|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Việc đọc hiểu một văn bản xem ra rất đơn giản, hể ai biết đọc ngôn ngữ của mình là có thể hiểu được ý nghĩa của văn bản. Nhưng thực ra sự đọc hiểu văn bản không đơn giản như vậy vì có nhiều khi ta đọc mà không hiểu được ý nghĩa hoặc hiểu nhưng không hiểu hết hoặc hiểu sai ý nghĩa của văn bản. Mọi hệ quả của việc đọc đều bắt nguồn từ việc hiểu mà ra. Hiểu sai, hiểu lệch, hiểu chưa tới, hiểu ngược với ý tác giả thì các hậu quả tiếp theo sẽ rất khác nhau. Do đó, đọc phải đi đôi với hiểu, và đọc hiểu trên bình diện lý luận văn học là một vần đề khá phức tạp.
Trước hết xin được xác định vài khái niệm về đọc hiểu và văn bản là gì. “Đọc” là hoạt động của con người dùng mắt để nhận biết các ký hiệu hay chữ viết, dùng trí óc để suy ngẫm và lưu giữ những nội dung mà mình đang đọc, có thể đọc thầm cho mình hoặc phát ra âm thanh để truyền đạt đến người nghe. Còn “hiểu” là phát hiện và nắm vững nội dung của văn bản. Thuật ngữ “văn bản” chỉ phương tiện ghi tin và truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ (hay ký hiệu) nhất định. “Văn bản nghệ thuật” dùng để chỉ các loại hình văn chương như thi ca, tiểu thuyết, tản văn, ký sự, kịch bản văn học, kịch bản điện ảnh..v..v..
Tiến trình đọc hiểu một văn bản văn chương gồm bốn giai đoạn là trước hết đọc hiểu ngôn từ tức là tìm nghĩa của các từ lạ, khó hiểu, hoặc có gốc tích điển cố, tiếp theo là đọc hiểu hình tượng nghệ thuật tức cụ thể hóa để hiểu tình cảnh mà ngôn ngữ chỉ biểu đạt khái quát…, sau đó mới đến đọc hiểu tư tưởng và tình cảm của tác giả bằng cách kết hợp ngôn từ với các phương thức biểu hiện hình tượng, sau cùng là đọc hiểu để thưởng thức, để từ đó phát hiện chân lý đời sống trong tác phẩm.
Như vậy, văn bản là sản phẩm của hoạt động ngôn ngữ dùng trong giao tiếp, được diễn đạt bằng hình thức chữ viết. Các đặc điểm của văn bản là có sự thống nhứt về chủ đề, các câu văn kết cấu mạch lạc, có trình tự, và văn bản nhằm một mục đich giao tiếp nhứt đinh. Văn bản được sáng tạo bởi một hay nhiều người được gọi là tác giả và người đọc là người tiếp nhận văn bản. Tác giả và người đọc có mối tương tác với nhau. Không có người đọc, văn bản chỉ tồn tại như một vật thể.
Tùy theo lãnh vực hoạt động liên quan đến đời sống xã hội mà văn bản được sản sinh ra với các nội dung và hình thức khác nhau. Và dựa trên mục đích giao tiếp và phạm vi sử dụng, các văn bản được phân loại như sau:
- văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật như thơ, truyện, ký sự,…
- văn bản theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt như nhật ký, thư từ…
- văn bản theo phong cách ngôn ngữ khoa học như bài luận, báo cáo khoa học…
- văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính như đơn, biên bản…
- văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận như lời kêu gọi, bình luận chính trị…
- văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí như bản tin, phóng sự…
Bài viết này chỉ xin giới hạn riêng về văn bản nghệ thuật là văn bản viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương. Nó không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người. Đó là thứ ngôn ngữ được tổ chức, sắp xếp, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao.
Mỗi văn bản văn chương bao giờ cũng là lời nhắn gởi trực tiếp hay gián tiếp, kín đáo hay công khai của người viết về cuộc đời và cuộc sống. Bằng sáng tạo nghệ thuật theo phong cách riêng của mình nhà văn tạo ra tác phẩm bao gồm yếu tố khách quan và chủ quan nhằm gây một tác động đặc biệt lên tâm hồn người đọc.
Ngôn ngữ nghệ thuật khá đa dạng về thể loại, phong phú về màu sắc, biến hóa về tính sáng tạo và thống nhất ở ba đặc tính cơ bản là tính hình tượng, tính biểu cảm và tính hàm súc.
• Tính hình tượng: là đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Hình tượng văn học là phương tiện để người đọc giao tiếp với tác phẩm văn học. Thông qua hình tượng văn học người đọc hiểu được thế giới nội tâm, tình cảm, tư tưởng của nhà văn. Nếu hội họa là nghệ thuật của đường nét, màu sắc; âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu…; thì văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật được xem là chất liệu xây dựng hình tượng của văn học. Vì thế mà nhà văn được mệnh danh là nghệ sĩ của ngôn từ. Với tài năng sáng tạo, nhà văn tìm mọi cách cho hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của ngôn ngữ hòa quyện vào nhau để tạo ra những hình tượng làm sao để tạo thành những ấn tượng sâu đậm và lý thú trong tâm trí người đọc.
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Hai câu thơ trên trong truyện Kiều của Nguyễn Du là cả một bức tranh lộng lẫy, diễm ảo được vẽ bằng ngôn ngữ. Bức tranh có đủ sắc màu, đường nét, và mây khói, nó cho ta thấy không gian rõ nét, đồng thời cũng thấy được cái bóng hư ảo của thời gian. Qua hai câu thơ đó ngôn ngữ đã hoá thân thành hình tượng, và thi phẩm đã thăng hoa thành họa phẩm.
• Tính biểu cảm: Động lực của văn học là tình cảm. Tình cảm là ngọn nguồn, là sức sống, là linh hồn của cái đẹp. Chính điều này là cội rễ sâu xa quyết định một đặc trưng hàng đầu của ngôn ngữ văn học, đó là tính biểu cảm. Thiếu tính biểu cảm, người nghệ sĩ không thể phô bày được thế giới cảm xúc phong phú mãnh liệt của mình. Ngôn ngữ văn học không thể nào chấp nhận được sự khách quan lạnh lùng, vô cảm. Mỗi một lời nói bao giờ cũng phải được chất chứa đầy tình cảm. Mỗi một ngôn từ bao giờ cũng phải hàm chứa một sắc thái biểu cảm nào đó. Để tất cả hợp lại thành điệu tình cảm chung của tác phẩm.
• Tính hàm súc: Nói đến văn chương là nói đến tính hàm súc. Hàm súc hiểu nôm na là lời ít ý nhiều. Có lẽ vì thế mà hơn ở đâu hết ngôn ngữ nghệ thuật cần được làm giàu nghĩa để nó thực sự là thứ ngôn ngữ đa nghĩa. Đa nghĩa vì văn bản nghệ thuật thường bao hàm nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa hàm ẩn. Riêng nghĩa hàm ẩn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu ý nghĩa đích thực của văn bản. Ngoài ra, bản thân ngữ cảnh của văn bản văn chương cũng tạo ra tính đa nghĩa. Vì văn bản văn chương thường mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau nên để hiểu hết ý nghĩa của văn bản người đọc phải khám phá và hiểu các tầng ý nghĩa khác nhau ấy.
Những bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là tiểu biểu cho tính hàm súc, nhiều tầng ý nghĩa trong tác phẩm văn chương này. Bài thơ “Bánh trôi nước” của bà ngoài sự diễn tả chiếc bánh bình dân được ưa chuộng, còn tả đến một bộ phận trên cơ thể người nữ, nhưng thêm vào đó còn đề cập đến thân phận trầm luân chìm nổi của người phụ nữ. Hầu như tất cả thơ của bà đều hàm súc, đa nghĩa như vậy. "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm cũng hàm súc tương tự. Lá diêu bông là môt thứ lá không có thật, chỉ là lời thách đố được tác giả dùng như hình tượng nghệ thuật và tác giả dùng nó như cái cớ để biểu lộ tình cảm của mình…
Cho nên để truy tìm đầy đủ ý nghĩa của văn bản ta phải quan tâm đến ba lãnh vực: ý nghĩa vốn có trong văn bản, ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm tương quan với một hiện thực nào đó, và ý nghĩa do mối quan hệ của người đọc đặt vào văn bản.
Về lãnh vực ý nghĩa mà tác giả muốn gởi gắm trong tác phẩm, người đọc thường dễ dàng tìm thấy trong các tác phẩm cổ điển của nền văn học Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Vì quan niệm “văn dĩ tải đạo” hay “văn vị nhân sinh” nên các tác phẩm văn chương cổ điển thường phải “tải đạo” tức phải mang đến cho người đọc một thông điệp về “đạo lý” để cải đổi con người và xã hội. Hiểu một cách rộng ra, có thể nói “tải đạo” cũng là dùng văn bản để nói lên tình cảnh hoặc tâm tư tình cảm của người viết. Những áng văn cổ điển như Cung Oán Ngâm Khúc chuyển tải tâm tình của vị phi tần bị vua thất sủng, hay Chinh Phụ Ngâm Khúc là tâm sự của người vợ chiến binh lo sợ cho sự an nguy của chồng và nỗi cô đơn trong thời gian trông ngóng ngày trở về của chinh phu, hoặc Lục Vân Tiên nói lên nền luân lý xử thế của người quân tử ….
Riêng áng thơ tuyệt tác Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ngoài việc dùng hình ảnh nàng Kiều đề nói lên lòng trung với nhà Lê của mình, Nguyễn Du còn bày tỏ những đau xót, buồn thương, phẫn nộ trước "những điều trông thấy" khi phải sống lưu lạc hay ngay cả khi sống giữa quan trường trong giai đoạn giao thời đầy nhiểu nhương từ nhà Lê sang Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Long. Đồng thời truyện Kiều cũng nói lên tình cảm sâu sắc của Nguyễn Du đối với số phận người phụ nữ trong xã hội cũ, tài hoa mà bạc mệnh, cũng như kiếp nhân sinh và thái độ bất bình rõ ràng của ông đối với các số phận con người.
Ngoài ra, theo quan niệm mỹ học cổ Ðông Phương việc đọc hiểu tác phẩm văn học cũng là việc tìm sự cảm thông giữa những tâm hồn đồng điệu, là việc tìm giao cảm giữa những tâm hồn tri kỷ, tri âm. Nhưng việc tìm thấy được khách tri kỷ, tri âm thấu hiểu được tâm tư ký gởi trong tác phẩm không phải là dễ. Việc gặp được khách tri âm như vậy may ra ngàn năm có một. Do đó, mà Bá Nha đã đập đàn khi người bạn tri âm nghe thấu hiểu tiếng đàn của mình là Tữ Kỳ không còn nữa. Và cũng trong niềm ưu tư đó mà Nguyễn Du khi kết thúc Truyện Kiều đã tự hỏi:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Không biết ba trăm năm sau có ai trong thiên hạ thấu hiểu được tâm sự và cái chí của Nguyễn Du khi đọc Truyện Kiều.
Tóm lại, để hiểu một văn bản một cách thấu đáo ta phải tiếp xúc với văn bản, phải hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn của tất cả các tầng ý nghĩa của ngôn từ, cũng như thông hiểu các biện pháp nghệ thuật, các thông điệp tư tưởng, tâm tư cũng như các hình tượng nghệ thuật được dùng trong văn bản. Vì đọc là hoạt động tìm ý nghĩa, và vì ý nghĩa là cái không hiển thị rõ ràng nên đọc là hoạt động cảm thụ kết hợp với khả năng tiếp nhận của người đọc nhằm kiến tạo ý nghĩa cho văn bản, mà khả năng tiếp nhận lại tùy thuộc vào tri thức tích luỹ từ trước của chính người đọc. Cấp độ sơ đẳng nhất là người đọc phải nắm bắt đúng thông tin trong văn bản thì mới có thể nói tới các khâu tiếp theo như cảm thụ thẩm mỹ, tiếp nhận tâm tư và thấu hiểu thông điệp mà tác giả văn bản muốn gởi gấm.
Do đó, muốn đọc hiểu văn bản văn học một cách đứng đắn thì phải hiểu rằng mọi yếu tố của văn bản đều có nghĩa, các yếu tố đó lại kết thành hệ thống, và cái nghĩa có sức thuyết phục nhất là phải phù hợp, không mâu thuẫn với bất cứ yếu tố biểu hiện nào. Chỉ nắm lấy một vài yếu tố, bỏ qua, không đếm xỉa tới các yếu tố khác được xem là sự suy diễn cắt xén, một căn bệnh thường gặp nhan nhản trong các bài phê bình, giảng văn xưa nay. Cho nên phải tôn trọng các quy tắc về cách đọc thì mới tạo thành thói quen đọc có văn hóa, đáng tin cậy.
Như vậy, sau khi văn bản được ra đời, vai trò của người đọc rất là quan trọng trong việc đọc hiểu văn bản vì bản thân của văn học nghệ thuật nói chung và các văn bản nói riêng là sáng tạo ra cho người đọc. Nếu văn bản văn chương không có người đọc, nó chỉ là những trang giấy trắng có những dòng chữ đen vô hồn, vô nghĩa.
Không có tiếp nhận thì không có đời sống của tác phẩm vì tác phẩm chưa được sử dụng thì đó chưa phải là sản phẩm đích thực. Chánh người đọc đem sinh khí đến cho văn bản và biến nó thành tác phẩm văn chương. Số phận của tác phẩm nghệ thuật như thế nào là tùy thuộc vào nó và người tiếp nhận nó. Chỉ đến khi được người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật mới hoàn tất. Hoạt động sản xuất tinh thần này cũng giống như hoạt động sản xuất vật chất. Một vật phẩm được làm ra nhưng không được đưa vào sử dụng thì nó chẳng có ích lợi gì cho sự sống, và nó chẳng có giá trị gì cả. Một tác phẩm nghệ thuật được viết xong nhưng nằm im trong ngăn kéo của nhà văn hoặc không được ai đoái hoài tới thì chưa phải là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vì nghệ thuật có chức năng giao tiếp, nên văn bản nghệ thuật là phương tiện giao tiếp rất quan trọng của con người. Chánh quá trình sử dụng sản phẩm của nghệ thuật, là quá trình giao tiếp của nghệ thuật, là quá trình phát huy tác dụng chức năng của nghệ thuật. Quá trình đó xác định con đường sống hay số phận lịch sử của tác phẩm nghệ thuật.
Khi tiếp nhận văn bản, người đọc đã làm văn bản nghệ thuật thoát ly khỏi nhà văn để tồn tại một cách độc lập trong xã hội, trong từng người đọc. Mỗi người đọc phải tự mình đọc lấy thì hình tượng, cảm xúc và nội dung mới từ văn bản dấy lên trong lòng mình. Người ta không ai thưởng thức hộ cái đẹp, phong cảnh… cho người khác, hoặc xem hộ một bộ phim, thưởng thức hộ một bài hát, bài thơ cho kẻ khác. Do đó, đọc là hoạt động mang tính chủ quan cao độ, và gắn liền với trình độ tư duy của người đọc. Đọc hiểu là tự hiểu, không ai hiểu dùm được cho ai. Cho nên, cũng cùng một văn bản nhưng mỗi người đọc hiểu và cảm nhận khác nhau, chi phối bởi những định kiến khác nhau nên mới đôi khi xảy ra tình trạng hiểu lầm, tranh biện giữa nhiều người đọc cùng một văn bản đó.
Thêm vào đó, tình trạng hiểu lầm và tranh biện thường xảy ra còn vì một lý do khác nữa, đó là vì ngôn ngữ là một hình thái biểu đạt phiến diện. Con người không chỉ phát biểu bằng ngôn ngữ, mà còn bày tỏ bằng cơ thể, cử chỉ, giọng nói, dáng nhìn, vẻ mặt… Những tín hiệu ấy là một kiểu thông tin tiền ngôn ngữ. Ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và hiểu người đối thoại với ta một cách tổng hợp, năng động qua lời nói và cử chỉ của cơ thể. Ta tiếp thu điều người đối thoại muốn truyền đạt một cách toàn diện: vừa cảm vừa hiểu. Ngôn ngữ viết không được như vậy. Chức năng của ngôn ngữ viết là ghi lại những ý tưởng thành ký hiệu bất động. Do đó, ngôn ngữ viết tức văn bản tự bản thân không có đủ yếu tố cần thiết cho sự truyền đạt thông điệp một cách chánh xác.
Ngoài ra, theo quan niệm cổ điển đọc văn bản là đọc tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả đối với các hiện tượng của cuộc sống đời thường chung quanh. Cho nên để hiểu thấu đáo ý nghĩa của văn bản người đọc phải chú ý đến nhiều yếu tố ngoài văn bản như tiểu sử và đặc trưng tư tưởng của tác giả cũng như bối cảnh sáng tác và bối cảnh xã hội chung quanh, bối cảnh trong đó văn bản được sáng tạo, ngữ cảnh khi tác phẩm được viết ra hoặc ngữ cảnh khi người đọc đọc tác phẩm.
Chẳng hạn, để hiểu bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử người đọc phải biết bối cảnh ra đời của bài thơ. Đó là mối tình đơn phương của Hàn, một người tuyệt vong trong căn bệnh vô phương cứu chữa gởi cho người đẹp xứ Huế Hoàng Cúc mà chàng yêu say đắm trong tâm tưởng:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
……
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Những lý luận vừa trình bày cho thấy khi tiếp nhận văn bản người đọc đã tham gia vào quá trình làm ra tác phẩm cùng với nhà văn. Sự việc tiếp nhận đem lại đời sống cho tác phẩm vì tác phẩm chưa được sử dụng thì đó chưa phải là sản phẩm đích thực. Khi làm như vậy người đọc đã không tiếp nhận văn bản một cách thụ động mà đã tham gia vào chu trình biến văn bản thành tác phẩm nghệ thuật. Tiếp nhận văn bản là khâu hoàn tất cuối cùng của quá trình sáng tạo - giao tiếp của văn chương.
Nhưng từ khoảng giữa thế kỷ 20, sự tiếp nhận văn bản được nhìn lại dưới một quan điểm tích cực chủ động hơn. Sau khi nhà văn hoàn thành tác phẩm, văn bản được coi như thoát ly khỏi nhà văn và tồn tại như một hiện tượng, một vật độc lập khách quan. Và vì văn bản mang tính độc lập nên các nhà lý luận văn học theo trường phái Cấu Trúc (Structuralism) chủ trương rằng để khám phá nội dung của văn bản chỉ cần chú trọng đến cấu trúc của văn bản mà thôi. Đọc văn bản văn chương là tìm hiểu và giải quyết vấn đề tương quan giữa các cấu trúc hiện diện trong văn bản. Trước hết là cấu trúc ngôn ngữ thứ đến là cấu trúc hình tượng thẩm mỹ sau nữa là cấu trúc ý nghĩa.
Một trong các nhà lý luận văn học theo trường phái này là Jacques Derrida đã sáng tạo ra học thuyết Giải Cấu Trúc (De-construction). Qua học thuyết này ông chủ trương khi phân tích một văn bản ta phải đặt trọng tâm vào ngôn ngữ của văn bản và đặc biệt nhấn mạnh vào sự tương tác giữa người đọc và văn bản như yếu tố quyết định ý nghĩa của văn bản. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vào vai trò trội yếu của người đọc trong viêc tìm hiểu văn bản. Ngược lại với quan niệm cổ truyền tin rằng ngôn ngữ có khả năng diễn đạt ý tưởng và tác giả là nguồn gốc của mọi ý nghĩa của văn bản, Derrida phủ nhận vai trò của tác giả như là nguồn cội của sự tìm hiểu tác phẩm và theo ông chỉ văn bản mới đích thực là đối tượng của nghiên cứu. Ông cho là khi tìm hiểu tác phẩm văn học người đọc không chỉ đào sâu vào cấu trúc của văn bản mà còn phải tách rời tổng thể của cấu trúc ra để nghiên cứu và giải mã. Ðọc văn chương có nghĩa là tháo gỡ các ký hiệu văn chương trong văn bản, là tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thông qua các cấu trúc của văn bản như cốt truyện, kết cấu, nhân vật, đối thoại, không gian, thời gian v.v… Tiếp theo là tổng hợp các khâu của việc đọc như cảm tưởng, phân tích, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá, v.v… hầu phát hiện ra cái thông điệp mà văn bản gửi đến cho người đọc và chân lý đời sống trong tác phẩm.
Khi tiếp nhận văn bản, người đọc dựa vào toàn bộ nhân cách của mình, năng lực và kinh nghiệm cá nhân, thị hiếu thẩm mỹ, lập trường chánh trị xã hội, tình cảm và lý trí, tri giác cảm tính và suy tưởng trừu tượng,… để cố gắng làm sống dậy hình tượng, khôi phục những nét lờ mờ, làm nổi rõ lên phần ý nghĩa tiềm ẩn của hệ thống hình tượng, khơi dậy cảm xúc thẩm mỹ…, rồi từ đó thâm nhập vào chiều sâu tác phẩm để nhận ra mọi khía cạnh ý nghĩa của hình tượng. Nhờ đó, hình tượng từ tác phẩm sống dậy trong lòng người đọc, hòa đồng với văn bản. Vì mỗi người đọc có một hình tượng nghệ thuật riêng cho nên hệ quả là ý nghĩa của văn bản được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau. Ở những góc nhìn khác nhau, với những thái độ, quan niệm khác nhau người ta khám phá ra những giá trị khác nhau của tác phẩm văn học.
Đọc là phát hiện trong văn bản, một thế giới khác, những con người khác. Người đọc sống trong một thế giới tưởng tượng của mình, thông qua tác phẩm, xây dựng cho mình một thế giới riêng. Do đó đọc là một hoạt động tích cực; người đọc nhập cuộc hóa thân với những cảm xúc riêng của mình, những kỷ niệm, ký ức, khát vọng riêng. Đọc có nghĩa là chuyển đổi tác phẩm thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc, tư duy, tình cảm riêng của mình.
Nói một cách khác khi đọc một tác phẩm văn học, sự tương tác giữa người đọc với văn bản đã tạo dựng lại câu chuyên qua cãm nhận của người đọc. Vì vậy, với học thuyết tiếp nhận hiện đại, người đọc đã trở thành đồng sáng tạo với nhà văn.
Tuy nhiên, nói người đọc đồng sáng tạo tác phẩm với nhà văn đã dấy lên nhiều phản biện. Người sáng tác và người đọc là hai thực thể khác nhau trong quá trình tạo ra văn bản văn chương. Ðiều hiển nhiên mà ai cũng thấy là tiếp nhận phải là công việc sau khi văn bản đã thoát ly khỏi nhà văn và tồn tại như một hiện tượng, một sự vật độc lập khách quan. Người đọc chỉ tiếp xúc với tác phẩm là kết quả của quá trình sáng tạo của nhà văn chứ không phải cùng tham gia viết tác phẩm.
Tiếp nhận văn chương không phải là đồng sáng tạo, nhưng cũng không đơn giản là hoạt động thụ động. Tính tích cực chủ động sáng tạo của người đọc là ở chỗ người đọc khám phá ra giá trị của tác phẩm, giúp nó sống với thời gian bằng liên tưởng hay bằng tưởng tượng. Khi người đọc càng tìm ra nhiều tầng ý nghĩa khác nhau từ tác phẩm thì càng làm cho tác phẩm thêm giá trị. Chánh sự tiếp nhận và sự truy tầm ý nghĩa của người đọc mà giá trị của tác phẩm ngày càng sâu sắc, phong phú thêm. Như vậy, tác phẩm văn học không chỉ là của riêng tác giả mà còn là những hình ảnh, ý tưởng hiện lên trong đầu của người đọc. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho khía cạnh tích cực tham gia của người đọc vào hành trình tạo dựng giá trị cho văn bản nghệ thuật. Từ khi Truyện Kiều ra đời cho đến nay không biết bao nhiêu là người đọc Việt Nam và thế giới đã tham gia vào công cuộc truy tìm những nét thẩm mỹ đặc thù của tuyệt tác này. Càng nhiều khám phá càng chứng tỏ Truyện Kiều là một viên ngọc quý có một không hai của nền văn học Việt Nam.
Theo Nguyễn Hiến Lê một nhà văn có uy tín đối với đời sống văn học miền Nam, từ những năm 60 của thế kỷ trước khi bàn về "Nghề Viết Văn" cũng khẳng định nhà văn có thể không cần của cải vật chất, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình.
Như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã xác nhận rằng ngoài chuyện văn bản rất cần có người đọc, người viết văn, giống như Nguyễn Du đã ưu tư, là không chỉ viết cho người đương thời mà còn muốn gởi gấm tâm tình cho các thế hệ mai hậu. Do đó, đọc văn thực chất là một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện đại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa một nền văn hóa này và một nền văn hóa khác. Để kết luận có thể nói đọc hiểu văn bản là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống có văn hóa, một nghệ thuật cần phải được rèn luyện, cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác thông qua những mối tương giao tinh thần. Và văn học là nhịp cầu cho sự giao lưu đó, là cánh cửa của đối thoại. Vì vậy, về bản chất, văn học đích thực mâu thuẩn với sự phong tỏa, đóng kín và những rào cản. Cho nên, văn học rất cần không khí tự do để phát triển và văn nghệ sĩ cần tự do như con người cần được hít thở khí trời để tồn tại vậy.
0116
- Mẹ Trong Nhạc Và Thơ Việt Nam Nguyễn Minh Triết Nhận định
- Đọc Hiểu Văn Bản Nghệ Thuật & Sự Tương Tác Nhà Văn Với Người Đọc Nguyễn Minh Triết Khảo luận
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
• Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)
• Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)
• Nguyên Minh, một đời chung thủy với văn chương (Trần Thị Nguyệt Mai)
• Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |