|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Chú Tư thợ giày cởi trần, mặc cái quần xà lỏn đen, đứng ngoài trời nắng chang chang, sửa lại cái hàng rào sau hè. Những cây nào mục hư, xiêu vẹo được chú thay thế, sắp xếp lại cho ngay ngắn, chắc chắn. Tiếng búa đóng giữa trưa nghe vọng tới cuối xóm. Hưng đứng bên kia hàng rào, hỏi vói sang:
-Bửa nay không ngủ trưa sao chú Tư?
Chú Tư ngừng tay búa, trả lời:
-Sửa sang lại cái hàng rào để nuôi vài ba con gà cho vui nhà vui cửa. Đất nước độc lập thanh bình rồi mình phải biết tự túc tự cường. Đâu có thể ăn bám đế quốc, tư bản hoài. Tao hổng ưa cái lối phồn vinh giả tạo! Thời đại cách mạng phải có cuộc sống cách mạng chớ, phải không Hưng?
Hưng cười:
-Chú Tư thuộc bài kỹ quá. Vừa mới được học tập có vài tháng, đem áp dụng vô thực tế liền. Mà bộ chú muốn đổi nghề sao? Nghề thợ giày đâu phải là tư sản mại bản, tư sản dân tộc gì mà lo.
- Tao mà tư sản cái khỉ khô gì! Lúc nầy đâu có ai mang giày, mang dép nữa nên ế lắm. Cả ngày ngồi ngáp lên ngáp xuống, thiếu điều trẹo bản họng. Thỉnh thoảng có một hai khách hàng tới sửa vài cái quay dép râu đứt. Đâu có bao nhiêu tiền. Ở không hoài đâm buồn, nuôi bậy đàn gà, buổi sáng nghe gáy ó o, buổi chiều chờ nghe cục tác cũng đủ vui. Nghe chú Tư nói tới đó, Hưng bật cười nhớ tới thím Tư. Chú nói chuyện nghe được như vậy mà lần nào nhắc tới chú là thím chê tàn tệ. Như hôm trước qua chơi bên nhà, thím vừa têm thêm miếng trầu, vừa nói với mấy đứa em gái Hưng:
- Nữa sau lấy chồng tụi bây đừng có lấy mấy cha thợ giày. Tao lỡ gặp chú Tư mầy, kể như cuộc đời còn có phân nửa.
Con Út đứng kế bên nghe nói bật cười:
- Lấy chồng như chú Tư, có giày dép mang, sướng thấy mồ, thím còn đòi hỏi gì nữa. Chú Tư lại cao ráo, đẹp trai...
Thím Tư ngoe ngoảy, bỏ míệng trầu vừa têm vào miệng:
- Đàn ông gì mà suốt ngày ngồi lúc thúc ở nhà, ngồi đóng giày cồm cộp. Từ sáng mơi tới chiều tối, đâu có nói năng gì với ai, thành ra không mở miệng thì thôi, mà mỗi lần mở miệng ra là nghe không lọt lỗ tai. Đẹp trai mà vô duyên thì chỉ còn có một phần tư, tao nói còn phân nửa là tự an ủi đó!
Thím Tư đẹp người, ăn nói lanh lợi, hoạt bát vui vẻ. Mỗi lần thím qua nhà chơi là anh em Hưng quây quần xung quanh để nghe chuyện. Ngược lại với thím là chú Tư, ít ăn ít nói. Nhiều khi Hưng không hiểu tại sao hai người lại thành vợ chồng được. Chú thiệt thà, chất phác, ăn chắc mặc dầy, tuy vóc dáng bên ngoài chú coi cũng được lắm. Mấy ngày tết nhứt, lễ lạc, chú Tư ăn mặc chỉnh tề vào thì y như các ông lớn, hào hoa, phong nhã đúng mực. Cứ nhìn hình chú chụp thì biết. Trong tiệm giày đằng trước, đàng sau, ở giữa, chỗ nào cũng treo đầy ảnh. Cạnh tủ kiếng là tấm ảnh chụp hai vợ chồng hồi mới cưới. Chú mặc áo dài khăn đóng, mặt bơ bơ đứng cạnh thím. Thím ngồi thong dong, chơn mang hài thêu, cổ đeo kiềng vàng, bới tóc, dáng hơi ngượng nghịu, thẹn thò.
Giữa phòng là hình hai vợ chồng chụp ở đền Đế Thiên Đế Thích lúc đi chơi ở Cao Miên. Chú vòng tay phải ôm lấy thím. Thím tay che dù, vai đeo bóp đầm, phía sau có tượng Phật lớn với nụ cười hiền hoà, thanh thản. Những tấm còn lại là hình của riêng chú. Tấm nào coi cũng đẹp. Lần nào qua nhà chú, Hưng cũng ngắm các tấm hình nầy hoài nên đâm ra quen thuộc. Thiệt là cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Mà ở đời, có mấy ai bằng lòng với cái mình hiện có đâu. Thím Tư cũng vậy. Hễ chú Tư làm một việc gì, nói một câu nào thì thím cũng kiếm cách để chê. Chê không thương tiếc, chê không chút nương tay.
Có lần tình cờ qua nhà, Hưng nghe thím cằn nhằn:
- Ông nói chuyện gì mà vô duyên quá vậy? Con người ta thi rớt, đáng lẽ không phải an ủi, khuyên lơn chớ !
Chú Tư trả lời, giọng xuội lơ:
- Thì tôi an ủi, chớ có nói gì đâu! Bà làm cái gì mà đong đỏng!
- An ủi kiểu ông còn hơn chửi người ta. Con Hai thi rớt, nó buồn nó khóc, ông lại nói như vậy nghe sao được.
- Đâu bà chỉ coi tôi nói bậy ở cái chỗ nào? Tôi nói với nó là tại con học dở nên thi rớt, đừng buồn. Lần sau siêng siêng thêm một chút nữa là đậu liền.
- Trời đất, cũng như hôm trước thằng Tám cưới vợ, hai vợ chồng nó dắt nhau đến thăm, đáng lẽ ông phải khen tụi nó đẹp đôi vừa lứa, trai tài gái sắc, loan phụng hoà minh…
- Bà làm tài khôn không hà! Tôi khen tụi nó bà không nghe sao?
- Ông khen vậy đó hả, vợ nó có nước da bánh mật, ông ngắm tới ngắm lui rồi nói -bộ vợ mầy mới đi chơi Cấp về hả, sao mặt mày tay chưn đen thui vậy?
Nói tới đây, thím phân bua với Hưng:
- Mầy nghĩ coi, ổng vô duyên quá trời. Nói chuyện như dùi đục chấm mắm nêm. Phải chi hồi đó biết vậy, tao không ưng cho ổng ở giá tới già !
Chú Tư chậm rãi, từ từ trả lời:
- Má mầy mà gặp được tao như đĩa đeo chưn hạc. Lấy được chồng giỏi giắn đâu phải dễ. Bà kiếm đỏ con mắt coi cả cái xứ nầy cũng không có ai đóng giày chắc như tôi!
Câu trả lời rất có lý. Giày của chú Tư đóng, đi mười năm cũng chưa mòn. Da dầy, nhợ to, đế cao cả tấc, giống như giày nhà binh. Năm nào cũng vậy, anh em Hưng cứ gần Tết đều qua bên chú Tư đóng giày mới. Ngày mồng một, mang đi biểu diễn vòng chợ. Đứa nào đứa nấy bị phồng chưn, khệnh khạng như ông táo mang hia. Thấy các bạn khác có giày đẹp đẽ, Hưng cằn nhằn với ba đòi lần sau phải mua giày mới ở Sài Gòn, chớ không chịu đóng giày chú Tư nữa, ba Hưng không chịu:
- Tụi bây không biết chớ chú Tư làm giày chắc chắn lắm, đi lâu hư. Giày Sài Gòn được cái mả nên ngoài, bên trong lót cạc -tông bở rệu, đi vài ngày là đứt chỉ hết, vụt bỏ.
Nhìn đôi giày của chú Tư đóng thì biết ngay con người chú. Chắc chắn, kỹ lưỡng nhưng thô kệch, quê mùa. Chú Tư sống hồn nhiên, nghĩ sao nói vậy, không trau chuốt, không văn hoa, đôi khi vụng về làm mích lòng người nghe. Lối xóm đã quen tánh nên cũng không ai quở trách, đôi co gì.
Nhưng ở đời, có cái gì vĩnh cửu đâu! Tất cả đều thay đổi hết. Cách mạng về, mọi sự còn thay đổi lẹ hơn nữa. Ông xuống làm thằng. Thằng lên làm ông. Chú Tư cũng phải tuân theo cái định luật thay đổi đó. Ngày trước chú Tư làm thợ đóng giày da. Bây giờ chú Tư trở thành thợ thay dép râu đứt kiêm chuyên viên nuôi gà. Lợi dụng những ngày giờ rảnh rỗi dư thừa, chú đã lượm lặt, tom góp những mảnh ván hư, cây gỗ vụn vá víu, o bế, chắp nối lại để làm một cái chuồng cao cẳng khá lớn để nuôi gà. Cái mái cao và nhọn vút thẳng lên được làm bằng hai tấm tôn cũ với những dấu đinh đóng lủng lỗ chỗ, ri sét vàng vàng, mặt trước có cái cửa làm bằng mành mành sắt, một cái thang nhỏ bằng cây dầu dựng từ mặt đất lên tới cửa chuồng. Nhìn chuồng gà mới làm xong đặt dưới gốc cây nhãn to, Hưng thấy nó giống như cái nhà rông của đồng bào Thượng thu nhỏ lại. Hưng nhìn tới nhìn lui, thấy cửa chuồng không có khóa, bèn hỏi chú Tư:
- Lúc nầy coi bộ trộm cướp hơi nhiều, gà heo lại có giá, chú liệu coi gắn thêm một ổ khóa ở cánh cửa chuồng, cho chắc ăn!
- Có một cái lớn ngoài hàng rào rồi. Vả lại, xóm nầy có chút xíu mà công an cả chục người trông chừng. Mình ở giữa chợ, sát bên Phường thì còn sợ gì trộm cắp!
Đứng ngoài trời đã hơi lâu, nắng buổi trưa nóng như đổ lửa. Hưng lấy tay che đầu, mắt nheo nheo, vừa đi vô nhà vừa nói:
- Biết đâu chừng chú Tư, cẩn thận vẫn tốt hơn!
Rồi từ hôm cái hàng rào được sửa sang cho đến nay, đàn gà của chú Tư ngày càng đông đúc. Con nào con nấy lớn như thổi. Mỗi sáng ra sân, chú mở chuồng gà, đứng nhìn quang cảnh chúng giành ăn, dáng khoẻ mạnh sởn sơ mà sướng trong bụng. Lần lượt từng con, từng con nhảy xuống thang, tung tăng đi kiếm mồi. Con gà trống lớn bước những bước hiên ngang ra cửa chuồng trước tiên, hai cái chưn cao nghệu, vững vàng như hai cây cột cứng chắc, phủ đầy vảy vàng lớn như hột bắp. Những cái lông đuôi đen bóng, óng ánh cong vòng. Đôi mắt tròn vo, cái tròng vàng hoe, ươn uớt long lanh, thường chớp nhay nháy. Nó đứng giũa sân cỏ, xoè cánh, giương cao cái cổ mượt lông, cất tiếng gáy ồ ồ, náo động cả một vùng. Xung quanh là một bầy gà mái với đàn con ríu rít. Cái giống gà mái lông màu vàng sẩm lẫn những vết nâu đen, xam xám nhìn thấy lem luốt dơ dáy như dính đầy bùn đất, nhưng lại là loại mập mạp đầy thịt.
Mỗi con chọn riêng một gốc cây hay một hốc đá, dùng móng cứng như sắt để bới đất và cúi mỏ mổ lia lịa. Con gà mái to vừa mổ vừa bới, gặp được trùn dế, miệng kêu cục cục gọi bầy con nhỏ đến ăn chung. Những lúc trời sắp mưa hay cơn giông lớn, nó lựa một nơi kín đáo xù lông xòe cánh để che chở cho đàn con nhỏ. Những con gà con, nhỏ cở bằng nắm tay, lông vàng lợt, mỏ nhỏ như mỏ chim sẻ chạy xung quanh mẹ, kêu ríu rít. Con thì chun vô bụng vô cánh, con thì nhảy lên lưng, miệng kêu chim chíp, vang rân cả cái sân nhỏ. Cái sân từ lâu cỏ dại mọc um tùm, chỉ trên dưới vài ba tuần là bị đàn gà mổ trụi lủi, không còn một cọng cỏ xanh. Rồi lần lượt tới các châu kiểng. Hoa lá gì cũng tả tơi, tan nát. Giữa cây cỏ và gà, chú Tư đành phải hy sinh một vậy. Ối, hoa kiểng mà làm gì khi nồi gạo sắp hết. Ở cái thời nầy, phải lo cái ăn trước đã.
Mỗi lần nhìn đàn gà, lòng chú Tư ấm áp. Vì đàn gà là nguồn sống phụ của gia đình, đồng thời cũng là niềm vui. Nếu sống mà không có việc gì làm cho vui thì cuộc đời đáng buồn thiệt. Cái thế gới nho nhỏ của chú bây giờ là cái sân gà quen thuộc. Chú nhớ từng con với từng dấu vết, màu sắc đặc biệt. Con gà mái đẻ màu lông xám, đen nhiều hơn vàng, đã hết bóng mượt. Đôi mắt thường ngơ ngác, mệt mỏi. Cái mình to lớn bề ngang nên đi đứng có vẻ nặng nề như một người đàn bà lớn tuổi. Tám con gà mái còn lại ở lứa tuổi đang tơ, con màu xam xám, con màu vàng vàng, với các đám lông đen trắng pha trộn không đều. Nhìn những cặp mất tròn vo có viền vàng, chú phân biệt được cái nét lanh lợi hay khờ khạo của con nầy, con kia. Cũng như ông trời sanh loài người, trong cái đám nhân loại đông lúc nhúc ấy, đâu có ai giống hệch ai như hai giọt nước.
Thói đời bây giờ không còn biết tin ai. Người ta được khuyến khích tố nhau vì những chuyện không đâu, nói năng nhiều, giao thiệp rộng càng gây thêm tai vạ. Vui với đàn gà không sợ bị tố bậy mà còn có ăn ngon, lâu lâu bán ít gà lại có tiền xây xài.
Nhưng hình như ông trời trên cao kia, không thương chú Tư chút nào. Cái ước vọng thật nhỏ nhoi và gần gũi của chú là nuôi đàn gà mái đẻ cũng không thể thực hiện trọn vẹn được. Vào một đêm tối trời, hàng rào nhà chú Tư bị phá một lỗ hổng lớn bằng cái thúng. Lúc đó cơn mưa vừa dứt hột. Đương ngủ mơ màng, bỗng nghe có tiếng gà xao xác sau vườn, chú vụt tỉnh ngủ, xách đèn chạy ra coi. Cái cửa chuồng mở toang hoác. Con gà mái lớn đang ấp cùng bầy gà mái tơ, mất tiêu. Các con còn lại, dáng xơ xác, nhốn nháo. Có tiếng chân chạy ở cuối hẻm, xa dần rồi lặng im. Vào khuya, trời trở nên tối đen. Bầu trời còn đầy nước nên không thấy một vì sao. Đèn đường không còn một bóng, lảm sao soi sáng được màn đêm. Thủ phạm biệt tăm. Chú Tư tay cầm đèn, đứng ngó dọc theo con đường mờ mờ, xa hun hút, mặt bơ bơ. Phố xá im lìm câm nín như không thèm biết đến nổi bực tức buồn giận của chú chút nào. Chú nhìn sững cái chuồng, bụng tức ấm ách. Một luồng gió lạnh thổi tạt ngang, cánh cửa đong đưa nhè nhẹ, tiếng ken két nghe mà bực mình. Chú đưa tay đóng mạnh. Cánh cửa bị xô, đập vô khung cây nghe một tiếng ầm vang trong đêm trường tỉnh mịch. Rồi tất cả trở về với cái im lặng mênh mông.
Sáng hôm sau chú đứng nhìn bao quát cả cái sân đầy dấu chưn bùn sình nhòe nhoẹt. Trên đường, đây đó còn rơi rớt lại vài cái lông gà xam xám. Chuồng gà còn trơ lại le que vài con gà trống già với đàn gà con mới mặc áo lá. Con gà trống buổi sáng vẫn hùng dũng oai nghi đứng vỗ cánh bành bạch, vươn cái cổ cao nghệu, cất tiếng gáy ó o tựa ngày nào. Như chưa hề biết cái tang thương, đổ nát, mất mát của đêm qua. Nhưng nghe trong âm thanh đó có cái gì cô đơn, xa vắng quá. Như cõi lòng của chủ nhơn nó….
Ôi! Cái cảnh sinh ly tử biệt nào mà chẳng thê thảm, xót xa!
Hưng đưa tay kéo cái ghế đẩu mặt bằng da, qua ngồi sát bên cạnh bàn sửa giày, coi chú Tư vá lại chiếc dép rách, miệng hỏi thăm về vụ chú bắt được thằng ăn trộm gà.
- Chú Tư ơi, thằng Cải bị bắt giải về đồn công an rồi mà sao hồi nảy chính mắt tôi thấy nó đi lò lò ngoài chợ, dáng điệu tỉnh bơ, sao kỳ cục vậy?
- Chú Tư ngừng tay búa, tay sửa lại gọng kiếng già, ngửng mặt nhìn Hưng định nói thì thím Tư từ bên trong bước ra, trả lời thay:
-Thiệt tình là tao cũng không biết ra sao nữa. Nó ăn trộm gà của tao hai lần, bị bắt quả tang, vậy mà…
Chú tiếp lời vợ, mặt còn bực bội:
- Chú Hưng nghĩ coi, gia tài tao có cái chuồng gà, bao nhiêu công phu cực khổ đổ dồn vô đó. Vốn liếng thì cũng không bao nhiêu nhưng tiếc cái công mua tấm cám, xắc rau muống, đào trùn cả mấy tháng nay. Nghĩ tới nghĩ lui mà tức mình. Tánh tao lại không ưa lên quan xuống làng, dạ thưa phiền phức, lôi thôi quá. Nhưng không đi thưa thì tức không chịu được. Rốt cuộc thì tao cũng phải rán lên đồn mà trình báo vụ mất mát đó. Tao đã biết là của đã mất rồi thì dễ gì mà lấy lại được nhưng ít ra mình cũng báo động cho người ta biết để phòng ngừa lần sau. Cái thằng trưởng đồn nghe tao kể chuyện mất gà, nó làm bộ ngạc nhiên lắm. Nó nói ở cái xã nầy, nó trách nhiệm an ninh, sao lại có thành phần trộm cắp, phá hoại như vậy được. Công an nhơn dân ngày đêm canh gác lo bảo vệ tài sản tánh mạng của nhơn dân. Nó hứa sẽ cho người theo dõi, điều tra chắc chắn sẽ bắt được thủ phạm. Nó hỏi tỉ mỉ các chi tiết, ghi chép lia lịa, xong rồi bèn phân trần:
- Chú Tư đừng buồn, tại đêm qua công an xã có nhiệm vụ quan trọng đặc biệt do cấp trên chỉ thị phải lo nên không thể trông chừng bọn trộm cắp được. Nhưng kể từ đêm nay, chú cứ yên tâm ngủ ngon, anh em sẽ quyết tâm bắt cho được tên ăn trộm gà. Ở xóm nầy, không thể có kẻ lộng hành như vậy. Công an phải bảo vệ tài sản cho nhơn dân để họ yên tâm mà lao động sản xuất tốt…
Cái luận điệu ba xạo đó, tao đã nhiều lần nghe qua, chán quá bèn bước ra khỏi đồn công an không thèm chào ai hết. Vậy mà nó còn rán nói theo:
- Chú Tư đừng có lo, công an đã điều tra thì phải biết, con kiến cũng không lọt!
- Chú tin mấy lời của anh Tám nói không ?
- Nó nói vậy, thì tao cũng nghe vậy, chớ làm sao tin được mậy. Ông Thiệu nói một câu để đời, chắc tới già tao cũng không quên. Nhưng bây giờ, mình mất gà, không thưa với tụi bò vàng đó, thì thưa ai?
Rồi chú xụ mặt xuống, nói tiếp :
- Con kiến thì không lọt, chớ con gà, con bò thì lọt tuốt luốt. Tao đành nuốt giận trở về, quyết không ngủ rình bắt cho được thằng ăn trộm mới nghe. Tao với bả rình liên tiếp cà tuần lễ. Cho đến ngày hôm qua thì bắt được cái thằng mắc dịch đó. Vốn ăn quen nên mắc bẩy, nửa đêm nó lại lò mò đến, tính hốt cho sạch chuồng gà mới thôi, nào ngờ nó bẻ khóa lụp cụp, lac cạc tao nghe được tri hô lên. Nhờ lối xóm nghe động, xúm ra vây bắt tại trận. Tưởng ai lạ, nhè đâu thằng Cải, cái thằng vô công rồi nghề, phá xóm phá làng, nổi danh ở cái xóm nầy, không ai chịu nổi. Nó bị bắt giải về đồn ngay trong đêm ấy. Thằng công an vừa dẫn nó đi, vừa nói như phân bua với lối xóm:
- Cho mầy đi học tập rục xương, cách mạng không tha thứ thành phần bất hảo, trộm cắp, đĩ điếm, ăn hại xã hội. Dưới thời ngụy, tụi mầy được dung dưỡng chớ cách mạng thì đừng hòng.
Thuật đến đây chú Tư bỉu môi:
- Cái thứ đồ nói dóc. Chổng cẳng ngủ cho đả, người ta báo mấy lần rồi cũng như không. Phải tao không rình bắt thằng Cải thì biết tới chừng nào tụi nó mới bắt được.
Thím tiếp lời chú, giọng bực bội:
- Mà bắt rồi cũng như không. Mầy nghĩ coi, mình bắt được thằng ăn trộm gà, giao cho nó giam. Nhè đâu nó thả ra đi ngờ ngờ. Chú Tư mầy lên gặp anh Tám trưởng đồn, hỏi tại sao có chuyện lạ kỳ vậy? Ảnh nói là nhà nước không có gạo để nuôi mấy người tội phạm. Mỗi anh công an đều có khẩu phần nhứt định, không thể lấy bớt ra cho phạm nhơn ăn. Nếu tao muốn giam giữ thằng Cải bao nhiêu ngày, thì phải tính ra số gạo mà nộp cho đủ. Tính như vậy thì thiệt thòi cho tao quá, đã mất gà rồi bây giờ lại phải mất thêm gạo nữa, lại phải đi lên đi xuống thưa gởi, tao đâu có hưỡn. Thôi đành để cho họ thả nó ra, chớ nhốt mà bỏ đói người ta, làm sao được. Ở cái xứ nầy, bây giờ nhiều chuyện kỳ cục quá, tao hết biết.
Nói xong, thím thở dài ngao ngán:
- Luật lệ của cách mạng là như vậy đó, mầy hiểu nổi không?
Chú Tư xen vô, nói một hơi tỉnh bơ:
- Có gì mà má mầy không hiểu, mình bắt được thằng ăn trộm mà lại giao cho thằng ăn cướp nhốt, nó thả ra là phải rồi, còn thắc mắc gì nữa. Hồi xưa ra sao thì bây giờ con hơn nữa….
Chú giải nghĩa thêm:
- Hồi xưa là cái thời còn quan huyện, quan phủ, bây giờ là cái thời của quan cán bộ, anh Tám, anh Chín, anh Mười… Má mầy không nhớ ông bà mình thường nói sao:
Con ơi, nhớ lấy câu nầy,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Thím Tư tay xỉa trầu, tay chống nạnh, miệng bô bô nói với Hưng:
- Trời đất! Mầy thấy ổng lúc nầy nói năng có duyên hết sức chưa! Từ ngày cách mạng về, tao chịu ổng quá, nói câu nào nghe được câu đó, không như lúc trước. Thiệt tình, thay đổi lẹ ghê! Rồi thím chợt giựt mình, hạ thấp giọng:
- Ý, tao quên phứt, nói chuyện lớn tiếng quá. Rủi có người ngoài nghe được, nguy hiểm. Ăn trộm, ăn cướp thì tụi nó tha, chớ còn ăn nói bậy bạ thì coi chừng, có ngày đi học tập mục xương!
- Vài nhận xét về bút pháp Trà Lũ Võ Kỳ Điền Nhận định
- Bên Kia Núi Võ Kỳ Điền Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |