|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Vài hàng về tác giả: Jurgis Jankus Sinh ra và được giáo dục ở Lithuania, Jurgis Jankus đã được các nhà phê bình và công chúng đánh giá cao ngay từ khi mới bước chân vào lãnh vực văn học. Ông đã được trao nhiều giải thưởng cao qúi cho các bộ môn truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch nghệ. Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang nhiều ngoại ngữ như Anh, Đức, Ý và nhiều ngôn ngữ khác.
Nếu năm mươi năm trước ai đó tình cờ đi trên con đường quê nhỏ từ Grikalnis đến Simkaiciai, có lẽ người đó vẫn nhớ gần rìa làng Pakalniskiai, trên con dốc lên ngọn đồi, nơi đó con đường rẽ qua đồng cỏ ẩm ướt, có một cây thập tự giá, chỉ là một cây thập tự giá đơn giản nhưng nó lại hoàn toàn không giống những cây thánh giá khác nằm rải rác trên các con đường. Bản thân cây thập tự giá này cũng giống như những cây khác: được làm bằng hai khúc gỗ sồi dày, rắn chắc, bị thâm đen theo năm tháng, mưa mòn và có ít vết nứt do khí hậu nắng, lạnh gây nên với những chùm rêu màu xám, xanh lục mọc lên. Phần trên cùng của cây thánh giá và hai bên cánh có những nút thắt lớn. Có những cây thập tự giá khác làm bằng loại gỗ ít cứng hơn được dựng thêm vào. có lẽ một người nào đó đã muốn chứng tỏ kỹ năng của mình với một khối lượng gỗ lớn và đẽo bằng rìu.
Có thể người ta đi qua cây thập tự giá mà không cần ghi nhớ, vì có nhiều cây tương tự được dựng rải rác bên những con đường tại xứ Lithuania này. Nhưng hình bóng của Chúa Giê-Su trên cây thập tự giá này lại thu hút sự chú ý của mọi người: người ta khó có thể vượt qua nó mà không dừng lại hoặc ít nhất là liếc nhìn lại vài lần. Tượng Chúa bằng gỗ rất khác thường, thậm chí ngày nay tôi không hiểu tại sao nó không bao giờ trở nên nổi tiếng trên thế giới, trừ khi chính Đức Chúa Trời với sự khiêm nhường thiêng liêng của Ngài muốn theo cách đó. Hình ảnh này có kích thước như thật và được chạm khắc hoàn toàn từ một mảnh gỗ duy nhất, ngay cả hai cánh tay cũng không phải ghép từ miếng gỗ khác rồi đóng thêm vào. Chân tay bức tượng vì gió mà run lên như bị kiệt sức; đầu nghiêng về phía trước và sang bên, say sưa trong những suy nghĩ với sự mệt mỏi, và đau đớn ... và có lẽ cả những lo lắng của ngày mai và ngày hôm sau. Chiếc vương miện gai thông thường trên đầu bằng vòng gai đã bị bay mất không còn bảo vệ được gió mưa lẫn mưa đá được nữa. Bây giờ ai đó có thể đặt trên đầu tượng một vòng hoa bằng hoa ngô đồng, hoa chuông, mao lương hoặc các loài hoa dại khác, một đứa trẻ cao cũng có thể làm được vì giờ đây cây thập tự giá đã quá thấp, các ngón chân của tượng gần như chạm đất. Có vẻ như khúc cuối đã hơn một lần bị mục nát và đã được gọt đẽo lại, mỗi lần như vậy lại khiến cho cây thập tự giá ngắn hơn. Như vậy, nó phải là đã lâu đời lắm rồi vì gỗ sồi mục rất chậm. Như vậy tại sao thời gian không bào mòn khuôn mặt bức tượng đi? Một người đứng nhìn và chờ đợi đôi mi mắt đang ủ rũ nhìn xuống đột ngột mở ra. Đôi mắt đó sẽ nhìn thẳng vào bạn, đôi môi mở ra, và người ta sẽ nghe thấy những lời mà loài người đã chờ đợi từ lâu; những lời mà các nhà thần học và các thi nhân đã tìm kiếm trong hàng nghìn tập sách. Nhưng bạn ơi, những lời nói đó sẽ đến với bạn, cũng tự nhiên như một bông hoa cúc chớm nở vào một sớm mai.
- Cậu đang cầu nguyện, hay ... chỉ nhìn thôi? - Giọng một người đàn bà làm tôi choàng tỉnh khỏi cơn mê.
Mải mê nhìn cây thập tự giá, tôi đã không nhận ra bà ấy đã bước tới bên tôi. Bà ta đã già với khuôn mặt nhăn nheo nhưng đôi mắt còn lanh lẹn và có vẻ trẻ trung. Dường như thời gian không thể chạm vào đôi mắt này, cũng như không thể chạm vào khuôn mặt của Đấng Christ trên thập tự giá. Một tay bà ta cầm một rổ lá củ cải và tay kia là một vài củ cà rốt mới nhổ.
Tôi nhìn lên cây thập tự giá:
- Đẹp quá.
- Vâng, đẹp và quý nữa! Nhưng nó sẽ không ở đây lâu đâu. - Bà nhìn tôi, đưa tay quệt trán.
- Tại sao? Có vẻ như nó vẫn có thể đứng vững trong một thời gian dài mà.
- Nó có thể, nhưng sẽ không. Có thể một hoặc hai năm. Bạn thấy chân của nó gần như chạm đất. Khi con người vẫn như vậy, ông ta sẽ vác thập tự giá của mình rồi đi nơi khác. Một buổi sáng nào đó mọi người thức dậy sẽ thấy ông ấy sẽ không ở đây nữa.
Tôi muốn cãi lại, nhưng chợt hiểu là không nên cãi lý với niềm tin của dân địa phương nên im lặng, nhìn vào khuôn mặt của Đấng Christ và đặc biệt là vào đôi môi của Ngài, dường như hơi run lên như thể người muốn nói điều gì. Tôi nói với bà:
- Một tác phẩm đẹp tuyệt vời. Ai đã khắc cây thánh giá này, thưa bà? Nếu ông ấy vẫn còn sống, tôi muốn gặp một người thợ điêu khắc bậc thầy như vậy.
- Không ai có thể tạc được cây thhập tự giá này cả. Tôi đã sống ở đây cả đời, và nó không thay đổi một chút nào. Không đổi một sợi tóc. Khi tôi chỉ cao thế này, - Bà ta chỉ tay cách xa mặt đất một chút, - Tôi đã làm những vòng hoa nhưng không thể để lên đầu ông ấy được. Ngay cả những người đàn ông trưởng thành cũng không thể kiễng chân lên mà đặt lên được mà phải có một cái gì đó để đứng lên. Và khi tôi muốn hôn chân ông ấy, tôi phải nhờ ai đó đỡ tôi lên; nhưng bây giờ đứa trẻ nhỏ nhất có thể dễ dàng chạm vào. Đôi mắt tội lỗi của con người không nhìn thấy ... nhưng nó đang chìm và chìm dần ...
- Có thể là một cái giếng ngầm nào đó ở bên dưới. - Tôi giải thích. – Như vậy cần một số người di chuyển nó tới một chỗ an toàn hơn.
Trong lòng tôi nghĩ một món quí giá như vậy nên để vào viện bảo tàng trong một khung kính, nhưng tôi không nói ra, sợ bà ta nổi giận. Ngay cả đề nghị di chuyển nó đi nơi khác cũng khiến bà ta lắc đầu.
- Này cậu, không ai có thể đào nó lên và cũng chẳng di chuyển được tới đâu cà. - Bà già nghiêm nghị nói.
Tôi lấy làm lạ hỏi:
- Không ai có thể nào đào nó lên được sao?
- Dĩ nhiên là không. Ông ấy tự mình đến và chọn chỗ cho riêng mình; chỉ có điều, chúng ta cứ dồn hết mọi thứ rắc rối, lo lắng và những việc làm xấu xa lên đầu ông ấy. Đó là lý do tại sao ông ấy cứ chìm dần và chìm dần ...
Bà ấy không nói nữa. Tôi cũng vậy, cả hai chúng tôi đều nhìn chằm chằm vào cây thập tự giá. Rồi bà ta ngồi xuống trên đám cỏ xanh rậm rạp bên đường, tôi cũng ngồi bên cạnh bà trong đầu suy nghĩ là cây thhập tự giá này nên được đưa đến một viện bảo tàng. Nhưng tôi không nói gì cả.
Bà bức một ngọn cỏ rồi bắt đầu quấn quanh các ngón tay như một chiếc nhẫn. Ngón tay bà không đeo chiếc nhẫn nào. Có thể bà ta chưa bao giờ kết hôn hoặc có thể bà ấy đã tháo chiếc nhẫn của mình ra, đánh bóng, và đặt nó vào chiếc rương hy vọng mai sau được chôn cùng mình.
Một lát sau bà nói:
- Tôi biết các bạn trẻ học thức thường gặp khó khăn khi đứng trước điều lạ lùng. Theo thói quen trước tiên, cậu phải kiểm soát mọi thứ, rồi kiểm soát lại và viết ra giấy. Đặc biệt là được viết vào sách. Và ngay cả bây giờ tôi vẫn còn đọc, cảm ơn Chúa người đã ban cho một đôi mắt tốt. Tôi cũng đọc báo chí hàng ngày nữa. Trong khi đọc, tôi vẫn nghĩ rằng không có cách nào để viết mọi thứ thành sách được! Lấy ví dụ về cây thập tự giá của chúng tôi đây. Không ai có thể đưa nó vào sách được. Ai có thể đếm được những gì chất chồng trên đôi vai và trái tim mình.
Bà ngưng nói, gỡ cọng cỏ ra khỏi ngón tay rồi bỏ vào miệng nhai. Bất giác bà nhìn tôi mỉm cười.
- Răng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Chúa đã quá ưu đãi tôi và ban cho tôi một cuộc sống tốt đẹp. Thỉnh thoảng, tôi tự nhủ: Mary, với một cuộc sống tốt đẹp như vậy, lẽ ra mi phải làm cho ông ấy nhiều vương miện hơn! Tất nhiên, cậu đã đọc trong những cuốn sách về những năm khủng khiếp của bệnh dịch ...
Bà ta đột ngột chuyển hướng cuộc trò chuyện:
- Bây giờ không ai nói về trận đại dịch đó nữa, nhưng khi tôi còn trẻ, câu chuyện đó vẫn còn ở trên môi mọi người. Mặc dù chúng tôi lúc đó không trải qua bệnh dịch nhưng vẫn nhớ về những điều ghê gớm đó từ cha mẹ và ông bà. Họ nói, một cơn gió thổi qua và tất cả đều nằm xuống, nằm xuống và không đứng dậy được. Những người khác kể về những kỵ sĩ mặc quần áo đen đã đi qua trong đêm; và nơi họ đi qua, sáng hôm sau một nửa số người sống trong vùng không dậy được nữa. Chỉ có những người không về nhà vào đêm hôm đó, hoặc những người cầu nguyện dưới cây thập tự giá này thì không bị ảnh hưởng bởi tai họa, vì vậy họ phải chăm sóc những người bệnh và gia súc.
Ngôi làng của chúng tôi lúc đó lớn hơn bây giờ rất nhiều. Người ta kể là hôm đó trời mưa suốt ngày, trên đồi xuất hiện một đàn quạ đen, chúng bay tới làng, bao phủ tất cả các ngọn cây và mái nhà. Những con chó tru lên những tiếng ghê sợ, ngay cả đám đàn ông trong làng cũng rùng mình trước tiếng gáy của đàn quạ. Hôm đó trời tối sớm hơn bình thường rất nhiều. Sáng hôm sau, lũ quạ bay đi và người ta bắt đầu ngã quỵ như những chiếc lá rụng vào cuối mùa thu.
Chỉ có Ignacas là vẫn bình yên vì ngày hôm trước anh đã đi ép dầu từ hạt cây gai dầu trong nhà máy bên ven bìa rừng.
Trở về sau rạng đông, anh thấy mọi người trong gia đình mình và hàng xóm đều bị bệnh dịch, cả làng chỉ còn vài người vẫn di chuyển, nhưng qua ngày thứ ba thì chỉ còn lại một mình anh ta là khỏe mạnh. Người ta nói anh ta là một người đàn ông mạnh mẽ. Ngày nay, khuôn mẫu loại người ấy không còn tồn tại nữa, mọi người đã có một cuộc sống dễ dàng. Vào thời điểm đó, người ta phải làm việc chăm chỉ và cực nhọc; đó là lý do tại sao họ lớn lên như những cây sồi. Mưa nắng hay lạnh lẽo cũng không làm họ sợ hãi. Ban ngày anh ta đi từ trang trại này đến trang trại khác, chăm sóc gia súc và giúp đỡ người bệnh, và khiêng người chết ra khỏi nhà. Cậu có thấy gò đất gần giữa làng phía đằng kia không? Anh ta đào một cái hố rồi chất đống xác chết như những khúc gỗ vào. Anh ta chất đống xác chết vào ban ngày rồi đổ đất lên vào buổi tối để lũ chó không bươi lên được vào ban đêm.
Hôm đó sau một ngày vất vả chôn cất người chết, anh ta không thể tin vào mắt mình: phía xa nơi đồng cỏ xuất hiện một người đàn ông đang vác một cây thập tư giá lớn. Mặc dù mệt mỏi và kiệt sức, Ignacas đã đến gặp ông ta và đề nghị vác giúp. Ignacas nghĩ rằng có lẽ ông ta muốn dựng nó bên chiếc hố chôn người chết. Nhưng mặc dù người đàn ông trông rất quen thuộc, nhưng anh ta lại thấy hoàn toàn xa lạ. Ignacas đã đề nghị giúp đỡ vác cây thánh giá tới sân nhà. Ignacas nói:
- Tôi sẽ đi vắt sữa bò và kiếm cái gì để ông ăn, sau đó tôi sẽ cho ông mượn một con ngựa. Ông không thể tự mình kéo thứ nặng nề đó đi bất cứ đâu được.
Trong sân nhà, anh ta để cây thập tự giá tựa vào tường (bà ngoại tôi thường chỉ chỗ bức tường bị xây xát gần cuối căn nhà), rồi mời người đàn ông ngồi bên hông nhà. Anh ta không muốn mời người lạ vào nhà vì trong nhà có người bệnh, rồi chạy ra vắt sữa bò. Sau đó, trong khi người lạ ăn bánh mì và sữa, anh ta hỏi:
- Ông từ đâu tới mà sao lại vác cây thập tự giá nặng nề đó?
Ông ta mỉm cười nói:
- Từ rất xa. Anh có thể nói, từ tận cùng trái đất.
- Ông đi một mình à? Hiện giờ có rất nhiều người chết ở đây … mà không ai giúp ông à?
- Không, mọi người còn nhiều việc khác phải làm.
- Tôi có thể giúp ông. - Ignacas thành thực đề nghị, - nhưng ai sẽ chăm sóc người bệnh và chôn cất người chết đây? Và những con vật cũng phải được chăm sóc nữa. Ý tôi là, nếu không xa thì tôi sẽ cho ông mượn con ngựa. Ông sẽ trả lại sau cũng được. Ông không thể vác cây thập tự giá nặng nề đó một mình được.
Người đàn ông lại mỉm cười.
- Không xa đâu. – Nói xong người lạ đứng dậy định ghé vai vác cây thập tự giá lên. Trông ông ta có vẻ yếu và mệt mỏi.
Ignacas đúng bật dậy bật dậy và nói:
- Khoan đã, tôi không muốn ông phải vác một mình. Ông hãy vác khúc đuôi còn tôi vác khúc trên vì nó nặng hơn..
Ignacas đặt cây thập tự giá lên lưng và cảm thấy đôi chân của mình như bị lún xuống đất, vai của anh ta uốn cong như thể cả thế giới đặt lên trên. Nhưng anh ta nghiến răng chịu đựng sải bước, toàn thân run lên, bước chân loạng choạng.
- Xin Chúa giúp con. - Anh ta khẽ nói nhỏ. – Xin đừng bắt con phải gục ngã hay chết bây giờ. Nếu con chết thì ngày mai ai sẽ lo liệu cho những người bệnh, những người đã chết hay cho gia súc đây?
Hai người bước theo con đường rồi ra khỏi làng. Người lạ nói:
- Thế là đủ rồi. Hãy để ở đây.
Ignacas hỏi:
- Vậy tự mình ông vác nó hay sao?
- Bỏ nó xuống đây. Tôi sẽ không mang nó đi đâu cả. Đây là một nơi tốt. - Người đàn ông lại cười.
- Nếu ông muốn dựng nó ở đây thì đó là ý của ông. Tôi sẽ về nhà lấy một chiếc thuổng. Mình không thể dựng nó mà không phải đào đất.
- Anh không phải lo. Hãy về nhà ngay. Mà anh cũng phải nghỉ ngơi.
- Vậy thì mình cùng nhau về nhà tôi. Nếu ông thấy lạnh không ngủ được thì nhà có rất nhiều rơm. Tôi cũng có rất nhiều chăn.
Nhưng người đàn ông ngồi xuống bên cây thập tự giá, tay chống cằm và ngước mắt lên nhìn Ignacas:
- Cảm ơn lòng tốt của anh, - Ông ta nói. - Tôi sẽ ở lại đây. Không sao cả, Anh có thấy Chúa tựa đầu vào đâu không? Và cũng cảm ơn anh đã chia bớt gánh nặng cho tôi. Hãy đi đi, Còn nhiều người bệnh, nhiều người chết và gia súc đang đợi anh, và tôi muốn ngồi một lát và suy nghĩ.
Ignacas quay đi, nhưng rồi quay lại nhìn người đàn ông đang chìm đắm trong suy tư.
- Này ông - Anh ta nói. – Hình như ông quanh quẩn ở gần đây. Như thể tôi đã thấy ông một nơi nào đó .
Người lạ ngước mắt nhìn rồi mỉm cười.
Có lẽ tôi không ở đâu xa, thậm chí có thể ở gần sát anh. Nhưng bây giờ trời đang tối. Hãy đến đây vào ngày mai, chúng ta sẽ nói chuyện thêm. Tôi sẽ đợi ở đây.
Ignasca muốn nói thêm điều gì nhưng anh không nói nên lời. Anh ta nhún vai rồi bước đi ... Trong một phút, anh ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi rã rời. Dường như mỗi bước đi đều như là bước cuối cùng của cuộc đời.
- Chắc bây giờ mình cũng nhuốm bệnh rồi. – Anh ta nghĩ. - Nếu mình mắc bệnh chết đi thì chẳng còn ai đào mộ cho mình cả.
Nghĩ vậy, anh loạng choạng về nhà, ngã xuống một chiếc ghế dài và chỉ tỉnh dậy vào sáng hôm sau. Khi anh ta đứng dậy thì vô cùng ngạc nhiên. Trong nhà anh tất cả mọi người đều khỏe mạnh. Mọi người trong làng cũng đã khỏe trở lại. Người chết vẫn chết, nhưng những người chưa chết thì bước đi như thể họ chưa bao giờ bị bệnh cả. Họ làm việc quanh nhà, chăm sóc gia súc, chôn cất và để tang cho người chết. Nhưng tất cả đều vui mừng vì bệnh dịch đã biến đi đột ngột như nó đã đến. Ignacas chạy đến và giúp đỡ mọi người, chỉ cho họ biết ai đã được chôn cất ở đâu. Vào khoảng giữa trưa, anh mới nhớ tới người đàn ông lạ. Nếu ông ấy vẫn đợi như đã nói thì chắn hẳn sẽ đói. Ignacas đổ đầy sữa vào một cái bình, lấy một khối bánh mì lớn, cắt một miếng thịt xông khói rồi vội vã đi ra ngoài. Vừa ra khỏi làng anh giật mình dừng lại. Trước mặt anh là một cây thập tự giá rất lớn. Nó được dựng thẳng và bây giờ trông thậm chí còn lớn hơn cái mà anh ta vác ngày hôm qua. Ignacas thấy xấu hổ khi nghĩ là rõ ràng, người đàn ông đã chờ đợi mình cho đến khi tìm thấy một cái xẻng, ông ta đã tự mình dựng cây thập tự lên rồi bỏ đi. Chung quanh đây chẳng có hình bóng người nào cả. Nhìn vào cánh đồng với hy vọng thấy bóng dáng người lạ, nhưng vô ích, Ignacas tiến đến cây thánh giá, ngước mắt lên và sững người: từ cây thánh giá nhìn chằm chằm vào anh ta chính người mà tối hôm qua anh đã bỏ lại một mình, ông ta ngồi và nói rằng anh còn nhiều điều phải suy ngẫm. Bình sữa và bánh mì rơi khỏi tay, anh cởi mũ ra và thậm chí không nhận thấy đầu gối bắt đầu quỵ xuống.
- Lạy Chúa tôi, Chúa Giêsu Kitô. - Anh thì thầm. - Hôm qua ngài đến gặp con, ăn uống rồi nói chuyện mà con không nhận ra. Xin tha tội cho con, Chúa ơi.
- Hãy ngồi dậy. - Chúa Giê-Su nói một cách ám áp và rất tự nhiên. - Giờ thì con đã nhận ra ta, thật là tốt. Con hãy đi và kể cho mọi người nghe những gì đã xảy ra ngày hôm qua. Hãy bảo tất cả mọi người mang theo niềm vui, nỗi lo lắng, khó khăn, tội lỗi, ăn năn đặt họ trên cây thập tự giá này. Những việc làm tốt sẽ nâng nó lên, và những việc ác sẽ đè nó xuống.
Tới đây Chúa Giê-Su im lặng. Bây giờ người biến thành một hình chạm khắc trên gỗ. Trong nhiều năm chiếc thập tự giá đã đứng cao, đôi khi dường như còn bắt đầu phát triển to lớn và cao hẳn lên. Sau đó, qua bao nhiêu năm tháng nay nó đang chìm dần.
Bây giờ cậu có thể tự mình thấy nó chẳng còn lại bao nhiêu và tội lỗi của chúng ta mỗi ngày càng đè nặng lên đầu người. Không ai nói với tôi, nhưng trái tim già nua của tôi cảm thấy ... đến khi đôi chân chạm đất, ông ấy sẽ vác cây thập giá này lên vai và đi tìm một nơi khác. Chúng ta sẽ là những đứa trẻ mồ côi. Đúng vậy, chúng ta là những đứa trẻ mồ côi.
Nói xong, bà lão đứng dậy, vươn tay chỉnh lại vòng hoa, quỳ xuống hôn vào bàn chân bị đinh đóng đinh rồi bỏ đi mất.
Như thể bị mê hoặc, trong vài phút tôi nhìn vào khoảng cách vài cen-ti-mét giữa bàn chân và đám cỏ, một ý nghĩ bàng hoàng ập đến với tôi: Nếu đây không phải là chuyện hoang đường mà là sự thật thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta đứng dậy, vác cây thập tự giá không phải để tìm một nơi khác, mà rời khỏi trái đất này? Và điều gì sẽ xảy ra, nếu ông ta ra đi mang theo 10 điều răn, điều mà ngay cả sau hai nghìn năm vẫn còn xa lạ đối với chúng ta?
Tôi nhìn xung quanh. Cái nắng gay gắt giữa trưa hè đang thiêu đốt những cánh đồng, vườn cây ăn trái và những ngôi nhà trong làng. Không có một di chuyển nào trong nếp nhăn trên khuôn mặt Người, đôi mắt đang chăm chú nhìn vào cõi vĩnh hằng. Không ai có một câu trả lời nào ngoại trừ một câu trả lời vang dội trong trái tim tôi.
- Con Thú Tật Nguyền Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |