1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Thể "Truyện Ký" nhân đọc quyển "Hàn Mạc Tử" của Trần Thanh Mại (Phạm Công Thiện) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      24-09-2012 | VĂN HỌC

      Thể "Truyện Ký" nhân đọc quyển "Hàn Mạc Tử" của Trần Thanh Mại

          PHẠM CÔNG THIỆN
      Share File.php Share File
          

       

      (Bài này trích ở tạp chí Giáo Dục Phổ Thông với sự đồng ý của ông Phạm Công Thiện. Trong bài này, tác giả có sửa lại đôi chỗ).


        Học giả Phạm Công Thiện

      Vừa tới Nha Trang, tôi đã gặp Quách Tấn, nhà thơ của Mùa Cổ Điển. Trong một biệt thự lặng lẽ ở một vùng lặng lẽ, chúng tôi đã nói chuyện nhiều lắm. Vâng chúng tôi đã nói về Chế Lan Viên, Bích Khê, Xuân Diệu, Tản Đà, Baudelaire, Verlaine, Valéry, Vương Bột, Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Masaoka Shiki, Issa, v.v... Rồi chúng tôi ngừng lại để nói về Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử của Trăng, của Hồn, của Ái Ân, của Điên Loạn, Hàn Mặc Tử của Mộng Cầm, Thương Thương, và của tác giả Mùa Cổ điển.


      Quách Tấn đã say sưa nói về Hàn Mặc Tử, miên man trong ba bốn giờ. Nhờ ông tôi được hiểu thêm về Hàn Mặc Tử, và nhờ ông, hôm nay tôi mới ngồi viết bài này để trình chính cùng độc giả, những ý kiến của tôi về một tác phẩm có giá trị được nhiều người nhắc đến. Tôi muốn nói quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại mà nhà xuất bản Tân Việt mới tái bản. Và cũng nhân tiện tôi cũng lễ phép "kêu gọi" những vị thức giả quan tâm đến một loại văn quan trọng hiện đang nghèo nàn và bỏ quên ở Việt Nam chúng ta. Đó là loại truyện ký (biographie).


      Đề cập một quyển sách xuất bản hồi năm 1941 và hiện nay tác giả nó đang sống bên kia, chắc có vài độc giả khó tính sẽ cho tôi là háo sự. Tưởng cũng nên có đôi lời biện minh.


      Từ vài ba năm nay, đã có nhiều người viết rất nhiều, nói rất nhiều về Hàn Mặc Tử (cả chữ Việt, chữ Pháp và chữ Anh). Song tựu trung tất cả các tác phẩm này đều có chung một dòng máu, nghĩa là bởi quyển "Hàn Mặc Tử" của Trần Thanh Mại mà ra (Tôi mong rằng tôi đã nghĩ sai... Ainsi soit-il)


      Chưa ai tìm ra nguyên nhân tại sao trong vòng mấy năm nay, đã có rất nhiều người nói về Hàn Mặc Tử. Người ta kỷ niệm ngày chết của Hàn, người ta diễn thuyết về Hàn, người ta viết kịch về đời Hàn, v.v... Thật là một quang cảnh bề bộn và bề bộn. Mà tất cả cái gì người ta viết, nói về Hàn, đều căn cứ theo quyển "Hàn Mặc Tử" của trần Thanh Mại. Vì thế mặc dù tác phẩm xuất bản đã mười mấy năm rồi tôi mới góp ý kiến, nhưng thiết tưởng cũng không muộn - phải nói: đúng lúc - vì quyển "Hàn Mặc Tử" của Trần Thanh Mại hiện nay mới thật sự được nhiều người đọc và tham khảo.



           Nhà văn Trần Thanh Mại

      Dù sao..., sở dĩ tôi nói đến quyển "Hàn Mặc Tử" của họ Trần, là muốn dẫn ra một trường hợp điển hình để luôn tiện nêu ra vấn đề nghệ thuật viết truyện ký ở nước nhà. Truyện ký hiện nay đã trưởng thành và rất phồn thịnh ỏ Âu, Mỹ. Song ở Việt Nam, hình như loại này chưa "hiện hữu". Một Trần Thanh Mại (với quyển Trông Dòng Sông Vị, Hàn Mặc Tử...), một Nhựợng Tống (với quyển Nguyễn Thái Học), một Nguyễn Hiến Lê (với quyển Gương Danh Nhân) chưa có thể làm cho truyện ký thành một loại văn riêng biệt đúng với tầm vóc của nó. Người ta đang chờ những André Maurois, những Lytton Strachey, những Emil Ludwig, với những quyển đại loại như Napoléon, Cléopâtre..., trong văn đàn Đại Việt. Chờ mãi!


      Ở Việt Nam mãi đến ngày nay, ít người phân biệt tách bạch thế nào là truyện ký thế nào là lịch sử, thế nào là tiểu thuyết truyện ký (như quyển Lust For Life của Irving Stone chẳng hạn), và thế nào là phê bình văn học (như một Dostoievsky của André Gide).


      Người viết truyện ký thật sự đầu tiên ở Việt Nam là Trúc Khê. Với quyển Cao Bá Quát (Tân Dân Hà nội xuất bản năm l940), Trúc Khê đi tiên phong về loại truyện ký ở Việt Nam. Quyển Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính không thể gọi là truyện ký, vì có nhiều chuyện huyễn quá, không thiết thực. Mà truyện ký lại vụ ở sự thiết thực như sử ký vậy.


      Người ta còn nhớ ngoài bìa quyển Trông Dòng Sông Vị, có đề như vầy "phê bình văn chương", nghĩa là Trần Thanh Mại đã xác định tính chất của tác phẩm ông. Song ở quyển Hàn Mặc Tử người ta không thấy Trần Thanh Mại đề gì cả. Nhìn thoáng qua toàn thể tác phẩm, tôi thấy hình như tác giả không minh định tính chất quyển sách của ông. Quyển Hàn Mặc Tử không thể gọi là một quyển truyện ký (vì một quyển truyện ký không cần phải có những chương phê bình về văn thơ của nhân vật mình viết, mặc dù nhân vật ấy là một nhân vật văn học). Quyển Hàn Mặc Tử cũng không thể gọi là một quyển phê bình văn học (vì những chương phê bình là một phần nhỏ trong tác phẩm của họ Trần). Mà nó cũng không thuộc vào loại Présentation như bộ Poètes D' Aujourd'hui của Thư Xã Pierre Seghers, như quyển Nietzsche của Garnier. Như quyển P. Soupault của Dupuy). Tôi cứ nghĩ ngợi không biết Trần Thanh Mại gọi tác phẩm ông là loại gì? (Có lẽ vì thế, ông không đề rõ tính chất như nơi bìa quyển Trông Dòng Sông Vị). Paul Valéry không muốn gọi thi phẩm Le Jeune Parque như thường tình ông gọi là "exercice". Albert Camus gọi quyển La Peste là "chronique"... Song, cả hai đều có lý riêng, còn Trần Thanh Mại sẽ gọi quyển Hàn Mặc Tử là gì để được hợp lý đây?


      Mỗi một nhà văn nào mới bắt đầu cầm viết cũng phải ý thức rõ rệt tính chất của tác phẩm mình. Đây là một điều kiện sơ đẳng nhưng tối cần ở cả phương diện sáng tạo và ở phương diện phê bình.


      Hình như họ Trần chỉ muốn viết về đời họ Hàn, nhưng vì ông vừa muốn làm người chép hành trạng vừa muốn làm nhà phê bình văn học, nên tác phẩm ông không có tính chất rõ rệt. Muốn phê bình quyển Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại, việc đầu tiên và quan trọng là phải tìm xem tính chất của nó là gì.


      Như chúng ta đã rõ, quyển Hàn Mạc Tử không phải là một quyển truyện ký mà cũng không phải là một quyển phê bình văn học. Song, vì phần lớn của tác phẩm đều viết về đời Hàn Mặc Tử, ta có thể tạm gọi là truyện ký. Có minh định như thế mới phê bình được. Vậy, sau đây, tôi sẽ nhận định quyển Hàn Mặc Tử theo quan điểm của nó là một quyển truyện ký như một Don Juan ou la vie de Byron, một Lélia ou la vie de George Sand, một Ariel ou la vie de Shelley của ông hàn Maurois hay một A Life of Shakespeare của Sir Sidney Lee... chẳng hạn.


      Về loại văn của tác phẩm, tôi đã nói rồi. Dưới đây, tôi sẽ chú trọng vào phương pháp của tác giả. Trước hết, ta hãy thảo luận về những điều sơ suất to tát và rõ ràng nhất trong tác phẩm. Ngay cái nhan đề quyển sách, tác giả cũng đã viết lầm. Ông đề là "Hàn Mạc Tử". Thật ra, phải gọi là Hàn Mặc Tử mới đúng.


      Trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử), thi nhân tuần tự lấy những biệt hiệu như sau: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử.


      Mới chập chững bước vào làng thơ, thi nhân lấy hiệu Minh Duệ Thị, ít ai biết biệt hiệu này. Nguyễn Trọng Trí bắt đầu nổi danh với hiệu Phong Trần.


      Một hôm, thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa:

      - Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước?


      Một bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng cho hiệu Phong Trần quá "trệ" và không thích hợp với con người của Tử. Bà có khuyên Tử nên đổi hiệu khác.

      Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.

      Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo:

      - Bộ anh ngó "dễ thương" mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng "yểu điệu thục nữ" quá! Âu là tôi gọi "cô Lệ Thanh" cho thêm duyên...


      Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh). Nhưng, Quách Tấn lại có ý kháy nữa:

      Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp "rèm lạnh". Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế?


      Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ:

      - Anh này thật đa sự! Không biết đặt "cái đếch" gì cho vừa lòng anh?

      Quách Tấn cười và nói rất ý vị, dí dỏm:

      - Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng.

      Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm "vành trăng non" trên đầu chữ A, thành hiệu "Hàn Mặc Tử". Chỉ thêm vào một dấu (Ă) mà ý nghĩa đã biến hẳn: chữ "Hàn" trước kia có nghĩa là "lạnh", nhưng rồi ghép với chữ "Mặc" (mực) thì trở thành nghĩa là "bút".

      "Hàn Mặc Tử" có nghĩa là "anh chàng bút mực".

      Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:

      - Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng!


      Ấy, câu chuyện về bút hiệu Hàn Mặc Tử đại khái là thế...

      Năm 1936, Tân Dân có xuất bản thi phẩm đầu tiên của Hàn, ta thấy biệt hiệu tác giả in rõ ràng là Hàn Mặc Tử. Nội bấy nhiêu, chúng ta cũng có một chứng cớ "hùng hồn" rồi.


      Liệt điểm đầu tiên tôi nhận thấy rõ ở Trần Thanh Mại là hay "nói to, nói nhiều, nói lớn chuyện lên..." (có nên vô lễ mà tóm gọn là "đại ngôn" không?). Có những sự kiện nhỏ nhoi, tầm thường mà ông đã "phóng đại" ra một cách dễ dàng và tự nhiên. Chẳng hạn ông bảo: "Thần Kinh, cái thành Capoue Việt Nam (trang 30, Hàn Mạc Tử, nhà Tân Việt in lần thứ hai).


      Capoue là một tỉnh thành ở miền Nam Ý Đại Lợi, bên bờ sông Volturno, mạn bắc đô thị Naples. Năm 215, đại tướng trứ danh Hannibal xâm nhập Capoue và dùng làm nơi nghỉ lạnh về mùa đông. Và Capoue bắt đầu trở thành trung tâm ăn chơi, hành lạc ở Ý Đại Lợi. Thành Capoue kinh tởm của Ý được đem ví với Huế hiền thùy thì tội nghiệp cho đế kinh quá đi!


      Ở trang 59, ông viết: "Lord Byron và không có cái chân què thì nền thi ca nuớc Anh sẽ thiếu biết bao là nguồn cảm hứng thuần túy cao siêu".


      Về việc què chân của Byron hiện nay chưa được xác nhận, còn nhiều giả thuyết. Vả lại dù Byron có què thật đi nữa (chỉ què nhẹ thôi), thì Byron chỉ thỉnh thoảng thấy hơi khó chịu thôi, chớ làm gì lại không có cái chân què thì "sẽ biết bao là nguồn cảm hứng thuần túy cao siêu"! Cái chân què đâu phải là yếu tố quyết định!


      Sau khi cử bài thơ "Nhớ khi xưa, ta là chim Phượng hoàng..." của Hàn Mặc Tử, ông Trần Thanh Mại lại nói một câu lạ lùng, lạ lùng vì nó làm người ta phải suy nghĩ: "Ta có thể nói là bao nhiêu tài nghệ của Hàn Mặc Tử nằm trong lối khẩu khí vậy". Người nào có đọc thơ Hàn Mặc Tử sẽ hiểu giá trị của sự phê bình này!


      Về hai vở kịch thơ của Hàn là Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội, tác giả viết ở trang 150: "Chúng ta có thể tự hào rằng đến cả văn học thái-tây, danh tiếng lẫy lừng nhất thế giới như nhũng kịch của Shakespeare và Lord Byron cũng không ăn đứt đuọc".


      Dù ái quốc đến cao độ, chúng ta cũng không khỏi thẹn về câu trên của tác giả.

      Byron là một trong những thi hào vĩ đại vào bậc nhất thế giới. Những vở kịch của ông là những vở rất giá trị, mặc dù Byron sở trường về thơ hơn. Ông là người Anh, nhưng ảnh hưởng ông lan rộng khắp thế giới: ỏ Pháp, Michelet bảo người ta say mê Byron như "liqueur forte". Chateaubriand phải nhận: "Byron đã đào trong nền văn học của nước ông một luống sâu hơn Voltaire".


      Nói về Shakespeare, thiên tài bậc nhất của Pháp là Victor Hugo còn phải kính mà gọi là "Ce Dieu de théâtre" (Préface de Cromwell), thi hào vĩ đại của Đức là Henri Heine phải khiếp mà đặt Shakespeare là ngôi thứ hai, chỉ sau Thượng Đế! (Camille Selden, Derniers jours de Henri Heine, p. 28). Thi hào vĩ đại của Anh T.S. Eliot phải nói: "Dante và Shakespeare phân chia thế giới ra giữa nhau, chứ không có người chú ba" (Dante and Shakespeare divide the world between them: there is no third). Những thi hào vĩ đại nhất thế giới đều kinh sợ Shakespeare. Chỉ riêng có Trần Thanh Mại ỏ nước Nam là coi Shakespeare "không có gang tấc" gì cả! (a good-for-nothing fellow)!


      Người ta đã cười Bernard Shaw (G.B.S) vì ghen tài đã nói huênh hoang: "If my play is not better than Shakespeare, let it be damned promply" hay "With the single exception of Homer, there is no eminent writer, not even Sír Walter Scott, whom I can despise so entirely as I despise Shakespeare when I measure my mind against him" ("Nếu kịch của tôi không hơn kịch của Shakespeare, hãy cứ để cho nó bị rủa ngay tức khắc đi" hay "Chỉ ngoại trừ Homère, không có tác giả lỗi lạc nào, ngay cả Walter Scott, mà tôi có thể hoàn toàn khinh bỉ như tôi khinh Shakespeare khi tôi đo trí óc tôi với ông ta")

      Có lẽ Trần Thanh Mại đã chịu ảnh hưởng những lời lẽ ngông nghênh của "G.B.S." chăng?


      Trần Thanh Mại có cái lối so sánh dễ dãi và lạ lùng như thế, nên chúng ta không ngạc nhiên khi ông đem so sánh đứa bé sơ sinh Hàn Mặc Tử và Marcel Proust! (trang 24). Trường hợp Marcel Proust đâu có giống Hàn Mặc Tử; Bác sĩ Adrien Proust bị bắn kia! Còn bà mẹ Hàn Mặc Tử thì "say sưa lướt khướt" (Theo Quách Tấn và bà mẹ Hàn Mặc Tử thì sự thật không có "say sưa" như Trần Thanh Mại vẽ vời!)


      Ngoài ra còn một điều sai nhầm cần phải cải chính. Nhiều người thường tưởng rằng mặt mày Hàn Mặc Tử lở loét ghê tởm lắm. Thật ra, theo Quách Tấn và vài người có gặp Hàn trước khi mất, thì mặt mày của Hàn chỉ xanh xao và gầy gò thôi, chứ không sưng lở như những người hủi khác (chỉ có tay chân Hàn sưng lở mà thôi).


      Phải chăng sự hòa hứng là sức chuyển động đã đưa ông đến sự thiếu dè dặt. Thành ra ông đã vướng những điều lầm lẫn như trên?


      Trong lời tựa quyển Hàn Mạc Tủ, Trần Thanh Mại đã viết một cách khoan khoái: "Với nhũng phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ, từng tính tình của nhà thi sĩ, từng giai đoạn trong đời người... khảo cứu về đời thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi phải xét rõ các thời đại chàng đã sống qua. Tôi phải viếng các xứ chàng đã ở, và sau cùng, tôi phải hỏi tất cả các người có liên lạc đến đời chàng. Và tôi nhận ra rằng học giả Tây phương tựu trung cũng không hành động ra ngoài phương pháp ấy". (tr. 15-16). Chúng ta hãy xem "phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam" của tác giả quyển Hàn Mạc Tử là thế nào?


      Một trong những nhà viết truyện ký nổi danh ở Mỹ, giáo sư Allan Nevins trong một thiên cảo luận How shall one write of a man's life? (người ta phải viết cuộc đời của một người như thế nào?), có đưa ra một quan niệm:


      "Không có một tác phẩm truyện ký nào không theo 3 tiêu chuẩn như sau: phải sáng tạo lại nhân vật chính thế nào mà chúng ta có cảm tưởng là nhân vật ấy sống được hoàn toàn. Chẳng hạn như nhân vật Johnson của Boswell là một nhân vật được sáng tạo lại (a piece of re-creation), nhưng người ta có thể đem so sánh một nhân vật sáng tạo (a piece of creation) như nhân vật Mr Micowber của Dickens hoặc Père Goriot của Balzac. Một quyển truyện ký tuyệt tác cũng phải thuật một câu chuyện nhất định (a compelling story). Truyện ký "Scott" của Lockhard và "Franklin" của Parton hay Van Do ren và ~Marlborough~ của Churchill đều là nhũng ví dụ về lối thuật chuyện linh động và thú vị vô củng. Sau hết, một quyển truyện ký phải kể nhân vật và cốt truyện chẳng những ý vị mà thôi, mà còn phải sâu sắc đối với kinh nghiệm bản thân phổ quát của chúng ta đến nỗi chúng ta có cảm tưởng rằng kinh nghiệm riêng của mình đã được khơi dậy một cách sống động".


      Chúng ta không phê bình phương pháp của Trần Thanh Mại theo 3 tiêu chuẩn trên, như vậy chúng ta sẽ vướng vào thái độ "cầu toàn trách bị", một thái độ mà nhà phê bình chân chính nào cũng phải tránh.


      Vì thật ra, ngay ở Tây phương, nơi loại truyện ký đã được sinh sôi nẩy nở đến cực thịnh, có mấy quyển truyện ký theo đủ tất cả 3 tiêu chuẩn trên. Chính Allan Nevins cũng than: "Một quyển truyện ký vĩ đại, thật sự mới hiếm làm sao! Thật là hi hữu, trong nền văn học của một quốc gia, có một quyển sách theo đủ tất cả 3 tiêu chuẩn trên !" (How rare is truly great biography, and how seldom in a nation's literature does a book meet all three of these tests!).


      Ta chỉ nên phê bình Trần Thanh Mại ở những điểm chính này: ông viết có vô tư không? Cách sưu tập tài liệu của ông (dồi dào? chuẩn xác? lọc lừa?...), nghệ thuật của ông thế nào?

      Đây là những điều quan hệ nhất cho loại truyện ký.

      Tất nhiên người viết phải có thái độ giao cảm với đề tài mình viết, nhưng tuyệt nhiên không được thiên vị lệch lạc.


      Đọc quyền Hàn Mạc Tử, người ta thấy tác giả chỉ ca tụng thi nhân với giọng say sưa khôn tả.

      Những vĩ nhân thường là những người dễ có những tật xẩu, lỗi lầm, đồng thời họ có nhiều đức trong sáng, đáng làm gương cho hậu thế. Bổn phận của người viết là phải trình bày đủ hết mọi khía cạnh của một thiên tài. Dù sao, thiên tài cũng là người, không phải là thánh nhân cũng không phải quái vật (B. Pascal).


      Trong một tạp chí Mỹ, ông hàn André Maurois đã than: "Many biographies have suffered because the author was prejudiced in favor of or against his subject" (Rất nhiều quyển truyện ký đã hỏng vì tác giả đã thiên kiến nghiêng về hoặc chống lại nhân vật mình).


      Vũ Ngọc Phan khen quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại có "nhũng tài liệu rất dồi dào".

      Sự thật, tài liệu quyển Hàn Mạc Tử không lấy gì làm dồi dào lắm.

      Nếu người ta chịu khó ngồi đếm những trương viết về đời Hàn (bỏ ra những chương phê bình văn thơ), người ta chỉ đếm được khoảng 80 trương (số trương theo khổ giấy của nhà xuất bản Tân Việt) chưa kể những đoạn trích thơ.


      Viết về cuộc đời của một nhân vật mới chết chưa trọn một năm, Trần Thanh Mại chỉ viết được non một trăm trương! Chưa kể những đoạn tác giả tưởng tượng, "làm văn" và vẽ vời thêm cho câu chuyện ý vị.


      Winston Churchill viết 4 cuốn sách dày cộm về đời Marborough (Life of Marborough, Nhà xuất bản Charles Scribner's) nhưng ông đã thú nhận chưa nói đủ (Tuy quyển này dày như thế, nhưng không có độc giả nào muốn Churchill viết bớt lại một chương cho ngắn hơn).


      Viết một quyển truyện ký ngắn như thể, tất nhiên Trần Thanh Mại không tìm được nhiều tài liệu cho lắm. Hình như ông chỉ có tài liệu nhờ Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng và một vài người nữa (vì lý do riêng, Quách Tấn và Chế Lan Viên không đưa tài liệu cho Trần Thanh Mại, vì thế tác phẩm đã thiếu sót rất nhiều).


      Nói về huyết thống Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại chỉ phác qua đôi ba dòng thôi! (một điều lạ trong một quyển truyện ký!) nên độc giả cũng không hiểu nguyên do tại sao dòng họ của Hàn Mặc Tử lại bỏ quê ở Thanh Hóa mà dời vào Thừa Thiên mà độc giả cũng không biết họ thực của Hàn Mặc Tử là gì (thật ra, Nguyễn Trọng Trí thuộc dòng họ Phạm, chứ không phải họ Nguyễn. Sở dĩ sự đổi họ cũng có một nguyên nhân chính trị). Về nguyên nhân gần của cái bệnh Hàn, tác giả cũng không biết đến. Tác giả đã làm cho độc giả thất vọng ở chương "Những người đàn bà đã kinh qua vào đời Hàn Mạc Tử" (tr. l05-l09), độc giả không thấy tác giả nói cái gì cho xứng với nhan đề chương sách (người ta thấy ngay rằng ông đã thiếu sót nhiều tài liệu). Ở chương nói về Mộng Cầm (tr. 97-l04), tác giả cũng thiếu tài liệu và khéo rào trước như vậy: "Hiện giờ chưa tiện nói rõ về tung tích, về đời tư của người đàn bà đã ghé vào đời Hàn Mạc Tử. Hiện bây giờ họ đương có gia đình riêng, tất nhiên có bổn phận riêng, cùng những mối e dè cấm kỵ buộc theo đó". Mộng Cầm là bí danh của nàng, vả lại nếu tác giả thấy nói không tiện thì đừng đề cập gì đến nàng cả. Thật ra, Mộng Cầm không phải là mối tình đầu của Hàn Mặc Tử. Hồi thi nhân ở Qui Nhơn, thi nhân có yêu say mê, yêu ngây ngất một cô bạn láng giềng "xinh như mộng" tên là Cúc. Vì thấy mối tình của mình khó đi đến hôn nhân, nên ông đã chịu đau khổ mà trốn đi cho biệt tăm, biệt tích!


      Thà rằng lìa tử mau nguôi

      Lìa sanh thấy mặt ngùi ngùi nhớ thương.


      Hàn Mặc Tử trốn vào Saigon đuổi đeo việc làm báo. Ngày nay, chúng ta còn thấy dấu vết của mối tình chỏm nở này trong câu thơ sau đây:


      Đêm nay xiêm áo tề chỉnh quá!

      Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương. (1)


      Trần Thanh Mại đã "nhẫn tâm" bỏ quên Cúc, tình nhân đầu tiên của Hàn Mặc Tử (có lẽ ông không có tài liệu gì về Cúc). Người ta bảo: "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm hồ dễ ai đã quên". Mới có mấy năm mà "ai" đã quên ai rồi!


      Tác giả rất đáng trách về một điểm nữa: Có lẽ vì lý do tình cảm riêng tư của mình, tác giả không chịu dành một chương trọn để nói về Quách Tấn, tri kỷ của Hàn Mặc Tử và người đã thừa hưởng cả thi nghiệp của Hàn Mặc Tử phó thác trước khi chết; chẳng những Quách Tẩn thôi, tác giả cũng nên dành vài chương cho Chế Lan Viên, Bích Khê, Trọng Miên và những người bạn chí thân khác của Hàn Mặc Tử. Tôi tưởng nên cử ra đây đoạn văn của nhà viết truyện ký trứ danh André Maurois trong The New York Times Book Review:


      "Một bí quyết rất quan trọng của nghệ thuật viết truyện ký là những nhân vật phụ thuộc phải được phác họa với sự cẩn thận và mến yêu như nhân vật chính. Không có một người nào tranh đấu đơn độc ở trường đời. Tất cả các vĩ nhân đều được bè bạn và kẻ thù rào bọc chung quanh. Nhũng nhân vật này phải được tác giả làm sống lại cũng như nhân vật chính" (A very important secret of the art is that the secondary characters must be delineated with the same care and love as the central figure. No man or woman was ever left to fight alone of life. All great men were surrounded by friends and ennemies. These tao must come alive).


      Tài liệu đã không dồi dào mà lại càng không chuẩn xác. Chẳng hạn về trường hợp "Mai Đình Nữ Sĩ" có thể hóa thành "tiểu thoại".

      Nội cái chữ "Nữ Sĩ" cũng đủ thấy tác giả hay mắc tật "đại ngôn". Trần Thanh Mại đã phóng đại và tiểu thuyết hóa đời Mai. Tên thật là Lê Thị Mai, biệt hiệu Mai Đình, quê quán ở Thanh Hóa và trú ngụ ở Phan Thiết. Cô là con gái của một nhân viên Tòa Sứ Phan Thiết. Người không đẹp xinh, tính tình lãng mạn, phóng túng, thích văn chương. Quách Tấn là người hiểu rõ về Mai Đình (Chính Quách Tấn đã bày ra cuộc tình duyên vu vơ giữa Mai Đình và Hàn Mặc Tử).


      Trong tập hồi ký về Hàn Mặc Tử (chưa xuất bản), Quách Tẩn có thanh minh "Mối tình của Mai Đình thật có chỗ khác thòng. Vì chỗ khác thường nên đã có nhiều nhà văn nhà báo đã thêu hoa dệt gấm cho mối tình ấy rất nhiều, kể cũng không hại gì cho đời văn chương của Tử. Đáng lẽ cứ để vậy cho đẹp song vì gia đình Tử đã nhiều lần yêu cầu, nên xin cải chính đôi điểm. Cô Mai không hề nuôi nấng Hàn Mặc Tử. Gia đình Tử vốn là một gia đình lễ nghĩa. Bà thân sinh của Tử hiền hậu nhưng rất nghiêm, không bao giờ để cho một người đàn bà không phải chỗ thân thích ở trong nhà để săn sóc con mình. Huống nữa sự gần gũi đàn bà là điều tối kỵ đối với bệnh Tử. Cho nên "tuần trăng mật" giữa cô Mai và Tử hoàn toàn không có. Cô Mai có đến thăm Tử tại nhà mấy bận. Có một bận và là bận cuối cùng, cô Mai xin phép bà cụ Tử ở chơi cùng 2 bà chị 2 hôm. Chỉ có thế thôi.

      Theo chỗ tôi biết - vì tôi quen cả 2 bên - thì cô Mai say thơ Tử và tình đối với Tử cũng rất thiết tha. Song Tử đối với cô Mai chỉ thuơng vì "tội nghiệp" chớ không yêu, vì cô Mai thiếu "những yếu tố rung cảm".


      Trầnn Thanh Mại muốn biến chương "Mai Đình Nữ Sĩ" (trong quyển Hàn Mạc Tử, tr. 112-122) thành một đoản thiên tiểu thuyết. Tôi nhớ đến một câu văn về nghệ thuật truyện ký của một trong những nhà truyện ký gia nổi danh nhất ở Pháp từ trước đến nay: "La biographie est un art comme le roman. Cela ne veut pas dire qu'une biographie doive être un roman. Je pense au contraire que les méthodes les plus sévères de l'historien s'imposent an biographe... Mais, les recherches faites avec tout le soin possible, comme le travail de l'artiste... Le biographe a pour rôle de faire vivre unpersonnage. Il ne le peut qu'en composant son oeuvre avec le même soin qu'un romancier" (L'Art de la biographie).


      Trần Thanh Mại đã mặc nhiên đồng hóa truyện ký và tiểu thuyết. Khi viết truyện ký, ông không theo những phương pháp nghiêm khắc nhất của sử gia. Mà truyện ký là một ngành thuộc sử học, ông lại đi bịa những chuyện không có thật để thi vị hóa tác phẩm mình. Độc giả hãy đọc lại chương "Mai Đình Nữ Sĩ" (tr. 112-122) và đối chiếu lại lời thanh minh của Quách Tấn tôi trích ở trên, thì sẽ rõ giá trị tài liệu của tác giả quyển Hàn Mạc Tử.


      Ở Mỹ, loại truyện ký đã trải qua một thời kỳ gọi là "thời đại đặt lại giá trị" (The Age of Revaluation). Chẳng hạn như W. A. Woodward đặt lại giá trị của George Washington, hay Edgar Lee Mastres, đặt lại giá trị của Lincoln v.v... Bây giờ đã đến lúc chúng ta đặt lại giá trị (re-evaluate) của "Nữ Sĩ" Mai Đình, vì có nhiều người đã say sưa ca tụng Mai Đình cách lạ thường (cách đây mấy tháng, trong một tạp chí nọ có người viết riêng một bài ca tụng Mai Đình!).


      Hãy trả lại Mai Đình vị trí của nàng! Redde Caesari quae sunt Caesaris, et quae sunt Dei Deo!


      Nhà viết truyện ký lừng danh André Maurois chủ trương: "Mục đích của truyện ký gia là làm sống lại một người và thời đại của người ấy, việc này chỉ có thể thành tựu được khi tác giả viết tác phẩm của mình một cách cẩn thận như nhà tiểu thuyết gia viết tiểu thuyết của họ" (nguyên văn chữ Anh: The aim of the biographer is to make a man and his times come alive again. This can be done only if he composes his book as carefully as the novelist does his novel).


      Trong thiên cảo luận "To make a man come alive again", André Maurois viết: "Viết về cuộc đời của một nhân vật là một nghệ thuật cũng như vẽ một bức chân dung vậy. Nói thế không có nghĩa là người viết không biên khảo có phương pháp, mẹo mực như một nhà viết sử cẩn trọng. Công việc đầu tiên của ta là phải đọc tất tả nhũng gì dính dáng ít nhiều đến nhân vật ta viết: trước hết, những quyển sách đã xuất bản về yếu nhân ấy; cuộc đời của nhũng vai phụ có quan hệ đến đề tài, những biến cố đại khái về thời đại ấy và nhất là những tập nhật ký và tác phẩm của nhân vật ấy... Khi công trình nghiên cứu đã chu tất một cách hoàn toàn, thế là công việc của nhà viết truỵện ký mới thật sự khởi đầu. Nhà sử học đã làm xong bổn phận của mình, rồi đến nhà nghệ sĩ..."


      Trần Thanh Mại có thành công trong việc làm sống lại Hàn Mặc Tử và thời đại của người không? Nghệ thuật của Trần Thanh Mại có đạt được trong việc làm sống lại một nhân vật không?


      Nhà văn viết truyện ký nổi danh Anh Lytton Strachey có nói một câu rất ý vị: "Một đống những chú thích và những tài liệu làm thành một quyển truyện ký không khác gì một đống hột gà làm thành một trứng rán".

      Ta sẽ nếm thử cái "trứng rán" của Trần Thanh Mại để thưởng cái mỹ vị của nó thế nào?


      Trong mấy trăm trang giấy, Trần Thanh Mại thuật lại cho chúng ta nghe cuộc đời bi thương, ly kỳ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mấy trăm trang giấy "phong nhụy" một cuộc đời 28 năm đầy áo não, đầy thê lương của một người hủi, người điên và cũng là nhà thơ bất tử của Việt Nam: Hàn Mặc Tử.


      Trần Thanh Mại dẫn chúng ta đi thăm "đứa bé đẻ ra chỉ bằng con nhai nhái chàng" ở Đồng Hới năm 1912 cho đến ngày đứa bé ấy nổi danh là một thi tài và thở hơi cuối cùng ở Qui Hòa năm 1940.

      Vì thiếu tài liệu dồi dào, tác giả không thành công trong việc làm sống hẳn con người Hàn Mặc Tử và thời đại thi nhân, song nhờ cây bút điêu luyện và duyên dáng, hình như tác giả đã mê hoặc ta qua đời Hàn. Ông thành công một phần ở chỗ chinh phục độc giả. Ít ai đọc xong quyển Hàn Mạc Tử mà không thấy hơi khắc khoải ở tâm tư? Chả trách anh bạn thi sĩ Hoài Khanh đã thú trên báo Sinh Lực là anh đã khóc, sau khi đọc xong! Không biết do cuộc đời đen tối của Hàn Mặc Tử hay do nghệ thuật kể chuyện của tác giả đã đạt? Dù sao, chúng ta phải nhận cái tài thuật chuyện dí dỏm và hấp dẫn của tác giả. Có những chương cực đẹp và cảm động như chương "Qui Hoà" (trương l95-207), "Mộng Cầm" (tr. 99- l04), "Cuộc sống hằng ngày" (tr. 125-l30) v.v...


      Quyển Hàn Mạc Tử không phải là một quyển tiểu thuyết. Nhưng khi đọc nó, tôi nhớ lại quyển Lust of life của Irving Stone (Longmans, 1934, đời của Van Gogh) hay quyển Moulin Rouge của P. Lamure (đời của Toulouse Lantrec).


      Có thể nói quyền Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại là quyển truyện ký đáng kể nhất và có nghệ thuật hơn hết ở Việt Nam từ trước đến nay. Loại truyện ký rất chậm tiến ỏ nước ta. Vào năm 1941, Trần Thanh Mại viết được một quyển như thế, kể cũng là một việc làm đáng nhắc nhở lắm.

      Tuy nhiên, quyển Hàn Mạc Tử còn nhiều khuyết điểm cần phải đính chánh để xứng đáng là một tài liệu tham khảo văn học cho đời nay và đời sau.


      Trần Thanh Mại là một nhà văn có thực học và có thực tài, song rất tiếc ông không phải là một truyện ký gia thận trọng. Thận trọng là một yếu tố mà nhất định một nhà viết truyện ký nào cũng cần phải có.

      Tuy nhiên, hiện nay cũng ít có nhà viết truyện ký nào vượt được ông (thật ra, ỏ Việt Nam hiện giờ có bao nhiêu nhà chuyên viết truyện ký?).

      Nếu thận trọng trong phương pháp khảo cứu và để tâm hẳn vào nghệ thuật viết truyện ký, Trần Thanh Mại có thể xứng danh là André Maurois hay một Lytton Strachey ở Việt Nam!


      Định nghĩa vai trò của phê bình văn học, Sainte-Beuve nói: "Renouveler les choses connues, vulgariser les choses neuves, un bon programme pour un critique". Quyển Hàn Mạc Tử hiện nay rất được phổ biến. Vì thế những gì người ta viết về Hàn trong mấy năm qua đều tham khảo theo ông.

      Hôm nay, tôi "đổi mới lại những gì đã được phổ biến" ("renouveler les choses connues"), chắc có người sẽ hiểu nhầm thiện ý của tôi chăng?


      Theo thiển kiến, quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại là tác phẩm giá trị nhất thuộc loại truyện ký ở nước ta. Tôi xin nói rõ: giá trị tương đối... Vì tính cách điển hình của nó, tôi mới đem ra thảo luận để luôn tiện mạo muội nhắc nhở những bậc thức giả để ý đến loại truyện ký, một loại hiện rất bành trướng tốt đẹp ở Âu Mỹ mà lại rất nghèo nàn, khô héo ở Việt Nam.

      Vâng, chúng ta hãy chờ đợi... Chờ đợi!

            Mỹ Tho, ngày 27.7.59

           (Báo Lành Mạnh số 38 - 1.11.1959)

      Phạm Công Thiện

      Trích phần phụ lục sách: Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử
      (Quách Tấn, Quê Mẹ, Paris 1988)

      1. Trích tập "Đôi nét về Hàn Mặc Tử" của Quách Tấn.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Lê Mạnh Thát và Thích Tuệ Sỹ hai vị Thiền Sư Phạm Công Thiện Nhận định

      - Tại sao Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc? Phạm Công Thiện Nhận định

      - Thể "Truyện Ký" nhân đọc quyển "Hàn Mạc Tử" của Trần Thanh Mại Phạm Công Thiện Khảo luận

    3. Bài Viết về nhà thơ Hàn Mặc Tử (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Hàn Mặc Tử

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Mối Tình Đầu hay Thử Nhìn Lại "Đây Thôn Vỹ" của Hàn Mặc Tử (Ngự Thuyết)

      Nhìn lại tình sử giữa thi sĩ Hàn Mạc Tử và bà Hoàng Thị Kim Cúc (Trần Bình Nam)

      Di Sản Thơ Văn Hàn Mặc Tử và Vụ Án Trần Thanh Mại (Quách Tấn)

      Con Đường Thơ Của Hàn Mặc Tử (Quách Tấn)

      Thi hào Hàn Mặc Tử (Thái Văn Kiểm)

      Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) (Vũ Ngọc Phan)

      Hàn Mạc Tử (Hoài Thanh)

      Xin Tỏ Chút Lòng Để Tạ Lỗi Xưa (Châu Hải Kỳ)

      Thể "Truyện Ký" nhân đọc quyển "Hàn Mạc Tử" của Trần Thanh Mại (Phạm Công Thiện)

      Hàn Mạc Tử và bài thơ thôn Vỹ  (Đặng Tiến) 

      Nhân tập thơ Gái Quê được tìm thấy và in lại

       (Thanh Thảo phỏng vấn Đặng Tiến)

       

      Tác phẩm của Hàn Mặc Tử

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Thơ Hàn Mặc Tử (motsach.info)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)