|
Dương Kiền(28.12.1939 - 17.11.2015) | Khái Hưng(.0.1896 - 17.11.1947) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Rissa ngồi bật dậy khi những dòng chữ trên facebook đập vào mắt cô. Ezra Toczek, cái tên khó trùng với ai khác. Cô biết mình không lầm khi nhìn tấm ảnh. Đúng là Ezra, học trò cũ của cô.
Cô đọc lại lần nữa lá thư của Karen Toczek, mẹ nuôi của Ezra, nói bà biết rằng có rất ít hy vọng nhưng vẫn gửi thư này ra hơn là ngồi chờ cái tin xấu nhất đến với đứa con trai 5 tuổi của mình. Các bác sĩ cho biết bệnh gan của Ezra đang ở giai đoạn cuối và cậu bé cần được cấy ghép gan càng sớm càng tốt vì bệnh tình cậu ngày càng xấu đi. Cơ hội duy nhất cho cậu bé để giành lại sự sống là được ai đó tình nguyện hiến tặng một phần lá gan khỏe mạnh. Người hiến tặng cần có nhóm máu phù hợp là O+.
“Máu O+? Nhóm máu của mình đây.” Rissa buột miệng.
Rissa nhớ, cô gặp cậu bé lần đầu cách đây hai năm trong lớp mẫu giáo của cô, Precious People Daycare ở Alden, một thị trấn nhỏ thuộc quận Erie, New York. Mẹ nuôi của em, Karen Toczek, cho biết em bị tổn thương gan bẩm sinh khi mới lọt lòng sau một ca sinh mổ khó khăn. Do bố mẹ Ezra không đủ khả năng tài chính cho các chi phí điều trị của con mình, bà Karen và chồng đã nhận cậu bé làm con nuôi và chăm sóc cậu mấy năm nay.
Ezra được chăm sóc đặc biệt do những biểu hiện tâm tính bất thường. Cậu bé luôn có cảm giác ngứa ran, gãi luôn tay đến trầy xước cả da và bụng thì chi chít những vết sẹo. Điều lạ là Ezra rất mến cô giáo mình, luôn chạy theo cô, quấn quýt bên cô. Và cô giáo trẻ Rissa cũng rất thương mến cậu học trò nhỏ, thường chuyện trò, chơi đùa với cậu.
Rissa suy nghĩ và quyết định thật nhanh. Cô không thể nào ngồi yên một chỗ khi biết bệnh trạng của học trò mình ngày một tệ hơn và sự sống đang bị đe dọa. Không một phút do dự, cô giáo 20 tuổi gọi ngay đến bệnh viện NYU Langone Health ở New York, nơi Ezra đang được điều trị, cho biết mình cùng nhóm máu với Ezra và muốn được hiến gan cho người bệnh.
“Cô là thế nào với cháu Ezra?” bác sĩ khoa ghép tạng hỏi.
“Tôi là giáo viên lớp mẫu giáo của cậu bé.”
“Thật quý hóa!…” bác sĩ thốt lên, giọng ngạc nhiên. “Cám ơn cô giáo nhiều lắm. Thế cô đã nói chuyện với gia đình cháu chưa?”
“Tôi chưa nói,” Rissa trả lời, “và xin bệnh viện giữ kín cho tôi việc này.”
Rissa muốn chắc chắn mọi việc trước khi báo cho gia đình cậu bé để tránh gieo hy vọng cho mọi người, nếu vì lẽ gì việc hiến gan không thực hiện được thì càng đào sâu thêm nỗi thất vọng. Cô chỉ chia sẻ việc này với mẹ mình. Bà có hơi bất ngờ nhưng tôn trọng quyết định của con mình.
“Được rồi,” bác sĩ nói, “chúng tôi sẽ làm theo ý cô.”
Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm máu ban đầu theo yêu cầu của bệnh viện, Rissa đến New York City vào tháng Tư để thực hiện các thủ tục tiền phẫu thuật như chụp MRI, chụp CT, điện tâm đồ và các xét nghiệm máu bổ sung nhằm bảo đảm sức khỏe thể chất của người hiến tặng.
Đến ngày 24 tháng Năm, Rissa nhận cuộc gọi từ NYU Langone Health cho biết cô đã được chuẩn thuận hiến 30% lá gan của mình cho người bệnh. Rissa rất phấn khích, vội tin cho mẹ mình biết.
Hôm sau, cô gọi cho Karen, mẹ cậu bé, nói cô sẽ ghé thăm gia đình. Rồi cô chạy đi mua vài thứ và một tấm bìa poster. Xong, cô và mẹ tìm đến nhà hai mẹ con Ezra.
Karen mở cửa, nhận ra ngay cô Rissa Fisher, cô giáo cũ của con mình. Ezra đứng bên, nắm tay mẹ. Cậu bé lớn hơn một chút nhưng trông tiều tụy, vẻ mặt kém vui. Tội nghiệp, cậu đã bao ngày chịu sự hành hạ của căn bệnh quái ác.
“Ezra, nhớ cô chứ?” Rissa mỉm cười với cậu bé.
“Miss Fisher!” Ezra vụt tươi nét mặt, reo lên.
Rissa cảm động, cậu bé vẫn còn nhớ cô. Cô bước lại gần, đưa hai chiếc bóng bay và chú gấu nhồi bông cho Ezra. Cô quỳ một chân, ôm lấy vai cậu bé. Ezra nép vào lòng cô, vẻ mặt rạng rỡ, giống như ngày nào cô giáo và học trò ở bên nhau trong lớp học mẫu giáo.
“Chúng tôi rất thân nhau,” Rissa ngước lên, mỉm cười với mẹ cậu bé. Rồi cô đến bên Karen, nói vắn tắt vào tai bà, cho biết cô tình nguyện hiến gan cho Ezra và đã được bệnh viện chuẩn thuận, chỉ còn chờ lên lịch tiến hành việc này.
“Thật vậy sao?!…” Karen mở to mắt lộ vẻ sửng sốt, ôm chầm lấy Rissa, nước mắt ứa ra.
“Cô giáo sẽ cho con món quà con vẫn ao ước,” bà quay sang nói với con mình.
Rissa mở rộng tấm poster, hướng về cậu bé, đọc lớn tiếng câu ghi bằng bút màu marker trên tấm giấy, “Này Ezra! Con có muốn dùng chung lá gan với cô không?”
Ezra ngước nhìn cô giáo, “Con nhớ cô, Miss Fisher.”
“Cô cũng nhớ con lắm, Ezra”. Rissa trả lời. “Đây,… con cầm lấy cây bút này, check mark vào chỗ nào con muốn, Yes hay No.”
Rissa đưa cây bút marker cho cậu bé để đánh dấu vào một trong hai ô vuông dưới hàng chữ “Check one”. Cậu bé ngần ngừ, nhìn cô giáo, có vẻ chưa hiểu rõ lắm.
“Chúng mình đã từng chơi trò này ở trong lớp, con nhớ chứ?” Rissa vỗ vỗ vai cậu bé. “Nào Ezra, con sẽ chọn Yes, phải không?”
Ezra linh hoạt hẳn lên. Cúi xuống tấm giấy mở rộng, cậu bé kẻ một vạch check mark vào ô vuông bên cạnh chữ “Yes”.
“Great job!!!” Rissa reo lớn. Cô và mẹ và Karen cùng vỗ tay. Ezra ngước mắt nhìn mọi người rồi cậu cũng vỗ tay theo.
Karen cúi xuống ôm con mình rồi ôm chặt Rissa lần nữa. Bà không ngăn được tiếng nấc, úp mặt vào vai cô giáo. Nước mắt bà thấm ướt vai áo Rissa.
“Tôi như đang nằm mơ… Cô Fisher, đây là món quà bất ngờ và quý giá nhất tôi nhận được trong đời.” Karen nói trong nghẹn ngào. Bà quay sang con mình, “Cám ơn cô giáo đi, Ezra.”
“Thank you, Miss Fisher!” cậu bé nhoẻn miệng cười tươi.
Rissa nhìn đăm đăm cậu bé. Ánh mắt cô sáng lên, long lanh. Rồi cô quay đi, giấu giọt nước mắt.
Ezra được mẹ và cô giáo giải thích vắn tắt về chuyện ghép gan.
“Lá gan của cô còn tốt lắm,” Rissa mỉm cười với cậu bé. “Chúng mình chia nhau nhé, Ezra!”
“Con sẽ có lá gan mới toanh,” bà Karen vỗ vai con mình. “Con sẽ đi học trở lại, sẽ chơi đùa với các bạn. Con sẽ thật khỏe mạnh để làm bất cứ chuyện gì con muốn.”
“Miss Fisher,” cậu bé quay nhìn cô giáo, “con muốn làm Spider-Man.”
Trong tiến trình cấy ghép gan, bác sĩ sẽ cắt bỏ lá gan của người bệnh và thay vào đó một phần của lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Do khả năng tự tái tạo, gan của cả người cho và người nhận sẽ mọc lại thành lá gan nguyên vẹn với đầy đủ chức năng trong vòng vài tháng. Bác sĩ cho Rissa biết tỷ lệ thành công của những ca ghép gan từ người hiến tặng vào khoảng 90%. Sau phẫu thuật, nếu gan phản ứng tốt, không bị nhiễm trùng hay thải ghép, cô sẽ có cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.
Lịch phẫu thuật cấy ghép gan của hai cô trò được ấn định vào cuối tháng 7. Mọi việc tiến hành khá suôn sẻ.
“Ezra thế nào rồi?” Câu đầu tiên Rissa hỏi, khi vừa tỉnh dậy trên giường bệnh.
“Mọi chuyện ổn cả,” cô y tá trả lời, giọng dịu dàng. “Cả cô giáo và học trò.”
Rissa còn nằm ở bệnh viện ít nhất một tháng để các bác sĩ theo dõi. Ezra phải ở lại New York vài tháng và tái khám định kỳ trong khoảng một năm để bảo đảm các chức năng cơ thể hoạt động bình thường.
Ngày xuất viện cậu bé được bệnh viện tặng nhiều đồ chơi, bong bóng và còn được cấp một giấy “Certificate of Graduation”.
“Karen viết trên facebook rằng mọi chuyện xảy đến với gia đình bà thật kỳ diệu như một phép mầu, và Rissa giống như là cô tiên trong truyện cổ tích. Không lời nào bày tỏ hết lòng biết ơn của gia đình bà với cô giáo của con mình.” Cô y tá nói cho Rissa biết.
“Tôi mới phải cám ơn hai mẹ con chứ,” Rissa mỉm cười, nói. “Nhờ họ, từ nay tôi có được người bạn nhỏ thân thiết luôn đồng hành với tôi trên con đường đời.”
Rissa cũng nhận được những hỗ trợ về tài chính từ nhiều người quen và không quen để chia sẻ viện phí với cô.
“Tôi rất vui và cám ơn những người bạn tốt,” cô nói, “tôi còn vui sướng hơn khi câu chuyện này truyền cảm hứng được cho nhiều người. Khi ta san sẻ được với ai thứ gì thì ta luôn cảm thấy được gần gũi, ấm áp và thắt chặt thêm những mối tình thân. Đấy không phải là điều ta vẫn mong ước trong đời này đó sao?”
Lê Hữu
* Viết phỏng theo bài báo The Washington Post, 9/6/20
Teacher goes above and beyond for former student (ABC News)
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |