|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Vài hàng về tác giả: Georgi Bazhnov - Sinh năm 1946 tại Sverdlovsk, Georgi Bazhnov tốt nghiệp tại Viện Đại Học Ngoại Ngữ Mạc Tư Khoa năm 1971 và Viện Đại Học Văn Khoa Gorky năm 1973. Ông là tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng tại Nga, sở trường của ông là sáng tác những truyện ngắn về con người và xã hội.
Những thanh củi âm ỷ cháy trong lò sưởi. Chúng nó thổi tắt ngọn đèn rồi ngồi quanh bàn tán gẫu. Không khí thật khô, ấm cúng và dễ chịu.
Chủ căn lều là Saveli đang nằm dài trên chiếc ván gỗ đặt ngay bên chiếc lò sưởi. Có thể lão đang thiu thiu ngủ hay đang bận rộn với những suy nghĩ lung tung, nhưng dù thế nào đi nữa lão cũng nằm thật yên lặng. Ba đứa ngồi quanh bàn là thằng Egor Malitsyn, cháu ngoại lão, cùng hai đứa bạn, Stepka và Nikola. Cả ba theo học tại làng Severnoe, Egor rủ hai đứa bạn về nhà để đi câu cá, vui chơi trong rừng và sống trong lều của ông ngoại nó một đêm.
Rõ ràng là lão Saveli đã ngủ say, tiếng ngáy vang vọng suốt căn lều. Chúng khúc khích cười với nhau.
- Ngoại mày tức cười ghê. - Thằng Stepka thì thầm. Thằng Egor gật đầu nói:
- Ông là một người trầm lặng.
- Làm sao lại khiến cho ông ngoại mày trở thành như thế được? Mỗi lần ông nhìn mày, tao thấy da mày nổi gai ốc.
- Ông đổi tính từ khi chiến tranh bùng nổ, mẹ tao bảo vậy. Chuyện về ông thật lạ lùng.
Thằng Stepka tò mò hỏi:
- Có thực không?
Thằng Edgor nhún vai trả lời:
- Cũng còn tùy.
- Thì kể cho chúng tao nghe đi. - Thằng Stepka nhúi mày chờ đợi. Egor nhìn quanh, còn hai đứa kia thì nhìn về hướng chiếc lò sưởi. Thằng Egor thì thầm:
- Nếu ông tao còn thức thì sao?
Những tiếng ngáy vẫn trầm bổng vang ngập căn lều. Làm sao ông ta còn thức khi tiếng ngáy vang lên đều đều như vậy được?
- Tốt nhất là ra ngoài kia ngồi. - Thằng Egor nói và không đợi cho hai đứa bạn có đồng ý hay không, nó đứng lên lấy vài thanh củi đang cháy âm ỷ trong lò sưởi bỏ vào chiếc chậu nhôm rồi mở cửa bước ra ngoài.
Stepka và Nikola nhìn nhau, chúng không có ý định rời căn lều ấm cúng này để ra ngồi giữa đêm đen lạnh lẽo, nhưng phải làm gì hơn đây? Chính chúng đã yêu cầu thằng Egor kể câu chuyện về ông nó mà, sau cùng hai đứa cũng lần lượt bước ra khỏi căn lều.
Đêm nay trời không lạnh lắm, không có sương mù, bầu trời trong vắt đầy sao. Cả ba đứng yên lặng một lúc, mở to đôi mắt thích thú ngắm hàng triệu ngôi sao đang lấp lánh gắn trên vòm trời bát ngát. Tại sao giữa chốn rừng hoang, đồng quê thôn dã như thế này, bầu trời, trăng sao và ngay cả những tiếng động lại khác hẳn nơi thị thành? Và ngay cả tinh thần con người cũng thay đổi, yên bình, sảng khoái hơn.
- Tuyệt quá. - Thằng Stepka kêu khe khẽ như thể chỉ có một mình nó được nhìn cảnh tượng một đêm thật đẹp và thích thú như vậy. Nhưng này các bạn ơi, ở đây còn có gì đáng kinh ngạc nữa không? Này đây, có màn đêm, có hàng triệu triệu ngôi sao và phía dưới còn có ba cậu bé đang nhìn lên thiên đàng nữa, các cậu nom tựa như ba ngôi sao trong hàng triệu ngôi sao kia vậy.
Nikola thở phì phì phía sau ót thằng Stepka, môi nó mấp máy như muốn nói điều gì, còn thằng Egor thì như đã quen thuộc với cảnh ở đây nên bắt đầu nhúm lửa. Nó bỏ những cành cây khô quanh những khúc củi đang cháy dở. Ngọn lửa bắt đầu bén vào những cành con và cháy bùng lên như muốn bén cả vào những ngôi sao trên trời. Thình lình những ngôi sao như mờ hẳn lại, màn đêm như được kéo qua và bỏ lại những điều bí ẩn sâu đậm và quyến rũ lại cho bầu trời sau bức màn đen.
Cả ba ngồi xuống quanh đống lửa. Chúng chẳng nói với nhau câu nào. Một lúc sau thằng Egor đứng dậy, chạy ra luống khoai lang đào vài củ rồi vùi quanh đống lửa. Giờ đây nếu có ai từ trên cao nhìn xuống quang cảnh này thì thấy đẹp biết chừng nào. Khu rừng trải rộng không rõ đâu là biên giới, như mờ như ảo, như khói như sương, làn hơi nước màu xám tro bốc lên từ dòng sông lững lờ nhè nhẹ mềm mại giống như con rắn đang trườn mình đùa dỡn. Ngọn tháp kiểm soát lửa rừng đứng thẳng ngạo nghễ trên ngọn đồi Malakhov và căn lều của Saveli nép mình bên dòng sông Severushka, những khoảnh đất trồng rau trái ngũ cốc toả ra mùi thơm của trái chín, của nhựa cây. Và giữa cảnh vật đó, đống lửa nom tựa một ngôi sao sáng trên bầu trời kia, chung quanh ngọn lửa là ba đứa bé đang ngồi im lặng.
Nếu bây giờ tôi hay bạn được ngồi với chúng nhỉ …
- Tên ông là Saveli, nhưng người ta gọi ông là Hoàng Tử. - Thằng Egor giảng nghĩa một cách khó hiểu. – Trong làng chẳng ai gọi ông là Saveli cả, chỉ gọi là Hoàng Tử, Hoàng Tử thôi.
- Lạ nhỉ. - Thằng Stepka thì thầm. - Tại sao lại là Hoàng Tử, tao không hiểu.
- Thì vậy đó. - Thằng Egor trả lời. - Chính tao cũng không hiểu, mẹ tao phải giảng nghĩa cho tao đó.
- Thì nói cho chúng tao nghe đi. - Thằng Stepka hào hứng hẳn lên, những nốt tàn nhang trên khuôn mặt nó như vàng óng dưới ánh lửa.
- Mày biết không, trong thời chiến tranh không còn nhiều đàn ông ở lại trong làng Severnoe này mà toàn là đàn bà con gái thôi. Ông tao lại may mắn ...
- Mày nói tao chẳng hiểu gì cả. - Thằng Nikola nhướng mắt lên hỏi. Nó là đứa im lặng nhất trong bọn và luôn luôn hoài nghi.
- Này nhé, vì ông tao bị thọt chân nên không bị động viên và được ở nhà. Sống giữa đám đàn bà con gái, ông trở thành một hoàng tử. Vì vậy họ kêu ông là Hoàng Tử.
- Thằng Stepka cười nấc lên. Nó liên tưởng tới ông già Saveli mặt đầy lông lá với đôi mắt tàn nhẫn cú vọ, ông mà là hoàng tử à? Thật khôi hài.
- Thằng Egor nhìn về hướng chiếc lều, thúc vào cạnh sườn thằng Stepka:
- Cười khẽ thôi, ông mà thức dậy nghe thấy thì ...
Như thể bị cắt làm đôi bằng con dao sắc, thằng Stepka im bặt.
- Tai ông thính lắm. Ông nghe thấy những gì mày muốn nói trước khi mở miệng. Ông đã đứng sát bên cạnh mày trước khi mày kịp nhúc nhích. Đó, ông tao vậy đó.
- Đúng vậy, thật dễ sợ. - Thằng Stepka nói khẽ.
Bây giở thì thằng Nikola nhếch mép cười ngạo, nhưng có ai nhìn thấy cái cười của nó đâu.
- Thế rồi khi chiến tranh kết liễu, mọi việc đều trở nên rối mù cả lên. Có người gọi ông là Hoàng Tử, người khác lại kêu là Hoàng Đế, chỉ có trời biết. Sau hết mọi người quen với cái tên Hoàng Tử. - Thằng Egor tiếp tục nói. – Cho đến bây giờ rất ít người biết nguồn gốc cũng như ý nghĩa của cái tên này.
Mày nói người ta gọi ông là Hoàng Tử à? - Thằng Stepka không che đậy điều ngạc nhiên của nó. - Nhưng ông coi ghê gớm quá, giống như con yêu tinh. Nếu một người lạ tình cờ gặp ông trong rừng ...
- Điều đó chẳng quan trọng. Mày phải hiểu là ông đã cứu sống bà ngoại tao, bà Tosia đó.
- Cứu bà thoát khỏi bọn Đức Quốc Xã phải không?
- Ngu quá. - Thằng Egor cau mày. - Mày chẳng hiểu gì cả, quân Đức nào tới được vùng Urals này.
Thằng Stepka thường lầm lẫn khi nghe người ta nói về chiến tranh. Nó không nhớ quân Đức chiếm được nơi nào cũng như những chiến thắng và thất bại của quân đội này.
- Tụi bay có nghe ai nói tới một người tên là Alexei Sytin không? - Thằng Egor hỏi hai đứa bạn. Cả hai đứa đều ngơ ngác. Không, chúng chẳng biết gì cả. Thằng Sepka nhíu mày hỏi lại:
- Là ai vậy?
Thằng Egor lấy một cành cây dài bới trong đống tro ra những củ khoai đã vàng. Nó lấy đầu nhọn chọc vào từng củ xem đã chín hẳn chưa.
- Được rồi đó, ăn đi. - Nó cười, cả ba xúm xít quanh những củ khoai vừa chín tới.
Chúng ăn khoai không cần bóc vỏ, Lấy tay bóp cho củ khoai nát ra rồi thổi cho nguội. Không có muối, không có đường, nhưng món khoai lụi này ngọt hơn cả mật.
- Vậy thì Sytin là ai vậy? - Thằng Stepka trở lại câu chuyện đang bỏ dở. Thằng Egor không vội vã trả lời. Nó đang thích thú với miếng khoai trong miệng và bắt đầu lau sạch củ thứ nhì.- Vì tên Sytin mà ông ngoại cứu được bà tao.
- Như vậy Sytin là tên ăn cướp à? - Thằng Stepka chế nhạo.
- Không phải chỉ là một tên cướp. Lúc đó hắn từ mặt trận trở về, tới đây hắn trở thành con nhện độc hiện nguyên hình. Khi còn ở ngoài mặt trận, hắn đã là con nhện độc rồi nhưng cố tình dấu diếm mà thôi.
- Mày nói chẳng ai hiểu gì cả. - Thằng Stepka bực dọc vì lời nói của thằng Egor. - Nếu không muốn nói nữa thì thôi vậy. Tao còn khoai này, lấy ăn đi rồi đi ngủ.
- Thế còn việc coi lại lưới bắt cá tuyết thì sao? Chúng mày quên rồi à? - Thằng Nikola lớn tiếng. Sự thực thì thằng Stepka cũng quên hẳn việc bắt cá. Buổi chiều hôm nay ba đứa đã giăng lưới ở sông Severushka rồi. Đó là một lý do để chúng tới đây: bắt cá tuyết vào ban đêm.
- Sáng mai tao sẽ ra coi. - Thằng Egor nói. - Bây giờ thì để cho nó ngủ nếu nó muốn. Nó tới đây để ngủ mà. Đi đi, đi ngủ đi.
- Mày nói gì vậy? Tao đâu muốn ngủ. - Thằng Stepka phản đối. -Tao chỉ muốn mày tiếp tục câu chuyện mà mày đang nói dở dang, phải không Nikola?
Nhưng thằng Egor cũng chẳng nói gì thêm, nó tiếp tục vừa thổi vừa ăn củ khoai thứ nhì và ném thêm cành khô vào đống lửa.
Một lúc sau nó mới lên tiếng:
- Khi Sytin từ mặt trận trở về, hắn đến thẳng đây, tới ngay lều của ông tao. Tụi bay định hỏi tại sao vậy à? Bởi vì khi còn ở ngoài mặt trận, người ta đã nói với hắn: "Nàng Tosia yêu quí của anh, hôn thê của anh giờ đây đã lấy chồng, Hoàng Tử đã cưới nàng rồi, họ đang sống hạnh phúc bên nhau. Thôi hãy quên nàng đi". Sytin không còn thân thuộc trong làng này nữa. Bố ông ta là một phú nông và đã bị đi đày trước khi chiến tranh bùng nổ, mẹ ông ta chết vào năm 1943, người anh vào quân đội rồi bị mất tích khi bị quân Đức bắt. Giờ đây thì Sytin trở về và cũng chẳng có nàng Tosia nữa.
- Ra vậy, bà mày không đợi ông ta nữa. - Thằng Stepka vội nói.
- Tại sao mày biết rõ vậy? - Thằng Nikola quay sang hỏi Egor.
- Hắn trở về nhưng chẳng còn ai là thân thuộc trong làng này nữa. - Thằng Egor tiếp tục nói như chẳng cần để ý tới thắc mắc của hai đứa bạn. - Hắn phải làm gì bây giờ? Hắn tới thẳng đây, tới ngay căn lều của ông tao. Ông tao tiếp hắn thật chu đáo. Hắn nốc cả chai rượu mạnh. Bà Tosia mang ra đủ thức ăn ngon, nào là súp nấm rơm, cá tráp chiên, món bò hầm củ cải đường, mứt trái việt quất...
- Tại sao mày biết rõ ràng vậy? - Thằng Stepka la lớn. - Mày bịa chuyện ra phải không?
- Im đi, mẹ tao kể cho tao nghe, chính là bà Tosia kể lại cho mẹ tao mà. Mẹ tao không nói dối đâu.
- Bà mày còn sống mà, thế bà đã nói gì với mày?
- Ồ, bà là một người thật trầm lặng. Tao hỏi bà điều gì, bà chỉ nhìn tao chằm chập mà chẳng nói gì như thể bà không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Một lúc sau, mày biết không, bà nói: "Tại sao mày lại quấy rầy bà vậy, đi chỗ khác chơi đi..."
- Bà mày khó tính quá nhỉ. - Thằng Stepka kết luận.
- Tao không biết là bà khó tính hay không, nhưng chỉ biết là bà không thích nói chuyện với ai hết. Lúc nào bà cũng như không hài lòng với việc gì đó. - Thằng Egor nhìn về phía chân trời xa, vượt qua con sông, qua cả cánh rừng rộng mênh mông. - Bình minh sẽ ló dạng, lát nữa mình sẽ đi coi lưới. Đêm nay trời không lạnh lắm, nếu không bắt được nhiều cá thì thật uổng. Thằng Stepka năn nỉ:
- Đủ rồi, Egor, kể tiếp chuyện ông và bà mày đi.
Thằng Nikola lên tiếng:
- Mày có tính hấp tấp quá sẽ bị nhiều người lợi dụng đó, Stepka ạ.
Thằng Stepka không trả lời chỉ liếc nhìn bạn. Egor kể tiếp:
- Tối hôm đó họ ngồi uống rượu, Sytin thì nổi giận vì từ mặt trận trở về mà chẳng còn ai là người thân, hôn thê thì đi lấy chồng, vì vậy hắn ta có ý nghĩ trả thù.
- Hắn định giết ông và bà mày à? - Thằng Stepka thì thầm.
- Không phải là giết người mà còn tệ hơn thế nữa.
- Nghĩa là làm sao?
- Sytin nghĩ ra một mưu kế. Hắn giả vờ say rượu, gục đầu xuống bàn. Ông tao lấy một chiếc gối rồi đặt hắn ngủ ở chiếc ghế dài, rồi nói với bà: "Anh phải đi coi mấy cái bẫy, Tosia ạ, tối nay chắc bắt được vài con thỏ đem về cho em nấu ..." Bà tao nói: "Mình đi đi, em có thể ở nhà một mình chờ anh về". Khi ông đi vừa tới bìa rừng thì nghe tiếng kêu thất thanh của bà tao. Ông quay ngược trở về, tông cửa vào nhà thì thấy Sytin tay cầm súng dí vào người bà.
- Đúng là loài nhện độc ác. - Thằng Stepka run rẩy thì thầm.
- Nhưng ông tao là một người can đảm phi thường, mày biết rồi đó. Suốt đời ông chẳng sợ một ai cả. Lúc đó đôi mắt ông rực sáng như hai hòn than hồng nhìn Sytin, còn Sytin thì quay ngược nòng súng về phía ông rồi nói: "Đến gần tao sẽ bắn nát đầu". Ông tao mỉm cười, bình tĩnh tiến gần lại, đôi mắt mở lớn như thôi miên hắn. Thình lình bà tao thét lên và Sytin bóp cò nhưng viên đạn lại bay chếch sang bên trái và gắn vào chiếc xà nhà. Bấy giờ ông tao nổi điên lên, ông chộp được chiếc bình rượu trên bàn, ném thẳng vào đầu Sytin. Tui bay đã coi bức họa "Tên Ivan điên khùng giết người con trai" chưa? Như vậy đó, Sytin gục đầu xuống giống như hình trong bức họa đó, máu chẩy xối xả từ đầu xuống chân. Ông tao đã giết hắn chỉ bằng một cái ném độc nhất. - Thằng Egor kết luận với một giọng hãnh diện.
- Giết … hắn à? - Thằng Stepka lắp bắp hỏi lại.
- Ừ, giết hắn. - Thằng Egor xác nhận, giọng nói của nó chắc nịch, cứng cỏi và có vẻ hân hoan.
Hai thằng Stepka và Nikola dáo dác rồi cùng nhìn về phía căn lều, trong đó Hoàng Tử đang nằm trên chiếc ván gỗ đặt ngay bên cạnh chiếc lò sưởi. Căn lều kia, chỉ cách chỗ chúng ngồi vài bước và cánh cửa sổ sát cạnh bàn ăn mở rộng, cả chiếc lò sưởi nữa, bên cạnh đó Hoàng Tử đang ngáy. Dù cho trởi không lạnh lắm mà hai đứa trẻ cũng run lên bần bật.
Thằng Stepka lắp bắp nói:
- Có lẽ mình … nên đi coi lưới cá … chúng mày thấy sao? -
- Còn sớm chán, sương chưa xuống mà. - Thằng Egor trả lời trong khi lấy hai bàn tay để lên trên mắt. - Tụi bay làm như tao nhìn thấy xa.
Ngọn lửa lụi dần, thằng Nikola đứng dậy mà thân hình lảo đảo như say rượu nhưng cố kiềm chế. Nó nhặt vài cành cây khô bỏ vào đống lửa. Ngọn lửa bắt đầu bùng lên trở lại, tiếng nổ dòn lách tách làm cho ba đứa trẻ thấy dễ chịu hơn, vui hơn.
- Nhưng vấn đề chính là không việc gì xẩy đến cho ông tao cả. - Thằng Egor nói thêm mặc dù chẳng đứa nào hỏi nó cả. Thằng Nikola nghi ngờ hỏi lại:
- Ông giết chết người mà không sao à, sao lạ vậy?
- Tại sao phải có hình phạt? - Thằng Egor nhìn thằng Nikola như thách thức. - Họ tới điều tra, rồi việc gì xẩy ra? Họ hỏi bà tao: "Có phải Sytin định hiếp bà không? - Phải - Có phải Sytin bắn Hoàng Tử không? - Đúng vậy " - Như vậy là vụ án kết thúc, cuộc đời của lão Sytin cũng chấm dứt và người ta chôn hắn như chôn một con chó. Tụi bay có thấy tại nghĩa địa trong làng, người ta chôn người chết theo thứ tự, theo hàng theo lối, nhưng mồ của Sytin thì trơ trọi nằm sát cạnh hàng rào, không có mộ bia, không có huy chương quân đội, chỉ đơn giản một cây thánh giá bằng gỗ mục nát.
Thằng Nikola nói khẽ:
- Ừ, ông mày đã cứu bà mày thoát nạn, nhưng lại đưa một người khác xuống mồ.
- Mày nói gì vậy. - Thằng Egor lớn tiếng. - Nếu có ai kề con dao vào cuống họng thì mày phải làm sao?
Thằng Nikol không trả lời, còn thằng Stepka thì sợ muốn chết, nó không muốn nói về chuyện này nữa. Gió lạnh đã bắt đầu thổi, hàng cây dương liễu hai bên bờ sông Severushka bắt đầu phát ra những tiếng kêu xào xạc và sương cũng bắt đầu rơi. Trên bầu trời trắng đục kia, một ngôi sao đang hài lòng nhìn xuống ba đứa trẻ cũng như lắng nghe câu chuyện thật lạ lùng đó. Ngôi sao lấp lánh một lát rồi biến mất dần.
Bằng một giọng nghiêm nghị như ra lệnh, thằng Egor nói:
- Tới giờ rồi. Bây giờ thì đi bắt cá. Tất cả đều thuộc về mình hết. Trước hết phải tắt lửa đi đã.
Bên dòng sông Severushka hiền hòa, ngay khi kéo chiếc lưới đầu tiên lên, ba con cá tuyết thật to vùng vẫy tuyệt vọng. Những nỗi lo sợ cùng những xúc động đêm qua đã biến mất. Cả ba đứa cười nói đùa dỡn vui vẻ. Rồi vừng thái dương cũng hiện lên dần ở chân trời, cường độ ánh sáng ngày một mạnh bao chùm lấy vạn vật và đem đến cho mọi sinh vật một nguồn sinh lực mới.
Saveli thức giấc giữa cái im lặng tuyệt đối trong căn lều. Khi ông chập chờn ngủ, ba đứa trẻ ngồi quanh bàn thầm thì, rồi chúng im lặng đi ra ngoài trả lại cái tĩnh mịch cho đêm đen và rồi ông lại thức giấc. Nằm trên tấm ván kê ngay bên chiếc lò sưởi thật thoải mái, tuy rằng tấm ván cứng nhưng ông vẫn không ngủ tròn giấc, cái im lặng thật ngột ngạt. Qua khung cửa sổ, ông có thể nhìn thật xa tới tận dòng sông với chiếc bờ thoai thoải và ông cũng nghe thật rõ tiếng ba đứa trẻ đang nói chuyện bên đống lửa lập lòe ngoài kia. Ông cố gắng nghe từng câu nói của chúng.
Ông nằm nghe thật lâu và có vẻ thích thú với câu chuyện. Có lúc ông nhăn mặt, cau mày và có lúc thở dài. Có lúc ông định tung người dậy, chạy ra ngoài nói cho chúng nghe những điều ông muốn nói, nhưng lại cố kiềm chế và nén cơn nóng giận xuống. Khi trời đã sáng rõ, Egor và hai đứa bạn trở lại căn lều với những chiếc giỏ đầy cá tuyết, ông không còn dằn đuợc cơn nóng giận, kéo tai thằng Egor quát lớn:
- Không được nói chuyện về tao, nghe chưa. Cả hai đứa kia nữa, chúng mày cút ra khỏi đây và đừng bao giờ trở lại đây nữa, nghe rõ chưa?
Ba đứa trẻ nhìn nhau sợ hãi, chúng nhặt chiếc giỏ cá lên rồi chạy biến ra khỏi lều mặc dù đang đói và mệt lả. Vừa chạy chúng vừa nguyền rủa:
- Rõ thật là lão già quỷ sứ, để lão chết trong lều một mình.
Suốt cả ngày hôm đó, Hoàng Tử chẳng làm nên chuyện gì. Lúc chuẩn bị làm việc gì đó thì hình bóng của Sytin lại hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt. Thằng Egor kể lại rất đúng, ông đã đập ngay vào đầu Sytin bằng bình rượu và máu đổ ra xối xả, sau đó Tosia ngất xỉu. Đúng, sự việc xẩy ra đúng như vậy. Nghĩ tới Sytin, cho tới bây giờ lòng thù hận trong lòng ông không những không suy giảm mà có lẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa. Sytin đã bị mất tích ngoài mặt trận, không còn ai nghe về hắn suốt bao nhiêu năm. Rồi thình lình hắn lại lù lù trở về như một bóng ma và hắn phải trả giá cho hành động này, một cây thánh giá làm bằng gỗ đã mục nát cắm ngoài nghĩa địa. Đúng là đồ ngu xuẩn. Vâng thưa quí bạn, đúng là đồ ngu xuẩn. Trở về để nhận lấy hậu quả.
Hoàng Tử đã ngà say. Nhìn qua cửa sổ tới những ngọn đồi phía xa cùng những thung lũng trải rộng tận cuối chân trời, ông lắc đầu chép miệng rồi lẩm bẩm những gì chẳng ai nghe rõ. Thật vậy khi chiến tranh bùng nổ, trong làng Severnoe này chỉ còn lại một hay hai người đàn ông cho nên ngày đó người ta gọi ông là Hoàng Tử. Không những ông chỉ là một người đàn ông mà còn là một thợ rừng, một nông phu. Ông có một con ngựa, sau nhà chất đầy ắp củi. Trong làng ai cần cày bừa, thu hoạch mùa màng hay kiếm củi để dự trữ cho mùa đông sắp đến thì thử hỏi họ phải kêu ai đây? Khởi đầu là những người đàn bà tỏ vẻ nghiêm trang, đứng đắn hay độc ác, nhưng rồi mắt họ dần dần đổi sang màu khác. Ánh sáng cũng tàn lụi dần, thay vào đó là một màu đen ảm đạm, đói khát của đàn con ngày càng làm cho họ lo lắng. Rồi họ tới nhà ông và các bạn hiểu sau đó ra sao rồi. Từ đó những người đàn bà chẳng còn quan tâm gì tới nữa, miễn sao con cái họ được no bụng cũng như chính họ được an toàn để ngày đêm cầu nguyện, mong mỏi người chồng ngoài mặt trận đừng bị gục ngã vì một viên đạn ma quỷ nào đó, mau chóng trở về với vợ con. Rồi thế lực của Hoàng Tử trở nên ngày một lớn, người nào cũng mong được ông để ý tới, nhờ ông giúp đỡ cho việc này việc nọ, Tosia cũng không đi ra ngoài quy luật này.
Mới đầu, khi mọi người đổ xô đến với Hoàng Tử thì nàng vẫn hững hờ và mong ngóng đợi Sytin. Mẹ chàng mất thì chính nàng đào đất chôn bà, rồi đến lượt mẹ nàng qua đời trong căn nhà hiu quạnh và rồi cha nàng cũng chết ngoài mặt trận Stalingrad. Vào mùa thu năm 1943 một tờ giấy báo tin từ biên giới gửi về cho hay Sytin mất tích, nàng không tin đó là sự thật và vẫn đợi chờ chàng trở về.
Nhưng câu chuyện tới đây chưa chấm dứt và câu chuyện về nàng Tosia chỉ mới bắt đầu. Đó là vào mùa đông năm 1945, một mùa đông lạnh nhất trong các mùa đông, những con chim sẻ bị đóng băng trên các cành cây khô trụi lá. Lúc đó thằng em trai độc nhất của nàng tên Volodia ngày càng kiệt sức vì thiếu ăn, lúc nào cũng kêu đau ở ngực. Nó nằm suốt ngày trong góc nhà, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà như suy nghĩ điều gì. Tóc nó rối mù, hơi thở thoi thóp và lạnh buốt, hai cánh tay teo lại. Bà y tá nói với nàng là cần một hỗn hợp mỡ rắn, mật ong và ít rượu mạnh bằng không thì chẳng còn cách nào cứu nó khỏi chết. Mỡ rắn? Mật ong? Rượu mạnh? Đào đâu ra những thứ đắt tiền đó bây giờ? Trong nhà chỉ còn nửa thùng khoai tây thôi.
Tới lúc này, mụ đàn bà hàng xóm nói thẳng cho Tosia biết: "Hãy tới nhờ Hoàng Tử đi. Nếu anh ấy thương hại chị thì thằng Volodia sẽ được cứu sống, bằng không thì ...". Tosia hiểu rất rõ điều đó nhưng nàng vẫn cương quyết. Rồi mỗi ngày thằng bé lả dần đi. Tội nghiệp nó mới có bẩy tuổi đầu. Không thể ngồi nhìn nó chết dần chết mòn được, Tosia choàng vội chiếc khăn lên đầu, ngoài khoác chiếc áo lạnh da cừu và xỏ vội đôi giầy nỉ vào. Dù cho cuộc hành trình không dễ dàng vì bên ngoài trời đang bão, tuyết ngập qua khỏi mắt cá chân, cuối cùng nàng cũng tới nhà Hoàng Tử. Bên trong chiếc áo lạnh da cừu là chiếc áo có viền đăng ten, trông nàng như một cô dâu. Ông bảo nàng ngồi gần lò sưởi cho ấm rồi đi đóng yên cương ngựa. Xong đâu đó vơ vội những thứ cần thiết rồi lên đường. Khi về tới nhà thì thằng Volodia vẫn thoi thóp thở nhưng không đủ sức nhìn hai người. Hoàng Tử bắt đầu công việc bằng cách bỏ thêm củi vào lò sưởi cho căn phòng ấm áp rồi cởi hết quần áo thằng bé ra. Trộn ba thứ mỡ rắn, mật ong và rượu mạnh trong một chiếc tô, với hai bàn tay hộ pháp, ông ta xoa bóp khắp người nó, đặc biệt là tại ngực và sau lưng, lâu lâu nó kêu lên đau đớn. Rồi ông quấn nó trong chiếc áo da cừu và bảo nó nhắm mắt ngủ. Suốt ba ngày ba đêm, ông xoa bóp và săn sóc nó, cho đến ngày thứ tư thì gần như bình phục hoàn toàn, Hoàng Tử cũng chuẩn bị yên cương ra về, để lại cho Tosia một thùng khoai tây.
Thảm cảnh đổ lên đầu nàng vẫn chưa chấm dứt, chiều ngày hôm sau thằng Volodia chạy ra ngoài vườn một lát mà không mặc áo ấm. Tối hôm đó nó lên cơn sốt và sáng hôm sau thì tắt thở. Thật tội nghiệp cho nàng Tosia biết chừng nào. Vào buổi trưa khi Hoàng Tử trở lại thì đã quá trễ, còn nàng thì chẳng biết làm sao bây giờ, chỉ ngồi trong góc nhà gào khóc. Ông đào huyệt chôn cất thằng bé, chẳng có quan tài, chỉ có đất và tuyết thôi, rồi cắm một nhánh cây linh sam về phía đầu thằng bé. Lúc này, nàng nửa tỉnh nửa mê còn ông thì ngồi uống rượu một mình. Sang đến ly rượu thứ ba thì ông đi ra cửa và cưỡi ngựa về nhà.
Ông nhớ rõ và cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ thật rõ là con người ông như ẩn dấu điều gì thật cao quý. Khi đó ở trong làng, thần chết rình rập khắp đó đây nhưng trong tận trái tim ông có một thứ ánh sáng và một ngọn lửa cháy sáng rực. Ông cũng chẳng hiểu được chính ông, và cho tận đến ngày hôm nay ông cũng chẳng hiểu nổi nữa. Có một cái gì đó, đúng vậy, nhưng đó là cái gì? Thật là khó hiểu, bây giờ ngồi đây ông vẫn lắc đầu chẳng hiểu nổi nữa.
Vào ngày thứ chín, nàng Tosia tự tìm đến nhà Hoàng Tử. Chẳng ai hiểu được mục đích của nàng cả. Để cám ơn ông? Để cảm thông hay an ủi ông hay tự mình nhẩy vào vùng nước xoáy? Nhưng nàng đã tới và rồi nàng sống luôn với ông từ đó.
Cho đến bây giờ ông vẫn còn thắc mắc: người thiếu nữ đó là loại người nào? Có phải nàng như viên sỏi nằm tận đáy dòng sông Severushka kia để mỗi tia nắng mặt trời rọi chiếu xuống long lanh làm mình rung động, làm tim mình tràn ngập nỗi yêu thương không?
Rồi mọi việc đảo lộn khi Sytin thình lình trở về. Mọi việc như có trời xanh kia xắp xếp và ngay cả việc ông đập lên đầu hắn bằng chiếc bình rượu làm hắn chết thẳng cẳng. Có phải tất cả những bất hạnh đều do nàng Tosia xinh đẹp mang đến không? Nếu không có nàng, giờ đây có thể ông đang sống yên lành tại một nơi nào đó trên trái đất đầy nhớp nhúa này.
Đúng vậy, đời là thế và đó cũng là cuộc đời. Hoàng Tử đã say, ông đứng dậy đi ra ngoài sân. Trời đã sáng bạch, làn gió mát rượi quyện theo mùi hương đồng cỏ nội làm tinh thần ông sảng khoái, nhưng sao tim ông vẫn thấy quặn đau. Ôi, sao hôm nay nó đau hơn mọi hôm. Phải, thằng quỷ con làm ông đau đớn ... Nó là thằng Egor, là đứa cháu ngoại của ông nhưng nó lại luôn luôn sợ hãi ông, luôn nhìn lén, chỉ liếc mắt nhìn ông mà thôi. Cơn giận dữ trong lòng bốc lên ngùn ngụt. Sytin đã nằm yên trong lòng đất rồi. Ngay cho đến khi Tosia đẻ ra đứa con gái, nàng vẫn không quên một chi tiết nào trong quá khứ, nàng cũng không yêu quí đứa con gái và bây giờ nàng cũng chẳng yêu đứa cháu ngoại của chính nàng.
Hoàng Tử và nàng Tosia đã sống với nhau nhiều năm như đôi vợ chồng, nhưng cốt lõi của đời sống của họ là như thế nào đây? Chỉ là một con sâu không hơn không kém. Con sâu này gặm nhấm cuộc đời họ, nó gặm mãi, gặm mãi. Ông cố gắng tạo một bầu không khí thân mật giữa hai người, nhưng Tosia thì không, bà sống riêng cho chính bà. Nếu ông ở chỗ này thì bà ra chỗ khác, còn ông ở chỗ khác thì bà tới chỗ này.
Bây giờ ông cảm thấy cần gặp bà ngay và ông cũng mong mỏi gặp lại nàng Tosia của vài chục năm về trước, nhưng làm sao mà gặp nàng đây? Người ta chưa thể đi ngược lại quá khứ với tốc độ ánh sáng được. Ông chau mày, yên lặng đứng yên một lát rồi trở vào căn lều. Ông ngồi xuống, cầm cả chai rượu tu ừng ực. Một lát sau cảm thấy buồn ngủ, ông trèo lên tấm ván kê bên cạnh lò sưởi, cố xua đuổi mọi ý nghĩ ra khỏi đầu và thiếp dần đi...
Ba đứa trẻ chạy nhanh như gió dọc theo con đường mòn và cũng nhanh chóng quên ngay căn lều của Saveli. Chúng hít thở dễ dàng và thoải mái ở bãi đất gần mé làng Severnoe nơi làm bãi tha ma rộng lớn. Thằng Egor dơ tay lên như báo cho hai đứa kia điều gì:
- Hai đứa bay im lặng nhé.
- Gì vậy? - Thằng Stepka thì thầm.
Thằng Egor chỉ về phía hàng rào phía trước. Một bà già choàng một chiếc khăn đen ngồi bên một nấm mồ đơn độc, bàn tay khẳng khiu ôm chiếc mặt nhăn nheo.
- Bà Tosia của tao đó.
- Chạy di. - Thằng Stepka miệng nói chân lùi về phía sau, thằng Nikola chạy theo. Egor lưỡng lự, mắt nhìn bà ngoại rồi cẩn thận tiến chậm về phía bà.
- Chào bà ngoại.
Tosia hướng đôi mắt lờ đờ nhìn nó như thể không biết đứa bé đứng trước mặt mình là ai. Rồi như nhận ra đó là thằng cháu mình, nét mặt bà nghiêm nghị hẳn lại:
- A, mày đấy à, mà tới đây làm gì vậy?
- Chúng cháu vừa tới thăm ông ngoại. Hai đứa bạn của cháu kia kìa. - Nó chỉ về phía hai thằng đang lớ ngớ đứng ở phía xa.
Bà chẳng thèm quay đầu lại. Chậm rãi, bà nói:
- A, chúng mày đã ... được rồi, bây giờ đi đi.
- Bà làm gì ở đây một mình vậy, về nhà đi.
Bà nhìn nó thật lâu không chớp mắt như thể nó là một người xa lạ từ một hành tinh nào lạc xuống trái đất này, rồi thình lình bà nổi giận:
- Tại sao mày cứ làm phiền tao mãi vậy? Cút khỏi đây mau.
- Được rồi mà bà, cháu đi đây. - Nó nhún vai và quay đầu chạy về phía hai thằng bạn. Nàng nhìn theo bóng thằng cháu xa dần rồi lắc đầu lẩm bẩm:
- Nó đó, thằng cháu ngoại của em đó. Thằng cháu của em nhưng không phải là cháu của anh đâu. - Đã bao nhiêu năm rồi bà tới đây nói chuyện với Sytin như thể nói với người tình còn sống. Biết bao nhiêu xót thương bà đã giãi bày cùng chàng? Nhưng chàng vẫn im lặng, vĩnh viễn im lặng.
- Nếu em biết là anh không mất tích, anh không bị giết ngoài mặt trận thì liệu em có sống với Saveli không? Anh không hiểu gì cả, anh ơi. Sự việc là ông ta đã cứu thằng em của em, ông ta đã hằn học nói như thể đóng cây đinh lên đầu em: "Em giận anh à? Coi chừng đó Tosia ạ. Nếu anh không lấy em được thì thằng Volodia cũng chẳng sống được đâu". Suốt ba ngày chữa cho thằng Volodia, ông ta luôn miệng nói với em câu đó. Cơn giận dữ làm đôi mắt ông ta hừng hực cháy đỏ. Ngay trước đó khi gặp em trong làng ông ta cũng nói những câu tương tự như: "Coi chừng đó Tosia, nếu anh không lấy em được thì thằng Sytin chỉ có nước đi xuống đáy mồ thôi".
Khi giấy báo tin từ ngoài mặt trận gửi về báo là Sytin mất tích rồi những lời đồn đãi là chàng đã bị giết, Tosia vẫn còn nuôi hy vọng và kiên tâm chờ đợi. Rồi Saveli cứu sống thằng Volodia, nhưng ngày hôm sau nàng lại không coi sóc kỹ để nó trở bệnh lại rồi chết. Tới đây nàng không còn chút sức lực nào đào nấm mồ chôn nó nữa. Lại phải nhờ tới Saveli và khi rời khỏi nhà nàng, ông ta còn lẩm bẩm: "Nếu không lấy được em, em cũng tự hiểu là sinh mạng của em sẽ kết thúc như thế nào rồi".
Lời nguyền của Saveli làm nàng lo sợ, máu nàng như đông đặc lại trong cơ thể. Tại sao chiến tranh lại tàn ác vậy? Nhìn nghĩa địa kia thì biết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu thanh niên trai trẻ đã gục ngã ngoài tiền tuyến. Tosia thì bơ vơ giữa cuộc đời: Sytin đã ra đi, cha mẹ chàng, cha mẹ nàng và cả thằng Volodia cũng lần lượt bỏ nàng ra đi. Rồi mùa đông nghiệt ngã trở về, trong nhà chẳng còn gì để ăn. Nàng sống như trong cõi mộng du, ngày này qua ngày khác như trong cơn ác mộng ...
Tới ngày nọ, nàng tới gõ cửa căn lều của Hoàng Tử và nàng ở luôn tại đây.
Tưởng là ngày tháng trôi qua như sự êm đềm phẳng lặng của con sông Severushka, mùa thu năm đó khi chiến tranh chấm dứt, Alexei Sytin từ cõi chết đột ngột trở về làm Saveli lo sợ, ông nghĩ là sẽ mất nàng! Nàng đến với ông dễ dàng và cũng ra đi như vậy chăng? Đầu óc ông rối mù và một ý tưởng đen tối chợt lóe lên.
Trong khi họ ngồi nói chuyện với nhau quanh chiếc bàn, mắt của Sytin không rời khỏi Tosia. Sytin không thể ngờ bây giờ Tosia đã là vợ của Saveli, nàng đã thuộc về người khác rồi, còn nàng thì không dám nhìn thẳng vào mắt chàng. Toàn thân nàng nóng rực vì xấu hổ. Saveli ngồi đó quan sát hai người, uống hết ly này qua ly khác, thỉnh thoảng nhếch mép cười giận dữ hay cay đắng.
Tại ngoại thành phố Kursk, Sytin bị chôn trong một hầm trú ẩn. Đó là lý do tại sao người ta báo tin anh ta bị mất tích. Sau đó bị quân Đức Quốc Xã bắt làm tù binh. Vào một đêm nọ trốn trại tù, khi trở về đơn vị anh ta phải trả lời biết bao nhiêu câu hỏi như: cái gì, tại sao, tại đâu, lý do ... Rồi ra mặt trận trở lại cho đến năm 1944 thì tử trận. Tại sao vậy? Bị giết? Vậy mà không phải vậy. Anh ta bị thương rồi bị chôn sống trong một mồ chôn tập thể, sau đó tìm cách chui ra được và trở về đơn vị. Rồi phải trải qua những cuộc lấy khẩu cung phiền toái khác và cuối cùng trở về làng ...
Saveli im lặng ngồi nghe nhưng chẳng tin chút nào. Hừ, anh hùng rơm, còn đối với Tosia thì có nhiều điều chẳng hiểu nhưng những việc đó có quan hệ gì tới nàng đâu. Điều quan trọng nhất là Sytin còn sống, hiện giờ anh ngồi ngay trước mặt nàng bằng xương bằng thịt, chỉ ngồi cách nàng trong gang tấc nhưng nàng không thể sờ, không thể ôm chàng được.
Bữa cơm tối hôm đó thật là thịnh soạn, nào là súp nấm rơm, cá tráp chiên dòn, khoai tây hấp, thịt bò hầm củ cải đường, tráng miệng có cả mứt trái việt quất nữa.
Sau bữa ăn, Saveli đứng dậy nói:
- Tôi phải ra xem mấy cái bẫy thỏ, tôi sẽ đem về ít thịt tươi, hai người cứ ngồi nói chuyện thoải mái nhé.
Hắn ra khỏi nhà đã lâu, nhưng Tosia và Sytin chỉ nhìn nhau mà không nói với nhau được câu nào. Phải làm gì bây giờ? Đã quá trễ rồi, bụng của nàng tròn lẳn dưới tấm áo choàng. Thình lình chiếc cửa bị đá mạnh và mở toang, Saveli sừng sững đứng bên ngoài, tay cầm khẩu súng trợn mắt nhìn hai người. Tiến tới gần chiếc bàn, hắn nâng nòng súng về phía Sytin và với tiếng cười gằn khinh bỉ, hắn thét lên:
- Mày nói là hai lần trốn thoát khỏi mồ chôn à. Nên nhớ Tosia bây giờ không còn là Tosia ngày xưa nữa, trước kia nàng là của mày, bây giờ là của tao rồi, hiểu chưa?
- Hiểu. - Sytin trầm giọng và đứng lên.
- Ngồi yên. – Saveli quát lớn trong khi khẩu súng trong tay rung lên. - Chỉ có một điều kiện nhỏ cho mày là muốn sống thì phải rời khỏi làng Severnoe này ngay lập tức. Nếu còn hẻo lánh tới đây thì...
- Nếu không thì sao? - Sytin không phải là loại người nhút nhát, anh ta đã từng ra sống vào chết bao lần ngoài mặt trận, mặt đen xạm lại như màu đất nhưng đôi mắt thì tóe lửa và căm hờn, còn đôi mắt của Tosia thì như mờ đi, ngồi im trên ghế không nhúc nhích.
- Nếu không thì sao? - Sytin hỏi lại và nhìn thật sâu vào mắt Saveli.
- Thì như vậy này. - Mặc dù Saveli nhanh nhẹn bóp cò nhưng chậm một giây,
Sytin phóng người nhanh hơn điện, gạt cây súng chếch sang một bên, viên đạn găm thẳng lên xà nhà. Mặt mày Tosia nhợt nhạt như tờ giấy trắng, chẳng biết phải làm gì trong lúc này.
Saveli nhìn quanh. Trong một thoáng, hắn chộp vội chiếc bình rượu trên bàn rồi đập một cái thật mạnh vào đầu Sytin, hắn ngã quỵ xuống như cây chuối đổ, mặt chan hòa máu. Tosia từ trên ghế ngã xuống bất tỉnh.
Không biết ngất đi trong bao lâu, khi mở mắt ra thì nàng thấy Saveli vẩy nước vào mặt mình. Nàng lồm cồm bò dậy, cách đó vài bước, Sytin nằm xấp mặt xuống đất, máu chẩy thành vũng, anh ta nằm yên lặng như ngủ. Nàng không kêu khóc cũng chẳng còn một chút xúc động nào. Trong người nàng không còn một chút sinh lực, không thể dơ tay dơ chân lên được. Saveli chạy lại đỡ và đặt nàng nằm trên giường. Nàng nhắm mắt lại, thì thào:
- Giết tôi đi. Giết tôi đi.
Nhưng Saveli không nghe nàng nói gì, ông chỉ thấy môi nàng mấp máy, tưởng đòi uống nước nên chạy ra ngoài lấy bình nước rồi đổ vào miệng nàng. Tosia vùng vẫy, đôi mắt trợn tròn nhìn ông. Saveli ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê ở chân giường Thật là lạ, Sytin nằm chết chỉ cách đó có vài mét mà hình như cả hai chẳng lưu ý gì tới cả.
- Vậy là mình từ biệt nhau chăng? – Saveli mở lời. Tosia như không hiểu gì, chỉ nhìn ông trừng trừng.
- Bây giờ em tính thế nào thì tùy ý em.
Tosia vẫn không mở miệng.
- Em hãy đợi sinh nở xong rồi em có thể rời nơi này cùng với con, anh xin chiều. - Đây không phải là một lời đe dọa mà chỉ là một lời nói chân thật và lỗ mãng. Tosia hiểu rõ điều đó, nàng lấy tay xoa nhẹ bụng, trái tim quặn đau, nàng nghẹt thở vì niềm thống khổ trong đời sống ...
- Nó đã chết và cũng kết thúc cho anh. – Saveli chậm rải nói. - Em có muốn cả hai chúng ta cùng chết theo không?
Nàng không hiểu ý tứ câu đó nên nhắm nghiền mắt lại.
- Tất cả đều do em định đoạt cả. - Ông tiếp tục nói, còn Tosia vẫn giữ im lặng. - Em không thể làm cho nó sống lại được, nhưng em có muốn anh chết không?
Tosia mở mắt ra, cau mày nhìn thẳng vào Saveli.
- Em hãy chọn đi, muốn anh sống hay muốn anh chết, em sẽ là bà chánh án kiêm luôn bồi thẩm đoàn.
Tosia nhắm mắt lại, nàng chẳng hiểu ông ta muốn nói gì.
- Nếu em khai là anh giết nó, anh sẽ bị tử hình, còn nếu em nói là anh vô tình giết nó để bảo vệ em thì anh sẽ vô tội.
À ra thế, a ha, ra thế. Còn Alexei Sytin nằm ngoài kia, cơ thể đang lạnh dần. Việc gì xẩy ra vậy? Tôi chẳng hiểu một chút gì cả. Trời ơi.
- Nếu em muốn, anh chấp nhận cái chết, anh sẵn sàng chờ đợi, đối với anh cái chết chẳng quan trọng gì cả. Nhưng còn em, đứa bé sắp sanh, làm sao em có thể nuôi con mà không có anh bên cạnh được? Em có đủ nghị lực một mình kiếm sống nuôi con trong cõi đời này được không?
Tôi chẳng muốn gì cả, chẳng muốn có con cái. Tôi chỉ muốn chết thôi. Tôi chẳng muốn sống, chẳng còn ham muốn gì cả.
- Em hãy nghĩ kỹ đi, em hãy quyết định lấy tương lai của em và của con em đi. Cái chết của cả ba người nằm trong quyết định của em và anh sẽ nhận lấy trước tiên hoặc là chúng ta sẽ xây dựng lại gia đình … em hay tưởng tượng con chúng mình đang chơi đùa ...
Cái bào thai trong bụng Tosia đang chòi đạp. Góc miệng nàng hơi động đậy, không phải cười mà cũng chẳng phải cay đắng nhưng nguyên do nào đó mà nàng không hiểu được.
Và mọi việc khởi đầu từ đó. Nàng không muốn nhìn thấy cảnh chết chóc nữa. Điều mong muốn của nàng có nghĩa Sytin là kẻ có tội. Câu chuyện được xắp xếp mạch lạc như sau: khi Saveli ra ngoài kiểm soát bẫy thỏ thì Sytin cưỡng bức nàng, đe dọa nàng bằng súng. Tosia sợ hãi hét lên, Saveli nghe được quay trở về để cứu nàng, Sytin nhắm vào Saveli bắn một phát nhưng phát đạn trật lên xà nhà và Saveli đã nhanh tay chộp lấy bình rượu trên bàn đập lên đầu Sytin.
Cảnh sát đến hỏi cung, nhân viên điều tra tại địa phương và tại tỉnh Sverdlovsk tới, họ tra hỏi, ghi chép, lục lọi, tìm tòi nhưng điều quan trọng nhất khi Tosia nhấn mạnh là Sytin đã cưỡng bức nàng bằng bạo lực, anh ta muốn trả thù vì trước kia nàng là hôn thê mà bây giờ lại đi lấy người khác. Sytin trở về từ mặt trận với quá khứ thật mù mờ: mất tích, bị địch quân bắt giam, bị chôn sống hai lần. Cuối cùng hắn được chôn trong một nấm mồ nằm sát ngay cạnh hàng rào nghĩa địa, không một vinh dự nào dành cho người cựu chiến binh, còn Saveli và Tosia thì bình yên vô tội.
Khi Tosia sinh đứa con gái, bé Nina là tên của nó, thì những ngày đền tội bắt đầu. Lý do không phải nàng đã cứu Saveli cũng chẳng phải là do việc sinh đứa con gái. Từ trong ký ức sâu thẳm của nàng, hình ảnh của Sytin vẫn hiện lên rõ mồn một. Đó là một điều thật khiếp sợ, một điều không thể nào xóa mờ đi được.
Tosia bị dày vò. Nhìn con bé Nina ngày càng lớn, nàng nghĩ chính ra nó không phải là con của Saveli mà là của Sytin. Rồi những buổi đi viếng mộ của Sytin cũng tăng dần. Những buổi đó nàng thường ngồi phía dưới chân của chàng, im lặng, khóc lóc hay lảm nhảm nói những lời tự thú. Thời gian cứ vô tình trôi mãi, con bé Nina lấy chồng rồi đẻ con và Tosia lại tự hỏi:
Có phải thằng bé này là cháu ngoại của mình không? Không, không phải, nó không phải là cháu mình, mình thuộc về Sytin, nó là cháu của Saveli. Không gì có thể thay đổi được, không gì có thể mang trở lại được hay làm cho thẳng ra được nữa ... không ... không.
Cuộc đời của Tosia bi thảm và tàn úa dần. Từ lâu nàng tự coi mình là một bà già. Phần lớn thời gian nàng sống ở Severnoe trong khi Saveli thì ở trong rừng và trong lều. Mọi người đều kháo nhau về chuyện ông đã cứu bà ra khỏi tay tên khốn nạn Sytin và rồi câu chuyện cũng bị quên dần theo thời gian.
Giờ đây nàng ngồi cô độc bên nấm mồ, trong đầu mọi việc cũng bắt đầu bị lẫn lộn. Chỉ có nàng ngồi đây, ngay phía dưới chân chàng, nói chuyện với chàng. Nàng đã ngồi từ lâu cũng như đã ngồi từ bao năm qua. Ngôi sao đầu tiên đang lấp lánh trên bầu trời bát ngát, thình lình mắt nàng tối sầm lại. Hình như có một cánh tay từ đâu đó với tới, với tới nữa ... rồi ôm chầm lấy nàng. Tosia lùi lại, hai tay quờ quạng trong không khí.
Rồi nàng gục xuống ngay bên mộ Sytin.
- Con Thú Tật Nguyền Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Trong Cơn Lốc Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Theo Ngọn Sóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Bóng Đêm Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Người Tên Là Lovac Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Chiếc Bóng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng Trần Hồng Văn Truyện ngắn
- Cây Thập Tự Giá Trần Hồng Văn Truyện ngắn
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |