|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Trên con đường đi đến Nam Hải Phổ Ðà Sơn (*) có một anh chàng làm nghề đồ tể sống hẩm hiu với bà mẹ góa. Anh chàng này tính tình nóng nảy, hung hãn, không hiếu thuận và thường hay sinh sự gây gỗ với mẹ. Những lúc quá chén anh còn thậm chí ra tay đánh đập bà già.
Người mẹ là một bà lão hiền lành, bà cho rằng nghiệp chướng của bà còn nặng cho nên kiếp này mới nhận chịu những sự trừng phạt; vì vậy bà thành tâm thờ phụng Nam Hải Quán Âm. Mỗi ngày bà quì hàng giờ trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát để sám hối, mong rằng như vậy sẽ giảm được tội nghiệp và hy vọng là đứa con ngỗ nghịch kia sẽ hồi tâm để cho bà có chỗ nương tựa vào lúc tuổi già.
Hằng năm cứ đến ngày 19 tháng 2 là thiên hạ chen chúc nhau đi dâng hương nhân ngày vía Phật Bà. Người đồ tể này thấy thiên hạ sùng kính đấng Bồ Tát như vậy thì tỏ vẻ hiếu kỳ. Anh cho rằng nhiều người không ngại đường xa vạn dặm đi đến dâng hương chắc chắn phải có một thần tích nào khiến cho họ tin. Anh lại nghe những người dâng hương trở về cho biết nếu như ai thành tâm đảnh lễ, thì họ sẽ thấy Quán Thế Âm hiện thân. Anh chàng đồ tể nghe nói như vậy thì quyết định làm một chuyến hành hương.
Một năm nọ, anh theo đoàn người dâng hương lên núi Phổ Ðà. Lên đến nơi, anh ta đi khắp mọi hang động, chùa chiền, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của đấng Từ Bi. Anh ta tỏ vẻ thất vọng và có lòng oán trách những người khách dâng hương đã gạt gẫm khiến anh tốn một chuyến đi vô ích. Khi đến trước cửa động Triều Âm, anh thấy một lão hòa thượng râu dài trắng xóa đang ngồi tham thiền, anh ta chạy đến hỏi rằng:
- Sư phụ ơi, tôi nghe người ta nói rằng trên núi Phổ Ðà này có đấng Quán Thế Âm hiển linh, nhưng tôi tìm hoài không thấy, vậy ông làm ơn chỉ cho tôi được không?
- Lão hòa thượng từ từ mở mắt trả lời:
- Ngươi muốn gặp đấng Quán Thế Âm hả? Dễ lắm, ngài hiện đang đi đến nhà ngươi đó, nếu ngươi chạy gấp về nhà thì sẽ gặp ngài.
- Nhưng tôi không biết dáng dấp của Quán Thế Âm, thì làm sao tôi có thể nhận ra ngài được.
- Khi ngươi trông thấy một bà lão mặc áo trái, mang dép ngược, thì đó chính là đấng Quán Thế Âm. Khi gặp ngài, ngươi nên quì xuống thành tâm đảnh lễ, ngài sẽ chỉ cho ngươi được nhiều điều hay.
Anh chàng đồ tể nghe lão hòa thượng nói vậy thì vội vàng lên đường về nhà. Anh ta về đến nhà vào đúng lúc nửa đêm. Trong khi đó, bà mẹ anh ta từ lúc đứa con rời khỏi nhà đã hằng đêm khấn vái trước tượng Bồ Tát, bà cầu đấng Từ Bi cảm hóa cho đứa con ngỗ nghịch. Nhiều đêm bà chân thành tụng niệm cho đến gần sáng mới chợp mắt.
Ðêm hôm đó, khi nghe tiếng đập cửa thình thịch, bà giật mình trở dậy vừa hồi hộp lo âu là đứa con ngỗ nghịch sẽ đến kiếm chuyện với bà. Trong lúc hấp tấp nên bà tròng áo trái, xỏ dép ngược mà vẫn không hay. Khi cửa được mở ra, anh chàng đồ tể hơi ngẩn người một chút rồi sụp xuống lạy lấy lạy để:
- Ðệ tử bái kiến Quán Thế Âm Bồ Tát.
Bà lão ngây người kinh ngạc:
- Con nhận lầm rồi, chính là mẹ đây, chứ có phải Quán Thế Âm Bồ Tát nào đâu?
- Con không lầm đâu, vì chính lão hòa thượng tại Nam Hải Phổ Ðà Sơn nói cho con biết là bà lão mặc áo trái, mang dép ngược chính là hiện thân của Bồ Tát. Bà chính là Bồ Tát đây mà.
Bà lão sau khi hoàn hồn, nhìn kỹ lại thì rõ ràng bà đang mặc áo trái, mang dép ngược. Bà nghĩ là có lẽ đấng Quán Thế Âm hiển linh đã giáo hóa đứa con ngỗ nghịch nên bà mạnh miệng nói rằng:
- Con là đứa con ngỗ nghịch, ở nhà ngay chính mẹ ruột cũng không tròn đạo hiếu thì làm sao có duyên gặp được đấng Từ Bi. Ông lão hòa thượng mà con gặp mới chính là hiện thân của Quán Thế Âm. Ngài vì thương mẹ cho nên mới dạy con trở về đây giữ tròn chữ hiếu. Nếu như không nghe theo thì ngày sau con sẽ gặp phải nhiều quả báo. Từ rày về sau nếu con một lòng một dạ thờ kính mẹ thì công đức đó cũng như gặp được đấng Bồ Tát vậy.
Anh chàng đồ tể nghe bà mẹ nói xong, lương tâm anh phát hiện. Từ đó anh thay đổi hẳn thái độ, một lòng cư xử hiếu thuận với mẹ, và cũng từ bỏ luôn nghề đồ tể, chuyển sang làm nghề tiểu thương. Tính tình anh hòa dịu trở lại, nhã nhặn với mọi người chung quanh và nổi danh là người hiếu thuận nhất trong vùng.
Trên đây là câu chuyện trích trong trứ tác Nam Hải Phổ Ðà Sơn Liệt Truyện của Chử Vân Pháp Sư. Tuy là câu chuyện truyền kỳ, nhưng có một nội dung sâu sắc. Ðấng Quán Thế Âm không chỉ hiện thân tại Phổ Ðà Sơn, mà là ở trong lòng, trước mặt, ngay bên cạnh của mọi người. Người mẹ hiền của chúng ta không phải là đấng Quán Thế Âm Bồ Tát đó hay sao? Nếu như một người nào không hiếu thuận với cha mẹ thì dù có đi đến Phổ Ðà Sơn cũng chẳng ích lợi gì!...
Chử Vân Pháp Sư còn nói rằng: "Phàm những người tin Phật, phải nên học thêm Phật pháp và tìm hiểu xem đấng Từ Bi đã thành Phật như thế nào, chứ không phải chỉ hàng ngày đốt nhang cầu nguyện là đủ. Mỗi con người phải thệ nguyện để trở thành một Quán Thế Âm rồi dùng tâm tư từ bi để cứu độ người khác".
Nhưng làm thế nào thì một con người phàm phu tục tử có thể trở thành một đấng Quán Thế Âm? Nếu như ta có thể luyện tập để "Nội quán tự tại, thập phương viên minh, ngoại Quán Thế Âm, tầm thanh cứu khổ", có nghĩa bên trong lòng thì minh mẫn, yên tịnh, im lặng mà nghe được thế giới bên ngoài, lúc nào cũng có thể lần theo tiếng thở than mà cứu giúp kẻ khác, thì khi đó ta có thể đạt đến một trình độ mà trong lòng chúng ta rõ ràng ngự trị một tâm hồn của Quán Thế Âm...
Dân gian Trung Hoa thường gọi Quán Thế Âm Bồ Tát với một danh từ âu yếm và thương yêu: Mẹ Quán Thế Âm. Lối xưng hô này thật êm ái, nhẹ nhàng, trìu mến, phảng phất như lời của đứa con gọi mẹ....
Chỉ một danh từ Quán Thế Âm - nghe thấu âm thanh của thế gian - cũng đủ để cho chúng ta nghiền ngẫm. Trong đó bao hàm vô vàn sự từ bi và phổ độ mà người đã dành cho vạn vạn chúng sinh.
(*) Nam Hải Phổ Ðà Sơn: Thuyết Pháp Ðạo Tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát, trong kinh Phật thì ghi là ở vùng Nam Hải, có ngọn núi Phổ Ðà Lạc Gia Sơn là nơi mà ngài tu hành. Trên thực tế thì đạo tràng này nằm trên một ngọn núi giữa biển, thuộc về quần đảo Châu Sơn ngoài khơi cửa sông Tiền Ðường, tỉnh Chiết Giang, thuộc vùng Ðông Hải của Trung Quốc.
- Mẹ Quán Thế Âm Phạm Huê Truyện đạo
- Những Hạt Đậu Biết Nhảy Phạm Huê Truyện đạo
- Maria Quán Thế Âm Phạm Huê Truyện đạo
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |