|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
... Đối với những anh em văn nghệ ở ngoài tòa soạn đó, tôi là Nguyễn thị Thụy Vũ. Nhưng đến đó tôi vẫn là cô Nguyễn Băng Lĩnh. Tất cả xem tôi như một người thân. Anh em tòa soạn đó đã từng chứng kiến tôi trong lớp gái Lục Tỉnh bước lên Sàigòn, thường đỏ mặt tía tai mỗi khi nghe những câu hỏi tếu của bất cứ ai. Tôi đến tờ tập san đó bằng thái độ e dè, có cảm tưởng mình làm văn nghệ như mình hát xiệc trên hai sợi dây căng ngang tít trên cao. Tôi đã nhận năm trăm đồng tiền nhuận bút ở tác phẩm truyện ngắn đầu tay do ông chủ nhiệm đưa. Năm trăm đồng bạc thuở đó cũng như năm ngàn đồng bạc bây giờ chớ ít ỏi gì sao. Nhưng thuở đó sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, tôi viết văn vì thích viết mà thôi. Năm trăm đồng chỉ làm cho tôi nghĩ rằng, bài mình được một tạp chí "lớn" đoái hoài tới. (trích Những Dòng Mực Cuối Năm, đăng trong số này)
Con đường Võ Tánh đưa tới Bảy Hiền cho tôi một ý nghĩ là lạ: quen thuộc mà dửng dưng. Tôi đi trên con đường ấy nhiều lần, nhưng ý nghĩ ấy không thay đổi. Tôi còn xa lạ đối với không khí Thủ Đô. Tôi chẳng thấy ở đây có chút một gì vui tươi. Ở đây nhộn nhịp, nhưng tôi có một thế giới riêng, thế giới tẻ ngắt, như lúc tôi sống ở Long Xuyên.
Chiều thứ bảy hôm nay, đường Võ Tánh vẫn vắng. Ở đây gần như ở ngoại ô. Ngồi trên chiếc Vélo Solex, tôi không buông hết ga. Chiếc Solex bò từ từ gần như là chiếc xe đạp. Tôi đi qua những mái nhà lụp xụp, rải rác hai bên lề. Thỉnh thoảng vài anh chàng trẻ tuổi, cặp tay một ả mặc jupe bó sát lấy cái mông đầy thịt, từ trong ngõ vắng đi ra. Đường nầy ít xe cộ. Tôi qua khỏi Lăng Cha Cả, qua một nghĩa địa của người Pháp với những ngôi mộ vuông mang những chữ thập trắng thẳng hàng. Sự lặng lẽ trên con đường này càng tăng thêm. Thỉnh thoảng một chiếc trực thăng vượt ngang đầu tôi xé tan cái không khí yên lặng của nghĩa địa.
Tôi đã đến cổng nhà một cô bạn người Mỹ. Con đường vào nhà nhỏ hẹp, hai bên viền cây ngọc lan, dẫn tôi đến một biệt thự trắng xóa ẩn một nửa dưới chòm cây. Tôi đi vòng sau bếp, rồi leo lên thang gác. Ở đây, tôi có thể nghe tiếng đoàn quân xa chạy rần rộ bên đường Lê Văn Duyệt. Tôi lò mò lên phòng Martha Smith, cô bạn gái kiêm cô giáo tôi.
Đáng lẽ giờ này Martha còn đi bơi ở hồ tắm Cộng Hòa, nhưng nàng đã hứa tiếp tôi. Bước nhè nhẹ vào phòng, tôi đến bên cạnh nàng, nhưng nàng chưa hay biết. Martha đang mê mải đọc một tờ báo Việt vì nàng cũng đang trau dồi Việt ngữ.
Tôi kêu lên:
- Hi! Martha!
Nàng giật mình buông rơi tờ báo, vỗ lấy vai tôi:
- Tôi sẽ đi Vũng Tàu tuần sau. Bây giờ tôi dành cho chị cả buổi chiều nầy.
Martha hơi nhỏ nhắn đối với gái Tây phương. Nàng có lần hỏi tôi:
- Nầy Linh, chị trông tôi giống gái Tàu không?
Thật vậy, nàng giống ả xẩm nếu mái tóc nàng đen. Tóc Martha hớt kiểu Jeanne d’Arc. Nàng ít mặc đầm, chỉ thích mặc quần tây, áo sơ-mi ngắn. Trông Martha có vẻ thể thao lắm. Nàng bảo rằng nàng ưa hát tiếng Việt mặc dù giọng còn cứng lắm, và nàng lại có biệt tài bắt chước các ca sĩ Việt Nam. Tôi vội khai thác ngay:
- Martha! Hát tặng tôi một bản nhạc Việt đi. Nàng nhận lời ngay, không từ chối. Bỗng nhiên Martha đứng phắt dậy, xách cái đàn Guitare ra. Cô ta đặt cây đàn dựa vào thành ghế.
- Linh! Thí dụ đây là máy vi âm. Và hôm nay tôi hát tặng chị bản “Mưa Rừng”.
Bất chợt, Martha móc chiếc khăn tay ở túi. Tay trái cầm khăn, tay mặt vịn cái cán đàn. Tôi hiểu ngay, nàng đã quan sát tỉ mỉ các nàng ca sĩ Việt Nam. Tôi vụt cười thành tiếng. Lúc đầu, Martha làm ra vẻ mơ màng. Sau đó nàng cầm khăn mùsoa vừa hát vừa chớp mắt lia lịa, vừa nhún nhẩy.
Hát xong, nàng hỏi tôi:
- Tại sao các cô ca sĩ Việt Nam khi trình diễn lại cầm khăn tay?
Tôi không biết giải thích thế nào cho ổn. Sau đó, tôi nói bằng một giọng rầu rĩ:
- Vốn đa cảm, họ phải cầm khăn tay theo để phòng khi họ khóc. Nhạc buồn dễ làm cho người Việt chúng tôi khóc lắm.
Martha ngạc nhiên rồi ngẫm nghĩ:
- Nhưng tôi gặp họ trình diễn nhạc nhộn mà. Vả lại khi hát họ tươi cười.
Tôi nói liều:
- Họ cười, nhưng họ khóc sau hậu trường.
Martha cười nghiêng ngửa. Sau màn ca hát, Martha đi pha trà. Nàng vừa làm vừa hát khe khẽ. Điệu bộ nàng nhí nhảnh. Sau vài phút, chúng tôi ngồi bên nhau nói chuyện tâm tình. Giọng Martha không vui tươi như lúc đầu. Tôi tấn công nàng:
- Sao chị sang đây một mình? Chị không nhớ nhà sao?
Martha nhướng mày so vai.
- Cũng đôi khi thôi, chị à! Nhưng tôi thích xa nhà. Tôi muốn tìm không khí mới, vả lại tôi muốn… gặp chị như hôm nay đây.
Martha lấy điếu thuốc, rồi bật que diêm. Dáng điệu nàng chậm chạp như để xếp lại quá khứ cho có thứ tự. Khi làn khói xám từ trong miệng nàng bay ra, nàng duỗi người trên ghế sofa, mắt nhìn lên trần nhà:
- Linh à! Sở dĩ tôi sang đây vì tôi thất tình. Tôi yêu một thanh niên cùng học ở Michigan, nhưng… chàng ta có người đẹp khác. Chán quá, tôi thích thay đổi cái không khí lạnh lẽo của quê tôi và tìm đến xứ chị để được ấm áp hơn.
- Nhưng chị còn đi đâu ngoài Việt Nam không?
- Có chứ. Tôi sẽ đi Nhật, Thái Lan và Cambodge nữa. Chưa đi các xứ sở đó nên tôi cảm thấy quê chị cho tôi khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Tôi cám ơn nàng bằng một cái nhìn âu yếm.
- Chị sẽ làm gì sau khi chu du Á Châu?
- Dĩ nhiên là tôi về quê hương sống ở nông trại dưỡng già và viết hồi ký. Thế nào trong trang đầu hồi ký của tôi, chị cũng là nhân vật đáng kể.
Bỗng nàng dụi điếu thuốc chỉ cháy một nửa, rồi ngồi phắt dậy như cái lò xo:
- Nầy Linh! Sắp tới giờ Bill đến thăm tôi đây.
Tôi vội xin phép ra về, nhưng Martha níu tôi lại:
- Sao lại về? Hôm nay tôi dành cho chị một sự ngạc nhiên.
Cứ ngồi đây chờ tôi một tí đi.
Không hiểu sao tôi ngoan ngoãn ngồi lại chỗ cũ.
Martha vào phòng riêng khép cửa lại.
Tôi nhìn quanh quất. Căn phòng hình chữ nhật, sơn trắng xóa. Giữa nhà, một bộ xa-lông nệm mousse màu nâu thẫm. Chiếc ghế sofa kê sát tường, bên cạnh cái pick up, và đối diện kệ sách báo rất ngăn nắp.
Có lần Martha bảo: “Tôi chưng dọn phòng nầy sơ sài nhưng nó có cái nghĩa riêng của nó. Mỗi lần đi làm về, tôi nằm trên chiếc ghế nầy hút thuốc. Lúc đó tôi quên rằng tôi sống xa nhà, chị ơi! Vì cái phòng nầy giống hệt phòng mà má tôi dành riêng cho tôi lúc tôi còn ở Texas. Chỉ thiếu cái lò sưởi kiểu cổ đun bằng củi thôi.
Trong không khí yên vắng, bỗng vang tiếng thụ cầm của bà mục sư già gần bên làm tôi dễ buồn ngủ.
- Linh mạnh đấy chớ?
Tôi quay lại. Bill đã đến bên tôi. Chàng niềm nở bắt tay tôi. Bill to lớn, mắt chàng trong xanh như đôi mắt mèo. Tóc chàng hoe vàng, màu của dây tơ hồng bò trên hàng giậu. Tôi quen Bill qua một cô bạn rồi Bill mời chúng tôi đến nhà. Bill đưa chúng tôi thăm trại gia súc ở Bảy Hiền. Bill thích pha trò và rất lịch sự. Có lần Bill lái xe đưa chúng tôi đi thăm trại heo giống. Đến chuồng những con heo khổng lồ, chúng tôi phải bưng lấy mũi vì cái mùi bất hủ của chúng nó. Bill thấy chúng tôi tỏ vẻ khó chịu liền cười khanh khách:
- Linh! Tôi đưa Linh vào hãng nước hoa đấy!
Bill đưa chúng tôi từ chuồng heo đến tàu ngựa. Mỗi nơi Bill giải thích một cách dí dỏm. Ngoài những lúc đi thăm trại gia súc, Bill còn chịu khó dạy tôi học Anh văn. Bill thân với tôi ngay từ đầu. Bill có lần bảo:
- Linh! Tôi thích có những người bạn gái Việt. Sao họ lành quá. Đẹp nhất là lúc các cô thẹn thì dễ mến lạ.
Bill đưa mắt đảo khắp gian phòng. Tôi hiểu ngay là Bill muốn hỏi tôi về Martha:
- Đợi một chút, Bill. Martha sẽ cho lũ chúng mình một sự ngạc nhiên. Chờ xem!
Bill ngồi xuống cạnh tôi cười vơ vẩn. Bốn mắt chúng tôi dán lên cánh cửa phòng nàng và chờ đợi. Cửa phòng bật mở. Martha hiện ra với chiếc áo dài Việt Nam màu hồng, tay cầm chiếc nón lá. Càng ngạc nhiên hơn, tóc nàng biến thành dài, đen óng và bỏ xõa trước ngực (đó là mái tóc giả). Nàng chậm chạp tiến về phía chúng tôi trịnh trọng cúi đầu.
- Chào Bill. Linh xem tôi thế nào?
Bill cười:
- Martha! Em tuyệt thật!
Martha quay sang tôi, bảo:
- Linh! Tụi mình đi chơi phố. Có tôi hẳn chị không từ chối đi với con trai Mỹ chớ?
Tôi gọi:
- Kìa Martha, sao lông nheo chị lại nâu vàng vậy?
Martha kêu lên:
- Ấy chết! Tôi quên.
Martha chạy xổ vào phòng, ngồi lại bàn trang điểm. Tôi bỏ Bill ngồi đó, vào ngồi bên nàng để làm cố vấn sắc đẹp cho nàng. Martha lấy cái bàn chải nhỏ đánh cho đôi hàng lông nheo biến thành đen nhánh. Martha nhìn lần nữa vào gương, mắt nàng mơ màng, miệng nàng cười đắc ý. Nàng chạy đến bên Bill, giục:
- Đi, Bill! Hôm nay anh đi dạo với hai cô con gái Việt. Linh, thôi chúng mình ra xe đi.
Tôi mượn cớ bận việc vì tôi có mặc cảm bây giờ mình là người thừa. Bill Chilion là bạn của tôi, Martha Smith quen với Bill do tôi giới thiệu. Bây giờ hai người yêu nhau.
Tôi chưa chịu trở về căn nhà trọ ở Hàng Xanh. Tôi cho xe chạy ra bến Bạch Đằng. Trời tối hẳn. Cuộc sinh hoạt ở đây náo nhiệt hơn. Phần nhiều người ta đi chơi có bè có bạn. Làm một cuộc phiếm du đơn độc, tôi bỗng có cảm tưởng thiên hạ quên tôi. Tuy vậy, tôi thấy dễ chịu. Pho tượng hai bà Trưng đặt giữa công trường Mê Linh dường như lãnh đạm ngó xuống lớp người nhốn nháo chung quanh. Tôi gửi chiếc Solex, rồi thơ thẩn trên những lối đi trải sạn, giữa những bồn cỏ hình vuông dài, những cây liễu trồng giữa bồn ủ rũ dưới ánh điện lờ mờ. Tôi men lại bể cá vàng giữa công trường. Cuộc sinh hoạt của loài cá rực rỡ này cũng nhộn nhịp. Tôi mua một gói bắp rang bơ, rồi thả từng hột xuống bể cho chúng đớp.
Tự nhiên, tôi buồn rũ. Martha xa nhà thiếu hẳn tình thương gia đình, nhưng bù lại nàng được nhiều người say mê. Nàng có nhiều mối tình. Sắc đẹp Á Đông của nàng dễ quyến rũ những người chuộng vẻ đẹp xa lạ như Bill.
Tôi xa gia đình và rất nhớ Duy. Tôi nhớ những khi tôi chưa lên Sài Gòn, chiều nào Duy cũng đưa tôi đi chơi phố.
Bây giờ, tôi bỗng như người vô hồn giữa phố đông xa lạ. Cảnh vật vẫn hoạt động theo nhịp điệu cũ, như không buồn ngó ngàng đến tôi như những chiều trước. Và Duy không có ở đây. Hình như tất cả đều quay mặt không nhìn tôi.
Thuở đó, ba má tôi xuống Sóc Trăng lập nghiệp. Em gái tôi đã lên Sài Gòn học. Chỉ còn có một mình tôi sống trong căn nhà cổ âm thầm này. Tôi làm nghề giảng tập viên, lương thì ít, cực thì nhiều. Nỗi buồn lờ mờ tưởng như không sao dứt được.
Cứ mỗi sáng thức dậy, chưa rửa mặt, tôi bước ra cổng nhà chờ bà bán xôi. Chỉ một đồng, tôi đã được một bữa ăn sáng và sửa soạn đi dạy học. Nói là sửa soạn cho oai, chứ chỉ khoác lên người chiếc áo nội hóa và với cái mặt xanh nhợt không son phấn. Trên con đường đến trường (một trường làng cách nhà tôi lối mười phút đi xe đạp), tôi vừa đạp vừa nghĩ vu vơ. Đôi khi tôi đuổi theo một giấc mơ hết sức ngớ ngẩn. Tôi mơ thành triệu phú nhờ một tấm vé số kiến thiết. Rồi thì bao nhiêu chuyện đẹp xảy ra sau khi thành nhà triệu phú. Tưởng tượng đó làm tôi bật cười. Nếu gặp mấy con bạn thấy bất ngờ cái cười quái gở ấy, chúng lại kêu lên: “Cười gì vậy?” Tôi chỉ biết cười thêm để trả lời cái câu hỏi đột ngột ấy.
Cái xã hội nhà trường cứ đều đều như tiếng tích tắc đồng hồ. Sau giờ hò hét con nít, tôi trở về cái nhà cũ kỹ, lạnh ngắt ấy. Đêm nào tôi cũng nghe tiếng sông róc rách sau nhà, tiếng tàu xà lan chạy xình xịch. Hình như đêm nào tôi cũng chìm trong những tiếng động đó. Tôi phải ra đi. Ra khỏi cái nhà nầy, cuộc đời tôi sẽ thay đổi. Tôi tin chắc như vậy. Thừa dịp nám phổi, tôi làm đơn nghỉ hẳn việc dạy học.
Sau khi tôi được phép nghỉ, ông hiệu trưởng trường tôi âm thầm tổ chức một bữa tiệc tiễn hành.
Bữa tiệc tổ chức tại nhà hàng thuộc vào hạng trung trong tỉnh. Chúng tôi gồm tất cả 11 người (tám nữ và ba nam kể cả ông hiệu trưởng). Các bạn nữ đồng nghiệp của tôi có vẻ quyến luyến tôi thực tình. Chắc hẳn họ tiếc mất đi một con bé dám cầm đầu cãi cọ với ông hiệu trưởng có tí “máu xấu”. Thực vậy, sau bài diễn văn của ông hiệu trưởng, các bạn gái của tôi tỏ vẻ cảm động mặc dầu tôi hiểu ngay ông ta làm một chuyện theo nghi lễ đối với nhân viên ông ta thôi việc hay bị đổi. Nhưng tôi cảm thấy buồn buồn trước một sự đổi thay dù tôi tha thiết muốn như thế.
Sau khi tiệc tàn, và được mỗi bạn tặng cho một cái vỗ vai hay cái siết tay gần như muốn gãy hết cả ngón, tôi lủi thủi trở về. Căn nhà càng tăng thêm lạnh lẽo, cái lạnh lẽo của nhà xác đúng hơn. Tôi xếp vội vài thứ cần dùng mang theo. Khi mọi việc đâu vào đó, tôi vào giường cố dỗ giấc, nhưng bao nhiêu ý nghĩ vui buồn cứ lần lượt quấy rộn tôi. Cứ trằn trọc mãi, tôi có cảm tưởng đêm dài không bao giờ hết. Bất chợt đồng hồ buông năm tiếng, tôi thức dậy sửa soạn lên đường. Tôi chỉ đánh thức người anh họ và gửi gắm nhà cửa cho anh rồi lặng lẽ ra đi. Ông anh họ tôi còn ngái ngủ. Tôi nói huyên thuyên nhưng không biết mình nói những gì. Nhưng tôi cần tuôn hết những ý nghĩ lộn xộn trong lòng tôi. Cuộc đời ở đây đè nặng làm tôi nghẹt thở.
Ra khỏi đây, tôi nhẹ cả người. Nhưng, như người ngồi mãi trong chỗ tối tăm, khi ra ánh sáng lại bị chói mắt, đột nhiên nước mắt tôi trào ra. Ông anh họ an ủi tôi. Cái ý tưởng một cuộc đời khác nối liền theo chuyến đi không làm tôi phấn khởi chút nào. Bây giờ tôi là một vì sao đổi ngôi. Vòm trời nơi đây có một bộ mặt dửng dưng nhưng sao lúc nầy nó lại ràng buộc tôi như vậy? Ra đi một mình, khi trời còn mờ tối, cảm xúc ủy mị xui cho tôi cái cảm tưởng bị người xứ sở hắt hủi.
Giòng sông Mỹ Thuận trôi xiết. Mùa nầy nước sông đục. Trong nắng sớm, những cánh buồm xa thấp thoáng. Tôi đã sang sông, nhưng không phải đi lấy chồng. Tuy vậy, tôi tin sẽ gặp một cuộc đời khác. Rồi nghĩ lại tự nhiên mình rứt khỏi cuộc sống cũ, tôi hơi hối tiếc. Nhưng tôi phải đi. Cuộc đời ở đây đứng sựng lại. Tôi muốn tìm cái gì khác hơn cái tôi đang có. Nếu tôi như con chó ngậm một miếng thịt rồi đi qua cầu, thấy bóng miếng thịt lớn hơn, vội nhảy ùm xuống nước bắt lấy, thì ít ra tôi cũng hái được một chút kinh nghiệm.
Tôi ra đi hơi đột ngột và lặng lẽ quá. Ba tháng sau, Nga, bạn tôi gởi thư cho tôi, thuật lại những lời nhận xét của các đồng nghiệp tôi về chuyến đi của tôi. Có người nói tôi trốn xứ để đi sanh nở. Có người đồn tôi xách gói theo ông hiệu trưởng (vì sau khi tôi nghỉ việc, ông hiệu trưởng cũng bị đổi đi về miền đất đỏ sau một tuần). Đọc thư Nga, tôi ngơ ngẩn không rõ nên vui hay buồn. Sở dĩ thiên hạ đồn như thế vì tỉnh tôi nhỏ bé quá, mọi chuyện gì họ cũng thích bàn tán. Họ giàu tưởng tượng và khoái thêm thắt vấn đề. Hơn nữa những cô giáo xin nghỉ việc thình lình chỉ có hai lẽ: đi đẻ hay đi theo trai. Chuyện ấy xảy ra thường cho các cô lâm vào cảnh không may ấy. Cách đó vài tháng, lang thang ngoài chợ Bến Thành, tôi gặp một người chị bạn đồng nghiệp và đồng xứ với tôi. Tôi không giấu được mừng rỡ khi cầm tay chị. Vô tình tôi bắt gặp đôi mắt của chị dọ thám xuống bụng tôi. Bất giác tôi không nín được cười. Tôi vụt hiểu cái nhìn nhiều ẩn ý ấy. Nhưng sau năm tháng bỏ quê, chị không thể thấy bụng tôi lên cao được một phân nào.
Anh Duy! Bây giờ em học Anh văn. Em trở lại làm nữ sinh. Hai mươi bảy tuổi rồi, em không còn một tâm hồn nữ sinh nữa.
Em còn nhớ khi ở quê nhà, mỗi buổi chiều thứ bảy em mặc áo trắng, dẫn bạn học trò gái đi dạo ở vùng ngoại ô tỉnh lỵ. Thầy trò ngồi xúm xít dưới bóng cây. Chúng nó cúi đầu trên khung thêu. Còn em thì kể chuyện đời xưa, có tính cách giáo dục. Anh kiếm em, rồi ngắm em. Chung quanh em toàn là màu xanh của lá cây. Anh bảo em là nàng tiên trong nội cỏ của thiên đường.
Bây giờ em ở đây. Cái vẻ bỡ ngỡ quê mùa của em không ăn khớp cảnh xa lạ của thủ đô đầy màu sắc nầy. Rời khung cảnh cũ, em hết là nàng tiên rồi.
Bây giờ anh đi xa…Em nối lại đời học trò. Mộng em thì to, và nỗi cô đơn không nhỏ. Cuộc yêu đương của chúng mình kéo dài chỉ gieo cho em nhiều cái nhàm chán. Em đã quá lứa rồi. Em cần phải có nghề nghiệp hẳn hoi. Em cắc ca cắc củm để dành từng đồng, từng xu. Còn gì chua chát hơn làm một cô gái già vô nghề nghiệp, sống nhờ đứa em gái, giữ con cho nó như một vú em. Rồi mỗi khi nhìn sự dan díu của vợ chồng nó, rồi tủi thân, rồi ghen ghét cái hạnh phúc của kẻ khác. Em sợ lắm, anh Duy ơi!
Tôi cho xe chạy về Gia Định. Ý nghĩ đó làm cho tôi buồn, nhưng trong cái buồn ấy có vẻ hài hước. Xe hết xăng, nhưng tôi không lại trạm đổ xăng và cứ đạp chầm chậm. Đến một khoảng tối của con đường Bạch Đằng, một đứa bé chận tôi lại rồi nói:
- Cô ơi! Có ông Huê Kiều muốn nói chuyện với cô.
Không hiểu sao tôi thắng xe lại. Trong bóng tối mờ mờ một người Huê Kiều, mập, lùn và bụng bự, nói với tôi bằng tiếng Việt bập bẹ:
- Hà! Cái lầy chào cú lẻng (cô nương). Cú lẻng ăn cơm chưa? Li coi hát pống với tôi nhá!
Tôi ngạc nhiên, rồi đau đớn bàng hoàng. Nếu đi với Duy, thì tôi đâu có gặp cảnh nầy. Một người con gái đi một mình trong đêm. Ý nghĩ ấy làm tôi sợ hãi.
Tôi nói bằng một giọng run run, và không hiểu sao nước mắt tôi gần như muốn tuôn ra:
- Nị lầm rồi. Tôi đi học lớp tối mới về.
Hắn luống cuống xin lỗi tôi. Tôi lạnh lùng đạp xe. Đường vắng, tôi cần phải đạp mau. Nghĩ đến lát nữa đây, mình sẽ nằm trong bóng tối trên căn gác xép, tôi muốn trở về Long Xuyên ngay. Ở đó, tiếng sông róc rách sau nhà có lẽ sẽ vỗ về tôi. Và tôi sẽ nằm dưới bầu trời quen thuộc, ôn lại những chuyện thời thơ ấu.
(Trích Bách Khoa số 162, phát hành năm 1963)
- Những Dòng Mực Cuối Năm Nguyễn Thị Thụy Vũ Tạp bút
- Một Buổi Chiều Nguyễn Thị Thụy Vũ Truyện ngắn
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |