|
Tường Linh(12.12.1931 - 5.2.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
....
May sao mình lại nhớ ra một người bà con. Đó là anh Hà, con thứ hai của bác Song. Trước anh Hà làm công nhân xây dựng, bỏ nghề đi buôn theo đám bạn cũ, sau loáng quáng thế nào lại lấy vợ cắm rễ ở đây. Mình có số điện thoại của anh Hà trong lần về giỗ bác Song.
Anh Hà vẫn thế, không khác mấy so với hồi mình gặp cách đây hơn chục năm. Vẫn xương xẩu, lòng khòng, nói như súng liên thanh và cười hở lợi. Nhà anh khá giả hơn mình hình dung. Vợ anh về quê hai hôm nay, chưa ra. Quê chị ấy ở Yên Minh. Chỉ có ba bố con ở nhà. Thằng lớn mười một, thằng nhỏ bảy tuổi, cả hai đều nhem nhẻm và man man như nhau. Anh Hà muốn bọn mình ở lại ăn cơm. Mình hỏi Trang thì Trang gật đầu. Mình nghĩ Trang không thích nhưng cũng không muốn làm mình chạnh lòng. Chẳng có gì thịnh soạn, nhưng bữa ăn vui, ít nhất là từ lúc hai đứa bắt đầu chuyến đi. Hai thằng nhỏ và lấy và để cho xong rồi quẳng bát, kéo nhau ra đầu hồi chơi. Anh Hà hơi nhíu mày khi biết mình từ bên cậu sang. Hình như họ có gì đó khúc mắc với nhau. Mình không tiện hỏi vì có Trang ở đó nên nói lảng sang chuyện khác.
Gia đình vợ anh Hà ở Yên Minh nhưng không phải người dân tộc. Bố chị ấy trước là cán bộ mậu dịch điều từ xuôi lên. Đợt nổi phỉ ông bị bắt treo ngược lên cây cả ngày trời mà không chết. Đêm có mấy cô giáo trốn trong hang gần đấy lẻn ra cứu. Ông dẫn các cô cắt núi đi ba ngày mới về tới thị xã, ngay sau đó lại dẫn chủ lực quay lại để tiễu phỉ. Dẹp xong phỉ, ông được ủy ban liên khu tuyên dương. Sau, ông bị công an nghi trong đợt tiễu phỉ ấy đã biển thủ một số tiền lớn trong quỹ của huyện. Ông tự ái, không làm cửa hàng trưởng mậu dịch nữa. Chị vợ anh Hà là con út của ông. Năm Bảy mốt trong một lần đi săn, ông bị mất bàn tay phải. Người ta thấy ông lê từ rừng về, toàn thân bầm dập, súng và dao biến mất. Ông thều thào kể là súng bị cướp cò. Nhưng đám thợ săn trong vùng rỉ tai nhau rằng không bao giờ súng cướp cò vào cổ tay phải được vì đó chính là tay cầm súng. Ba hôm sau, buổi sáng, nhân viên hành chính trụ sở huyện thấy một cái gói rất đẹp để ngay bậc thềm phòng làm việc của chủ tịch huyện. Mở ra thì trong đó có một bàn tay xám nhợt, bê bết máu khô. Bàn tay ấy là của ông. Người ta ngửi thấy mùi gì đó bất thường từ sự kiện này và lại truy vấn ông. Công an huyện vào cuộc, không xong, lại đến công an tỉnh. Mặc dù họ đã chứng minh rành rành đó không phải là tai nạn nhưng ông vẫn không hé răng tiết lộ bất cứ điều gì về chuyến đi săn bí ẩn ấy. Ông im lặng một cách lì lợm khó hiểu. Trước khi chết khoảng một tuần, ông uống rượu rất ghê, cứ lầm lì uống một mình, không cho bất cứ ai lại gần. Nửa đem ông gọi cô con gái út dậy nói chuyện. Sáng, bà vợ đánh thức thì thấy người ông đã lạnh ngắt, cứng đơ, mắt mở trừng lên mái nhà.
- Tóm lại thì tay ông ấy bị làm sao?
Trang hỏi. Anh Hà đáp:
- Phỉ nó chặt.
Mình dựng cả người lên. Lại phỉ, lại dây dưa tới phỉ.
- Ông ấy nói với vợ anh thế à?
Trang suy luận. Anh Hà nhìn Trang thoáng chút ngạc nhiên rồi gật đầu. Mình nghĩ nếu xét thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê gớm. Dọc theo lịch sử dằng dặc của đường biên này luôn là những tiếng băm chặt nhau chí chát. Khi triệt hạ thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành rồi xếp thành năm trăm tám mươi đống, mỗi đống một trăm cái đầu. Tiếng chặt đầu côm cốp của Thái úy vẫn còn làm cho họ run rẩy, đau đớn đến tận bây giờ. Năm một tám tám sáu, khi phái đoàn phân định biên giới Hoa-Pháp bắt tay vào làm việc, toàn bộ gia quyến của viên quan được triều đình Nguyễn bổ nhiệm để cai quản và thu thuế vùng Bạch Long đã bị phỉ giết chết, hàng chục sinh mạng, không phân biệt trẻ con, người già, đều bị chặt nhỏ. Cùng thời điểm đó, nhân viên phiên dịch tiếng Trung người Pháp là Haitce và đám lính cận vệ của ông ta trong phái đoàn phân định biên giới cũng bị phỉ tấn công. Phỉ đã lấy gan của ông ta nhắm rượu, còn thân thì chặt làm sáu mảnh, cắm lên cọc. Trong vụ đánh úp đó, chỉ có một viên trung úy người Pháp tên là Bohin chạt thoát. Theo viên trung úy may mắn này kể lại thì tất cả những người phỉ bắt được đều bị phanh thây. Phỉ đặt người ta lên một phiến đá và nhẩn nha chặt như chặt thịt lợn. Có người bị chặt đứt phăng hai tay, hai chân mà vẫn còn sống, mồm miệng loe máu kêu gào. Mình nhớ không nhầm thì chùa Trăm tháp ở Bình Định còn giữ lại tảng đá lớn mà Nguyễn Ánh dùng làm thớt chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận. Tất nhiên, Nguyễn Ánh làm thế vì trước đó ông ta đã chứng kiến tận mắt cảnh bố mình bị anh em nhà Tây Sơn chặt đôi người.
Nói chuyện dông dài một lúc nữa, mình xin phép về nghỉ. Mình với Trang làm tình với nhau rồi lăn ra ngủ. Thực ra thì chỉ có Trang ngủ, còn mình thì trằn trọc, nghĩ ngợi vẩn vơ, chán lại thò tay vào ngực Trang xoa bóp, rồi thọc tay xuống dưới nữa. Trang vẫn ngủ ngon lành. Mình mở điện thoại xem thời gian. Đã một giờ kém. Muốn buôn với chị Thu một chút mà ngại. Mình mò xuống dưới định ra ngoài, vừa hay gặp cậu lễ tân đang gà gật ở sau quầy. Đó là một thanh niên còn khá trẻ, nước da trắng, tóc cắt cao, khi bị đánh thức thì ngay lập tức tỉnh táo, sởi lởi như vừa mới ngủ đẫy giác dậy. Cậu là dân chính gốc ở đây, có thể nói rành rẽ về tất cả các thú vui cũng như các đặc điểm của tỉnh nhà. Theo cậu ta, ở đất này nếu có gì đáng nói thì đó chính là việc rất nhiều du khách bị lạc trong mê trận của đá. Đá bày trận, mà chẳng phải riêng con người bày, do cả trời bày, có vô số đoạn lặp lại y hệt nhau. Không chỉ dân vãng lai, cả dân bản xứ cũng nhiều người bị lạc. Có người đi thăm bà con, lang thang trong những ô đá gần hai ngày trời mới thoát được. Người ấy không có kinh nghiệm, cứ men theo các hàng rào đá mà tìm lối ra nhưng càng đi càng thấy lẫn lộn, quẩn quanh. Ở những ô ruộng đá, nếu đến đó vào đêm trăng, người ta không thể không rợn gai ốc trước những hình thù ngoắt nghéo, quái đản do bóng các rào đá tạo thành.
Mình hỏi chuyện mà chỉ canh cánh lo cậu ta ngủ mất. Cũng may, ở khách sạn này nhân viên phải thức luôn cho tới sáng sau đó thì được thay ca. Cậu lễ tân sẽ về nhà ngủ. Bố mẹ cậu lễ tân là dân buôn bán, nhưng nhỏ lẻ thôi. Có một sạp hàng ở chợ và không đủ vốn để đánh chiếm thị trường, như cách cậu ta diễn đạt. Cô bồ của cậu ta thì thoảng lại được nhắc tới, rất vu vơ, chẳng ăn nhập gì tới câu chuyện giữa mình với cậu ta. Theo cậu lễ tân thì người già ở vùng núi sống lâu hơn người già ở các vùng xuôi vì họ luôn luôn ý thức được rằng sinh mạng chỉ là thứ duỗi dài ra. Mình chưa hiểu ý của cậu ta nên thắc mắc:
- Tại sao lại là sinh mạng duỗi dài ra?
Cậu lễ tân nhìn mình ngờ ngợ. Mình tưởng cậu ta nghĩ mình là kẻ ấu trĩ không hiểu một điều hiển nhiên, nhưng hóa ra cậu ta lại ngạc nhiên hỏi lại:
- Em nói thế à?
Mình gật đầu xác nhận rằng cậu ta đã nói thế.
- Cho em điếu thuốc.
Cậu ta xòe tay xin nhưng mình không có vì không hút thuốc. Cậu ta nhìn bâng quơ ra khoảng sáng mập mờ ngoài cổng:
- Ừ, không hiểu sao vẫn cứ bị... Kể cũng lạ.
Mình an ủi:
- Anh đôi lần cũng thế. Nhìn chung thì con người ta khó kiểm soát hoàn toàn được mình. Bản năng là thứ luôn luôn mạnh, ngay cả khi nó ngủ.
Cậu lễ tân không tán thành, cãi lại:
- Không phải bản năng. Đấy là nói nhịu.
- Thì nói nhịu.
Mình đồng tình luôn. Mặt cậu ta hơi dãn ra một chút, sau đó lại co về. Mình bảo ở Hà Nội người ta nói nhịu là chuyện thường. Đối diện với cơ quan mình có bà Duyên, nhà mặt phố, người gầy như que củi mà nói nhịu nặng. Tội nợ ở chỗ bà ta nói nhịu cái từ ai cũng ngại ngùng: Cứt. Cứ cách một vài câu thế nào bà ta cũng thêm từ đó vào. Hỏi đi đâu đấy thì bà ta bảo đi cứt, sau đó vội vàng cải chính là đi chợ.
- Em có thường xuyên nói nhịu không?
Mình gặng hỏi khi thấy cậu lễ tân bắt đầu gà gật. Cậu ta mở mắt, và lúc ấy mình mới biết cậu ta có đôi lông mi cong vút như của phụ nữ. Cằm cậu ta cũng đầy nữ tính, nó tròn, nhỏ, gọn gàng, mìn mịn như đầu bánh mì.
- Không mấy đâu - Vẻ mặt cậu lễ tân hơi ngượng nghịu - em chữa mãi mà thi thoảng vẫn vấp.
- Cũng chả sao. Anh thấy câu ấy rất lạc quan em ạ. Mình cho rằng nhịu là tiếng nói nguyên thủy cất lên từ trong bóng tối của tâm hồn, chứ không đơn giản chỉ là ám ảnh như các nhà tâm lý giải thích.
- Tóm lại thì bọn anh nên đi đâu chơi?
Mình vừa ngáp vừa hỏi, đoan chừng đã hai rưỡi ba giờ rồi. Cậu lễ tân bảo nên tìm đến Cổng trời ở Lao Chải, nó đẹp dù không bằng ở Quản Bạ. Xưa, Lao Chải có một loại gỗ chuyên dùng để đóng quan tài vì nó ướp thơm và giữ được xác chết nguyên vẹn cả trăm năm. Dân bên kia ùn ùn kéo nhau sang khai thác, tính ra một ngày có cả trăm chuyến xe ngựa chở gỗ từ cánh rừng phía nam Lao Chải về Trung Hoa. Lao Chải cũng có cả cánh rừng hóa thạch, nhiều cây khi bới lên còn nguyên cành lẫn rễ. Nghe đâu một cây hóa thạch được mang về cung tiến cho thái hậu Từ Hi và khi nhìn thấy cái cây kỳ vĩ đó, bà ta mới ra lệnh chặt đầu bất cứ kẻ nào hé miệng nói An Nam không phải là thuộc quốc của Trung Hoa. Đó là chuyện xửa xưa trong sách, còn giờ thì mình chỉ cần biết làm sao tới được địa danh Tà Vần.
- Có hai đường lên chỗ ấy, vấn đề là tùy xem bạn của anh dẫn đi đường nào đã - Cậu ta dè dặt đáp - nhưng em nói trước là nó không như mọi người hình dung đâu.
Với mình, đặt chân lên Tà Vần là ô kê rồi, còn lại nào quan trọng gì.
Mình lê bước lên cầu thang, phân vân không hiểu cậu liên lạc bị giam với anh có cùng cỡ tuổi cậu lễ tân này không.
Rồi cũng qua được hai đêm ở thị xã.
Giờ hắn đang ngồi ở ghế trước, tự tin trong vai trò của chủ xe và chủ nhà.
Càng lên cao, càng thưa người, mình càng thấy thanh thản. Hình như Trang cũng thế. Trên con đường nhựa trải phẳng lì nhưng ngoằn ngoèo, ngoạn mục khía ngang các sườn núi cheo leo, thi thoảng lắm mới có một chiếc xe máy chạy ngược chiều. Còn lại, nếu có gặp thì là những tốp hai hoặc ba người, chủ yếu dân Mèo, chân đất, đầu trần, súng kíp, áo đen nhàu, đi nép vào bên đường. Người Mèo như từ thế giới khác bị lưu đầy xuống dây, cô đơn, hung tợn, bất thường. Không thể biết trong đầu họ đang nghĩ gì. Hắn bảo người Mèo sống trên đỉnh núi, di chuyển trên đỉnh núi, chết trên đỉnh núi, ít chịu hạ sơn. Khi mình hỏi vì sao lại thế thì hắn trả lời chính hắn cũng không hiểu cái tập quán đó nảy sinh từ đâu, từ bản tính cao ngạo hay từ nỗi sợ hãi truyền kiếp vì luôn luôn bị săn đuổi. Có lẽ dân Mèo chính thức lang thang từ lúc ở bên kia nhà Chu lên thay nhà Thương. Khi ấy vua Vũ đã tịch thu hết ruộng đất của họ và họ đã phải trốn lên những vùng núi cao để tránh sự săn đuổi, tàn sát. Những cuộc nổi dậy của họ cũng bắt đầu từ thời kỳ ấy, kéo dài liên miên cho tới tận bây giờ và trở thành bản tính của dân tộc này. Thời nào họ cũng gây ra những cuộc nổi loạn. Phục ba tướng quân Mã Viện chết vì đi chinh phạt họ. Trong lịch sử phiêu dạt của mình, đã có lúc họ thành lập được cả vương quốc riêng, rộng lớn bao trùm cả Hồ Bắc, Hồ Nam của Trung Hoa, đến thời nhà Thanh thì bị đánh tan trong một trận huyết chiến mà số chết lên cả chục vạn tính gộp hai bên. Sau trận chiến kinh hoàng táng đởm ấy, một số người đã dạt sang ta ở khu vực Đồng Văn. Theo hắn, người Mèo chỉ khép nép khi gặp người Kinh, với dân tộc khác họ lại rất khảnh. Sau đó hắn hát một bài dân ca Mèo. Bài hát ế á, lảo đảo. Một nỗi buồn trầm rợn của những kẻ ly hương truyền kiếp. Trang kêu lên:
- Ối giời, dân với ca gì mà não ruột thế anh?
Hắn ngừng phắt lại, nghiêm mặt:
- Không hiểu thị đừng có dè bỉu.
Hắn là vậy, luôn bốp chát. Hồi còn học, mình cũng đã vấp với hắn nhiều lần như thế.
Nhìn những dãy núi trùng điệp vây trước mặt và vực hun hút phía dưới mà thấy ngợp thở. Mình bấm máy gọi anh Thuận khoe về chuyến đi. Anh Thuận đáp lại không hào hứng lắm.
- Đã thấy gì hay ho chưa?
Anh Thuận hỏi mình cho có chuyện. Mình đáp cũng cho qua chuyện:
- Sắp ạ.
Tiếng xì rất dài trong điện thoại, hình như anh Thuận bĩu môi. Giọng anh nghiêm lại:
- Này, có những thứ càng bới ra càng thối đấy nhé.
Mình điếng người. Có phải là mình đang bới anh ra không? Có phải không? Tuồng như ân hận với câu nói đó, anh Thuận dịu giọng lại. Anh bảo mấy hôm nay mệt vì phải chạy chọt công an quận để lo giải quyết vụ thằng em bùa chú thế nào khiến cho gia đình một con bệnh phát đơn kiện. Vậy là thằng đó còn trở chứng. Mới hai mươi tám, cao ráo, mạnh khỏe, khuôn mặt vuông, da trắng, lông mày xanh mượt, mắt sáng, thằng đó tốt nghiệp đại học, đã được nhận vào làm ở cơ quan nhà nước nhưng vừa rồi lại đùng đùng bỏ việc về lập đàn cầu đảo, khấn vái. Ngay từ lần gặp đầu mình đã thấy nó không bình thường. Theo anh Thuận kể, thoạt tiên cả nhà chỉ nghĩ nó thích tử vi tướng số như phần lớn những người khác, sau càng ngày nó càng ham, gặp ai cũng nói vận mạng của họ. Từ một thằng to cao lực lưỡng, đi đứng mạnh mẽ, dâm dật, càng ngày nó càng ẻo lả, uốn lượn, chân tay đong đưa như bún. Rồi giọng nó thanh hơn, cao hơn, sắc hơn. Môi nó đỏ mọng vì nhai trầu. Nó đến cơ quan, gọi giám đốc là nhà ngươi, xưng ta, sau về nhà gặp anh nó cũng xưng hô như thế. Chỉ có bố mẹ là nó còn chưa dám, nhưng cũng chỉ nói trống không. Nó bảo nó không phải là người thường, nó ở đẳng cấp cao giáng xuống, có sứ mệnh bắt quỷ. Không phải ai cũng bắt được quỷ. Anh Thuận nghĩ nó bị bệnh tâm thần hoang tưởng, nhưng thấy cũng lạ ở chỗ những cô đồng, bà cốt gặp nó đều quỳ sập xuống lạy mặc dù không biết nó là ai. Mẹ anh Thuận có đưa nó đến phủ Tây hồ, các bà các cô cứ dạt hết cả ra, cúi mặt cấm ai dám nhìn thẳng vào nó. Anh Thuận kiểm định lần nữa bằng cách đưa nó tới tận phủ Giầy, thấy tình trạng cũng y chang vậy. Cả nhà bó tay chịu để nó lấy cái tum trên cùng làm điện, hương khói phèng la suốt buổi. Rồi người các nơi về đón nó đi làm lễ, bắt quyết, trừ tà liên miên. Công an phường đến cảnh cáo, nó chỏn lỏn chống hai mu bàn tay vào sườn, vừa nhai trầu vừa mắng họ xơi xơi Nhìn mắt nó đánh chì xanh thẫm, tay công an phường cũng ngại, chỉ nhắc mấy câu lấy lệ rồi chuồn. Tay công an phường ngại nó vì vợ của tay này cũng thuộc diện hay theo hầu giá. Anh Thuận xin theo nó lên Phú Lương giải tà cho một gia đình. Phải nằn nì mãi nó mới đồng ý cho anh đi theo.
Người ta đón nó đến cái làng ở dưới chân một cây cầu toàn bằng sắt bắc qua nhánh sông nhỏ. Làng ấy ở chỗ bãi bồi nhô ra nhưng lại thắt eo vì dòng chảy xoáy vào. Bao nhiêu rều củi cũng quẩn ở đấy cả. Đứng trên cầu nhìn xuống nó đã lắc đầu, mặt rợn lên bảo đứa nào ngu lại rủ nhau lập làng ở chỗ này. Bước vào nhà, nhìn thấy bà già bị liệt nằm bê bết trong góc tranh tối tranh sáng, nó the thé mắng: "Tao thấy mày rồi, tao đã đến đây thì khôn hồn mà xéo đi chỗ khác ngay". Nó lôi đủ thứ lằng nhằng trong tay nải ra, làm động tác bắt quyết hay bắt ấn gì đó. Tay nó múa dẻo lạ lùng. Làm phép trừ tà với những động tác loạn xị, rối rắm trong cái bầu không khí sặc mùi hương xong, nó dặn không ai được vào nhà, cứ đóng cửa để mình bà cụ nằm trong ấy. Nó ra sân lấy trầu nhai. Độ nửa tiếng thì nó nhả bã trầu, khinh khỉnh, bảo: "Vào xem bà già đã dậy chưa?" Anh Thuận theo chủ nhà mở cửa vào, không tin mắt mình nữa. Bà già đang men tường đi ra ngoài. Bà ta liệt cách đây hai năm và từng nằm điều trị nửa năm ở bệnh viện châm cứu trung ương mà chẳng suy suyển gì. Chủ nhà lao ra sụp xuống chân nó vái lia vái lịa. Nó điềm nhiên nhận những cái vái lạy ấy, tiện đà còn co một chân đặt lên lưng chủ nhà như đặt lên bậc thềm, phán rằng bà già bị hồn một đứa con gái chết trôi nhập vào, nấp ở nữa bên trái người. Giờ nó đã đuổi đứa con gái đó đi rồi, chỉ có điều cũng nên đốt cho đứa con gái đó một bộ quần áo làm phúc. Anh Thuận bảo lúc ấy chính anh cũng hoang mang cực độ vì nó rất khác, uy nghi, rờn rợn, mãnh liệt. Nhưng nó đường đường là thằng em, biết nó từ lúc mới tập đi, ị đái dây cả vào anh, rồi anh em còn đánh đá tranh giành nhau, thế mà giờ thành thánh nhân thì quả là có hơi kỳ. Mẹ anh Thuận xem ra cũng buồn, chỉ buồn thôi, không phản đối hay kê kích. Các bà mẹ đều muốn con giỏi nhưng không bà mẹ nào muốn con là thánh.
Mình cũng đã chứng kiến lễ gọi hồn bố mình ở đền Xương rồng trước ngày anh lên thăm cậu. Khi ấy bà đồng ngất ngất trên cái chiếu hoa có chữ Phúc. Và bố về, giọng hơi khàn khàn, thi thoảng lại thảng đi vài âm. Mẹ rơm rớm nước mắt, còn anh thì soi mói tìm ra cái mánh khóe lừa bịp của đồng để vạch mặt. Anh không ngồi thu tay vào lòng khiêm cung như mình và mẹ mà liên tục hỏi vặn. Anh hỏi: "Bố nhớ hôm mình chở gỗ về, bố bảo gì con không?" Bố đáp: "Tao bảo mày cân nhắc xem có nên lấy con Hằng làm vợ không". Anh lại hỏi: "Bố nói cụ thể xen nào?". Bố cáu, đứng vụt dậy, xuống tấn, mắng: "Không tin thì gọi tao lên làm gì.". Anh bảo: "Con không gọi mà mẹ gọi". Bố tức giận vặn lệch cả người đồng: "Xéo cha mày đi. Cừ rừm". Anh đứng lên sấn lại chỗ đồng không rõ định làm gì nhưng bị mẹ hốt hoảng níu xuống. Mẹ hỏi: "Ông có cần nhắn gửi gì không, bảo một câu cho mẹ con tôi biết mà làm". Đồng đảo ngược mắt, văng tục: "Bà có dí lồn vào". Rồi thì hồn thăng. Bà đồng hồi về, bảo lần sau cấm cửa cái bản mặt anh. Con cái gì mà bất hiếu, gọi hồn bố về rồi lại tra hỏi vặn vẹo. Anh nổi xung lên hỏi bà đồng căn cứ vào đâu mà khẳng định đấy là bố. Bà đồng nhổ nước bọt, xua tay đuổi anh ra khỏi sới, nói: "Không bố cậu thì bố con chó à?" Anh lý sự: "Bố tôi là đàn ông, sao lại ăn nói là bà dí lồn vào". Câu vặn ấy làm đồng cứng lưỡi. Nhưng đến đêm, mình hỏi thì anh lại ngập ngừng thú nhận hình như đấy chính là bố thật. Anh chỉ nói thế rồi ngủ, ngáy khò khò.
Trang bấu tay, thảng thốt ra hiệu cho mình nhìn thẳng đằng trước. Trên trời, một đám mây trắng hình chữ nhật đang từ từ trôi lại. Đám mây vừa trôi vừa biến hình và chỉ trong chốc lát nó đã mang dáng của một con ngựa. Mình biết nếu không nhanh có thể sẽ bỏ qua một khoảnh khắc đẹp lạ lùng nên vội vã chạy lại xe mở túi lấy máy ảnh. Đám mây trôi từ từ, lờ vờ, hình con ngựa mỗi lúc một hiện ra rõ ràng hơn, như là có bàn tay vô hình đang tạc nó. Một con ngựa khỏe khoắn, thanh thoát với hai vó trước xoải thẳng và hai vó sau co lại trong tư thế của cú nước rút. Mình bấm liền mấy kiểu, hối hả, tham lam. Con ngựa trôi thẳng đến, phủ lấp mặt trời. Ánh sáng từ phía sau chiếu ra biến đám mây từ trắng trở thành màu xám và tạo một đường viền chói lói quanh con ngựa.
Những dải sáng hình dẻ quạt chiếu từ bụng con ngựa xuống các chóp núi làm chúng lóe lên như những mũi mác. Con ngựa xám đang lồng lộn phi trên một rừng gươm nhọn hoắt. Hắn cùng lái xe đứng tựa vào thành xe vừa phì phèo hút thuốc vừa nói chuyện với nhau. Đám mây xô nhè nhẹ, bắt đầu tan biến. Đầu con ngựa rời ra, nhòa đi rất nhanh, tưởng chừng như có một lưỡi gươm khổng lồ vừa phạt ngang qua nó. Hình ảnh đó thật thê thảm, ghê rợn. Mình không muốn bấm máy nữa, lững thững quay lại. Hắn hất cằm hỏi:
- Được chứ hả?
- Được.
Mình đáp, nhìn vẻ kiêu hãnh, tự mãn của hắn sau đó nhìn xuống thung lũng ngay dưới chân. Nếu xe trượt xuống thì chúng mìmh chỉ còn là những mảnh thịt vụn tơ tớp như đám mây kia. Hắn bảo chút nữa đến dốc Hạ Lang sẽ ghé vào nhà một người quen ăn cơm. Mình đề nghị tìm quán ăn với lý do không muốn phiền hà nhưng thực ra là mình ngại vì người ở đây vốn rất bẩn. Nếu phải bắt buộc thì mình có thể cố gắng chứ Trang chắc chắn là không kham nổi. Hắn nói đây không phải người dân tộc mà là người kinh, quê gốc ở Nam Định.
- Người này đặc biệt lắm đấy.
Hắn không cần giấu giếm sự huênh hoang. Mình nghĩ bất lắm ông ta cũng chỉ lẫy lừng như ông già bạn cậu là cùng. Nhưng hóa ra đó là một người đàn bà. Người đàn bà đó rất khó đoán tuổi, to cao, tóc bạc thành từng vệt, mặt nhiều nếp nhăn, má và cằm đã xệ xuống. Mắt bà ta đục, tròng đen ngả màu nâu nhạt và mỗi khi nhìn thì đôi tròng ấy lờ vờ, luẩn quẩn như khói. Hắn giới thiệu bằng giọng nhát gừng sau đó ngồi xệp xuống cái chiếu rách bươm trải giữa nhà thay cho ghế. Người đàn bà lừng lững đến cạnh Trang, hai cánh mũi hít hít rồi cười:
- Gái Hà Nội.
Trang cười, chờn chợn ngồi xuống như tránh bị bà ta áp sát quá. Hắn nói với người đàn bà sẽ ăn trưa ở đây. Người đàn bà gật đầu, bảo:
- Cứ uống rượu đã, lo gì.
Bà ta vừa dứt lời, một người đàn ông từ gian bên trái xách chai rượu nút lá chuối khô ra. Ông ta cũng to cao không kém gì người đàn bà, có điều khuôn mặt lành hơn, thuần phác hơn. Đó là chồng bà ta, ông ấy bị câm. Người đàn ông ngồi xuống cạnh vợ và họ giống như hai ngọn núi sừng sững.
- Bọn trẻ đâu?
Hắn hỏi. Người đàn bà đáp:
- Đi rừng hết rồi. Chiều mới về.
Bà ta uống liền hai chén rượu rồi đứng dậy đi nấu cơm. Mình thực sự ngại ngùng khi nhìn khu bếp nhôm nhoam, đen đúa. Hắn hỏi người đàn ông:
- Dạo này có được con trăn nào không?
Người đàn ông lầm lừ gật đầu, cái chén nằm gọn trong bàn tay khổng lồ của ông ta. Hắn lại quay sang nói với mình như không hề có người đàn ông bên cạnh:
- Lão này không phải câm từ bé đâu. Mới bị độ hơn chục năm thôi. Vua bắt trăn của cả vùng Đông bắc đấy.
Người đàn ông nhìn mồm hắn, nhìn mình sau đó lại nhìn lái xe. Tuyệt nhiên ông ta không hề để mắt tới Trang. Hắn uống rượu như uống nước cùng với người đàn ông nhưng lại lải nhải kể cho mình nghe về biệt tài bắt trăn của ông ta. Ông ta đã từng dọc ngang khắp cả dải Tây Côn Lĩnh để tìm trăn. Đến bây giờ thì không thể biết ông ta đã bắt bao nhiêu con.
- Bố khỉ - Hắn bỗ bã vỗ vai người đàn ông - thế nào rồi lão này cũng bị truy tố vì tội làm trăn tuyệt chủng cho ma xem.
Rồi hắn cười, người đàn ông cũng cười, lái xe cũng cười. Chỉ có mình và Trang là ngồi im. Con trăn to nhất ông ta bắt được nặng đến bốn tạ, phải thuê bảy người đến khênh mới mang về được. Thế nhưng chính ông ta đã từng suýt chết vì bị trăn vàng quấn. Con trăn vàng đốm hoa đen to như cái cột nhà đã ghì được hai vòng quanh người ông ta, may mà còn con dao nhọn nên ông ta trích ngang thân trăn và thoát chết, chỉ bị gẫy hai cái xương sườn dưới cùng. Không chỉ ở vùng này mới có trăn to, xa xưa, dưới Mê Linh, có những con trăn to lớn dấn mức nuốt trọn được cả người. Thủa ấy, những con trăn khổng lồ, thường được gọi là Nhiêm xà, trở thành nỗi khiếp hãi đối với đội quân thiện chiến của Mã Viện khi truy sát tàn quân chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Mình kín đáo ngắm khuôn mặt chắc như đá của người đàn ông câm, cố đoán xem ông ta là dạng người nào nhưng đành chịu. Hắn bảo ông ta người Dao. Theo hắn, đàn ông Dao phần lớn cũng xoàng, nhưng thi thoảng lại nảy lòi ra vài ba người rất đặc biệt như ông ta chẳng hạn. Rắn chắc, không bao giờ bị khuất phục, không sợ chết và cực trung thành. Ông ta lấy vợ chỉ vì ơn nghĩa. Chuyện cũng lạ, ông ta bị truy tố vì tội đánh nhau với ba công an huyện. Nguyên nhân đánh nhau chẳng rõ ràng, mỗi bên kể một phách, bên nào cũng cho mình phải. Không thể kết luận được. Chỉ biết hậu quả là ông ta đâm thủng bụng một người, làm hai người còn lại gẫy tay. Nhưng tội nặng nhất chính là việc ông ta đã vứt súng của công an xuống vực. Bà, trong tư cách phó chủ tịch huyện đã đứng ra bảo lãnh cho ông ta, với lý do cần phải giữ gìn mối đoàn kết giữa người Kinh với đồng bào dân tộc. Khi ấy, ông ta sấp sỉ mười tám tuổi, còn bà đúng hai mươi tư. Họ lấy nhau, đẻ năm đứa, chết mất hai, còn lại ba thằng con trai sàn sàn nhau.
Người đàn bà nấu cơm ở bếp nhưng thi thoảng lại chen vào câu chuyện của hắn. Bà ta nói hồi ấy nếu không có bà thì ông ta đã tù mọt gông rồi. Hắn hỏi tại sao bà lại bảo lãnh cho ông ta. Bà bảo thứ nhất vì ông ta là dân của bà, bà làm phó chủ tịch huyện cơ mà, thứ hai là ông ta trông dẹp trai, khỏe mạnh.
- Mình thấy nó tốt thì giữ lại kể dùng thôi.
Bà ta nói vọng ra từ trong cái đụn khói mù mịt như sương sớm bốc lên từ cái bếp củi. Trong khói có mùi thịt luộc. Hắn chán ngồi, nằm ềnh ra, gác đầu lên đùi lái xe. Người đàn ông rót thêm rượu vào cho đầy chén, nhìn mình cười hiền lành. Lớp da cổ của ông ta gờn gợn như vẩy. Hắn phiên dịch cho mình rằng như vậy là ông ta muốn uống với mình một chén.
- Bắt đầu khoái rồi.
Hắn rống lên, khàn khàn, nồng nã. Cả hai cùng cạn chén. Mình tỏ thịnh tình, nhưng ông ta có vẻ ngại ngùng, chằm chăm nhìn vào bàn tay đang chìa ra của mình. Hắn đánh lưỡi đến chốp một cái, nheo mắt khích lệ ông ta. Bàn tay người đàn ông vươn ra và một cảm giác buốt nhói dội lên tận óc mình kèm theo những cú lắc điên đảo. Trong đời chưa bao giờ mình gặp cái bắt tay dữ dội, tàn khốc đến như thế. Ông ta bóp chặt tới mức mình có cảm giác bị một con gì đó cực khỏe xiết chặt. Hắn tròn mắt, hắn tròn mắt, há mồm nhìn mình vẻ thích thú.
- Thấy cái cảm giác trăn nó núc như thế nào chưa?
Câu thán phục của hắn làm mình sởn da gà. Cả bàn tay, cả cánh tay của người đàn ông ấy quả thực giống như một con trăn gió đói mồi, cuồn cuộn, hau háu. Đôi cánh tay của cậu khi xách thùng nước cũng cuồn cuộn vậy. Ở những vùng hiểm trở, cơ thể luôn luôn là cơ thể của hoang thú. Người đàn bà lại nói vọng ra, lần này thì gắt:
- Vừa vừa thôi, không phải ai cũng chịu dược đâu. Trang bật cười khanh khách. Mình nhăn nhó quay sang chữa ngượng:
- Em thử bắt một cái xem.
Người đàn ông thu tay vào lòng cùng với chén rượu đã uống cạn. Hắn nói với Trang bằng giọng của nhân viên tiếp thị giới thiệu mặt hàng:
- Ngày trước, có một tay trung đoàn trưởng đặc công đóng quân ở đây cứ khoe khoang vênh vang, anh cho gặp ông ấy, thế là tịt ngòi luôn. Em bảo, không thế, làm sao mà bắt trăn được.