1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đường tìm tự do - III: Trốn Trại (Nguyễn Ngọc Thạch) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      11-04-2013 | TRUYỆN

      Đường tìm tự do - III: Trốn Trại

        NGUYỄN NGỌC THẠCH

       

      Hồi ký của một người lính Việt Nam Cộng Hòa

      Đường Tìm Tự Do:  I, II, III, IV

      Share File.php Share File
          

       

      1.



        Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch

      Sau khi ở tù "cải tạo" được 5 năm, khi tôi đang ở trại Suối Máu Biên Hòa, thì có một số tù được đưa lên trại Tống Lê Chân, gần An Lộc, Bình Long. Tôi mừng thầm là nếu đưa tôi lên Tống Lê Chân tôi sẽ có rất nhiều hy vọng để trốn trại, vì tôi biết rất rõ vùng đất này. Đơn vị đầu tiên khi tôi mới ra trường là Đại đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 5 Bộ Binh đóng gần sân bay An Lộc, Bình Long. Và trong suốt thời gian phục vụ từ cấp Trung đội lên đến cấp Trung đoàn tôi vẫn ở trong vùng rừng xanh đất đỏ này.


      Giữa tháng 5 năm 1980, họ chuyển tôi từ trại Suối Máu, Biên Hòa lên trại Tống Lê Chân. Đây là một trại tù ở giữa rừng, gồm các dãy nhà tranh với mấy lớp hàng rào kẽm gai bên ngoai và một lớp hàng rào tre bao bọc bên trong che kín, không nhìn thấy được bên ngoài. Ở bốn góc và ngay cổng ra vào là các chòi canh được trí súng đại liên. Sau khi lên đến trại Tống Lê Chân, chúng tôi nghiên cứu ngay kế hoạch để trốn, vì phải trốn càng sớm càng tốt.


      Khi ở trại Suối Máu, Biên Hòa, tôi có lượm được một cục nam châm hình trụ to bằng đầu ngón tay. Theo nguyên tắc của địa bàn: khi một thanh nam châm treo trên sợi chỉ, được quay tự do thì một đầu luôn luôn chỉ về hướng Bắc, còn đầu kia là hướng Nam. Vì hai đầu giống nhau nên tôi phải dùng dầu hắc nhựa đường để làm dấu đầu hướng Bắc.


      Trong thời gian ở tù chung nhau qua các trại, tôi có quen thân và hay tâm sự với Thu, một người cùng thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh trước đây và có cùng chung một quyết tâm là sẽ cùng nhau trốn trại khi có dịp. Thu cho biết là có thêm một người bạn nữa cũng muốn nhập bọn, đó là Bình. Bình là một người rất tháo vát, lanh lợi và đã từng đổ đầu khóa học "Rừng Núi Sình Lầy" ở trường Biệt Động Quân Dục Mỹ, Nha Trang. Bình đã làm được một cái kềm để cắt kẽm gai. Kềm này làm bằng hai quai xách của cuộn kẽm gai concertina, hai quai xách này bằng thép rất cứng. Khi một đầu được đập dẹp, mủi mài nhọn và đục lổ, trông giống như lưởi dao. Nhưng khi hai lưởi dao ghép chập vào nhau và dùng một cây đinh làm trục xỏ xuyên qua hai lổ sẽ biến thành một cái kềm để cắt kẽm gai.


      Chuẩn bị cho việc trốn trại, mỗi người may một túi vải nhỏ bằng loại vải ngụy trang để đựng đồ mang theo như lon guigoz, mì gói, gạo muối v.v... Mỗi người mang theo một bộ đồ thật tốt, quần tây, áo sơ mi, bỏ trong bọc nylon thật kín cho khỏi ướt, dấu bên trong áo trước ngực, mặc đồ trận áo lính cũ bên ngoài. Ngoài ra tôi còn may thêm một cái túi vải nhỏ đế cất giữ cái địa bàn, có dây choàng qua cổ cho khỏi rớt mất. Mỗi lần đo là tôi rút một sợi chỉ từ lai áo trận và nhờ tôi có làm dấu đầu hướng Bắc bằng dầu hắc nhựa đường nên khi sờ vào là biết để đi cả ban đêm. Chúng tôi phải kiểm soát lẫn nhau cho thật kỹ, quần áo mặc, túi vải, đồ đạt mang theo tất cả đều phải được ngụy trang cho tiệp với màu cây lá trong rừng và không được gây ra tiếng động chạm nào. Ngoài ra chúng tôi còn sắp đặt những gì sẽ bỏ lại, thật ít đồ bỏ lại, cố ý ngụy tạo như là có ý định sẽ đi xa, tức là sẽ đi về hướng Bắc để qua biên giới Kampuchia.


      2.


      Buổi chiều hôm đó tôi và Thu cùng ăn chung nhau, đem tất cả nhũng gì ngon ra ăn, ngốn cho thật đầy bụng để lấy sức tối đi. Tất cả đồ còn lại đem cho hết hoặc chôn dấu. Thu đem cả túi balô quần áo cho bạn bè. Tôi có cho một người bạn cùng khóa là Lương Văn Thìn mấy gói mì, mà bạn tôi không hiểu tại sao, tuyệt nhiên tôi không đá động gì tới chuyện trốn trại.


      Suốt trong ba tuần lễ liền, Thu đã phải theo dõi thật kỹ các toán tuần tra canh gác, giờ nào đi tuần, giờ nào đổi gác v.v... Sau cùng chúng tôi đi đến quyết định giờ xuất phát là 9 giờ tối, khi máy phát điện vừa tắt sẽ bắt đầu chui ra. Ở đây mỗi tối có máy phát điện cho công an coi truyền hình, đến 9 giờ thì tắt. Sau đó họ về sửa soạn độ 15 phút là bắt đầu đi tuần. Và theo như chúng tôi dự tính: phải mất 10 phút để cắt kẽm gai và 5 phút chót phải bò thật nhanh qua con đường tuần tra là khoảng đất trống bên ngoài. Địa điểm thuận lợi nhất để chui ra là khoảng giữa hai chòi canh phía sau trại. Ban đêm họ đứng gác trên chòi canh cao nên không thể thấy rõ ở dưới đất được - theo đúng nguyên tắc canh gác ban đêm là phải ở dưới thấp. Còn ngày đi, chúng tôi chọn vào cuối tuần trăng, để khi chui ra trời còn tối, đến nửa đêm trăng lên dễ thấy đường để đi. Chúng tôi chọn đêm 22 ta, âm lịch, vì tin dị đoan sợ đêm 23 ta không tốt.


      Đúng 8 giờ rưởi tối đêm 22 tháng 4 âm lịch tức là ngày 3 tháng 6 năm 1980, chúng tôi bắt đầu theo đúng kế hoạch: ra ngồi ngoài cầu tiêu để chuẩn bị cắt dây lạt của lớp hàng rào tre trước, đợi đến đúng 9 giờ khi máy phát điện vừa tắt là chui ngay. Nhưng không ngờ khi đó chúng tôi thấy ngoài suối có ánh đèn của công an đang đi bắt cá dưới suối, nên chúng tôi phải ngưng lại ngay và trở vô ngủ như thường lệ.


      Qua đêm hôm sau bắt buộc là phải đi chớ không thể nào chần chờ được nữa, vì sợ nếu để lâu dễ bị bại lộ. Lần này cũng đúng 8 giờ rưởi là ra cầu tiêu, vì cầu tiêu là chỗ tốt nhất để tới sát hàng rào mà không ai để ý. Bình bắt đầu cắt dây lạt của lớp hàng rào tre và cố vạch ra một lỗ để sẵn sàng chui ra. Lớp hàng rào tre này được chôn sâu dưới đất và sát khít nhau bằng hai lớp tre đan chéo vào nhau dầy đặc. Vì vậy rất khó gở ra, phải đào sâu xuống đất mới vạch ra một lỗ vừa chui và phải làm thật chậm thật kỹ vì sợ ở chòi canh nó có thể thấy lúc lắc ở đầu ngọn tre. Khi máy phát điện vừa tắt, bầu trời chụp tối đen là lúc chúng tôi bắt đầu chui, thì bất ngờ có hai người đòi chui trốn theo. Thật hết sức bất ngờ và không thể nào từ chối được nên chúng tôi đành phải lo bảo bọc nhau cùng trốn. Bình chui ra trước để cắt kẽm gai rồi đến tôi, tiếp theo là hai người trốn theo và Thu là người sau cùng.


      Sau khi ra khỏi lớp hàng rào tre thì gặp lớp hàng rào kẽm gai thứ nhất. Nhưng phía dưới lớp hàng rào kẽm gai này là rãnh thoát nước với đất bùn sình hôi thối, nên chui lòn qua được mà khỏi phải cắt. Đến lớp hàng rào kẽm gai thứ hai, Bình mới bắt đầu cắt. Hàng rào kẽm gai của VC, họ có nhiều kinh nghiệm nên rào rất kỹ. Họ bắt phải đào một cái rảnh sâu xuống đất rồi mới trồng cột sắt và rào kẽm gai ngay từ phía dưới lên, rồi lấp đất lại, nên không có cách nào vén lên để lòn qua, chỉ có cách duy nhất là phải cắt mới chui ra được. Cái kềm cắt kẽm gai của Bình biến chế nên không thể cắt dễ dàng nhanh chóng. Khi đang nằm chờ trong đám cỏ tranh giữa mấy lớp hàng rào với quần áo đầy bùn sình hôi thối, tôi nhìn lên bầu trời đầy sao, bình tâm chấp nhận những gì đến sẽ đến, vì không còn cách nào hơn để lựa chọn được nữa.


      Bình cắt xong hàng rào này cũng mất 5 phút và còn một lớp sau cùng khoảng 5 phút nữa. Và cuối cùng, chúng tôi chui qua được hết và bò thật nhanh, chỉ dùng cùi chỏ và đầu gối bò thật sát mặt đất như bò hỏa lực, vượt thật nhanh qua khoảng đất trống, rồi trườn mình xuống suối. Lúc đó tôi có cảm giác tim tôi đập quá mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Tiếng thở dồn dập hổn hển mà tôi nghe rất rõ, và gợn lên sóng nước khi ngâm mình đề lội qua suối.


      Qua bên kia bờ suối, chúng tôi phải bám theo rể cây để leo lên vì lòng suối sâu thẳm. Lên khỏi suối là băng mình qua đám rừng tre, rồi băng qua con đường mòn. Con đường mòn này đi ra chuồng bò nên chứng tôi phải tránh xa nơi đây gấp vì sợ có người lui tới. Bất ngờ Thu bị lọt xuống một hố sâu có lẽ là hố rác, tụi tôi phụ nhau kéo Thu lên. Vừa lên xong là đâm đầu chạy vô phía rừng rậm.


      3.


      Không bao lâu sau, bỗng nghe tiếng súng đại liên từ các chòi canh nỗ ran trời và sau đó là những tiếng quát tháo hò hét của đám công an chạy túa ra về phía chúng tôi, càng lúc nghe càng gần. Tiếng lên đạn súng AK47 nghe rớp rớp, tiếng hò hét vang động khắp nơi, tiếng chửi rủa hăm dọa "địt mẹ ra đi không tao bắn chết mẹ hết bây giờ", nghe rất gần ở ngoài con đường mòn mà chúng tôi vừa mới chạy qua. Vì vậy chúng tôi hết đường chạy, sợ chạy sẽ gây ra tiếng động dễ bị lộ, nên năm đứa tụi tôi đành phải chui vô một bụi rậm, nằm rúc trong đó. Sau này được biết là sau khi chúng tôi chui ra khỏi hàng rào, thì lại có người chui trốn theo, nên bị phát giác, bị bắt và bị đánh chết tại hàng rào và họ liền truy đuổi theo để bắt chúng tôi.


      Chúng tôi cố nằm yên không động đậy. Một lúc sau nghe tiếng máy điện chạy trở lại và nghe tiếng lào xào ở trong trại, chắc là VC đang ra lệnh tập hợp điểm danh. Một hồi lâu sau thấy yên tịnh, không hiểu là họ vẫn còn lục soát hay ngồi núp rình đâu đó hay là đã đi chỗ khác. Nhưng trong lúc đó chúng tôi quyết định là phải bò đi vì không thể chần chờ ở đây lâu được.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Chúng tôi 5 đứa bắt đầu bò đi thật chậm, hai tay rồi lại hai chân, đưa lên đặt xuống thật nhẹ nhàng, nếu lỡ có một tiếng động nhỏ như tiếng lá cây kêu sột soạt hay một tiếng cành cây gảy là ngưng lại ngay nghe ngóng rồi mới bò tiếp. Bò được một lúc lâu chừng một tiếng đồng hồ, tôi nghĩ là chưa đi được bao nhiêu, chân tôi bị đứt ngang ở ống quyển máu ra ướt xuống tới vớ, tôi rờ thấy ướt mới biết, nhưng cũng chẳng thấy đau đớn gì. Sau đó chúng tôi bắt đầu đứng dậy để đi cho nhanh ra khỏi chỗ này, nhưng vẫn đi hết sức thật cẩn thận, bước đi thật nhẹ nhàng im lặng. Tôi lấy thẳng hướng Nam mà đi, đi ngược với hướng Bắc là hướng qua biên giới. Chúng tôi giữ đúng hướng, không đi theo đường mòn hay chờ trống, bất kể là băng qua các đám ô rô dưới suối hay bụi lùm gai góc. Và càng lúc nghe tiếng máy điện ở phía sau lưng càng nhỏ dần.


      Khi đó nghe có tiếng xe molotova, loại xe chở quân của VC, chạy đổ ra tứ phía. Chúng tôi phải đi chậm lại, sửa soạn đồ đạt cho thật gọn gàng, tuyệt đối không được gây tiếng động và phải quan sát cho thật kỹ. Mỗi người nhìn một hướng, khi đến chỗ trống hay gặp đường mòn là dừng lại, lủi ngay vô bụi rậm gần nhất rồi từ từ quan sát sau. Có nhiều lúc gặp họ đang đi bằng xe đạp, chạy ngang qua rất gần mà họ không thấy. Mỗi khi muốn băng qua đường mòn hay trảng trống, chúng tôi dừng lại nghe ngóng quan sát rất kỹ rồi mới chạy nhanh qua từng người một. Bỗng đâu có một tốp người Thượng, vợ chồng con cái vừa đi vừa nói chuyện lào xào, nên chúng tôi lủi tránh kịp thời.


      Lúc trời sáng hẳn, chúng tôi đổi hướng đi về phía Đông, hướng ra quốc lộ 13. Đi trong rừng hoang vắng nhưng thỉnh thoảng nghe có tiếng đốn cây chặt củi, chúng tôi phải tránh xa ra. Đi tới chiều thì gặp con đường lộ đá đỏ, đó là đường vô Minh Thạnh. Chúng tôi chuẩn bị kỹ rồi băng qua đường cho thật nhanh và lủi vô sâu trong rừng một khoảng xa rồi dừng. Chúng tôi lựa chỗ kín đáo để nghỉ, bởi vì từ đêm tới giờ gần một ngày tròn đã đem hết sức lực để cố vượt thoát xa vùng nguy hiểm, nên thấy thắm mệt, nhất là vấn đề nước uống rất khan hiếm. Tôi mang theo lon guigoz đựng nước uống nhưng đã bị đỗ hết vì nắp đậy không kín chắc, giờ thấy khát rát cổ họng. May sao Bình tìm được một giếng nước bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhìn xuống giếng tối om không thấy nước, nhưng khi thòng lon guigoz xuống, múc lên được những lon nước thật trong veo, uống thật ngon thật đả, nhờ đó chúng tôi ăn mì gói với nước lạnh. Xong lấy thêm đầy nước rồi đi ngay, tiếp tục lấy hướng Đông để ra Quốc lộ 13.


      Trời bắt đâu tối, nhưng khi tiếp tục đi thì nghe có nhiều tiếng súng trong rừng, chắc có lẻ là họ đi săn, mà cũng có thể là bọn công an, vì vậy chúng tôi phải dừng lại để tìm cách lẫn tránh. Chúng tôi ra giữa đám trảng tranh lớn cao quá đầu, vạch đường ra ở giữa đám tranh, trải một tấm nylon để nằm nghỉ lưng và canh chừng mọi động tịnh chung quanh. Nếu có người đi tới chúng tôi sẽ thấy dễ dàng để tìm đường lẫn tránh, ngược lại họ sẽ không thấy chúng tôi được vì tranh cao quá khỏi đầu. Khi đó hỏi chuyện nhau mới biết tên hai người đi chui theo là Tường, phi công phản lực A37 và một người nữa tên Thạch, hình như là người Việt gốc Hoa, tôi không biết đơn vị, cả hai anh đều mang dép nên rất khó đi.


      Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường sau khi xóa mọi dấu vết. Khi đi thỉnh thoảng gặp các bẫy của người Thượng rất là nguy hiểm, như bẫy cò ke, nếu vướn chân vào thì cần bật sẽ bung lên rất mạnh, có thề làm bị thương, hay bẫy bắn tên, khi đụng vào cần bật thì bao nhiêu mủi tên tẩm thuốc độc sẽ bắn xuống. Vì vậy khi thấy khả nghi là phải dừng lại xem xét cho thật kỹ rồi tránh xa ra. Chúng tôi rất khát nước vì đi cả ngày mồ hôi ra nhiều mà không có miếng nước uống. Gặp một cây nói là trái gấm, Bình leo lên hái xuống ăn thử, vừa ngứa miệng, vừa khát nước thêm. Có lần gặp được nước đọng trong các lằn bánh xe bò và trên những lá cây khô còn đọng nước của những trận mưa trước, chúng tôi góp nhặt lại hớp những giọt nước đó cho đỡ khát.


      Đến chiều, trong lúc đang đi bất chợt gặp một em bé trai độ 11, 12 tuổi đang lang thang trong rừng. Chúng tôi giả dạng như là cán bộ đi khảo sát địa chất và hỏi em bé ở đâu có suối, thì em chỉ về hướng trước mặt, đi thêm vài chục thước là thấy suối, một con suối rất lớn. Nhìn ở phía xa kia là một khu rừng đã được phát quang và có các cây to bị đốt cháy nám đen, một đám người đang cuốc đất làm rẩy, chắc là dân vùng kinh tế mới. Chúng tôi lội xuống suối uống một bụng nước thật no nê. Sau đó chúng tôi tìm chỗ bụi lùm kín đáo để nấu cơm, nấu bằng lon guigoz, hai đứa thay phiên nhau quạt để khói đừng bốc lên cao. Chúng tôi ăn bửa cơm này thật ngon, cơm nóng với bột ngọt trong gói mì.


      Sau khi ăn xong, trời đã xế chiều, chúng tôi thấy đoàn người làm rẩy đi về nhà theo hướng Đông, như vậy là ra Quốc lộ 13, nên chúng tôi đợi cho họ đi hết rồi mới men theo con đường mòn đó để đi cho nhanh. Đi độ chừng một tiếng đồng hồ thì ra tới ấp, tôi đoán chừng là vùng Tân Khai hay Tàu Ô, nằm cạnh Quốc lộ 13. Thấp thoáng nhìn từ xa thấy có lớp hàng rào tre bao bọc, và hình như có cổng ra vào, giống như một trại tập trưng, nên chúng tôi không dám đến gần và cũng không muốn vô đó làm gì.


      Sau khi trời sụp tối, chúng tôi tiếp tục đi. Chúng tôi dự định đi trong bìa rừng theo đường rầy xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh nằm song song với Quốc lộ 13, dự định sẽ đi qua khỏi quận Chơn Thành, rồi mới ra đường đón xe. Riêng hai người trốn theo là Tường và Thạch thì không dám đi nữa, họ có cho địa chỉ nếu ai về được đến Sài Gòn thì nhắn dùm gia đình họ lên đón. Chúng tôi ba đứa đi lần mò trong đêm và vì trời tối quá nên không đi được bao xa, đành phải dừng lại nghĩ qua đêm.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      4.


      Sáng sớm hôm sau lên đường đi tiếp, đi cho đến trưa thì dừng lại nghĩ bên cạnh một cái ao nhỏ xung quanh có cây cối um tùm, dễ ẩn náo để nấu cơm ăn. Xong lại đi tiếp, đến chiều chạng vạng thì đến một cái ấp khác, một xóm nhà lô nhô gần quốc lộ. Chúng tôi ở bìa rừng trốn trong hầm hố cũ được che phủ bởi những lùm tre rất kín đáo. Buổi chiều, dân trong làng đi lao động về, họ đi ngang qua khá gần chỗ chúng tôi đang trốn, tiếng chó sủa dữ dội nhưng họ không để ý mà chỉ lo đi cho mau về nhà.


      Chiều hôm đó nằm nghe tiếng chó sửa, tiếng trẻ con đùa giỡn trên đường, nhìn khói lam chiều từ một mái nhà tranh quyện bay lên không trung mà lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Chạnh lòng nhớ đến vợ con, thầm nghĩ đến một mái ấm gia đinh bên vợ hiền con thơ mà tôi ước mơ được như họ. Được sống đầm ấm trong một căn nhà tranh vách đất ở một miền thôn quê rừng núi nào đó. Nhưng nghĩ lại thân phận tôi là một người tù trốn trại, tương lai rất mờ mịt, không biết ngày mai sẽ ra sao. Một ước muốn tâm thường, được làm một người dân bình thường để sống mà lo cho gia đinh, nuôi vợ nuôi con cũng không được. Tôi buồn cho thân phận bơ vơ lạc lõng của tôi trong cái xã hội mới này. Hoàn cảnh của tôi thật đúng với câu "nước mất nhà tan, gia đinh ly tán".


      Đêm đó chúng tôi khát nước vô cùng, cồn cào lên cổ họng. Bình với ý định lẻn vô nhà dân để xin nước uống, nhưng tôi với Thu cản lại vì bao công trình, giờ rủi ro vô gặp phải nhà của công an thì nguy khốn, đành chịu nhịn khát qua đêm. Nhưng không ngờ đến khoảng nửa đêm, trời đỗ xuống một trận mưa thật lớn. Chúng tôi mừng quá lấy tấm nylon ra căng để hứng nước uống. Uống no bụng xong, đỗ đầy vô lon guigoz mà trời vẫn tiếp tục mưa càng lúc càng lớn. Chúng tôi bị lạnh quá phải ôm lấy nhau, trên đầu phủ tấm nylon và mỗi đứa phải lo ôm thật chặc bộ quần áo tốt ở trong bọc nylon, ôm kỹ ở trước ngực để giữ cho khô. Trận mưa này thật lớn thật lâu, sau cùng rồi cũng dứt hẳn. Vì không thể đi tiếp trong rừng cho đến quận Chơn Thành, vì đường còn xa và đường rầy xe lửa không còn nguyên như trước nữa, mà chỉ còn là những đám rừng tre che phủ um tùm rất khó đi, chỉ có thể chui lòn dưới đám tre gai, cho nên chúng tôi quyết định sẽ chia tay nhau ở đây, phân tán ra mỗi người tự tìm cách để đi về Sài Gòn rồi sẽ gặp lại nhau sau.


      Trời hừng sáng, chúng tôi thay bộ đồ thật tốt, thật tươm tất, đồ đạt còn lại đem chôn dấu trong bụi, xong chờ cho đến khi nghe có tiếng xe chạy là lần lượt ra đuờng, lựa khoảng trống giữa hai nhà mà ra đón xe. Bình lên đường trước tiên, một lúc sau thì đến Thu và tôi là người ra đường sau cùng. Khi bước ra quốc lộ 13 tôi lấy bình tỉnh đi men theo bên đường chờ đón xe. Tôi không thấy Bình đâu hết mà chỉ thấy Thu đang đi phía trước tôi một khoảng xa. Có chiếc xe Lam (xe ba bánh chở hành khách hiệu Lambretta) chạy trờ tới, tôi liền đón để đi, vì xe đã đầy người nên tôi phải đeo theo xe đứng ở phía sau. Thu cũng lên được chiếc xe đi trước tôi. Xe chạy qua cầu Tàu Ô và như vậy là đêm qua chúng tôi đã ngủ ở giữa khoảng Tàu Ô - Tân Khai. Trước kia, đây là đoạn đường nguy hiểm nhút của quốc lộ máu mang số 13 và cũng chính nơi đây đã xảy ra những trận chiến vô cùng ác liệt, mà dâu vết các hầm hố còn lại rất nhiều, dọc theo bìa rừng trông ra quốc lộ.


      Khi xe vô quận ly Chơn Thành, tôi xuống xe ở đầu ấp Chơn Thành 2 để đi bộ vô, vì sợ vô tới bến xe sẽ gặp công an. Đi bộ dọc theo con đường vào quận lỵ, tôi nhớ lại các nơi mà ngày xưa quen biết như Trại cưa Lê Quang, Trại cưa Mai Chấn Hung, Lò than ông Năm Thãnh, sau này ông Năm Thãnh cũng lập thêm trại cưa. Đi gần đến chợ là đến bến xe và tại ngả tư đường đi Đồng Xoài có một đồn cảnh sát hồi xua, bây giờ là đồn công an Việt Cộng. Tôi dự định đi bộ ra khỏi quận lỵ rồi mới đón xe để đi Bình Dương. Tôi đi ngang qua dãy phố chợ mà ngày xưa có các tiệm ăn như Nghĩa Thành, Bạch Tuyết, nổi tiếng với món canh chua cá lốc, cá kho tộ. Đi ngang qua ngôi chùa, qua cây cầu là gần đến đầu quận ly. Tôi nhìn thấy Thu đang đi phía trước bỗng dưng đổi hướng qua trái tấp vô một quán nước. Tôi nhìn kỹ về phía trước bên phải thì thấy có một trạm kiểm soát nên tôi cũng đổi hướng qua trái tấp vô một quán nước. Tôi nhớ mài mại hình như đây là quán của bà Năm Chích, có cô con gái ra tiếp. Tôi kêu một ly cà phê, ngồi uống để quan sát coi trạm kiểm soát đó hoạt động như thế nào. Tôi thấy rõ có hai công an coi tù ở trong trại ra đây chặn xét xe để nhìn mặt bắt chúng tôi, hai tên này đứng bên cạnh trạm kiểm soát tài nguyên. Mỗi khi xe đến đó, tài xế vô trình giấy tờ cho trạm kiểm soát tài nguyên ở bên trong, thì hai tên công an đứng bên ngoài đi ra lục soát xe.


      Tôi đoán chắc là nó sẽ bố trí chặn xét ở đây để bắt tù trốn trại, vì đây là quận lỵ gần nhất, mà muốn ra khỏi quận thì phải đi ngang qua trạm kiểm soát này. Nếu đi bằng xe đạp, xe thồ, mặc đồ như người đi làm cây làm củi trong rừng thì mới lọt qua được. Còn nếu bây giờ băng vô trong rừng để đi bọc qua thì cũng sợ gặp phải người lạ mặt họ dể nghi ngờ, vì mình mặc đồ sạch sẽ tươm tất quá. Tôi còn đang phân vân không biết phải làm cách nào để qua khỏi trạm kiềm soát này, thì thấy Thu đi ngược trở lại, ngang qua chỗ tôi. Thu trở lại bến xe để đón xe đi, còn Bình thì không còn thấy tâm dạng đâu hết, chắc là đã đi thoát rồi.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Tôi ngồi chờ một hồi thì có chiếc xe lô chạy trờ tới, tôi nhìn thấy Thu ngồi ở băng sau cùng. Xe tới trạm kiểm soát phải ngừng lại, trong khi người tài xế vô trình giấy tờ thì một tên công an đi ra nhìn vào xe, một lúc sau tài xế trở ra và nó cho xe chạy đi. Tôi mừng cho Thu đã thoát nạn, giờ đây chỉ còn lại một mình tôi, tôi không còn biết cách nào khác hơn là trở lại bến xe để đón xe đi. Đây là chỗ nguy hiểm nhất mà tôi cố tránh nhưng không được nên đành phải liều mạng.


      Khi vô bến xe thấy có một chiếc xe lô, loại xe nhỏ để chở khách, xe trống trơn chưa có ai, tôi lên ngồi băng sau cùng. Ngồi một lúc lâu nóng ruột quá nên mới hỏi bác tài là xe chừng nào chạy, ông ta nói chờ khách lên đầy mới đi, mà thường là khách ở trong Minh Thành ra nhiều. Tôi hơi lo vì khách ở trong Minh Thành ra có thể là công an trong trại đi phép. Ngồi một hồi lâu, chợt có một tốp người đi buôn than họ lên gần đầy. Bỗng tôi thấy có hai đứa nhỏ độ hơn mười tuổi tay cầm một con gà, tay xách một giỏ đồ, tôi liền nhanh miệng kêu hai em bé đó vô ngồi gần bên tôi và tôi phụ xách giùm đồ, làm như vậy thấy đỡ trống trải vì có hai em nhỏ che dấu phần nào.


      Khi xe chạy tới trạm kiểm soát thì dừng lại, bác tài vào trình giấy tờ trong trại kiểm soát tài nguyên. Tôi thấy một tên công an, đứng bên cạnh trạm kiểm soát, bước ra để nhìn mặt người trên xe. Nó nhìn vào băng trước, trên đó có hai người ngồi, tôi nghe tiếng quát tháo của tên công an là hai người ngồi đàng trước là "tại sao đầu tóc để dài bù sù như cao bồi du đảng, đâu đưa giấy tờ coi". Sau khi coi xong giấy tờ hai người phía trước là nó liệng vô xe rồi ra lệnh cho đi một cách thật oai quyền. Cũng vừa lúc bác tài đã trở ra xe, bác tài liền rồ ga cho xe chạy đi, mà lòng tôi vui mừng khắp khởi vì vừa thoát được một trạm kiểm soát thật là vô cùng nguy hiểm.


      Xe chạy qua khỏi Tham Rớt, Bầu Bàn, Bầu Lòng rồi đến quận Bến Cát, ở đây cũng có trạm kiểm soát nhưng là trạm kiểm soát tài nguyên nên không có gì trở ngại. Xe chạy về tới Chánh Hiệp, Bình Dương, một trạm kiểm soát rất lớn, nơi cửa ngỏ vô thành phố nên xe đậu nối đuôi nhau rất dài. Chiếc xe tôi đi là xe nhỏ chở than lậu nên tài xế đã biết cách vô trình giấy tờ và nộp tiền mải lộ là xong ngay. Xe đi tiếp vô thành phố vào đậu ở bến xe, tôi xuống xe cũng vẫn còn nắm tay hai em bé vô mua giấy xe để về Sài Gòn, vì hai em bé đó cũng về Sài Gòn. Tôi thấy người ta sắp thành hàng dài để chờ mua vé xe, tôi cũng sắp vô hàng chờ đợi. Nhưng khi tôi nhìn kỹ lại thì thấy mỗi người khi mua vé xe đều phải trình ra một thứ giấy tờ gì đó, hình như là giấy phép đi đường hay là giấy căn cước, mà trong mình tôi không có thứ giấy tờ nào nên tôi hơi sợ, nên mới nói với hai em nhỏ là cứ sắp hàng để mua vé về Sài Gòn trước đi, còn tôi thì sẽ đi sau. Tôi bỏ ra ngoài tìm đường khác để đi, chớ khi mua vé họ hỏi đến giấy tờ là mình không biết trả lời ra sao, vì trong mình tôi không có thứ giấy tờ nào hết. Tôi vào quán nước kêu ly nước đá chanh, vừa uống vừa quan sát để tính kế. Bỗng chợt thấy xe Honda ôm, tôi liền nghĩ ra phương cách hay nhất để đi về Sài Gòn là bằng xe ôm. Tôi dự định sẽ về nhà chị Đồ ở Phủ Thọ. Trong những lần đi thăm nuôi, vợ tôi thường đi chung với chị Đồ nên hai gia đinh rất thân nhau và trước khi trốn trại tôi có dọ hỏi anh Đồ địa chỉ nhà cho thật kĩ, thật đầy đủ chi tiết đường đi nước bước, làm sao vô nhà, đi vô ngỏ hẻm nào v.v... Tôi chỉ hỏi chơi chơi chứ không cho anh biết ý định trốn trại của tôi.


      Anh lái xe ôm ra giá đi Sài Gòn là 50 đồng, tôi không có đủ tiền nhưng tôi nói với anh là đưa tôi về đến nhà, tôi lấy tiền rồi trả sau. Sau khi bằng lòng giá cả anh ta mới đi đổ xăng và trở lại đón tôi. Trên đường đi, tôi cũng nói thêm với anh là tôi vừa ở vùng kinh tế mới về, bị mất hết giấy tờ nên nhờ anh chạy làm sao để tránh các trạm kiểm soát. Anh ta nói là tụi công an nó chi xét coi có buôn đồ lậu, chứ như ông đi mình không, không có gì để xét, ông đừng có lo. Tôi nghe mừng trong bụng và trong lúc đi đường tôi hỏi chuyện, anh cho biết hồi trước anh là lính của Sư đoàn 5 Bộ Binh. Nghe biết vậy thôi chứ tôi cũng không hỏi thêm gì về chuyện ngày trước. Xe chạy qua các trạm kiểm soát Búng, Lái Thiêu rồi Bình Triệu. Thấy xe kẹt đậu dài dài để chờ xét, còn xe Honda ôm này chạy qua hết mà không bị hỏi han gì. Sau cùng, vô Sài Gòn qua ngả cầu cư xá Thanh Đa rồi qua cầu Phan Thanh Giản và chạy trên đường Phan Thanh Giản để về Phú Thọ.


      5.


      Nhìn quang cảnh thành phố Sài Gờn sau 5 năm trở lại, tôi cảm thấy như bơ vơ lạc lỏng, như lạc vào một thế giới nào xa lạ lắm. Đây không phải là thủ đô Sài Gòn năm xưa, một thời đã từng được mệnh danh là một "Hòn Ngọc Viễn Đông". Nay tôi thấy trên đường toàn là xe đạp, mà người người trông lam lủ tả tơi, không cười không nói, với dáng vẻ buồn thiu ảm đạm, thật đúng với câu "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".


      Khi đến Phú Thọ, xe Honda chạy vào con hẻm nhỏ, một số con nít chạy theo. Khi xe vô đúng số nhà mà tôi đã học thuộc lòng, tôi gõ cửa và chị Đồ ra mở cửa. Khi thấy tôi chị buột miệng la lên: "Ủa anh Thạch mới được thả về, còn ông Đồ của tôi đâu". Tôi lật đật nói nhanh là tôi mới được thả về và xin mượn chị 50 đồng để trả tiền xe. Chị vô lấy tiền cho tôi mượn ngay. Khi xe đi rồi và đám con nít đã tản đi hết, tôi mới nói thiệt với chị là tôi trốn trại và nhờ chị về báo tin cho vợ tôi hay. Chị hốt hoảng cho biết là mới tuần trước đây thằng em trai của chị vừa mới vượt biên đã đi thoát được. Nhà chị đang bị công an phường khóm điều tra theo dõi, nên chị không dám chứa tôi trong nhà, mà bảo tôi ra ngoài đường đón xe autobus để đến bến xe Xa Cảng miền Tây, ở Phú Lâm, rồi sẽ tính sau. Trước khi đi tôi còn hỏi mượn chị đôi giày, vì đôi giày tôi đang mang là loại giày đi rừng nên đi trong thành phố coi không tiện. Chị cho tôi mượn đôi sandal, còn đôi giày đi rừng của tôi, chị nói là chị sẽ đem lên cho anh Đồ trong lần thăm nuôi tới.


      Rời khỏi hẻm ra ngoài đường, thấy có một quán hủ tiếu, tôi liền tấp vô ăn một tô, uống một ly cà phê sửa, rồi mới ra đón xe autobus để đi Xa Cảng miền Tây. Khi đến bến xe Xa Cảng miền Tây, tôi thấy cả một rừng người hỗn độn la liệt khắp nơi. Họ trải chiếu, trải tấm nylon hay kê tấm ván tứ tung không theo một lề lối nào cả. Hỏi ra mới biết đây là những người bỏ vùng kinh tế mới trở về, nhà cửa bị tịch thu không nơi nương tựa đành phải sống lang thang đầu đường xó chợ bến xe. Sau khi thấy cảnh hỗn độn này tôi nghĩ thầm là mình có thể trà trộn để ngủ tạm qua đêm ở đây.


      Trong khi đó, chị Đồ đạp xe đạp từ Phú Thọ vô Gia Định để báo tin cho vợ tôi biết. Sau này gia đình kể lại là khi chị Đồ vào nhà, chị rất lo sợ có người theo dõi, nên chị kéo vợ tôi ra phía sau nhà, không cho mấy đứa con tôi lại gần, rồi chị mới nói cho vợ tôi hay là tôi đã trốn trại. Tôi đang ngồi uống nước đá chanh ở xe nước đá và định chỗ ngủ qua đêm, bỗng thấy chị Đồ đạp xe đạp ra tới. Chị đưa cho tôi 50 đồng và một giấy cử tri của vợ tôi gởi và căn dặn tôi sáng mai ra mua vé xe đò để về Mỹ Tho.


      Sáng sớm hôm sau, trước khi ra bến xe, tôi đi tìm nhà của Thạch, là một trong hai người trốn chui theo. Thạch và Tường vẫn còn ờ lại trong rừng và có dặn là nếu ai thoát về được Sài Gòn thì báo tin cho gia đinh họ biết tin, để tìm cách lên đón. Địa chỉ của Thạch tôi nhớ lờ mờ là ở gần Phú Lâm nên tôi sẳn dịp ghé qua báo tin. Lúc đó trời còn lờ mờ chưa sáng hẳn, đường vắng vẻ. Khi đi ngang qua trạm xe chửa lửa có vài tên công an đang đứng nói chuyện ở phía trước, tôi cố giữ bình tỉnh khi đi ngang qua. Sau cùng tôi tìm được nhà của Thạch, tôi gõ cửa một hồi mới có người ra mở cửa nhưng vơi dáng vẻ bực bội vì tôi đánh thức họ quá sớm. Tôi hỏi có phải là nhà của Thạch không, họ không trả lời mà đóng ập cửa lại làm tôi ngần ngừ một lúc, vì tiếc là không bao tin cho gia đình Thạch được. Tôi cũng không biết là có đúng nhà không, hay là họ sợ không dám tiếp tôi. Cho đến sau này tôi cũng không biết tin tức gì về hai người trốn chui theo, có thoát được không và bây giờ ra sao.


      Tôi trở ra bến xe ngồi xếp hàng chờ mua vé xe về Mỹ Tho, trong túi có 50 đồng và thẻ cử tri nên thấy hơi yên tâm. Một hàng rất dài ngồi chờ mua vé xe rồi từ từ nhích lần lên. Tôi ngồi chồm hỗm, hai tay bó gối gục đầu rồi thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng đâu có người vỗ vai kêu tên tôi, tôi giật mình nhìn lên thì thấy chị Đồ, chị bảo tôi vô quán nước ở bên kia đường để gặp bà xã tôi. Vừa mừng vừa lo, chỉ sợ công an theo dõi vợ tôi để đón bắt tôi nên tôi hơi lưỡng lự. Chị Đồ vô đứng thế cho tôi để mua vé xe.


      Tôi vô quán để gặp bà xã tôi, vợ tôi đã kêu đủ thứ đồ ăn: nào hủ tiếu, bánh bao, xiếu mại v.v... Bà xã tôi giục tôi ăn đi, ăn đi. Tôi hỏi xem có ai biết hay theo dõi gì không, thì thấy không có dấu hiệu gì. Ba đứa con tôi đang ở nhà chưa hay biết gì về chuyện này. Sau này kể lại mới biết là chúng nó đói khổ lắm, đâu có được ăn hủ tiếu, bánh bao như thế này. Từ ngày tôi đi tù tới giờ gia đình suy sụp, có bao giờ dám ăn các món "cao lương mỹ vị" này đâu! Tôi cũng quên mời vợ tôi cùng ăn. Phần thì lo sợ công an theo dỏi, phần thì không biết là về Mỹ Tho rồi sẽ làm gì, nên tôi cố nhét cho đầy bụng rồi đi liền. Tôi dặn vợ tôi đừng xuống Mỹ Tho, nên ở nhà lo cho mấy đứa con còn nhỏ dại, đừng để bị nguy hiểm cho cả hai, rồi không ai lo cho các con.


      Tôi trở ra chỗ mua vé xe thì chị Đồ đã mua vé xong, chị còn cẩn thận mua cho tôi tờ báo Nhân dân, chị bão lên xe đọc báo này người ta tưởng là cán bộ. Tôi lên xe ngồi gần băng phía sau. Xe chạy qua hết các trạm kiểm soát một cách dễ dàng vì ở mỗi trạm bác tài đều biết "thủ tục đầu tiên", là tiền đâu. Qua Bình Chánh, Bến Lức, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương rồi vô thành phố Mỹ Tho.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      6.


      Xe vô đến bến, tôi liền đi tìm đứa em gái tôi. Vợ tôi cho biết là em gái tôi bây giờ làm ở tổ hợp may mặc, phường 4, ở bến xe này. Mới vừa vô gặp mặt em tôi, nó mừng rỡ rồi la lớn "Ủa anh Tư mới được thả về". Tôi hơi bối rối vì sát bên cạnh tiệm may là đốn công an phường 4, có một số công an đang đứng gần đó sợ nó nghe được. Tôi giả bộ như thiệt nói một hơi là anh mới được thả về, bây giờ em có rảnh ra quán uống nước. Em tôi lật đật xin phép bà hội trưởng hợp tác xã rồi đi liền. Ra tới quán nước tôi mới nói thiệt với em tôi là tôi trốn trại. Em tôi giật mình mặt tái xanh vì quá bất ngờ. Tôi dặn dò em tôi về nhà cho Má hay và coi chung quanh có ai không rồi cho anh biết để anh về nhà. Em tôi đạp xe đạp chạy về báo tin xong rồi trở lại làm việc, còn tôi một mình đi bộ về nhà. Má tôi đã biết trước nên mở cửa sẵn chờ. Khi vô nhà, tôi đi thật nhanh, thẳng ra phía sau nhà vì sợ lối xóm nhìn thấy.


      Sau đó em tôi đi làm về có mua cho tôi một đĩa cơm sườn và hôm sau là cơm tấm bì chả và mua hủ tiếu, bánh bao v.v... toàn là các món ăn ngon đắc tiền mà tôi cũng quên hỏi là em tôi đi may lương tháng bao nhiêu. Má tôi thì già yếu không có làm gì ra tiền. Hồi trước, Má tôi đi may quần áo ở trong nhà thương Mỹ Tho, nhưng đã nghỉ lâu rồi. Sau nay mới biết là ở nhà không có đủ tiền để mua gạo, đôi khi còn phải bán máu để đổi lấy mấy bát com, thì nói gì đến thức ăn sang trọng. Thì ra, em tôi chạy qua Chợ Củ để xin Cô tôi. Cô Ba tôi có mở tiệm ăn, Cô rất thương tôi, vì vậy khi hay tin tôi về, cô tôi liền gỏi cơm và đồ ăn rất ngon qua cho tôi.


      Ở đây được mấy ngày thì vợ tôi xuống thăm tôi làm cho tôi càng thêm lo lắng, vì sợ công an theo dõi. Tôi mới tính tìm đường vượt biên, chớ ở đây lâu thế nào cũng bị bại lộ. Mà tìm đường dây để vượt biên không phải là chuyện dể dàng. Phần thì không có tiền, phần thì không dám đi lại nên cũng không biết cách nào để vượt biên, mà tội vượt biên lúc đó bị coi như là tội "phản quốc", chạy theo "đế quốc", bọn công an biên phòng bắt được là chỉ có chết.


      Hồi đó đã có xảy ra những cảnh vượt biên bị đổ bể, bị công an tàn sát như ở cầu Chữ Y Sài Gòn, như ở bãi biển Vũng Tàu, như ở kinh Chợ Gạo hay ở cửa biển Gò Công v.v... Họ tàn sát không nương tay, mặc cho tiếng khóc trẻ thơ, hay những lời van xin lạy lục của những người khốn khổ cùng đường. Tôi dự định nếu không tìm được đường đi bằng ghe tàu, thì như đã hẹn với Thu và Bình, là sau một tháng chúng tôi sẽ gặp lại nhau, để bàn tính đi bằng đường bộ.


      Vợ tôi lại xuống một lần nữa và lần này có cả đứa con gái đầu lòng của tôi. Như vậy, tôi ở đây được một tuần lễ. Vợ tôi đem tiền xuống để mua vé xe cho tôi đi Cà Mau vào sáng sớm mai, vì hy vọng ở Cà Mau dễ kiếm đường vượt biên hơn. Bất ngờ ngay buổi chiều hôm đó vào khoảng 7 giờ, có một người anh bà con cô cậu, đi cùng với một người bạn, xuống thăm để từ giã Má tôi, để sáng sớm mai họ lên đường đi Kampuchia, và từ đó sẽ tìm đường vượt biên. Anh muốn xin địa chỉ của em tôi, hiện đang sống ở Mỹ, để anh liên lạc khi cần. Thật là một điều quá may mắn cho tôi vì sau khi anh biết tôi vừa mới trốn về nên anh kéo tôi đi theo luôn.


      Thế là phải trở về Sài Gòn ngay trong đêm nay để sáng sớm mai lên đường đi Kampuchia. Tôi từ giã Má tôi và để đứa con gái đầu lòng ở lại với Bà Nội. Tôi và vợ tôi đi theo Long và Nghĩa ra đón xe để về Sài Gòn. Tôi ra đi mà lòng buồn vô hạn, không biết đời tôi sẽ đi đến đâu trên bước đường bôn ba vô định này. Ở lại Mỹ Tho thì không được, mà đi qua Kampuchia cũng không biết ra sao! Thật là đau lòng trước cảnh chia tay, rồi đây không biết có còn được gặp lại nhau! Trong đêm đó, hai bà cháu đã tụng niệm suốt đêm để cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được bình an.

      Nguyễn Ngọc Thạch

      Trích: Đường Tìm Tự Do (Hồi Ký)
      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Con Đường Bi Đát - III Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Con Đường Bi Đát - II Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Con Đường Bi Đát - I Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận

      - Đường Tìm Tự Do - IV: Vượt Biên Và Vượt Biển Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường Tìm Tự Do - III: Trốn Trại Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường tìm tự do - II: Tù Cải Tạo Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

      - Đường Tìm Tự Do - I: Những Ngày Cuối Cùng Của Trường Bộ Binh Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)

      Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)

      Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)