28-11-2024 | VĂN HỌC

Bùi Giáng (1926 - 1998)

  BÙI VĨNH PHÚC


      Nhà thơ Bùi Giáng (HS Tạ Tỵ vẽ)

Công phu và đóng góp của Bùi Giáng hiển lộ trên cả ba mặt: thơ ca, triết lý và dịch thuật. Nhưng có lẽ, người đọc thường nhìn thấy “thể tính” của Bùi Giáng, rõ nhất, trong thơ.


Nhưng, trước khi nói về thơ, có lẽ ta phải công nhận rằng, Bùi Giáng đã tung hoành ở nhiều lĩnh vực khác nữa, như dịch thuật, triết lý, biên soạn sách giáo khoa, bình luận văn học, v.v. Và ở lĩnh vực nào, ông cũng có những đóng góp tốt đẹp. Dù sao, nếu cần phải đánh giá một cách kỹ tính, ta có thể nhận thấy là ở giai đoạn thập niên '50 và (có lẽ) đến giữa thập niên ’60, chữ nghĩa Bùi Giáng có nhiều phần thiết tha, nghiêm cẩn hơn giai đoạn sau đó (cho dù lúc nào thì ta cũng có thể thấy ở ông một phong cách rất khác người: trong lối suy nghĩ, diễn ý, và trong cách thế hành từ, sử dụng ngôn ngữ nói chung). Khuôn mặt tinh thần của Bùi Giáng trong giai đoạn ’50 – ’60 vừa nói, với sức khoẻ thể lý và tinh thần của tác giả còn tương đối sung mãn, cũng cho thấy nhiều nét tài tuấn hơn.


Bàn về thơ của Bùi Giáng, dĩ nhiên là có thể có nhiều giác độ khác nhau, nhiều cảm thụ khác biệt. Trong quan điểm riêng, tôi nghĩ không nên xé lẻ từng bài thơ, từng câu thơ của ông ra mà xét định, bình giá là dở hay hay. Đặc biệt để phán xét một cách tiêu cực. Tôi nhìn cõi thơ của Bùi Giáng, nói riêng, và cả những công trình, những đóng góp khác của ông, nói chung, là một khu rừng nguyên sinh, mà chính sự rậm rạp, tràn lan, phong nhiêu và chằng chéo của nó, trong cả những nét tích cực và tiêu cực, đã làm nên cái phong cách độc đáo, có một không hai của ông. Trong cái nhìn của tôi, nếu chúng ta cắt bỏ đi những cành cây rậm rạp, những dây leo bò tràn lan trên mặt đất, những tàng lá rậm rịt trên cao, vốn làm nên cái quang cảnh phong nhiêu rậm rạp kỳ bí của khu rừng nguyên sinh ấy, nghĩa là nếu chúng ta thử (hoặc cố gắng) làm cho nó trở nên phong quang để... gió và ánh ngày có thể chiếu sáng, bay lượn một cách đẹp tươi trong đó, khu rừng ấy sẽ mất đi cái sức hút mang tính “huyền bí và ma quái” của nó.


Đọc Bùi Giáng, nhất là đọc thơ Bùi Giáng, tôi nghĩ, là phải đọc trong cái tâm thức toàn thể và “xuyên suốt” này. Có lẽ cứ nên để cái phong nhiêu, kỳ bí, tràn lan kia lan toả trong tâm thức ta khi đi vào “cuộc chữ” của ông. Hãy cứ để cái phong khí “nguyên sinh” của khu rừng mịt mùng ánh lục kia phong toả lấy ta. Và cảm nhận toàn vẹn sự trình hiện ấy của con người nhà thơ. Cho dù ta tiếp cận ông từ bất cứ mặt cắt nào của khối đá đen, đầy rêu phong ẩm ướt, và đầy những lồi lõm và méo mó này. Trong thơ, trong văn. Hay trong dịch thuật, sáng tác.


Hãy cứ để ông được . Được là ông như thế. Đừng bắt ông phải là. Thế này hay thế khác. Hãy cứ để ông được “thì”. Như trong câu “Thơ văn của Bùi Giáng thì rậm rạp, quái dị.”. “Thì”, như “Bầu trời thì xanh”. Và nhìn như Heidegger: Ist (Is, tiếng Anh; Là, Thì, tiếng Việt) chính là Sein (Being, tiếng Anh; Hữu Thể, Tồn Thể, Vĩnh Thể, Tồn Tại, tiếng Việt). Hay, thích đáng hơn, hãy để Sein kết hợp với Da (ở đó), Ở ngay trong đời. Dasein. Hiện Thể (Hữu-thể-tại-thế/Tại-hữu). Bùi Giáng là ông chính ở cái sự Dasein, Hiện Thể đó. Hãy cứ để Bùi Cáng như thế với khuôn mặt lồi lõm, méo mó, rêu phong của ông. Đừng cố gắng làm hay đòi hỏi nó phải phẳng phiu, cân đối, phong quang, sáng sủa như ta muốn.


Hãy thử để những con chữ, những ý tưởng của nhà thơ bay múa trong ta, dù ta đến với ông qua những trang văn hay những dòng thơ. Hãy đừng mặc định một thể thức mà ta nghĩ là nên có trong sự diễn tả của Bùi Giáng. Hãy trì ngự trong “cuộc chữ” đó. Và mỉm cười. Và thán phục. Ở những chỗ ta thấy đó đúng là cảm nhận của mình.


Hãy đi vào và giáp mặt với khu rừng nguyên sinh đầy ánh lục kia.

Và hãy chạm tay vào cái khối đá đen đầy rêu phong, lồi lõm, hoang quái nọ.

Rồi hãy thử

... “nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”.


Bùi Vĩnh Phúc

Nguồn: 9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương.
Văn Học Press, CA 2024