|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Tạp chí giấy Thư Quán Bản Thảo số 89, phát hành vào đầu Tháng Sáu, 2020, có một chủ đề mang tính thời sự: “Thơ văn mùa đại dịch.”
Cộng tác với số báo này, ngoài một số cây bút quen thuộc ở hải ngoại như Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Cái Trọng Ty, Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Cao Hoàng, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Văn Nhàn…, còn có sự góp mặt của những cây bút trong nước: Ngọc Bút, Khuất Đẩu, Đoàn Việt Hùng (Nguyễn Lệ Uyên), Huyền Chiêu, Lê Văn Trung, Từ Hoài Tấn, Trần Dzạ Lữ…
Đây là một số báo công phu và phong phú với chủ đề được triển khai qua nhiều thể loại khác nhau, từ biên khảo, nhận định cho đến các sáng tác thơ, văn.
. . . . . .
Đặc biệt, Thư Quán Bản Thảo dành một phần riêng để “tưởng nhớ một nhà thơ lớn chết vì đại dịch,” đó là Nguyễn Du, giới thiệu hai tài liệu cũ bàn về tác phẩm “Chiêu Hồn Ca.” Một, của Thiếu Lăng tường thuật về buổi nói chuyện (năm 1938) của nhà văn Trần Thanh Mại và một, do Hoài Thanh viết (năm 1942) phân tích lối văn bình dân của tác phẩm. Trần Hoài Thư cũng bàn về “Chiêu Hồn Ca,” nhưng qua bi kịch của trận đại dịch hiện nay, theo đó, “Chỉ có Văn Chiêu Hồn của cụ Nguyễn Du mới thích hợp cho hoàn cảnh nặng nề âm khí này.” ...
Tượng cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền
Nói đến sự nghiệp văn chương cụ Nguyễn Du, người ta thường chỉ biết có chuyện Kiều. Nhưng chỉ biết có chuyện Kiều không thể hiểu được tâm hồn cụ Nguyễn Du một cách hoàn toàn.
Chuyện Kiều đã đành rằng nhờ văn tài của cụ mới lưu truyền được đến bây giờ, song cốt chuyện vẫn là của người Tàu. Nhân đó có kẻ chê cụ ít tưởng tượng, không tự mình đặt ra được một chuyện mà phải đi mượn của người.
Nếu xét đến tình hình học thuật ta hồi bấy giờ, tưởng cũng không nên trách cụ Nguyễn Du về chỗ đó. Huống chi ngoài chuyện Kiều, cụ còn để lại nhiều văn thơ khác, do những tính tình, tín ngưỡng cùng cách sinh hoạt của người mình mà viết ra. Bài Văn Chiêu Hồn là một.
Bài này lần thứ nhất được đưa ra giới thiệu với làng văn là ở quyển Tiểu sử cụ Nguyễn Du do ông Lê Thước biên tập. Về sau trong quyển Văn đàn bảo giám ông Trần Trung Viên cũng có lục đăng. Nhưng xem chừng không được mấy ai để ý đến. Một đôi người có xem qua thì lại chê. Thậm chí có kẻ dám quả quyết rằng bài ấy không phải của cụ Nguyễn Du vì họ cho không xứng với tác giả chuyện Kiều.
Theo ý tôi lại trái hẳn. Không những Văn Chiêu Hồn là của cụ Nguyễn Du mà chỉ có cụ Nguyễn Du mới viết được bài văn ấy. Nói thế không phải không nhận chuyện Kiều và Văn Chiêu Hồn tính chất khác nhau. Chuyện Kiều là thuộc về lối văn bóng bẩy, hoa mỹ, cổ điển, lối văn để cho các người có nho học ít nhiều. Văn Chiêu Hồn là một bông hoa nở giữa đám bình dân chất phác, giản dị và hay tin những điều huyền ảo. Thực cụ Nguyễn Du đã tự mình sáp nhập với kẻ thường dân làm một mới viết ra bài ấy. Trong lúc viết, cụ đã quên mình là học trò ông Khổng, ông Mạnh mà nghiễm nhiên đổi lấy cái tâm hồn của anh phu cày ruộng, của bà lão nhà quê.
Văn Chiêu Hồn gốc ở một sự tín ngưỡng của bình dân
Nguyên dân ta vẫn thường tin rằng mỗi năm đến tiết tháng bảy ở dưới Âm phủ mở ngục cho vong linh lên dương gian. Những cô hồn không chỗ nương nhờ về than khóc và quấy nhiều người sống. Sở dĩ có sự mê tín này có lẽ bởi vì tiết tháng bảy ở xứ ta trời nóng nực và ẩm thấp nhiều người chết vì bệnh thiên thời. Đứng trước cảnh đau đớn đó người mình muốn tìm ra một cái nguyên nhân và một cách giải thoát. Cũng vì thế mà vào tháng này hay có sự lập đàn làm chay để siêu độ các âm hồn bơ vơ không thừa tự.
Một cái đề như thế mà trước kia chưa thấy ai đem vào văn thơ: đến sau này, các văn sĩ cũng tuồng như không biết đến. Trước sau tôi chỉ thấy có cụ Nguyễn Du. Chỉ một cái sáng kiến đó đã thấy cụ Nguyễn Du hơn các văn sĩ khác nhiều, gần hạng bình dân hơn các văn sĩ khác nhiều.
Văn Chiêu Hồn kết cấu theo trật tự của mối cảm tự nhiên
Nhưng phải xem trọn cả bài mới hiểu rõ là một bài văn rất có giá trị.
Mở đầu sáu câu tả cảnh thu: trời mưa liên miên như sùi sụt, xa xa ngàn lau nhuộm bạc một màu, lá ngô đồng rụng đầy đất, bóng chiều man mác trên cây dương, tiếng sương sa lác đác... một cái cảnh như gieo mối đau đớn vào trong lòng người đa cảm, sinh ra mơ tưởng những điều mắt không thấy, tại không nghe mà trong những ngày êm đềm, ấm áp không thể tưởng đến được. Trong một cái cảnh âm thầm não nuột như thế, tự nhiên ta thấy cái thế giới vô hình cũng có cũng thực như thế giới hữu hình vậy.
Nhà thi sĩ bỗng tưởng tượng những hồn đơn phách chiếc lưu lạc lênh đênh. Nào khách giang hồ, nào người khuê các, nào những vị quyền cao chức trọng tiền lắm bạc nhiều, cho đến anh học trò xác bỏ thân nơi quán dịch, người đi buôn, người đi lính, gái trăng hoa, anh ăn mày, người chạy giặc, đứa bé lỗi giờ sinh, mỗi người đều có mấy câu lược thuật lại cái đời của mình. Song dần dần trong trí nhà văn không còn phân biệt hạng người nào nữa, chỉ nhô nhúc, nheo nhóc một đoàn đau khổ: người chết vì ma thiêng, nước độc, sơn tinh, thủy quái, người chết vì voi, vì hổ, vì nước lũ, vì lửa thành, hoặc đương bơ vơ nơi thần từ, phật tự, nơi ngọn suối chân mây, hoặc đương lẩn quất chỗ đầu sông cuối chợ, điểm cỏ, vùng lau, cả cõi thế giới vô hình như hiện ra trước mắt nhà văn. Tiếng thở than khóc lóc nghe như ran dẫy dưới đất mà lọt vào tai nhà văn.
Nhà văn đây lại là một người rất giàu lòng thương người. Thấy cảnh khổ không thể không tìm phương cứu khổ.
Làm thế nào mà cứu khổ? Chỉ có cái triết lý uyên thâm của đạo Phật, chỉ có lòng từ bi mênh mông của đức Phật, mới rửa sạch được bao nhiêu nỗi đau phiền. Cho nên Văn Chiêu Hồn kết bằng một tiếng kêu van thiết tha, kêu van đức Phật tổ hãy dủ lòng thương xót chúng sinh. Xem đoạn này nếu ta không phải tín đồ đạo Phật, hay nếu ta không biết trong chốc lát tưởng tượng mình là tín đồ đạo Phật thì khó lòng mà thưởng thức được câu văn. Những chữ tứ hải quần chu, thập phương tam giới v.v... ta sẽ cho là khô khan. Song ta phải biết quên mình mới được. Ta có biết quên mình, ta mới thấy cái lòng thương người của tác giả sâu sắc là chừng nào. Chỉ trong một đoạn mà ba lần cụ Nguyễn-Du viết:
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ
. . . . . . .
nhờ đức Phật thần thông quảng đại
. . . . . . .
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
hơi văn đi như một bài kinh cầu nguyện, nghe thống thiết lạ.
Văn Chiêu Hồn đầy dẫy lòng thương người.
Lòng thương người của tác giả sâu sắc là thế mà lại rất mực rộng rãi, bao dung hết thảy các hạng người, không chia kẻ sang người hèn, kẻ hiền người ngu, kẻ tài hoa người đức hạnh đáng thương mà anh tướng giặc, gái giang hồ, anh trọc phú keo sẻn cũng đáng thương cả.
Lòng thương không phân đẳng cấp
Trước pháp luật, trước dư luận, trước đạo-đức còn có kẻ trọng người khinh, không thể dung hết được. Trước con mắt người sẵn mối từ tâm của nhà Phật thì ai cũng như ai, ai cũng đau khổ, ai cũng đáng thương, loài người có lẽ đến đây mới thực là đồng đẳng.
Lòng thương đối với con trẻ
Tựu trung trong lòng nhà thi sĩ vẫn như cố ý dành riêng một chỗ cho các kẻ yếu hèn. Mấy câu:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé.
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha!
Lấy ai bồng bế xót xa,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Mấy câu đó, ai đọc đến mà không lấy làm thương tâm?
Lại còn hạng buôn nguyệt bán hoa. Cụ Nguyễn Du đối với hạng này có cảm tình đặc biệt. Tôi không hiểu sao một người sống trong khuôn phép chật hẹp của đạo Khổng - tôi chỉ nói đạo Khổng theo lối các cụ nho ta thường hiểu thôi - mà có lòng bao dung như vậy.
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu.
Ngay trong chuyện Kiều, cụ đã để một tấm lòng vị nghĩa rất cao thượng, một tâm hồn rất trong sạch, rất nồng nàn trong thân xác một gái giang hồ. Chuyện Kiều có thể xem như một bài thân oan, gỡ tội cho hạng người bất hạnh đó.
Một điều nữa đáng chú ý: cụ Nguyễn như cảm thấy – không phải suy thấy – sự bất công của xã hội, của Tạo hóa đối với đàn bà. Câu:
Đau đớn thay phận đàn bà!
tôi nhắc lại trên kia là trích ở Văn Chiêu Hồn mà ở chuyện Kiều cũng có.
Văn Chiêu Hồn và chuyện Kiều
Về một phương diện khác chỉ hai câu đó trùng nhau cũng có thể khiến ta tin rằng Văn Chiêu Hồn chính cụ Nguyễn Du viết ra. Huống chi trong Văn Chiêu Hồn còn nhiều câu khác tương tự văn Kiều, như những câu này:
Mênh mông góc bể bên trời,
Nắm xương vô chủ biết nơi chốn nào
(Kiều:
Chân trời mặt biển lênh đênh
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào!)
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan!
(Kiều:
Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!)
Văn Chiêu Hồn là một bức tranh của xã hội ta hồi xưa
Trên kia tôi đã nói qua chuyện Kiều và Văn Chiêu Hồn khác nhau thế nào. Tôi còn nhớ có một vị giáo sư Pháp hỏi tôi: “Ngoài lời văn và âm điệu văn, trong chuyện Kiều có cái gì có thể tiêu biểu riêng cho tâm hồn người Nam không? Lúc bấy giờ tôi rất bối rối không biết giả lời thế nào vì tôi không muốn giả lời rằng không có; mà thực ra thì không có.
Ví thử vị giáo sư đưa câu ấy hỏi về Văn Chiêu Hồn thì câu giả lời thành rất dễ. Văn Chiêu Hồn là một bức tranh đơn sơ mà linh động của xã hội ta hồi chưa tiếp xúc với Âu hóa. Chỉ có xã hội ta mới tin có những cô hồn thất thểu trong rừng sim, hàng năm ăn nhờ hớp cháo lá đa. Chỉ có ở xã hội ta mới có cái cảnh:
Khóc ma mướn thương gì hàng xóm!
Hòm gỗ ra bó đóm đưa đêm,
Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm
Tàn hương giọt nước biết tìm vào đâu!
Phần tưởng tượng trong Văn Chiêu Hồn Nguyễn Du và Shakespeare
Nhưng giá trị chính của bài Văn Chiêu Hồn là ở phần tưởng tượng. Cái đặc sắc bài này cũng ở đó. Xem bài này ta thấy rõ trí tưởng tượng của cụ Nguyễn Du rất dồi dào, rất mãnh liệt. Trong trí cụ, những ý tượng (images) không phải chỉ thoáng qua mà lại cứ triền miên như không muốn dứt.
Mở đầu ra cụ đã nói đến xương khô:
Toát hơi mây lạnh lẽo xương khô.
Cách mấy câu, cụ lại viết:
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.
Mà nào đã hết đâu. Cụ còn nhắc lại hai lần nữa:
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương
. . . . . . .
Nắm xương vô chủ biết nơi chốn nào?
Cái hình ảnh những đống xương như không sao ra khỏi trí nhà văn. Câu văn thành ra lâm ly, ghê gớm; có nhiều đoạn thật lâm ly ghê gớm không kém gì những huyễn tưởng của Shakespeare trong quyến Macbeth hay của Goethe trong quyển Faust:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỷ không đầu đón khóc đêm mưa
. . . . . . . . .
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương
. . . . . . . .
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô da rét căm căm
Dãi dầu trong mấy muôn năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già...
Có một điều đáng lấy làm lạ là cái tiếng gà như có thần lực gì khiến loài ma quái phải sợ. Lạ hơn nữa là hai dân tộc xa nhau như dân Anh và dân ta mà cùng chung một tín ngưỡng đó. Trong vở kịch Hamlet, Vua Cha vừa mới hiện hình trên bãi biển, Elseneur chưa kịp thuật lại điều oan khuất của mình bỗng nghe tiếng gà gáy, vội phải biến đi, để về chịu hình trong hỏa ngục.
Hai quan niệm về sự chết: Nguyễn Du và Nguyễn Khắc Hiếu
Cụ Nguyễn Du cũng như Shakespeare khéo mượn tiếng gà gáy lúc canh khuya, khéo gợi những cảnh ma quái khiến người xem hiểu được cái vẻ kinh khủng, bi thảm của sự chết, bổ sung cho một cái khuyết điểm lớn trong văn nghệ ta.
Văn sĩ ta không phải không có ai đưa sự chết làm đề văn, nhưng thường chỉ cảm thấy một thứ buồn nhè nhẹ dịu dàng, man mác mà không sâu sắc. Ông Nguyễn Khắc Hiếu có viết một bài chừng như nhan đề Thăm mả cũ thì phải, tôi có nhớ mấy câu như vầy:
Hay là thuở trước khách văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường
Tài cao, phận thấp, chí khí uất
Giang hồ mê chơi, quên quê hương
Hay là thuở trước khách phong lưu?
Vợ con đàn hạc đề huề theo
Quan sơn xa lạ đường lối khó
Ma thiêng, nước độc, phong sương nhiều
Hay là thuở trước bậc tài danh?
Đôi đôi, lứa lứa, cũng đinh ninh
Giận duyên, tủi phận, hờn ân ái
Đất khách nhờ chôn một khối tình!
Suối vàng sầu thảm biết là ai
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó
Mưa dầu, nắng dãi, giăng mờ soi
Ấy thực quê hương con người ta
Nhắn bảo bên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế
Trăm năm ai lại biết ai mà!
Bài thơ ông Nguyễn Khắc Hiếu không phải không hay, lời chải chuốt, điệu êm đềm, nhưng nếu đưa sánh với Văn Chiêu Hồn, ta thấy khác nhiều lắm. Bài thơ của ông Nguyễn Khắc Hiếu chỉ hình dung được cái phần buồn mà không hình dung được phần đau đớn trong sự chết bởi vậy nên xa sự thực hơn bài Văn Chiêu Hồn. Bài thơ ấy là về lối thơ người mình dễ thích dễ cảm vì người mình vốn thiếu tinh thần mạnh mẽ, không hiểu được cái vui sâu hay cái buồn sâu.
Vì sao Văn Chiêu-Hồn ít được hoan-nghênh?
Có lẽ vì bản tính người mình như thế nên Văn Chiêu Hồn không được mấy người thích. Lại thêm trong bài này, lời văn có một hai chỗ hơi khắc khổ, không được chải chuốt. Nhưng theo ý tôi, phần này không phải phần quan trọng.
Một lẽ nữa là đối với những kẻ mới mon men biết đôi tí về khoa học, Văn Chiêu Hồn thường mang tiếng là văn dị đoan. Xem văn mà câu nệ như thế thì sao gợi được mỹ cảm. Ta xem Văn Chiêu Hồn là để trong khoảnh khắc mua lấy một thứ cảm giác lạ, để đưa mình vào cái thế giới tưởng tượng của cha ông ta ngày trước hay của hạng người thường dân ngày nay, để gợi mối từ tâm đối với mọi cảnh đau khổ, chớ có phải để tìm một cái triết lý mà theo, một cái lý tưởng để mà thờ phụng đâu.
Viết đến đây tôi lại nhớ hồi tôi mới lên 14 tuổi, theo học tại trường Cao đẳng Tiểu học Vinh. Trường học chúng tôi dựng trên bãi tha ma, ngày trước vẫn dùng làm pháp trường. Ở Vinh người ta vẫn tin chỗ ấy lắm ma. Những chuyện đương đêm vô cớ đá ném vào tường, những chuyện anh khán trường đào đất gặp phải đầu lâu đều là câu chuyện đầu miệng trong anh em ở dục tài. Nên đến dịp nghỉ hè, trước khi từ giã nhà trường, mấy thầy kiểm giáo góp nhau tế âm hồn để cầu yên. Cả năm chúng tôi nô đùa trên bãi cỏ sao cho khỏi phạm đến vong linh những người chôn ở đấy.
Lệ nhà trường tám giờ rưỡi đi ngủ. Chúng tôi ngủ được một chốc có ai vào đánh thức. Chúng tôi dụi mắt dậy, chẳng biết mấy giờ, cứ đi theo ra nhà chơi, một tòa nhà ba gian đồ sộ chắc chắn, và không có tường. Đèn điện đều tắt cả, chỉ liu hiu mấy ngọn sáp trên bàn thờ phủ cái khăn đỏ, ở chính giữa nhà. Trên bàn bày các lễ vật theo thói thường: hoa quả, xôi, chè, áo mũ bằng giấy. Mùi hương ngào ngạt. Ông kiểm đốc, ông người đã có tuổi, to béo, khăn áo chỉnh tề, quỳ trước bàn thờ đọc bài Văn Chiêu Hồn tiếng nghe vang... Tôi đương mơ màng nghe những câu:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đón khóc đêm mưa
. . . . . . . .
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già...
Tôi trông ra ngoài trời tối đen như mực. Giữa không trung như thấy từng đoàn ma quái đương đi, lại, khóc, than...
Lễ xong, họ dọn xuống, mời chúng tôi ăn. Chúng tôi cũng theo anh em ngồi lại. Nhưng xôi, chè, cháo cho đến các giống quả hôm nay sao có cái gì khác khác, tôi thấy ghê tởm lạ không dám động đến.
HOÀI THANH
(nguồn: Tràng An báo ngày 19-9-1942)
THT đánh máy
- "Văn Chiêu Hồn" thuộc về lối văn bình dân Hoài Thanh Khảo luận
- Hàn Mạc Tử Hoài Thanh Khảo luận
• "Văn Chiêu Hồn" thuộc về lối văn bình dân (Hoài Thanh)
• Bài Diễn Thuyết Bằng Quốc Văn (Phạm Quỳnh)
• Tại sao Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc? (Phạm Công Thiện)
• Nguyễn Du Đi Sứ Trên Quê Hương Lý Bạch (Phạm Trọng Chánh)
• Một bài Văn tế của một nhân vật tiểu thuyết cho một nhân vật tiểu thuyết... (Nguyễn Văn Sâm)
• Thăng Long (Nguyễn Du) (Huỳnh Sanh Thông)
• Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du) (Huỳnh Sanh Thông)
• Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
• Đọc lại Nguyễn Du (Vũ Hoàng Chương)
• Cỏ cây trong Truyện Kiều (T. V. Phê)
• Cái ghen của Hoạn Thư (T. V. Phê)
• Ngày giờ nàng Kiều bị bắt (T. V. Phê)
• Cảnh nghèo khó và bệnh tật của thi hào Nguyễn Du (T. V. Phê)
• Cù lao chín chữ (T. V. Phê)
• Mối tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với Nguyễn Du (T. V. Phê)
• Bảng Niên Biểu Nguyễn Du (Trần Ngọc Ninh)
• Nguyễn Du (1765 - 1820) (Phạm Thế Ngũ)
Thơ Trong Truyện Kiều (Trần Ngọc Ninh)
Đọc Lại Truyện Kiều Để Yêu Thêm Tiếng Việt (Đàm Trung Pháp)
Tủ sách Talawas:
Chân dung Nguyễn Du (Nhiều tác giả)
Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng (Đặng Tiến)
Tạp chí VĂN, số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du
• Trang thơ Nguyễn Du (Nguyễn Du)
• Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan ngâm) (Nguyễn Du)
• Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm) (Nguyễn Du)
• Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm) (Nguyễn Du)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |