|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Vài hàng về tác giả: Sinh năm 1940 tại Bila, Nam Tư, Mirko Vidovic là con cả trong gia đình có 10 người con. Cha mẹ là nông dân, ông theo học ngành ngôn ngữ học, văn học Croatia và tiếng Pháp tại Đại học Zadar, Croatia. Sau khi tốt nghiệp, ông làm biên tập viên cho một tờ báo ở Zadar, và là giảng viên tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật. Bị buộc phải biệt xứ năm 1965, Vidovic sống với tư cách tỵ nạn chính trị tại Pháp. Những truyện và thơ của ông được đăng trên các tạp chí văn học tại Croatia, Pháp, Mỹ và Tây Đức.
Ông già thường thức dậy vào lúc bình minh, chào đón thế giới bằng cách nhìn ra cửa sổ vuông nhỏ của căn nhà gỗ. Ông nghĩ về Anica, “Thật hạnh phúc biết bao nếu cô ấy vẫn còn sống! Và cô ấy sẽ nói chuyện với mình vào lúc bình minh về biển! Cô được sinh ra bên bến cảng và cô luôn kể những câu chuyện về thời thơ ấu của mình”.
Với hai tay bắt chéo trước ngực, ông nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, đằng sau là ngày đang bừng dậy sau giấc ngủ, như một đứa trẻ mãn nguyện. Những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong cuộc đời ông trong vài năm trở lại đây là những giây phút quan sát ngôi mặt trời buổi bình minh. Khi trời nhiều mây hoặc mưa, ông ủ rũ trong căn nhà gỗ, đốt lửa suy nghĩ về bản thân, về cơn gió cuộn qua các khe núi đầy đe dọa và về ngọn lửa thần thánh trong lò sưởi.
Ông cầm một thanh củi khơi đống tro ở giữa lò sưởi. Khi tiếp xúc với không khí, chúng đột nhiên bùng phát thành ngọn lửa lan tỏa qua đống tro tàn khiến ông nhớ đến bầu trời đêm đầy sao. Ông ngâm nga một bài hát ngắn, chỉ là một bài hát ca ngợi tình yêu ánh sáng mặt trời. Bài hát giống như tiếng sấm, tiếng gầm gừ của một con gấu.
Ông uống ly sữa mới vắt đêm hôm trước. Ông uống từ từ từng ngụm nhỏ, tận hưởng ánh lửa bập bùng trước mắt. Ngọn lửa là sự sống, là linh hồn tồn tại và bất khả xâm phạm của vạn vật.
Sau khi uống sữa, ông quyết định ra ngoài. Ông tìm khẩu súng để sau cánh cửa và quàng qua vai. Tiếng con suối vọng đến khi ông đóng cửa lại và bắt đầu đi dọc theo con đường nằm giữa những cây bạch đàn đứng thẳng như những ngọn nến. Ông đi chậm, tập tễnh. Dấu chân in hằn trên nền đất ẩm ướt.
Nơi bìa rừng là một lùm cây lá kim mà ông đã trồng. Ông già đã chăm sóc và yêu thương chúng như thể chúng là những đứa trẻ yếu ớt. Ông bước qua cây cầu nhỏ, bắt đầu leo về phía nhà nguyện màu trắng trên đỉnh đồi nhô ra giữa bầu trời xanh.
Khó thở, ông đi vòng quanh nhà nguyện, kiểm tra cẩn thận rồi dừng lại trước cánh cửa làm bằng loại sắt dày thường dùng trên tàu thủy. Ông dùng tay đẩy nó, dùng chân đánh vào nhưng nó chắc nịch không nhúc nhích. Ông ngồi trên khúc gỗ của một cây thông nằm dọc theo cửa ra vào, súng gác lên đầu gối và nhìn chằm chằm xuống thung lũng qua những ngọn cây thông bao quanh khu vực. Trên những ngọn đồi xanh, bình minh lấp lánh, tất cả đều nở rộ, giống như những bông hoa cây táo gai. Chỉ những lúc như thế này, khi bầu trời trong xanh mới có thể nhìn thấy những dải màu xanh của những đỉnh núi nơi mặt trời ló dạng. Phía thật xa trước mặt một thành phố ông thấy ghê tởm.
Ông ngồi quay lưng lại với thành phố, dựa lưng vào bức tường nhà nguyện thở nhẹ, gần như bị mê hoặc trước cảnh tượng vĩ đại của núi rừng, con mắt còn lại không chớp. Ông đang cũng bị hấp dẫn bởi vòng tròn sáng rực màu đỏ xuất hiện sau ngọn núi làm cả khu rừng cùng hát một bài thánh ca về nguồn sống. Cảnh bình minh đã hoàn toàn mê hoặc ông, tâm hồn như được bừng thức dậy.
Một lúc sau ông đứng lên rồi bắt đầu đi xuống theo triền dốc về phía căn nhà gỗ. Khi đi tới con suối, ông dừng lại và lắng nghe khu rừng đang thức giấc và cảm nhận trước phép màu của mặt trời đang tiếp hơi cho mọi sinh vật. Phía sau con suối, những con chim gõ kiến trên đỉnh cây thông cất lên tiếng hót nhỏ và chói tai.
Và ông bắt đầu ngâm nga bài hát, lần này hơi buồn.
Ở giữa những tán cây, mặt đất lốm đốm ở chỗ này chỗ kia do vệt nắng của mặt trời để lại. Khu rừng thức giấc như linh hồn ông. Tiếng rì rào của con suối nhẹ nhàng. Ông không đi về căn nhà gỗ mà tiếp tục đi sâu hơn vào rừng.
Căn nhà thứ nhì nhỏ hơn, cũng màu xám, làm bằng những khúc gỗ đẽo có khía ở các cạnh. Ông tiến lại gần và đẩy cửa bước vào. Đàn dê bên trong vội chạy nhanh ra ngoài, xuyên qua khu rừng về phía con suối. Ông già khập khiễng bước theo sau cười lớn.
Khi trở lại gần con suối, đàn dê đã ở trên đồi nơi cỏ sữa mọc nhiều và là nơi ban ngày không có thú rừng nào lui tới. Khi mới tới đây, mỗi ngày ông bị mất mấy con một cách bí mật giữa thanh thiên bạch nhật. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi trong thế giới động vật, kẻ mạnh luôn tiêu diệt kẻ yếu. Ông đã gặp bầy sói, làm chúng tránh xa ngọn đồi, ít nhất là vào ban ngày.
Ông biết khu rừng này như trong lòng bàn tay. Khi sự im lặng đột ngột tiếp theo là tiếng sấm xa xa và những con ruồi nhỏ xao xác bay về phía những hàng ánh sáng chói chang của mặt trời chiếu vào giữa những tán cây, ông biết là một cơn bão đang đến. Bằng cách này, khu rừng đã trở thành một phong vũ biểu khổng lồ, nhờ đó ông học cách lắng nghe thời tiết. Dự đoán này đánh dấu những tâm trạng của chính ông, những tâm trạng trùng khớp với những tâm trạng của trái đất.
Giống như tất cả các sinh vật sống trong rừng, ông tìm nơi ẩn náu ấm nhất mỗi khi trời mưa. Vì mưa rừng thường kèm theo sấm sét, nó khác xa với bão ở đồng bằng. Nó chiếu sáng toàn bộ khu rừng đến các cành cây và những cơn mưa rào xuất hiện. Ông nghĩ những tia chớp là hành động tái tạo của tình anh em trong tự nhiên, mang lại ánh sáng cho những nơi trước đây vẫn chìm trong bóng tối. Sấm sét từ trên trời đánh xuống, vang vọng từ cây này sang cây khác, xuyên qua các khe núi và sườn núi.
Trong mười năm đầu bị lưu đày, khi chưa hòa làm một với thiên nhiên, ông thấy rất cần con người, hay nói chính xác hơn là khao khát được gặp mọi người. Thường thì các sĩ quan đến thăm ông cùng với tình nhân của họ làm căn nhà gỗ bị ô uế khiến ông rất bực mình, nhưng hiện diện của họ làm vơi nỗi cô đơn nên ông phải chịu đựng. Các sĩ quan mang cho ông những cuốn sách hay tạp chí. Ông thích đọc về việc đóng các tàu chiến, ông ngưỡng mộ những thành công của Hoà Lan và Nhật Bản trong việc chế tạo các hạm đội. Ông hào hứng nói chuyện với các sĩ quan về những năm tháng chiến tranh và những trận đánh lừng danh mà ông từng tham dự. Khi kết thúc mỗi câu chuyện, ông run lên vì sung sướng, như thể ông đang sống lại trong thời gian đó.
Đó là thời kỳ đầu tiên khi ông bị tách khỏi thế giới loài người và cũng là kế hoạch của những kẻ hãm hại ông. Sau đó, ông lại nghiệm ra rằng tất cả các trận chiến chỉ là những bi kịch được dựng lên do lòng ích kỷ và vô nhân đạo. Chiến tranh là sự tự phụ của những bộ óc bệnh hoạn, viển vông và không cần thiết, và chiến thắng không gì khác gì hơn là một lời nói dối. Sau đó, ông yêu cầu các sĩ quan mang cho mình những cuốn sách viết về những chuyến đi biển, về những khám phá của các lục địa, và những người chinh phục các vùng hoang dã, sau đó ông không muốn đọc nữa.
Ông nghĩ về những chiến thắng trong chiến tranh, về con người, về đồng đội cũng như kẻ thù của mình. Việc bắt giữ ông rồi bị giam giữ trong trại tù đặc biệt nổi bật trong trí nhớ. Ông nhớ đến những người bạn tù của mình, những đồng đội cũ, những người bị giam cầm, vì sợ hãi họ bắt đầu nghi ngờ rồi coi thường nhau và cuối cùng tố cáo lẫn nhau. Đó là những kỷ niệm tồi tệ nhất. Khi những suy nghĩ về những ngày đó ông đứng nhìn chằm chằm vào không gian, hai hàm răng kẹp chặt như một con sói bị thương. Ông chiến đấu với những ký ức đó trong một khoảng thời gian dài, cuối cùng ông cũng chôn dấu chúng tại một nơi trong tâm trí mình. Dần dần ông chấp nhận hiện tại thông qua nền văn học, ở đó ông thấy niềm đam mê và tuyệt vọng của những người kiệt xuất trong lịch sử và ông nhận ra rằng mỗi con người đều có khả năng, ý thức hoặc vô thức, làm bất cứ điều gì, đó là vấn đề sống còn. Ông quan tâm đến văn học không chỉ tôn vinh những người chiến thắng mà còn tôn vinh những vĩ đại của những kẻ chiến bại.
Một buổi chiều, hai sĩ quan say khướt như thường lệ đến căn nhà gỗ của ông. Họ mang cho ông ta một túi đầy rượu cognac và một số thuốc men cần thiết. Ông lạnh nhạt tiếp họ và khi họ rời đi, ông đã gửi một lá thư ngắn đến Tướng Paripin yêu cầu trong tương lai gửi cho ông một người trẻ không say sưa hoặc không có ai cả. Ít lâu sau, một sĩ quan lớn tuổi tới cùng với người lái xe, một hạ sĩ quan. Người sĩ quan này nói chuyện hòa nhã với ông, yêu cầu ông kể về bản thân, đặc biệt là khoảng thời gian ông sống cô đơn trong khu rừng này. Ông trả lời ngắn gọn rằng cuộc sống của ông bây giờ thật hạnh phúc vì không có nhu cầu đặc biệt nào. ông yêu cầu vị sĩ quan kiếm cho ông một cuốn sách trong đó kẻ chiến bại không bị sỉ nhục và kẻ chiến thắng không phải là hiện thân của sự hoàn hảo. Khi viên sĩ quan nghe thấy điều này, hắn ta cười lớn và nói sẽ vui lòng kiếm cho ông nhưng hơi khó vì từ trưóc đến nay, người ta chỉ yêu kẻ chiến thắng và không bao giờ tha thứ cho kẻ thất bại.
Ông ngủ thiếp đi lúc nào không biết, khi tỉnh dậy thì thấy một người đàn ông đang đứng trên đồi, tựa vai phải vào vách tường nhà nguyện. Đây là một điều hiếm thấy. Ông vội đứng dậy, băng qua con suối. Ông tập tễnh leo lên, miệng thở hồng hộc. Người đàn ông đứng trước nhà nguyện là một sĩ quan trẻ trong bộ quân phục mới, thắt lưng có một bao da màu vàng mới tinh. Người thanh niên im lặng quan sát ông đang đi tới. Khi tới gần, ông dừng lại nhìn viên sĩ quan và lấy lại hơi thở. Viên sĩ quan mỉm cười và ông chỉ đứng nhìn không lên tiếng, phải mất một lúc, ông cất tiếng hỏi:
- Anh bạn kia! Anh tới đây kiếm ai vậy?
Anh ta vẫn không trả lời mà chỉ nhìn ông.
- Ai đã bảo anh đến hay anh đã đi lạc?
- Vâng, họ đã gửi tôi tới. - Viên sĩ quan trả lời với một giọng thân thiện
- À! - Ông trả lời, ngồi xuống thân cây thông đổ, cây súng đặt ngang đầu gối. Ánh mắt của ông quan sát chung quanh. Ba ngọn núi gần nhau đến nỗi chúng giống như ba người đang ôm lấy nhau và giữ bầu trời trên vai. Dưới chân núi là khu rừng, những cây cao xanh tươi như mái tóc chải chuốt của một thiếu nữ. Ông nghĩ là nên lấy nước uống, vì vậy ông đứng dậy, mắt nhìn người sĩ quan một lần nữa, đeo khẩu súng lên vai rồi đi xuống về phía con suối.
Khi đến bên suối, ông quay đầu nhìn lại. Bên cạnh nhà nguyện, người đàn ông vẫn đứng im lặng, không biết lý do nào mà anh ta lại đến. Đột nhiên, ông bắt đầu cười để lộ chiếc răng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn giữa bộ râu:
- Này, thiếu tá! Nghe đây!
- Vâng, tôi nghe, Đức Vua! – Viên thiếu tá đáp.
- Chắc chắn là có một con quỷ nào đó đang ẩn náu dưới cái mũ của bạn! Có phải là bạn đang toan tính điều gì đó không?
- Đúng. - Vị sĩ quan ân cần nói. - Tôi đang nghĩ về ngài. Tôi tự hỏi liệu ngài có bao giờ nghĩ tới khoảng thời gian quan trọng nhất của cuộc đời, trong vài thập kỷ qua ... ngài đã trải qua bao nhiêu năm bên cạnh nhà nguyện này?
- Paripin là người tốt nhất nói với bạn điều đó. - Ông nói. - Tôi không đo đếm thời gian. Tôi không sợ nó.
- Tôi nghĩ là ngài ở đây đã hơn hai mươi năm rồi.
- Hai mươi năm? Ông ra vẻ ngạc nhiên hỏi. - Là gì so với vĩnh cửu?
- Có bao giờ ngài thắc mắc là có gì chôn dấu đằng sau những bức tường này? – Anh ta đập đập gót giầy vào bức tường
Ông cười:
- Quả thực như vậy. Có lẽ chúng nó đã nhốt Chúa vào bên trong! Khi Ngài không phục tùng họ, chúng bỏ tù Ngài và sau đó chờ Ngài thay đổi ý định hoặc chấp nhận cuộc đổi đời. Ngài phải điều chỉnh hoặc thoái vị.
Viên sĩ quan cũng mỉm cười. Khu rừng đang đắm chìm trong ánh sáng cuối ngày! Ông già quỳ xuống bên con suối, khum tay vục nước về phía miệng. Sau đó ông thẳng dậy và quay về phía viên sĩ quan.
- Này, anh bạn trẻ!
- Tôi đang nghe đây, Đức Vua.
- Tôi định hỏi anh chuyện khác nhưng thay vào đó tôi muốn anh giải thích cho tôi lý do tại sao anh lại gọi tôi là Đức Vua?
- Họ nói với tôi rằng đó là tên của ngài.
- Họ là ai?
- Đại Tướng Paripin.
- Đó là một trò lừa bịp mới của tên lưu manh. Bằng cách nào đó, hắn vẫn tiếp tục gửi những thứ bẩn thỉu vào những khu rừng này! Anh có biết là trước kia Paripin là phụ tá của tôi không?
- Tôi hiểu lờ mờ chuyện này
- Còn bây giờ?
- Bây giờ ông là tổng tư lệnh quân đội. Mọi người phải tuân lệnh ông.
Ông già leo trở lại nhà nguyện, đứng cách viên thiếu tá chừng ba bước. Hắn thấy ông chỉ còn một mắt, khuôn mặt mang dáng vẻ của một con quái vật đầy vẻ âm u và nguy hiểm. Thiếu tá đã can đảm hơn khi nghe ông hỏi:
- Nói cho tôi biết bạn đang tìm gì ở đây?
- Tôi không biết. - Thiếu tá nói.
- Thế là sao? Ai đã gửi bạn đến đây?
Ông già tháo khẩu súng ra khỏi vai. Thiếu tá vội vàng nói::
- Tướng Paripin bảo tôi đến thăm ông và báo rằng tối nay ông ấy sẽ đến. Họ đưa tôi đến đây bằng xe Jeep và ra lệnh cho tôi đợi ở đây cho đến khi trở lại. Đúng tám giờ, đại tướng sẽ tới.
Bối rối, ông già hạ súng xuống. Thiếu tá mỉm cười nhẹ nhõm. Họ nhìn nhau trong vài phút rồi ông già chậm rãi quay về phía căn nhà gỗ, miệng nói:
- Nếu bạn tới nhà với tôi, tôi sẽ cho bạn uống sữa dê. Tôi có phó mát dê lâu năm, ủ trong rêu ngâm với nhựa thông.
Người sĩ quan nhìn ông mỉm cười. Khi ông già nói xong, viên quan hỏi:
- Đức vua?
Ông già không đáp lại.
- Nói thật cho tôi biết, đã bao giờ ngài đã bắn một viên đạn với khẩu súng rỉ này chưa?
Nghe đến đó ông già giật nảy mình. Mặt ông đỏ bừng vì tức giận:
- Đồ chết tiệt! Với khẩu súng này, trước kia ta đã giết bao nhiêu kẻ thù của cách mạng, nhiều hơn cả những sợi tóc trên mái đầu của ngươi đó! Và chắc chắn là ta sẽ ở vị trí của Paridin nếu thèm khát quyền lực hơn một chút!
Trong nháy mắt, ông tháo khẩu súng trên vai ra, giận dữ chĩa vào viên thiếu tá và nói với hắn rằng nếu thực sự muốn sự thật thì xác của hắn sẽ làm bữa ăn cho bầy sói ngay trong tối nay.
Nhìn vào ánh mắt giận dữ của ông lão rồi nòng súng, mặt viên thiếu tá tái xanh, ông già bắn liên tiếp năm viên đạn vào thân cây thông cây gần đó. Viên thiếu tá hoảng sợ nhảy sang một bên, mảnh vụn thông bay tung tứ phía.
- Tôi xin lỗi! - Tiếng nổ vang lên giữa các thung lũng và ngọn đồi. - Tôi đã có những lời nói không phải. Ngài hoàn toàn đúng ...
Ông cười như điên. Với những bước đi khập khiễng, khẩu súng vẫn hướng về phía viên sĩ quan, ông tiến tới sát mặt hắn.
- Ta bắn và giết tất cả mọi thứ trong tầm mắt! Và ta sẽ giết cả thượng đế kia nữa nếu thấy chính người nguy hiểm cho chính nghĩa của chúng ta.
Vị thiếu tá im lặng, vẫn giữ nụ cười xin lỗi trên khuôn mặt. Ông già hạ súng xuống nói tiếp:
- Và bây giờ, sau tất cả những điều đó, tôi tự hỏi mình là có phải mọi vệc có thể giải quyết được bằng cái chết không? Bằng cách giết người, chúng ta có làm tốt cho chính mình không? Tôi hỏi bạn, trả lời đi! Đó là điều tôi suy nghĩ suốt hai mươi năm qua. Hơn hai mươi năm trước, giống như nhà tiên tri Giô-na, tôi đã giải phóng cho những người khác và tôi định bắn viên đạn cuối cùng vào con mắt còn lại của mình để xóa sạch những gì khiến tôi không còn bình yên mỗi khi tôi ngửi thấy mùi thuốc súng và nghe tiếng kêu than do chiến tranh mang lại! Tôi đã thử nhưng lại không đủ can đảm. Chính khẩu súng này đã giết rất nhiều người vô tội cho nên tôi đã không đi theo họ nữa!
Viên thiếu tá tái mặt vì sợ hãi, ngây người đứng trước mặt ông như một học sinh đứng trước mặt hiệu trưởng đang trong cơn giận dữ. Nói xong, ông quay người đi về phía con suối rồi về lại căn nhà gỗ. Ông tới gần lò sưởi. Ngồi bên những ngọn lửa, ông lắng nghe tiếng gió rì rào qua tán cây thông, rồi bật ngồi dậy. Ông nhớ là đàn dê vẫn ở trên sườn đồi. Ông bước ra ngoài. Ánh nắng chiều dịu dàng màu tím và những tia nắng chói chang chiếu vào mắt, bóng ông thấp thoáng giữa bóng cây dài và tĩnh lặng.
Khi ông trở lại, mặt trời đã lặn hẳn. Ông đặt một ít sữa dê lên bếp lửa, suy nghĩ miên man về người sĩ quan đứng trước nhà nguyện. Một tiếng động bất thường lấn át cả tiếng gió khiến ông giật mình. Ngay tại cửa, một viên sĩ quan đeo súng xuất hiện. Hắn bước vào nhà, đứng trước mặt và chào ông. Ông không trả lời.
- Đoàn xe đã đến. - Viên sĩ quan nói.
- Xe nào?
- Đại tướng Paripin sẽ giải thích với ông. - Người sĩ quan đáp lại và quay ngay ra cửa. Ông định gọi hắn lại để hỏi cho rõ nhưng bắt đầu ho sặc sụa.
Ngay sau đó, một người đàn ông mặc thường phục bước vào. Khi ông ta chào, ánh lửa vàng chiếu trên khuôn mặt, ông ta đến trước mặt ông và ngồi trên chiếc ghế được đặt ở bên trái của lò sưởi. Người khách hít mạnh không khí nặng nề đầy khói trong nhà rồi quan sát ông lão.
- Ông không thấy tôi sao, Đức Vua?
- Phải, Paripin! Cuối cùng thì tôi cũng gặp lại ông sau hơn hai mươi năm.
- Những gì ông nói và những gì ông nghĩ không quan trọng. Điều quan trọng là thời điểm đã đến, điều mà cả hai chúng ta đều mong ước tới sớm hơn, nhưng nó không thể xảy ra như mình mong muốn.
Ông lão đặt mẩu phó mát lên chiếc thớt nhỏ rồi lau tay vào quần rồi nhìn vào ông tướng.
- Tôi thấy ông có một bộ răng thô, trắng ngà, được lấp đầy bằng vàng. Thật dễ dàng cho ông khi đối mặt với tôi. Và tôi ở đây chỉ còn hai chiếc răng. Nếu tôi không nhầm, ông cũng bị mất một phần xương hàm trong chiến tranh. Họ đã sửa lại phải không?
- Phải - Vị tướng nói.
- Rất tốt. Họ sẽ không dám làm khác hơn.
- Ông cũng cần thêm một con mắt nữa ...
- Với tôi thì một con cũng đủ, và tôi mong rằng ...
- Ồ, tôi không tin. Ông sẽ cần nó. Một con mắt nữa! Một người phải cần hai mắt để nhìn thấy rõ cũng như nhà nước cần hai mặt để điều hành tốt.
- Paripin, ông có thể lôi cả con mắt còn lại của tôi ra nếu muốn.
- Và ông cũng sẽ cần một bộ răng! Dù nghĩ rằng không cần răng là quyền tự do của ông nhưng tôi nghĩ là sẽ có một sự thay đổi trong suy nghĩ của ông. Sự thật là điều đó đến từ bên trong chính chúng ta. Sự thật trong thâm tâm mỗi người là ham muốn quyền lực. Lời nói chỉ phục vụ cho cái phông nền của sân khấu chính trường thôi.
Cả hai người đàn ông nhìn nhau không nói. Vị tướng cho rằng người đàn ông một mắt kia có thể che giấu một toan tính gì đó nên dò dẫm.
- Chà Durda, với tư cách là nhà cách mạng lão thành và đồng đội, tôi xin hỏi: Ông có khỏe không?
- Vẫn khỏe. - Ông già nói với giọng cộc cằn, trầm thấp. – Paridin, tia lửa trong mắt ông đã biến mất. Chỉ sau hai giờ sống với sự cô đơn ở đây, ông sẽ nhảy từ nhà nguyện xuống con suối bởi vì ông là một kẻ yếu đuối. Ông thấy đó, tôi được tạo ra theo cách này và bạn theo cách khác! Hãy nhớ rằng các sĩ quan của ông đã nói với tôi rất nhiều điều. Paripin, họ là những tên nông cạn lúc nào cũng say xỉn kèm theo một lũ phụ nữ chẳng ra gì.
Vị tướng giữ im lặng.
- Paripin. - ông già nói tiếp. - Ông không xấu hổ à? Ông là một kẻ khoác lác, đầy tham vọng, và hoang tưởng. Tôi vẫn như xưa, luôn luôn thể hiện là một người lính và như vậy, giờ đây tôi đang chịu đựng sự hy sinh. Ông lưu đày tôi ở nơi này nhưng đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích.
Vị tướng vẫn không nói gì.
- Việc ông đến tối nay sau rất nhiều năm, hẳn là có ý nghĩa gì đó. Tôi tò mò: ông có ý định gì? Nói đi, bây giờ tôi không thể gây nguy hiểm cho ông được nữa. Ông đã giáo dục quần chúng để họ tin tưởng vào ông bất chấp lương tri vì ông là người chủ tuyệt đối, nhà lãnh đạo và nhà độc tài không nghi ngờ của họ. Quần chúng yêu thích bạo chúa. Họ mê mẩn với sự vĩ đại giả tạo.
Vị tướng quân kiên nhẫn nhìn khuôn mặt cởi mở của ông lão, điều này khiến ông hài lòng.
- Tôi cũng đã nghe nói. - Ông già nói tiếp. - rằng ông đã giết Thiếu tá Krekic và Trung tá Babic. Họ là những sĩ quan tốt nhất và đáng tin cậy nhất của tôi. Ông có thể không có ý định bây giờ, nhưng sau đó nghĩ tôi không còn dùng được nữa thì có thể thanh toán!
Vị tướng quân giả vờ như không hiểu ông ta nói gì.
- Paripin, ông là kẻ hèn nhát. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi tối nay ông cho một sĩ quan có vũ trang xâm nhập vào nhà tôi, cứ như thể hắn đang truy đuổi một tên cướp. Ông đã từng ra lệnh cho người ta bắt giữ tôi dưới danh nghĩa nhân dân và nhà nước. Ha, Ha, ha! Nhân danh nhân dân, Paripin, ngươi đã tiêu diệt kẻ bảo vệ tự do của nhân dân! Tôi hiểu, ông gọi nhóm sĩ quan và gái mại dâm, những người mà họ kéo vào nhà tôi bằng cửa sau là nhân dân. Ông thấy đấy, ngay cả bây giờ tôi đang chơi với lửa nhưng thời gian của ông và tôi đã kết thúc. Dù sao tôi có lợi thế hơn vì tôi đã hết sợ hãi. Tôi không sợ bất cứ điều gì nữa! Đối với tôi, sợ hãi không còn là một cảm xúc.
Vị tướng vẫn không cắt ngang lời nói của ông. Khi nói với sự cuồng nhiệt, vị tướng lắng nghe ông chăm chú, nhớ về những ngày cách mạng xa xôi, khi họ còn trẻ và khi Durda tổ chức những cuộc họp rực lửa, khuấy động quần chúng và đưa binh lính đến mức cuồng tín. Vì thế lời nói của ông già không làm ông khó chịu. Khi nhận ra ông già đã nói những điều cần nói, vị tướng cười như vừa nghe được những điều đẹp đẽ, vui vẻ nhất. Cuối cùng, khi thấy ông già không nói thêm nữa, ông nói:
- Không còn nghi ngờ gì nữa, ông luôn đúng. Ông nói chuyện tuyệt vời đến mức mọi người có thể nhảy vào lửa. Nhưng, ông thấy đấy, cũng có những loại người khác - những người nói bằng hành động! Thật tốt là có cả hai. Chúng bổ sung cho nhau. Điều quan trọng, Durda, ông đã bảo vệ ngôi nhà thờ và ông vẫn còn sống và khỏe mạnh. Ông chứ không phải tôi đang giữ và vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong tâm hồn mỗi người ở trong nước. Cũng vì lý do đó mọi người gọi ông là đức vua.
- Paripin, có phải ông đã gửi tên ngu ngốc đến đây, người đang đứng ở góc nhà nguyện?
- Thiếu tá Karl?
- Tôi không biết tên anh ta. Tôi nghĩ anh ấy là một thiếu tá.
- Đúng, đúng là như vậy. Hắn không giải thích với ông là tôi sẽ đến à?
- Karl gọi tôi là Đức vua. Tôi đã bắn vào cây thông cạnh anh ta để cảnh cáo. Khi tôi bước chân về tới nhà thì lại hối tiếc vì tôi đã không giết hắn.
Vị tướng cười rồi nói tiếp:
- Công chúng vẫn cho rằng ông xuất ngoại, tôi xin nhắc lại: Người đời gọi ông là Đức Vua nhưng không ai biết ông đang ở đâu hoặc tại sao tên bạn là Đức vua ngoại trừ người của tôi và tôi. Mọi người biết rằng ông vẫn còn sống. Nếu điều đó khiến ông không thích, tôi sẽ cho ông biết tại sao. Tên của ông là Đức Vua bởi vì ông là người cao quý nhất và cũng là người giàu nhất nước.
Ông già gầm gừ đứng dậy, khập khiễng ông đi đi lại lại.
- Durda. - Vị tướng nói.
- Tôi đang nghe, Paripin!
- Trước đây tôi quyết định cho ông nghỉ hưu. Tới nay thì …. ông nên đi với chúng tôi về lại thủ đô và chính quyền. Rất tốt là ông đã nói với tôi những điều mà ông suy nghĩ, nhưng ông không ở vị trí của tôi. Một nước cần có luật pháp và trật tự.
Ông già đứng dang rộng hai chân ở giữa căn nhà, tay run lên, râu giật giật.
- Đồ cặn bã!. Ông còn nói với tôi những lời như vậy sao?
- Đúng vậy, chúng tôi không còn lý do nào giữ ông trong rừng này nữa và chúng tôi đang cần bàn tay của ông.
- Không - Ông già gầm lên. - Không bao giờ.
- Đúng như vậy. - Ông tướng nhấn mạnh.
- Không, không bao giờ.
- Ông điên rồi à. - Ông tướng hạ giọng, hết sức ngạc nhiên về cách cư xử của ông già. - Chúng tôi muốn đưa ông trở lại thủ đô, kéo ông ra khỏi vùng hoang dã này. Ông sợ chúng tôi lừa dối ông hay sao? Tôi có thể làm bất cứ điều gì ở đất nước này và tôi đảm bảo với ông bằng lời hứa danh dự của tôi.
Khuôn mặt ông hiện rõ vẻ bối rối, tay bắt đầu run. Ông nhìn vị tướng đứng bên cạnh và nói với giọng trầm khàn phát ra từ sâu trong phổi:
- Anh đang tự lừa dối mình, Paripin. Những ngọn núi này, khu rừng này, ngôi nhà nguyện trên đỉnh đồi, tất cả đã ăn sâu vào trong người tôi trong suốt hai mươi năm nay. Với sự thận trọng của ông, như lệnh cấm dân thường đi qua khu vực này và quân đội không được hoạt động xung quanh, đã làm tôi chú ý. Thời gian đầu, mọi thứ thật là kinh khủng. Sau đó, tôi đã quen với thế giới này, nơi tôi thực sự là Vua ở đây.
Bây giờ khi tôi không bị ràng buộc bởi thời gian. Khi tâm hồn tôi đã hòa vào thiên nhiên và quen với nhịp điệu của nó thì ngày hay mùa trong năm chẳng còn là gì với tôi nữa. Vì tính tự cao tự đại, ông sẽ giết chết niềm vui của tôi nếu đưa tôi trở về đô thị, trở lại cái vòng danh lợi, quyền lực. Đó là đưa tôi về địa ngục ... Ông muốn lấy bình minh ... bình minh của tôi đi, Paripin! Nếu ông biết bình minh đối với tôi có ý nghĩa như thế nào ...
Ông già dừng lại và quả táo Adam của ông ta di chuyển.
Vị tướng thấy thái độ của ông già và trước sự kinh ngạc của chính mình, ông nghĩ là người đồng đội cũ của mình đã nói sự thật. Ông nói:
- À, tôi không ép ông đâu. Tôi khuyên ông chỉ vì lợi ích của ông, hãy để lại sự huyền bí trong núi rừng. Ông đã bảo vệ sức mạnh của vùng đất này và bây giờ công việc đã hoàn thành. Công việc này cần được trọng thưởng. Còn nếu như ông đã quyết định …
Nói xong ông bước ra cửa. Ông già nói trong khi vị tướng dừng bước đứng nghe:
- Tôi sẽ ở trong khu rừng này cho tới chết. Cảm xúc đã mất hết, thêm vào đó tôi ghét những gì đã xẩy ra trong quá khứ.
- Vậy thì tốt. - Ông tướng nói.
- Bây giờ nói cho tôi biết, ông đã cất dấu những gì trong nhà nguyện?
Vị tướng quay lại, đến gần lò sưởi và ngồi xuống.
- Ngồi đi, Durda. - Ông ân cần nói. - Trong chiến tranh, tên tuổi ông vang dội như tiếng súng đại bác! Ông hỏi những gì được cất dấu trong nhà nguyện à? Và đó là mong muốn cuối cùng của ông? - Đại tướng lấy trong túi ra một điếu thuốc, nhặt một mẩu củi trên lò sưởi và châm lửa. Sau đó, ông tỏ vẻ nghiêm túc tiếp tục nói - Để trả lời điều đó tôi phải bắt đầu từ lý thuyết về ý nghĩa của chiến tranh và về việc áp dụng các ý tưởng bằng vũ lực, sự kết hợp của chúng vào việc điều hành quốc gia, sự truyền bá về chủ thuyết mà điều này là tốt nhất đối với họ, mà ông biết rõ hơn tôi nhiều. Nhưng có những điều khác mà ông chưa biết, những điều quan trọng nhất bởi vì, không có chúng thì không có gì khác có thể tồn tại. Cái nhìn của ông về tất cả những điều này là quá viển vông, không thực tế.
- Đừng quên rằng, trong thời gian ông bị giam giữ nơi đây, tôi đã cảm phục ông hơn bao giờ hết. Với ông, tôi chẳng cần phải dấu diếm gì vì chẳng còn bao lâu nữa: Ông đã bảo vệ sự thuần khiết của lý tưởng và bên cạnh đó là ba mươi tấn vàng, cho đến bây giờ chúng tôi đã giải quyết xong các vấn đề nội bộ và bên ngoài. Ba mươi tấn vàng chôn dưới nhà nguyện St. Roke. Vàng sẽ phục vụ chúng tôi và người dân cũng cần bánh mì!
Ông tướng cười trước sự điên cuồng của ông già.
- Ông thấy đó. Lý tưởng phục vụ trong những ngày tháng mòn mỏi của ông từ bây giờ sẽ không có ích lợi gì nữa.
Đại tướng đứng dậy tay cầm điếu thuốc. Ông ta nói thêm.
- Tôi nghĩ là ít lâu nữa những chiếc xe tải vận chuyển vàng tới đây sẽ bật tung ngôi nhà nguyện lên, sau đó lệnh phong toả khu rừng này sẽ bị bãi bỏ, vương quốc của ông sẽ đi vào quá khứ. Chúc ông sức khỏe tốt. Thiếu tá Karl sẽ tới đây gặp lại ông một lần nữa. Nếu ông thay đổi ý định của mình, hãy nói với hắn! Chúng tôi sẽ chuẩn bị một bữa tiệc, một bữa tiệc với âm nhạc huy hoàng mà chỉ hoàng gia mới có thể có được. Tôi sẽ sắp xếp mọi chuyện chờ đón ông.
Cuối cùng vị tướng quay người rời khỏi căn nhà gỗ. Ông già vẫn ngồi im. Những bước chân xa dần, rồi tiếng ồn ào của những chiếc xe, những ánh đèn chiếu hắt vào màn đêm. Với một con mắt, ông chỉ nhìn thấy một người đàn ông, một người bạn cũ và đồng đội. Người đàn ông này phá nát mọi thứ mà ông đã gây dựng trong sự tồn tại thuần khiết của mình. Ngọn lửa trong lò sưởi đang tắt dần. Khuôn mặt ông đen tối như những hố đen của vũ trụ
- Durda. - Ông già cuối cùng gầm lên. - Thật tội nghiệp, mi đã khốn khổ biết bao khi trở thành người không thể thiếu trong xã hội và rồi không ai cần đến nữa ...
Ông vừa khóc vừa lầm lũi đi về phía chiếc giường. Ông nhìn chằm chằm vào bóng tối. Ngọn lửa trong lò đang tắt dần.
Ông nghĩ về nỗi đau của mình và về Anica. Ông thấy đôi mắt dịu dàng của nàng như đang gọi ông ...
- Con Thú Tật Nguyền Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |