|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Vài hàng về tác giả: Doris Lessing đoạt giải thưởng Nobel bộ môn văn chương năm 2007. Bà sinh năm 1919 tại Kermanshah, Ba Tư, cha mẹ là người Anh, Năm 1925, cả gia đình bà di chuyển sang nước Rhodesia, một thuộc địa của nước Anh tại Phi Châu và sống suốt 25 năm tại đây và đó cũng là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của bà. Trở về Anh Quốc năm 1949, bà hăng hái tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội cũng như phong trào chống võ khí nguyên tử. Bà là tác giả rất nhiều truyện ngắn và trên 50 truyện dài. Cuốn “The Golden Notebook” xuất bản năm 1962 gây đưọc tiếng vang trong thế giới phương Tây, là một nghiên cứu về tâm lý, đời sống của phụ nữ cũng như những tư tưởng về chính trị. Bà mất vào tháng 11 năm 2013 tại Luân Đôn, Anh Quốc.
TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN
Cuộc sống là một cuộc hành trình bí ẩn - nó là một chuyển động không ngừng, hoặc một loạt các chuyển dịch từ sự an toàn và thoải mái sang điều mới mẻ và đôi khi đau đớn. Truyện ngắn "Người Tù Trưởng Già Mshlanga" viết vào năm 1951 của Doris Lessing là một câu chuyện kể về trải nghiệm khiến một cô gái trẻ người Anh sống ở Nam Phi lần đầu tiên cảm thấy bị ấy lạc lõng ở một vùng đất mà cô ấy luôn được dạy rằng thuộc về mình và những người Anh cai trị khác; trong đó Lessing thể hiện sự vượt qua từ những gì đã biết sang những gì chưa biết. Những suy nghĩ của cô bé trong truyện đã bị thay đổi và những gì tưởng chừng quen thuộc giờ đây đã bị sửa đổi mạnh mẽ và vĩnh viễn, đến nỗi cảm thấy không còn gì thuộc về mình nữa. Từ đó cô có một cái nhìn lịch sử mới về dân tộc của mình và về những người Châu Phi đã sống ở đó hàng ngàn năm trước khi người Anh đến. Nhưng cũng nhờ đó cô có một cái nhìn cơ bản hơn về bản thân.
Sự thay đổi lớn trong câu chuyện được nêu ra do sự thay đổi vị trí của người kể chuyện. Lúc đầu, khi mô tả về thời thơ ấu của mình, người kể chỉ mô tả cô gái là "cô ấy". Cho đến khi bắt đầu kể lại cuộc gặp đầu tiên vô cùng quan trọng với Tù Trưởng Mshlanga, cô ta mới đột ngột chuyển từ giọng kể chuyện của ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất với những câu đầy ý nghĩa, "Một buổi chiều tối khi tôi khoảng mười bốn tuổi". Những lời này cho thấy rằng không còn ai nhầm cô ấy với một đứa trẻ khác.
Những năm tháng sống ở đây thật tuyệt vời. Cũng giống như bao trang trại khác của người da trắng, trang trại của cha cô không khai thác hết mà chỉ có những bụi cây hoang dại bao phủ, thỉnh thoảng mới có một vài mảnh được khai khẩn để trồng trọt. Giữa những mảnh đất này chỉ toàn là cây cao, cỏ cao tới tận đầu, cây có gai nhọn hay xương rồng. Những góc đá nhọn nhô lên từ lớp đất nóng vùng Phi Châu gợi lại thời đại cổ xưa, nơi này bị nước, mặt trời và gió xói mòn thành những chiếc hố. Cô bé đứng im, mắt nhìn dòng sông xanh biếc và toà lâu đài lấp lánh phía xa. Cô cất tiếng hát: “Bay xa, thật xa rồi lan rộng mãi. Tấm gương kia từng mảnh vụn vỡ tan tành”.
Đi xuyên qua những hàng thân cây bắp xanh, lá cây trên cao đan vào nhau làm thành một cái chòm như nóc ngôi thánh đường, ánh nắng xuyên qua kẽ lá coi tựa những đường gân. Phía dưới toàn là đất đỏ và những bụi cỏ phù thủy (Witchseed) có những nụ hoa đỏ hình ngôi sao giữa một biển xanh của lá cây bắp làm cô liên tưởng tới mụ phù thủy hung ác ở phương bắc kia. Đó là khu rừng lạnh lẽo đầy bí ẩn ở ngay phía trước mặt cô và cánh đồng trồng bắp này. Rồi những cánh đồng trồng bắp mờ nhạt dần, biến đi mất, cô bé đứng trơ trọi bên cây sồi với những chiếc rễ nhọn hoắt trồi lên khỏi mặt đất. Những đoá hoa tuyết trắng xoá mềm mại rơi xuống, ngọn lửa của đám thợ đốn cây bùng lên xuyên qua giữa những thân cây rậm rạp rồi lan toả ra cả một khoảng không gian.
Cô bé da trắng mở to đôi mắt tò mò nhìn vào bức tranh tràn ngập ánh nắng mặt trời phía trước, một quang cảnh xác xơ và hung dữ mà từ lâu nhận là của mình, phải quen thuộc với những cây ngựa vằn (Msasa tree) hay những cây có gai nhọn hoắt, phải quen thuộc với những thay đổi thời tiết đột ngột.
Trước kia cô không nhìn thấy những cây ngựa vằn, hay những cây có gai nhọn. Trên tay là cuốn sách viết về những cô tiên có những chiếc cánh với những câu chuyện thần thoại, những con sông lững lờ chảy trong cảnh tượng an bình. Cô cũng biết hình dáng lá cây tro hay cây sồi, tên những sinh vật nhỏ sống trong những ngọn suối, trong khi chữ Cánh đồng cằn cỗi hoang phế (veld) lại trở thành xa lạ.
Bởi đó, qua bao nhiêu năm, cánh đồng hoang cằn cỗi chỉ là từ ngữ ảo, không có thực, ngôi mặt trời kia là xa lạ và gió nói những lời chẳng ai hiểu được.
Còn những nguời da đen trong trang trại thì quá khác biệt với giống người như cô, họ tựa như cỏ cây, gỗ đá, chỉ là một khối đen chẳng có hình thù gì nhất định, trộn lẫn với nhau thành những khối hay giống như những con nòng nọc, không có đầu và sinh ra chỉ để phục dịch, miệng lúc nào cũng sẵn sàng câu: “Dạ thưa ông chủ”, rồi xòe bàn tay đen thui ra nhận vài đồng tiền công, rồi đi. Tùy theo mùa, những người này di chuyển từ trang trại này sang trang trại khác theo nhu cầu kỳ lạ của họ mà chẳng một ai hiểu nổi. Có thể họ đi bộ mất hàng trăm dặm từ phía bắc hay phía đông - Họ từ nơi nào tới vậy? Có thể từ vùng mỏ vàng ỏ Johannesburg, tại đây lương tháng khá hơn nhiều so với những phần đất Phi Châu, như ở nơi đây họ chỉ nhận được có vài đồng bạc mỗi tháng cùng hai bữa bắp nấu mỗi ngày.
Cô bé được dạy dỗ là thượng đế đã an bài như vậy: Nếu cô đánh rơi cuốn sách, những tên hầu trong nhà phải chạy hàng trăm mét tới nhặt lên. Cô được người gọi là “Cô chủ”, mặc dù những tên hầu gái da đen chỉ ngang tuổi hoặc lớn hơn cô.
Tới lúc này trang trại thu nhỏ lại, cô bắt đầu tò mò muốn hiểu rõ hơn thế giới quanh mình. Vai khoác khẩu súng và dắt theo hai con chó, mỗi ngày cô đi bộ vài dặm, từ hồ này tới hồ kia, rồi hết ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Nếu có tên bản xứ nào thấp thoáng cách xa nửa dặm, hai con chó sẽ lao tới đuổi hắn lên tuốt ngọn cây giống như loài chim vậy.
Có vài lần đám trẻ con da trắng tụ họp chơi đùa, để tạo trò vui, chúng bắt người bản xứ đi qua làm trò như xua đàn chó ra rồi vỗ tay reo hò khi người này chạy thục mạng, hay dùng một đứa trẻ da đen thay cho chó. Chúng ném đá hay những thanh gỗ ra xa rồi bắt đứa bé kia chạy mang về lại cho chúng.
Trong đầu cô bé, nhiều câu hỏi làm vướng bận tâm hồn non trẻ vì những câu trả lời vẫn chưa làm thoả mãn tính tò mò của cô. Ngay cả việc không thể nghĩ những người da đen làm trong nhà là bạn bè, mỗi lần thấy cô nói chuyện với họ, mẹ cô giận dữ la: “Tránh ra, con không được nói chuyện với người dân bản xứ”
Một buổi chiều tối khi tôi khoảng mười bốn tuổi đang thơ thẩn bên một cánh đồng trồng bắp vừa được cày xong. Những tảng đất màu đỏ phơi ra một quang cảnh mới mẻ, tươi mát khác hẳn ở phía xa là cánh đồng cằn cỗi hoang phế. Đây là thời điểm của tĩnh lặng và sầu muộn. Tiếng chim chuyền từ cây này sang cây kia, đất trời và lá cây mang một màu vàng đậm. Khẩu súng trên vai, cà hai con chó đang phục bên gót chân.
Thình lình khoảng hai trăm mét trước mặt tôi, một nhóm hai người Phi Châu đứng hai bên một người như một pho tượng. Tôi huýt sáo cho hai con chó đứng sát vào, hạ khẩu súng xuống khỏi vai rồi bước tới. Tôi tỏ ý muốn họ phải tránh sang bên đường cho tôi đi qua. Nhưng những người này lại thẳng bước lại phía tôi. Hai con chó tỏ dấu cho tôi ra lệnh tấn công. Tôi nổi giận khi thấy họ không tránh đường cho tôi mà còn làm ngược lại.
Một ông già đi trước dẫn đường. Thân hình ông được một cây gậy đỡ, tóc bạc xoá, một chiếc mền đỏ đậm choàng quanh cổ coi tựa chiếc áo choàng. Hai thanh niên đi theo sau, tay mang theo giáo, rìu và những chiếc nồi đất nhỏ.
Đây là nhóm người không bình thường. Không phải họ tới đây kiếm việc làm mà có một hành động khác thường, trầm lặng với mục đích riêng nào đó. Dáng điệu lạ lung này khiến tôi không dám có hành động ngu xuẩn nào mà chỉ lẳng lặng bước đi, tay vỗ nhẹ hai con chó đang gầm gừ. Khi tới gần khoảng mười bước thì ông già dừng bước nói với tôi:
- Xin chào cô.
- Xin chào ông. Các ông đi đâu vậy? - Giọng nói của tôi hơi cao như của kẻ bề trên.
Ông già nói một tràng tiếng bản xứ, thanh niên phía sau phải dịch lại bằng tiếng Anh một cách trôi chảy:
- Tù trưởng chúng tôi đi thăm người em ở phía bờ sông bên kia.
“Tù Trưởng”, tôi nghĩ trong đầu, và hiểu là niềm tự hào đã khiến cho ông già đứng trước mặt tôi tỏ thái độ bình đẳng, hơn cả sự bình đẳng bình thường nữa với những cử chỉ, lời nói nhã nhặn lịch sự. Còn tôi thì không.
Vẫn đứng cách tôi khoảng mười bước, ông già lại nói, như mang theo niềm tự hào, như thể khoác lên mình một truyền thống hãnh diện. Khi nói ông không nhìn thẳng vào tôi mà ở nơi nào đó qua đầu tôi, lên những ngọn cây, có lẽ ông sợ nhìn vào mắt tôi là bất lịch sự chăng.
- Cô là cô chủ nhỏ của trang trại nhà ngài Jordan?
- Vâng.
- Có lẽ cha cô không còn nhớ. - Người thanh niên làm thông dịch cho ông nóí.- Trước kia có việc liên quan tới mấy con dê. Tôi nhớ là đã gặp cô rồi, lúc đó … Hắn đưa tay chỉ vào đầu gối rồi cười.
Mọi người đều cười.
- Tên anh là gì? – Tôi hỏi.
- Đây là tù trưởng Mshlanga. – Anh ta chỉ tay vào ông già rồi trả lời.
- Tôi sẽ nói với cha tôi là gặp các ông.
Tù trưởng cười nói:
- Xin có lời vấn an cha cô, thưa cô chủ nhỏ.
- Xin chào. – Tôi lịch sự chào lại dù rằng rất khó khăn vì những tiếng này rất ít khi dùng.
- Chào cô. – Nói xong ông đứng nép vào bên đường nhường chỗ cho tôi đi qua.
Tôi bước đi, bây giờ tôi thấy khẩu súng lủng lẳng trên vai một cách vụng về, hai con chó gầm gừ đánh hơi như sẵn sàng cho trò chơi đuổi theo người bản xứ như đuổi theo con vật làm con mồi.
Sau đó chẳng bao lâu tôi đọc được một hàng trong cuốn sách thám hiểm cũ: “Cái đích của chúng ta là vùng đất của tù trưởng Mashlanga, về mạn Bắc con sông. Hãy xin phép họ cho chúng ta được khai thác vàng trong vùng đất này”.
Câu “xin phép họ” thật là bất thường cho một cô bé non nớt. Có phải tất cả những người ở đây được người da trắng sử dụng như món đồ vật? Điều này làm nẩy sinh trong đầu cô nhiều thắc mắc. Chúng bám chặt vào tâm trí cô, không dễ gì xóa bỏ được mà trái lại ngày một nẩy nở, phình lớn lên.
Một dịp khác khi những người khai thác tới vùng đất Phi Châu này với lều vải và búa tìm kiếm những vùng đá ngầm chưa khai phá. Họ sàng lọc từ những mảnh đá vụn để tìm kiếm vàng rồi tới trại nói chuyện với cha cô bằng những câu như: “Vùng đất của tù trưởng Mshlanga” và “Nó kéo dài suốt từ vùng núi, chạy dài xuống tận con sông, có lẽ cả dài hàng trăm dặm. “Vùng đất của tù trưởng Mshlanga” được dùng để chỉ tên của khu đất này.
Tôi đọc thêm nhiều sách, tạp chí nói về giai đoạn phần đất Phi Châu này được người Anh chú ý tới khoảng năm mươi năm trước. Tôi hiểu được tù trưởng già Mshlanga là một người nổi tiếng ở đây, tôi cũng biết những người thám hiểm và khai thác. Nhưng lúc đó tù trưởng còn trẻ, hoặc đó là cha hay chú bác của tù trưởng bây giờ, tôi cũng chẳng hiểu nữa.
Trong năm đó tôi gặp tù trưởng vài lần trên con đường băng qua trang trại, từ lâu lắm con đường này thổ dân đã thường dùng để di chuyển tới vùng đất của họ. Có lẽ trong đáy lòng tôi mong ước được gặp ông, được trao đổi vài câu xã giao hình như trả lời cho tôi vài điều uẩn khúc trong lòng.
Bây giờ khẩu súng đeo trên vai lại mang một ý nghĩa khác. Tôi thường dùng để săn bắn nhưng giờ không tự tin nữa và ngay cả hai con chó cũng có thái độ khác. Khi thấy thổ dân tiến tới gần, tôi chào hỏi họ, dần dần những quang cảnh khác trong trí mờ dần cũng như có cảm tưởng là mình đang đặt chân lên vùng đất Phi Châu xa lạ chứ không phải là của mình nữa. Tôi thấy thật rõ ràng hình dạng cây cối, những ngọn đồi và những người da đen đang đi lùi lại phía sau, tôi đứng bên lề cuộc đời, nhìn một vũ điệu ngay trước mắt giữa người và cảnh vật, một vũ điệu cổ xưa mà không thể nào bắt chước được.
Tôi nghĩ đây cũng là di sản của tôi. Tôi được nuôi dưỡng ở đây nên phải là quê hương của tôi và cũng là quê hương của những người da đen kia nữa. Đất đai rông lớn dư thừa cho mọi người, không cần phải lưng đối lưng với nhau
Đối với tôi, việc cần thiết là phải nói với tù trưởng Mshlanga là mọi người cần phải tôn trọng lẫn nhau, người da đen và người da trắng khi gặp nhau phải đối xử với nhau tử tế, phải chịu đựng những dị biệt. Thật là quá dễ dàng.
Thế rồi một việc xẩy ra làm thay đổi hẳn cái nhìn của tôi. Những người làm việc trong nhà là ba người bản xứ: Một người nấu ăn, một người chăm sóc vườn tược và một người dọn dẹp trong nhà. Họ cũng thường thay đổi công việc giống như những người làm trong trang trại, làm vài ba tháng rồi bỏ di làm công việc khác hay trở về lại làng. Có phải họ được cho là “tốt” hay “xấu” tùy vào thái độ khi là người hầu? Họ lười, có khả năng, dễ bảo hay vô lễ? Gia đình nào dễ dãi thì có câu: “Mình mong mỏi gì hơn bọn mọi rợ da đen đó”. Nếu giận dữ thì: “Lũ mọi khốn kiếp, tốt hơn là không có chúng trên trái đất này”.
Một hôm, viên cảnh sát đi qua nhà vừa cười vừa nói vọng vào:
- Bà có biết có một người quan trọng đang ở trong bếp không?
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi ông ta:
- Ông nói gì? Ai vậy?
Viên cảnh sát chỉ anh bếp, nói bằng một giọng diễu cợt.
- Con của tù trưởng. Nó sẽ là tù trưởng Mshlanga khi ông tù trưởng già chết.
Khi viên tù trưởng đi khỏi, chúng tôi nhìn người đầu bếp bằng con mắt khác. Từ trước tới nay chúng tôi chỉ biết anh ta là một đầu bếp giỏi và mỗi cuối tuần lại say sưa. Là một thanh niên cao lớn, nước da đen bóng, tóc đen rẽ làm hai như mốt của người da trắng và lúc nào cũng có cái lược cài lên. Rất lịch sự và nhanh nhẹn tuân theo mệnh lệnh. Bây giờ đã biết được lai lịch, mẹ nói nhỏ với tôi: “Con thấy chưa, rõ ràng người ta có dòng dõi”.
Tuy nhiên, với tính tình đã được đào luyện trong môi trường của dân thuộc địa cả vài chục năm, mẹ trở nên nghiêm khắc với anh ta hơn. Lúc nổi giận, mẹ la: “Mày chưa phải là tù trưởng, hiểu chưa”. Anh ta chỉ im lặng cúi đầu nói nhỏ nhẹ: “Vâng, thưa bà chủ”.
Một buổi chiều anh ta xin phép nghỉ ngày Chủ nhật tới để về làng. Tôi hỏi:
- Làm sao anh vừa đi vừa về chỉ có một ngày được?
- Tôi đi bằng xe đạp chỉ mất một giờ rưỡi thôi.
Tôi nhìn theo phương hướng đã vẽ và ngày hôm sau tôi cũng đi khỏi nhà, theo phương hướng đã chỉ tìm đến làng anh ta. Tôi biết anh ta sẽ là người kế vị làm tù trưởng trong tương lai. Gần quanh trang trại nhà tôi không còn làng nào khác.
Bên ngoài ranh giới hoàn toàn mới lạ. Tôi bước theo con đường không quen, qua những ngọn đồi với chân trời mù mịt xa tắp. Đây là đất của chính quyền mà dân da trắng vẫn chưa khai thác. Trước hết tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có thể xẩy ra như vậy được. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản là khi qua khỏi biên giới trang trại thì sẽ tới một vùng đất mới với thung lũng xanh tươi, sông ngòi uốn khúc và những đàn chim nhỏ ríu rít trong những bụi cây và thảm cỏ xanh mềm dưới gót chân cùng những cây cao vút.
Tôi đã quen với cái nhìn nơi trang trại với hàng trăm mẫu đất bị soi mòn khắc nghiệt, cây cối bị chặt làm củi đốt cho lò mỏ, chỉ còn lại những cây nhỏ, khẳng khiu rồi lại bị đàn bò kéo đi để tạo thành những con đường mòn chằng chịt, rồi lún sâu xuống dần thành những con lạch nhỏ dưới tác động của mưa.
Vùng đất này vẫn còn hoang sơ, những góc đá nhọn nhô lên khỏi mặt đất như để dành cho những người muốn khai thác hay thân cây cháy dở mà người thổ dân đã trải qua đêm.
Tất cả đắm chìm trong cái tĩnh mịch. Buổi sáng nóng với tiếng chim cu đâu đó, buổi trưa lại ngập trong vùng ánh sáng vàng đậm đặc. Tất cả chỉ là vắng lặng, chẳng có bóng dáng người nào ngoại trừ một mình tôi lẻ loi chốn này.
Tiếng chim gõ mõ đều đều rồi một cảm nhận lạnh giá dần dần chạy từ lưng lên vai, tôi khẽ rùng mình, chân tóc tê tê. Cảm giác này chạy xuống da thịt làm cho tôi nổi da gà. Bây giờ tôi thấy lạnh, mồ hôi đổ ra. Cảm cúm? - Tôi tự hỏi. Rồi thình lình tôi quay mình nhìn lại phía sau và chợt nhận ra là mối sợ hãi. bất thường và xấu hổ. Đây là mối sợ hãi mới mẻ. Nhiều năm qua tôi đã một mình đi bộ khắp mọi nơi và không bao giờ có cảm giác như thế này. Khởi đầu tôi mang theo súng và hai con chó, nhưng với những vật phòng thân như thế lại khiến cho thổ dân sợ hãi và mất tình thân thiện nên lần này tôi không mang theo.
Tôi cảm nhận rõ ràng những điều trong nội tâm đang trổi dậy. Dưới ngôi mặt trời cổ xưa, vùng đất Phi Châu này rộng lớn và trầm lặng lạ lùng, như cô đặc rồi tạo nên hình dạng kỳ quái trong tâm hồn, thậm chí tiếng chim kêu cũng giống như lời hăm dọa và cả linh hồn người đã chết cũng đang lởn vởn trên từng ngọn cây hay chỏm đá. Di chuyển chậm chạp và thận trọng như thể sợ làm xáo trộn cái gì đó thuộc về cổ xưa và linh thiêng. Cái gì đó to lớn, đen đủi và tức giận ở ngay ở phía sau, rồi bị đánh từ sau tới. Nhìn vào lùm cây quấn lấy nhau, những con vật đang ẩn nấp đâu đây, con sông chậm rải chảy, những vũng nước nhỏ rải rác trên cánh đồng hoang vắng và những con nai, con hoẵng ban đêm thường tới uống nước tại vũng nước lớn, rôi thình lình có con cá sấu nhảy lên, kéo chúng xuống hang sâu dưới mặt nước.
Nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi quay mình lại xem có mối đe dọa không hình thù nào đó có thể nhào tới vồ bắt tôi. Tôi nhìn những chỏm đá lởm chởm kia, hình như chúng biến đổi sau mỗi bước chân, mặc dù tôi hơi quen thuộc nhưng thung lũng ngập nắng này giờ đây lại trở nên xa lạ. Bất chợt không còn biết mình hiện giờ ở đâu, tôi đã bị lạc lối, sự hoảng loạn đã quật tôi ngã gục. Tôi xoay mình, nhìn lên ngọn cây, mặt trời đang ngả về hướng đông, toả ra những tia nắng chiều màu vàng buồn bã. Nhiều giờ đã trôi qua. Nhìn đồng hồ tôi thấy trạng thái hoảng loạn kéo dài khoảng mười phút.
Từ đây cách xa nhà chưa tới mười dặm, Tôi chỉ phải đi ngược lại, dọc theo thung lũng thì có thể tới hàng rào kẽm gai, đi dọc theo chân những ngọn đồi sẽ thấp thoáng thấy nóc nhà. Sự sợ hãi này khác với đàn chó vào ban đêm, nhất là những đêm trăng tròn, chúng hú lên những tiếng làm người ta nổi da gà.
Tự tin hơn, trầm tĩnh hơn. Bây giờ với những bước vững chãi, hai mắt chú ý nhìn hai bên đường, đầu óc suy nghĩ tới ngôi làng mà tôi đang tìm kiếm. Bắt đầu phải như thế nào cho hợp lý khi tôi tới nơi? Khi nghĩ tới ngôi làng đó, một cảm giác mới lạ lấn át nỗi cô đơn sợ hãi. Nếu không bước chân lên một gò đất cao thì nỗi sợ hãi kia lại xâm chiếm tâm hồn và không thể cất bước tới phía trước được mà phải quay về nhà. Xa xa dưới chân đồi là một ngôi làng, những túp lều tranh như tựa vào nhau, chung quanh có một hàng cây cao bao bọc. Những mảnh đất gọn gàng trồng bắp, kê, bí ngô, xa xa là từng đàn bò, đàn dê đang ăn cỏ. Gà vịt chạy lung tung chung quanh những túp lều, những con chó ngái ngủ nằm lười trên bãi cỏ. Một nhánh sông chạy quanh nom tựa một cánh tay ôm lấy ngôi làng.
Tôi đi lại gần, những túp lều được vẽ lên tường bằng đất son nhiều màu sắc: vàng, đỏ, xanh. Mái được lợp bằng rơm. Tất cả không giống những túp lều ở trang trại của cha, chúng nhếch nhác, dơ bẩn vì đó chỉ là chỗ trú ngụ tạm bợ cho người làm công.
Tôi không biết trước hết phải làm gì. Một thằng bé bẩy tám tuổi trần trụi ngồi bên mớ dây bầu, tôi hỏi nó:
- Nói với tù trưởng là cô tới thăm nhé.
Nó đưa ngón tay lên miệng, chăm chú nhìn tôi. Thấy tôi tiến lại gần, nó vùng đứng dậy rồi chạy biến đi. Một lát sau đi tới là vài người đàn bà với tấm vải mỏng quấn quanh người, những vòng đồng lấp lánh bên tai, trên cổ. Thấy tôi, họ im lặng trố mắt nhìn rồi quay sang nói với nhau những gì tôi không hiểu.
Tôi nói: “Tôi muốn gặp tù trưởng Mshlanga” Có lẽ họ hiểu tên tù trưởng nhưng không biết tôi muốn gì. Mà tôi cũng không hiểu cả tôi nữa.
Sau cùng tôi đi ngang qua đám người này, băng qua khu nhà rồi tới một quãng đất trống có bóng cây che nắng. Tại đây có khoảng trên mười người đang ngồi nói chuyện và tù trưởng Mshlanga cũng có mặt. Ông tựa mình vào thân cây, tay cầm một trái bầu khô làm bình đựng nước. Nhìn thấy tôi, nét mặt ông không đổi, có thể đoán là sự hiện diện của tôi lúc này không làm ông hài lòng. Dáng điệu xấu hổ của tôi vì không tìm được một nghi thức lịch sự làm ông phiền lòng chăng. Gặp tôi ờ khu trang trại nhà tôi lại là một chuyện, còn tôi tự đến đây lại là chuyện khác. Tôi mong đợi gì đây? Tôi không thể hoà đồng với những người này, một chuyện chưa bao giờ xẩy ra. lại còn một vấn đề nữa là tôi, một cô gái da trắng mà lại một mình đi bộ băng qua những cánh đồng hoang vu tới đây.
Tôi đứng im, miệng cười ngu ngơ. Phía sau là đám đàn bà khi nãy, nét mặt tỏ vẻ hiếu kỳ, còn phía trước là những người già, những nét nhăn nheo chằng chịt trên mặt, những đôi mắt như đang nhìn về cõi xa xôi nàơ đó. Có hai thanh niên đang quỳ bên tù trưởng nhưng không phải là những người mà tôi đã gặp khi đi cùng với ông qua trang trại nhà tôi.
Sau hết tù trưởng cũng lên tiếng:
- Cô chủ nhỏ lần này đi quá xa nhà đấy nhé.
- Vâng, xa quá. – Tôi muốn nói: “Tôi tới để đáp lễ lại sự tử tế của ông, tù trưởng à” nhưng tôi không nói tiếp được. Tôi muốn họ hiểu là họ cũng là con người, tôi mong được họ chấp nhận cho tôi là bạn, một ngày kia cả làng này sẽ được thưởng thức món ăn do tôi nấu và luật lệ một ngày dành cho thanh niên ngoan ngoãn được uống rượu vào ngày chủ nhật bị bãi bỏ.
Tù trưởng Mshlanga nói tiếp:
- Rất hân hạnh đón tiếp cô gái nhỏ con ông chủ Jordan.
- Xin cám ơn. – Tôi không biết phải nói gì hơn mà chỉ im lặng, trong khi đàn ruồi từ đâu kéo tới bay quanh đầu, ngọn gió thổi qua hàng cây làm những cành lá lao xao trên đầu nhóm người.
- Bây giờ tôi phải trở về, xin chào tù trưởng và các ông.
- Xin chào cô chủ nhỏ. – Tù trưởng đáp lại.
Tôi từ giã ngôi làng lạ lùng đó dưới đôi mắt của đàn dê có màu hổ phách, băng qua những đám cây cao của vùng thung lũng xanh tươi có con sông uốn khúc, đàn chim bồ câu thủ thỉ với nhau những câu chuyện thần thoại hay tiếng đều đều của chim gõ mõ.
Nỗi sợ hãi qua đi mà bây giờ chỉ còn lại sự thù địch kỳ lạ của quang cảnh. một sự cứng dắn lạnh lẽo, khó chịu, sầu thảm đang bước theo tôi. Nó cứng rắn như bức tường mà lại vô hình như sương khói. Tôi về tới nhà với một tâm trạng trống rỗng. Tôi có một ý nghĩ là nếu ai đó cảm thấy nơi mình sinh sống không phải là quê hương chính của mình thì đừng nên sống ở đó, hay là không có một kỷ niệm nào trong quá khứ thì đó không phải là của mình. Có thể tôi là nạn nhân.
Sau đó tôi chỉ gặp tù trưởng già Mshlanga một lần nữa.
Một tối, vùng đất đỏ rộng lớn của cha tôi bị những vật nhỏ, nhọn dẫm đạp, sau đó cha khám phá ra thủ phạm là đàn dê thuộc dân làng của tù trưởng Mshlango. Việc này cũng đã xẩy ra vài năm trước.
Cha nổi giận bắt hết đàn dê rồi nhắn tin cho người tù trưởng già biết là nếu muốn lấy lại đàn dê thì phải mang tiền bồi thường thiệt hại. Một buổi chiều tối nọ, tù trưởng Mshlanga tới nhà tôi, thấy ông có vẻ già đi nhiều, chiếc lưng còng hơn, vẫn khoác trên vai tấm mền màu đỏ đậm, bước đi cứng đơ, cả thân hình tựa vào chiếc gậy to lớn. Cha ngồi trên chiếc ghế ở hàng hiên còn tù trưởng thì ngồi xổm dưới đất trước mặt cha, hai bên có hai thanh niên đứng.
Tôi thấy cuộc thương nghị kéo dài và nhức nhối, một phần do người thanh niên thông dịch không trôi chẩy. Theo như nhận xét của cha, thiệt hại gây ra do đàn dê khoảng 200 pounds. Ông cũng biết là người tù trưởng già này không thể nào có món tiền lớn như vậy nên đề nghị tịch thu số dê này để trừ nợ. Về phía tù trưởng, ông giận dữ và nhắc mãi câu: “Hai mươi con dê? Dân làng chúng tôi không thể nào mất hết hai mươi con dê được. Chúng tôi không giầu như ông chủ Jordan, không thể mất hai mươi con dê một lúc được”
Cha thì không nhận mình giầu mà trái lại rất nghèo. Ông nổi giận, nói nhanh là sự thiệt hại này rất lớn, gây tổn thất nặng nề tới cơ nghiệp của ông, vì vậy ông quyết định phải tịch thu hết đàn dê.
Sau đó, anh đầu bếp và cũng là con trai của tù trưởng được gọi ra làm thông dịch. Bây giờ cha nói nhanh và tỏ vẻ tức giận hơn, anh bếp cũng dịch nhanh nên tù trưởng hiểu là cha tức giận như thế nào. Anh nói như cái máy, đầu cúi xuống, không biểu lộ chút tình cảm chứng tỏ vị trí khó khăn của anh trong không khí đầy thù nghịch này.
Trời đã chập choạng tối, bầu trời mang những màu sắc hỗn loạn, chim chóc đang hót những bản nhạc cuối cùng trong ngày và đàn bò đang chậm chạp đi về chuồng. Đây là thời điểm đẹp nhất tại xứ Phi Châu, nhưng tại đây lại là một quang cảnh u buồn, bẩn thỉu chẳng khiến ai vui vẻ cả.
Cuối cùng cha đứng lên, nói với người tù trưởng già trước khi quay vào nhà:
- Không bàn cãi thêm nữa. Tôi sẽ giữ lại hai mươi con dê đó.
Tù trưởng nói lại bằng thổ ngữ:
- Nghĩa là dân làng chúng tôi sẽ chịu đói khi mùa khô tới.
Cha nhìn ông tỏ vẻ chiến thắng:
- Vậy thì ông tới Cảnh sát trình đi.
Người tù trưởng già Mshlanga ngồi im lặng, đầu cúi xuống, đôi tay khẳng khiu đặt vào hai đầu gối gầy guộc. Rồi ông đứng dậy với sự giúp sức của anh bếp. Tù trưởng nói với anh câu gì bằng thổ ngữ, chậm nhưng cứng cỏi rồi quay mặt bước đi.
- Ông ta nói gì vậy? – Cha hỏi anh, nhưng anh ta cười một cách không tự nhiên, tránh nhìn ánh mắt của cha. Ông nghiêm nghị hỏi lại:
- Ông ta nói gì? Sao không cho tôi biết?
Anh đứng thẳng người, im lặng một lát, đôi hàng lông mày nhíu lại rồi dằn mạnh từng tiếng:
- Cha tôi nói: Tất cả đất đai ở đây, kể cả khu đất gọi là của ông chủ đều thuộc về chúng tôi từ nhiều ngàn năm nay.
Nói dứt lời, anh ta bước ra khỏi nhà tôi theo chân cha của anh ấy. Rồi từ đó tôi không gặp anh ta nữa.
Vài tuần sau, viên cảnh sát ghé nhà tôi, ông ta kể:
“ Lẽ ra ngôi làng đó không được phép ở đó mà phải dời đi từ lâu rồi. Tôi cũng không hiểu không có ai ra lệnh này cả. Chúng tôi sẽ đem vấn đề này ra thảo luận với Sở thuộc địa vào tuần tới”.
Chừng vài tháng sau tôi nghe nói tù trưởng Mshlanga và toàn dân trong làng đã dời chỗ ở khoảng hai trăm dặm về hướng đông, tới khu dành riêng cho thổ dân và khu đất rộng lớn này sẽ sớm dành cho người da trắng khai thác.
Một năm sau tôi trở lại ngôi làng cũ. Chẳng còn gì lưu lại dấu vết xưa. Từng ụ đất đỏ thay thế cho những túp lều, những chiếc mái nhà tranh bị kéo sập đang mục nát, dây và lá dưa thối rữa khắp nơi, chùm qua những bụi cây thấp. Nhiều bụi cây mọc hoang cũng như cỏ dại trải thảm khắp nơi.
Chắc hẳn có người định cư nào may mắn tìm được chỗ này, một bình nguyên ấm áp, đất đai màu mỡ. Và giữa cánh đồng trồng bắp, những cây bắp mập mạp, cao cả năm mét, những trái bắp to mập đong đưa, và nghĩ là thượng đế nhân từ trên cao kia ban cho hắn một kho tàng trước mắt.
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Pho Tượng Chac-Mool Trần Hồng Văn Truyện ngắn