|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Đóng vai ông già Noel không phải chuyện dễ. Không đơn giản là cứ mặc vào người bộ trang phục truyền thống màu đỏ tươi viền lông trắng, gắn thêm bộ râu dài xồm xoàm trắng như tuyết là… biến thành ông già Noel. Nhiều người cố gắng hóa trang ông già Noel với bộ trang phục thật đẹp nhưng vẫn không ra vẻ ông già Noel, nhìn vào biết ngay là ông già Noel… giả.
Alex thì khác. Có vẻ như trời sinh ra ông để làm… ông già Noel. Ông kể, thời ông còn học trường trung học, có lần trường tổ chức cuộc thi hóa trang để chọn ra người giống ông già Noel nhất. Khác với các bạn, Alex chỉ hóa trang sơ sài, thiếu cả dây thắt lưng da to bản màu đen, cả đôi ủng dạ, thế nhưng khi ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì mọi người cùng reo hò “Oh!... Đây mới đúng là ông già Noel.” Alex mang gói quà, phần thưởng cho người thắng giải, tặng cho một bé gái ngồi bên dưới. Bà mẹ cô bé nói với con mình, “Cám ơn ông già Noel đi con.” Vẻ mặt rạng rỡ, tươi vui của hai mẹ con cứ theo Alex mãi, và kể từ ngày ấy, ông không bỏ sót vai diễn ông già Noel nào mỗi mùa giáng sinh về. Ông tìm ra chân lý đơn giản: hạnh phúc là mang được hạnh phúc nhỏ nhoi đến cho người khác.
Sau này Alex còn có biệt danh là “Ông già Noel không cần phải hóa trang”. Càng lớn tuổi trông ông càng giống ông già Noel mà mọi người vẫn quen mắt trong các tranh vẽ. Alex lấy làm tự hào về nhân dáng trời cho của mình, một thân hình thật phốp pháp, một cái bụng thật tròn trịa, vẻ hiền hậu và thân thiện trên khuôn mặt, tiếng cười vui nhộn “Hô hô hô…” và nhất là bộ râu dài, rậm trắng tinh mọc tự nhiên, chạy quanh hàm ra tận mang tai. Ông già Noel Alex rất “đắt show” mỗi mùa giáng sinh. Các trường học, nhà thờ, cơ sở thiện nguyện… thường phải lên hợp đồng sớm với ông từ nhiều tháng trước. Trong vai ông già Noel của vở kịch đời, Alex được mọi đối tượng khán giả, già trẻ lớn bé tán thưởng vì vai diễn của ông mang lại nguồn vui cho mọi người, mọi nhà.
Trong những lần tiếp xúc giới truyền thông, báo chí, Alex thường được hỏi “Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong vai diễn của ông?” và thường thì ông trả lời chung chung, “Kỷ niệm vui thì nhiều, kỷ niệm buồn cũng có và đều đáng nhớ cả.” Thế nhưng, hơn một tuần trước Lễ Giáng Sinh năm nay, Alex đã có câu trả lời rõ ràng hơn về kỷ niệm “đáng nhớ nhất” ấy.
Chiều hôm ấy, khi Alex vừa về đến nhà từ sở làm thì chiếc cell phone của ông phát ra điệu nhạc “Santa Claus is Coming to Town”, ông nhận được cú điện thoại từ bệnh viện Harborview.
“Tạ ơn Chúa!…” Giọng nói gấp gáp, đứt quãng. “Tôi đã ‘bắt’ được ông. Tôi là Lara, y tá trực ở Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt. Chúng tôi cần ông giúp đỡ một bệnh nhân ung thư máu…, cháu trai 6 tuổi. Cháu rất muốn được gặp ông già Noel. Chúng tôi sợ cháu không qua khỏi… Ông đến ngay được chứ?”
Đang nằm dài trên chiếc sofa, Alex ngồi bật dậy. Trời đất!... Có chuyện này sao!?
“Tôi sẽ đến ngay,” ông vội trả lời, không chút suy nghĩ. “Cho tôi ít phút để soạn ra bộ trang phục ông già Noel.”
“Thôi khỏi…, đừng có phí thì giờ. Bệnh viện sẽ tìm bộ đồ ấy cho ông. Không có cũng không sao, ông rất giống ông già Noel. Lạy Trời cho ông đến kịp.”
Alex vội vàng phóng ra xe, cầu Trời không bị kẹt xe trên freeway… Rời parking, ông phóng như bay vào cửa chính bệnh viện. Rời bàn hướng dẫn, ông phóng như bay vào thang máy dẫn lên lầu 2. Không khó để tìm đúng số phòng, Alex nhác thấy nhóm người đứng túm tụm trước cửa phòng ICU. Cô y tá cầm trên tay bộ trang phục ông già Noel, ngoắc ngoắc ông.
“Cám ơn, cám ơn… Cháu Tim nằm trong này. Ông vào ngay đi.”
Alex chụp vội chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ lên đầu, khoác vội vào người chiếc áo choàng màu đỏ tươi viền lông trắng, nhẹ nhàng đẩy cửa, lách vào. Trong phòng có ba người lớn. Bà mẹ, và một đôi vợ chồng, Alex đoán vậy. Những đôi mắt đỏ hoe sáng lên khi trông thấy ông. Cả ba tiến lại gần ông. Bà mẹ cầm trên tay gói quà màu đỏ có chiếc nơ xinh xắn màu bạc, dúi vội vào tay ông. Alex biết mình phải làm gì. Ông hướng mắt về phía giường bệnh. Đứa trẻ nằm bất động, mắt nhắm nghiền. Ông quay sang những đôi mắt đẫm lệ đang nhìn ông chăm chú như đón chờ một phép lạ nào sẽ xảy đến.
“Xin hãy nghe tôi,” Alex nói. “Tôi chỉ yêu cầu một điều. Xin tất cả hãy bước ra khỏi phòng này. Nếu còn trông thấy mọi người khóc, tôi cũng sẽ khóc theo và không làm được chi cả… Quý vị hiểu chứ?” Bà mẹ chần chừ ít giây, rồi gật gật đầu, đưa tay gạt nước mắt, rón rén mở cửa bước ra. Cặp vợ chồng kia cũng ra theo.
Alex bước khẽ đến bên giường bệnh. Mặt đứa bé trắng bệch. Một tấm đắp màu trắng phủ lên người, để hở phần ngực trần và những ống giây nhợ lằng nhằng… Như biết được có ai đó đến bên mình, hai mi mắt cậu bé khẽ động đậy và cậu từ từ mở mắt. Alex nhẹ nhàng đặt những ngón tay mình lên lòng bàn tay cậu bé và quan sát nét mặt cậu. Cậu có đôi mắt to, tròn, trông vẻ đờ đẫn. Ánh mắt nhướng lên nhìn thẳng vào ông già Noel Alex, không biểu lộ cảm xúc nào.
“Chào Tim. Cháu nhớ ông chứ? Ông đã đến chơi với cháu vào Lễ Giáng Sinh năm ngoái.”
Cậu bé vẫn nhìn Alex chăm chú, nhẹ gật đầu.
“Cháu biết ông…,” vài giây sau cậu nói nhỏ. “Ông là ông già Noel.”
“Đúng thế. Ta có mang quà cho cháu đây.” Alex đặt nhẹ gói quà lên giường, sát bên cậu bé.
Có tiếng động nhỏ sau lưng Alex. Ông quay lại. Cô y tá Lara bước tới, khẽ nâng đầu Tim dậy. Bàn tay nhỏ nhắn, run run của cậu đặt lên gói quà, mân mê chiếc nơ xinh xinh màu bạc. Alex rút dây nơ cho cậu, khẽ mở lớp giấy đỏ bọc gói quà. Khi nhận thấy Tim quá yếu đến không sao mở được hộp quà, ông tháo tung chiếc hộp cho cậu bé nhìn thấy món quà. Một cỗ xe nhiều màu của ông già Noel, kéo bởi những chú tuần lộc trắng như tuyết, trên cổ gắn những quả chuông nhỏ kêu leng keng.
“Ông tặng cháu cỗ xe đẹp nhất của ông.”
Alex thấy trên môi cậu bé phác một nụ cười.
“Chiếc xe này sẽ đưa cháu đi tới đó,” Tim nói.
“Cháu đi đâu?” Alex hỏi.
“Cháu sẽ đi xa lắm,” Tim trả lời. “Người ta nói vậy. Họ còn nói cháu không kịp đón Lễ Giáng Sinh này đâu.”
Alex giật mình. Ông cố làm ra vẻ thản nhiên. “Thật ngu ngốc!” ông lẩm bẩm. “Ai lại đi nói với một đứa bé như thế!?”
“Hông dám đâu,” Alex nói. “Làm gì có chuyện đó. Cháu ở đây với ta. Cháu không đi đâu cả.”
“Ông nói thật chứ?”
“Ông già Noel thì phải nói thật chứ. Cháu sẽ ở bên cạnh ta, ta rất cần có cháu. Vì cháu là… là chú lùn Số Một của ta.”
“Thật sao ông?...” Nhưng rồi, ít giây sau Tim lại hỏi, “Khi cháu đến được nơi xa lắm ấy, họ sẽ cho cháu vào chứ?”
“Tất nhiên rồi,” Alex gật đầu. “Cháu cứ nói với họ cháu là chú lùn Số Một của ta, chắc chắn họ sẽ vui vẻ mở cổng cho cháu vào.”
Alex khẽ quay mặt đi nơi khác vì thấy nước mắt mình muốn ứa ra.
“Ông già Noel!” cậu bé gọi nhỏ, sau một phút im lặng. “Ông giúp cháu việc này được chứ?...”
Giọng Tim vẳng lên thật yếu ớt. Alex khom người xuống, cúi sát đôi môi mấp máy của cậu. Cánh tay ông luồn qua lưng Tim, như muốn ôm gọn lấy thân hình bé bỏng của cậu.
“Tất nhiên là được, cháu nói đi.” Alex chờ cậu bé lên tiếng…, nhưng ông không nghe gì cả.
“Cháu nói đi,” Alex nhắc lại lần nữa và chờ nghe cậu nói. Ông chờ và chờ…, nhưng ông vẫn không nghe gì cả. Alex áp sát tai mình vào miệng cậu bé, có cảm giác như áp tai vào ống điện thoại chưa nối đường dây. Lặng ngắt. Im lìm.
Ông khẽ nắm lấy những ngón tay Tim, những ngón tay xanh mướt, lành lạnh. Rồi ông nắm cả lòng bàn tay nhỏ bé của cậu. Một bàn tay lạnh. Ông chưa thấy bàn tay đứa trẻ nào lạnh đến thế. Alex ngồi thẳng dậy, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt cậu bé. Đôi mắt cậu đã nhắm nghiền. Ông ôm chặt lấy cậu, thật chặt.
Cho dù cậu bé không thốt ra được câu nói sau cùng ấy, Alex cũng đã nghe được. Ông nghe được từ đôi môi mấp máy của cậu, “Ông già Noel, cháu mệt quá, cháu lạnh quá! Ông hãy ôm lấy cháu, hãy ôm chặt lấy cháu.” Chắc chắn ông phải nghe được chú lùn Số Một nói gì, vì ông là… ông già Noel mà.
Alex vẫn ôm chặt cậu bé vào lòng, ôm chặt hơn nữa như muốn truyền hết hơi ấm trong người ông và trong tấm áo choàng đỏ tươi viền lông trắng của ông già Noel cho cậu, mãi đến khi giọt nước mắt nóng ấm của ông rơi xuống má cậu bé.
Cửa phòng bật mở, tất cả ùa vào. Mọi người đứng nhìn qua ô cửa kính bên ngoài và biết chuyện gì xảy ra.
Alex buông cậu bé, thẫn thờ ngồi dậy. Căn phòng đầy những tiếng kêu, tiếng khóc. Chẳng ai để ý đến ông. Họ không cần đến ông nữa. Alex lặng lẽ bước ra, đi như chạy xuống những bậc thang, quên cả việc cởi trả bộ đồ ông già Noel cho bệnh viện.
Alex chưa muốn về nhà, ông ngồi phịch xuống băng ghế đá trước bệnh viện Harborview.
Vài đứa trẻ đi ngang qua, dừng lại khi nhận ra một ông già Noel ăn mặc xốc xếch. Chúng đứng quanh ông một lúc rồi bỏ đi, tỏ vẻ thất vọng khi thấy ông đi tay không, không có túi quà lớn vác trên lưng. Những người lớn thì lấy làm lạ trông thấy một ông già ngồi ủ rũ trên băng ghế, vừa giống ông già Noel, vừa giống ông già homeless.
Chưa bao giờ Alex thấy mệt mỏi và chán nản hơn lúc này. Ông cảm thấy mình là ông già Noel vô tích sự. Ông cảm thấy vai diễn của ông hôm nay có vẻ gì kỳ cục, giông giống như một ông Cha được gọi đến để làm phép xức dầu thánh cho bệnh nhân sắp sửa lìa đời.
Ông lại nghĩ đến Tim. Cậu bé nói đúng, cậu biết rõ mình sẽ không kịp đón Lễ Giáng Sinh này. Cậu đã sẵn sàng cho chuyến đi xa. Chỉ có ông là nói sai, nói dối. Ông đã nói dối cậu, lại còn bày đặt chuyện chú lùn Số Một, Số Hai nữa chứ.
Vai ông già Noel của ông thực sự chỉ là vai một ông già nói dối. Cũng đâu phải riêng ông, mọi ông già Noel trên đời này đều là những kẻ nói dối. Những người lớn đều biết rõ như vậy, những ông bố, bà mẹ đều biết rõ như vậy, thế nhưng họ vẫn muốn những ông già Noel giả dạng cứ tiếp tục nói dối với con cái họ. Người ta dạy trẻ em không được nói dối, thế nhưng họ lại nói dối chúng và muốn chúng tin vào những lời nói dối ấy. Alex, ông cũng làm y chang như họ, và ông còn được họ tán thưởng. Hơn bao giờ hết, Alex nhận ra cái điều nghịch lý hết sức ấy.
Hơn bao giờ hết, Alex cảm thấy thế giới quanh mình đầy dẫy những điều dối trá và bịa đặt như thế, và người ta vẫn đang sống bình thản giữa những cái thật và giả như thế, trong lúc cuộc sống vẫn trôi đi. Khi mà sự thật không được như ý muốn thì người ta ngụy tạo ra những cái giả và bám vào chúng để tự đánh lừa mình, đánh lừa kẻ khác và tìm chút an ủi. Những bản tin, những câu chuyện trên báo chí có khi là “người thật, việc thật”, có khi là “người giả, việc giả”, ai tin được thì tin. Thật, giả khó phân; thực, hư lẫn lộn. Có khi giả mà giống hơn cả thật, khiến người ta chẳng còn biết đâu là “hàng thật”, “hàng giả”, cũng tựa như Alex từng tự hào mình hóa trang ông già Noel còn giống hơn cả… ông già Noel thật nữa.
Alex chỉ muốn “giải nghệ” sau màn diễn quá tệ này, nhưng ông biết mình khó mà từ bỏ vai diễn ấy khi mà đứa cháu ngoại của ông vẫn đang đếm từng ngày cho mau đến ngày Lễ Giáng Sinh để nhận được quà của ông già Noel. Từ đây cho đến Lễ Giáng Sinh là những ngày vui của cháu, vui trong nỗi thấp thỏm trông đợi ngày ấy sẽ đến và trong vẻ mặt rạng rỡ khi kể ông nghe câu chuyện cháu gặp được ông già Noel trong giấc mơ nào. Và cũng đâu phải chỉ có cháu ngoại của Alex thôi, còn bao nhiêu đứa trẻ khác nữa. Và cũng vì thế, Alex vẫn phải diễn tuồng, vẫn phải đội mũ mang hia, phải đeo sợi thắt lưng da to bản màu đen, phải choàng tấm áo đỏ viền lông trắng vào người để giữ cho những giấc mơ ngọt ngào ấy không bao giờ tắt hẳn.
Alex lại nghĩ đến Tim, đến cậu bé không đón được Giáng Sinh năm nay. Nếu ông già Noel là có thật, Alex nghĩ, ông sẽ phải mang về lại một phần quà không có người nhận. Ông không biết làm gì với nó, ông không biết cất nó ở đâu, hoặc ông sẽ cố tìm cho ra đứa trẻ nào chưa nhận được quà để trao cho nó gói quà ấy. Alex không biết được.
* Viết phỏng theo bản tin báo New York Post, ngày 12/12/2016
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định