|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn
qua nét vẽ của họa sĩ CHÓE
Cố gắng đi ngược lại quá khứ, đi tìm những thời gian đã mất như một nhà văn Pháp đã viết, tôi cũng không sao nhớ ra được đã quen với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trong trường hợp nào. Hình ảnh xa xôi nhất hồi ức là một buổi trưa nào đó tôi có một giờ hẹn và địa chỉ của anh trong một ngõ hẻm xe hơi vào được gần ngã tư Phú Nhuận, trên đường Võ Di Nguy, nay là Phan Đang Lưu. Tôi kiếm ra nhà anh không khó gì vì nhà Phạm Duy, tôi và Thi lui tới hơi nhiều, cũng nằm trong khu vực này.
Mặc dù là buổi trưa và có hẹn trước, cửa sất có những tấm chắn mỏng vẫn khóa kín. Chị Côn ngó ra nhận diện tôi rồi mới mở cửa và mời tôi lên thẳng căn gác gỗ phía trên. Anh Côn đang ngồi cạnh bàn đèn và ngọn đèn dầu lạc đang cháy sáng, mùi khói thuốc phiện đang thoang thoảng trong không khí. Chắc anh đang hút cữ buổi trưa và dĩ nhiên cửa đóng then cài là phải, các chế độ kế tiếp nhau của miền Nam đều cấm thuộc phiện, đều biết anh còn hút nhưng chẳng ai nỡ làm phiền tới một con người như anh, bởi vì trong hàng ngũ những nhà văn thời đó, không ai thân chính như anh. Tôi dùng chữ "thân chính" với ý nghĩa là anh tin tưởng và trung thành với chế độ, chính quyền của miền Nam, bất kể tổng thống hay thủ tướng là ai. Nhưng dù có là thế, anh vẫn thủ cho kỹ, tránh những ông kẹ cắc ké , thời nào và ở đâu cũng có, làm ẩu làm phiền bất ngờ.
Anh thoải mái tiếp tôi cạnh bàn đèn và tôi cũng thoải mái đến ngồi trên chiếu phía bên vì anh biết rõ ông bố tôi cũng là người nghiện thuốc phiện mới cai sau khi di cư vào Nam vài năm. Hai chúng tôi chuẩn bị cho điếu thuốc kế tiếp, những động tác đối với tôi thật quá quen thuộc từ thời quá khứ. Trong rất nhiều đêm ở miền Bắc trước 1954, bố tôi đã có cái lệ, sau bữa ăn tối, trao công việc chuẩn bị bữa hút tối cho tôi và cô em gái. Con gái trải chiếu, trải đệm mỏng và kê gối, tôi bê bình trà nóng từ phòng khách vào, bê bàn đèn đặt vào chính giữa chiếu. Và khi ông hút dư cữ thì mẹ tôi ngồi khâu vá trên giường phía xa một khoảng, còn bọn tôi qui tụ bên kia bàn đến hỏi bài vở và cũng để ông kiềm tra học lực học bạ. Ngoại trừ vài trường hợp hiếm hói, ông ít đánh hay la mắng con cái lớn tiếng nên những buổi tối xum họp gia đình ấy, tôi nhớ lại, thường êm đềm trong cảnh sinh hoạt gia đình. Cái bất thường duy nhất là bộ bàn đèn ở chính giữa, nhưng nó vẫn có đó từ quá lâu nên con cái coi như là bình thường. Nếu có một ảnh hưởng nào chăng thì hẳn là lũ con trai ý thức nghiện thuốc không phải là điều hay cho một nam nhân, nên về sau, khi đã trưởng thành, bọn tôi lắm lúc cũng chìm ngập nhiều khoảng khắc trong tứ đổ tường, nhưng chẳng có ai thuyết phục hay dụ dỗ được bọn tôi đi vào con đường ma túy bất kể loại nào.
Tôi đã chấp nhận từ đã lâu sự nghiện ngập như là một khuyết điểm của bố mình, và nếu sinh ra làm con dâu có chọn được cửa nhà giầu hay nhà nghèo thì cũng đâu vì bố mình nghiện mà phủ nhận bố đâu. Cũng vì thế giao tình của Nguyễn Mạnh Côn và tôi cứ thế diễn ra hai bên ngọn đèn dầu lạc, đến độ hầu như chẳng mấy khi tôi ngồi ở phòng khách dưới nhà và hầu như chẳng mấy ai biết chúng tôi thân với nhau chưa bao giờ hai người rủ nhau đi ăn bên ngoài hay tham dự chung một party nào ngoài đời.
Hồi ấy Nguyễn Mạnh Côn làm chủ biên thì phải tạp chí Chỉ Đạo, một tạp chí của Quân Đội nhưng mở rộng các đề tài ngoài xã hội và cho những người viết không phải là quân nhân công chức. Nhưng cái khung vẫn là quá chật cho một nhà văn trẻ, xông xáo, nên dù có lời mời của anh tôi cũng không biết viết gì cho hợp. Và mỗi lần lâm vào hoàn cảnh tế nhị như thế, tôi thường hay dịch một cái gì đó thay cho sáng tác hay đoản văn. Tôi đã dịch và đưa anh đăng truyện Đoàn Quân Mủ Đỏ lấy từ sách tóm lược đăng trên Selection (hồi đó quá dốt Anh văn, tôi không đọc được Reader's Digest), một hồi ký về sư đoàn 82 Không vận Hoa Kỳ trong cuộc chiến sống còn của đơn vị này trên một vùng đèo núi miền Bắc nước Ý trong đệ II thế chiến. Mặc dù được trả một khoản nhuận bút khá cao cho bản dịch này, nhưng tôi không kéo dài sự hợp tác vì thế giới văn học bên ngoài quyến rũ hơn n-hiều: Những tờ Bách Khoa, Văn Học, Văn... đang mở rộng diễn đàn của họ cho tôi
Nguyễn Mạnh Côn cũng cộng tác với tờ báo của Hồ Anh, tờ báo tái xuất hiện khá sớm ở hải ngoại và tồn tại đến tận giờ phút này. Anh giữ mục quan điểm/nhận định ở đầu mỗi số và ký bút hiệu Đằng Vân Hầu, tên một nhân vật anh đã tạo trong một cuốn sách khá ồn ào thời đó của anh (nếu trí nhớ của tôi không sai, đó là truyện BA NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ LÂM NẠN). Chính trong mục này có lần anh nhắc tới dòng họ của tôi cùng Tự Lực Văn Đoàn và anh đích danh đề cao ông bố tôi, Nguyễn Kim Hoàn, người quản lý chính tất cả các báo Phong Hóa, Ngày Nay lẫn nhà xuất bản Đời Nay, và cả nhà in riêng của văn đoàn này. Nguyễn Mạnh Côn đề cao khoa quản trị kinh doanh, vào thời đó còn là mới mẻ, và cho rằng mọi người đã không công bằng khi không ghi nhận tài năng và công trạng của bố tôi, nhân vật trong bóng tối này. Trước khi gặp anh tôi đã đọc và cảm tình với cuốn ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ của anh ký dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, nhưng rất có thể do bài báo trên mà cảm tình của tôi với anh tăng lên, đến mức độ tôi đến gặp anh chăng, hay là anh nhắn tôi tới để lấy bài cho Chỉ Đạo, tôi cũng không biết và nhớ rõ nữa.
... Nguyễn Mạnh Côn mảnh khảnh, thư sinh, đeo kính, vóc dáng như Nguyễn Văn Trung. [...] Có lẽ giữa chúng tôi có nhiều điểm chung nhau, sở thích giống nhau. Thí dụ như vào thời đó, cái mà người Mỹ sau này hay gọi là political correctness cho rằng một quá khứ quan lại thời trước chẳng nên nhắc tới, những chức quan phủ quan huyện đốc phủ sứ chẳng nạn, nên quên đi. Nguyễn Mạnh Côn trái lại tự hào với dòng dõi quan lại của mình. Anh bảo một xã hội có khá, bền vững hay không là do hệ thống quan lại mình đào tạo ra được và anh kể hồi nhỏ đi theo bố là một ông quan cai trị thời Pháp thuộc, anh đã học hỏi được rất nhiều điều.
Lúc ấy tôi còn trê lắm, nhưng nhờ đọc được Pháp văn, tôi đã biết lờ mờ vế cách thế đào tạo người lãnh đạo ở Hoa Kỳ: Phải cố gắng tỏ ra ưu tú khi còn ở trung học, phải tốt nghiệp một đại học lớn, phải vô được một trường Luật cố cựu ở miền Đông Hoa Kỳ, ra luật sư phải làm cho những văn phòng tổ hợp lớn, biết nhận cãi những vụ án ít tiền để lấy tiếng tốt và từ tâm, chuộng công lý lẽ phải. Rồi phải bắt đầu hoạn lộ từ những chức nghị viên hội đồng tỉnh/thành phố/quận, băng qua những chức dân biểu hay thượng nghị sĩ liên bang, bộ trưởng hay thống đốc tiểu bang. Tới đó mới đủ điều kiện tối thiểu ra ứng cử... Tổng thống, nếu có tham vọng này.
Biết đại khái thế thôi, nhưng nhờ những buổi mạn đàm hai bên ngọn đèn dầu lạc với anh Côn, tôi ý thức được một số ưu điểm của hệ thống quan lại Việt Nam thời quân chủ, mà sự thất bại ồn ào của tầng lớp này trong việc bảo vệ đất nước trước cuộc xâm lăng của Pháp, đã làm cho mọi người, trong đó có cả tôi, quên đi. Hai người, một trung niên một trẻ cứ thế gật gù đồng ý là phải đào tạo quan lại/viên chức cho thật cẩn thận vì cai trị vừa là một khoa học có thể học và cần phải học, vừa là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Có thể cũng đã vì thế tôi sớm hết tin ở sự thành công lâu dài của các đảng CS về phương diện cai trị/quản lý dân. Không thể thành công, không thể phát triển nhanh và mạnh, nhất là về địa hạt kinh tế, khi cứ lấy "hồng hơn chuyên", đưa những đảng viên trung thành với Đảng lên cầm quyền không cần học vấn, khả năng chuyên môn, biến những chuyên chính vô sản thành chuyên chính lười học. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là khi đã thưa lui tới căn gác gỗ của anh Côn, tôi đã biết kính trọng các nhà quản lý kinh tế/chính trị và biết tôn trọng các chính trị gia giỏi. Kể từ đó tôi thích đọc tiểu sử các nhà doanh nghiệp công nghiệp thành công lẫy lừng, như đọc tiểu sử các danh nhân các loại khác.
Có một lần tôi hỏi anh Nguyễn Mạnh Côn tại sao anh nghiện, anh đã trả lời ngay thẳng đại khái là nghe nói thuốc phiện làm tăng hưng phấn về tình dục và kéo dài được lâu cuộc làm tình, anh đã thừ. Khi tôi hỏi kết quả có đúng thế không, anh đã cười cho biết là đúng,... nhưng rồi anh thở dài rất nhẹ: Nhưng chỉ trong thời kỳ đầu mới hút thôi, khi đã nghiện rồi mọi sự trở lại bình thường.
Kể từ đó anh cởi mở hơn, thoải mái bàn với tôi những vấn đề liên quan tới tình dục tới sex -trong các bạn bè đủ loại tuổi của tôi thời đó, ngoài Nguyễn Mạnh Côn, chỉ có Phạm Duy là người thứ hai có thể ngay thẳng bàn luận về tất cả mọi khía cạnh của địa hạt này, coi việc hạnh phúc trong việc giao hợp ngang hàng với hạnh phúc ăn ngon mặc đẹp có quyền thế hay danh tiếng.
Nhưng anh Côn hay đi sâu vào vấn đề tâm sinh lý của love & sex, viết ra truyện TÌNH CAO THƯỢNG, một truyện ngắn hơi dài một chút, in khổ đặc biệt hơi vuông trong đó anh đề cao sự hòa hợp về thân xác như một trong những điều kiện căn bản để một đôi nam nữ kết hợp. Với tôi, đã đọc NGƯỜI TÌNH CỦA LADY CHATTERLEY của D.H. Lawrence qua bản Pháp ngữ, thì chủ đề của TÌNH CAO THUỢNG không có gì để tôi phải "xốc". Nhưng với độc giả Việt Nam thời đó thì anh gây xốc hẳn hoi, vì khác hơn nhà văn Anh còn để "người tình" là một cựu quân nhân nay làm kiểm lâm cho lãnh địa của ông chồng, vị trí xã hội cũng không đến nỗi tệ và mối tình xảy ra với sự đồng thuận của hai bên nam nữ trưởng thành. Trong TÌNH CAO THƯỢNG, người nữ bị cướp bắt cóc và hiếp dâm tập thể để rồi sau cùng nàng yêu tên cướp có cơ phận king size đó và dai sức trong cuộc tình, làm cho nàng thỏa mãn tối đa.
Nhưng anh không tiếp tục khai thác lối viết ấy, không biết vì có thể một số độc giả và người cầm quyền hồi đó còn cổ và chật hẹp lắm có phản ứng hay là tại về love & sex, càng về sau anh càng đẩy xa đến bình diện triết lý, siêu hình và "siêu nhiên".
Tính cách "siêu nhiên" ấy, theo tôi, bắt nguồn từ một sở thích khác chung giữa anh và tôi: cả hai đều thích đọc loại văn khoa học giả tưởng, dự tưởng. Bố tôi hay mua tạp chí Sciense Fiction của Pháp cùng với Constellation, Echo và Selection, ấn bản Pháp của Reader's Digest Hoa Kỳ. Và ngay từ lúc đầu tiên tôi đã mê đọc loại văn khoa học giả tưởng này và giữ nguyên thích thú đó với thời gian. Đến độ về sau đi lính, thời kỳ làm Đại đội phó một đại đội của Sư đoàn 5 đóng đồn ở vùng Củ Chi, tôi đã cao hứng kê giấy lên thùng đạn dịch hai truyện của Science Fiction gửi đăng trên một tạp chí ở Sàigòn. Và sau 1975 tôi tiếp tục đọc những truyện loại này dịch của Liên Xô và khá thích thú những nhà văn khoa học dự tưởng của đất nước rộng lớn này vì đa số viết như kiểu E.T nhiều hơn là kiếu Aliens. Nghĩa là tin tưởng ở thiện chí kết nghĩa liên hành tinh liên sinh vật trong vũ trụ, hơn là những thứ quái vật chỉ tìm cách xâm chiếm, làm hại loài người. Sau này, đã định cư ở Mỹ, khi đến tiệm video rental, tôi vẫn là người thò tay lấy những tape loại này, từ Star Wars đến Star Trek đủ loại, lang thang cùng phi thuyền vũ trụ Enterprises khắp các giải thiên hà.
Anh Côn lúc đó giầu hơn tôi nhiều nên ngoài các tạp chí, anh đặt mua từ Pháp những tuyển tập khoa học giả tưởng chọn lọc loại bìa cứng. Và hai chúng tôi cùng say sưa đọc và bàn cãi sau đó, như hệt về sau bà con say sưa đọc và bàn cãi về những "Cô gái Đồ Long", "Tiếu ngạo giang hồ"... của Kim Dung. Nhưng tôi chỉ ham đọc và cao hứng dịch một chút như đã nói ở trên. Không như Nguyễn Mạnh Côn, đã để loại văn ấy thấm vào người để viết ra những truyện như BA NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ LÂM NẠN, MỒ HÔI CỦA ĐÁ, MỐI TÌNH MÙA HOA ĐÀO ...
Một lần tôi hỏi đùa anh: Chữ "Côn" tên anh có phải là cái gậy, như trường côn đoản côn không? Anh đã trả lời: Côn là một loại cá kình cá ngạc của đại dương, tương tự đại bàng bay ba ngàn dặm trên trời cao. Bố anh đã đặt tên "Mạnh Côn" với ký vọng anh sẽ tung hoành ngang dọc sau này. Nhưng câu trả lời của cuộc sống nhiều khi bất ngờ: Anh đã không lập danh bằng đường võ, có lẽ một phấn do thế xác yếu ớt mặc dù đã có thời anh thử bằng cách nhận một chức trung úy đồng hóa không dẫn tới đâu cả. Anh cũng không thành công trong khoa cử! Nhưng anh lại thành công trong văn chương và tư duy, và với lối viết nhiều sáng tạo, đi vào cả "vùng cấm địa" của các cụ Nguyễn Đình Chiểu, thế giới siêu nhiên của khoa học giả tưởng, và sau này đi vào cả địa hạt tư duy chính trị có thị kiến viễn kiến vối cuốn sách khá dày HÒA BÌNH. NGHĨ GÌ. LÀM GÌ?. Đúng anh là một thứ cá côn, vùng vẫy thoải mái một thời, trong thế giới chữ nghĩa.
Trong thời kỳ đầu kết bạn với anh, có lần tôi bị một "tai nạn chữ nghĩa" vì anh. Tôi nhận được lệnh động viên và đến Trại Nhập Ngũ số 2 ở Tháp Chàm để làm thủ tục trước khi cùng hai bạn nữa, trong đó có một biên tập viên của tạp chí Thời Nay, đi xe lửa cùng một trung sĩ áp tải về trường Võ Bị Thủ Đức. Sau khi trình diện văn phòng Trưởng, một sĩ quan thông báo sĩ số khóa 13 vừa đầy đủ ngày hôm qua, do đó ba đứa tôi được hoãn một khóa. Cả ba vui mừng trao mọi giấy tờ cho trung sĩ áp tải mang về Phan Rang rồi chia tay nhau ai về nhà nấy. Tôi ghé thăm anh Côn. Anh vẫn thường quan tâm nhiều đến quân đội nên hỏi thăm tôi mọi sự rất chi tiết. Sau đó, căn cứ lời tôi, anh viết một bài, ký tên Đằng Vân Hầu, chỉ trích Trại Nhập Ngũ đã để các tân binh kể cả sinh viên sĩ quan nằm trên ván đầy rệp, hệ thống cơm nước không có, các cầu tiêu đều tắc và dơ bẩn, muốn đi cầu phải xin phép ra khỏi trại đi vào vùng đồng hoang bên kia nhà ga xe lửa, quanh những tháp Chàm hoang liêu.
Bài báo này gây một hậu quả bất ngờ: Một hôm tôi nhận một điện tín từ Trại Nhập Ngũ cho tôi 24 giờ phải trình diện Trại, nếu không sẽ bị truy tố ra trước Tòa án Quân Sự vì tội ... đào ngũ. Cái gì chứ chuyện này không có đùa được, chưa di lính mà đã can tội đào ngũ, tôi tức tốc lên đường ra Phan Rang và sáng hôm sau gặp lại hai bạn cùng hoàn cảnh. Trung úy trưởng trại chưa tới, một thượng sĩ già cho biết theo đúng thủ tục hành chánh quân đội, ba đứa tôi khi được trường Thủ Đức cho hoãn, phải lập tức trở lại Trại Nhập Ngũ để nơi này làm thủ tục "xuất ngũ" đã, bởi vì kể từ ngày nhập trại, bọn tôi kể như là quân nhân của QLVNCH. Ông già này cười nói thêm: Bình thường thì cũng chẳng sao, nhưng trung úy trưởng trại tức điên lên vì bài báo phê bình của Đằng Vân Hầu, nên mới quyết định làm tới như vậy. Dĩ nhiên phần ông và đa số hạ sĩ quan nơi đây không thích một biện pháp như vậy, nên chính ông đã bỏ tiền túi điện tín gọi bọn tôi ra gấp.
Chúng tôi bàn tán thêm rồi đồng ý với ông thượng sĩ: Anh ký giả của Thời Nay sẽ đứng ra giải thích và xin lỗi về chuyện đã xảy ra. Bề nào anh cũng không phải là Đằng Vân Hầu và tôi, tôi chỉ cung cấp tin tức chứ không có viết bài bào đó.
Bọn tôi được gọi vào trình diện một trung úy mặt mũi hầm hầm, nhưng vẫn nghe lời giải thích cũng như xin lỗi bọn tôi tỏ ra biết lỗi, biết điều và kể ra thì một trung úy cũng chẳng nên gay gắt quá, làm tới hẳn đụng trận với hai tờ báo, không hẳn là hay cho đường thăng quan tiến chức. Khi đã hoàn tất giấy tờ "xuất ngũ", bọn tôi hoàn tiền điện tín cho thượng sĩ già với lời cám ơn chân thành, rồi bước ra khỏi trại vào vùng đất khô cằn, cây cối thưa thớt, đường phố nhỏ và người đi lại lác đác. Biết tôi là nhà văn, anh Thức của Thời Nay đề nghị tôi lên Lambretta phóng đi ăn chung ở Phan Rang. Nhìn vùng đất cháy nắng cằn cỗi, hai đứa đồng ý dễ dàng vị vua cuối cùng của Chiêm Thành rút về đây mà tử thủ, thì chỉ có từ thua đến xập tiệm quốc gia mình.
Thức đề nghị ngủ đêm tại Phan Rang rồi sáng mai hai đứa cùng về Sài Gòn bằng xe Lambretta của anh. Chỉ có điều tôi hơi phiền là sáng phải dậy sớm cùng anh đi ngược lại Nha Trang lo công chuyện rồi mới trở ngược đường số 1 vào Nam. Sau cùng tôi cũng nhận, tuổi trẻ đang sung sức, tính phiêu lưu vốn có sẵn, đi dọc đất nước bằng xe hai bánh, tha hồ ngắm cảnh vì muốn dừng đâu thì dừng. Mỗi đứa thay phiên nhau lái 50km, khá mệt nhưng xảy ra một điều phiền mới: ngồi lâu xe Lambretta rất là mỏi bộ mông, do đó bọn tôi hay ngừng xe lại một chỗ nào đó, đi lại cho đỡ mỏi. Nơi ngừng lâu nhất là Cà Ná, quốc lộ khúc này chạy sát biển hoặc ven những đụn cát trắng mịn. Hai đứa ngừng một chỗ sát biển, leo đá ra ngoài ngồi ngắm sóng biển đập vào trắng xoá bọt.
Khi gần hết phiên tôi lái vào buổi chiều, thấy mệt nên khi băng qua khu Rừng Lá, đến một khoảng trống lớn mở ra hai bên quốc lộ, tôi đã quẹo vào một khu đất đầy vết bánh xe cày nát đất đỏ. Dựng xe xong tôi mới nhận ra đó là điểm các xe be kéo gỗ từ rừng ra nghỉ chân, trao cây và lèn cây cho chắc chắn trước khi di chuyển dài cả ngày lẫn đêm về các xưởng cưa ven biên Sài Gòn. Các xe tải máy thật bự, các giây xích rổn rảng, tiến thoái ồn ào... Từ lâu tôi vẫn biết, trên lý thuyết thôi, thợ rừng và dân xe be đa số là dân tứ chiếng giang hồ, rất mạnh mẽ và thô lỗ, và không thiếu gì những người sống ngoài vòng pháp luật ở thành phố, phải bỏ lên rừng. Bởi thế chẳng ngạc nhiên khi ngồi uống bia trong một quán tre lá đơn sơ ngay chỗ dựng xe, bọn tôi là những người duy nhất mặc quần áo chỉnh tề và sạch sẽ nghĩa là không dính đất đỏ và xăng dầu bê bết.
Nhưng đó là nói về phía nam nhân thôi, còn phía nữ thì khác, chưa chi đã thấy mấy cô áo bà ba xanh đỏ tiến ra, cô nào cũng to khỏe chắc chắn. Tôi không ngạc nhiên, vì có thế mới xứng với dân thợ rừng xe be đa số cởi trần nâu xì bóng loáng đầy các hình xâm kia. Hai cô kéo ghế ngồi cùng bàn, cô áo đỏ rót bia tiếp cho tôi với dáng điệu khá chuyên nghiệp, bỗng dưng nhìn tôi chăm chú, rồi đề nghị "Anh đi em một cái đi!" Tôi cười lắc đầu từ chối, cô nói: "Anh ở cư xá ... phải không? Trước kia em từng ở với bà con khu gia binh phía trong, vẫn thấy anh hoài". Tôi đưa mắt nhìn anh bạn đồng hành: mấy ngày đêm đi không ngừng để gỡ cái tội đào ngũ trước khi ... thành lính, lộ trình đầy biển, núi rừng, nắng và bụi, và bây giờ ở cái trạm ngừng chân giữa rừng hoang này... tất cả đã kích thích nam tính bọn tôi dữ dội. Nhìn mắt anh bạn, tôi thấy vẻ ngần ngừ rõ rệt, nếu tôi nhận thì anh cũng nhận. Nhưng rồi sau cùng tôi từ chối đi vào phòng trong với cô gái áo đỏ, dù còn nhớ mơ hồ đâu đây cô gái này, hồi đó cô hay mặc áo trắng với quần đen rất là bình thường. Trời đã xế chiều và quốc lộ 1 còn trải dài, dài lắm mới đưa được tôi về đến Sài Gòn, với người vơ trẻ mơn mởn đào tơ mà bây giờ tôi có thể đếm được từng ngày đêm còn được chung sống với nhau. Cơn lốc xoáy chiến tranh đã hẹn rõ ngày hẳn hoi để hút tôi vào.
Khi tôi kể lại chuyện đi Tháp Chàm lần hai này, với đủ chi tiết như thường lệ có lẽ vì cái nghiện buộc chân anh quanh quẩn trong thành phố, anh thích nghe và hỏi kỹ về những chuyến đi xa ly kỳ của những người bạn trẻ như tôi chăng- và điều bất ngờ là anh không đồng ý với quyết định của tôi không vào phòng trong "đi" một cái, với cô áo đỏ trên lý thuyết là người quen lối xóm năm xưa.
Anh bảo gặp gỡ ly kỳ như thế, nếu cần thì tôi tống anh bạn về trước, ngủ lại với cô ta qua đêm trong khu thợ rừng xe be, chắc chắn là sẽ có một kỷ niệm nhớ đời, và từ đó có thể dựng lên một truyện ngắn hay. Tại sao cô gái ấy lại lên tít nơi chốn đó mà làm điếm, cái gì đã thúc đẩy, hay làm cô sợ hãi... Hay biết mấy! Anh cứ tiếc rẻ hộ tôi, lại còn ra cái điều tôi chưa biết... sống cho ra sống, làm tôi sau cùng phải thú nhận là trước khi từ giã cô áo đỏ, tôi đã đưa tặng cô 10 đồng để ăn cơm tối. Lại nghe anh bảo: Dù không "đi" cái nào, cũng nên đưa 50 đồng (giá gái điếm bình dân thời đó là 50 đồng), mới là phải đạo ...
Sau tháng 4, 1975, trong những năm sống trong các trại cải tạo, tôi biết rất ít tin tức của "thế giới bên ngoài". Sau khi được tha về, tối tăm mặt mũi một thời gian khá dài vì những chưởng phong ra liên tiếp của nền chuyên chính vô sản đang được áp đặt tại miền Nam, chỉ thở phào ra được một chút khi được bổ nhiệm làm giáo sư Quốc văn như cũ, tôi mới được biết tin anh Nguyễn Mạnh Côn đã chết trên một trại cải tạo ba năm sau tháng 4, 1975. Và đúng là anh Côn, cái chết của anh không bình thường chút nào cả, và như Rashomon, mỗi người kể một cách, một ấn bản.
Ấn bản của tôi được nghe: Đúng ba năm sau ngày phải đi cải tạo anh Nguyễn Mạnh Côn cũng đứng trong đội của mình như lệ thường, đợi điểm danh xong là xuất trại đi lao động ngoài rừng. Nhưng đột nhiên anh tách ra khỏi hàng, tiến lên phía trước và cất tiếng nói với cán bộ trực:
- "Cách mạng đã hứa đưa chúng tôi đi cải tạo tối đa là ba năm (trí nhớ anh đủ tốt để kể ra là thông cáo nào đăng), hôm nay là đúng ba năm, vậy xin ban Lãnh đạo trại làm thủ tục cho tôi được tha về với gia đình: Anh bình tĩnh bảo: Cách mạng trước sau như một, đã hứa là giữ đúng lời!"
Dĩ nhiên cả hàng ngũ cải tạo lẫn cán bộ/vệ binh đều sững người ra trong khoảnh khắc, và anh Côn vẫn cứ đứng trước một mình, chờ đợi được trả lời.
Khi cán bộ trực đã tỉnh táo lại, ra lệnh cho các đội tiếp tục xuất trại đi lao động như thường lệ, anh Côn vẫn còn đứng lại, một mình trong sân rộng lớn. Theo lời người kể (một cựu trung sĩ Cảnh Sát), anh Côn được đưa lên văn phòng chỉ huy trại "làm việc". Đến chiều cũng không thấy anh về lán vì anh đã bị phạt nhốt dưới hầm. Vẫn theo người kể này, anh vẫn được cho ăn với muối nhưng không cho uống nước, và đến ngày thứ ba thì anh đầu hàng.
Một buổi sáng mùa mưa, trời u ám đầy mây, tôi đạp xe đi thăm một người bạn ở cư xá Thanh Đa trở về đến đường Phan Đăng Lưu thì trời bắt đầu mưa nho nhỏ. Tiện đường, tôi quẹo vô hẻm nhà anh để thăm chị Côn hỏi thăm tin tức. Đúng lúc ngừng xe trước thềm hiên trong ngõ rộng tráng xi măng quen thuộc, trời đổ mưa lớn, ầm ầm, tung tóe nước từ các mái hiên nhà. Tôi gõ cửa một lần rồi ba lần, không ai trả lời. Nhìn qua khe cửa, trong nhà không một bóng người, như bỏ hoang. Trời mưa quá lớn, cái áo mưa của tôi thì ngắn và rách, nên tôi cứ đứng đó thỉnh thoảng lại dùng bật lửa gõ vào cửa sắt. Tôi chỉ ngưng gõ sau lần thứ chín, con số hên nhất theo tín ngưỡng châu Á, rồi mưa thì mưa tôi vẫn đạp xe về. Gõ ồn như thế mà hàng xóm láng giềng không ai thò mặt ra coi xem là ai, hẳn có việc không hay xảy ra đâu đây. Tôi "biến" đi là hơn.
Trong túi tôi chỉ có tiền đủ đề phòng phải vá xe, nhưng thôi, đội mưa dẫn xe đi bộ về nhà nếu cần, tôi phải ghé một chỗ nào uống một ly cà phê nho nhỏ thôi. Tôi lạnh tôi hiu hắt quá rồi. Khi nhắp ly cà phê nóng nhỏ xíu đâu đó ven đường về, tôi châm điếu thuốc rê vấn sẵn, thở khói ra mưa và ...
Anh Côn chết là đúng rồi. Anh là con cá côn cá kình chỉ bơi lội thỏa thích trong biển xanh mà thôi. Nay bị thẩy vào biển đỏ, cá chết là đúng rồi.
- Mai Ninh - Tình Dục Và Các Nhà Văn Nữ Di Dân Việt... Thế Uyên Nhận định
- "Mạnh Côn", Cá Kình Thế Uyên Tạp bút
• Mười cái chết oan khiên của Văn Nghệ sĩ miền Nam (Phạm-Văn Duyệt)
• Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mạnh Côn (Nguiễn Ng. Í)
• Cặp Kính Của Bác Côn (Phạm Long)
• Truyện về ba người lính nhảy dù lâm nạn của Nguyễn Mạnh Côn (Trần Văn Nam)
• Vài Nét Về Nguyễn Mạnh Côn (Tạ Tỵ)
• "Mạnh Côn", Cá Kình (Thế Uyên)
• Hai Bài Học Từ Nguyễn Mạnh Côn (Đỗ Quý Toàn)
• Một Nhà Văn Lặng Lẽ (Tuấn Huy)
• Chiêu niệm Nguyễn Mạnh Côn (Viên Linh)
- Nguyễn Mạnh Côn, Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử
(Nguyễn Mạnh Trinh, chinhnghia.com)
- Kỷ Niệm Về Nguyễn Mạnh Côn (Nguyễn Triệu Nam)
- Tiểu sử tóm tắt (vietmessenger.com)
• Lời Nguyện Trong Không (Nguyễn Mạnh Côn)
• Nghĩ Thêm Về Cái Chết Của Từ Chung
(Nguyễn Mạnh Côn)
• Thương Đất, Nhớ Đất (Nguyễn Mạnh Côn)
• Nên Hiểu Truyện Liêu Trai Như Thế Nào?
(Nguyễn Mạnh Côn)
• Vĩnh Quyết Nhất Linh (Nguyễn Mạnh Côn)
- Vĩnh Quyết Nhất Linh (vietmessenger.com)
- Giới thiệu "Đêm Nghe Tiếng Đại Bác" (damau.org)
- Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử (vietmessenger.com)
- Lời Nguyện Trong Không (vietmessenger.com)
- Hình bìa các sách đã xuất bản (sachxua.net)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |