3-8-2016 | VĂN HỌC

Hình Dung Một Vòm Trời Nước Pháp Qua Thơ Cung Trầm Tưởng

  TRẦN VĂN NAM


    Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

I-TƯỢNG ĐÁ VÀ LÁ MÙA THU


Trước 1975, có những người Việt qua học bên Pháp, lưu lại những bài thơ gợi cảm về miền đất mà khi còn ở quê nhà chúng ta hằng mong ước đi đến. Trong số những bài thơ đẹp về nơi ấy, có thơ của Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Cái đẹp của thơ Nguyên Sa phảng phất sương mù của dòng sông Seine. Cái đẹp của thơ Cung Trầm Tưởng phảng phất không khí buốt giá của vòm trời nước Pháp, của thủ đô Paris mà dấu vết chúng ta thường gặp là tượng đá công viên. Tượng đá công viên, sản phẩm của văn hóa Tây Phương. Chúng ta biết như thế từ khi còn ở thời học sinh, một là qua bài hồi ký Pháp du hành trình của học giả Phạm Quỳnh trong đoạn nói về vườn Luxembourg, hai là qua bài hồi tưởng thời cắp sách đi học của nhà văn Anatole France, trong đó nhà văn nhớ lại bóng dáng của mình hai mươi lăm năm về trước, cái bóng đang nhảy tung tăng như con chim sẻ trong ngày khai trường, cái bóng dáng trên đường đi học thường qua một công viên nhìn lá thu vàng lả tả trên những pho tượng trắng. Nguyên Sa cũng đã từng ước ao làm một pho tượng trắng để đêm đêm chứng kiến những cặp tình nhân hò hẹn trên những ghế dài, dưới bóng sao và những hàng cây. Cái lối tình tự, khung cảnh để tình tự, mang nét Tây Phương, hiện diện trong thơ Cung Trầm Tưởng:


    Trong Vườn Luxembourg-Paris ngày 10 tháng 7 năm 2014 (Ảnh: Trần Văn Nam)

- Mùa thu âm thầm

Bên vườn Lục xâm

Ngồi quen ghế đá

Không em buốt giá từ tâm.

- Mùa thu đêm mưa

Phố cũ hè xưa

Công trường lá đổ

Ngóng em kiên khổ phút giờ.

(Mùa Thu Paris)

II-TÓC VÀNG VÀ MÀU MẮT TÂY PHƯƠNG


Không hiểu vì mặc cảm dân tộc hay vì một lý do nào khác, chúng ta thường trầm trồ những cặp vợ chồng: chồng Việt vợ Pháp, nhất là khi người vợ Pháp lại là một người đàn bà trẻ đẹp, có học thức. Khi qua Pháp, Cung Trầm Tưởng là một sinh viên du học, ông có người tình nhân là một cô gái Pháp mà chúng ta mường tượng là phải đẹp và cũng học trường Đại Học như ông, như thế mới đáp ứng lòng ngưỡng mộ có tính chất thơ mộng của ta. Đã là người con gái Tây Phương thì đặc điểm là tóc vàng và mắt nâu. Mắt đen lay láy cũng đẹp lắm, nhưng hình như để dành cho người Đông Phương. Chúng ta nhận thấy trong thơ Cung Trầm Tưởng dáng dấp người sinh viên Việt Nam du học vào ra một quán rượu mùa đông, có người tình là nữ sinh viên Pháp học ở Paris, nhưng nơi cư trú là một tỉnh lỵ, cứ mỗi mùa hè ba tháng hay một trăm ngày thì nàng lại trở về gia đình cha mẹ:

- Mùa thu nơi đâu

Người em mắt nâu

Tóc vàng sợi nhỏ

Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris

Trời buốt ra đi

Người em gác trọ

Sang anh gót nhỏ thầm thì

(Mùa Thu Paris)


- Tiễn em về xứ mẹ

Anh nói bằng tiếng hôn

Không còn gì lâu hơn

Một trăm ngày xa cách

(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

III-NHÀ GA ĐÈN VÀNG VÀ ĐOÀN TÀU TUYẾT PHỦ


Trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh tàn phá, chúng ta muốn tìm lại hình ảnh của những chuyến xe lửa "chở người đi nhớ, kẻ về thương" (thơ Nguyễn Bính). Những đường xe lửa ấy của người Pháp làm ra trên đất nước ta. Trước năm 1975, muốn tìm lại, chúng ta thường nhìn về góc trời nước Pháp hiển hiện trong thơ Cung Trầm Tưởng. Cũng là những sân ga đèn vàng; cũng là tiếng vọng của chuyến tàu ầm ầm rồi mất hút; cũng người này đưa tiễn người kia; cũng nhà ga mái giọt âm thầm trong những ngày mưa. Chỉ có một cái khác là tuyết phủ đầy chuyến tàu trong những tháng mùa đông. Còn đoàn tàu đi quanh co dưới thung lũng, tiếng còi tắt lịm rồi vẳng lên trở lại, thì chính người viết bài cũng có ấn tượng khó quên khi còn ở quê nhà:

Trên chùa Hải Đức ngó sang

Chuyến tàu xe lửa Nha Trang-Sài Gòn

Tàu đi khuất dạng sau non

Hồi còi rền rĩ tiếng còn vọng âm

Thời gian như có mạch ngầm

Chuyến tàu thơ ấu âm thầm lướt qua.

(Ấn Tượng Khi Ở Trên Chùa Hải-Đức)

Vị trí của Cung Trầm Tưởng khi ở bên Pháp đứng nghe chuyến tàu chạy là một nơi khá cao, thời gian là lúc sẩm tối, nhà cửa dưới thung lũng ẩn hiện những ánh đèn điện nhạt nhòa trong gió bay:

- Mùa đông tuyết lũng âm u

Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

Nhớ ngày tàu cũng đi luôn

Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon

Phương xa nhịp sắt bon bon

Tàu đi dưới tỉnh núi còn vọng âm

Sân ga mái giọt âm thầm

Máu đi có nhờ hồi tâm đêm nào

Mình tôi với tuyết non cao

Với cồn phố tịnh buốt vào xương da

Với mây trên nhạt ánh tà

Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu

Tôi về bước bước đăm chiêu

Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm

(Khoác Kín *)


- Ga Lyon đèn vàng

Tuyết rơi buồn mênh mang

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng

Tàu em đi tuyết phủ

Toa em lạnh gió đầy…

(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

IV-KHOÁC KÍN ÁO VÀ LA CÀ QUÁN RƯỢU


Hễ nói về đời sinh viên du học, chúng ta thường gắn liền với một mối tình gặp gỡ trên đất người, và đời sống là một chuỗi ngày rất nghệ sĩ. Ít khi chúng ta nghĩ đến trường hợp du học tự túc nghèo nàn, như trong cuốn "Mây Ngàn" nhà văn Vi Ta Lê Văn Vị đã mô tả về một sinh viên nghèo, nghèo đến nỗi đi vào thư viện đã sơ ý để khoai tây đựng trong cặp da rơi rớt trước mắt những người con gái Tây Phương, nghèo đến nỗi phải mướn nơi trọ học thật cao trên từng lầu, và mỗi khi đói phải đem đi bán từng pho sách quý.

Tôi là sinh viên nghèo

Bữa có bữa không

Tôi là sinh viên nghèo

Trong giới lao công

Ở tầng lầu cao ngất

Mùa đông lạnh như cắt

Mùa hè nóng như thiêu

Lúc nào cũng túng rối

Sống đầu tắt mặt tối

Thân vất vả trăm chiều

Áo quần rách rưới mạng nhiều chỗ

Sách học mang đi bán từng pho

Thân mây ngàn đâu xứ sở

Thương nỗi mẹ luống trông chờ.

(Vi Ta Lê Văn Vị)

Hình ảnh người sinh viên du học hào hoa nghệ sĩ thì có rất nhiều, ở trong văn của Phạm Công Thiện, trong thơ của Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Họ thường la cà nơi quán rượu, trong xóm nghệ sĩ Saint-Germain des Prés. Tuy rượu đỏ và cà phê đen không có gì là xa hoa nhưng cũng có vẻ nhàn rỗi lắm. Cà phê đen cho Phạm Công Thiện những giây phút tĩnh mịch trong khung cảnh "Bay đi những cơn mưa phùn", còn rượu đỏ dành cho Cung Trầm Tưởng đỡ bồn chồn tấc dạ khi chưa thấy người yêu đến nơi hò hẹn:


    Từ tháp Eiffel nhìn xuống cầu vòm Alma trên sông Seine (Paris, Juillet 2014 - Ảnh: Trần Văn Nam)

- Mùa thu Paris

Trời buốt ra đi

Hẹn em quán nhỏ

Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

(Mùa Thu Paris)

Một đặc điểm nữa của vòm trời nước Pháp nơi xứ sở lạnh, là cách ăn mặc. Về mùa đông buốt giá thì người nào cũng co ro khoác kín, khoác kín tấm thâm và khoác kín tâm sự của mình:

- Tôi về bước bước đăm chiêu

Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.

(Khoác Kín *)

Một vài đặc điểm có thể nào đại diện cho cả một vòm trời nước Pháp không? Có thể lắm. Theo tinh thần nghệ thuật chấm phá thì chỉ cần vài nét. Cũng như một cành trúc la đà, một con thuyền nhỏ trên sông lam, có thể hình dung cả một vòm trời và tâm hồn Đông Phương mà nay ta đã lâu rồi xa cách.


(Trích trong sách “TRONG DÒNG CẢM THỨC VĂN HỌC MIỀN NAM – PHÂN ĐỊNH THI-CA HẢI NGOẠI”, xb. năm 2006)


Trần Văn Nam

Tác giả gởi bài và ảnh

(*) Bổ túc của tác giả:


Nguyên văn bài thơ “KHOÁC KÍN” của Cung Trầm Tưởng trong tập thơ do “Con Đuông” xb. năm 1973


Trước năm 1975, tôi đã có một bài viết về văn-học, trong đó trích dẫn nguyên bài thơ “Khoác Kín” của Cung Trầm Tưởng (Tạp chí “Văn Học” số 119, số ra ngày 1/1/1971 tại Sài Gòn). Gần như nhớ thuộc lòng bài thơ ấy, nên trong bài “Hình Dung Một Vòm Trời Nước Pháp Qua Thơ Cung Trầm Tưởng” viết 30 năm sau (đăng trong Tạp chí Khởi Hành, Westminster-California, số tháng 12 năm 2002), và đã được đăng lại trên mạng điện-tử, tôi nhớ sai vài từ ngữ. Nay tôi xin cải-chính bằng cách chụp lại bài thơ ấy trong thi-phẩm “Cung Trầm Tưởng” do “Con Đuông” xb. năm 1973 (cùng lúc chụp lại hình bìa tập thơ để đóng góp tài-liệu).

Thi-phẩm này hiện có trong tủ sách của nhà thơ Thành Tôn. Tập thơ ấy gồm 18 bài thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, theo thứ tự như sau vì không thấy có đánh số trang: Về Đây; Khoác Kín; Nghìn Xưa; Chiều; Tĩnh Vật; Ngoại Ô; Nghĩa Địa; Mưa Tháng Tám; Kỷ Niệm; Thân Phận; Đêm Sinh Nhật; Tuổi Thượng Đài; Nấm Xanh; Biển; Kiếp Sau; Công Chúa; Bài Ru; Viễn Du.

Dưới đây là hình bìa Thi-phẩm và một trang thơ có bài “Khoác Kín”: