1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Họa Sĩ Và Người Mẫu (Tạ Tỵ) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      21-9-2010 | TRUYỆN

      Họa Sĩ và Người Mẫu

        TẠ TỴ

      Tặng Bùi Xuân Phái, người bạn đẹp của tôi (Tạ Tỵ)

      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Hắn dơ thẳng búa đập mạnh nhát cuối cùng vào chiếc đanh thước thợ. Vốn cẩn thận, hắn đưa tay lên lay mạnh xem nó đã chịu nổi nặng chưa. Hắn thở phào khoan khóai, không ngờ rằng hôm nay mình dò đúng mạch vôi một cách dễ dàng. Soay người, hắn nhìn vòng quanh gian phòng mà chu vi không rộng quá 10 thước vuông, treo la liệt tác phẩm. Ánh sáng đùng đục của chiều cuối năm dọi thoi thóp vào mầu sơn tươi mát. Chiếc tảu thuốc lá, mang hình thù quái đản của chiếc đầu lâu sần sùi đè chĩu hẳn một bên môi hắn làm thành nụ cười nửa miệng. Đưa tay vuốt lại mái tóc thưa sòa trên vầng trán cao rộng, hắn mở to đôi mắt hung nâu nhìn đắm đuối vào bức tranh mới hoàn thành, thuốc sơn còn loáng ướt.


      Hắn không già, chỉ độ ngoài ba mươi mà thường khi có người nhầm gọi là "cụ". Toàn diện hắn gầy gò, cằn cỗi, thất thểu, kèm theo bộ râu quai nón đỏ hoe mọc vô tổ chức trên màu xanh bột của nét mặt suy tưởng. Tính nết xuyềnh xoàng, hình như hắn không cần sống với cái gì đang có mặt. Tâm hồn hắn dung dị đến độ coi nhẹ cả bản thân và việc đời chẳng bao giờ quan trọng, trừ Nghệ Thuật.


      Cố lấy hết gân của đôi tay khẳng khiu, hắn nhấc bổng bức tranh nặng hơn người - gài vào chiếc đanh mới đóng. Khi buông tay, hắn thấy hai đầu gối run run, gân cốt bải hoải vì phải dùng quá sức. Ngồi phịch xuống tấm phản kê thấp lè tè xát mặt đất. Hắn thở hổn hển. Mắt lim dim, chiếc tẩu thuốc tắt từ lâu mà vẫn không rời đôi môi hồng hồng như ứa máu. Với bao diêm trên mặt bàn, hắn châm nối mồi thuốc. Mùi thuốc lá khen khét, nồng nồng đưa vào mũi làm hắn đê mê. Làn khói trắng đục bay vẩn vơ trước mặt quyện theo hình ảnh người mẫu, lung linh huyền ảo dưới nét bút già dặn trườn mình trong tác phẩm.


      -Hai rưỡi rồi, có lẽ Hoài sắp đến.


      Hắn nói rồi liếc mắt nhìn âu yếm chiếc đồng hồ báo thức cũ kĩ, hắn mua rẻ được ở chợ giời phố Sinh Từ hồi năm ngóai. Ấy thế mà nó tốt ra phết, từ khi mua chả chết bận nào, tuy rằng mỗi ngày nó chỉ nhanh chậm theo thời tiết, độ mươi, mười tám phút là cùng. Những buổi sáng rét mướt hẳn ngại dậy, định chùm chăn kín để mơ nốt giấc "mơ tình" thì nó, chính nó đã réo vào lá nhĩ hắn tiếng kêu rè rè khó chịu, gọi thể xác hắn hồi sinh để sửa sọan đi vào một ngày sống mới, từ hôm nhận được "com măng" của ông "nhà giầu" nhất, nhì ở thành phồ Hà-nội này - do sự giới thiệu của người bạn - chiếc đồng hồ cà khổ trở nên bất khả xâm phạm đối với hắn. Hắn nhớ mãi, mà có lẽ nhớ đến chết, câu căn dặn đầu tiên của ông "nhà giầu" khi ngỏ ý thuê hắn vẽ bức tranh để treo ở phòng khách vào dịp Tết này:


      -Ông nhớ cho, căn nhà tôi mới làm xong, cao 4 tầng, tất cả có 18 buồng, mà buồng nào cũng ngoài 30 thước vuông cả. Riêng có phòng khách thì gần 50 thước thôi. Tôi cũng chưa được vừa ý lắm, vì nó hãy còn nhỏ và thiếu buồng...


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Nói đến đây, ông "nhà giầu" chợt nhìn thẳng vào ngực hắn.


      -Này, ông họa sĩ ạ! Tôi chỉ thích vẽ một người con gái, nàng có mái tóc huyền, mắt nàng to, môi nàng hình trái tim. Nàng đứng bên gốc liễu, nhìn về phía xa xăm có đôi chim nhạn bay, ờ, mà bay gần nhau đấy nhé, vì nếu vẽ một con tôi sợ nó "sái"!


      Hắn trố mắt nhìn ông ta,từ đầu đến chân.Người ông “nhà giầu” chỉ cao độ thước hai,tóc ông đã hoa dâm, trán ngắn, mắt hấp háy ẩn hiện dưới đôi mục kỉnh trắng, gọng đồi mồi to và dầy như hai chiếc đũa cả cặp lấy khuôn mặt đầy mỡ. Mỗi khi ông nhà giầu thích trí tủm tỉm cười thì bộ râu cá trê lại ngoe nguẩy trên cặp môi dẩu ra giống hệt mõm lợn.


      - Thế nào, ông họa sĩ ? Ý kiến của tôi hay đấy chứ ? Tôi đặt trước một số tiền ông làm cấp tốc cho, đúng sang 30 tết tôi lại lấy nhé !


      Hắn chỉ ừ ào, và dĩ nhiên, hắn khổ sở lắm. Thật tình hắn thấy ngường ngượng, khi nhận số tiền đặt trước mà đáng lý ra, hắn phải từ chối vì đề tài của bức tranh không thích hợp với một nghệ sĩ chân chính, hiểu biết lẽ tiến lui của Nghệ Thuật Hội Họa. Trong những giây phút bứt rứt, hắn định trao trả số tiền đặt, thì đột nhiên hình ảnh ông chủ nhà hợp lực với mụ chủ quán Cầu Gỗ ở đâu sừng sững bước vào. Cả hai, mặt đằng đằng sát khí, nhìn gườm gườm như muốn cướp sống số tiền còn nóng hổi trên gan bàn tay lạnh buốt của hắn. Trận giao tranh giữa thần tài và thần lương trí kéo dài bất phân thắng phụ cho tới khi hắn tiễn chân bạn và ông “nhà giầu” xuống tận bậc thang cuối.


      Quay trở lên, hắn choáng váng nằm vật xuống tấm phản, và tự sỉ vả mình thiếu lương tâm nhà nghề. Nhưng đến phút này thần lương trí chịu thua chạy trốn vào tiềm thức, để mặc cho thần tài tung hoành phá phách tâm hồn hắn. Sức yếu, hắn không thể chịu được bền bỉ với cuộc sung đột bên trong, hắn ngủ lúc nào không biết. Số tiền nằm tênh hênh trên đống bút vẽ dính đầy mầu sơn tăm tối.


      2.


      Hôm sau, tỉnh dậy nhìn thấy tiền, hắn mới chợt nhớ đến bổn phận, cùng lời hứa. Hắn đi đóng khung, mua thuốc vẽ mua vải cùng bao thuốc lá thơm hạng trung bình hút để lấy hứng làm việc. Hắn tính toán để đủ số tiền thuê người mẫu, còn lại bao nhiêu hắn trang trải nợ cơm áo, tiền nhà, tuy còn thiếu nhiều, nhưng còn hơn không có. Tất cả mọi thứ hắn lo liệu coi như tạm đủ, duy có người mẫu tìm đâu ra bây giờ? Ở cái đất nước này thật khổ cho nghệ sĩ nào quen dùng người mẫu. Hắn thèm khát không khí ở chân trời xa lạ mà Nghệ Thuật được nuông chiều. Các cô gái đi làm người mẫu đẹp như tiên nhan nhản trong xưởng vẽ của họa sĩ . Hắn lo lắng vì tiền đã tiêu rồi mà người mẫu thì sao? Giở quyển lịch treo trong xó tường hắn tính xem còn bao nhiêu ngày để làm việc. Hắn giật mình khi thấy thời gian ngắn quá, chả còn mấy hôm nữa đã đến tết rồi. Đầu cúi xuống đất, hắn đi đi, lại lại quanh gian phòng chật hẹp đầy khung tranh, thuốc vẽ, giấy má, như con thú dữ mắc bẫy.


      Sau hai ngày đi rạc cảng để “ngọai giao người mẫu” và nhờ có sự trợ lực của ông bạn “ăn chơi", hắn được tọai nguyện.Hoài, một cô gái nhẩy đã vui long nhận lời với điều kiện không được vẽ khỏa thân, và cấm ngặt không được mang bầy ở phòng Triển Lãm. Hắn gật đầu, gật tuốt miễn rằng được việc trong lúc này.


      Căn phòng của hắn từ hôm có Hoài trở nên vui vẻ lạ thường. Cứ gần 3 giờ chiều, là hắn thấy sốt ruột, mong ngóng, luôn luôn mắt dán vào chiếc kim đồng hồ, và lắng nghe tiếng giầy nhè nhẹ đi lên cầu thang ọp ẹp. Thường thường Hoài hẹn đúng giờ lắm, đúng 3 giờ, chiều nào cũng vậy, Hoài đã có mặt tại phòng vẽ của hắn, cũng vì thế mà chiếc đồng hồ trở nên thiêng liêng theo với hương phấn của Hoài. Trong khi hắn vẽ, Hoài ngoan ngoãn chiều theo ý muốn của hắn, không kêu ca hoặc than phiền mệt mỏi. Những phút nghỉ, Hoài lấy khăn lau chùi bụi trên bàn, thu dọn sách vở và có đôi khi vá cả áo sơ-mi cho hắn nữa.


      Trước những cử chỉ thân mật ấy, hắn đâm sợ bức tranh xong sớm quá, làm mất đi cái êm dịu, mà có lẽ từ xưa hắn chưa được hưởng. Hắn vẽ rồi lại xóa, những lời dặn dò của ông “nhà giầu” giờ này đối với hắn không còn hiệu lực gì nữa, kể cả số tiền hắn đã nhận trước. Khi làm việc, trước mặt hắn chỉ còn lại cái gì là Nghệ Thuật, là ĐẸP mà thôi. Hắn vẽ say mê như kẻ nghiện rượu gặp vò rượu quý. Nhất là thứ rượu quý đó chứa đựng trong đôi mắt đen sâu của Hoài, đôi mắt thức đêm quá nhiều, lắng chìm bao ảo ảnh xót thương. Những nét bút đập mạnh vào mầu da mai mải, hắn lùi xa, tiến gần, nheo nheo cặp mắt. Hắn cố tả cái sự trạng của Hoài in trên dáng người thanh mảnh. Hắn quên hết, hắn chỉ nghĩ đến nhịp nhàng của màu sắc và cân đối của hình thể, hơn nữa hắn chỉ nghĩ đến con người đang ngồi trước mặt đẹp như Đức Mẹ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      3.


      Người thiếu nữ tóc huyền, mắt to, môi trái tim cùng đôi chim nhạn tung bay không thấy ghi trên mặt. Bức tranh thành hình hoàn toàn theo ý hắn : một cô gái - nói là Hoài mới đúng - ngồi bên song cửa, tay tì vào má, mắt hướng về chân trời có nắng vàng chói lọi. Mầu tím chìm xuống bên trong khung cửa, những đường cong tuyệt mỹ của hình thể lả lướt, chạy theo dáng ngồi mềm mại, một cánh hoa hồng rơi trên vệt áo mầu xim đẹp như giọt máu. Tất cả đã làm hắn yêu mê đến điên rồ, hắn chát mầu lên, hắn cạo đi, hắn dằn bút xuống nghiền mầu, hắn gắt gỏng khi chưa diễn tả nổi ý muốn. Còn Hoài, lúc nào cũng thản nhiên, dịu hiền trước những cử chỉ thô kệch nhưng đáng yêu của nghệ sĩ quí nghề. Sự thực, thì Hoài không có ý niệm quí trọng Nghệ Thuật, trước khi nhận lời giúp hắn. Nhưng có lẽ cái ĐẸP đã quyến rũ người và làm cho người trở nên đẹp khi hiểu nó.


      Chiều nào cũng vậy, sau mấy giờ làm việc mệt nhọc, hắn thấy sung sướng, tâm hồn đỡ ray rứt. Hắn ngồi yên lặng hàng giờ trước tác phẩm để suy nghĩ. Còn Hoài thì vui vẻ kể hắn nghe những mẩu chuyện vụn vặt về cuộc đời làm vũ nữ. Hắn cảm thương một tâm hồn sa đọa, đã có giây phút nào bốc đồng hắn muốn kéo Hoài trở về cuộc đời lành mạnh. Nhưng hắn tự kiềm chế được ngay, vì lý do thực tế quá tàn nhẫn. Số tiền kiếm được cũng không đủ nuôi nổi mình hắn, còn nói chi đến câu chuyện đèo bòng. Đến hôm nay, bức tranh có thể coi là gần xong, chỉ phải sửa qua loa một vài chi tiết nhỏ . Hắn lồng nó vào chiếc khung sơn mầu trắng làm nổi bật những mầu sắc chói lọi. Gian phòng như ấm áp thêm lên, một vệt sáng mong manh lọt vào, mang niềm vui của mùa xuân sắp tới.


      - Lạ quá, gần 4 giờ rồi, sao Hoài chưa đến?


      Hắn thấy bồn chồn, nóng ruột, mặt quay về phía cửa tay nắm chiếc tẩu, lửa bén đến chỗ thuốc ẩm cháy rèo rèo. Trong khi chờ đợi bước chân Hoài thì bóng dáng quê mùa của ông “nhà giầu” lại hiện ra làm khổ hắn. Hắn chắc rằng ông ta không bằng lòng lấy bức tranh này, vì hắn đã không chịu chiều theo ý thích của kẻ có tiền. Còn về bổn phận hắn, lẽ dĩ nhiên, phải trả lại số tiền đặt trước cho khách hàng. Khó xử quá, tiền thì hết, mà tranh lại vẽ theo ý mình, hắn đành đánh bài liều : đến đâu hay đến đó. Ngày mai, ông “nhà giầu” có đến, hắn sẽ phân trần, nếu không xong hắn tìm “giải pháp” khác, tội gì nghĩ lắm cho khổ. Muốn làm tan u uất, hắn ngâm to mấy câu thơ quen thuộc…


      Thời gian đi rất nhanh và nhiều khi rất chậm với kẻ đợi chờ, 4 giờ rồi 5 giờ, hắn chưa nghe thấy tiếng giầy nhè nhẹ. Đứng dậy, hắn nhìn qua ô cửa kính. Những đợt mây mầu chì nặng nề hạ thấp xuống mái nhà Hà Nội trông giống như thường thấy ở những bức tranh vẽ phố cổ của hắn, âm u với nỗi sầu da diết. Tiếng rửa bát đĩa, tiếng dã giò, tiếng gọi, tiếng cười, tiếng hò hẹn nhau sẽ làm gì trong ba ngày Tết, từ nhà dưới vọng lên làm hắn mủi lòng. Bóng tối buông từ từ theo ánh đèn thấp thóang.


      Quay vào hắn reo mình trên đống chăn rách tơi như tổ đỉa. Hắn vừa nằm xuống, thì chợt nghe có tiếng giầy lên gác. Hắn đoán không phải tiếng chân Hoài, vì Hoài đi nhẹ cơ mà, lại ông bạn phải gió nào đến ám. Nghĩ thế, hắn choài người ra phía trước, đưa tay mở khóa. Cánh cửa vừa mở, mùi hương phấn quen thuộc theo gió bay vào. Hắn ngạc nhiên nhếch miệng cười - chiếc tẩu thuốc rung rung như muốn rời khỏi làn môi yếu đuối - khi nhìn Hoài hai tay ôm khệ nệ, nào hoa, nào bánh chưng, mứt kẹo, rượu.


      - Chắc anh mong lắm phải không? Em xin lỗi nhé! Em bận đi mua mấy thứ này biếu họa sĩ ăn Tết.

      - Ồ, Hoài vẽ vời quá, Hoài đã có công với tác phẩm của tôi, nay Hoài lại…


      Hắn chưa nói hết, Hoài đã cướp lời :

      - Công với cán gì, trước kia em chưa được biết thế nào là Nghệ Thuật, nên em ngài ngại, chứ bây giờ thì…


      Tạ Tỵ (1952)

      (Nguồn: http://www.buixuanphai.com/tulieu/model.html)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022
      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thế Uyên Tạ Tỵ Nhận định

      - Vài Nét Về Nguyễn Mạnh Côn Tạ Tỵ Tạp bút

      - Họa sĩ và người mẫu Tạ Tỵ Truyện ngắn

      - Trang thơ Tạ Tỵ Thơ

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)

      Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)

      Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)

      Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)

      Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)

      Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)