|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tác giả: Là chánh án Tối Cao Pháp Viện tại Cairo, Tiến Sĩ Nairn Atteya nói: "Việc viết truyện ngắn giúp tôi nhìn sâu vào những vấn đề xã hội và lột trần những khuôn mặt xấu xa của sự bất công".
Đó là một ngày mệt mỏi, nhưng không phải thời gian tám tiếng làm việc khiến cho trung sĩ Hosni Abdul Haq cảm thấy kiệt sức khi ông ngả mình trên giườmg.
Sự việc xẩy ra vẫn hiện ra trước mắt thật rõ ràng. Ông chắc chắn là đèn giao thông lúc đó vẫn ở dấu hiệu màu đỏ, chính ông đã đổi sang dấu hiệu này để ngừng xe lại. Bấy giờ là buổi sáng sớm, trên đướng phố xe cộ chưa đông đảo lắm và ông đã giữ nhiệm vụ kiểm soát giao thông tại ngã tư đường này từ nhiều năm nay rồi. Khi đó ông nhìn thấy một chiếc xe lộng lẫy màu trắng từ xa phóng tới. Không còn chiếc xe nào chạy cùng chiều, phía ngược chiều cũng chẳng có chiếc xe nào cả. Ông đổi qua đèn đỏ rồi ra dấu cho chiếc xe từ xa chạy chậm và ngưng lại để một bà già có thể băng qua đường. Nơi phía bên kia đường, bà già lưng còng bước xuống khỏi lề đường. Dáng điệu bà mệt mỏi do tuổi đời chồng chất, bà chậm chạp bước lần từng bước. Nhưng đi chưa tới nửa đường, chiếc xe lộng lẫy do một thanh niên trẻ tuổi, tóc dài vẫn lao thẳng về phía bà. Chiếc xe tông bà già ngã xấp xuống con đường nhựa và rồi tăng tốc độ phóng thẳng về phía trước. Trung sĩ Abdul Haq đã kịp ghi lại số xe trước khi chiếc xe biến mất. Sau đó là những thủ tục cần thiết được tiến hành như thường lệ, bà già được chở vào bệnh viện với vết nứt trên sọ, và bốn giờ sau thanh niên kia bị bắt. Sau khi điều tra, được biết là thanh niên này không có bằng lái xe, anh ta lái chiếc xe của ông bố mà ông này là một nhân viên giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền...
Từ buổi trưa hôm đó, trung sĩ Abdul Haq trở thành một mục tiêu của biết bao áp lực nặng nề cũng như những lời năn nỉ, hứa hẹn, dụ dỗ và cả đe dọa nữa. Cả một tương lai sáng sủa đang ở trong tầm tay hay một địa ngục đang chờ đợi ông. Chỉ cần khai là đèn đường khi đó chưa đổi sang đỏ và bà già kia bất cẩn băng qua đường. Mẹ của thanh niên kia cũng tới nói chuyện với ông. Đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, da mặt hơi tái và mang bộ tóc giả màu vàng. Bà ta hút thuốc lá liên tục, miệng càu nhàu nguyền rủa người chồng cùng các nhân viên thuộc sở cảnh sát. Nhưng khi nói chuyện với trung sĩ Abdul Haq, bà lại hạ giọng như năn nỉ. “Đèn đường lúc đó còn xanh, ông biết chứ?” Tất cả chỉ có vậy thôi. Và tương lai của cậu thanh niên con bà nữa, hiện nó đang học năm cuối cùng trường thuốc thì sao?
Họ càng bào chữa, năn nỉ, đe dọa, ông lại càng im lặng và cương quyết. Viên luật sư của bị cáo cũng đến gặp ông, đồng thời các bạn đồng nghiệp nhìn ông với cái nhìn như khuyến khích. Bà già nọ đã chết và như vậy kể như xong. Bà ta chẳng có gì để lại, con cháu cũng như của cải, mình phải lo cho người sống hơn là lo cho người chết chứ. Trung sĩ Abdul Haq đưa ra sự vô lý cho sự đòi hỏi của họ bằng câu hỏi:
- Còn việc bằng lái xe thì sao? Con ông bà không có bằng lái mà.
Viên luật sư trả lời:
- Thì làm một bằng lái ký từ tháng trước.
Trung si Abdul Haq muuốn biết việc này có thể thực hiện được không, người cha như đọc được thắc mắc trong đầu của ông, vội nói:
- Đây là việc của chúng tôi.
Viên luật sư nói thêm:
- Cánh cửa đã mở rộng, sao ông không thử xem sao?
Ông cởi chiếc khuy áo ngoài ra nhưng không muốn ngồi dậy. Đôi mắt mở chừng chừng nhìn lên trần nhà. Mùi hôi hám bốc lên từ phòng vệ sinh xông vào mũi. Ông đã quen với mùi này từ ngày thuê căn phòng gần phòng vệ sinh ở cuối dãy hành lang này. Mỗi lần mùi này bốc lên, ông lại muốn hút một điếu thuốc lá, nhưng ý trí lại cản lại. Ông phải tiết kiệm tiền bạc cho tới cuối tháng.
Chính tại căn phòng này vợ ông đã chết khi sanh đứa con đầu và nó cũng chết vài ngày sau khi ra đời. Cho đến bây giờ ông vẫn cảm thấy không cần thiết kiếm người vợ khác. Vào những lúc nghĩ đến đứa con, ông lại ngậm ngùi và buồn thảm. Ông ước muốn đứa con của ông sống, ông sẽ dạy dỗ và huấn luyện nó thành một thanh niên kiên cường, chống lại những điều sai trái và áp bức trong xã hội.
Ông cảm thấy cần phải sớm ốn định lại đời sống. Từ ngày nguồn hy vong độc nhất của ông là thằng con trai mất đi, ông đã để chuỗi ngày trôi qua trong sầu muộn, trong niềm thất vọng sâu thẳm. Ông đã không nghe lời khuyên của bạn bè kiện viên y sĩ thiếu lương tâm, không để ý chăm sóc kỹ cho con ông vì y đã quá bận rộn trong cơn đỏ đen. Viên y tá trực kể lại là con ông bị xuất huyết nặng rồi được chích một mũi thuốc giảm đau. Nó nằm im lặng một chút rồi khóc la ... khóc la đau đớn ... rồi sau đó cái im lặng tàn nhẫn nuốt trọn những tiếng khóc, những tiếng khóc trong đêm đen của đứa trẻ thơ mất mẹ, những tiếng kêu gào đòi hỏi được cung cấp dưỡng khí và chăm sóc. Tiền bồi thường để làm gì? Tiền bạc có thể làm vợ ông sống lại được không? Bà ta đã chết cũng vì sự cẩu thả và thiếu lương tâm. Mọi việc đã qua đi và đã kết thúc, chẳng còn gì nữa ngoài trừ nỗi đau xé ruột mỗi khi nghĩ tới.
Những người quen thường chế diễu ông là một người "hãnh diện với cái nghèo". Đối với ông thì chẳng có gì là hãnh diện hay không hãnh diện cả. Tận đáy lòng, ông vẫn tự trách mình là đã giết vợ. Chính ra ông phải đưa vợ đến một bệnh viện tư thay vì đưa đến bệnh viện công cộng với những viên y sĩ thiếu lương tâm. Càng ngày ông trở nên càng cô độc, vài bạn đồng nghiệp coi việc trầm lặng của ông là khác thường hay ngu dại, một số khác lại coi đó là tính an phận, chấp nhận với thực tế đưa đẩy mà ngày nay khó có ai chịu được như vậy.
Bộ quân phục được nới lòng dần. Ông được báo cho biết là ông mắc chứng tiểu đường. Nhưng ông nghĩ đó chẳng phải là chứng bệnh của ông. Ông chỉ cười và nói : "Người khỏe mạnh thế này mà bệnh sao được?". Bóng tối lan dần vào phòng, ông không muốn ngồi dạy mở đèn, bây giờ ông cần bóng tối xoa dịu nỗi đau buồn đang chất chứa trong lòng. Viên luật sư đã hiểu là đối phó với ông cần một sự nỗ lực lớn và đến gặp ông có nghĩa là hắn đã thay đổi phương pháp. Lúc đầu hắn nói quanh co khiến ông đánh giá hắn thấp, hắn đến lần này với một thái độ khác hẳn. Đốt điếu thuốc trong tẩu, nhìn ông qua cặp kính đen, hắn gằn giọng:
- Hãy suy nghĩ cho kỹ, tôi biết chắc là ông không biết ông muốn nói cái gì. Có phải ông khẳng định là lúc đó là đèn đỏ, phải không? - Viên luật sư kéo một hơi thuốc rồi nhìn ông bằng đôi mắt hiểm độc. – Các bạn đồng nghiệp của ông nói là lúc nào ông cũng mơ mơ nghĩ về quá khứ ... khi nào cũng như người mất trí ... mọi người nói là ông bị mất trí rồi ... mất trí.... điên …
Có phải thực sự là ông bị mất trí không? Điên không?” - Hắn muốn gì đây?
Viên luật sư nói khẽ bên tai ông:
- Suy nghĩ lại đi, chúng tôi sẽ lập tức đền bù cho ông. Chúng tôi sẽ gửi ông một số tiền lớn trong một bao thư kín và chẳng một ai biết cả, chúng tôi biết phải làm như thế nào, ông cứ yên tâm.
Trước khi đi, hắn yêu cầu ông ra làm chứng trước tòa vào sáng hôm sau.
Trung Sĩ Abdul Haq biết mọi người nghĩ ông là người hãnh diện với cảnh nghèo. Những lời viên luật sư nói với ông ngày hôm nay làm ông giận dữ. Nỗi phiền muộn chất chứa trong lòng lúc này mạnh mẽ hơn lúc nào hết, như thể lần đầu tiên ông đứng trước một tấm gương và nhìn rõ sự thực trần truồng, trơ trẽn. Ông muốn phơi bày tấm lòng cho người nào đó biết là ông không bao giờ muốn làm cho người khác chịu đau khổ và ông cũng chẳng phải là người hãnh diện với cảnh nghèo túng cả.
Ông muốn đốt một điếu thuốc và cố nghĩ đến chuyện khác. Ông cởi chiếc khăn quàng trên cổ ra. Mớ giấy tờ trong túi áo ép vào ngực làm ông khó chịu. Mới đây, viên quản lý báo cho biết vì căn chung cư quá cũ cần phải phá và xây mới lại nên mọi người phải dọn đi nơi khác. Để chứng tỏ quyền uy của mình, đợi lúc bà già góa Nageya đi ra ngoài, hắn vào phòng và ném đồ đạc của bà ra đường. Chủ nhà là bác sĩ Sobhi Raggab, chuyên khoa về quang tuyến, muốn có một nơi chứa các máy móc, dụng cụ cũ, viên quản lý bèn cho di chuyển những dụng cụ đến ngay căn phòng này. Khi bà già trở về nhìn thấy tình cảnh như vậy thì chỉ còn biết khóc ròng. Sau khi viên quản lý nhận lời năn nỉ và tiền, bà góa già này được ngủ ở một khoảnh nhỏ dưới sàn nhà bên cạnh đống máy móc khổng lồ.
Đêm nay sao mà dài quá, như chẳng có lúc chấm dứt. Dù cho suốt một ngày mệt mỏi với bao chuyện dồn dập xẩy ra vẫn không làm cho ông nhắm mắt được. Ông mở thắt lưng ra nhưng vẫn để nguyên đôi giầy. Cảnh cô đơn trong những năm qua tạo cho ông những thói quen mới. Quay đầu về phía tường, một mối sợ hãi từ trong đáy lòng bất chợt dấy lên. Nghĩ đến việc phải ra tòa làm chứng vào ngày mai làm ông ngồi bật dậy. Tới bên cạnh bàn, ông hút một điếu thuốc nữa. Khi đó đèn giao thông đang ở trong màu xanh hay màu đỏ? Sự thực như thế nào đây? Thanh niên kia đã giết bà già... như thể trước kia ông đã giết vợ? Tại sao ông không tự cứu ông với khí giới riêng của mình? Tại sao ông không đòi hỏi một món tiền thật lớn với lời chứng quan trọng của ông? Chắc là họ sẵn lòng thỏa mãn lời đòi hỏi hợp lý vì vào lúc này họ cần sự giúp đỡ của ông nên chẳng dám từ chối yêu cầu đó. Mọi việc chẳng khó khăn gì, chỉ một cái gật đầu rồi mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa. Sau đó ông có thể nói với chủ nhà và viên quản lý: "Chào từ giã, tôi đã kiếm được một căn phòng khá hơn". Nếu họ có hỏi ông lấy tiền ở đâu ra để trả, ông chỉ cười và không cần trả lời. Ngay mai ông sẽ bán nỗi cô đơn và khốn cùng này đi.
Thời buổi bây giờ mọi việc có thể mua và bán. Ông cũng hiểu luật lệ trò chơi này. Ông cảm thấy lợm giọng và muốn khóc, nhưng nước mắt đã khô từ lâu. Đã bao lần ông cầu khẩn nó chẩy ra để làm dịu bớt nỗi đau xót chất chứa trong lòng. Bây giờ ông cần hơn lúc nào hết để rửa sạch đi sự tự sỉ nhục cũng như việc không thể quyết định dứt khoát này.
Đốt hết điếu thuốc này sang điếu khác, ông cảm thấy cuộc đời như sắp kết thúc. Chỉ là một cảnh sát viên bình thường, Bốn mươi tuổi, cả cuộc đời chưa làm được việc gì gọi là phi thường, chẳng có điều gì gọi là tội lỗi ghê gớm cũng chẳng có việc gì được coi là tốt một cách bất thường cả. Cho đến bây giờ ông nghĩ là tới lúc phải chứng tỏ ra, phải làm một cái gì.
Ông đã nhìn thấy thật nhiều điều trong bao năm nay khi phụ trách an ninh trật tự tại góc đường này. Ông đã thấy một người mù ngã xuống đường rồi bị chiếc xe vận tải cán qua. Ông đã thấy những sự lừa đảo, sự hủy hoại và chết chóc. Mọi việc như chìm trong cái im lặng sâu thẳm. Bây giờ ông phải làm cái gì cho người mù đó, cho vợ ông, cho con ông, cho bà già Nageya kia, cho những người nghèo khổ đang cư ngụ trong khu chung cư này cũng như cho nhiêu người khác nữa.
Dụi mẩu thuốc vào đế giầy, cơn giận dữ trong lòng đang đè nặng lên ngực như muốn thoát tung ra ngoài. Ông bước tới bên cửa sổ và muốn la lên thật to: "Hãy nghe đây, tôi không muốn mọi người phải xấu hổ. Chẳng còn gì để lại trong lòng tôi cả ngoại trừ sự tự hào, sự hãnh diện vì tôi sẽ không làm gì trái với lương tâm cả". Ông cảm thấy một sự nguy hiểm nào đó thoáng qua, như muốn đe dọa sự phản kháng của ông. Ông đứng thẳng lên như muốn chống trả lại mọi áp bức, nhưng chúng như đang khích bác, trêu chọc, đuổi theo ông đến tận những ngõ ngách bí mật nhất trong tâm hồn. Chúng cướp đoạt đi những giấc mơ, sự thanh thản cũng như yên bình của ông.
Mở rộng cánh cửa sổ rồi nhìn ra màn đêm phía bên ngoài, mồ hôi chẩy dài trên trán, trên cổ, đằng sau lưng. Phía dưới, một bãi đất trống thật rộng, trước kia dùng làm sân chơi cho trẻ con, rồi công ty địa ốc xây tường chung quanh. Muốn vào chơi, bọn trẻ con phải nhẩy qua tường, công ty lại xây cao hơn cho đến khi bọn trẻ không trèo qua được nữa. Rồi hãng quảng cáo dựng lên những cây cột sắt thật cao và lớn, gắn trên đó những tấm bảng quảng cáo màu sắc sặc sỡ quay về hướng con đường chính lúc nào cũng đầy xe cộ qua lại. Sau đó những tấm bảng quảng cáo này lại được thay thế bằng những ngọn đèn ống với những màu sắc xanh, đỏ, tím. Bất chợt màu đỏ hung hãn tràn vào căn phòng ông như dành chỗ với bóng đêm, rồi màu xanh với dấu hiệu của sự yên bình phẳng lặng lan rộng, tiếp theo là màu tím của sự dối trá. Một lần nữa, màu đỏ như máu, nóng rực đổ thẳng vào người, thiêu đốt tâm can trung sĩ Abdul Haq. Hàng chữ quảng cáo "Nhanh Lên", một cánh tay vươn về phía ông với bao thuốc lá như đập thẳng vào ngực, bóp nát xương sườn, làm tê liệt dây thần kinh, như thể khích động ông, làm ông phát nóng sốt ... nó như muốn khích bác, sỉ nhục, tiêu diệt ông ... làm ông mất cân bằng ... làm tính tình không còn ở trong trạng thái bình thường ... không còn lý luận được ... hay không còn kiểm soát được lấy chính mình nữa. Liệu ông còn có thể nói được chữ "không" không? Ông kinh hoàng đứng thẳng lên, cổ rút lại, hai tay cong vòng. Màu đỏ kích thích ... màu xanh quyến rũ ... màu tím nhã nhặn ... cuộc cãi vã rồi sau đó chỉ là những lời rên rỉ và cuối cùng bóng tối ngự trị tất cả.
Những tấm bảng quảng cáo rực rỡ vẫn hiện ra rõ ràng ngay ngoài kia, như xoáy vào tận tim óc ông ... Tất cả đều là những tên khủng bố đang ngạo báng ông ... chiếc răng trắng nởm như ngày đêm chờ cơ hội cắn xé da thịt người ... vũ công Khawantern đang xoay vòng, hàng đêm cô ta đều xuất hiện tại quán rượu "Pyramids" với những bữa ăn tối sang trọng, muốn có chỗ ngồi khách phải lấy hẹn trước hàng tuần với giá tối thiểu hàng trăm đô la ... Vợ ông không được một phần như những người trong quảng cáo: một thiếu nữ đang tắm trong bồn nước hoa và xà bông thơm, một người đàn bà qúi phái lái chiếc xe sang trọng ... lộng lẫy ... quần áo may từ những hãng nổi tiếng nước ngoài ... áo dạ hội ... Tất cả ngay ngoài kia, ngay trước mắt ông, trên đầu ông.
Ông nhanh nhẹn dang rộng cánh tay, những ngón tay hơi run rút khẩu súng ra khỏi chiếc bao. Lòng bàn tay ép chặt vào lớp thép mát lạnh, hơi thở dồn dập. Ông phải chống trả lại để tự bảo vệ lấy chính bản thân.
Trung sĩ Abdul Haq chạy vội xuống tầng cuối rồi bước ra ngoài. Đi vòng quanh bức tường, ông vung khẩu súng rồi nhắm cẩn thận. Ngón tay xiết chặt cò súng rồi bóp. Hình người đàn ông nhắm một mắt lại đang tận hưởng niềm sung sướng của một con dao cạo râu bằng điện, một viên đạn cho con mắt kia. Ông nhắm, một viên đạn xuyên thủng bụng một cô gái đang nhẩy múa. Ông lại nhắm, một viên đạn bay thẳng vào lưng một người đàn bà đang tắm, một viên nữa trúng vào chiếc răng trắng tỏa ánh sáng ra chung quanh.
Rồi bất chợt tiếng còi hụ vang lên khắp nơi, khi cảnh sát bao vây rồi còng tay, ông bình tĩnh trả lời:
- Đúng vậy, chính tôi đã giết cô ta.
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Pho Tượng Chac-Mool Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |