Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Tác giả: Ngoài chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao tại nước Tân Gia Ba, S. Rajaratman còn là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện ngắn về con người, xã hội. Những tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi tại Anh Quốc, Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi.
Cái lạnh của làn nước thấm vào da thịt khiến Lài rùng mình. Ánh nắng vàng vọt của buổi chiều tàn phản chiếu xuống giòng sông vắng lặng. Cô tiến ra xa bờ hơn cho đến khi nước tới ngực, chiếc xà rông quấn chặt lấy thân hình tròn trĩnh xám nắng và bộ ngực cùng chiếc hông nở nang của một thiếu phụ mang thai. Bộ mặt tròn trĩnh cộng với xương gò má cao và đôi mắt xếch tiêu biểu của giống người Mã Lai.
Lắc chiếc đầu để buông lỏng làn tóc, làn gió nhẹ thổi qua khiến cô cảm thấy thật sảng khoái. Với những lùm cây leo và cây cối đủ loại mọc ở hai bên bờ khiến cô không còn nghe hay nhìn thấy làng xóm. Một phía bên kia bờ là cánh đồng cỏ trải dài còn phía khác là khu rừng rậm với những cây cao và những lùm cây hoang dại xum xuê. Cái im lặng của buổi chiều sắp tàn thỉnh thoảng bị quấy động bởi tiếng chim hay tiếng cá quậy nước. Những con chuột nước bơi nhẹ vào hướng bờ làm nước khẽ tóe lên, rồi chúng chui vội vào những bụi cỏ cao tạo thành những tiếng kêu xột xoạt. Bầu không khí trong lành và khoảng không gian đợm mùi bùn, cỏ và hoa dại. Một cảm giác đơn độc hoang vắng chợt ngập chiếm tâm hồn. Cô có cảm giác như mình đang sống trong thế giới vào buổi hoang sơ mới thành lập.
Thình lình có tiếng gầm gừ từ đâu đó vọng lại. Đúng là tiếng gầm gừ của một con cọp ngay bên bờ sông làm cô hốt hoảng. Cô tự nhủ đây không phải là ảo giác, tiếng gầm giận dữ của con vật làm cô tỉnh hẳn, cô biết ngay là không phải là con vật trong trí tưởng tượng nữa.
Cách Lài chưa đầy hai chục mét, một con cọp ẩn mình trong đám cây rậm rạp, chiếc đầu và chiếc vai khổng lồ ló ra ngoài. Ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đôi mắt vàng, hung tợn của con vật trong khi đôi tai cúp ra sau. Một lát sau nó quay đầu về hướng khác, miệng vẫn gầm gừ để lộ ra chiếc lưỡi đỏ chót và những chiếc răng nanh nom tựa như những gốc cây.
Lài như bị thôi miên trước cái nhìn của con vật. Toàn thân cô bất động, trí não cô bị tê liệt. Cô không có một cử động nhỏ nào cũng như không ngừng dán mắt vào con thú. Trong khi đó cuộc gặp gỡ bất chợt với một con người cũng như thể làm cho con vật bị sững sờ và chẳng biết phải hành động ra sao. Cả hai nhìn nhau, cô gái thì sợ hãi, con vật thì như nghi ngại.
Ngoại trừ những tiếng gầm gừ nho nhỏ, con vật như thể không muốn đe dọa cô, nó không chứng tỏ một dấu hiệu nào là muốn tấn công cô cả. Sau một lúc, nó như không còn quan tâm tới cô nữa. Những chiếc móng vuốt khổng lồ vươn ra phía trước cào vào lớp cỏ ẩm ướt, ánh mắt của nó có nét hơi buồn và chán nản. Con vật như không có một quan tâm đặc biệt nào.
Màn đêm đang quét qua những đỉnh núi phía xa, xóa đi những nét đẹp thiên nhiên trong cảnh hoang dã này. Một làn sương mỏng bốc lên từ con sông rồi tỏa rộng dần ra những cánh đồng lân cận. Tiếng ve kêu và tiếng quạ rú báo hiệu đêm đang thay thế dần cho ngày. Giờ đây đối với cô chỉ còn là nỗi sợ hãi và mệt mỏi. Cái lạnh thấm vào da thịt làm cô rùng mình, cô thấy tuyệt vọng khi không có dấu hiệu nào chứng tỏ con vật muốn bỏ đi cả. Hai tay cô xoa bụng và thầm nghĩ là hai mạng sống cần được bảo vệ an toàn. Bóng con vật trong bụi cây vẫn ẩn hiện qua lớp ánh sáng mờ nhạt vào lúc tranh tối tranh sáng này. Cô nhận định thật kỹ và có cảm giác là biết khi nào nó quay mặt nhìn về hướng khác. Cô vẫn đứng bất động dưới làn nước chờ đợi, cơ thể cô căng thẳng, nỗi sợ hãi cũng như được tỏa rộng ra chung quanh. Sau khi tính toán rất nhanh trong đầu cô thấy không thể giữ mãi tình trạng chờ đợi căng thẳng như thế mãi được. Không gây một tiếng động nhỏ, cô lặng lẽ lặn xuống sâu và rất từ từ bơi về phía bờ sông bên kia. Khi thấy ngộp và cần chút không khí trong buồng phổi, cô trồi lên mặt nước. Cảm thấy bối rối và lạc lõng khi nhận ra mình đang ở giữa sông, nhưng khi nghe tiếng gầm gừ phía xa, cô cảm thấy an tâm. Lòng tràn đầy tự tin, giờ đây cô hấp tấp bơi nhanh vào bờ sông cho tới khi nhìn thấy ánh đèn dầu le lói từ khu xóm phía xa chiếu hắt ra.
Dân trong làng nhốn nháo lên khi bà mẹ của Lài kể lại câu chuyện cô gặp con cọp. Dĩ nhiên là câu chuyện được thêm thắt vào nhiều đoạn cho thêm ly kỳ và hấp dẫn. Những bà mẹ thì tỏ vẻ lo âu hoảng hốt, ôm chặt đàn con như con gà mái xòe đôi cánh bao bọc lấy đàn gà con khi thấy bóng con diều hâu. Người ta làm lại cửa nẻo cho vững chắc và kêu gọi đàn ông trong làng phải làm việc gì để đối phó với con cọp dữ kia. Bọn đàn ông trong làng thì chạy đi chạy lại lăng xăng, lo đóng lại chuồng cho chắc chắn để bảo vệ đàn bò, đàn dê trong khi những ông bà già ngồi nhai trầu trệu trạo và cằn nhằn đám con cháu.
Lài mệt mỏi nằm trên chiếc chiếu khi ông trưởng làng dẫn theo một đám người đến hỏi cô về chuyện con cọp. Bà mẹ cô nhanh nhẩu trả lời, bà thao thao kể lể về vị trí cũng như việc cô đụng độ với con vật hung dữ nhất trên thế gian này ra sao. Ông trưởng làng phải ngắt lời bà, yêu cầu bà ngừng nói rồi quay sang hỏi thẳng cô. Với giọng nói còn run rẩy, cô trả lời một cách không mạch lạc những câu hỏi của ông. Sau hết và thật bất ngờ, cô tỏ ý không muốn con cọp bị săn đuổi hay bị giết. Ông trưởng làng cau mặt tỏ vẻ khó chịu. Bà mẹ lại cất giọng gây sự chú ý của mọi người:
- Lạy trời, đó là ý muốn của thần Allah, ngài đã che chở cho con gái tôi khỏi móng vuốt của con thú hung dữ.
Nói xong bà dơ cả hai tay lên trời như cám ơn thần Allah. Ông trưởng làng nhún vai rồi nói:
- Có thể là như vậy, nhưng lần sau thần Allah không thương xót nữa đâu. Còn con cọp thì... giờ này nó đang say mùi thịt người. Thật là nguy hiểm khi nó cứ luẩn quẩn đâu đây. Vì sự an toàn và bình yên của đám đàn bà con trẻ trong làng này, nó phải bị bắn gục và tiêu diệt lập tức.
Ông đưa mắt nhìn một lượt đám trai trẻ đứng quanh, tất cả đều im lặng và phảng phất có nét lo sợ trên gương mặt. Mọi người đều hiểu là đi săn cọp vào ban đêm thì nguy hiểm biết chừng nào, nhất là phải vào khu rừng cây lá um tùm rậm rạp nổi tiếng nhiều thú dữ kia. Viên trưởng làng hắng giọng rồi lên tiếng:
- Như vậy thì...
Cả bọn đàn ông con trai im lặng, đầu cúi gằm xuống. Mặt viên trưởng làng co rúm lại. Ông muốn lên tiếng chửi rủa họ vì sự hèn nhát. Thình lình một thanh niên đứng ở cuối dãy với nét mặt căng thẳng, vai đeo khẩu súng tiến lên.
- Người ta nói với tôi là có con cọp tấn công cô Lài phải không?
Trong khi viên trưởng làng thuật lại một cách vắn tắt và chính xác sự việc, tay anh ta xoa khẩu súng hai nòng mới với vẻ nôn nóng. Anh ta muốn đi ngay lập tức, lý do đơn giản là tính say mê săn bắn, hơn nữa con mồi lại là một con cọp khiến lòng háo hức tăng lên gấp bội phần. Khi viên trưởng làng nói dứt, anh ta lên tiếng:
- Thật vậy, mọi người hãy nghĩ đến đám đàn bà con trẻ. Những kẻ đáng thương này không dám ra khỏi nhà nửa bước cho đến khi con cọp bị bắn chết. Đây là bổn phận của bọn đàn ông, chúng ta phải bảo vệ họ. Bây giờ ai dám đi cùng tôi để giúp tôi hạ con thú dữ nào? Nếu có người đi theo giúp thì tôi thề là sẽ mang xác con cọp về làng trước khi trời hừng sáng.
Sau một lúc do dự, khoảng hơn chục người tình nguyện, họ được kích thích bằng lời nói của Ba Cẩn và họ cũng biết anh ta là tay thợ săn giỏi. Tay Ba Cẩn lần dọc theo báng súng, miệng nói:
- Hay lắm, tôi biết là sẽ được mọi người giúp mà.
Nói xong hắn cùng số người tình nguyện bước ra khỏi cửa. Khi moi người đã ra khỏi nhà, bà mẹ của Lài bước ra cài then cửa lại rồi nói với cô:
- Con gái ơi, con có biết thằng Ba Cẩn cũng là một con cọp hung dữ không?
Lài bước về phia khung cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài. Ánh trăng màu trắng nhợt nhạt trải rộng xuống vạn vật. Cô buồn bã chăm chú ngó toán thanh niên đứng ở phía xa gọi nhau ơi ới với giọng đầy kích thích. Họ đang chuẩn bị cho chuyến săn đêm. Rồi cả toán lên đường, một lát sau trước mắt cô chỉ còn lại những hàng thân cây xám xịt cùng tiếng lá cây xào xạc, vọng lại từ phía xa là tiếng rầm rì của con sông. Cô miên man suy nghĩ và tự hỏi hiện giờ con cọp đang ở một nơi nào đó có an toàn không, cô mong muốn nó đi càng xa nơi này càng tốt, tránh xa toán người đang đi truy lùng kia.
Giọng nói rên rỉ của ba mẹ:
- Lạy thần Allah, đêm nay là đêm của thần chết. Con hãy nghĩ đến toán thanh niên đang mò mẫm trong rừng sâu giữa đêm tối để tìm dấu vết con vật, mà nó lại tinh khôn gấp cả trăm lần con cáo nữa. Chắc là chưa tới sáng ra là có tiếng khóc vì có người mất mạng rồi.
Vẫn nhìn ra phía xa, Lài lẩm bẩm:
- Họ hãy để nó yên.
Ba mẹ cất cao giọng:
- Con có điên không? Người ta phải giết chết nó trước khi nó tấn công mình.
- Có lẽ nó đã đi xa rồi.
Bà tiến sát bên cô rồi nói:
- Con phải nhớ là khi con cọp đã tới gần làng, nó không bao giờ đi khỏi cho đến khi đạt được mục đích. Vì nó là con vật giết người nên mới mạo hiểm tới làng này.
Cô phản đối:
- Nhưng ... nó không phải là con vật giết người mà.
Người mẹ khịt mũi nhưng không nói gì. Cô nói tiếp:
- Con cọp đứng cách con không đầy 15 thước, nó có thể nhẩy ra chộp con dễ dàng, nhưng nó lại không làm vậy. Tại sao lại như thế? Mẹ có cắt nghĩa được không? Nó chăm chú ngó con, đúng vậy, nhưng con cũng nhìn nó nữa. Thoạt tiên nó quan sát con nhưng sau đó nét mặt nó dịu hẳn lại và có vẻ chán nản nữa. Cái nhìn của nó chẳng có gì là hung dữ hay có vẻ muốn giết người cả ...
Người mẹ bỏ miếng trầu vào miệng rồi nói:
- Bây giờ con lại có giọng nói điên khùng như bố con vậy. Ông thường nói là gió hát cho ông nghe. Xin thần Allah tha tội cho mẹ khi nói tới người cha đã chết của con, nhưng đôi khi ông ấy nói như điên như khùng vậy đó.
Lài thò đầu ra ngoài chăm chú lắng nghe. Một bức màn im lặng như tấm vải liệm đang chụp xuống ngôi làng. Hai tay nắm chặt lấy khung cửa như thể đang tìm trong cõi im lặng này một tiếng động nào đó. Tiếng trái tim đập thình thịch như thể hòa nhịp với tiếng nhai trầu bỏm bẻm của người mẹ. Thình lình cô cảm thấy một cơn đau nhói, hai tay cô ôm lấy bụng. Người mẹ vội vã ôm lấy vai cô:
- Gì vậy con?
Hai môi ním chặt, cô trả lời:
- Không có gì cả, mẹ.
- Đừng đứng trước ngọn gió lùa, nguy hiểm lắm, vào trong nhà nằm xuống đi con.
Cô vẫn đứng yên bên cạnh cửa sổ, cơn đau quặn trong ruột gan nổi lên từng hồi. Nhắm mắt lại, cô tưởng tượng con cọp đang nằm thu mình trong bụi cây, đôi mắt đỏ có nét dịu dàng đang lơ đãng nhìn ra ngoài.
Bất chợt một tiếng súng từ xa vọng lại, tiếp theo là một tiếng nữa. Cô cúi gập người xuống như thể phát súng bắn trúng vào người cô. Rồi có tiếng cọp gầm xé tan cõi đêm tịch mịch. Tiếng gầm này không giống như tiếng gầm hồi chiều mà cô đã nghe. Nó mang đầy nét đau đớn và phẫn uất. Trong vài giây, tiếng kêu của con vật như ngập tràn tai, tràn vào trái tim của cô. Cô muốn gào thét lên thật to. Mặt cô nhăn nhúm lại với những nét đau đớn tận cùng, mồ hôi đổ ra khắp châu thân. Tiếng rên phát ra khỏi miệng trong khi môi vẫn ním chặt. Bà mẹ nhìn thấy tình trạng như vậy thì hốt hoảng:
- Lạy thần Allah! Lạy thần Allah! Con sao vậy? Con ốm rồi đó. Mau vào trong nhà nằm xuống ngay đi.
Người mẹ dìu cô vào buồng trong rồi giúp cô nằm xuống giường.
- Tới lúc sinh rồi đây mà, con nằm yên đây để mẹ đi đun chút nước sôi cho con uống. Mình phải đợi cho đến khi toán thanh niên kia trở về rồi mmới đi gọi bà mụ được.
Lài nằm trên giường, hai mắt nhắm chặt trong khi bà mẹ đang nấu nước ở dưới bếp, miệng bà lẩm bẩm những gì mà cô không nghe rõ, chắc là đang cầu kinh.
Một lát sau cô nghe tiếng bà mẹ reo lên:
- Con có nghe thấy gì không? Họ đã trở về rồi đó.
Cả một khoảng không gian náo nhiệt hẳn lên với những giọng nói đầy kích động của đám đàn ông, đàn bà ở phía ngoài. Bà mẹ cẩn thận mở cửa rồi lên tiếng gọi ai đó. Một cậu thiếu niên khoảng 15-16 tuổi chạy xộc vào nhà:
- Anh Ba Cẩn giỏi thật, cô ạ. Anh ấy đã bắn chết con cọp và kéo xác nó về kia kìa. Con cọp thật lớn, cô ạ. Anh ấy thật can đảm và phải chiến đấu thật gay go mới hạ nó được. Cô có biết không, sau khi bắn hai phát súng, con thú tấn công mọi người như điên như khùng trước khi gục hẳn. Nhưng cô có biết sau đó ra sao không?
Lài chăm chú nhìn cậu trong khi bà mẹ lắc đầu:
- Họ kể lại là sau khi con vật nằm yên thì có tiếng động ở đâu đó phát ra. Với ngọn đèn bão, họ tìm thấy ba con cọp con nhỏ xíu nữa. Những con cọp con này có vẻ sợ hãi, anh Ba Cẩn nói là chúng mới lọt lòng được chừng vài giờ thôi. Anh ấy cũng nói là có thể bán những con cọp con với giá cao đó cô.
Lài rên lên một tiếng đau đớn, mồ hôi trên trán thoát ra long lanh nom tựa như những viên ngọc. Cô kêu lên:
- Mẹ ơi.
Bà mẹ vội đẩy cậu bé ra phía cửa:
- Cháu mau đi gọi bà mụ lại đây nhanh lên, mau chạy đi gọi bà mụ cho cô.
Cậu bé trố mắt nhìn Lài chằm chặp rồi nhanh chân chạy vụt ra ngoài.
- Con Thú Tật Nguyền Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |