|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tác giả: B. Traven là bút hiệu của một tiểu thuyết gia, có tên thật, quốc tịch, ngày tháng và nơi sinh cũng như chi tiết về thân thế đều không rõ. Ông đã sống nhiều năm ở Mễ Tây Cơ, nơi đây ông sáng tác 12 bộ trường thiên tiểu thuyết cũng như nhiều truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết “Kho Tàng Trong Rặng Núi Sierra Madré” được dựng thành phim và chiếm 3 giải thưởng Oscar.
Vào một đêm nọ, có tiếng đập mạnh vào cánh cửa căn nhà gỗ mà tôi đang ở. Tôi lại không có đồng hồ nhưng nhìn theo ánh trăng thì lúc đó cũng vào khoảng nửa đêm. Nơi đây là một làng mà đa số là dân da đỏ bản xứ sinh sống và cả vùng này được coi là cái nôi của bọn cướp, bọn buôn ma túy.
Thời điểm này cũng nằm trong giai đoạn cách mạng trong nước, Nhiều toán nhỏ bán quân sự mất liên lạc với đơn vị nên một số phải trở về đây sống nhờ vào gia đình. Có điều mà tôi phải biết cách làm sao mà sống an toàn được trong vùng này vì không phải là người da đỏ bản xứ hay người Mễ Tây Cơ. Thêm vào đó kinh nghiệm lại dạy cho tôi biết một người muốn sống vui vẻ và yên lành trong một cộng đồng như vậy thì nên sở hữu một đôi giầy mà đế đã thủng, vài chiếc áo rách và chiếc quần có nhiều chỗ lòi cả da thịt ra. Thêm vào đó nếu có vài đồng pesos vài cuốn sách, chiếc máy chữ xọc xệch thì tốt.
Người dân trong làng, bất kể là tên cướp hay kháng chiến quân, tôi chẳng cần biết mà họ cũng chẳng để tôi đói. Sau 9 tháng làm việc cực khổ, cánh đồng trồng hoa màu của tôi bị mất trắng vì nạn sâu. Tôi tự hỏi lấy gì để sống đây? Rồi hai người trong làng gõ cửa nhà tôi và ngỏ ý muốn học Anh Văn. Họ hỏi tôi học phí bao nhiêu. Tôi nói mỗi buổi học là 20 xu. Họ trả trước cho tôi 10 giờ học, vì vậy tôi có đủ tiền mua bắp giống trồng vì mùa mưa sắp tới.
Qua hai người học viên này, tôi có thêm 5 người khác tới xin học. Tôi chẳng bận tâm việc tại sao thanh niên trong làng lại thích học Anh Văn như vậy. Tất cả rất chăm chú vào việc học và trả học phí cho tôi sòng phẳng. Trong tình trạng như vậy, tôi cũng chẳng quan tâm tới họ là thành viên của đảng cướp hay không. Họ để cho tôi sống yên và tôi cũng chẳng thèm thắc mắc về họ
Giờ đây ngay trong vùng quê xôi đậu này có người gõ cửa nhà vào lúc nửa đêm thì với kinh nghiệm, qua những lời khuyên hay lối hành xử khôn khéo nhất là im lặng, nghĩa là không lên tiếng, nín thở càng lâu càng tốt, vì ngay khi cánh cửa vừa mở ra để coi xem ai gõ cửa thì việc gì đó bất chợt sẽ xẩy ra ngay. Một thằng bé mang điện tín báo là ai đó gửi cho một trăm dollars hay là cả chục viên đạn ghim vào người. Có người tự cho mình là can đảm, nhưng can đảm tại một nơi như ở đây, trong hoàn cảnh này và nhất là trong lúc này thì chứng tỏ là người đó bẩm sinh ngu muội và không có cách nào chữa được. Vì vậy tôi vẫn im lặng như chiếc nắp chiếc hộp đựng đầy tiền. Khi tiếng gõ cửa trở nên dồn dập hơn, người tôi run lên, mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng mà khi tiếng gõ cửa ngày càng mạnh và gấp rút hơn, lúc đó bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Bất kỳ việc gì sẽ xẩy ra cũng phải có một quyết định.
Sau vài tiếng đập cửa, tôi nghe những tiếng nói bên ngoài. Với những âm thanh khác nhau, tôi có thể nghe rõ tiếng của ba người. Giọng của họ mạnh, cương quyết chứng tỏ họ biết rõ lý do tại sao họ tới đây và họ muốn gì. Rồi có tiếng bước chân của cả ba người trộn lẫn nhau. Tôi cũng có thể biết hai người mang ủng và một người đi đôi giày vải. Có lẽ đời sống của tôi chỉ còn kéo dài bằng những bước của họ.
Dĩ nhiên là tôi nghĩ tới việc trốn chạy. Một căn phòng có hai cửa sổ nhưng đã được khoà lại chắc chắn, muốn mở phải mất một khoảng thời gian cũng như gây tiếng động. Tôi cũng không có súng, dù sao súng cũng chẳng giúp cho tôi được gì vào lúc này. Không thể hạ cả ba người một lúc được, lại càng không dễ cho một kẻ đã giết ba người rồi trốn ra khỏi làng, nhất là đây là sào huyệt của bọ băng đảng hay của toán quân kháng chiến. Tốt hơn hết là không có vũ khí vào lúc này, hơn nữa là tránh cho tôi cái mã là “can đảm”. Ở bất cứ nơi đâu và khi nào cũng vậy, hai chữ “can đảm” chỉ là lời nói khuyến khích đầy vẻ an ủi mà thôi. Thường thì những kẻ “hèn nhát” sống sót trong những trận đánh. Trong những trận chiến, những kẻ can đảm ngã xuống dành những vinh quang cho những kẻ hèn nhát trở về với những vòng hoa và huy chương.
Giờ thì họ đã tới sát cửa rồi. Do những trận mưa nhiệt đới lớn, căn nhà sàn được nâng cao bởi những cây cột, bực thang gỗ được đóng dẫn lên cửa căn nhà. Bước chân thình thịch dậm lên những bực thang rồi tôi nghe như chỉ một người tiến sát tới cửa còn hai người kia thì đứng ở bực thang phía dưới. Có tiếng đập cửa thật mạnh, hình như do báng súng đập vào. Khi thấy không có tiếng trả lời, hắn kêu lớn:
- Mở cửa, chúng tôi muốn nói chuyện.
Như vậy họ biết là tôi đang có mặt trong nhà. Tiếng đập cửa và la gọi tiếp tục nhưng tôi vẫn không hé môi và cử động. Có tiếng họ nói chuyện với nhau. Rồi với cả sức mạnh, họ đập như thể muốn phá vỡ cánh cửa ra, ba cái miệng cùng la:
- Mở cửa … mở cửa.
Bây giờ tôi nhận ra là tôi biết một trong ba người, Tôi đứng dậy, cố làm vẻ mặt lạnh lùng. Chẳng là cái chết vinh quang gì và cũng chẳng có ai nhận ra cái chết của tôi vì lúc này không có một phóng viên nhà báo nào có mặt để tường trình về sự can đảm và thái độ của tôi vào những phút cuối của cuộc đời cả. Bọn cướp chẳng bao giờ lưu tâm tới sự run rẩy của nạn nhân, ngay cả những tay đao phủ thủ cũng vậy. Đó là công việc, việc làm có kế hoạch hẳn hoi
Dù cho những người kia đã chuẩn bị khi tôi thình lình mở bật cánh cửa ra họ cũng hơi giật mình. Tôi làm bộ nói với giọng giận dữ ngái ngủ:
- Gì vậy. Việc gì các người tới đập cửa nhà tôi vào nửa đêm như vậy? Những tên lái xe lừa keo kiệt kia, những tên chết tiệt kia không cho người lương thiện này ngủ hay sao. Lũ khốn say rượu hay sao mà đập cửa nhà người ta ầm ỹ lúc nửa đêm vậy? Đi đi … ra khỏi nhà này ngay để cho tôi ngủ.
Tôi la mỗi lúc một to, cố tình làm như giận dữ và cũng muốn nói những lời cuối cùng trong đời. Nhưng họ lại trả lời với giọng nói ôn tồn:
- Xin lỗi ông, chúng tôi muốn nói với ông về một việc quan trọng.
Những người da đỏ bản xứ hay lai lai không có khái niệm gì về thời gian. Khi tim họ chứa đầy những điều phiền muộn, họ sẽ tới với bạn bất cứ lúc nào, bất kể là ngày hay đêm. Trong trường hợp đặc biệt như vậy, tôi phải mở to cánh cửa mời họ vào nhà.
- Mời vào, các bạn. Tôi có thể giúp được việc gì giữa đêm khuya khoắt như thế này?
Ngôi mặt trăng ló dạng và tôi có thể nhìn rõ hình dạng của ba người mặc dù chiếc mũ rộng vành che khuất khuôn mặt họ. Đó là ba thân hình lực lưỡng, quần trắng, áo sơ mi cũng màu trắng nhưng sạch sẽ và hở ngực. Hai người mang ủng, vai có đeo súng trường giống như binh sĩ trong quân đội, ngang hông hai người này còn mang giây lưng gắn đầy đạn, còn người thứ ba đi đôi giầy vải, tay chỉ cầm chiếc dao rựa.
Người thứ ba hình như nhận ra tôi và tôi cũng mang máng hình như gặp hắn vài lần trong làng, còn hai người kia thì hoàn toàn xa lạ. Người cầm chiếc dao rựa tiến lại gần tôi rồi nói với giọng nhỏ nhẹ:
- Thưa ông, ông có thể tới nhà tôi ngay bây giờ được không? Thằng cháu của tôi đau nặng. Tôi không biết nó đau bệnh gì, chỉ biết là khi đưa nó về tới nhà thì nó nằm li bì. Vì thế chúng tôi tới đây để nhờ ông, chúng tôi biết là ông có thể giúp chúng tôi vì ông là người có học, ông là một thầy thuốc giỏi nữa.
Tôi hỏi:
- Thằng bé mắc bệnh gì vậy?
- Chúng tôi không biết vì thế mới đến cầu cứu ông. Làm ơn tới nhà chúng tôi xem nó ra sao. Làm ơn.
Bác sĩ ở gần nhất cách đây 40 dặm, có nghĩa là vừa đi vừa về bằng xe ngựa phải mất ba ngày và phải tốn hơn 100 pesos, mà phải đưa tiền trước cho chủ xe. Ai là người trong làng khốn khổ này có đủ món tiền như vậy. Mà còn tiền khám bệnh cho bác sĩ với tiền nằm nhà thương, dù đó chỉ là một bệnh xá đơn sơ tại một tỉnh lỵ nhỏ bé. Tại đây không ai cho bạn thiếu tiền thuê nhà, không ai chữa bệnh cho bạn nếu không trả tiền trước, ông chủ tiệm bánh hay chủ tiệm tạp hoá không bán thiếu dù chỉ là một cân khoai tây. Nếu không có tiền trả bác sĩ hay tiền thuốc thì bạn không có quyền sống, có nghĩa là bạn phải chết hay sống mà không có thuốc chữa trị.
Tôi có một cái thùng nhỏ đóng bằng gỗ ván ép, nhiều khi dùng để đựng giầy, nhưng giờ là một thùng thuốc. Nói là thùng thuốc cho ra vẻ chứ trong đó đựng ít viên thuốc aspirin, ít viên thuốc trị đau bụng, ngoài ra còn ít đồ may vá, nút áo, nút quần, vài lưỡi dao cạo, thuốc đánh răng, ít lưỡi câu và vài thứ lặt vặt khác. Lúc còn trẻ khi muốn đi đâu, tôi nhét những thứ cần dùng vào túi áo, túi quần hay trong túi chiếc áo choàng là xong. Đến khi lớn, đi nhiều nơi và lâu hơn, tôi dùng chiếc hộp gỗ này vì nó đựng được nhiều đồ và tiện cho tôi hơn.
Dù cho ba người kia không nói và cũng không dám đo lường kiến thức về y khoa của tôi, tôi cũng mang chiếc thùng thuốc theo. Đây là một kinh nghiệm cay đắng mà tôi đã trải qua vaì năm trước. Dạo đó tôi phải đi ra ngoài, nghĩ là chỉ khoảng một giờ sau là về nhà. Không ngờ chỉ ít giờ sau tôi đã phải lưu lạc sang nước khác. Qua kinh nghiệm này, tôi trở nên cẩn thận hơn, chiếc bàn chải đánh răng, chiếc dao cạo râu, và chiếc la bàn nhỏ luôn luôn nằm trong túi quần. Biết đâu tôi phải tìm đường trốn thoát khỏi ba con thú ăn đêm này. Khi chuẩn bị cất bước, một trong ba người hỏi:
- Có phải thùng thuốc của bác sĩ đây không?
- Phải, thùng thuốc của tôi đó. – Tôi trả lời, người đó ậm ừ một cái ra vẻ hài lòng rồi cầm lên tay. Người khác dục:
- Bây giờ mình đi được rồi.
Tôi khóa cửa lại rồi theo họ lên đường. Chẳng biết là họ dẫn tôi đi đâu và tôi cũng chẳng dại gì mà hỏi. Đi sang nước Honduras hay Sinaloa, tôi cũng chẳng có quyết định hay quyền hành gì cả, mà đó là quyền của những người mang súng. Trong thời buổi này, người có súng thì ra lệnh còn người tay không thì phải tuân lệnh, đó là lẽ đương nhiên. Tôi lầm lũi đi theo ba người, không dám mở miệng than thở hay hỏi là đi tới đâu và tại sao.
Chúng tôi không đi băng qua làng mà đi vòng quanh ven những đám ruộng. Rồi khi qua khỏi làng là khu rừng thưa, sau đó tới một căn nhà gổ bên rừng. Ngôi nhà này có vẻ khang trang, cò hàng rào gỗ chung quanh, phía trước trồng hoa, hai bên trồng rau. Căn nhà không đổ nát hay lợp bằng tranh như phần lớn nhà trong làng. Trước cửa có nhiều chậu trồng hoa đủ màu sắc. Trong làng hay cả một vùng này tôi chưa thấy có căn nhà nào đẹp và sạch sẽ như vậy.
Trong nhà thật là sang trọng, những chiếc giường có khung sơn mài trắng, những chiếc ghế gỗ sơn bóng loáng, trên tường treo những bức tranh vẽ các vị anh hùng lập quốc, hình Đức Mẹ đồng trinh , hình con cháu trong gia đình, rõ ràng đây là một danh gia vọng tộc. Không ai có thể kính phục gia chủ hơn khi nhìn thấy cảnh tượng nơi đây.
Tuy nhiên kinh nghiệm cho biết là đừng nên tin ngay những gì bày ra trước mắt. Ở đây có rất nhiều loại cây nhìn thật đẹp mắt nhưng nếu lấy tay sờ vào, bạn sẽ bị tổn thương, phải mất cả tháng mới chữa lành được.
Vì vậy khi vừa bước chân vào trong nhà, tôi không tỏ lòng ngưỡng mộ căn nhà này ngay mà nghĩ tới việc ba người mang vũ trang bắt tôi tới đây. Làm bộ chăm chú nhìn vào một bức hình làm cho mọi người tưởng tôi bội phục, miệng tôi lẩm bẩm:
- Bức hình đẹp quá, người hoạ sĩ này thật tài.
Trong lúc nói, tôi nhìn quanh gian nhà, những chiếc cửa sổ bị chắn bằng những thanh sắt và che kín, không một tia sáng nào lọt ra ngoài, hai căn phòng có người mang súng ngồi canh ngay cửa, không một ai ra hay vào mà không bị hai người này kiểm soát.
- Mời ngồi. - Một trong ba người nhìn tôi lên tiếng rồi đưa mắt nhìn vào chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn đặt ngay giữa nhà. Tôi ngồi xuống và đảo mắt nhìn quanh, sàn nhà trải thảm dày màu vàng nhạt trông sạch sẽ, hai góc nhà có để những bình cắm hoa hồng, một khăn vải màu sắc rực rỡ trải lên bàn và có hai ngọc đèn dầu đang được thắp sáng. Tôi đã không nhìn thấy đèn suốt 14 tháng qua, không nhà nào trong làng có đèn cả, ngay cả tôi cũng vậy. Ở đây đèn dầu tượng trưng cho lớp người giàu có.
Ngay khi tôi bước vào nhà, người mang chiếc dao rựa liền đi vào một căn phòng rồi đóng cửa lại. Một lúc sau hắn đi ra, tay cầm một chai rượu và chiếc ly. Hắn nói:
- Làm một chút cho ấm đã. – Nói rồi hắn rót nửa ly và đưa cho tôi.
- Chúc sức khỏe – Tôi cầm lấy ly rượu, nốc cạn một hơi. Toàn thân ấm hẳn lên, tôi nghĩ là thứ rượu tequila qúi này đem ra mời tôi chắc có mục đích gì đây. Hai người mang súng đứng ở cửa, họ không chú ý tới tôi, chắc hẳn là không sợ tôi trốn chạy mà cốt là đề phòng có kẻ tấn công từ ngoài vào. Điều tôi đoán chắc là đúng vì một lát sau, họ huýt sáo rồi một người ngồi lại trên chiếc ghế đẩu nơi cổng ngoài, còn người kia thì ngồi ôm súng gác nơi chiếc cửa bước vào nhà.
Chiếc ly lại được rót đầy, tôi nhận lấy rồi uống cạn. Đóng nút chai lại, người đó nói:
- Bây giờ mình bắt đầu công việc chính nha.
Hắn đứng dậy rồi ra hiệu cho tôi đi theo. Chúng tôi bước vào một căn phòng nhỏ, ánh sáng mờ mờ hắt ra từ ngọn đèn dầu để trên chiếc bàn nhỏ. Tôi có thể nhìn thấy cảnh vật trong phòng: Hai người đàn bà đang ngồi trên ghế, khăn choàng che kín đầu và cổ. Cả hai đều là người da đỏ, quần áo sạch sẽ, một người khoảng chừng ba mươi tuổi, sau đó tôi biết cô ta là vợ người mang con dao rựa, còn người kia thì lớn tuổi, có thể là mẹ của cô này hay người đàn ông nọ. Đây có lẽ là phòng ngủ của hai vợ chồng này.
Khi thấy tôi bước vào, cả hai người đàn bà đúng lên và cúi chào, nắm nhẹ tay tôi rồi ngồi lại xuống ghế. Trên giường, một thằng bé khoảng 13-14 tuổi nằm im, mắt nhắm nghiền, chiếc chăn đắp tới cằm, gương mặt tái xanh. Nhìn qua tôi đoán là cậu bé này bị bệnh chưa lâu và chắc là mất nhiều máu. Người đàn ông hướng về tôi nói:
- Thằng bé mà tôi nói với ông đó.
Người đàn bà nhỏ tuổi nói:
- Chắc chắn là ông cứu được nó. Nó là cháu, con ông anh tôi. Thằng con của tôi chết từ nhỏ nên chúng tôi coi nó như con ruột. Xin cứu nó, chúng tôi cám ơn ông rất nhiều. Nó là đứa con trai cuối cùng của dòng họ chúng tôi, mấy đứa kia bị bắn hay bị đâm chết hết trong những kỳ bầu cử trong vùng này rồi.
Trong những kỳ bầu cử trong tỉnh hay quận thường xẩy ra những cuộc chém, giết của hai hay nhiều phe. Họ say sưa lăn xả vào nhau bắn giết, đâm chém phe đối thủ. Tuy vậy trong vài tuần nay làm gì có cuộc đầu phiếu nào quanh đây, như vậy đứa bé này không thể bị bắn hay bị đâm vì lý do bấu cử được.
Tôi quỳ xuống cạnh giường bắt đầu khám đứa bé. Hai mắt nó nhắm nghiền, tôi vạch mí mắt nó lên, con mắt như ngủ nhưng như bị choá vì ánh sáng, nhịp tim yếu nhưng đều, hơi thở nhẹ và đều. Tôi hỏi:
- Tại sao nó bị như vậy?
Người đàn bà trả lời:
- Không biết nữa. Người ta bồng nó về đây và bất tỉnh như vậy đó. Ông có chữa khỏi cho nó được không?
- Xin lỗi là tôi không thể trả lời ngay lúc này được. Có ai nói tại sao nó bị như vậy không?
Không một tiếng trả lời. Tôi thấy người đàn ông nhìn người phụ nữ, ngón tay để lên môi rồi lắc đầu. Lập tức tôi quay đầu về phía đứa bé, làm như không nhìn thấy để cho họ có đủ thì giờ ra hiệu với nhau. Hai khuỷu tay tôi tựa vào đầu gối, bàn tay ôm lấy mặt như thể suy nghĩ, y hệt một bác sỹ chuyên nghiệp. Nói cách khác, bác sỹ phải biết bệnh nhân cho biết đau ở chỗ nào và tại sao lại bị đau như vậy.
Tôi nói câu mà mọi bác sỹ đều nói:
- Đây là một trường hợp nghiêm trọng, tôi sẽ cố gắng chữa cho nó với khả năng của tôi.
Hai người mang súng bước vào phòng xem tình hình như thế nào. Tôi nói lớn:
- Hộp thuốc của tôi đâu.
Một người bước ra khỏi phòng, một lát sau hắn mang hộp thuốc vào.
Phải làm gì bây giờ đây, tôi cũng chẳng biết nữa. Bất cứ giá nào, tôi phải hành động vì tôi bị mang tới đây với tư cách là một bác sỹ và mọi người mong mỏi như vậy. Tôi không có một lựa chọn nào hơn và cũng phải làm vừa lòng mọi người. Hơn nữa hai người mang súng cũng đứng ở đây như muốn chứng tỏ là hai mũi súng sẽ chĩa vào đầu tôi bất cứ lúc nào: “Tên da trắng khốn kiếp, mi phải chữa lành cho đứa bé lập tức. Nếu trong mười phút nó không đứng dậy, mi sẽ phải nằm chết bên xó rừng”.
Đây là trường hợp thường xẩy đến cho các bác sỹ ở xứ này, tôi bị mang tới đây cũng không nằm trong ngoại lệ.
- Trong nhà có CAFION không? – Tôi quay sang hỏi người đàn bà với nét mặt nghiêm trọng như thể vị linh mục đang làm phép cho một người vừa chết.
- Có, có … có nguyên cả một lọ.
- Cho tôi ba viên và một ly nước lạnh.
Tôi hoà ba viên thuốc trong nước rồi đổ vào miệng đứa bé. Xong đâu đó rút thuốc lá ra hút, xin thêm chút rượu tequila và ngồi đợi. Sau khoảng 10 phút, tôi khám lại thằng bé và thấy thuốc đã có hiệu quả. Tim nó đập mạnh hơn. Tôi đã gặp may mắn mà vị bác sỹ nào cũng mong được như vậy. Tôi biết là một vị bác sỹ thực sự không làm theo cách của tôi, tôi chỉ biết làm theo kinh nghiệm và theo những gì có sẵn ở đây. Tim thằng bé đã đập nhanh nhưng nó vẫn chưa tỉnh. Tôi vỗ nhẹ lên má, lên trán, lên bàn tay nó, vẫn vô ích.
Tôi mở hộp thuốc ra, dĩ nhiên là mọi người thấy trong đó đựng những gì, nhưng không thấy ai tỏ vẻ ngạc nhiên, vì tất cả chỉ căng mắt ra nhìn chứ không nói một câu nào. Có thể họ nghĩ cái lưỡi câu để trong hộp là do tôi lấy ra từ bao tử của người nào đó vô ý nuốt miếng cá có gắn lưỡi câu này, Chiếc dao nhỏ rỉ sét kia chắc là đã dùng trong việc mổ xẻ gì đó. Dù sao tôi cũng thấy lòng tin tưởng và ngưỡng mộ của họ đối với một bác sỹ như tôi ngày một tăng lên chứ không giảm.
Lấy một chút thuốc mentholatum trong ống đã dùng một nửa, tôi xoa lên mũi nó để giúp nó thở dễ dàng hơn, tôi lại hỏi xem trong nhà có ammoniac không. Họ mang ra chai thuốc này. Sau khi cho nó ngửi thì nó hắt hơi rồi tỉnh dạy. Tôi lấy một miếng cạc tông quạt vào mặt nó cho bay bớt mùi ammoniac đi, thằng bé thở sâu và bình thường trở lại, nhưng lại ra vẻ đau đớn ở phần dưới.
A, tôi đã hiểu điều mà mọi người không nói cho tôi biết. Nếu tôi nói thẳng ra những điều tôi muốn nói thì hậu quả chắc sẽ xẩy đến như tôi nghĩ khi ba người đến gõ cửa nhà tôi. Phải nói vòng vo như không biết gì. Tôi nhìn thiếu phụ, nước mắt cô ta đang chẩy trong khóe măt, tôi cũng biết là cô ta nói thực về tình trạng thằng bé mà cô ta coi như con ruột. Thằng bé có thể khỏi bệnh sau hai ngày mà không cần sự trợ giúp của tôi, nhưng lính sẽ tới đây, nó sẽ không an toàn chạy trốn và có thể bị bắn gục ngay sau khi vừa bước chân ra khỏi cổng nhà.
Tôi muốn biết việc gì xẩy đến cho tôi khi tôi quyết định làm một việc ngu xuẩn và nguy hiểm. Nhìn thẳng vào mặt người mang chiếc dao rựa, tôi hỏi với một giọng thấp và rõ ràng:
- Cho tôi biết vết đạn ở đâu? Tại sao không nói cho tôi biết là nó bị bắn?
Tất cả mọi người, ngay cả bà đứng tuổi cũng hoảng hốt, miệng lắp bắp nói câu gì. Họ chăm chăm nhìn tôi. Người mang con dao rựa lấy lại bình tĩnh, nói nhỏ với hai người mang súng:
- Đã bảo trước mà lại không tin. Không còn nghi ngờ tên da trắng khốn kiếp này.
Không chờ thêm được, tôi tung tấm chăn đáp cho thằng bé lên. Nhìn xuống ngực và bụng của nó, máu chan hòa trên tấm nệm giường. khám kỹ nó, tôi thấy có hai vết đạn, một bắn vào đùi phải và một vào bắp chân bên trái. Cả hai viên đạn đã đi xuyên qua, vết thương ở đùi thì nặng hơn. Xương không bị tổn hại gì nhưng làm vỡ tĩnh mạch nên máu chẩy ra nhiều. Có lẽ đây là loại súng binh sĩ thường sử dụng.
Tôi bảo họ nấu nồi nước sôi rồi nhúng những miếng vải dùng làm băng quấn để khử trùng. Trước hết tôi lau sạch vết thương bằng nước nóng rồi rắc chất khử trùng mạnh mà tôi để sẵn trong hộp. Chính chất thuốc này đã cứu hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ trong các trận đánh và cũng làm thằng bé nhẩy dựng lên như thề có mũi dao đâm vào người nó, nhưng rồi cũng nhận ra là thuốc này có thể cứu sống nó. Sau khi đợi cho vết thương khô, tôi mới băng lại bằng những mảnh vải đã được khử trùng. Tôi cho nó uống một phần ly rượu tequila, vài phút sau nó ngủ thiếp đi.
Quay sang phía người mang dao, tôi nói nhanh:
- Nếu mang nó lên lưng ngựa chạy trốn khỏi chỗ này thì phải băng bó thật chặt chỗ vết thương lại để tránh bị chảy máu tới chết đó.
Tôi dặn họ phải nấu nước sôi khử trùng những miếng vải băng, cho họ hết chỗ thuốc bột sát trùng, xong xuôi tôi xin nửa ly tequila rồi nói lời từ biệt. Sau khi bắt tay mọi người chuẩn bị đi, thiếu phụ cúi rạp người xuống, hôn tay tôi tỏ vẻ cám ơn. Tôi không nói một câu như hỏi tại sao thằng bé lại bị bắn hay tỏ vẻ hiểu biết vì sao, mà có thái độ như chính mình cũng nằm trong bọn họ và là người bạn tốt trong gia đình này. Trước khi bước đi, tôi nói một câu lấy lòng mọi người:
- Nếu nó không khá hơn thì gọi tôi ngay nhé. Tôi vui lòng giúp cho nó chóng bình phục.
Tuy nhiên vẫn không dễ gì thoát khỏi những người này. Khi vừa tới cửa, người mang con dao nghiêm mặt nhìn tôi:
- Xin lỗi, chúng tôi không thể để ông về một mình giữa đêm khuya như thế này được. Ngoài ra có lẽ ông không biết đường về và có thể nhiều chuyện xẩy ra giữa đường nữa. Chúng tôi đã đưa ông tới đây thì phải đưa ông về tận nhà.
Hai người mang súng và một người mang chiếc dao rựa lại cùng với tôi len lỏi qua những bụi rậm trong đêm tối, đầu óc tôi không đoán được họ đang nghĩ gì, cám ơn hay sẽ thủ tiêu tôi ở ven bìa rừng để không còn ai biết được tung tích của họ. Tôi nhìn người đàn bà đứng tuổi xem thái độ của bà ta ra sao thì thấy bà ta mỉm cười rồi đưa cho tôi một chiếc lọ đựng mật ong:
- Đây là mật ong nguyên chất, xin biếu ông để tỏ lòng cám ơn, Đến mai tôi sẽ cho người mang biếu ông hai chục trứng gà và ít thịt bò.
Tôi nhận lọ mặt ong, trả lời bà ta:
- Không có chi, đến sáng mai thằng bé thức dậy, bà cho nó ăn nhiều vào nhé, hai ba quả trứng gà, thịt, sữa để nó lại sức. Thôi chào bà.
Tôi an lành trở về nhà. Trước khi quay trở lại, người mang chiếc dao dúi vào tay tôi ba pesos.
- Xin cầm lấy, đây là món tiền ít ỏi trả ơn ông.
Tôi đẩy tay ra:
- Xin lỗi, đó chỉ là tình xóm làng giúp đỡ lẫn nhau mà thôi, tôi mong sẽ giúp các ông nhiều hơn nữa.
Thấy tôi từ chối, hắn ngập ngừng rồi nói:
- Có lẽ tôi sẽ gửi thêm hai người tới ông để học Anh Văn.
- Vậy thì tốt. Có thể sáng mai tôi sẽ tới xem thằng bé có khá không.
Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, hồi hộp khi đi qua ngôi nhà cuối làng, tôi gặp ngay người mang chiếc dao tối hôm qua, tự nhiên tôi nghĩ hắn đã đứng đợi tôi từ lâu ở đây vì không muốn tôi vào nhà vào ban ngày. Tôi không chắc là có thể tìm thấy nhà hắn, mà quả thực như vậy, vì tò mò một tuần sau tôi cố tìm căn nhà đó, đi xuyên qua những bụi rậm ven rừng mà tôi tôi cố nhớ đêm hôm đó đã đi qua, nhưng loay hoay cả buổi mà cũng không tìm ra.
Người gặp tôi sáng hôm đó nói:
- Thằng bé đã khỏe hẳn và nó đã ra khỏi làng với vài người khác từ sáng sớm rồi. Chúng tôi đã thay băng cho nó như lời ông dặn, nó tỉnh táo, vết thương lành nhanh. Còn đây là trứng và thịt như bà ấy đã hứa biếu ông tối hôm qua … - Đến đây nét mặt hắn trở nên nghiêm nghị và có vẻ hơi hung dữ.- Còn nữa, ông cũng không nên nói với ai chuyện đêm hôm qua. Hiểu chứ, thưa ông?
Tôi khoác tay, miệng lẩm bẩm:
- Rất rõ … tôi hiểu rõ. Không có lý do gì mà tôi phải mang chuyện này đem kể với người khác. Chỉ có việc tôi muốn đòi hỏi ông, là nếu có dịp đi lên tỉnh thì mua cho tôi số thuốc mà tôi đã dùng cho thằng bé tối hôm qua.
- Dĩ nhiên, tôi sẽ mua đầy đủ những thứ ông cần. – Nói xong hắn ghi chép tên thuốc mà tôi nói rôi chúng tôi chia tay.
Khi về tới nhà thì đã thấy hai người đã ngồi ở ngưỡng cửa để tôi dạy Anh Văn, họ trả 10 giờ tiền học trước.
Vào một buổi sáng sớm hai ngày sau, tôi thấy nhiều người lính vây quanh đám dân làng. Lệnh đưa ra là không ai được rời khỏi làng nhưng người tới thì được. Đã có vài căn nhà bị lục soát, tại tụ điểm chính của làng, cảnh sát đang tra hỏi một số người.
Tôi được biết câu chuyện như sau:
Vài ngày trước, bọn cướp đã xông vào nhà một trại chủ, trói vợ chồng chủ nhà rồi cướp đi số tiền hơn ba chục ngàn pesos của gia đình này. Một đứa bé cũng hiểu đây là lời khai dối trá. Vào thời buổi này, không ai lại để số tiền mặt to lớn như vậy trong nhà cả. Một ngàn pesos là con số lớn lắm rồi. Lính trong tỉnh theo dõi bọn cướp tới đây, hơn nữa đây được coi là sào huyệt của bọn cướp nên họ tới đây điều tra luôn.
Tôi đang bước lại gần chỗ đám đông để coi rõ hơn thì một người hàng xóm chặn tôi lại.
- Chẳng có gì đáng coi cả, vả lại họ sắp đi vì chẳng điều tra được gì. Họ chỉ tìm người đã giúp một tên cướp bị thương chạy thoát. Nếu kiếm ra người này, họ sẽ giết ngay sau khi người đó phải tự đào một cái huyệt trong nghĩa địa. Họ cũng nói là loại người này còn nguy hiểm hơn cả bọn cướp nữa đấy.
- Người đó đã giúp bọn cướp như thế nào? Tôi nghĩ là chúng nó thông minh và gan dạ, sao còn phải nhờ đến người khác giúp?
Người nọ đáp:
- Đây lại là trường hợp khác. Trong toán cướp có một thiếu niên khoảng 13-14 tuổi bị bắn, có lẽ hai phát nhưng được đồng bọn cứu chạy tới làng này. Có người trông thấy nó nằm trên lưng ngựa. Chúng tới đâu, chẳng ai biết, rồi chúng đi tìm một thầy thuốc, chẳng cần một bác sỹ thực mà chỉ là một người biết chữa vết thương đó thôi. Sáng sớm hôm trước một nông dân nhìn thấy hai người và một đứa nhỏ phóng ngựa chạy ra khỏi làng, nhưng không thấy ông thầy thuốc đi với chúng. Toán lính nói là họ cố tìm ra người thầy thuốc này, từ đó có thể tóm trọn bọn cướp.
Tôi cố lấy bình tĩnh nói:
- Hay thật, nhưng có hy vọng tìm được người đó không?
- Rất ít hy vọng. Họ nói là người thầy thuốc sống trong làng này nên họ đã vây quanh làng, không cho hắn chạy thoát. Họ cũng lục soát xem nhà nào có thuốc tây là biết ngay.
Tôi làm mặt nghiêm trọng.
- Đúng vậy. Người lương thiên không bao giờ lại đi giúp bọn cướp cả.
- Ông cũng có thuốc tây trong nhà, phải không?
- Chỉ có một ít thuốc nhức dầu đau bụng thôi.
Ngay lúc đó, một sĩ quan và ba người lính từ một ngôi nhà mà họ vừa xét xong đi ra. Không muốn bị rắc rối nên tôi định bỏ đi thì người hàng xóm khẽ nói:
- Đứng im, đừng làm họ nghi ngờ. Họ không làm gì mình đâu.
Tôi cũng nghĩ là không nên làm điều gì tỏ vẻ che dấu hay gây nghi ngờ cho người khác. Viên sỹ quan và ba người lính đang tiến về phía chúng tôi. Vì tôi hoàn toàn vô tội, không giúp đỡ bọn cướp, không giúp họ trốn chạy, vì vậy chẳng có lý do gì khiến tôi phải bối rối cả.
Viên sỹ quan hỏi tôi.
- Nhà ông ở đâu?
- Căn nhà sàn phía đằng kia, thưa ông.
- Có thuốc tây trong nhà không?
- Dạ có, một ít thuốc trị nhức đầu.
- Ông có chữa được người bị thương do súng bắn phải không?
Tôi làm bộ tò mò hỏi:
- Có người nào trong đội của ông bị bắn à?
- Có. - Người sỹ quan chăm chú nhìn tôi.
- Xin lỗi ông, cứ nhìn thấy máu là tôi lại bị ngất xỉu ngay.
- Nhìn mặt ông thì tôi đã biết rõ như vậy. Này ông bạn, ông không có can đảm như tụi này. Hàng ngày chúng tôi đều bắn giết người. Cám ơn đã làm phiền, chào. - Hắn bắt tay tôi rồi bỏ đi.
Ngạc nhiên khi tôi thấy người hàng xóm dẫn viên sỹ quan đi tới khám xét nhà khác. Khi mọi người đã đi khỏi, đang phân vân không biết về nhà hay ở ngoài đường lúc này thì một đứa bé chạy lại phía tôi. Nó đưa cho tôi chiếc gói giấy, miệng nói khẽ:
- Này ông, đây là số thuốc ông yêu cầu mua ở tỉnh. Mọi thứ đã thanh toán xong xuôi.
Tôi vội vã bỏ gói đó vào túi rồi đi thẳng về nhà.
Sau khi mùa bắp đã thu hoạch xong, tôi nghĩ là nên rời nơi này trước khi việc khác xẩy ra. Vài tuần sau, ngồi trên xe lửa tới thủ đô, những chuyến du hành bằng xe lửa khiến người ta gần gũi nhau hơn dù cho không nên nói quá nhiều với người không quen biết.
Hai người ngồi phía đối diện mời tôi chơi cờ với họ. Để giết thời giờ, tôi đồng ý, được một lát họ quay sang nói chuyện. Câu chuyện xoay quanh việc người Mỹ sinh sống ở xứ Mễ Tây Cơ. Một người nhìn tôi, lễ phép nói:
- Thưa ông, đây chỉ nói tổng quát thôi chứ không nói về ông hay những người Mỹ tử tế khác. Nhiều người đã xuống đây sinh sống và gây ra nhiều khó khăn cho đất nước này, thưa ông. Nhiều người trở thành những ông trùm dầu hoả, những công ty khai thác khoáng sản, chủ đồn điền cà phê, trái cây hay chủ những ngân hàng. Họ muốn những nước Mỹ Châu La tinh này thành sân sau của nước họ.
Người kia nói thêm vào:
- Tôi lại thấy một khia cạnh khác của vấn đề. Xin lỗi ông, tôi nhận ra một điều là những toán cướp, du côn, cờ bạc, ma túy khó sống ở nước họ lại đổ về đây trấn áp những người lương thiện ở xứ này
Tôi nhăn nhó cười:
- Quả thực như vậy, họ nghĩ là xuống sống ở đây thì an toàn hơn.
Người có thân hình to béo nhìn tôi:
- Tôi lại không nghĩ vậy. Tại nơi tôi ở, những tên du côn, cướp bóc không thể hoạt động được. Đơn giản là chúng không thể sống sót. Tôi muốn nói là tận diệt, giết sạch.
Tôi cười, nói một câu cho hắn ta vui:
- Có lẽ ông là Bộ Trưởng Tư Pháp.
- Chưa, có thể là một ngày nào đó ai mà biết được. Hiện nay tôi chỉ là Cảnh Sát Trưởng huyện San Vicente Legardilla thôi. Ông có biết huyện đó không? Đã bao giờ tới đó chưa?
- Tôi? Chưa bao giờ tôi đến đó cả. – Tôi thành thật trả lời. Phải luôn luôn thành thật với Cảnh Sát Trưởng, quan tòa và ngay cả ngài Bộ Trưởng Tư Pháp nữa. Vì tôi nghi ngờ hai người này nên phải nói không thành thật. Vài năm trước, chính tại nơi này tôi đã mướn một trang trại nhỏ trồng bông vải.
Vị Cảnh Sát Trưởng cho là tôi thành thật không biết huyện này nên hãnh diện nói với tôi:
- Huyện của tôi có nhiều cửa tiệm buôn bán, trang trại trồng cây bông vải, trại chăn nuôi và trồng trọt. Tất cả mọi người sống ở đây đều là người lương thiện, sống tuân theo luật pháp và trả thuế đầy đủ. Không gây phiền hà gì cho chính quyền vì họ đều có giáo dục cao lại chăm chỉ.
Tôi đưa đẩy câu chuyện:
- Vâng, tôi cũng gặp được nhiều người như vậy.
Hình như hắn chẳng lưu tâm gì tới lời nói của tôi. Hắn muốn nói và tôi im lặng nghe. Điều vui sướng của một số người là được nói và có người nghe. Hắn than phiền là có một người tới huyện này, làm nhiều điều khiến hắn nhức đầu. Người đã bao che cho những tên đang bị theo dõi với những tội như cướp của, giết người, buôn ma túy …
Uống cạn lon bia, hắn kể tiếp:
- Hắn là một bác sỹ, nhưng lại là một lang băm. Điều tôi căm tức nhất là hắn chữa trị cho những tên cướp bị chúng tôi bắn. Nếu không có hắn, chúng tôi đã đánh tan tác bọn cướp đó rồi. Chúng tôi biết rõ những căn nhà, chỗ ẩn náu của bọn cướp. Không những hắn chữa cho bọn chúng mà còn biết sử dụng vô tuyến, những dấu hiệu điện tử làm cho bọn cướp biết trước cả giờ trước khi chúng tôi mở cuộc lùng bắt. Hắn kiếm được cả đống tiền do bọn cướp cung cấp, cả mấy chục lần hơn lương Cảnh Sát Trưởng như tôi. Ngoài ra hắn còn dạy Anh Văn cho bọn cướp nữa. Bọn này học được tiếng Anh rồi đi cướp những trại chủ người Mỹ. Đã bốn lần, tôi khép tội hắn, nhưng hắn lại qủy quyệt, dùng tiền mua chuộc cấp trên của tôi. Thời buổi này có tiền là có tất cả, thật là đảo lộn hết cả, đạo đức chẳng còn là gì nữa. Đã mấy lần tôi bị đe dọa mất chức.
- Vậy là không làm gì được sao?
- Hắn thật là qủy quyệt, bọn cướp lại ra sức bảo vệ hắn, nhưng rồi chính quyền trung ương dần dần cũng hiểu. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ tóm cổ dược hắn.
- Nếu bị bắt thì sẽ bị ra sao?
- Bị xử tử hay ít nhất ba mươi năm tù giam.
- Bây giờ hắn vẫn ung dung sống ở huyện ông à?
- Không, một đêm kia hắn bỏ đi. Vì chúng tôi làm áp lực mạnh nên hắn phải bỏ cuộc, ông có tin được không, từ ngày đó huyện tôi không còn vụ cướp bóc nào nữa. làng xóm lại được an bình sau bao nhiêu năm. Ông thấy không, mà xin lỗi ông nhé, một tên Mỹ xuống ở huyện tôi đã gây ra biết bao xáo trộn.
Khi tới trạm San Juan del Rio, hai viên Cảnh Sát leo lên nói chuyện với hai người này, thỉnh thoảng họ lại liếc nhìn về phía tôi. Khi tới trạm gần chót, tôi xuống mà không ai chú ý rồi lên xe buýt đi về thủ đô. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao người trong làng lại muốn tôi dạy Anh Văn cho họ. Có lẽ họ muốn những trại chủ người Mỹ hiểu là phải làm theo ý họ muốn.
Bây giờ tôi không còn phải đóng vai bác sỹ cho bọn cướp với tiền công là một lọ mật ong, hai chục trứng gà, hai cân thịt bò và ba pesos mà tôi từ chối không nhận. Tiền công này chẳng xứng đáng gì với thời gian 30 năm ngồi trong tù cả.
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Pho Tượng Chac-Mool Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |