|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Giáo sư Trần Ngọc Ninh
Hai lãnh vực cơ bản trong tiến trình thủ đắc một ngoại ngữ là ngữ pháp và ngữ vựng. Nhưng nếu được hỏi lãnh vực nào hữu dụng hơn khi phải dùng một ngôn ngữ chưa thông thạo để giao dịch với người bản xứ thì có lẽ chẳng ai chọn ngữ pháp làm câu trả lời. Đã đành các luật lệ ngữ pháp là cần thiết để viết hay nói thứ tiếng đó cho chỉnh và làm người bản xứ hiểu ta rõ hơn, nhưng nếu chỉ thuộc lòng các quy luật ngữ pháp mà lại yếu kém về ngữ vựng thì nỗ lực giao dịch ấy khó lòng thành tựu được.
Thật vậy, câu nói “Vì tiếng Anh không khá, bạn tôi đã ba lần rớt bài thi vào quốc tịch Mỹ rồi” trong tiếng Anh (đúng ngữ pháp) là “Because his English is poor, my friend has failed the American citizenship test three times already”, nhưng câu (sai bét ngữ pháp và chính tả, với mức ngữ vựng tàm tạm – một thứ “broken English”) “He english no gut, my frend he no pass already three time test for become citizen of american” cũng có thể làm người dân Mỹ bản xứ cố gắng hiểu được, mặc dù họ thấy nó ngộ nghĩnh lạ thường. Lại cũng có lúc người ta chỉ cần phát ngôn một hai chữ “đắc địa” cho hoàn cảnh cũng đủ làm cho người bản xứ hiểu mình. Nhớ lại trong dịp thăm viếng Tây Đức năm 1973, vì mải miết mua quà cho gia đình vào ngày chót chuyến đi nên tôi quên cả giờ giấc, suýt nữa thì lỡ chuyến bay về Saigon! Vội vàng leo lên một taxi, tôi quen miệng nói tiếng Anh với người tài xế yêu cầu ông đưa tôi ra phi trường, nhưng ông ta có vẻ không hiểu. Mừng thay, khi tôi chỉ nói lên hai chữ tiếng Đức rất phổ thông cho “phi trường” và “làm ơn” là “Flughafen, bitte!” thì ông ta hiểu liền!
“Nhập tâm” ngữ vựng một ngoại ngữ là một thử thách lớn đòi hỏi học trò nhiều cố gắng kiên cường. Nhưng đền bù lại, khả năng đọc và viết sẽ thăng tiến theo tỷ lệ thuận với số lượng từ ngữ mà họ làm chủ được. Quan yếu như thế mà từ biết bao đời nay ngữ vựng thường được “dạy” bằng một lề lối cũ kỹ vừa làm học trò chán nản vừa chẳng mấy thành công. Lề lối lỗi thời ấy khuyến cáo học trò phải cố gắng học thuộc lòng nghĩa (meanings) cũng như chính tả (spellings) các chữ mới, nhưng không đả động gì tới thể loại (lexical categories), chức vụ ngữ pháp (syntactical functions), ngữ cảnh (contexts), cũng như kết hợp từ (collocations) là những đặc thù tối quan trọng của chúng. Những yếu tố này đáng lý ra thì phải được gây chú ý trong các thí dụ, các lời giải thích, các định nghĩa cho những chữ mới.
Công trình giáo khoa đồ sộ tựa đề NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT (NVTV) của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh vừa được Viện Việt Học xuất bản năm nay (2017) đã mang đến cho tôi một ngạc nhiên sảng khoái. Triết lý giảng huấn căn cứ trên phát kiến của khoa ngôn ngữ học đương đại và nội dung phong phú vui tươi được trình bầy một cách tân kỳ của tác phẩm đã lấy được thiện cảm của tôi ngay từ những trang đầu tiên của nó. Thực vậy, trong ngót nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu và giảng dạy educational linguistics (môn ngữ học dành cho các chương trình đào tạo giáo chức ngôn ngữ) tại Đại học Saigon và một số Đại học tại Texas, tôi chưa thấy một tài liệu giáo khoa giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt (hay ngữ vựng một ngôn ngữ nào khác) được soạn thảo và trình bầy một cách khoa học, nhất quán, vui tươi, và thấm nhuần văn hóa dân tộc như tác phẩm giáo khoa NVTV của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.
Nhận định đầu tiên của tôi về công trình giáo khoa này là thấy tác giả rất uyên bác của nó đã dựa vào những phát kiến của ngữ học và tâm lý học hiện đại hữu ích cho lãnh vực giáo dục ngôn ngữ. Quan trọng nhất là phát kiến về sự hiện hữu tiên thiên (innate existence) của cơ quan ngôn ngữ (language organ) và ngữ pháp hoàn vũ (universal grammar) trong não bộ loài người, do Noam Chomsky đề xướng vào năm 1965. Cái phát kiến làm sửng sốt học giới một thời của Chomsky đã được Stephen Krashen khai triển kỹ lưỡng, khoảng hai thập niên sau đó, để thành cốt lõi cho phương hướng tự nhiên (the natural approach) để giảng dạy ngôn ngữ. Nhấn mạnh sự khác biệt đáng kể giữa thủ đắc ngôn ngữ (language acquisition) và học tập ngôn ngữ (language learning) cùng với những đề nghị thực tiễn vui tươi cần thiết cho mục tiêu “thủ đắc”, công trình của Krashen đã được tán thưởng và áp dụng từ đó đến nay. Phát kiến ấy của Chomsky cũng được Ken Goodman dùng làm kim chỉ nam cho phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn (the whole-language approach) mang lại thành công hàn lâm đáng kể cho Goodman, vào cùng thời gian với thành tựu của Krashen.
Ngữ-Vựng Tiếng Việt
(Giáo Sư Trần Ngọc Ninh)
NVTV là một tin mừng cho các thầy cô và các em học sinh các lớp Việt ngữ đủ trình độ, trong hạn tuổi từ 5 đến 15. Công trình giáo khoa giảng dạy ngữ vựng Việt Nam quý vị đang có trong tay vừa được hoàn tất sau khá nhiều năm khổ công do lòng nhân ái thúc đẩy – labor of love trong Anh ngữ – của tác giả là một luồng sinh khí mới đầy hứa hẹn cho nỗ lực giảng dạy tiếng Việt ở hải ngoại, đặc biệt là tại các quốc gia sử dụng Anh ngữ.
Mặc dù tác giả đã khiêm tốn xác định công trình tâm huyết của ông “chỉ là một cái kho nhặt nhạnh, tồn trữ và sắp xếp, chứ không điển chế ngôn ngữ hay văn tự” (trang 2), công trình này đã hiến cho giáo giới chúng ta một kho tài liệu khổng lồ để giúp phần thăng hoa cách giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt cho tuổi trẻ thành một phương pháp nhân bản hấp dẫn với nhiều tiềm năng thành công rực rỡ.
Triết lý giáo dục ngày nay tại Hoa Kỳ nhắc nhở giáo giới rằng vai trò lý tưởng cho người đi học là vai trò của những nhà thám hiểm. Vì vậy các nhà giáo cũng như các tài liệu giảng huấn phải cung cấp những phương tiện, những cơ hội tối ưu để thúc đẩy các nhà thám hiểm trẻ tuổi tự khám phá thêm ra những điều mới lạ trong cuộc hành trình học hỏi với nhiều lý thú và hưng phấn. Kinh nghiệm dạy học của bao thế hệ cũng xác nhận rằng tài liệu giáo huấn chỉ trở thành tuyệt hảo khi nó tổng hợp được tri thức của các bộ môn khác nhau nhưng cùng chuyên tâm vào một chủ đề (theme), vì sự hiểu biết phát triển mạnh nhất là khi nó được tiếp cận các kết nối tri thức (cognitive connections). Vì những lý do vừa kể, một bài học hữu hiệu mang lại lý thú cho học sinh phải là một đơn vị có chủ đề (thematic unit) được khai phá từ nhiều khía cạnh như văn học, toán học, khoa học, xã hội học, chính trị học, nếp sống đa văn hóa trong xã hội ngày nay, vân vân.
“Những tâm trí vĩ đại gặp nhau chăng,” tôi tự hỏi, vì những ưu điểm nêu trên hiện hữu đều đặn trong công trình của tác giả NVTV. Rất nhiều mục từ (mà tác giả gọi là “từ khóa” hay “key words”) sắp xếp theo thứ tự a/b/c trong sách là những đơn vị có chủ đề, trong đó các yếu tố văn cảnh, kết hợp từ, từ đồng nghĩa, các câu giải thích chủ đề qua các lãnh vực tri thức khác nhau, các ca dao tục ngữ, các câu trích dẫn từ đệ nhất thi phẩm Truyện Kiều và từ các tác phẩm văn chương Việt khác đã biến các mục từ ấy thành những bài học nho nhỏ với chủ đề hấp dẫn, giảng giải qua thứ tiếng Việt tự nhiên (natural, authentic Vietnamese). Những bài học nho nhỏ đó có mục tiêu gia tăng tri thức học trò qua môi giới “thủ đắc” (acquisition) tự nhiên và lý thú hơn là qua môi giới “học tập” (learning) buồn nản của lề lối cũ.
Văn cảnh (contexts, mà tác giả gọi là “đồng văn” trong sách) là những cơ hội thuận tiện cho “ngữ vựng chưa biết” xuất hiện trong các câu mà học sinh đã hiểu được gần hết ý nghĩa; trong những hoàn cảnh ngôn ngữ này, các cháu có thể suy đoán ra ý nghĩa đích thực của ngữ vựng chưa biết ấy. Chẳng hạn, trang 29 có liệt kê từ khóa “ăn ảnh” mà ý nghĩa có thể suy đoán dễ dàng (và lại được xác nhận bởi từ Anh ngữ tương đương viết kế bên là “photogenic”) qua câu thí dụ “Chị Lan “ăn ảnh” lắm: ở ngoài, chị cũng đẹp mà chụp ảnh thì hết xẩy.” Trang 306 có liệt kê từ khóa “kêu” (to shout, scream, cry out) được dùng trong bốn ngữ cảnh khác nhau để giúp học sinh hiểu nghĩa dễ dàng; một trong bốn ngữ cảnh ấy là câu giải thích gọn gàng “Người ta “kêu” to tiếng là để cho người khác biết và để ý đến.”
Kết hợp từ (collocations) là những nhóm chữ thường đi với nhau theo một thứ tự nhất định, như “trời ơi / lớn như thổi / nước đổ lá khoai / chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.” Dùng kết hợp từ thông thạo sẽ giúp chúng ta nói và viết ngôn ngữ đang học giống như người bản xứ. Vì thế chúng ta cần thuộc chúng để sử dụng trong những ngữ cảnh phù hợp. Hồi còn là một học sinh trung học, tôi đã bỏ nhiều thì giờ để nhập tâm những kết hợp của những động từ và tĩnh từ “đi với” các giới từ trong tiếng Anh như look up to / look down on / proud of / angry with, và trong tiếng Pháp như commencer à / dépendre de / fier de / prêt à. Tôi mở cuốn sách ra và lựa “cầu may” được từ khóa “khang kiện / healthy và sự khang kiện / health” (trang 316-317) để làm sáng tỏ thêm những nhận định của tôi ở trên về nó. Từ khóa này là một trong vô số “đơn vị có chủ đề” trong sách. Nó chứa đựng kiến thức của các lãnh vực khác nhau để có thể trở thành một bài học súc tích về sức khỏe rất bổ ích và thích thú, giúp cho những “nhà thám hiểm” trẻ tuổi gốc Việt gia tăng kiến thức tổng quát đồng thời thăng hoa khả năng tiếng mẹ đẻ. Từ lãnh vực y học và sinh lý học là văn cảnh “Người bình thường, khỏe mạnh được coi là khang kiện” và văn cảnh “Sự khang kiện là trạng thái (state) dễ chịu (well being) bình thường về mặt tinh thần và sinh lý của một cá nhân.” Từ lãnh vực văn hóa là văn cảnh “Cha bảo từ xưa đến nay, khi ta chúc nhau thì hay nói chúng tôi xin chúc anh chị (ông bà / hai bác) khang kiện (mạnh khỏe / bình an khang cát)” và văn cảnh “Trong nền văn hóa của ta, đó là những ước mong chân thành có ý nghĩa nhất.” Và từ lãnh vực khoa học xã hội (social studies) là văn cảnh “Danh từ sự khang kiện được đề nghị để dịch chữ health, và cơ quan WHO (World Health Organization) được dịch là Tổ Chức Thế Giới về Sự Khang Kiện. Sau cùng, cũng đáng kể là các kết hợp từ phổ thông “từ trước đến nay / xin kính chúc / được đề nghị / được coi là” đã được dùng trong các ngữ cảnh phù hợp nhất.
Tuy chủ đích là để dạy ngữ vựng, cuốn sách không quên nhấn mạnh mối liên hệ giữa ngữ vựng và ngữ pháp, khiến tôi nhớ lại phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn (whole-language approach) do Ken Goodman khởi xướng với thành quả thuận lợi, để giúp học trò tiến bộ, trong cùng một bài học, bốn khả năng có liên hệ mật thiết là (1) nghe hiểu (listening comprehension), (2) nói (speaking), (3) đọc (reading), và (4) viết (writing). Rất nhiều từ khóa trong sách chứa đựng đủ tài liệu để các thầy cô sẵn sàng dạy học trò cùng một lúc bốn khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, như khuyến cáo sư phạm hữu hiệu (đã được thời gian chứng tỏ) của Goodman.
Sau hết – nhưng không kém phần quan trọng – tôi xin ghi nhận thêm rằng ngữ pháp Việt truyền bá trong công trình này cũng tuyệt đối từ bỏ lối dạy quá lạc hậu là lấy cấu trúc tiếng Pháp làm khuôn mẫu để “ép” cấu trúc tiếng Việt vào trong đó một cách tức tưởi. Trong thời Pháp thuộc, một vài cá nhân quá ái mộ văn học Pháp đứng ra làm công việc phi lý này hẳn đã quên mất rằng trong khi tiếng Pháp thuộc ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-European) và là một ngôn ngữ tổng hợp (synthetic) thì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam-Á (Austro-Asiatic) và là một ngôn ngữ phân tích (analytic). Ngữ pháp Việt trong sách NVTV được giảng dạy qua khuôn khổ ngữ pháp hoàn vũ (universal grammar) đang được áp dụng trong nền giáo dục các nước tiền tiến nhất trên thế giới. Ngữ pháp hoàn vũ là cái lõi chung (common core) cho tất cả tiếng nói loài người, dựa vào các nguyên lý (principles) và bàng kế (parameters). Các nguyên lý chung (thí dụ như “Câu nào cũng phải có chủ từ”) thường được thể hiện qua các hình thức khác nhau gọi là bàng kế (thí dụ như bàng kế “tiếng Pháp bắt buộc câu nào cũng phải có chủ từ rõ rệt” so với bàng kế “tiếng Việt thường cho phép chủ từ vắng mặt hoặc hiểu ngầm”). Do đó, người nào thông thạo một ngoại ngữ tất nhiên phải hiểu thấu sự khác biệt giữa bàng kế tiếng mẹ đẻ và bàng kế ngoại ngữ đó. Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã phát hiện ra nhiều bàng kế đặc trưng (nhưng đôi khi cũng khá rắc rối) của ngôn ngữ chúng ta. Và ông đã rộng lượng chia xẻ những kiến thức khả tín mới nhất, nhờ vào đó mà chúng ta sẽ có ngày theo kịp những bước nhảy vọt ngoạn mục trong nỗ lực tìm hiểu những bàng kế đặc thù của mọi ngôn ngữ thế giới, qua khuôn khổ đáng tin cậy nhất của ngữ pháp hoàn vũ đương đại.
Tôi vô cùng hân hạnh và cảm kích được giới thiệu một công trình giáo dục ngôn ngữ thượng đẳng của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, một học giả kiệt xuất mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu.
Professor of Linguistics Emeritus
Texas Woman’s University
(*) Ngữ-Vựng Tiếng Việt: 2017 / 688 trang / $39.00, Cơ Sở Xuất Bản Viện Việt Học, info@viethoc.com • 714-775-2050
- Đọc 'Tình Thơm Mấy Nhánh' Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Điểm sách: Một Thời Áo Trận của Đỗ Văn Phúc Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Bài Thơ Tết Cuối Đời Của Vũ Hoàng Chương Đàm Trung Pháp Nhận định
- Bài Thơ Xuân Nhuốm Màu Xung Khắc Văn Hóa Đàm Trung Pháp Nhận định
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Tháng 12, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Nov 1, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Sept 15, 2020 Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- “Nước non ta, ai ngăn trở ta về …” (Lý Đông A, 1943) Đàm Trung Pháp Nhận định
- Tâm huyết Tản Đà trong “Thề non nước” Đàm Trung Pháp Nhận định
- Hiệu Lực Của Ví Von Trong Thi Ca Đàm Trung Pháp Nhận định
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |