|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Tôi không sinh ra ở Tây Ninh, nhưng tôi đã có thể chết ở Tây Ninh, chết vì Tây Ninh, nhiều lần. Chữ chết hiểu theo nghĩa đen, chính xác, bởi vì tôi đến Tây Ninh với tư cách một người lính tác chiến trong những năm sống mái mất còn cuối cùng của cuộc chiến, mà tính chất ác liệt, kể cả về quân số tham chiến cũng như kỷ thuật chiến tranh đã lên đến mức cao nhất ở khắp các mặt trận. Với tôi, Tây Ninh như một quê hương thứ hai, một nơi chốn tràn ngập kỷ niệm, thấp thoáng niềm vui và giọng cười của tuổi thanh xuân và đầy ắp những ngậm ngùi của chia lìa, mất mát.
Tôi đến Tây Ninh lần đầu vào buổi sáng tinh mơ của một ngày đầu năm 1972. Đoàn convoy (đoàn xe) từ Phú Hòa Đông, Hậu Nghĩa đã di chuyển trong đêm để giữ tính cách bất ngờ, bí mật của cuộc hành quân. Tuyến xuất phát là rừng cao su Trà Võ. Tôi là một người lính mới được thuyên chuyển từ miền Trung vào. Người thiếu úy phụ tá đã chỉ vào phóng đố hành quân, có đánh dấu mục tiêu vừa cười vừa nói: “Ông coi chừng, lộ trình ngắn thế này nhưng không dễ nuốt đâu. Vùng mình sẽ qua là Rừng Sáu Mẫu, có khu Đám Lá Tối Trời ghê gớm lắm, máu của anh em mình đã đổ không biết bao nhiêu ở đây.”
Lời cảnh cáo của bạn tôi không sai, Tây Ninh đã đón tôi không mấy dịu dàng. Mưa pháo đủ loại đã dập nhiều đợt lên đầu chúng tôi ngay ngày đầu tiên. Rồi đột kích đêm, rồi xung phong tràn ngập trong những ngày sau đó, đoạn đường ba cây số đơn vị tôi phải gỡ trong bốn ngày mới ló đầu ra được con lộ nhỏ giữa rừng cao su Cầu Khởi, và người lính chưa kịp thở, và tôi chưa kịp nhìn Tây Ninh, đoàn convoy lại xúc lên và thả về một mặt trận khác ở Phú Thứ, Bình Dương.
Tôi bước xuống Tây Ninh ở bìa rừng cao su Trà Võ với những âu lo và trách nhiệm. Tôi rời Tây Ninh giữa bạt ngàn rừng cao su Cầu Khởi với một cõi lòng u uẩn, ngậm ngùi vì biết rằng hơn ba chục anh em tôi đang lăn lộn, đau đớn ở đâu đó trong các quân y viện lớn nhỏ và một số tương tự như thế đang ngủ yên trong những tấm poncho, cô đơn và lạnh lẽo trong các nhà vĩnh biệt.
Tôi không biết gì nhiều về Tây Ninh trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Hôm đổ quân ở Trà Võ, hình như thấp thoáng phía xa bên trái quốc lộ là giòng sông Vàm Cỏ đang uể oải thức dậy. Hình như phố nhỏ đang rục rịch trở mình cho một ngày mới. Hình như khu chợ chồm hổm đã bắt đầu xôn xao tiếng nói cười. Hình như có những chiếc xe bò lọc cọc chở hàng bông từ các vườn ra lộ. Hình như quán cà phê đã mở cửa với những người khách ngồi gác chân lên ghế, đổ ly cà phê xây chừng ra đĩa vừa thổi vừa húp. Hình như có những đôi mắt nai buồn buồn của các nữ sinh Gò Dầu đang đứng sau các cánh cửa mở hé nhìn theo bóng những người lính đang lao về phía trước…
Tôi không nhớ được điều gì chắc chắn. Giờ đổ quân, đủ thứ liên lạc truyền tin léo nhéo trong máy. Tôi nhận lệnh: “Hướng ba giờ, bung rộng con cái, tàng hình.” Tôi hò hét lại những điều tương tự và chính tôi cũng phải tàng hình. Tôi không có nhiều thì giờ. Xin lỗi Tây Ninh, tôi không kịp nhìn bạn nhưng xin chào bạn, bạn đã đón tôi bằng những kinh hoàng và tiễn tôi với nhiều tang tóc nhưng tôi không trách bạn.
Bạn không muốn vậy đâu, phải không? Tôi hiểu bạn mà, chín mươi phần trăm người Tây Ninh ăn chay trường, một con kiến còn không dám giết nói gì đến sinh mạng con người. Nội cái cách bạn đặt tên cho các địa danh thôi, tôi cũng đủ hiểu bạn hiền lành chơn chất như thế nào, khiêm tốn tình nghĩa như thế nào. Thiện Ngôn: một lời ác còn không dám nói huống gì việc ác. Hiếu Thiện: ngỗ nghịch, dữ dằn hãy đi chỗ khác chơi, tên đất đã nhắc nhở với mọi người như vậy mà. Khiêm Hạnh… Tôi chịu bạn lắm Tây Ninh, ai mà khéo chọn cho bạn những cái tên hay hết chỗ chê. Ðiều quan trọng hơn là các bạn không chỉ đặt tên cho vui mà các bạn đã sống và hành xử theo những mẫu mực như thế, tôi tin chắn điều đó và thật lòng ngưỡng phục bạn. Xin được làm một người bạn của Tây Ninh, của Thiện Ngôn, Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh…
Hãy lấy quốc lộ 15 là xương sườn, lấy Gò Dầu Hạ và Thị xã Tây Ninh là điểm chuẩn để mường tượng ra toàn cảnh Tây Ninh. Khi chiến tranh chưa bùng lớn, nhu cầu chiến thật chưa đòi hỏi phải thành lập thêm tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh bắt đầu từ Trảng Bàng với những hàng cây thốt nốt cao vút và những tô bánh canh lòng heo nổi tiếng. Rồi Tây Ninh phải đứt ruột cắt Trãng Bàng cho Hậu Nghĩa, để chỉ còn lại các quận Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh, Bến Cầu, Phú Khương và Châu Thành.
Từ Gò Dầu Hạ, rẽ vào con đường đất đỏ bên phải, qua Suối Cao, căn cứ Đinh Bộ Lĩnh đến Khiêm Hạnh. Tiếp tục đi nữa sẽ tới Truông Mít, Ngã Ba Đất Sét. Từ đó, nếu rẽ phải qua Suối Ông Hùng, Bến Củi, Cổng Đen đến Dầu Tiếng. Nếu đi thẳng sẽ băng ngang một rừng cao su hun hút vắng tanh đến Cầu Khởi, đồn Bắc Tiến ra Chà Là. Tại đây, nếu quẹo phải sẽ qua Suối Đá, Núi Bà Đen. Nếu đi thẳng sẽ về Long Hoa, Toà Thánh.
Cũng từ Gó Dầu Hạ, nếu quẹo trái theo Quốc Lộ 1 sẽ lên Trà Cao, Gò Dầu Thượng tiếp tục qua biên giới. Suốt một dọc dài mút mù bên trái giòng sông Vàm Cỏ là những bưng biền xa tắp dẫn đến các mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt. Các căn cứ Trà Cú, Bến Kéo như một hành lang thép bảo vệ thủy lộ dẫn về Tây Ninh.
Từ châu thành Tây Ninh, qua chiếc cầu nhỏ phân chia khu hành chánh và khu thương mãi, nếu quẹo phải sẽ qua Cầy Xiên, Trãng Sụp, Trại Bí. Nếu đi thẳng băng ngang con phố chính, đường sẽ nhỏ lại và dẫn đến Trãng Lớn, Cao Xá, qua bến phà Phước Tân và đi lên nữa. Tất cả các ngã đường này đều dẫn đến vùng núi rừng biên giới với một dọc các căn cứ biên phòng heo hút và bất an: Thiện Ngôn, Bạch Đằng, Lạc Long, Hưng Đạo.
Tây Ninh chỉ có vậy, mỗi địa danh tôi nhắc đến đều đã có lần, hay nhiều lần, là bãi chiến trường. Chốn địa đầu giới tuyến này phải thường xuyên đối phó với một lực lượng lớn đối phương lúc nào cũng rình rập ở các an toàn khu bên kia biên giới. Tây Ninh có nhiều mật khu với một lực lượng xâm lược hùng hậu cùng một hệ thống tiếp tế, tiếp liệu được tổ chức qui mô và hoàn chỉnh. Tây Ninh như một cái gai chiến lược cần phải xóa đi và đã nhiều lần phải hứng chịu những trận đòn thù trí mạng trong sách lược xâm lăng của đối phương nên nó phải trải mình ra chống đỡ, phải đổ máu ra để sống còn, để bảo vệ cho từng người dân, từng tất đất của tổ quốc, của quê hương.
Tây Ninh khốn khó nhưng hào hùng. Tây Ninh khổ đau mà kiêu hãnh. Tôi cũng kiêu hãnh vì Tây Ninh, kiêu hãnh được góp máu với Tây Ninh. Thời gian lặn lội trên các chiến trường đủ để tôi quen với Tây Ninh, quen lắm. Tôi có thể cầm địa bàn lên chỉ đến chỗ nào có thể lấy nước giữa rừng cao su Cầu Khởi. Tôi có thể nhìn bản đồ vẽ một lộ trình khô ráo giữa đồng bưng lầy lội Trà Cú, Phước Chỉ. Tôi có thể đứng bất cứ chỗ nào ở Tây Ninh gọi pháo binh bắn hiệu quả mà không cần trái khói điều chỉnh. Người Tây Ninh tin là qua cơn khói lửa sẽ đến ngày mở Hội Long Hoa trong hòa bình, an lạc. Tôi muốn góp phần cho cái ngày vui đó.
Quốc Lộ 15, trước khi đến Mít Một để vào thị xã Tây Ninh, đường sẽ chạy ngang một khu gia cư hoang tàn đổ nát của căn cứ Bến Kéo. Nơi đây, có thời là một trung tâm huấn luyện và một khu gia binh đông đúc, nhưng khi chiến tranh lan dần đến gần thành phố, pháo kích ngày đêm nhắm vào Bến Kéo, trung tâm huấn luyện được chuyển đi một nơi khác và Bến Kéo chỉ còn những ngôi nhà tróc nóc, sụp đổ trong không khí ảm đạm, nặng nề.
Cách Bến Kéo không xa lắm là ngã ba rẽ vào con đường đất đỏ rộng rãi dẫn về Tòa Thánh qua các xóm đạo Trường Lưu, Trường Xuân. Đường có một cái tên rất đẹp, rất lạ mang hơi hướng tôn giáo: Thiên Thọ Lộ. Xóm đạo Tây Ninh có lẽ là những xóm làng đẹp nhất nước, kể cả về khung cảnh ngoại dáng cũng như cách thức tổ chức đời sống xã hội. Làng quê nhưng đường sá được phân chia vuông vức với những ngả ba, ngả tư thẳng tắp như ở các thành phố mới, được qui hoạch cẩn thận. Nhà cửa được phân lô đều đặn, nhà nào cũng có rào ngăn gọn gàng và vườn tược phủ xanh một rừng vú sữa tươi tốt. Đời sống ở đây bình dị nhưng kỷ cương nề nếp, có một hệ thống chức sắc Cao Đài song song với hệ thống chính quyền chăm lo đời sống đạo đức và kiểm soát trật tự xã hội. Sinh hoạt tập thể được tổ chức thành hệ thống Thập Nhị Liên Gia. Muời hai gia đình hợp thành một khối gắn bó, giúp đỡ nhau, chia xẻ cùng nhau mọi vui buồn cũng như công việc sản xuất, tiêu thụ.
Đạo Cao Đài thờ một con mắt, ý nghĩa của nó rất rộng nhưng tôi chỉ biết đại khái đó là Thiên Nhãn. “Thiên nhãn thấu lòng trần,” người ta tin là mọi việc tốt xấu trên đời, cho dù có qua được mắt phàm vẫn được ghi nhận, thấu rõ bởi cái nhìn thiêng liêng. Mọi người đều tự sửa mình, tự hoàn thiện với hy vọng được lành tránh giữ và vì thế, xóm đạo đã trở thành một nơi “đời thái bình cửa thường mở ngỏ.”
Muốn vào Thánh Địa qua ngõ Thiên Thọ Lộ phải vượt qua hai chiếc cầu nhỏ: Đoạn Trần Kiều và Giải Khổ Kiều. Phải quên hết những hệ lụy của trần gian, gột hết những ưu phiền của thế tục để dọn mình vào Hội Long Hoa.
Tay Ninh 1965-66. Cao Dai Temple, Photo by John Hansen (nguồn: ManhHai Flickr)
Tòa Thánh là một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo, nghe nói việc xây dựng hoàn toàn dựa theo lời giáng chỉ của cơ bút mà không theo đồ án của bất cứ một chuyên viên kỷ thuật nào. Thánh đường sừng sững uy nghi giữa một khu đất rộng như một công viên lớn với đủ thứ kỳ hoa dị thảo, bốn mùa tươi tốt, ngát hương. Nội vi Toà Thánh trông như một thành phố nhỏ với đường sá ngang dọc thẳng tắp, nhà cửa khang trang, cao rộng với các khu thờ phượng, hành chánh và sản xuất riêng biệt.
Bên trong nội đường, khung cảnh vừa hùng tráng uy nghiêm, vừa diễm ảo thoát tục. Đại điện chia làm chín cấp tượng trưng cho cửu trùng. Thăm thẳm vút trên trần cao là bầu vũ trụ với hằng hà sa số những tinh tú lấp lánh, được chống đỡ bởi hai hàng cột sơn son thiếp vàng, chạm trổ công phu. Toàn cảnh tạo nên một không khí vừa trầm mặc thiêng liêng vừa thanh cao xuất thế.
Tuy nhiên, điều đáng nói về Toà Thánh không chỉ vì khung cảnh xinh đẹp, kiến trúc hùng vĩ mà còn vì hệ thống tổ chức qui mô và phương thức điều hành khoa học, mang tính nhập thế của nó. Toà Thánh, cơ quan trung ương của giáo hội, được điều hành bởi một cơ cấu tổ chức phức tạp, mang những tên gọi có vẻ thần bí, cao xa nhưng tựu trung giống như hệ thống tổ chức của một chính quyền, với đầy đủ cơ cấu lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng biệt. Mỗi cơ cấu trung tâm có một hệ thống nội thuộc hàng dọc chuyên trách về đủ mọi lãnh vực: Tổ chức phát triển, giáo lý giáo luật, thông tin, giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội…
Khách đến thăm Tòa Thánh được đón tiếp chu đáo và được hướng dẫn tận tình. Ngoài vườn, rải rác ở các giao lộ, lúc nào cũng có các hướng dẫn viên mẫn cán sẵn sàng giúp đỡ mọi việc, đồng thời can thiệp, nhắc nhở để không khí của Tòa Thánh luôn được trong sạch, thanh khiết, không có những lời nói thô lỗ, những cử chỉ sỗ sàng. Nghe nói cổng tam quan của Tòa Thánh vẫn còn đóng kín, nó sẽ chỉ được mở ra ngày hạ giới thanh bình hoan lạc, mở Hội Long Hoa. Người Tây Ninh tin là ngày ấy không xa.
Với người lính, có lẽ cả hai bên, đạo Cao Đài gần gũi qua hình ảnh những đạo tì chuyên giúp việc thu dọn chiến trường. Có những trận đánh ác liệt, kéo dài, lực lượng hai bên tranh nhau từng tất đất, thương binh, tử sĩ bị kẹt giữa hai lằn đạn. Khi ấy những đạo hữu Cao Đài sẽ có mặt: áo quần trắng để dễ nhận dạng, cờ trắng cầm tay, họ đi vào vùng lửa đạn, săn sóc, di tản thương binh, tẩm liệm, bàn giao hay chôn cất tử sĩ bất kể là bên nào.
Những lúc như thế, như một hiệp ước bất thành văn, mọi vị trí pháo binh đều ngưng tác xạ, mọi vũ khí cá nhân đều hạ thấp nòng. Hình ảnh những tu sĩ đầy lòng quả cảm và vị tha đã làm cho chiến trường trầm lắng lại và khiến lòng người xao xuyến, suy tư. Đạo là hiện thân của tình thương và sự tha thứ. Tuy nhiên, đạo cũng đồng thời không khoan nhượng với điều ác, sự xấu. Lịch sử của giáo hội đã gắn liền với một chuỗi dài nhưng tranh đấu cam go cho độc lập tự do của tổ quốc và dân tộc. Liệt sĩ Hồ Thới Bạch, người con yêu của Tây Ninh, biểu tượng của nghĩa khí và lý tưởng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” đã cùng liệt sĩ Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và biết bao anh hùng liệt nữ khác vĩnh viễn đi vào vinh sử của dân tộc.
Có một xóm đạo Thiên Chúa Giáo giữa Thánh Đại Cao Đài, có một xóm Bắc kỳ giữa tỉnh địa đầu miền đông Nam bộ: Cao Xá, Phong Cốc. Đây là hai làng di cư nằm cách thị xã Tây Ninh bảy cây số về hướng Phước Tân, qui tụ những người cùng họ đạo với nhau ở quê hương cũ, khi ra đi đã mang theo cả tên làng dặt cho vùng đất mới. Thoạt đầu, thật ra cũng có nhiều ngộ nhận, hiểu lầm nhau do những khác biệt về ngôn ngữ, tập quán phong tục và lề lối sinh hoạt.
Làm sao để những cụ già quần cộc mình trần, thoải mái ngồi trên những chiếc chiếu cói trải trước sân nhà, nhắm miếng xoài xanh, xé con khô nướng, khà ly rượu đế, tự nhiên nói cười ha hả… có thể gần gũi với những người đồng trang lứa, tỉ mỉ pha bình trà thơm, nhẩn nha viên từng bi thuốc lào, khách sáo phân chia thứ bậc, kiểu cách mời mọc nhau năm lần bảy lượt. Làm sao để những thanh niên bộc trực chơn chất, ruột để ngoài da kiểu Nam kỳ có thể hiểu được cái rườm rà trong ngôn ngữ, cái khéo léo trong hành động của các bạn đàng ngoài. Làm sao để những cụ bà chân đất, mộc mạc trong chiếc áo trắng vải thô, ngày ngày làm công quả ở Thánh Thất nhiều hơn ở nhà, có việc gì cũng gọi “trời đất ơi” có thể thân thiện được với “quí phu nhân,” áo quần lúc nào cũng tươm tất, đầu vấn khăn nhung, tay lần tràng hạt tay cầm quạt giấy đi nhà thờ, mở miệng ra là “Lạy Chúa tôi.”
Những dị biệt tưởng không thể lấp bằng, những mâu thuẫn tưởng không thể hóa giải nhưng rồi những khó khăn chung, những trách nhiệm chung đã làm mọi người gần lại với nhau. Cao Xá bị pháo kích, Long Hoa đau lòng. Súng nổ ở hướng Long Hoa, Phong Cốc không ngủ được. Cao Xá, Phong Cốc đã hòa đồng, đã bổ sung giúp Tây Ninh có bản sắc phong phú đa dạng hơn. Chỗ nào trên đất nước cũng là quê hương, người nào trên đất nước cũng là đồng bào. Tây Ninh mở vòng tay thân ái với tất cả.
Tôi đã lỡ đại ngôn nói là rất quen Tây Ninh, biết rõ Tây Ninh như rõ lòng bàn tay mình. Xin lỗi cho tôi được sửa lại: Có lẽ phải nói tôi biết chiến trường Tây Ninh, biết đất nghèo Tây Ninh, biết dân khổ Tây Ninh, còn thành phố Tây Ninh thì nói thật, hình như của những người khác. Trước sau, trong suốt nhiều năm dài lăn lộn với Tây Ninh, tôi chỉ “về thành” có năm bảy lần mà lần nào cũng vội vội vàng vàng, tranh thủ đôi ba tiếng đồng hồ, đợi lúc đơn vị lãnh việc lục soát mở đường, nhắm yên yên, tôi kéo năm ba em út, máy móc rè rè, súng ống đạn dược từ đầu đến chân, giữ nguyên râu tóc hành quân để hù quân cảnh, cùng chất năm chất bảy chật cứng trên xe lội chạy vù về Tây Ninh. Quanh đi quẩn lại tôi chỉ được biết một số nơi rất giới hạn.
Chỗ tôi đến đầu tiên là cái tiệm sách không có tên của cô gì xinh xinh, có cái răng khểnh hay hay ở ngay dốc cầu, ngó chéo qua Tòa Hành Chánh. Thật ra phải gọi đây là tiệm tạp hóa có bán sách vì từ trong ra ngoài đầy nhóc đủ thứ hàng hóa, từ xà phòng bột giặt đến phân bón thuốc trừ sâu và đủ các thứ trên trời dưới đất khác, chỉ có một góc nhỏ là chứa sách. Dẫu vậy, cô chủ ở đây có những đặc điểm rất khó quên. Trước hết cô là người rất mê Nhã Ca, lần nào đến, nếu không thấy cô đang đọc Đêm Nghe Tiếng Đại Bác thì cũng Giải Khăn Sô Cho Huế, cuốn nào cũng thuộc loại hàng dành riêng không bán, đóng bìa cứng mạ chữ vàng rất đẹp.
Thứ đến cô trân trọng đặc biệt với hai nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Tiệm nhỏ xíu, tất cả sách của mọi nhà xuất bản khác đều nhốt chung trong hai dãy kệ dài, riêng sách của Lá Bối và An Tiêm có một chỗ riêng, có tấm bìa cứng màu xanh ghi tên nhà xuất bản bằng lối chữ rất bay bướm và trang trọng. Cuối cùng cô rất am tường sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Sài Gòn. Mán rừng như tôi biết được chút ít sinh hoạt chữ nghĩa của Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Túy Hồng, Trùng Dương và nhiều tác giả khác là nhờ “tờ báo nghệ thuật truyền thanh” này. Một chỗ đáng yêu như thế lính mê là đúng rồi, ngó chữ nghĩa một chút cho bớt rừng rú đi, nên lắm.
Từ giả cô hàng sách, thầy trò tôi sẽ đi ngược về phía Ty Cảnh Sát, quẹo phải vào một con đường nhỏ, nhỏ đến mức không có tên để tấp vào quán cà phê Thằng Cuội. Nghe nói chủ quán là một nghệ sĩ, có viết sách, vẽ tranh. Quán là sự kết hợp của một chút Hầm Gió vì có một từng hầm ngồi âm xuống đất và một chút La Pagode vì có cửa kiếng nhìn ra hai mặt đường. Điều khác là nếu ở La Pagode bạn có thể “rửa mắt,” nhìn nam thanh nữ tú dập diều thì ở đây nhìn ra chỉ thấy lính và lính. Đủ thứ quân binh chủng, đủ thứ trang phục và trang bị, hấp tấp tới lui.
Tay Ninh 1965-66. Cao Dai Temple, Photo by John Hansen (nguồn: ManhHai Flickr)
Ở đây bạn cũng có thể thấy những chiếc xe lôi, kéo theo cái thùng sơn phết hoa hòe chất đầy bầu bí rau cải hay những chiếc xe bò cồng kềnh rơm rạ, cuốc xẻng, gỗ củi buồn bã qua lại. Đôi khi, gặp lúc đẹp trời may mắn, bạn cũng có thể gặp lúc nữ sinh tan trường nhưng chớ vội mừng, các cô ở đây e thẹn khép kín lắm, đi ngang Thằng Cuội, biết có người nhìn, cô nào cô nấy nón che nghiêng, phụ thêm chiếc cặp “bảo vệ,” bạn sẽ chỉ được nhìn thấy chút tóc bay bay, tà áo bay bay, vậy là cũng đủ “ấm lòng chiến sĩ” rồi! Tây Ninh ăn chay trường, Tây Ninh cấm sát sinh, Tây Ninh kỷ cương nề nếp lắm. Đừng lạng quạng với Tây Ninh.
Ngồi Thằng Cuội, thật ra, với những người lính phải tranh thủ với giờ giấc như chúng tôi chỉ cốt đỡ ghiền chứ không hưởng được hết cái nhàn tản thú vị của dân uống café. Chúng tôi không có nhiều thì giờ. Thôi, đi chỗ khác chơi, làm vài ly coi bộ bốc hơn. Tới Phú Lai đi.
Phú Lai là quán nhậu “tới” nhất, là “người bạn” quen nhất của lính Tây Ninh. Quán ở bên trái đường, nằm giữa con phố chính, nổi tiếng vì có bia đặc và thịt rừng độc đáo. Thịt ngon hết chỗ chê, bia ngon hết chỗ chê. Những chai bia đặc sền sệt, thọc chiếc đũa vào khuấy khuấy cho đều lớp đá mịn như bông tuyết, đưa cả chai lên tu một hơi, bỏ miếng thịt thơm lừng vào “đưa cay” một phát, bia vào đến đâu mát đến đó, thịt vào đến đâu thơm đến đó, thú vị đã đời hết biết.
Nói mắc cỡ, tôi tả cho vui vậy thôi chứ hồi đó lính uống rượu hư lắm, không phong lưu lịch sự như vậy đâu. Vào quán, mỗi tên lấy chuẩn một két hai mươi bốn chai, hết đợt này đến đợt khác, uống vũ trụ quay cuồng, uống càn khôn đảo lộn, uống quên đời, uống chết bỏ. Buồn quá mà, uất quá mà, chuyện cũ rồi, sợ gì mà không nói thật với nhau một lần: Lính là người, không phải thần thánh cũng không phải gỗ đá. Đạn bom, chết chóc, sợ chứ! Nhưng đó không phải là lý do khiến người lính não lòng, chùn bước.
Nói thật, chúng ta đã có một tiền tuyến oai hùng nhưng lại dung dưỡng một hậu phương bạc bẽo và bất xứng. Sức mạnh của dân tộc đã không được sử dụng hết. Nỗi đau của dân tộc đã không được chia đều và trái tim của người lính một nửa chết ngoài mặt trận, một nửa héo khô ngay trên đường phố của mình. Với người lính, ly rượu nào cũng có thể là ly cuối cùng. Lần gặp gỡ nào cũng có thể là lần sau hết và sự hy sinh của người lính, dường như có một chút gì phí phạm, có một chút gì bất công. Vậy đó, những giọt rượu đắng cay như nước mắt nhưng phải quên đi, quên để tiếp tục đi tới bằng đôi chân rất thẳng, rất cứng của mình, người lính.
Nhiều bà nhiều cô ở Sài Gòn, ở các tỉnh lân cận chắc biết Núi Bà Đen. Nhiều người khác chắc có nghe nhắc đến tên Núi Bà Đen nhưng Núi Bà của quí vị được hiểu đơn giản là cái điện thờ Phật Mẫu quanh năm nghi ngút khói hương, với những huyền thoại về các ứng nghiệm linh diệu của những lời khấn vái cầu xin. Với người lính, Núi Bà được coi là một vị trí chiến lược quan trọng, đó là một đài tiếp vận truyền tin giữ nhịp cầu liên lạc cho cả Vùng 3 Chiến Thuật. Ðó cũng còn là một hiểm địa với những hốc đá kiên cố, những hang động sâu thẳm, dài hút và một cao độ có thể quan sát và chế ngự cả một vùng rộng lớn mà trong suốt cuộc chiến, quân ta đã đổ không biết bao nhiêu máu xương để giữ không cho địch quân chiếm cứ làm bàn đạp tiến về Tây Ninh.
Tuy nhiên, giữa năm 1974, đơn vị phòng thủ trên đỉnh Núi Bà bị tràn ngập. Kế hoạch tái chiếm cấp quân đoàn được soạn thảo, trực thăng ở Biên Hoà, ở Bình Thủy được điều động, nhiều đơn vị chủ lực được chuyển tới, hỏa công được áp dụng. Phải lấy lại Núi Bà bằng mọi giá, nhưng mặt trận bùng lớn ở khắp nơi, nhiều đơn vị bạn đang cần trực thăng, nhiều lãnh thổ đang cần tiềp viện, Núi Bà tạm thời để đó. Dãy đèn trên đỉnh núi không còn sáng nữa, người dân Tây Ninh buồn một chút. Vai người lính trách nhiệm phòng thủ Tây Ninh oằn thêm một chút và hậu quả đầu tiên của việc mất Núi Bà là máu xương đã đổ ra để dành lại Suối Đá.
Trận Suối Đá lớn lắm, lớn về mức độ ác liệt, lớn cả ở nhân cách và dũng khí con người. Cái làng nhỏ đìu hiu bên chân núi Bà Đen, chốn điạ đầu heo hút bất hạnh đó đã chia xẻ những giờ phút địa ngục bi hùng, đã chứng kiến những cách sống và cách chết vượt quá tầm thường, lớn hơn trí tưởng. Có nhà văn viết loạt bài “Những chuyện cần được kể lại.” Tôi xin phép được mượn dòng tựa này cho những gì tôi sắp nói.
Chuyện bắt đầu từ một đêm tối trăng, đạn bắn rực trời ở Suối Đá, tiếng reo dậy đất ở Suối Đá. Tại Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu, máy truyền tin mở hết tần số làm việc. Đồn Suối Đá 1 báo cáo bị tấn công. Ðồn Suối Đá 2 báo cáo bị tấn công. Lực lượng hành quân dã ngoại ở gần Suối Đá báo cáo bị tấn công. Lệnh báo động khẩn cấp được ban bố. Mọi nổ lực lớn nhất đã được huy động nhưng không có kết quả. Trong một đêm, toàn bộ khu vực Suối Đá bị khoanh đỏ trên bản đồ hành quân, dấu hiệu không còn quân bạn. Chuyện lớn, chiến trường đã vượt quá khả năng điều động và giải quyết của Tiểu khu.
Sư Đoàn 25 tham chiến, Tiểu Ðoàn X/49 vào trận, không xong, tiểu đoàn trưởng vĩnh viễn ở lại Suối Đá. Ngày thứ hai của trận chiến, 2/46 vào trận. Ngày thứ ba 1/46 và 2/10 Thiết Kỵ vào trận. Khúc xương thật khó nuốt nhưng không có cách nào khác. Hồi trước, khó khăn một chút là có người chia xẻ, ới một cái là có mũ đỏ Nhảy Dù, mũ xanh Thủy Quân Lục Chiến. Bây giờ lực lượng tổng trừ bị đang ghìm súng ở đâu đó tuốt ngoài miền Trung, Bộ Binh thành chủ lực chiến trường, anh em Địa phương quân, Nghĩa quân họ đã ới thì phải tới, cho dẫu thế nào.
Nhiệm vụ thật chết người, đánh đấm cái gì mà có cái bìa làng có bờ đất cao, có hầm hào sâu địch đã chiếm, có ngọn Bà Đen hiểm trở bên trái địch đã chiếm; còn chút rừng cao su bên phải có thể ẩn nấp, di chuyển được địch cũng đã chiếm. Nó chọn lựa địa thế, chỉ định mục tiêu, lãnh hết mọi phần thuận lợi và chừa cho người lính 25 hai cây số đồng trống để đưa những cái đầu mềm có trái tim cứng cáp một chút ra hứng pháo.
Bọn ác ôn khôn như cáo, mỗi lần pháo kích nó đốt khói đầy Núi Bà Đen, phe ta có đưa ống nhòm nhìn nổ con mắt cũng không biết pháo départ từ chỗ nào mà phản pháo. Còn cái cách nó xung phong nữa, đúng là hù người ta mà, lớp lang bài bản và tàn khốc kinh hồn lắm. Đầu tiên nó sẽ chơi hỏa tiễn AT-3 từ Núi Bà Đen xuống, rồi thổi sơn pháo 85 từ rừng cao su qua, cọng thêm cối 82, cối 61 giã như mưa từ Suối Đá. Nó chơi từng đứa để quần cho phe ta đừ. Chơi đồng loạt để phe ta ngóc đầu không lên, rồi nó thổi còi như giặc tới, nó la ó như cháy nhà, ào ra một cái đông như kiến, toàn là thứ áo quần kaki Nam Định, dân chơi thứ thiệt “sinh Bắc tử Nam.”
Suối Đá dữ như vậy nhưng không sao, chơi thì chơi, bộ bọn qua chưa từng thấy pháo, chưa từng thử sức với chính qui Bắc Việt sao? Mình biết nhau quá mà. Bọn qua không hay ho tài giỏi gì đâu, cũng không có chiến thuật, chiến lược tân kỳ mới mẻ gì hết, đơn giản lắm: “Ôm bờ mẫu, nằm tại chỗ, tác xạ.” Lệnh chỉ có vậy, vấn đề là có lì, có chịu chơi đủ để thi gan với nhau đến viên đạn cuối cùng hay không mà thôi. Bọn qua đâu có ớn, mấy em lên lẻ tẻ thì chơi M-16. Mấy em muốn tràn ngập thì xổ đại liên M-60. Mấy em còn xa thì câu M-79. Mấy em xáp lại gần thì thảy lựu đạn mini, cỡ nào cũng ôm bờ mẫu.
Nói thật tình, hỏa lực đối phương áp đảo quá, quân số đối phương áp đảo quá, ớn lắm. Ai cũng máu thịt cha sinh mẹ đẻ ra cả chứ có phải mình đồng da sắt gì mà không sợ. Ôm bờ mẫu, được rồi, nhưng sợ dần dà rồi có gan cũng không còn mạng mà tiếp tục cuộc chơi. Thực tế như vậy nhưng không sao, Pháo Binh đâu có bỏ bạn bè, tất cả các vị trí hỏa lực đều hướng nòng về Suối Đá. Tất cả các pháo đội hành quân lưu động đều nhận lệnh kéo về Suối Đá. Đạn 105, 155, 175 nổ chụp, chạm nổ và nổ trì hoãn thi nhau hỏa tập lên mục tiệu như sét giáng, như trời gầm mấy thằng em ngóc đầu không lên nhưng chưa hết đâu, “phở bò” ngưng tác xạ dùm đi, có gunship lên thế chỗ cho bạn rồi.
Cái đám “giặc lái” thường ngày vẫn thấy bận đồ bay, đeo súng Colt xệ xệ như cao bồi Texas, la cà ở mấy quán cà phê lấy le với mấy em nữ sinh không ngờ gan cùng mình. Phòng không của người anh em bắn như đan lưới mà dám lái trực trăng bay là là trên ngọn cây, phóng rocket quả nào quả đó bay ụ súng, tốc nắp hầm, đứng tim bể phổi người ta. “Đầm già” rời vùng thì bán phản lực A-37 sẽ ào tới, phản lực F-5 sẽ ào tới. Tiếng rít như xé trời, mảnh bay như vãi cát. Mấy thằng em khựng lại hết, dội ra hết, dĩ nhiên là lớp lớp tử Nam. Xin lỗi nghe, đợi khi nào thư thả và thuận tiện, chúng ta sẽ có thể ngồi lại với nhau để cùng nguyền rủa cái kinh tởm, tàn khốc của chiến tranh, còn bây giờ đã chơi thì phải chơi hết mình, mấy em không chết thì bọn qua chết, luật chơi như vậy mà, thông cảm dùm đi. Có trách thì trách đám lãnh đạo ở Bắc Bộ phủ đã lùa mấy em vào đây, còn bọn qua chỉ làm những việc phải làm mà thôi. Làm hết lòng nhưng không vui, nói thật tình.
Lính 25 ở Suối Đá đã chơi như vậy, đã ôm bờ mẫu bò lên, trường lên, lao lên. Ðưa đầu ra hứng pháo, trân mình ra lãnh đạn trong mười bốn ngày đêm. Lính tiếu lâm hay dùng chữ “chơi” để chỉ những lần giao tranh, những cuộc đụng độ, có lẽ để tự trấn tĩnh, để làm nhẹ đi mức độ căng thẳng, giảm bớt trạng thái kinh hoàng, nhưng ở Suối Đá, có lúc, chữ “chơi” đã được hiểu bằng nghĩa thật của nó. Cái loại SA-7, AT-3 gì đó dễ sợ thật, nó giống như phù phép trong chuyện Phong thần, cục lửa đỏ như bóng ma tà tà bay tới, như có mắt nhìn, như có tai nghe, muốn đáp xuống đâu thì đáp, muốn nổ lúc nào thì nổ.
Phe ta đi hành quân mỗi lần đầy gật thiết giáp, nổ đâu không nổ nó cứ nhè xe nào có nhiều cần ăng-ten là đáp xuống. Xe càng có nhiều ăng-ten càng có nhiều thẩm quyền lớn, tệ nhất cũng có một chi đội trưởng và một đại đội trưởng tùng thiết. Lớn hơn chút nữa sẽ có một chi đoàn trưởng và một tiểu đoàn trưởng chỉ huy cánh quân. Dễ sợ thật nhưng ở Suối Đá, nhiều lúc nằm ôm bờ mẫu nằm chờ giặc tràn lên riết cũng buồn, nhìn những cục lửa đỏ bay tới bay lui riết đâm quen, người lính quan sát và phân tích: Nó không có mắt có tai khỉ gì hết, nó kéo theo cái giây dài thòng phía sau tức là nó được điều khiển từ xa, cục lửa nổ chứ cái giây đâu nhằm nhò gì, kéo đầu nó lại thử ra sao và người lính nhào lên, chụp cái giây ghì lại, cục lửa khựng lại giật giật như diều bị kềm giây. Lính vỗ tay cười, nghĩ tiếp: Tên mầy là tầm nhiệt phải không? Muốn thì tao cho, bọn tao thiếu gì trái sáng, lại kia kiếm đi và nó kiếm thật. Trái sáng bùng lên, thằng em như con thiêu thân thấy ánh đèn, nhào lại, nổ đùng. Xong rồi nhé, vĩnh biệt cơn ác mộng hỏa tiễn tầm nhiệt. Bọn qua đã phế được công lực của em rồi, đã trị được em rồi, hết hù nhau được nữa rồi nhé, đi chỗ khác chơi đi.
Người lính khoái chí reo hò, đùa nghịch với thằng tầm nhiệt và thấy quên mệt, quên sợ, họ hồn nhiên chơn chất giữa cái sống và phút chết, cố tìm một chút vui, cố giả một nụ cười. Nếu người lính ở Suối Đá biết họ đang chơi với ai, có lẽ họ đã không chơi với thằng tầm nhiệt vui vẻ như vậy. Ông đầu tàu cứ luôn miệng bảo: Ráng lên mấy em, ráng tối đa đi mấy em! nhưng ông không nói rõ là phải ráng để sống còn với hai thằng đặc công D16 và D18. Hai E chính qui Bắc Việt và một trung đoàn pháo nặng. Người lính ở Suối Đá không được biết và cũng không cần biết người anh em đã chơi gác như vậy, đã lấy thịt đè người như vậy nhưng ăn thua gì, cỡ nào cũng phải chơi, biết hay không biết thì cũng phải cố tiến lên, không thể lùi một bước. Đó là danh dự mà cũng là sống còn. Chuyện như vậy đó, dễ sợ lắm và cũng hào hùng lắm nhưng đó không phải là lý do để tôi nhắc đến Suối Đá, càng không phải lý do để tôi đại ngôn bảo là vượt quá tầm thường, lớn hơn trí tưởng. Ở Suối Đá còn nhiều việc đáng nói hơn nhiều.
Tôi có nói là tất cả các đơn vị ở Suối Đá đều mất liên lạc vô tuyến. Sự thường điều ấy có nghĩa là tất cả đã thương vong, đã tan hàng thất tán hết. Suối Đá không giống như vậy, trong suốt mười bốn ngày đêm của trận chiến vẫn còn một người lính ốm súng ngồi dưới giao thông hào đồn Suối Đá. Chuyện có vẻ như không tưởng nhưng lại hoàn toàn có thật. Tôi không biết tên họ, số quân nhưng tôi biết cấp bực, chức vụ của người chiến sĩ đơn độc đó: Thiếu Úy, Phân Chi Khu Trưởng Suối Đá.
Sự thật, khi đồn Suối Đá bị tấn công, ấp Suối Đá bị tràn ngập, người sĩ quan trẻ này còn dưới tay mười một người lính và những người lính thổ địa này biết rành rẽ từng đường ngang ngõ tắt nên việc rút khỏi Suối Đá an toàn trước khi địch quân củng cố xong vị trí là điều không mấy khó. Không phải anh em muốn bỏ “ông thầy,” họ đã thuyết phục: “Thầy coi, đồn Suối Đá 1 không còn liên lạc được nữa, cả cái ấp này đầy nghẹt bọn nó lúc nhúc ngoài kia, một mình mình ở đây tứ đầu thọ địch không chịu nổi nữa rồi, phải di tản và hậu xét. Thầy đi với bọn em.”
Đúng, những người lính nói không sai, cái đồn ranh giới cuối cùng này quả đang đúng bên bờ vực thẳm, thẩm quyền nào cũng có quyền ra lệnh di tản trong những điều kiện như thế. Tuy nhiên, có một chút gì không ổn, đâu phải điều gì hợp lý cũng đúng, đâu cứ không có lỗi theo sự phán xử của đời thường là có thể thanh thản được với chính lương tâm mình. Bài Tiếng gọi quân trường đã bảo: “Đem máu hồng pha mồ hôi giữ non sông này” mà. Dẫu chỉ còn một người lính cũng chứng tỏ sự hiện diện, sự xác nhận chủ quyền lãnh thổ. Không thể bỏ Suối Đá, bước chân ra khỏi cổng đồn này có khác nào một sự phản bội và máu thịt của Tây Ninh sẽ nhỏ lại một chút, gấm hoa của tổ quốc sẽ mòn đi một chút, trách nhiệm ấy thuộc về người chỉ huy. Không thể được, người sỉ quan trẻ nghĩ như thế và anh quyết định ở lại, một mình.
Thật ra chữ “một mình” tôi dùng có lẽ không được chính xác, nó đúng khi chỉ lực lượng phòng thủ Suối Đá nhưng nếu kể về số người thực sự có mặt thì không. Người bạn trẻ của chúng ta có hai người “khách không mời”: hai tù binh bắt được từ chiều hôm trước, trước khi căn cứ bị vây hãm, chưa kịp giải giao.
Người sĩ quan trẻ lo củng cố vị trí phòng thủ: Những cái nón sắt được cắm cọc móc nhú lên khỏi bờ đất thoạt trông có thể lầm là có người bố trí kín bưng vòng đai. Người chiến sĩ trong tình cảnh vô vọng nhưng không tuyệt vọng, anh chạy vòng vòng dưới giao thông hào, chỗ này bắn một loạt M-16, chỗ kia xổ một tràng đại liên M-60, góc trái xịt một quả “si nhô,” cạnh mặt bấm một trái mìn định hướng, trận địa cũng ì đùng rôm rả lắm nhưng địch quân chắc thừa kinh nghiệm đế biết lực lượng phòng thủ không nhiều.
Tuy nhiên, công đồn chỉ là chuyện phụ, đả viện mới là mục tiêu chính. Con cá Suối Đá đã thọ thương, đã hết còn khả năng gây tác hại, cứ nằm im trên thớt đi, muốn thịt lúc nào cũng được. Vì thế suốt mười bốn ngày đêm của cuộc chiến không có cuộc tấn công nào nhắm vào căn cứ. Người lính trẻ sống giữa trùng vây quân địch với nỗi cô đơn cùng cực cùng thiên thu giờ khắc của những căng thẳng kinh hồn. Bị tấn công hay không, tính chất bi thảm vẫn không có gì khác nhau. Người lính đã trải qua những giờ phút tưởng không thể trải qua, đã chịu đựng những áp lực vượt quá sức chịu đựng. Như vậy đó, mười bốn ngày đêm.
Khi quân bạn vào bắt tay, người lính trẻ như đã già hơn mấy mươi tuổi, anh không đủ động tác để diễn tả nỗi vui mừng, không đủ ngôn ngữ để diễn tả nỗi vui mừng, chỉ đứng yên một chỗ và chảy nước mắt. Không ai có thể diễn tả được hết ý nghĩa những giọt nước mắt của một anh hùng. Tôi đứng nghiêm chào anh, bình sinh tôi vốn dễ cảm động trước những sự việc phi thường, những con người phi thường nên đã nghẹn ngào không nói thành lời, cứ đứng im và cũng chảy nước mắt. Trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng có tả cảnh một đại úy chỉ huy cánh quân bị vây hãm, khi được giải tỏa đã vào bệnh viện thăm em bé liên lạc đã liều mình chạy giữa làn đạn thù, hy sinh cả một bàn chân để kịp báo tin kêu quân tiếp viện. Viên đại úy đứng nghiêm chào và khi em bé sửng sốt hỏi lý do, đã trả lời: “Ta chỉ là một đại úy, còn em, em mới thực sự là một anh hùng.” Tôi muốn được nghe nhiều người trong chúng ta nói với người lính trẻ ở Suối Đá những lời như thế.
Người sĩ quan trẻ đã được tư lệnh mặt trận bốc trực thăng về Củ Chi gắn thêm một hoa mai vàng trên bâu áo nhưng tôi biết anh không vui. Vinh dự của mỗi cá nhân cho dẫu có lớn đến đâu cũng không thể nở hoa cho những trái tim đã héo úa vì những mất mát chung. Lấy gì đền bù cho những giọt nước mắt của người mẹ già. Lấy gì đền bù cho nỗi đau ngất liệm của người vợ trẻ. Vui sao được trước vành khăn tang quấn vội trên đầu những em bé thơ!
Mỗi người lính còn sống đã chứng kiến rất nhiều cái chết của anh em đồng đội mình. Tôi cũng vậy, đơn vị được đón về sân vận động Long Hoa, nhiều tuyên dương công trạng được tuyên đọc, nhiều huy chương mới, cấp bậc mới được trao gắn, nhưng giữa rừng cờ xí, giữa tiếng trống kèn quân nhạc, trong lòng mỗi anh em chúng tôi khi rời Suối Đá, đã để lại một phần trái tim buồn rầu của mình ở đó. Không bao giờ tôi có thể quên được hình ảnh Chuẩn úy Trần Hồng Thu và toàn thể tiểu đội vũ khí nặng của em, tám ngưới, đã bắn đến viên đạn cuối cùng và đã cùng ra đi, chắc với nỗi lòng thanh thản cho dù thân xác của mỗi người bị đâm hàng trăm nhát lưỡi lê.
Trần Hồng Thu, chính em, đã tự chọn lựa con đường cho mình. Quân đội dẫu có tổng động viên cũng chưa đụng đến em, cậu bé mười bảy tuổi có bằng tú tài đó đã tình nguyện vào Thủ Đức, rất ít phần coi binh nghiệp như một cách tiến thân, rất nhiều phần do tiếng gọi vô hình về sự lâm nguy của tổ quốc.
Ngày Trần Hồng Thu trình diện đơn vị, hiệp định Ba Lê đã được ký kết. Một hy vọng mới được nhen nhúm, quân đội dọn mình để thích nghi với nhiệm vụ xây dựng trong thời bình và thể chất là việc trước tiên phải lo. Ở bìa rừng cao su Dầu Tiếng, 5 giờ sáng mỗi ngày sau ca gác cuối, mọi nơi vang lên tiếng kèn thể dục. Trần Hồng Thu nhỏ người nhưng lớn giọng, bao giờ cũng chạy trước hàng quân, hô lớn để anh em lập lại: Ta là- chiến sĩ- Bộ Binh- Không thích- Đi xe- Chỉ thích- Chạy bộ- gặp sông- Ta lội- gặp núi- ta trèo- gặp đèo- ta qua- Đại Ðội Ba- Tiến.
Đại Ðội 3 và Chuẩn Úy Trần Hồng Thu đã làm đúng theo lời nhật tụng của mình. Không tiến được cũng không lùi một bước, quân đội không rườm rà bóng bẩy gì cả, gọi như thế là ngon lành. Không ngon sao được, Đại Ðội 3 do Trung Úy Thắng “mát” nắm mà. Xin lỗi bạn, bạn biết đó, khi đặt hỗn danh cho bạn không ai coi bạn là bất bình thường, bạn chỉ khác thường thôi. Không khác thường mà xuất thân lò Chiến Tranh Chính Trị, đàn anh khóa hai, được đào tạo để đánh giặc bằng cái đầu, cây viết và ba tấc lưỡi, bạn đã xin xuất ngành để trở thành lính Bộ Binh, ám số chuyên nghiệp 240 để nắm đại đội.
Ước mong của bạn thật nhỏ: Được coi tiểu đoàn để chấm dứt tình trạng bắt anh em đi lính cho câu lạc bộ. Lính khổ quá, buồn quá, nghỉ ngơi ở đâu một chút, xe Dodge của hậu cứ chở hàng lên giá nào cũng chơi, ký sổ mà, và đến cuối tháng, từ bàn ông sĩ quan tài ngân, bước qua bàn ông quản lý câu lạc bộ và nhẹ túi bước ra ngoài, nên lính đùa là đi lính cho Câu Lạc Bộ. Thắng muốn dẹp nạn móc túi người lính và chỉ có thể làm được khi chính mình có quyền. Tiếc thay anh chưa kịp “cứu” anh em thì chính anh lại bỏ anh em. Chiều ngày 28 tháng 4/1975, Trung Úy Nguyễn Đức Thắng đã trở thành cố Đại Úy.
Phần tôi, biết nói sao khi rời Suối Đá tôi đã để lại rất nhiều máu, hòa với máu của hai thằng em mang máy thân thiết. Trái hỏa tiễn nổ gần đã hất anh em tôi băng khỏi mặt đất. Mấy giây mất cảm giác rồi tôi vuốt được mặt mình, thấy đau ở sống mũi, nghe vị mặn của máu trên môi, biết mình có thể đứng dậy nhưng hai thằng em thì không. Lời hứa “ráng lên, ra lần này anh cho mấy chú đi phép” không còn cần thực hiện. Hai người lính trẻ không còn cần về phép, họ đã về với đất mẹ.
Bây giờ, mỗi lần rửa mặt soi gương, nhìn vết thẹo nhỏ còn trên sống mũi tôi nhớ Suối Đá, nhớ Tây Ninh, nhớ những anh em đồng đội đã nằm xuống ngậm ngùi hay đang sống ngậm ngùi.
Ngày hết là lính tôi còn trở lại Tây Ninh thêm một lần nữa trong một chuyến đi rất buồn. Mười hai giờ đêm ngày 26 tháng 6/1975, đoàn xe bịt bùng có bốn người lính Bắc Việt ôm súng gườm gườm áp tải chở anh em chúng tôi rời trường Võ Trường Toản ra Hồng Thập Tự, quẹo Đinh Tiên Hoàng, theo Hiền Vương, Lê Văn Duyệt đến Bảy Hiền và tiếp tục lên nữa. Xe trùm vải bạt kín bưng không ai thấy gì nhưng tôi biết mình đang đi đâu. Tôi cảm được một chút An Hạ, một chút Trâm Vàng. Tôi nghe được tiếng xào xạc của lá rừng cao su vên vên, Trà Võ. Tôi ngửi được mùi gió thơm lồng lộng thổi từ sông Vàm Cỏ. Tôi nhận ra được nét thân quen của người bạn cũ Tây Ninh.
Bảy giờ ba mươi ngày 27, anh em chúng tôi bị lùa xuống xe giữa căn cứ Trảng Lớn, có tiếng lao xao kêu gọi sắp hàng, có những lời chào mừng ngọt ngào bóng bẩy nhưng tôi không nghe được gì, không nhìn thấy gì. Doanh trại vẫn chưa thay đổi gì nhiều, người lính vẫn còn cảm được nguyên vẹn mùi lính quen thuộc nhưng tình thế đã đổi khác.
Đây là bộ tư lệnh tiền phương cuả sư đoàn, tôi đã nhiều lần cầm bản đồ vào đây để họp hành, thảo luận. Chúng tôi đâu chỉ biết nói chuyện tác chiến, hành quân, người lính đang dọn mình để đón hòa bình có nhiều điều để nói lắm. Đạo Cao Đài tin là sẽ có ngày mở hội Long Hoa nhưng không biết cái hội thiêng mơ ước ở cõi xa xăm nào đó bao giờ mới được mở ra, riêng người lính ở Tây Ninh tin là chỉ cần có hòa bình, đời sống sẽ nở hoa ở ngay cõi đời này, trên vùng đất này. Tôi cũng tin như thế vì tôi thực sự yêu mến Tây Ninh, tôi tin đất, tin người Tây Ninh. Tiếc thay, Tây Ninh quả đang chia với tôi chút hòa bình nhưng là thứ hòa bình rơi nước mắt và bạn đang lận đận ngoài kia, và tôi đang lao đao trong này, giữa vòng rào Trãng Lớn.
Những ngày ở trại, buổi chiều tôi thường ngồi trên một bờ đất nhỏ nhìn xuyên qua trùng trùng những lớp kẽm gai dõi mắt về phía Cầy Xiên. Tôi có nhiều kỷ niệm ở cái xóm nghèo heo hút đó. Hồi cuối năm 1973, trên nguyên tắc lệnh ngưng bắn đã có hiệu lực, đơn vị tôi được rút về dưỡng quân và phòng thủ ở Cầy Xiên. Đây là những ngày rất vui. Người lính lau lại súng, kháo chốt an toàn; sáng sáng sắp hàng hát nhạc chính huấn, ôn lại quân kỷ, quân phong, nghe sĩ quan ban 5 thuyết trình về hiệp định đình chiến, về kế hoạch hậu chiến và cả quyết tâm tái chiến. Người lính rạng rỡ khuôn mặt, hô lớn “cố gắng” lúc tan hàng rồi vội vã tản ra khắp xóm, uống với ông bác một tách trà thơm, ăn với bà thím một nồi sắn luộc, chép cho cô em một khúc vọng cổ mùi.
Đêm đêm bố trí quanh quanh, nhìn được chút ánh đèn, nghe được chút tiếng cười con trẻ, đổi gác có thể đi thẳng lưng, buồn buồn có thể che tay sơ sài rít vội vài hơi thuốc lá. Người lính hít được một chút bình an, thở được tí mùi êm ả, chụp vội một chút niềm vui. Có một chút nhậu nhẹt, có một chút phá phách. Thông cảm giùm đi, cho lính nghỉ một chút, chơi một chút. Không lâu đâu, người lính biết có những chông chênh, có nhiều bất ổn. cái hiệp định quái quỉ ở Ba Lê được ký bởi Mỹ và thằng Bắc Việt, chúng ta chỉ ké vào, hàng ngang với cái quái thai Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Một vết nhơ, một nỗi nhục. Người lính biết địch quân đang vội vã bổ sung quân số, đang hối hả bôn tập vượt biên giới và người lính chờ, súng có khóa an toàn nhưng đạn vẫn ở trên nòng.
Ngày đó tôi có rất nhiều bạn nhỏ, đám trẻ ở vùng giáp ranh này không lạ gì với hình ảnh những người lính nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có anh trung úy chịu chơi, chịu ngồi bệt xuống đất thành vòng tròn với các em, chia với nhau miếng đường thốt nốt, cùng ca hát và đùa vui. Các em nhỏ vui lắm và những giọng hát trong trẻo, lảnh lót của các em đã làm tươi lại nụ cười của người lính, làm ấm lại, bừng lên sức sống của xóm nghèo.
Mấy ngày nay không nghe tiếng súng, không nghe giọng rít của pháo binh, không thấy phi cơ nhào lộn oanh kịch Hãy vui lên các em, hãy vui nhưng phải biết là có những tạm bợ, có những mong manh và hãy coi chừng. Hãy hát khúc Bình Ca nhưng phải sẵn sàng một Giao Thông Hào Thép: “Chiều nay, rừng núi xôn xao, cờ phất phới bên giao thông hào, trong tiếng hoan hô hòa bình, đừng quên quân thù còn đó. Này anh tiền tuyến thân yêu, lòng hố cá nhân kia đang chờ, ôm súng trong tay bền lòng, vì quân phương bắc còn đây.”
Dẫu sao, hãy kiêu hãnh và tin tưởng, chúng ta có thừa cam đảm, chúng ta có thừa quyết tâm và nhiều hy vọng mà: “Ngàn người ngã gục thì vạn người đứng lên, mình mà ngã gục, thì dòng Lạc Hồng sáng tên. Đứng lên, đứng lên cùng một lòng. Cứu nguy cứu nguy người Việt hùng. Dù xương phơi trắng đồng, ruộng xanh loan máu hồng, cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn.”
Phải cảnh giác, phải sẵn sàng nhưng ai cấm chúng ta mơ ước: “Bum, bum bum bum, bum bùm, hồi trống vang lúa gạo sản xuất mỗi năm thêm điều hòa, tiếng chày rong đến tăng gia, tiếng cười trẻ thơ bay xa. Anh em hởi thôn làng đang xây đắp, ấm no thanh bình tái thiết Việt Nam, hỡi Việt Nam.”
Vậy đó, những ngày yên bình ngắn ngủi, rồi người lính lại mang ba lô lên vai, súng cầm tay đi về phía trước. Không ai ngờ có ngày người lính trở thành người tù, ngồi rong vòng rào trại giam xót xa nghĩ đến lớp lớp đồng bào đang thất thần ngơ ngác trong các nhà giam lớn không có vòng rào trên cả nước.
Ngày ở Trảng Lớn tôi được “dạy” về một thời đại anh hùng theo kiểu cô du kích dùng liềm móc, kéo càng trực thăng. Tôi được nghe xưng tụng về một thiên đường có tủ lạnh chạy đầy đường ở Hà Nội. Tôi được hướng dẫn xây dựng đất nước to đẹp bằng năm bằng mười bằng cách phá phi đạo phi trường lấy vỉ sắt lót chuồng heo, phá cột thép đài kiểm báo lấy thép chữ U rèn dao, rèn rựa. Tôi đứt ruột nhìn căn cứ Trảng Lớn tan ra từng mảnh. Ðứt ruột biết tài nguyên của đất nước, đạo nghĩa của xã hội và tâm hồn của từng con người tan ra từng mảnh.
Tôi sống mà như đã chết một nửa, rồi cũng đến ngày tôi rời Trảng Lớn. Gặp gỡ và chia lìa, người tù bị thay đổi liên tục, bị xào xáo liên tục. Đợt anh em đầu tiên đi Phú Quốc, đợt kế tiếp đến Long Giao rồi đến phiên nhóm chúng tôi chuẩn bị lên xe. Anh em chúng tôi lần lượt ra đi, cắn răng bỏ lại hai người bạn hồn phách không biết nơi đâu nhưng thân xác còn vùi trong hai nấm mồ cô đơn, lạnh lẽo trong vòng rào Trảng Lớn
Anh Ngô Nghĩa, chúng ta không quen nhau nhưng trong một nghĩa nào đó, rất gần với nhau. Chúng ta cùng đeo chung một phù hiệu trên vai áo. Ôi! cái nền xanh tươi thắm cùng cái vòng tròn đỏ ngạo nghễ và tia chớp dũng mãnh đó làm sao có thể quên được! Thích hay không thích đời lính, người lính vẫn luôn yêu mến và hãnh diện về cái phù hiệu của đơn vị mình.
Chúng ta là anh em hiểu theo nghĩa gần nhất, vậy mà bây giờ tôi sắp phải đành đoạn bỏ anh mà đi. Hôm tụi nó xử anh bằng cái tòa án rừng, kết tội anh bằng một bản án rừng, nhiều anh em chúng ta bị bắt buộc phải đi coi và trong nhiều đêm liên tục sau đó, bị buộc phải họp thảo luận đề tài: “Vì sao Ngô Nghĩa phải chết” và mỗi anh em đều phải tìm cho ra một lý do để “giết” anh. Ai cũng phải làm như vậy cả dù đau xé trong lòng, anh biết cái thế “cá chậu” của bọn mình mà. Dẫu sao, xin cảm ơn anh, Ngô Nghĩa. Sự hy sinh của anh đã giúp chúng ta nhận rõ thêm bộ mặt của kẻ thù, bởi vì: “Tội ác đâu chỉ là bắt người ta khóc. Tội ác còn là bắt người ta cười khi phải khóc” (Thơ Nguyễn Phạm Thái).
Vĩnh biệt anh, Pháo binh Trung Úy Ngô Nghĩa.
Anh Mai Gia Thược, tôi không biết anh, quân đội ta không có nhiều dược sĩ, anh chắc phục vụ ở một quân y viện, quân dược phòng nào đó ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ hay một thành phố lớn nào đó còn tôi thì ở ngoài rừng. Chúng ta ở xa nhau lắm nhưng chắc chắn hai đứa đã có những lúc rất gần. Chúng ta đã từng có chung cái Khu Bưu Chính mang số bốn ngàn một trăm, chúng ta cùng có ba phút mỗi bữa ăn, nuốt vội chén cơm nấu dở ở nhà bàn Thủ Đức để đủ giờ chạy ra các bãi tập trên đồi Tăng Nhơn Phú. Chúng ta cùng có lúc nôn nao nhìn ngắm bộ đồ đại lễ hồ cứng thẳng tưng, giày phép bóng lưỡng, ngù biểu chương vàng áng sáng choang chuẩn bị cho lần phép đầu sau kỳ huấn nhục. Chúng ta cùng có lúc ứng chiến ngày, ngôi mơ màng trên vọng gác tuyến A, nhìn đất trời ngoài chợ Nhỏ hay thơ thẩn bên cổng số 9, nhìn cây đa già ngoài xóm Gò Công và cùng “Cư an tư nguy.”
Anh Thược, tôi đã quá dài dòng khi nhận dạng anh em. Không cần thiết như vậy đâu, chỉ cần xỏ vào người bộ đồ mang nhãn hiệu quân nhu, chia với nhau nỗi đau của một dân tộc khốn khổ, chịu với nhau cái nhục của mộ quân đội oan khiên, chúng ta đã thực sự là “anh em mình” rồi. Bữa anh nằm xuống nhằm giờ phát cơm và mặc dù không biết anh đi vì một phút yếu lòng tuyệt vọng, hay là một thái độ phản kháng tích cực, tất cả anh em chúng tôi, những người tù còn lại của cái L1-T5, hòm thư 7591 không ai nuốt trôi hột cơm nào trong bữa trưa ngày hôm đó.
Sau này, không biết anh em nào đã ghi tên anh vào cuốn sổ thờ ở cái miếu nhỏ của Tiểu Ðoàn 2/49. Ngày còn ở trong hàng, không cần chờ lệnh ai, chỉ huy trưởng hậu cứ sẽ trân trọng phủ cho anh một lá quốc kỳ và đặt trước linh cửu của anh dòng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn.” Lá quốc kỳ ấy, dòng chữ ghi ơn ấy, bây giờ, đang ở trong lòng chúng tôi.
Vĩnh biệt anh, Dược Sĩ Trung úy Mai Gia Thược.
Tôi rời Tây Ninh lúc trời nhá nhem tối, đoàn xe chạy ngang con phố nhỏ đìu hiu. Tôi không nhìn thấy quán Phú Lai, không nhìn thấy quán sách của cô chủ răng khểnh, tôi không nhìn thấy gì hết ngoại trừ nét buồn thảm và nỗi cô quạnh mông mênh, cùng khắp. Xe ngừng lại ở Gò Dầu: mưa chuối chiên khoai luộc; mưa Nông Nghiệp, Vàm Cỏ, Samit tới tấp thảy lên xe. Trái tim người lính ấm áp một chút, không phải vì thức ăn, không phải vì thuốc hút mà vì hơi ấm của tình nghĩa Tây Ninh. Cảm ơn ông bà, cảm ơn mẹ, cảm ơn chị, cảm ơn em. Cảm ơn nhưng xin nói thật lòng: Chúng tôi không đáng. Dẫu thế nào, người lính đã đắc tội, đã phụ lòng. Chúng tôi mang ơn và chúng tôi mắc nợ với tất cả, món nợ danh dự một đời.
Lần cuối ở Tây Ninh tôi đã cúi đầu, im lặng; bây giờ tôi vẫn còn cúi đầu nhưng đã có thể nói với các em nhỏ ở Cầy Xiên rằng bão dữ đã tàn lụn ở nhiều nơi, bão dữ đang lụn dần trên quê hương của chúng ta, lụn dần chứ chưa phải tắt hẳn nhưng chúng ta biết, chúng ta đã từng nhắc nhở nhau: “Anh em ta ơi, đường dài còn dài, còn nhiều trở ngại, còn nhiều gian khó, anh em ta ơi, kiên tâm kiên gan quyết tâm ta vượt qua…” Cho dù ‘chân có mỏi’ nhưng nếu ‘lòng ta gang thép’ thì nhất định sẽ có ngày ‘trên đầu súng quê hương tổ quốc sẽ vươn mình’ và khi ấy nhất định tôi sẽ trở về thăm Tây Ninh, trở về Cầy Xiên tìm các em, những người bạn nhỏ, chúng ta sẽ ngồi lại với nhau dưới gốc cây vú sữa, sẽ đốt lại cây đèn khí đá, kéo nhau ra soi ếch trên cánh đồng rộng bên vành đai đồn Trảng Lớn. Không còn mìn bẩy, không còn đầu nổ 79, không còn đạn lạc tên bay. Chúng ta sẽ thoải mái cười ha hả, uống với nhau một bữa rượu đế ngây ngất đất trời rồi khi tỉnh dậy sẽ bắt đầu một ngày mới.
Trễ quá rồi, phải tận hết sức mình đi nhanh về phía trước và chờ ngày mở hội Long Hoa. Hội sẽ được mở ở Tây Ninh mà, nhiều người nói như thế.
- Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính Nguyễn Mạnh An Dân Truyện ngắn
- Qui Nhơn, Bình Định trong thơ người lính Trần Hoài Thư Nguyễn Mạnh An Dân Tạp bút