va chạm sống chung sau 1975 và cuộc vượt thoát của nhân vật Phượng, Cò Đùm ('truyện dài', 1996) gồm những chiêm nghiệm về chiến tranh vừa qua, về những biến cố lịch sử khác, v.v.
Khuynh hướng xét lại chính mình, bản thân cũng như tập thể này cần phải kể đến Nguyễn Gia Kiểng với Tổ-Quốc Ăn-Năn (Paris: Thông Luận, 2000): tác giả nêu và đặt một số vấn đề lịch sử, nhân văn và văn hóa liên hệ đến đất nước và con người Việt Nam, đã gây bất ngờ, phẫn nộ vì dám đặt lại một số vấn đề kiến thức và biến cố, sự kiện lịch sử, về văn hóa và con người Việt Nam - trong khi mục-đích tác-giả cốt gây suy nghĩ và tự xét trí thức!
Ngoài ra, một số nhà văn cũng viết hồi-ký. Phan Lạc Tiếp viết Nỗi Nhớ (1995) bút ký 20 năm chinh chiến của một sĩ quan hải quân, kế tiếp là Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại (1995) bút ký về người và cảnh quê nhà trùng phùng.
Phan Lạc Phúc (ký-giả Lô Răng), cả đời viết báo, ở trong và ngoài nước, sau này mới tuyển chọn xuất-bản: Bạn Bè Gần Xa (Văn Nghệ, California, USA, 2000) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2002).
Nhà văn Xuân Tước có Hồi Ký 60 Năm Cầm Bút (Houston TX: Văn Hóa, 2000). Nguyễn Thạch Kiên có Búp Xuân Đầu (Phượng Hoàng, 2004), “hồi ức tình cảm xã-hội” dưới hình-thức tiểu-thuyết, các nhân vật thuộc giới văn-học và chính-trị và trải dài từ thập niên 1940 ở Hà-Nội đến thời-gian ở hải-ngoại.
Diệu Tần có tập Hồi Ký do Làng Văn Toronto xuất-bản làm 2 tập năm 2004. Luân Hoán có tập hồi ký Quá Khứ Trước Mặt (Nhân Ảnh, 2006) đặc-biệt về giới làm văn-học nghệ-thuật. Nguyễn Ngọc Ngạn có “bút ký văn-nghệ” Nhìn Lại Một Thập Niên (Làng Văn, 1995) vừa xuất-bản xong thì một số tranh tụng khiến cho nội-dung vô tình mất tính trung thực.
Các hồi ký vừa kể có tính cá nhân nhưng thường chung mẫu số với nhiều người trong cùng hoàn cảnh, do đó mang thêm tính tập thể, cộng đồng!
Cộng-đồng Việt-Nam hải-ngoại ban đầu gồm đa số người rời khỏi nước gốc từ miền Nam Việt-Nam Cộng-Hòa, về sau thêm thành viên bộ nhân, thuyền nhân và tị nạn chính-trị đi từ miền Bắc Cộng-sản. Nhà báo Bùi Tín, cựu đảng viên cộng sản, khi ra khỏi nước đã lần lượt vạch trần những tội lỗi, sai lầm của chế độ cộng sản trong hai tập hồi-ký Hoa Xuyên Tuyết (Irwin CA: Nhân Quyền, 1991) và Mặt Thật (Saigon Press, 1993). Một người khác, Trần Nhu, cũng ra đi từ miền Bắc, trong Địa Ngục Sình Lầy (Wichita, KS: Trịnh Thị Phương, 1990), đã ghi lại những kinh nghiệm sống trong một chế độ không có chỗ đứng cho con người. Nguyễn Anh Tuấn trong Cái Chum Vỡ (1996) ghi lại “cuộc đời thanh xuân đã cống hiến cho cách mạng” nhưng bị vùi dập đến phải bỏ nước ra đi tị nạn.
Vũ Thư Hiên, một nạn nhân khác của chế độ Hà Nội đã phải viết Đêm Giữa Ban Ngày (Văn Nghệ, 1997) để nói lên những uẩn ức của nạn nhân bị tình nghi “xét lại”. Cuốn “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị” nói như tiểu tựa của chính tác giả, là cuốn sách được người đọc chiếu cố nhất trong năm, tái bản không lâu sau lần xuất bản. Một đời người xuyên qua những bắt bớ, tù đày không lý do chính thức. Về vụ án xét lại, về sự thô bạo của Big Brother độc tài chuyên chính vô sản, sự thao túng, dâm bạo, quỷ độc của một thiểu số trong tập đoàn đảng trị nắm vận mạng đa số. Tác phẩm nói đến nhiều tai mắt nhưng hình như vẫn chưa đủ sâu phác họa, và cũng như Bùi Tín, tác giả hãy còn bị quá khứ ám ảnh nên nhiều khi mâu thuẫn trong phê phán công tội. Dĩ nhiên quá khứ oai hùng và huy chương vẫn được tác giả coi như đã thủ đắc.
Nguyễn Minh Cần, một cựu đảng viên nạn nhân khác, “cư trú chính trị” tại Liên Xô từ năm 1964, Mỹ du ra mắt tập Chân Lý Đòi Hỏi. Đây không phải là hồi ký mà là một tập hợp những bài viết về một số biến cố chính trị và nhân vật của đảng cộng sản Việt Nam mà tác giả từng biết và nhân chứng, chủ yếu là vụ Nhân Văn giai phẩm và vụ án xét lại. Nguyễn Chí Thiện có Hỏa Lò, Fournaise (Nouvelles, 2000) là một tập truyện ngắn và bút ký.
Trần Đĩnh có hồi-ký Đèn Cù (Người Việt Books, 2014) với tiểu đề “Số Phận Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản - Tự Truyện Của Người Từng Viết Tiểu Sử Hồ Chí Minh”.
Sự thành công của Đêm Giữa Ban Ngày và vài tựa khác vừa kể, chứng tỏ người Việt hải ngoại có một nhu cầu tài liệu lịch sử nhất là từ phía cộng sản. Họ chống giao lưu văn hóa mà họ nghi ngờ một chiều của cộng sản nhưng đồng thời lại thích đọc những tài liệu của những người chống đối nhà nước và Đảng cộng sản trong nước. Đó là một nhu cầu tự nhiên muốn biết những chuyện chưa biết. Vả lại, đó cũng là một nhu cầu chính trị: tìm đồng minh chống cộng sản, kẻ thù của kẻ thù là bạn, đóng góp hoặc thúc đẩy sự chống đối cường quyền trong nước. Tuy nhiên người đọc trong nhiều trường hợp thiếu thông tin không thể hiểu hết tại sao có những tác phẩm như vậy, có thể có một mục đích hiện chưa lộ rõ. Đã từng có những hiện tượng đáng suy nghĩ như vụ Nguyễn Hộ có chống tập đoàn Đảng trị trong nước nhưng ông không muốn đứng chung dù với một số người ở ngoài nước chống chế độ chuyên chính, vụ Hà Sĩ Phu viết Chia Tay Ý Thức Hệ là để nói với người cộng sản, góp ý xây dựng đảng. Rồi những tài liệu tự dán nhãn là “phản kháng” và “chui” được người ngoài nước tiếp tay xuất bản như nhiều văn bản từ cơ quan Tin Nhà ở Paris (tài liệu đi chui qua ngả nhân sự chính thức).
Có người chỉ lên tiếng vì lương tâm công dân hoặc phản kháng đã phải ở tù, trong khi có người chống đối vẫn ở biệt thự hoặc nếu có ra ngoài gia đình họ vẫn không hề hấn gì! Ly khai, bất mãn, thoát ly, đối lập, đối kháng, phản kháng, v.v. là những thuật ngữ chủ quan dễ tương cận mà cũng dễ có những cách biệt thực tế khách quan. Lại nữa, trong một chế độ chuyên chính, cá nhân làm nhưng tập thể hưởng công; đến khi có chuyện cơm không lành canh không ngọt, thì tập thể vẫn đẹp tốt, chỉ có vài cá nhân là xấu - đó là chuyện muôn đời hiện tượng và thực chất. Bẫy có thể không có nhưng rõ là diễn đàn bị giành và có tập thể mất phần chủ động! Mặt khác, sự thành công của các tác giả ly khai hay đối kháng này cho thấy có một tập thể có thể dung hòa hai thái cực chính trị: những người Việt ở Đông Âu.
Dĩ nhiên bên cạnh là những hồi ký không nhắm mục-đích văn hóa hoặc không thiết yếu phải là văn học. Đó là hồi ký của cựu Hoàng Bảo Đại, của các chính-trị gia, các tướng tá quân đội, các công chức, giáo-sư, v.v. Chúng tôi sẽ nói đến các hồi-ký này ở một biên-khảo khác.
Ngoài ra, khi một nền văn-học như ở hải-ngoại lâm vào tình cảnh “lão hóa”, bớt hoặc mất những uy thế văn-hóa, dễ xuất hiện những "tạp chủng” trong các ngành văn-học nghệ-thuật, kể cả mảng hồi-ký: đã có những ấn-phẩm (in và đăng báo) được người đứng tên tác-giả gọi là “hồi-ký” thật ra chỉ là những bài báo cắt dán ý tưởng và văn bản của người khác. Hiện-tượng này đã và đang xảy ra, nhờ các trang mạng và người đọc dễ dãi hoặc... đồng lứa!
Các hồi ký chính trị và các nhân-vật cộng đồng, gọi là “hồi ký” vì người viết đã khởi đi từ chuyện cá nhân và tập thể nhỏ, nhưng thường lây lan ra thành chuyện lịch-sử (liên quan đến lịch-sử một giai đoạn, một biến cố, một vùng đất, v.v.). Có một ngộ nhận lớn dù tâm có thể lớn của những người viết hồi ký. Họ viết hồi ký mà xưng là viết sử, soi sáng lịch-sử, trả sự thực cho lịch-sử, v.v. Rồi nào “cố gắng trung thực, khách quan”, v.v. Đã viết hồi ký thì không phải viết sử mà đã viết sử thì phải gạt chuyện hồi ký, cá nhân ra ngoài! Tham vọng nữa là khi viết hồi-ký đáng ra chỉ nên ngừng ở kinh nghiệm hành-xử chính-trị của cá nhân, nhiều vị lại đi xa hơn muốn để lại bài học và nhắm tất cả “đồng bào” (“lưu lại cho hậu thế những bài học lịch-sử cay đắng, chua chát...”, v.v.) hoặc muốn dạy đời: Bùi Diễm, Phạm Văn Liễu, Lê Trọng Quát, Nguyễn Bá Cẩn, Hà Thúc Ký, v.v. Hồi-ký của họ thường gây thêm nghi vấn hơn là trả lời... thỏa đáng!
15, 25, 30, 44 năm sau, vẫn là chuyện quên và nhớ: nói chung các chính khách và nhân vật cộng đồng qua hồi ký cũng như hội thảo, tranh luận thường hay quên tập thể, đất nước dù đó vẫn là những chữ trên đầu môi, còn quá khứ dù đẹp (anh hùng, người tù dũng liệt, v.v.) đáng cho vào văn-khố và... lịch-sử, thì lại thường được liên tục đánh bóng hoặc dùng để hù dọa! Trong nước thì cũng vậy, sau khi xóa quá khứ miền Nam Cộng-hòa khỏi quá khứ tập thể cả nước nay thống nhất biên giới (lừa đưa quân cán miền Nam vào các trại “cải tạo”, tiêu hủy các sách báo, xóa trong các sách lịch sử và giáo khoa, phá nghĩa địa quân đội và tượng Tiếc Thương, v.v.), quá khứ đó đã trở lại ám ảnh, phiền hà chuyện hôm nay (lãnh đạo trốn tránh sự thật lịch sử nên qua tới cựu thù đế quốc Hoa-Kỳ mà họ đã... thắng lớn (để buôn bán, ca hát để thu tiền), thì bị quá khứ làm đổ mồ hôi hột, đi cửa sau, vì cửa trước là rừng cờ vàng và có vùng còn chính thức cấm cản (như Vùng Phi Cộng-Sản/no communist ở vùng Quận Cam) - cũng vì các Nghị quyết Cờ Vàng của người Việt hải-ngoại như một thất bại chính-trị quá lớn khiến Cộng-sản Hà-Nội phải dốc “tài” để làm áp lực, triệt tiêu hoặc xâm nhập các tổ chức, cơ quan truyền thông, báo-chí và nghệ-thuật! Toàn những “tưởng chừng” phi lý mà có thực (tội nghiệp lý luận ông Hegel “tout ce qui est réel est rational” - có những sự thực không thể chối cãi). “Thường dân” Tưởng Năng Tiến năm nào đó viết Sổ tay “Mùa Xuân (chợt) nhớ chuyện mai sau” (ngà ngà lời ra) bàn chuyện hồi ký, dĩ vãng đã (lớn tiếng) kết “Nếu cả nước - từ trong ra ngoài - chỉ quay đầu nhìn về dĩ vãng (để nuối tiếc hay hậm hực)... thì hiểm họa đang đe dọa dòng sinh mệnh của cả dân-tộc Việt”!
Nhân chứng lịch-sử và quá-khứ nếu vẫn còn có trở ngại, nghi vấn, sẽ khiến làm giảm giá trị của những chứng-giám này. Ngôn-ngữ văn-chương, rồi cái nhìn, tầm nhìn của người trong cuộc khiến lời chứng mất hoặc bớt đi tính xác thực. Người chứng thật sự dĩ nhiên phải trải qua những kinh qua thật khó khăn, không bình thường, sống những tình huống vượt tưởng-tượng, hoặc không nhân tính, nhân bản; vả lại ngôn-ngữ không tả được, không nên lời, lỗ hổng ký ức,... khiến sự việc gì cũng "trở thành” khó-tin-mà-đã-xảy-ra, từ đó khiến giá trị hiện thực hay khoa học phải đặt lại. Dĩ nhiên phải có nhân chứng, phải có lời chứng, tập hợp chúng lại mới có được chất liệu làm nên một phần lịch-sử về một thời đại, biến cố, v.v. Và có trường hợp lời chứng phủ định ... lịch-sử.
Như vậy, đâu là biên giới giữa lịch-sử xã-hội và văn-chương? Quá khứ trưởng chừng đơn giản mà phức thể!
Hiện tượng hồi ký tạp và loạn thể loại có thể làm mất lòng tin tưởng nơi người trẻ, và các thế hệ sau muốn hiểu và viết lại lịch sử cận đại sẽ tha hồ bối rối giả chân. Nói chung, người viết hồi ký có thể là những nhân-vật quan trọng mà cũng có thể là bất cứ ai từng có liên hệ và kinh nghiệm xa gần với những biến cố lịch sử hoặc bên cạnh, cả nạn nhân của những biến cố đó! Nhưng thường là những thiên phóng sự về những việc đã xảy ra trong quá-khứ, nhiều giả tưởng, hoặc là “hồi ký” về người khác thay vì về mình. Dần dà sự kiện càng ít đi, nhường chỗ cho lý luận, cảm tưởng hoặc nhung nhớ dông dài, có khi trở thành những bản án, cáo trạng, chụp mũ. Đặc biệt trong các hồi-ký của giai đoạn hải-ngoại, là đều cho người đọc biết quan điểm hoặc khuynh hướng chính trị của tác giả cũng như cái nhìn liên hệ đến các biến cố lịch sử hoặc chính trị đã vừa qua. Nói chung hầu như tất cả các hồi-ký và bút ký hải-ngoại quá cá nhân hoặc cục bộ. Có thể nói người viết cả hai bên quốc-cộng đều chưa đụng đến căn cơ cuộc chiến – nếu không muốn nói là còn nhiều kiêng kỵ, tránh sự kiện lịch-sử, chưa phê phán rành rọt về các lý-thuyết chủ-trì cũng như các chiến lược!
Như vậy là sau 1975, ngoài thứ văn học của chính quyền và tập đoàn chủ trì chiến tranh, đã có những tác giả trong cũng như ngoài nước để tâm hồn nhìn lại cuộc chiến đó. Người đọc bớt phải tìm thấy thắng thua trong bộ phận văn học mới này. Các nhà văn thơ sau này thường nói đến những cay đắng thua thiệt của con người vì chiến tranh. Cái thắng thua nếu có là tình người, là tình yêu không biên giới quốc cộng, là sự sống còn, là nguyện vọng sống bình an, thanh thản và trên hết là con người với tất cả giá trị tự tại!
Thời gian đã giữ lại được gì của văn học chiến tranh và ... hòa bình từ nhiều thập niên qua, nếu không là những tâm tình, đời sống của “con người” luôn bị những lý thuyết và ý thức hệ to lớn và có khi xa lạ bủa vây chi phối. Những anh lính cộng hòa hay bộ đội, du kích “anh hùng” dần mất dạng trên diễn đàn văn nghệ, nhường chỗ cho những thanh niên thiếu nữ, những người trẻ và những người lính nay tuổi xế chiều âm thầm ôn chuyện cũ. Mảng văn học mới về chiến tranh ở trong nước chinh phục người đọc trong cũng như ngoài nước, Nhiều tác phẩm văn học xuất bản ở hải ngoại viết về chiến tranh và quê hương cũng được người trong nước tìm đọc dù khó khăn. Một mẫu số chung mà thời gian đã đem lại, khởi đầu với một số người. Tiếng nói của tình người dễ lọt vào tâm. Phản kháng của một người cũng là phản kháng của đa số thầm lặng, oan ức của một người cũng là oan khiên của đa số người dân.
Hồi ký đã là một hiện-tượng trội bật và đáng kể trong sinh hoạt văn-hóa và “căn cước" của cộng đồng người Việt ở ngoài nước. Thể loại này đã giúp nhận định, nhìn lại của các tác-giả đã có quá khứ Việt Nam cũng như các thế hệ thứ hai thứ ba sau có nguồn gốc, quê hương và nguyên quán vẫn là Việt Nam. Những tác-giả trẻ với những tác phẩm văn-chương viết bằng ngoại ngữ, dù ít nhiều vẫn dùng làm nền cái quá-khứ tị nạn, thuyền nhân của thế hệ trước, nhưng điều đáng mừng là chính các người trẻ tuổi có hay không có cùng quá-khứ này, chính họ đang làm chuyện lịch-sử và chắc chắn sẽ thay thế các vị đã và đang viết “hồi ký”! Nhưng đồng thời điều đáng buồn cho sinh hoạt văn học Việt-Nam hải-ngoại là các tác-phẩm này sẽ ngày càng bớt hoặc không còn sử-dụng tiếng Việt – một hiện-tượng tự nhiên của việc hội nhập và sống-còn của các cộng-đồng di dân ở bên ngoài nước gốc!
Tuy nhiên, ký-ức còn đi vào và để lại nhiều tác-phẩm văn chương cho văn-học hải-ngoại. Người cũ việc xưa đấy có thể là người thật chuyện thật, cũng có thể chỉ là một phần “thật” nhỏ nhoi, nhưng đã được các nhà văn nhà thơ văn-chương hóa, thi-vị hóa và nhiều tác phẩm đã được đông đảo độc-giả cùng hoàn cảnh đón nhận, với những Võ Phiến, Lê Tất Điều, Trần Vũ, Hồ Minh Dũng, Phùng Nguyễn, Ngự Thuyết, v,v. Quá Khứ là đề tài thường thấy nhất ở văn-học hải-ngoại! Người lưu đày có những nhu cầu, hy vọng và những âu lo riêng. Trong tình cảnh đó, quá khứ trở thành tổ ấm, ngọn lửa. Thời gian đã qua khiến dĩ vãng trở thành một thực tại thường trực, bất biến! Quê hương của người lưu đày như đối với người Việt sau tháng Tư 1975 là một quê hương đã mất nhưng đồng thời quê hương đó cũng trở nên không chắc chắn, mơ hồ vì cái mất mát ở đây không thể đo lường, thống kê như khi người ta đánh mất vật dụng hay tài sản! Quê nhà, không gian ấy, Sàigòn hay Nha Trang, Hội An, Hà Nội.... sống động trong những trang viết hay trong điệu nhạc, đối với người viết, như một hạnh phúc được sống lại, như đang sống, hạnh phúc còn có thể tìm thấy trong văn chương, nhờ đó mà còn có thể qua văn chương đi thăm lại những con đường khu phố xưa, càng xưa càng thấm, càng nhớ! Những trang chữ gộp lại có thể chỉ là bước đầu của một hành trình về lại quê nhà. Dù rằng ta không thể nào đặt chân hai lần vào cùng “một” dòng sông, nói như nhà hiền triết Hy-Lạp Heraclitus, quá khứ chỉ còn là những lắng đọng, cái còn lại của thời gian, cái còn lại sau khi đã mất tất cả! Đây là lý do tại sao văn chương “miệt vườn” nở rộ suốt gần hai thập niên đầu! Lần đầu tập thể người miền Nam lục-tỉnh xa quê, tâm tình lưu đày đặc biệt, nông nỗi, mãnh liệt, ... với những Hồ Trường An, Võ Kỳ Điền, Kiệt Tấn, Phùng Nhân, ... và được tiếp nối với những Võ Phước Hiếu, Tiểu Tử, v.v.
Mặt khác, ký-ức còn được sống lại với hiện-tượng tiểu-thuyết lịch-sử. Hiện-tượng này chứng tỏ một điều rằng người Việt Nam ý thức sống động cái biến thiên của quá-khứ, hiện tại, lịch-sử trong liên hệ với thời gian. Sự biến thiên này ảnh hưởng đến hiện tại vì dấu vết của kinh nghiệm gần nhất thường hãy còn hiện diện. Viết tiểu-thuyết lịch-sử ở những Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao,... như là một cách diễn bày tâm sự và xác tín sự tiếp nối thiết yếu của định-mệnh Việt Nam. Một quá-khứ lịch-sử đầy ký ức nơi con người nay cần tập hợp những định mệnh, nối kết nhiều kinh nghiệm lịch-sử cần được những thế hệ sau biết đến và học hỏi, chia sẻ. Chuyện kể nguồn cơn, vẽ, nối lại những mảnh chắp, vụn,... tái tạo một bảo đảm cho sự hiện hữu và trường tồn của dân-tộc - một mục-đích cao cả, đáng thán phục!
Đó là hai trong số những đề tài đặc thù của văn-học hải-ngoại chúng tôi hẹn sẽ có dịp trở lại.
- Nguyễn Minh Nữu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hân, Nhà Thơ Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu thuyết tiên phong Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Linh Mục Thanh Lãng, nhà văn học sử Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Thơ Hà Nguyên Du Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Về Một Cuộc Hội Thảo Văn Học và Báo Chí Miền Nam 1954-1975 Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Văn Chương Có Biên Giới Không? Nguyễn Vy Khanh Tiểu luận
- Đến với Ngất Ngưởng Một Đời Mây của Phạm Hồng Ân Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Túy Hồng Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Cao Thoại Châu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
• Tuệ Sỹ: Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
• Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)
• Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |