|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Ba mươi sáu năm qua, đây cũng là lần đầu tôi gặp lại gia đình đại tá Hồ ngọc Cẩn. Tôi không nghĩ có ngày nầy, cuộc đời quả thật những gì đến sẽ đến. Một ngày trước khi chúng tôi xuống Nam Cali theo hẹn, qua điện thoại nói chuyện đón tôi, anh Hiệp cho hay mấy ngày trước bỗng dưng chị Cẩn gọi nói có anh em ở trung đoàn 15 xuống đây, thì rủ xuống nhà chị chơi. Tôi nói lạ vậy, sao có sự trùng hợp, chị nhắc vừa đúng lúc thời gian tôi đến.
Trước đây tôi chỉ tiếp xúc với chị một lần, khi đại tá Cẩn rủ tôi về dinh, lúc tôi ghé qua thăm ông ở tòa hành chánh Chương Thiện. Định cư ở Mỹ, tôi có hỏi thăm người bạn thường điện thoại với chị, nên có biết qua về tình hình trước sau. Rồi do việc làm, lo đời sống gia đình tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại. Về Đại tá Cẩn, cái chết của ông đối với tôi là một nỗi đau khi nghĩ đến, bởi ngoài chuyện thượng cấp chỉ huy trong quân đội, với ông tôi có một tình thương mến, điều nầy chính từ tình cảm ngược lại trong đối xử. Ông thường gọi tôi đi bay lúc đơn vị dưới đất chạm địch, và nhiều lần xuống luôn, ngủ qua đêm thời gian nầy tôi làm sĩ quan hành quân). Trong số sĩ quan ở trung tâm hành quân (TOC), không biết sao ông thích chọn tôi đi chung ở những lần hung hiểm. Ông nhắc tôi “mầy coi tao làm sao thi làm vậy, cho quen đi để sau nầy đi bay một mình”.
Lần nầy tôi xuống Cali, theo lời rủ rê để gặp lại anh em đơn vị. Đi xa cũng vì câu nói của người anh ở đơn vị lâu năm. “Ông xuống đây gặp một lần đi, tôi có chết cũng vui lòng, anh em có mấy người gặp rồi, chỉ còn có ông là chưa thôi”. Lúc nầy đây, sức khoẻ tôi không ổn, việc làm, đời sống kinh tế gia đình khó khăn, và một năm nầy không biết bao nhiêu là chuyện không may cứ đến. Nhưng câu nói qua điện thoại từ anh, làm tôi vương vấn mỗi khi nghĩ đến. Cái tình đồng đội năm cũ tưởng đã đi xa, nhưng nay lại thấy gần.
Mười giờ đêm, anh Hiệp đón tôi ở phi trường Los Angeles. Người tiểu đoàn trưởng của tôi năm xưa tóc giờ bạc trắng. Tôi nhận ra anh ở khuôn mặt, dù vóc dáng khác hơn trước. Bên anh một người đàn bà đi cùng. Tôi có hơi ngạc nhiên khi biết mười năm nay anh sống độc thân tại chỗ. Tôi hỏi nhỏ. Ai vậy? Mười năm tình cũ mới quay về hôm qua, có xe tốt thì nhờ đi rước giùm. Tôi cũng quá quen với cuộc sống anh trước đây, không có cuộc sống vợ chồng chính thức, giờ chắc vẫn vậy. Lần sau cùng gặp Đại tá Cẩn và anh, ở khoảng thời gian giữa năm 74. Lúc bấy giờ anh làm Quận trưởng Kiên Long, đang chờ chuyến bay trở lại quận. Sở dĩ tôi còn nhớ rõ, bởi là lần gặp trong tình huống dễ phiền lòng, khó xử cho tôi. Hôm đó sau chuyến bay sớm, giao bản đồ, phóng đồ cho các tiểu đoàn, chuyển vùng lãnh thổ hành quân, quay về phi trường Chương Thiện. Vừa xuống trực thăng, bên hướng trái sân bay, Đại tá Khiêu Hữu Diêu trung đoàn trưởng 15 đang chờ sẵn, phiá bên phải, Trung tá Hiệp, Đại tá Cẩn tỉnh trưởng gọi, ngoắc tôi. (Tôi biết tính Đại tá Diêu rất cao ngạo về thâm niên cấp bậc, nên không đứng chung với ai). Một bên là thầy cũ thân tình, một bên là trung đoàn trưởng đương nhiệm (ông là trung đoàn trưởng thứ 3, khi tôi làm trưởng ban 2 trung đoàn). Tôi hơi phân vân, nhưng nhanh chóng bước lại hướng nầy báo cáo vắn tắt cho Đại tá Diêu, bước qua bên kia chào Đại tá Cẩn. Ông quay sang thiếu tá Hiệp “Mầy cho tiền nó chưa?”. Một câu nói giản dị phóng khoáng nhà binh, cho tới bây giờ nghĩ lại tôi vẫn nhớ, nó hàm chứa cái tình thầy trò gần gũi trước đây. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Đại tá Cẩn. Cho đến bây giờ, ba mươi bảy năm qua, vẫn là hình ảnh đó. Một người đứng đón tôi hôm nay. Một người xác thân vĩnh biệt. Tự dưng lúc gặp, tôi lại có cảm giác nầy, để thấy lòng đau với nỗi xót xa, vận mệnh đổi đời.
Ngày hôm sau, phải mất hơn một giờ đồng hồ lái xe, từ Fullerton, chỗ chúng tôi ở, để đến Stevenson Ranch. Chúng tôi đi chung gồm Thiếu tá Mảnh (tiểu đoàn trưởng 1/15), Thiếu tá Hiệp (tiểu đoàn trưởng 3/15) cùng cô bạn gái, và vợ chồng tôi. .Anh Hiệp giới thiệu tôi từ Virginia xuống. Chị Cẩn vui vẻ gặp lại anh em ở trung đoàn 15, như ý chị muốn. Tôi gặp lại Nguyên, đứa con trai 12 tuổi ngày nào, bây giờ đã có gia đình và sự nghiệp ổn định. Gặp lại chị, tôi nhận không ra. Thời đó chúng tôi ở hành quân (chị ở hậu cứ trung đoàn), thêm nữa thời gian mấy mươi năm qua rồi nên phải nhắc lại để chị dễ nhận, tôi là người bị thương chung với Đại tá Cẩn lần trực thăng bị bắn rớt.
Bây giờ đây, bao cảnh tang thương dời đổi, đến với chị là đến với một tình thân gia đình, nghĩa cử thầy trò chung một đơn vị. Chị vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con. Trên bàn thờ bức ảnh Hồ Ngọc Cẩn mang cấp bậc thiếu tá, (có lẻ tấm ảnh sót lại mang theo trên đường vượt biên, hương khói thờ đã lâu, nên để vậy?). Hỏi chị, chị mới mang ra hình chụp lớn trong khung mang cấp bậc Đại tá, chị mới có sau nầy. Anh em chúng tôi bày mâm quả đặt trên bàn thờ. Gia đình chị là người công giáo. Nhưng không sao. Kể từ ngày vượt biên sang xứ người, trước ngày rước tro cốt chồng sang. Chị đi chùa làm công quả, cầu nguyện. Nhờ vậy, có lẽ do duyên lành, mấy năm sau, chính vị sư trụ trì ở chùa là người giúp mang hủ tro cốt Đại tá sang Mỹ cho gia đình, trước tiên để ở chùa. Là người công giáo, nhưng tro cốt, hương hồn ông mấy năm qua, nghe câu kinh tiếng kệ, trước khi lần nữa được đặt yên xuống lòng đất. Kể từ ngày oan nghiệt theo vận nước, tôi mới có dịp chào vĩnh biệt Đại tá. Tôi bùi ngùi thắp nhang trước di ảnh Người, đã bao lâu rồi cảm giác như đè nặng. Hôm nay đây, trong không khí gia đình ông, lòng tôi thấy êm ấm khác thường.
Ngồi lại nghe chị nói mấy chuyện năm xưa, chúng tôi không khỏi đau lòng, nhất là những giờ phút cuối của gia đình chị. Chị kể từ lúc ông tử thủ cho đến giờ bị bắt, nghe chú lính cho hay, chị dẫn con lội bộ từ ChươngThiện xuống tới Long Mỹ đón xe về Thủ Đức. Rồi mấy chục năm nay sang xứ người, chị lặng lẽ bên gia đình không tham dự với đoàn thể, phong trào đấu tranh xướng danh, truy điệu lần nào về cái chết của chồng. Người đầu đàn tỉnh Chương Thiện, đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng không hàng. Chị lặng lẽ sống bình thường, như trước đây, khi còn ở địa vị, chị cũng bình thường với thân phận người đàn bà, người vợ.
Tôi có coi hai bức ảnh trên youtube, lúc đại tá Cẩn bị xử bắn. Từ một nhà thơ nữ đưa lên net để thiên hạ xác quyết hình nào là đạị tá Cẩn. Một ảnh, thân hình người ốm yếu mặc áo trắng, quần dài đen. Tôi chắc chắn là không phải. Một ảnh thứ hai, Đại tá Cẩn mặc áo bà ba đen, (gương mặt phảng phất giống), nhưng khuôn mặt to hơn, kế bên là một người bộ đội dùng súng colt trong tư thế bắn vào màng tang. Nhìn hình nầy, tôi tự hỏi, làm sao tin vào thời điểm năm 75 đó, chưa có máy điện thoại cầm tay, và ai là người có đủ can đảm đứng ra chụp làm tài liệu lưu trữ, dù là chụp lén. Điều không đáng tin nữa là anh chàng bộ đội nầy dáng dấp quần áo sạch sẽ, đầu cổ rất ư là trau chuốt đẹp trai (cái vụng về để dễ nhận biết, là tên lính VC nầy, giống tài tử phim ảnh quá). Chụp hình là chuyện lạ ở thời điểm 75, tình trạng hỗn loạn lúc đó.
Khi đại tá Cẩn bị xử bắn ở sân vận động Cần Thơ, chúng tôi đang bị giữ tập trung ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Sau cuộc hành quyết, viên chính uỷ có về tập họp (gọi là lên lớp) anh em chúng tôi lại. Tôi còn nhớ câu hắn nói “tên ác ôn nầy sau khi bị bắn ngã xuống, miệng vẫn còn chửi cách mạng, nên phải dùng lưởi lê đâm vào cổ mới chịu yên”. Như vậy là bắn với súng AK có khoảng cách. Nghe tin, tôi không khỏi bàng hoàng đau xót. Nhớ lại biết bao kỹ niệm thầy trò ngày nào còn gần gũi, trên chuyến bay đổ quân, hay những chiều mắc võng, ngủ lại qua đêm với tiểu đoàn trong vùng hành quân, nghe ông kể chuyện tình cảm đâu đó qua đường.
Ngày ông bị xử bắn, ngày 14 tháng 8 năm 1975. Tôi chảy nước mắt một mình lúc biết tin. Một ngày nắng ráo. Không phải như một nhà văn hải ngoại sống bên Pháp viết rằng, "lúc đó, trời vần vũ bất chợt sấm chớp, rồi cơn mưa đổ xuống. Một đứa con gái nhào ra ôm xác kêu ba ơi, ba ơi". Tôi đọc mà thấy ngỡ ngàng, tiểu thuyết hóa từ sự vẽ vời tưởng tượng (tôi biết gia đình Đại tá ở hậu cứ trung đoàn, chỉ có một đứa con trai lúc bấy giờ còn tuổi nhỏ).
Qua điện thoại sau nầy. Hỏi chị về bức ảnh, mấy sự việc nầy, chị có biết không? Chị nói hình đó, trong phim họ dàn dựng làm phim DVD bán, có mời chị hôm ra mắt. Chị không có tham dự. Phần tôi, cho đến bây giờ tôi mới biết sự thể, chưa có dịp coi, nên không biết nôi dung thế nào. Hỏi chị, chị nói họ dựng chuyện bậy bạ không đúng đâu vào đâu hết. Trong phim kể chị suốt ngày chỉ lo đi cờ bạc, thằng Nguyên thì mướn người vú trông coi. Tôi hỏi. Chị không đồng ý sao không phản ứng, lên tiếng? Chị kể hồi trước một thân một mình, đâu có biết ai mà nhờ lên tiếng. Vậy rồi thôi, cho đến sau nầy, khi có một số người biết nơi mộ phần Đại tá Cẩn ở vùng Cali nầy, đến liên lạc với chị để đứng ra tổ chức truy điệu, làm giỗ. Chị thẳng thừng từ chối. Chị sợ. Sợ gì? Chị sợ những người lợi dụng. Chị không có khả năng để đánh giá thật giả. Tất cả những gì đã qua, cho qua đi. Chị không muốn làm rình rang mọi sự mọi chuyện, dù ở đó người ta tuyên dương chồng chị là một người hùng. Chị nói hãy để linh hồn anh ấy được yên, mấy chục năm qua rồi. Cho nên khi đến gia đình, hay đến thăm mộ phần là đến với tính cách cá nhân, đến với tình cảm năm xưa là tốt nhất.
Nghe chị nói, nhìn gia đình chị. Bao cảnh truân chuyên. Mọi sự đã qua, thì thôi cứ để qua đi. Chúng ta ai cũng cần nhìn vào thực tại để sống, nhất là trên xứ người. Bây giờ chị cũng có tình thân chốn nầy để giúp chị, đó là nhóm anh em thiếu sinh quân thân tình với chồng chị.
Hôm nay anh em chúng tôi gặp lại nhau, qua đêm ở nhà anh Hiệp. Anh kể lại chuyện nhờ Đại tá Cẩn dùng trực thăng tản thương anh từ quận, chuyến bay cuối cùng hai ngày trước khi mất nước. Tôi cũng mừng gặp lại Thức, bay từ Nebreska sang khi hay tin tôi xuống. Ba mươi sáu, ba mươi bảy năm qua rồi. Thức và tôi là hai thằng, một thời làm trung đội trưởng ở Đại đội 1, lúc mới ra trường (bấy giờ Thiếu tá Hiệp còn làm Đại đội trưởng Đại đội 3). Bao gian khổ hiểm nguy chửi đổng lên trời, khi mà trên tuyến đầu chỉ có hai thằng chịu trận. Bản thân tôi là người bị đì nhiều nhất trong hiểm nguy sống chết, quan cũng biết, mà quân cũng thấy, để rồi tiểu đoàn trưởng phải quan tâm. Tôi nhắc đến thiếu tá Trần Văn Mỹ, Tiểu đoàn trưởng 3/15, đã chỉ định tôi thay thế chức vụ Đại đội trưởng, trong lúc trận đánh đang diễn ra tại chiến trường Kampuchia ( năm đầu hành quân vượt biên giới). Nghĩ lại, mà mến Thức ở chỗ Thức ra trường trước tôi mấy khóa, nhưng khi tôi chỉ huy Đại đội, Thức vẫn vui vẽ không tị hiềm, sống chung trong tình bạn cho đến lúc thuyên chuyển đi giữa năm 72. Bây giờ đây gặp lại, cảm động sau bao năm tưởng không tìm nhau được. Nhìn bên ngoài so với tôi, Thức trông trẻ, thoải mái hơn. Ai cũng trách tôi coi sao già quá so với ngày xưa. Qua một đêm anh em ở chung nhà chuyện vãn. Buổi sáng chúng tôi ngồi bên nhau, cho đến lúc tôi từ giã đi nơi khác. Thức cũng chia tay ra đi.
Trong số anh em chung cùng đơn vị, có lẽ tôi và anh Hiệp là hai người ở chung một Tiểu đoàn, Trung đoàn lâu nhất, tham dự đầy đủ các trận đánh, chiến thắng có, hoạn nạn có. Để rồi sau nầy tôi về Trung đoàn làm sĩ quan hành quân, rồi chuyển sang coi Quân Báo. Anh về Quận trưởng Kiên Long theo Đại tá Cẩn. Cuộc đời anh là một chuyện dài của người độc thân, còn đó mất đó. Tôi biết anh không có thời gian để nuôi dưỡng những mối tình ở thời điểm còn lặn lội hành quân. Hôn nhân, đời sống gia đình, nếu phải có chọn lựa thì thực tế trong chiến tranh, tình yêu có quá nhiều phiêu lưu, quá gần với vai trò làm goá phụ son trẻ.
Người đàn bà bên anh tôi gặp tối nay. Chị là người hiền lành, anh chắp nối đưa sang, và như anh nói mười năm tình cũ, cho có chút lãng mạn. Thật ra mười năm chị bỏ anh đi, sau năm năm sống chung. Ra đi rồi lại trở về. Nói không sợ mích lòng. Chị không thể yên phận với anh, khi bên chị còn có trách nhiệm với con riêng, với cháu ngoại. Chị bỏ đi hay trở về, để anh thử thời vận có phải chị về thật? Ở anh, hay ở những người tuổi đã về chiều, chúng ta không còn là chỗ dựa ở thực tế đời sống hiện tại. Ngày hôm nay không phải là ngày tháng cũ đứng lại, thì thôi mười năm tình cũ hay năm năm gần có sống thêm, thì coi như tình bạn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Phải nói lời cám ơn chị, buổi hôm đầu tôi xuống về khuya, buổi cơm anh chị dọn ra, cá kho mua ngoài tiệm, với rau đắng. Loại rau đắng, mà năm đầu bị tù cải tạo ở Chi Lăng, hái loại rau đắng đất, rau đắng biển mọc hoang, quanh miệng giếng, thứ nào cũng đắng dữ dôi. Không biết sao đêm nay dĩa rau đắng màu xanh tươi lại dễ ăn, món ăn nhà quê, cái tình chân thật đậm tình quê hương theo câu hát, như sống thật lòng. Lần nầy đây, lạ một điều, giống nhau ở chỗ. Là anh em tác chiến chung cùng đơn vị tựu lại, chúng tôi không nói chuyện trận đánh, chuyện chiến tranh trong quá khứ. Hôm nay ngồi lại, nói chuyện hôm nay, nỗi băn khoăn ở tuổi sẽ tới. Sống lại với một tình thân ngày nào, hôm nay biết đâu ngày mai có còn được gặp.
Nói chung, nếu đường đời không đứt đoạn đổi thay, chắc gì cái tình năm xưa còn vương vấn. Nếu không thua cuộc đổi đời, tướng tá, quan quân, đời sống bên ngoài việc ngồi lại gần nhau chắc khó có chung một bàn. Khi tất cả mất hết, danh vọng chỉ còn là phù phiếm, lạc lõng trên xứ người, cái tình đồng hương, dân tộc, cái chuyện năm xưa liếc mắt ngó qua, giờ đây lại thấy gần gũi. Mỗi khuôn mặt mỗi thân phận nhận nghĩ khác nhau. Tâm trạng của người ngã ngưạ tù đày còn ở lại, chắc một điều là khác đi quan điểm sống với những người vượt thoát khi mất miền Nam. Sự lẫn lộn sống chung cùng trên một đất nước tự do, đường ai nấy đi, nhân cách ai nấy giữ, không có gì quan trọng ở danh xưng địa vị với người đối diện. Ở đã lâu, nhân vật nào rồi cũng như nhau. Cứ coi như là điều thanh thản, bình an trên một đất nước, như quê hương thứ hai, bởi không có một chọn lựa nào khác.
Trong những lần hội ngộ anh em, người cũ trước sau. Tôi nhớ căn nhà anh Hiệp, căn nhà liền dãy dành cho người về hưu hưởng trợ cấp xã hội. Độc thân như anh, so với tôi anh có vẻ lạc quan hơn trong cuộc sống. Mọi sự anh đều tập trung tại chỗ. Chỗ nằm, chỗ bàn ăn, chỗ đọc sách, xem Tivi, chỗ tập thể dục, tất cả đều ở phòng ngoài với cửa kính có màn che. Đặc biệt được vén khéo, trống một góc như anh chàng Manager người Mỹ trắng trông coi căn dặn “Tôi biết ông ở một mình, khi nào không thấy ông vài hôm, tôi sẽ đến nhìn vào. Chỗ nầy là chỗ ông nằm tôi biết, và nhớ vén một góc màn cho tôi thấy, để biết ông còn hay mất.”
Nghe qua lời nói thật tình, tự dưng thấy chua xót cho thân phận kiếp nầy. Những con người lẻ loi không có quê hương, trong đó có tôi, có anh, có anh em của một thời xa khuất. Giờ đây không biết đâu thực là nhà, ở tuổi xế chiều.
Tôi đi xa tưởng thảnh thơi. Đâu ngờ khi về lại mang theo câu nói nặng lòng!
(Trong tự truyện "Còn Không Chốn Quay Về" tr. 196-206 - Thân Hữu xb 2017)
- Rất Gần Mà Cũng Rất Xa Hoài Ziang Duy Tự truyện
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |