1. Head_

    Duy Thanh

    (11.8.1931 - 24.11.2019)

    Tuệ Sỹ

    (15.2.1943 - 24.11.2023)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Bên Ngoài Hàng Rào (Nguyễn Lệ Uyên) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      28-7-2021 | TRUYỆN

      Bên Ngoài Hàng Rào

       NGUYỄN LỆ UYÊN
      Share File.php Share File
          

       


      1.


      Người đàn bà ấy lại tới. Lần này một mình. Váy màu da báo đốm, hở vai. Guốc cao gót. Mũ rộng vành che khuất khuôn mặt và chiếc kính râm.


      Ghế mộc lỏng chỏng ngoài hàng hiên là đối tượng đầu tiên để bà ta vén váy ngồi xuống, sau đó vất túi xách, tháo mũ, tháo kính bỏ bè ra bàn.


      Giáo Mẫn không ngoái nhìn, tiếp tục công việc. Giả lơ, kéo sụp đôi mắt chong vào hai bàn tay nhào nặn. Những lọn cỏ khô cuốn lấp trong lớp bùn sỏi ướt. Vài cọng lòi ra như rằng chúng phản ứng lại sự vò đạp vô cớ. Mãi lúc sau ông mới đứng lên bỏ cả hai chân vào đống đất áo chỉ bằng chiếc thau giặt, dẫm đạp liên hồi như thể trút cả cơn bực tức vào đó.


      - Đủ rồi, anh Tư.


      - Cô đợi xong chút đã. Trám lại mấy chỗ bể sứt cho xong, để lâu đất áo khô, khó trét.


      Bình thường chỉ cần ba phút là xong chỗ lủng bể nhỏ bằng chiếc trã, nhưng lần này giáo Mẫn nhấn nhá, đắp lên cào xuống, xoa xoa, khư ra rồi đắp lại, dùng cả bàn tay và cả hơi thở miết lên chỗ mới trám đến năm lần bảy lượt như đang phình ngực, địu hơi làm dịu cơn nghẹn thở.


      Miễu này lâu lắm rồi, đến hơn thế kỷ, thờ các nghĩa binh Cần vương bị giặc chém đầu. Dân làng truyền miệng vậy, gọi miễu thờ Đầu. Rồi họ thêu dệt lắm chuyện hoang đường: Những đêm trăng sơ huyền hay khuyết nguyệt binh đao khua rổn rảng, tiếng ngựa hý vang động sau ngọn đồi thấp khiến cây cỏ rung lật bật, dòng sông đằng xa cũng nổi ba đào như thể bầy thuồng luồng rượt đuổi nhau.


      Thời cha ông của họ, xuân thu nhị kỳ đều cúng tế trang trọng. Nhưng khi chiến tranh đổ xuống, dân làng lo giữ mạng sống hơn là hương khói các nghĩa sĩ. Lòng tưởng nhớ cộng với sự thành tâm dẫu có to lớn cỡ nào cũng bị bỏ rơi. Tất cả kéo nhau xuống thị xã lánh nạn sau một trận bom xăng khốc liệt. Họ đi biệt, chẳng ai nhớ đến ngôi miễu thiêng nữa! Cỏ dại, rồi lùm bụi cao thấp, lớn nhỏ theo thời gian rờ chạm vào chân vách, đánh đu lên mái, cỡi lên hạt châu, lên bốn con dao hình thanh kiếm dựng ngược trên bốn mái úp, rồi che khuất ngôi miễu, đè ép nó co rúm lại như một nỗi sợ hãi thường xuyên xuất hiện trên những bộ mặt hơ hãi của dân làng…


      Hình như quá mức chịu đựng, người đàn bà đứng lên, nắm vai áo giáo Mẫn:

      - Anh có trám bít lỗ này thì lỗ kia cũng rụng ra. Anh quá hiểu chuyện đó mà. Anh nghĩ mà coi, miễu già đến gần hai trăm năm! Bộ dạng nó như thế nào anh biết rồi còn gì. Mái thì ễnh cong, lủng lỉu. Tường tróc thủng từng mảng lớn nhỏ như chiếc rổ sảo. Rui, kèo, xiên, trính… dính hờ với nhau nhờ vào lớp khí trời xin xỉn nước vo gạo! Anh còn tiếc cái giống gì? Mà cũng đâu phải của riêng cha ông anh xây dựng nên?

       

      - Xin cô đừng nhiếc móc, tội vong linh kẻ khuất mặt.

      - Thôi đi. Tôi chỉ nói thực, sao gọi nhiếc móc?

      - Có trách, cô hãy trách tôi.

      - Thì tôi trách anh đó?


      - Sao nào? - Giáo Mẫn nói và đứng lên, để nguyên hai bàn tay bê bết đất lên mặt bàn sần nhám, ngồi xuống chiếc đẩu long chân nghe thành tiếng.


      - Anh hãy dẹp cái lịch sử mốc cời kia sang bên được không? Anh bám vào quá khứ để được cái gì, bất quá người ta cũng tặng cho anh hai chữ ông từ! Hơn chút là những đồng bạc lẻ cúng dường lỏng chỏng trên chiếc dĩa sành sứt mẻ!


      - Hình như cô đang xúc phạm tôi đó?

      - Tự anh đánh mất anh, rồi tự xúc phạm chính anh. Đủ chưa?

      - Đến lần này, chỉ chừng ấy thôi sao?

      - Tôi nhắc lại với anh rằng, miễu sẽ bị triệt xuống và đầu tháng tới sẽ làm lễ động thổ để xây ngôi chùa mới trên nền miễu cũ. Mọi thủ tục đâu vào đấy.

      - Tôi không ý kiến - giáo Mẫn nói và định nhổm đít lên.


      Người đàn bà đưa mắt xói vào tận mặt giáo Mẫn như vết lia của thanh kiếm sắc lẹm:

      - Không ý kiến là sao? Anh đến xứ chó gà đá muối này và anh đã tìm thấy nó. Anh sử dụng như của riêng mà đến cả mấy đứa làm tiền dẫn khách đến các lùm bụi sau miếu cũng phải xin phép anh, thì tôi thưa với anh một tiếng có mất mát gì?


      - Tôi xin cô!


      - Cả thị trấn heo hút này ai không biết chuyện anh che chở bọn họ và cũng không ai biết rõ ràng động cơ nào… mà thôi, không nói nữa, kẻo lại xúc phạm giáo sư.


      Giáo Mẫn chết trân. Ông không thể nào mở miệng để phân giải thiệt hơn. Vụ việc xảy ra giống như một hòn đá ai đó nổi giận, ném sượt trước mặt, như một cơn dông lốc ào ào kéo tới giật phăng, vặn đổ mọi thứ trên đường quét. Cái còn lại là một vòng nước kín mặt, là những đống bèo nhèo trên mặt đất.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2.


      Miễu ở chốn đèo heo hút gió, là miễu hoang, hiếm khi có bóng người lai vãng. Đêm, giáo Mẫn tụng vài thời kinh cầu an, thắp nén nhang rồi tắt đèn. Ông co ro bên tách trà nguội, bập phà điếu thuốc rê khét lẹt, chẳng mấy khi nhìn ngó ra ngoài. Mà, quanh đây có gì để dòm ngó, canh giữ ngoài mấy con gà nuôi ẩn mình đâu đó trong chòm lá rậm rịt trên cành cao? Vậy mà cuối cùng cũng có tiếng hô hoán, tiếng bước chân chạy rầm rập, tiếng thở dập khúc hổn hển nghe rất gần “tụi cháu bị cảnh sát… chú làm ơn”. Quán tính thiện lương trong người giáo Mẫn nổi lên. Ông chạy trước, kéo tất cả xuống cửa hầm nông choẹt vốn của dân làng đào để tránh đạn pháo thời chiến tranh sau miễu, nay chỉ còn vết lõm sâu, phủ kín dây leo.


      Lúc quay vào, năm sáu viên cảnh sát đứng lố nhố trong sân, hỏi ông có thấy đám người chạy tới? Ông nói có nghe tiếng chân, hình như họ băng qua ngọn đồi ra phía bờ sông. Tiếng cảm ơn. Tiếng bước chân lạo xạo rồi mất hút trong bóng đêm.


      Giờ này, đối diện với sự giận dữ sần sượng của người đàn bà ngồi trước mặt, giáo Mẫn tự hỏi, mình có tiếp tay bao che cho mấy cô gái điếm kia không, thì chỉ có trời biết, đất biết và trái tim ông biết. Còn lại thì thân phận ông giờ này bị người đàn bà đem kéo căng trước tấm gương chiếu yêu tìm cho ra từng cọng lông, vết xước, cùng với sự nhìn thấy những hình thù tròn méo đậm nhạt ẩn bên trong ông khá dị hợm.


      Những khi rổi rảnh, hẳn có ai đó chợt nhớ tới ông giáo rồi tự hỏi: Ừ, sao ông lại tới nơi này, ngụ lại trong ngôi miếu đổ nát, hương khói không sót ngày sóc ngày vọng? Những câu hỏi đặt ra; những câu trả lời tiếp liền, lớp này chồng lớp khác bày ra bừa bộn, không khác những lớp đá củ đậu củ khoai phơi trần quanh khu miễu thờ Đầu!


      Vậy đó, cuối cùng giáo Mẫn mang tiếng là tên ma cô dắt gái, nhưng cũng may chưa ai ở xứ này phát hiện ra Mẫn từng là ông giáo, từng làm những trái tim non dại đập loạn nhịp với những bài giảng trích dẫn từ những câu thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính… trừ người đàn bà đang ngồi trước mặt ông.


      Người đàn bà đó chính là cô, người đang ngồi đối diện giáo Mẫn. Xưa, cô đẹp lụa là, sang chảnh, là con ông quan đầu tỉnh, một lãnh chúa đầy ắp quyền lực, từng yêu điên cuồng những câu thơ ngôn tình rồi điên cuồng “yêu” giáo Mẫn, đến nỗi quan phụ mẫu ra đòn độc hạ gục anh giáo tép riu, hắt đời anh vào thùng rác y như búng mẫu tàn thuốc rồi ra chân chà xát. Giáo Mẫn chẳng hề buồn giận, chỉ bẻ đôi viên phấn, moi đất lấp xuống sau sân trường coi như biểu tượng tự chôn mình.


      Vậy là xong.


      3.


      Ad-22 Ad-22

      Giáo Mẫn bỏ xứ đi biệt, mưu sinh đủ loại nghề bằng cơ bắp: khuân vác trong chợ đầu mối, thông vét cống rãnh, phụ hồ, thợ vịn… chẳng buồn nhớ lại chuyện xưa, như mụt ghẻ liền da, không còn những cơn ngứa lợn cợn.


      Cuối cùng thì ông về với ngôi miễu này trong sự tình cờ ngẫu nhĩ, tự coi như ngôi nhà của tổ tiên. Đêm nằm nghe mối mọt nghiến trèo trẹo mà như nghe mạch máu các nghĩa binh chảy mãnh liệt trên các trụ đỡ xiên trính kèo cột. Ông mơ màng tiếng binh khí loảng xoảng ngoài bìa sân. Ông nghe tiếng "Sát Thát" cuộn trên nóc miễu dội vang ra tận bờ sông…


      Người đàn bà đột ngột lên tiếng:

      - Tôi nghĩ anh là người trí tuệ, mẫn cảm với những vòng quay của thời đại. Vậy thì từ ngôi miễu hoang, xây mới lại thành ngôi chùa, đêm đêm các nghĩa sĩ của anh cùng nghe tiếng kinh kệ mà siêu thoát.


      Rồi không đợi giáo Mẫn ý kiến, cô mở xách lôi ra tờ giấy khổ lớn, mở banh ra trước mặt giáo Mẫn. Đó là bản vẽ ngôi chùa mà cô có ý định xây cất trên mảnh đất này. Thoạt nhìn, ông cảm thấy trên từng nét vẽ ám đầy mùi vị kim tiền.


      Cô giải thích:

      - Mọi thủ tục pháp lý coi như xong xuôi, chỉ chờ ngày khởi công. Nhưng dẫu sao cũng phải thưa với anh một tiếng. Rồi thì nó cũng sẽ là của anh. Với lại, nó không chỉ là ngôi chùa bình thường như những ngôi chùa làng, mà tôi đẩy nó cao hơn chút, biến thành khu du lịch tâm linh, bởi phía sau chùa có ngọn đồi thấp, có dòng sông đủ để sắp đặt mọi sinh hoạt, giải trí, tu tập, hành thiền…


      Nhưng còn có cái này quan trọng hơn, tôi đề nghị với anh: Trong lúc xây dựng, anh sẽ về chùa Sơn Linh, quy y thọ pháp với sư Kim Tuệ… và hai năm sau anh sẽ quay về trụ trì. Mọi việc tôi lo tất.


      Làm như không nghe, giáo Mẫn đứng lên, bước ra hiên thấy ngay quầng sáng đỏ bầm bị ép sau những đụn mây đen làm như phía đằng đông có bóng một ông sư nào đó tung hẩy trong đám cháy.


      Ông quành một vòng, nhiều vòng quanh miễu rồi lộn ngược lên đỉnh đồi.


      Đứng ở đây, có thể nhìn thấy dòng sông hẹp uốn khúc trước mặt giáp cánh đồng cát. Ngút tầm mắt, chỗ đỉnh cong lờ mờ làng xóm lấm chấm chân ruồi màu xám, xám như màu tro mà ông đã từng nhìn thấy trong các nông trường, khu kinh tế, im lìm, ngái ngủ, đứng biệt lập, bị đẩy ra xa các chuyển động hằng ngày trước kia.


      Nghĩ cho cùng, con người không có quyền lựa chọn nơi sinh ra, nơi lớn lên, nơi phải sống. Không ai tính trước được điều gì sẽ xảy ra, chuyện gì sẽ đón đợi mình phía trước? Đó, mấy bóng người ngồi bệt xuống con lạch cạn ngoài sông, hai tay cào xoắn dưới lớp cát, đãi từng con hến, ốc gạo... tới đứng bóng, xế chiều trong rổ của họ sẽ đầy hay lưng lửng? Y như ông, đâu ngờ có ngày được đẩy tới ngôi miễu này rồi lại sắp sửa bị đẩy ra? Ông có cảm giác như mình vừa bước tới một bước, lập tức lùi ba bước!


      Cú lùi này đang xảy ra với kẻ thất thế là ông; y như khi nhóm bếp: những thanh củi ẩm bén lửa khó khăn, toàn khói. Khói bay mù mịt gian bếp hẹp, khói làm chảy nước mắt.


      4.


      Trước sân miễu, người ta bày ra chiếc bàn vuông khổ to, đặt bình hoa huệ trắng. Cỗ bồng trái cây chất cao hình tháp. Khắp mặt bàn là chè xôi, bánh ngọt… các thứ. Bức tranh vải hình Quan Âm nhìn tất cả đồ cúng.


      Trên ba chiếc bàn tròn nhôm đặt thẳng hàng phía sau là ba con heo quay, mỗi bên có thêm hai con gà vàng ươm, giò cánh tréo ngược lên đụng với đầu bị vặn ra sau. Mỏ lại cắm mấy bông điệp vàng.


      Khi nhìn thấy người đàn bà đứng khấn vái, tự dưng nước mắt ông ứa ra. Bà ta bước lui một bước rồi sụp lạy. Các thầy cúng, nhà sư áo vàng áo nâu có đến mấy chục bắt đầu chuông mõ ê a. Không rõ vong linh các nghĩa binh có nghe những lời tụng niệm, nhưng ba chiếc xe ủi đứng trong tư thế một chính diện miễu, hai chiếc kia hờm sẵn hai bên hông. Chỉ chút nữa thôi, những chiếc xe ũi sẽ đưa chiếc gàu sắt tán sập ngôi miếu, như những chiếc cổ nghĩa binh bị chém lia. Chút nữa thôi xương cốt ngôi miễu, đeo mang những vong linh các tử sĩ sẽ bị tán rụng, bị đè bẹp, bị nát ngứu…


      Trời nắng cao. Tiếng ê a trộn với mồ hôi nhỏ giọt, âm thanh phát ra nhão nhoẹt như tô bột chế thêm nước quá trớn!


      Không còn cách nào khác, giáo Mẫn trở vô phòng ôm mớ áo quần nhét vào túi đệm, lộn vòng ra ngả sau, leo ngược lên đồi hướng về phía con sông cạn. Bóng giáo Mẫn mỗi lúc một nhỏ dần…


      Nguyễn Lệ Uyên

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Cảnh Cửu Và Sự Cô Đơn Đến Tận Cùng Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Như Mới Hôm Qua Nguyễn Lệ Uyên Hồi ức

      - Gia Tài Của Võ Hồng Nguyễn Lệ Uyên Tham luận

      - Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Tình Muộn Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

      - Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Bên Ngoài Hàng Rào Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)

      Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)

      Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)

      Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)