|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Ngự đến ngồi bên trái tôi, chị kín đáo ngó xuống hai gối mình, vuốt nhanh mấy sợi tóc phủ trước trán rồi mới cầm đũa. Bà cụ bưng cây đèn lớn từ nhà trên đem đặt lên tủ ăn. Độ này điện hay cúp bất thường nên phải phòng hờ. Tiền đang xóc đũa lọc xọc, thấy vậy la lên:
– Cụ lo xa quá, chắc chi điện tắt mà cụ lo.
Phàm trừng mắt:
– Lo thì sao. Mày chọn gì trong bó đũa dữ vậy, ồn ào.
– Tìm hai chiếc đũa đồng nhau, ăn đũa so le xóc hông – nó cau mặt – đùa tí, gì mà ồn ào bà.
– Mày đùa với cụ hở? – Phàm sừng sộ.
Viết bưng chén xới xới cho cơm rời, la:
– Thôi giảng hòa đi. Mời anh Trạng, mời quý vị.
Bà cụ ra ngoài, Tiền thấy, kêu đón:
– Ơ, cụ không dùng cơm luôn.
– Tối tao ăn sau. Mới làm miếng bánh lúc xế, giờ còn nằm trong cổ.
Chị Ngự nói:
– Lâu lâu lại nghe bảo thức ăn nằm nơi cổ. Bánh chặn cổ mà cụ thở được.
– Có lý chứ. Miếng bánh chỉ kẹt dính một nửa thực quản thôi, bên nửa còn lại trống tha hồ thở – Tiền nói xong cười hích hích.
Cái bàn rộng bằng hai chiếc mâm, vừa dùng làm bàn vừa làm mâm. Chân nó quá thấp nên người ngồi thật khó tìm một lối ngồi thích hợp. Lần đầu ăn chung với tập đoàn này, tôi cố tạo cho mình một tư thế vững vàng, đẩy sự ngượng ngập đi xa, để khỏi mất mặt. Dù gì mình cũng là phái mạnh. Lại nữa là lính, lính tráng yếu chúng cười vào mũi. Tôi cẩn thận lùa cơm, cẩn thận gắp cá, và từ tốn múc canh chua. Tiền vẫn giữ tính làm rộn của nó:
– Ngày nay có mấy người đẻ, chị Phàm?
Phàm giả lơ, chăm chăm ăn, dù hai người ngồi gần, tay muốn thúc vào hông nhau.
– Mùa lạnh thiên hạ gieo giống, để mùa nóng gặt. Bây giờ còn là mùa nóng
– Tiền gật gù như ngẫm nghĩ, rồi thêm – trách gì thấy chị Phàm làm phờ người ra.
Viết xì:
– Tiên sư, bà dốt. Sắp tháng chín mà kêu mùa nóng. Trời sụt sịt muốn trút nước đến nơi kìa.
Chị Ngự ăn uống chậm rãi, không chú ý đến bọn nhỏ.
– Mùa mưa lính khổ lắm anh Trạng hỉ? – Viết hỏi.
Tôi ậm ừ:
– Khổ, thường bị ướt.
Tiền bắt bẻ:
– Như anh ai nói không được. Khổ là khổ làm sao chứ. Khổ thường bị ướt, dở quá, hì!
Hai đứa, Tiền và Viết, xòa ra cười. Tôi cũng cười.
– Khổ lắm, nhưng thấy không có gì đáng nói. Ai cũng khổ cả. Như mọi người đang túng đói vì lương quá ít, mà mấy ai kêu than. Họ sao mình vậy.
Tôi lùa miếng cơm chót chén thứ ba xong đứng dậy, chị Ngự khẽ hỏi:
– Thôi à.
– Thôi.
– Anh mắc cỡ hả? – Viết ghẹo.
Tôi nheo một mắt, làm như nguýt. Mấy đứa nhỏ dễ làm người ta mất bình tĩnh.
Xong bữa, trừ bà cụ, mọi người dời lên nhà giữa.
Phàm đem ra cho tôi hai tờ nhật báo và tập truyện. Ngự mang chiếc xách đồ bày giữa nhà để làm thêm một ít, theo thói quen trước khi ngủ. Chị soạn vung vãi những dao kéo, bột hồ, cùng từng xấp giấy báo lấy từ tạp chí cũ của Mỹ. Chị cắt, xếp, dán rất nhanh được hàng loạt túi vừa nhỏ vừa lớn. Túi dùng chứa nhiều món tạp nhạp tại mấy sạp hàng lẻ ngoài chợ.
Phàm kể hôm nay trực nhưng rất nhàn, chẳng có bà thân chủ nào lê tới làm rộn. Chắc hẳn nhằm ngày xấu nên thiên hạ không thèm đẻ. Nghề nào cũng lúc khổ lúc sướng. Có hôm từ sáng tới tối làm bù đầu, chẳng rỗi để dùng cơm nữa. Một lúc đến ba bà sinh, năm bà chuyển bụng, và hàng tá đang thập thò đợi thăm thai. Tôi biết Phàm có mấy cô bạn đồng nghiệp khá xinh, tôi hỏi:
– Trông bà con sinh nở khốn khổ như vậy, quý vị chắc ngán vụ lấy chồng?
Phàm nhíu mũi mấy cái liền, nhún vai:
– Sao lại ngán?
Như để nghĩ chín chắn Phàm không tiếp ngay, tôi thích thú chờ.
– Ai cũng rõ chuyện đấy, nhưng rõ chỉ để mà biết rồi lo tí tị thôi. Nếu sợ thì nay dám không còn người để … để đáp ứng nhu cầu chiến tranh.
Tôi cười cười. Phàm bạo dạn và ranh mãnh. Không hiểu do bản tính hay ảnh hưởng của nghề nghiệp.
Bữa trước Phàm hỏi tôi:
– Tháng rồi về phép anh bắt cái vợ chưa?
Tôi lắc đầu. Phàm tỏ ý không tin.
– Tôi nghi sẽ phải lấy vợ miền này quá.
Tôi vờ nói với giọng nghiêm trang:
Có triệu chứng gì chưa mà nghi đấy? Nhưng anh đùa, sức mấy mà chê gái quê mình. Trâu ta ăn cỏ…
Mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở về chuyện này. Mẹ nói vụ vợ con để trong nhà mẹ liệu cho. Hễ mày ừ là khi về có sẵn vợ mà dùng. Đừng lấy gái người – không hiểu vì sao mẹ chú trọng chuyện ấy. Mẹ bảo, sống phải biết tùy thời, mẹ ngại tôi chần chừ gia tộc sẽ tuyệt tự. Con một như sao treo bằng chỉ mành, dễ đứt dễ rơi. Mẹ làm như chuyện mua bán không bằng, thích lúc nào tậu ngay lúc đó.
Phàm bảo:
– Anh cũng chẳng lo gì, trai tráng sướng, không sợ muộn. Cực thân đàn bà con gái. Như bà Ngự bây giờ, hâm thiu ế ẩm ngó mà ngán… nay đến nước cùng chưa chắc beo mà lấy.
– Cô bi thảm hóa vấn đề.
– Thèm bi quan. Tính toán thực tế đấy chứ. Này, bấm đốt ngón tay làm con tính nhỏ thì biết. Các ông thi nhau ngỏm…
Tôi kêu:
– A! Phải rồi, con trai cũng có cái lo lớn đó chứ, lo ngỏm…
Im một lúc, Phàm nói:
– Nghĩ thật kỳ, sao lại cần đàn ông đến như vậy hỉ. Sống son son một thân không nổi, không kham.
Rồi tán phét:
– Thời trước, thiên hạ nói, có vùng nọ toàn đàn bà ở một nơi rất cách biệt với các xã hội loài người khác. Họ cũng tổ chức quy củ, có vua quan thần dân đàng hoàng. Họ sống với nhau độc lập tự chủ như thế được khá lâu. Nhưng bỗng một ngày, có lẽ một ngày giông bão mưa to gió lớn, vị vua không phải là đàn ông ấy ra lệnh cho đám thuộc hạ rằng trong vòng bảy ngày phải tìm cho vua một tên phái mạnh. Quá hạn không có sẽ lãnh tội mất đầu. Lần lượt ra đi từng người. Nhưng rồi lần lượt những kẻ đó được xem như mất tích. Chẳng rõ chúng bị lạc đường, chết theo bờ bụi. Hay tìm không được sợ, nên trốn. Hoặc giả, các y thị tìm thấy mà lười mang về vua, để riêng một mình khai thác. Chỉ biết vương quốc sau đó cạn người. Nữ hoàng buồn võ vàng rồi tịch… Tóm tắt, thì đàn bà sau trước cũng giống u mê, bụng luôn thích đời bị trị.
Chị Ngự làm có vẻ không chăm lắm nhưng đều đặn. Trông Ngự ngồi có cái dáng cần cù nhẫn nhục. Chị đã ngồi như thế trong bao năm với sạp tạp hóa ngoài chợ. Hồi mới quen Hiếu, một lần tôi thấy ảnh chị Ngự trong ví nó. Tôi tưởng bậy ngỡ là bồ nó. Chị Ngự đẹp nhất nhà, chị trẻ, dáng điệu quý phái. Thấy thật không hợp chút nào với số tuổi lớn lao mà chị phải mang. Thằng Hiếu thương chị nhất. Bởi chị làm có tiền.
Hiếu thân tôi trong những ngày còn ở quân trường. Sau ra tôi được đổi về quê nó, nhưng nó thì lại theo một đơn vị ở xa, quá xa nếu phải về thăm nhà theo đường bộ. Con đường bị cắt đứt từng đoạn, như sợi cao su răng cưa chằng chịt, tưởng không xài được nữa. Ba năm Hiếu chỉ về được một lần bảy ngày. Mỗi lần tôi ghé thăm, bà cụ lại nhớ Hiếu, và buồn. Sau đó tôi đi. Bà khóc. Bà cụ nói nhà đông người nhưng thật ra thì bên trong trống rỗng. Nếu chị Ngự không muộn màng chị đã theo chồng con từ lâu, chỉ còn mỗi một Viết. Chị em Phàm thì sống tùy ý thích, khi buồn thì hai đứa lại kéo nhau về nhà ở với mẹ. Bà cụ nhận xét lũ con gái chúng nó chỉ tạo nên một sự nhộn nhịp vui vẻ từng đợt. Có lúc thì ầm ĩ vang vầy, nhưng sau đó vắng ngắt, buồn lạnh. Nhà thiếu bóng đàn ông. Tôi nghĩ, chắc là đúng. Đàn bà con gái sống với nhau có lẽ khó tìm được sự thương mến thân mật thật tình. Ngày mới quen, một lần Phàm dịu giọng nói với tôi:
- Bà cụ em ruột mẹ Phàm. Tụi con Ngự là em, vai em, nhưng chúng ưa làm cha lắm đấy nghe.
Tôi không hiểu ưa làm cha ra sao, tôi vẫn gật tỏ rằng đây hiểu. Tôi thừa rõ nếu chẳng cần nhờ vả thì chắc Phàm không trọ bên dì.
Nhà Phàm trước ở làng quê, cách với tỉnh lỵ. Thời này nằm ngay trong ruột phố may ra, chứ có gần chăng nữa cũng vẫn dễ ngại. Làng quê gần thành phố, hay xa thành phố, cũng là làng quê. Nơi chứa sẵn ít nhiều khuấy động, bất an. Nay sợ giặc, còn trước kia thời mới xáo trộn thì sợ lũ độc mồm. Người mạnh khoẻ rục rịch đi hết, nên những đứa chức phận chút đỉnh còn rúc lại được dịp lên chân. Có những đứa lên đến nỗi đám bô lão, đàn bà, con nít nằm lại đã kiêng dè chúng còn hơn kiêng dè đám giặc núi. Làng xa quận nửa ngày đường bộ, cộng thêm rừng cây, truông cát cùng sự ngu dốt của đám dân. Nên chi những giấy tờ muốn xin được mau phải nộp tiền, tiền trăm hay ngàn, gọi là lộ phí trả công các ngài chức việc. Công đạp xe đi làm giấy cho. Thư người xa gửi về có thể sẽ không được nhận một cách bình thường, nếu trước đã làm các vị mích lòng. Ai có con đi lính Quốc gia được nể một ít. Nhưng thành phần ấy cũng chịu phép lắm. Bởi ngại là nếu sau gặp buổi mạt, con tử trận thì vẫn còn có thể sống yên được. Quyền thế ấy muốn giam nhốt thiên hạ lúc nào tùy hứng. Ai mở mồm lớn hơn người khác thì kẻ ấy chính là địch nằm vùng. Cách thế yên thân, là im lặng dọn đi, bỏ nhà, dời lên phố trú ngụ. Phàm sợ một hôm nào sẽ bị gán ghép chức vụ này nọ, đại loại nữ giao liên, hay rắp tâm dụng kế mỹ nhân phá hoại. Nên giục mẹ đùm túm đi trước. Với lại, lên đây gần sở làm.
Trầm ngâm vài phút, Phàm lại nói về Ngự. Nói theo giọng tâm sự, nhỏ:
– Quanh năm lết ở chợ mòn đít. Sắp-ba-mươi đến nơi chẳng ai chịu khó rước cho xong.
Nhiều ngày tôi đã nghĩ mông lung về cái sắp-ba-mươi của Ngự. Ngự thật ít nói. Hay phải nói quá nhiều với đám đông hỗn độn từ sáng tới sẫm, rồi về chị không còn thích nói nữa. Ngự có nụ cười thật đẹp, nhưng Ngự không mấy khi cười. Hay là cái sắp-ba-mươi đã khiến Ngự chẳng thể nào cười được.
Tiền rủ Phàm ra quán. Nhường chị đi trước, Tiền lùi lại tới rỉ tai tôi:
– Có một chuyện đại bí mật
Nó liếc chừng chị Ngự, véo tai tôi một cái:
– Muốn đây tiết lộ không?
Tôi ngờ vực, sợ mắc lừa. Tiền nhắm tít một mắt, cái miệng đẹp của nó chun lại nghịch ngợm. – Này, mấy tháng vừa rồi ông lính không ghé thăm con Viết nó nhớ, nhớ muốn phát đau. Báo hại phải nghỉ học gần tháng.
Tôi nạt:
– Suỵt, đa sự, bậy!
Cô nàng vụt chạy và cười đắc chí.
Đêm mai giờ này không rõ mình sẽ nằm ở đâu. Trên một ngọn đồi không cây, cỏ tranh phủ mịt, cuộn áo mưa lạnh ngủ đất. Hay trong một ngôi nhà sụp đổ nào của những xóm làng bỏ hoang. Hai ngày nghỉ qua lẹ không ngoái theo kịp. Trọn ngày ngủ yên trí chẳng ngại bị đánh thức bất thần, vì chó sủa, vì súng nổ, vì di chuyển. Đêm được quyền cởi bỏ đồ ngoài, chỉ mặc quần cộc áo thun. Nằm ngủ mà tai còn mơ hồ nghe tiếng máy hát nhà bên cạnh, tiếng chiếc đồng hồ bàn gõ nhẹ và đều, bầy ngỗng sau chuồng kêu bất chợt. Những thứ ấy tầm thường quá mà lâu lắm mình mới được gần.
Tay chị Ngự đưa lên đưa xuống, chồng bao giấy thành hình được xếp ngay ngắn cạnh lon hồ. Tôi sung sướng được sống những ngày thanh nhàn nơi đây. Bà cụ thương tôi như thương Hiếu. Hôm tháng Giêng sau lần đụng giặc dữ nơi làng nhỏ sát nách tỉnh lỵ, chúng tôi được nghỉ một ngày. Bà cụ sai chị Ngự ra thăm xem tôi yên lành không. Ngự đi xe đạp, đem thêm mấy phong bánh với bốn tập truyện. Gặp tôi Ngự mừng rỡ nhưng hơi lúng túng. Lũ bạn đông đảo của tôi lấp ló đằng sau làm chị nhát nói. Tôi cảm động, lần đầu tôi thấy Ngự ngượng nghịu. Tay mân mê bọc giấy làm như sợ mấy sợi cao su bong mất, chị thường phải quay nhìn nơi khác. Trưa đó, dù chị từ chối tôi cũng kéo được vào một ngôi nhà gần đó, bắt chị ăn một bữa cơm lính. Lũ anh em tỏ ý nghi ngờ, Ngự không có vẻ gì là chị tôi cả.
Bà cụ xem tôi như người nhà. Cụ thố lộ, không hiểu đường tình duyên của Ngự ra sao mà gian nan bạc bẽo vậy. Từ mới lớn đến giờ cũng có vài nơi đánh tiếng, nhưng tất cả bất thành. Con nhỏ lạ, nó không chịu ai hết. Nòi ngu độn, còn nằm chờ chi nữa. Từ ấy, đã mười năm hơn. Hay do cái tuổi Dần nó trót đa mang. Sách chép đàn bà tuổi Dần cao số. Kỳ tháng Chạp có người muốn thăm dò con Viết. Nhưng đâu được, để nó học. Với tiện thể để chờ chị nó ít lâu – mười năm nay. Mười năm. Một thời gian đủ để người ta thực hiện được vài chương trình thuộc phạm vi quốc gia, quy mô dài hạn. Bao nhiêu dâu bể. Từng ấy ngày đủ để những nhà cách mạng hoàn thành nghiệp cả. Nhưng, cũng số năm tháng đó đã không đem lại cho Ngự được một tấm chồng.
Chị em Phàm mang về bốn ly chè đá. Chị Ngự kêu còn no. Tôi cũng lắc đầu. Nhưng Phàm đã kéo tay tôi ra, nhét ly chè vào, ép buộc. Tôi kêu ép dầu ép mỡ ai nỡ ép chè. Tôi không cầm ly chè, mà bóp nhẹ tay Phàm. Mấy ngón tay thuôn và xinh. Tiền thì bỏ nhỏ:
– Ăn đi nào, chờ người ta đút từng muỗng sao… Ờ, mà có làm vậy cho nhau cũng chờ lúc vắng vẻ đã chớ.
Điện phụt tắt. Tiền kêu ồ thích thú. Phàm xuống mồi đèn xong bỏ đi ngủ. Chị Ngự dời lại gần tôi hơn, gần ánh đèn, lầm lì tiếp tục công việc. Tôi ngắm chiếc áo cánh trắng điểm rải rác những hoa nhỏ xanh nhạt, cái gáy trắng nhờn nhợt màu đèn, mấy sợi tóc đi lạc. Bất thần Ngự ngửng lên, bắt gặp hai mắt tôi. Ngự cúi mặt ngay, và chớp mắt.
– Khuya rồi, ngủ chứ Ngự – tôi nói, giọng dại đi, mơ hồ.
– Ngự không buồn ngủ.
Tôi nhớ, cũng câu đó nhưng nếu là trước kia thì Ngự sẽ nói “Tôi không buồn ngủ”. Ngự thu dọn đồ lại một góc. Tôi vặn thật nhỏ ngọn đèn, rồi ra ngoài, xuống sân. Tôi nghe tiếng chân Ngự nhẹ nhàng về hướng lu nước. Nhanh hơn, tôi tới giựt lấy chiếc gáo, đem móc lên cao. Không hiểu Ngự loay hoay thế nào, nhưng sau đó thì bị tôi ôm được vai. Ngự run lên trong bóng tối. Ngự run quá làm tôi lúng túng. Tôi chợt nhớ nụ cười thật đẹp của Ngự lúc ban ngày. Vội vàng tôi hôn lên nơi làm ra nụ cười đó.
Một tay vòng sau lưng tôi, bấu chặt bên hông phải, Ngự nói như hơi thở:
– Chúng nó sẽ cười anh… anh Trạng.
Nhưng lúc đó tôi không nghĩ tới chuyện cười chê mà chợt lại thoáng nhớ đến mẹ tôi ở nhà. Và nghĩ rằng tối mai chắc mình chưa phải ngủ núi hay ngoài làng quê. Tôi sẽ còn ở đây, còn ở lại nơi bình yên này vài hôm nữa.
(nguồn: Văn số 114, tháng 9-1968, chủ đề Những cây bút trẻ)
(Trình Bày số 6)
Thằng nhỏ khóc ngon, mắt nhắm, mặt đỏ nhừ, nước mắt trèm trụa. Mạo xốc nách con, nâng lên khỏi ngực, dỗ: “Ờ, ùi… ùi, nào… nín nào”. Thằng nhỏ nhỏ quá, tai nó cũng nhỏ, nên lúc thường nó còn nghe người lớn nói để tập nói gió và ngó miệng cười theo, còn lúc khóc thì nó chẳng nghe gì cả, chắc tai nó ù. Nó cứ khóc, bụng rướn lên, lại chảy nước mũi, miệng ngoác rộng thấy cả cục thịt đỏ xa bên trong. Mạo hít hà: “Ờ… ờ thanh niên, coi này… bác Thới bận đồ đẹp này, khóc bác Thới cười cho”. Thới vỗ mông thằng nhỏ: “Im, im… cha chả Can Dũng gì lại khóc, xấu trai thế”.
Chú Kiều nói:
- Có tiệc tùng phải ăn diện khác thường ngày, đưa áo quần các em nó ủi cho, ngon lành với người ta.
Thới cảm ơn. Cũng chỉ quanh quẩn anh em trong tiểu đoàn, quan khách là mấy vị già khọm trong làng. Chẳng lẽ bỏ công sửa sắc đẹp để lấy le với ông Ấp trưởng miệng chỉ còn lỏng chỏng đúng bốn cái răng.
Mạo hỏi:
- Chắc có ca hát?
Thới gật.
- Người đẹp?
- Không. Kiếm đâu ra?
Chú Kiều bảo chải lại cái tóc, kiếm dầu bôi lên một chút.
- Mạo ra chơi nghe? Làm vài bản cho thiên hạ đứng tim.
- Đùa hay nói thật? Chửi tôi mấy thúng tôi không giận bằng nói câu đó. Mạo làm mặt giận.
Sân trường trở nên náo nhiệt. Ai đó lôi ở đâu về bốn dây bông giấy, giăng chéo trên ba cây dừa kéo vào mái hiên. Thức ăn đã dọn lên bàn khá nhiều. Người qua người lại, nhốn nháo, kêu la, cười, ồn như chợ, vui như đám đánh xóc dĩa bầu cua ngày tết. Đất bị chân cày, vấy lên một màng bụi mỏng, mù, là là. Không nhanh thì lúc vào ăn tô thịt sẽ được phủ một lớp bụi mỏng như tráng mỡ, và thổi nhẹ khúc bánh mì cũng bay khói như một điếu thuốc. Tiểu đoàn trưởng dành mọt phần thưởng danh dự cho đại đội nào nấu nướng ngon, trình bày đẹp. Có đại đội về phố mướn chén đũa, ly tách, khăn lau, bình bông. Cắt giấy màu lót dưới mỗi chén. Bánh mì, bánh ngọt, tăm xỉa răng đều được để vào một vị trí đã được năm bảy chuyên viên trang trí nghiên cứu cả buổi. Nhưng cũng có đại đội làm theo lối… dạn dày, phong sương. Thịt cá dồn trong mấy cái thau cục mịch. Bún, cơm, nước đá đựng trong mũ sắt. Họ mang những thau, những mũ sắt ấy bày lên bàn. Mũ sắt cái xanh, cái đen, cái thì móp. Chắc chắn đám này không thèm quay nhìn cái phần thưởng cao quý trên, hay chỉ nhìn bằng đôi mắt của một vị tu sĩ già nhìn một người đẹp.
Liên hoan mừng chiến thắng. Những người đứng bên bàn tiệc hôm nay xứng đáng được uống ly bia đặc biệt, chỉ một ngụm nhỏ rượu cũng đủ làm bốc lên một lớp máu nóng. Vì rượu lấy từ mồ hôi và nhọc nhằn. Rau trái đó của khu vườn chết chóc, gian nan. Hớp bia lạnh sẽ làm nóng các khuôn mặt, nóng lên hãnh diện. Mọi người đều được hãnh diện. Thới nghĩ, mình cũng hãnh diện? Cố nhiên, mình sẽ hãnh diện, và vui hết lòng. Những kẻ khuất mặt có sung sướng khi nhìn chiến thắng này hông? Khắc nghĩ gì khi nhìn thấy anh em đang vô tư, vui đùa? Nếu đúng như nhiều người vẫn nghĩ, người chết có thể về ăn uống những đồ vật trên bàn thờ, thì lúc này Khắc đang đứng một góc nào đó, quanh đây, nhìn vào sân trường? Hôm đó Khắc đã làm như một anh hùng. Các anh hùng góp tay mới tạo được nguồn vui to lớn này. Người ta cũng bảo mình là anh hùng. Anh hùng được ban khen nhiều lần, được huy chương, choàng hoa nặng vai, và còn được cho cả tiền. Ban đầu mình hơi ngần ngại, phải rồi… ngần ngại. Thới nhìn rõ quang cảnh sân trường, nhưng không nhìn ai, không nhìn thứ gì. Mạo nói gì sau lưng, và hình như chú Kiều cười… Lúc đầu mình còn ngờ, mình anh dũng không đây? Đến thế nào mới là anh hùng? Rồi người ta nói mãi, bảo mình can trường… Anh can trường lắm, biết không? Lặp lại mãi các ý đó. Cho đến lúc rồi mình cũng nhủ thầm, có thể ta đã dũng cảm, trong những phút nào đó, ta không để ý, nhưng người khác thấy, mọi người đều thấy. Vậy, vô tình cũng có thể là anh hùng… Khắc xông xáo, Khắc dũng cảm đó chớ, nhưng Khắc lại chết.
Thới ra dường, Mạo dặn: “Đừng quên thủ vài cái bánh kha khá về cho Can Dũng”. Các đại đội vào bàn. Mọi người trông vui tươi, khác thường bữa nhờ bộ đồ sạch, tay áo xắn cao, và khăn đỏ viền xanh choàng cổ rất nổi. Trên bàn danh dự, thấy có mấy chai rượu đắt tiền, bên những chiếc ly trắng đẹp. Vợ ông tiểu đoàn phó, người đàn bà độc nhất ở đây, ngồi đối diện ông Trưởng ấp. Ông già này thường cười nhưng miệng không há lớn, làm người ta dễ tưởng lầm ông không thích khoe bốn cái răng của ông.
Mới bắt đầu trận ăn đã sôi nổi. Những cuộn tiếng nói quấn rít vào nhau, đứng xa vài thước chẳng nghe được gì. Một người nói, được một hai người ngồi ngay trước mặt nghe là nhiều. Bàn này chỉ thấy chớ không hiểu bàn bên kia. Ông tiểu đoàn trưởng nâng ly nói gì đó, những người cùng bàn cũng nâng ly, rồi ông nốc sạch ly nước màu vàng, mặt ông tròn, hai má núng nính dễ thương như má bé Can Dũng. Ông nhắm mắt, đưa tay lau miệng và cười toe. Thới uống rượu dở nhưng ngồi yên từ chối hoài không được, đành cho vào ba hộp, bốn hộp, rồi thêm nữa. Bia đắng, càng uống vị đắng như càng tăng thêm. Thới sợ uống nhiều vào sẽ không giữ được mình, đi đứng lật khật, cười nói dai. Khắc uống rượu giỏi. Ngày còn trong quân trường Khắc lôi Thới đi quán, tập Thới uống rượu nhiều lần. Khắc vẫn nói có rượu chè người con trai mới rắn rỏi, nhanh, xông xáo. Khắc có đủ, nhưng chẳng ai thấy cả. Người ta không biết gì đâu. Mày vẫn chê ta yếu, không uống được rượu, như con gái, làm chi nổi. Nhưng mọi người đang khen ta, kẻ lập công đầu. Khắc, lúc này, giỏi lắm bạn chỉ là người chết đầu tiên.
Đám trẻ con bu đen hàng rào ngó vô đám tiệc bỗng tản ra chạy đến người lính xách gói. Anh này chia cho mỗi đứa một nắm bánh, xôi, kẹo. Anh chàng mang máy ảnh tới trước sân định chụp bàn giữa. Anh đưa máy lên ngắm, thật lâu, rồi bỏ xuống, đổi chỗ. Xong lại ngắm. Dù ngồi đưa lưng về ống kính nhưng ông trưởng ấp và ông sĩ quan ban 5 cũng sửa lại áo, vuốt tóc mấy cái, nhún vai. Bà vợ ông tiểu đoàn phó cuối nhìn nhanh cái gì dưới chân, ngửng lên liếc thoáng máy ảnh, rồi vội rướn người tới trước để nói chuyện với người đối diện bằng bộ mặt nghiêm nghị. Chắc bà không muốn mình cười cợt trong tấm hình. Ông tiểu đoàn trưởng vẫy anh chụp hình lại, ông rót bia đầy ly, đứng dậy nâng ly lên cụng với ông trưởng ấp. Anh lính có bổn phận chụp, một cách trung thực và chắn chắn, hình ảnh đẹp đầy dẫy tình quân dân keo sơn này. Ông tiểu đoàn trưởng cười rất tươi, anh thợ phải bấm liền hai cái. Hình này sẽ được rửa lớn, đem về dán giữa văn phòng, cạnh những tấm hình chụp anh em đứng trên lầu khi chiếm phố, hình súng đạn hôm triển lãm ở sân vận động… Dãy ghế bên kia ngã ngớn. Ba bốn người gân cổ lên triết lý, nói về số mạng, cả bọn cùng nói không ai nghe “làm chó gì có số mạng… cái số nào dành cho trăm rưỡi thằng cộng sản cùng chết một lúc, để người ta xúc về đổ nằm triển lãm trước rạp Đại Nam bữa kia!… Số mạng nào khiến thanh niên khắp nước chết dài như gà mắc dịch lâu nay?… Rồi chúng ta…”. “Ai dám bảo là các chị đàn bà với lũ con nít ở giữa phố kia chết trước tụi mình, lại chết vì bom đạn?… Có đứa, như ta đây xông pha mười năm vẫn yên lành, lại có nhiều đứa mới ra khỏi cổng trường mười ngày đã nghẻo, đền nợ nước một cách hấp tấp, như sợ người ta giành mất… cơ hội…, nghẻo ngoẹo một cách tức tưởi. Vậy là sao? Như bữa đó, cả trung đội 6 băng qua đường trót lọt, tới lượt thằng Khắc thì lại bị… Nó ngã cái rật trước mũi tao chớ xa đâu, ông Thới chạy trước nó, tao chạy sau chẳng hề gì… Vậy nó không tới số thì gọi là mẹ gì… hở?”.
Ông tiểu đoàn trưởng vỗ tay yêu cầu anh em im lặng, ông nói:
- “Dân thị xã lần đầu tận mắt thấy chúng ta chiến đấu đã cảm phục vô cùng. Tôi hân hoan thay mặt thượng cấp để nói lời khen tặng anh em. Anh em đã làm rạng danh trung đoàn chúng ta… Tiếc là hôm lễ mừng chiến thắng, gắn huy chương dưới sân vận động anh em không có mặt đầy đủ để thấy và để nghe đồng bào ca ngợi chiến công rực rỡ này. Đầu xuân, anh em đã mang lại cho đồng bào một mùa xuân lớn, đặc biệt… Bọn cộng sản chó đẻ không phải là người – ông ho khặc một tiếng – riêng tôi, tôi liệt tất cả bọn chủ trương giết người vào hàng thú vật – ông dừng một chút, sờ đầu mũi, cái mũi ũng đã say, đỏ hừng – chắc các anh đã nghe các đại đội trưởng nói qua về bữa tiệc này, tôi nhắc lại: Sư đoàn tặng chúng ta hai chục ngàn, tỉnh tặng hai chục. Đồng bào Châu Thành hai con bò. Hai con nghé hôm qua các anh thấy đó. Trung tá góp cho tám két bia hộp… Bia này đây…”.
Ông ngưng, hớp một ngụm bia: “Bây giờ… à”. Ông à… à một lúc. “Bây giờ chúng ta cùng hát… a, phải rồi, cùng làm một bản, đồng ca… cho vui nhộn…, hào hứng. Đồng ca, nghe… nào, Việt Nam Việt Nam”. Trận ca bùng lên, ầm ầm, ồm ồm. Tiểu đoàn trưởng giơ cao lon bia đánh nhịp. Anh thợ ảnh lại chạy ra quay bên này quay bên kia chụp lia. Thới vỗ tay mạnh nhưng không hát, hát không ra tiếng. Hát dứt. “Bây giờ đến đơn ca, anh nào xung phong?”. Vài tiếng ho, tiếng lào xào. Một người được nâng dậy, đẩy lưng ra giữa sân. Đây là kẻ hữu công nhất nhì. Anh ta đã phá hư được khẩu phòng không, bắt được một sĩ quan địch bị thương. Anh đứng tẩn mẩn chân tay lúc lâu mới ca được, ca khá hay.
Dĩa bánh lớn bị thúc trước mặt Thới. “Coi, uống đi chớ ông, năm mới có một lần… sợ hả, sợ say hả… đi không được thì tụi này đỡ cho, trời… uống đi”. Ly Thới lại được trút đầy. Thới bốc chiếc bánh đậu bỏ túi, về cho Can Dũng, Mạo dặn đùa nhưng cũng cứ mang về. “Này là thịt voi, thịt ngựa vằn hay thịt lạc đà sa mạc… mà dai quá cỡ!”. “Bò của dân Châu Thành thân tặng đó mày… Thiếu tá mới nói, điếc sao”. “Đồ bỏ, bò gì, thịt mua ở tiệm đóng giầy thì có! Nếu thịt bò nấu như vầy thì quá tệ… tổ sư nghề bồi ngồi đây sao mấy thằng bếp không hỏi cách nấu… khó chi, bỏ vô một cục nước đá là rục hết, nhanh nháy mắt… da đóng giầy cũng rục tuốt”. Chúng nó không giữ im lâu để nghe ca. Ăn thoăn thoắt và nói cười cuồn cuộn. Người thứ hai được các bạn xô ra sân, bắt phải ca. Anh này đã làm câm họng một toán súng lớn trên lầu ba. Một mình như trong phim gián điệp, anh quăng dây móc vào cửa sổ trên cao, đu lên tài tình. Chỉ mấy phút anh làm được công việc mà hai trung đội xoay cả buổi vẫn chưa xong. Khắc cũng đã chạy nhảy, đã chiến đấu, lấy được súng, giết địch… mà giờ không còn ai nhớ. Hỉ còn mình nhớ Khắc phải không. Thới dụi mắt, nước miếng trong miệng như dẻo lại. Ly bia chưa lưng kịp quá nửa đã được châm đầy lại, bọt sùi leo xuống thành ly. Nếu còn sống chắc lúc này Khắc cũng bị anh em ủi ra hát, có khi còn hát đầu tiên nữa. Khắc đã ngã trên đường, ngã sấp, một tay Khắc vói về trước, chỉ còn cách mấy gang tay là đụng cái thùng rác bên lề đường. Hai cây súng Khắc lột từ tay mấy tên địch nửa giờ trước, giờ một cây văng ra xa, cây kia Khắc đè dưới bụng. Thới chạy qua khỏi, nép vào bức tường dài của một hiên nhà. Nhìn lại thấy Khắc. Thới hoảng hốt, hai tay run lên. Hai người chạy sau Khắc vội nhảy lẹ lên, vào nhà, những người sau nữa thì quay lui, chạy trở lại nấp vô chỗ cũ. Đạn đâm phụt phụt, bụi bắn từng khóm trên lòng đường, như người ta tung một nắm sỏi xuống hồ nước. Đạn thổi tốc bụi quanh chân Khắc. Chúng có vẻ còn muốn bồi thêm lên người kẻ không may.
Tiếng đại liên địch nghe đằng đầu và ở một chỗ quá gần, giòn và chát. Cái mũ sắt lăn ra sau nằm bên chân Khắc, như muốn che cho bàn chân, khi cái đầu không còn đội được nữa. Đạn trúng cổ. Nhưng Khắc không chết, bàn tay vói về trước đã ngọ ngoạy mấy cái ngón, nhưng chẳng thấy mắt Khắc mở hay nhắm. Một người từ sau chạy vụt tới, lách vào nép sát bên Thới, thở và nói: “Làm sao anh, nó còn sống… không khéo chúng nó bắn thêm thì chết… kéo nó vô”. Nhưng Thới chỉ biết mở to mắt. Làm sao đây. Bọn địch nằm trên lầu cao, canh sẵn, quá gần, mà đường thì quá rộng, trống trải. Khắc nhìn chằm chăp cái bàn tay Khắc còn sống. Chúng mình thân nhau, Khắc, mình thân nhau lắm. Bỗng, cái tay đó co lại, rồi từ từ Khắc chống hai tay, muốn ngồi dậy, cái đầu ngửng lên. Mắt nó mở trừng, nhìn thẳng về trước nhưng như không nhìn ai cả. Địch bắn ngay, đạn tung một đường dọc, quạt vào thùng rác. Một viên ghim lưng Khắc, hai cánh tay sụm xuống, cái đầu lại đập xuống mặt đường. Thấy rõ búng khói nhỏ bay ra từ dấu đạn. Thấy rõ lỗ đạn ịn vào. Thới thả cây súng xuống đất. Người đứng sau lưng kêu “trời”. Anh ta quăng một trái khói. Khói tả xanh đặc một khoảng, che khuất Khắc, cái thùng rác và phần dưới cái cây bên đường. Anh ta nhảy ra đường. Chúng nó lại bắn vào đám khói. Khắc dược lôi vào, chỉ còn là cái xác. Nhưng cái xác bị thêm hai viên đạn nữa. Trên lưng Khắc đóng rõ ba lỗ máu. Người can đảm trừng nhìn xác bạn, rồi tự vuốt mặt mình.
Mình không cứu được Khắc. Nhưng phút ấy trí óc mình đen kịt. Không nghĩ được một kế nhỏ như anh bạn đã nghĩ. Mình đi đánh nhau cũng đã lâu, đụng trận khá nhiều, một việc như thế lại chẳng làm nổi. Khắc chết. Suýt nữa anh bạn kia… Nhưng người ta choThới hai cây súng Khắc thu được. Người chết không cần công trạng, không cần tuyên dương, như không cần bạc tiền, quần áo, cơm gạo. Cái chết đã là công trạng lớn nhất, nặng nhất. Thới đã không từ chối hai cây súng. Không, có lúc Thới cũng nghĩ nên từ chối, nhưng nghĩ chậm quá, như khi nhìn Khắc ngã, thì chỉ thấy cái kế tạo màn khói cứu thương là hay lúc trái khói đã trùm kín xác Khắc. Nay ai cũng chỉ thấy là Thới lấy được nhiều súng quá. Nhưng, dù thế nào, Thới vẫn nhớ được: “Khắc, chúng mình là bạn thân”.
Bàn bên kia bày một cuộc xổ số uống rượu. Họ bỏ cái đầu gà lên dĩa, ụp tô lại, rồi xóc, như xóc dĩa ăn tiền. Mỏ gà chỉa vào ai người ấy phải uống một ly rượu. Chỉ trong một lát gần hết mọi người đều được uống, uống thỏa thích. “Lạy ngài, chết nhưng ngài vẫn khôn như sống, con đã uống ba lần, còn nhiều đứa chưa uống, ngài chiếu cố chúng”. Anh chàng mặt đỏ rịm chắp tay vái cái đầu gà.
“Đại đội 8 cho người ra, đại đội 8”.
“Thới đâu? Thới đại đội 8 lên đi… sợ gì, cộng sản chẳng còn sợ nữa là. Hoan hô… Cao Thới”. Một người ngồi bàn sau, lớn như một anh Mỹ lớn nhất, ẵm Thới ra trình diện mọi người. Thới đòi xuống đi đàng hoàng nhưng không được. Hơi chóng mặt nhưng Thới vẫn nhìn rõ mọi vật. Kìa, anh em ngồi quanh chỗ Thới đang quay lại cười lớn. Kia là, thiếu tá vỗ tay, mấy vị khác đưa ly lên hô “dzô… dzô”. Người khổng lồ đặt Thới xuống. Mình đứng vẫn vững, ráng đứng vững nghe. Thới dụi nhẹ mắt. Đừng lộn xộn, cố lên, hư là cả làng cười đó. Hai chân hơi run. Thới nhận biết như thế. Mặt mình có lẽ nóng, và đỏ lắm.
“Hát đi… đại diện đại đội 8 mà, mạnh dạn lên”.
“Dzô… dzô, coi vậy chớ lấy nhiều súng lắm đó nghe… xung phong thẳng lên tổ đại liên ở ngã Sáu đó”. Vỗ tay rầm rập. Thới nhìn xuống, nhìn mũi đôi giầy. Có gì dâng lên trong cổ, ợ, hơi khó chịu. Cố gắng làm một mạch cho xong, đứng lâu mỏi chân thì nguy. Thới đứng thẳng, dập chân mạnh, chào một cái. “Hoan hô… Cao Thới, hoan hô.” Luồng sóng cười trào lên, rần rần.
“Tôi hát không hay, với lại mới uống… hơi nhiều, tôi uống rượu nhiều không được, nên…”. Thới sờ cổ.
“Không cần hay, cứ hát”
“Tôi xin ngâm thơ… Tôi ngâm thơ được, và ngâm bằng ba thứ tiếng”.
“Hoan hô… dzô đi, đại đội 8”. Đám bạn ngồi gần Thới vùng lên cười to, tung mũ, cổ võ hết mình: “Chịu chơi… đại đội 8”. Thới đưa tay ngăn các bạn.
Trước tiên là thơ tiếng Việt.
Sự khó chịu lại trồi lên, như có một cuộn thịt bằm vừa tanh vừa lạnh trạo trực muốn bò lên cổ. Thới nhớ đến một bài thơ nói về một thời chinh chiến. Trong chinh chiến thì ít thấy niềm vui, chỉ có rất nhiều điêu tàn, tang thương. Chàng đi đã lâu, và nàng ở nhà, và những con thơ, mẹ già. Hắng giọng, Thới ngâm. Bốn bên im lặng. Những người ngồi các hàng ghế quay lưng ra sân đều quay lại. Thơ hay. Chiến tranh thì xưa cũng như nay. Được bốn câu, bỗng Thới thấy lại một cảnh đường phố, những người chạy, nhà sập, khói mù. Hại quá, mình chóng mặt đây, không khéo thì… Thới đấm trán, xốc lại quần. Mọi người lại cười rân. Thêm được hai câu nữa. Cảnh đường phố chập chờn, buổi chinh chiến… đạn xới sạt sạt lúc nhanh lúc như nhỏ giọt xuống mặt đường, bụi bay, một người ngã xuống mép đường, cây súng, cái mũ sắt… kìa nữa, khói xanh lan ra, chờn vờn. Không có được nữa. Thới lắc đầu, nguy mất thật, hai chân thì vẫn đấy, nhưng cái đầu thì, coi kìa… sao lạ, mắt cứ thấy dâng lên, lan mãi ra một màn khói xanh.
- Đọc Mưa trên sông ĐăkBla Lê Văn Thiện Nhận định
- Một Lối Tiện Lợi & Trong Lớp Khói Màu Lê văn Thiện Truyện ngắn
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |