|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Đêm mưa rừng. Hắn bò lê tại căn chòi, dùng tàn lực húc càn vào cửa. Sống chết phó mặc trời đất. Không ngờ 'cửa' chỉ là cái phên chắn gió, bị đẩy quá đà bung ra ngay; toàn thân hắn lăn kềnh như xác con mồi bị thợ săn quật xuống đất. Ngọn đèn duy nhất trong nhà phụt tắt. Hắn cũng lịm đi.
Khi tỉnh dậy hắn thấy chân trái đau buốt, và toàn thân mất hết sức lực. Hắn không biết rõ mình đang ở đâu, và không nhớ từ đâu tới. Tiếng mõ thúc giục và lời kinh trầm trầm "Nam mô A di đà Phật" làm cho hắn đoán mình đã lọt vào... cửa Phật. Hắn yên tâm buông mình trở lại vào giấc ngủ, thiếp đi thì đúng hơn.
Khi tỉnh dậy lần nữa, không biết bao lâu sau, hắn cảm thấy chân trái vẫn đau đớn vô cùng, ngó xuống thấy chân được bó bằng bẹ chuối, hắn nhớ mang máng cớ sự: hắn đã giết vợ, rồi chạy trốn, lạc trong rừng nhiều ngày, và bị té gẫy chân, may sao lê được tới đây. Có lẽ đây là một cái am. Nhà sư chủ am, hắn chưa thấy mặt.
Hôm đó và nhiều ngày sau, nhà sư có vẻ như cố ý ẩn mặt. Lúc ông băng bó cho hắn, hắn chỉ nhìn thấy cái lưng vạm vỡ, to như cánh phản của ông. Mỗi ngày hai tô cháo hoặc cơm với mấy cọng rau dền và hai miếng chao, luôn luôn được đưa tới lúc hắn ngủ. Những lúc không ra ngoài làm việc, có lẽ đốn củi, làm vườn, ông vào 'chánh điện', ngồi quay mặt vào vách tụng kinh, hoặc ngồi... thừ ra bất động, chẳng biết nghĩ gì. Ông không có vẻ một người thầy thuốc, chỉ lấy lá bậy bạ bó bừa cho hắn; thối lên, lại thay lá khác. Vết thương đau đớn ẩm ê lên, chứ không thuyên giảm, và toàn thân nóng ran. Nhưng trong lòng hắn có một cơn sốt ghê gớm hơn - hận thù. Con dâm phụ, hắn đã giết rồi, hắn cần phải sống để giết thằng gian phu, rồi đi nạp mình tự thú cũng cam.
Không biết bao nhiêu ngày sau, khi cơn đau nhức đã giảm dần, hắn bắt đầu chú ý tới lời kinh và tiếng mõ lốc cốc. Tiếc rằng có nghe mấy hắn cũng không hiểu chữ nào. Giọng nhà sư đều đều buồn ngủ, thỉnh thoảng ê a như trẻ con không thuộc mặt chữ. Tiếng mõ vang trong rừng cây thâm u. Lâu ngày hắn thuộc một câu nghe ngồ ngộ:
"Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế.
Nhiều ngày tháng nằm một chỗ với một vết thương ở chân, với một nỗi hận trong lòng, một câu kinh vô nghĩa bên tai, một điệu nhạc mõ và tiếng giun dế, chim muông trong rùng... hắn tưởng có lúc mình sắp mục rữa với cỏ cây.
Và lần đầu tiên hắn cảm thấy sự trống không hoàn toàn. Không buồn, không vui. Thử hoài tưởng đến những đêm lạc thú, hắn chỉ còn thấy đêm đen. Tấm lưng trần con đàn bà mà lưỡi dao hắn bổ xuống cũng không có máu. Cái nhún nhảy đó, không phải sự cử động của sự sống. Và giòng khoái cảm đó, mà có lúc hắn đã chia sẻ, nó đi đâu, khi con dao chém đứt? Nó chảy thành một giòng đau đớn, thành sự chết? Hay thiên đàng? Bây giờ con đàn bà đó ở cõi nào? Nguyên nhân nào đã làm cho cuộc đời hắn mục rữa như thế này?
"Cú... cú... cú..."
Tiếng cú vang rờn rợn bên ngoài, như tiếng oan hồn của vợ hắn.
"Oan ức gì?"
Hắn chép miệng, nghe lưỡi đắng ngắt.
Hắn thấy cơm nước đã để sẵn, nhiều hơn bình thường.
Trời chạng vạng tối mà nhà sư đi đâu chưa về. Hắn ăn uống xong, ngủ.
Trong mơ hắn thấy mình mặc áo cà-sa, đi giữa con đường làng, làm như tụng kinh. Lũ trẻ theo sau chế diễu:
"Ông trọc ông trọc, cho mượn cái đầu, tui gõ cái cóc."
Đứa khác nói:
"Ổng không phải ông sư. Ổng giết người."
Hắn run sợ vì lời tố cáo, nên phải chứng tỏ mình là sư thiệt bằng cách đọc to:
"Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế."
Đám trẻ hô to hơn:
"Thằng giết người!"
"Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế."
"Thằng giết người!"
"Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. "
"Thằng giết người!"
Hắn mệt quá, thét to:
"Không!"
Rồi co giò chạy.
Hắn càng chạy, đám trẻ càng đuổi gắt. Bỗng trong tiếng la ó của trẻ con, có tiếng vợ hắn:
"Nó giết tao đấy, tụi bay đuổi giết nó đi!"
Hắn choàng tỉnh dậy.
Nhà sư đi đâu vẫn chưa về. Hèn gì ông ta để sẵn nhiều cơm hơn. Hắn bị nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm thần. Thật là ghê gớm, hắn đã thành một kẻ giết người, điều mà từ bé tới lớn không bao giờ hắn ngờ được có ngày xảy ra...
Giết người! Hắn không định giết người. Chỉ là cơn cuồng nộ chụp lên người hắn, và chính cơn cuồng nộ chụp lấy con dao. Cơn cuồng nộ bổ dao xuống. Hắn hoàn toàn bị sai khiến. Hắn bị sai khiến... Như con đàn bà kia bị sai khiến... Bởi một ma lực hôn ám nào đó.
Mặc dầu mới vắng một ngày, hắn thấy nhớ tiếng mõ, và tiếng tụng kinh của nhà sư. Cũng may, gần sáng nhà sư mới về. Hắn hỏi liền:
"Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế nghĩa là gì vậy, ông sư?"
"Mô Phật! Hạnh duyên! Thật là hạnh duyên! Thí chủ đã thuộc kinh Kim Cang. Câu đó là căn bản trong kinh, ý nói là Vượt đi, vượt đi, vượt sang bến kia, đậu tại bến kia."
Thấm thoát mười hai tuần trăng đã qua. Chắc là nhờ thời gian hơn là nhờ thuốc lá của nhà sư, hắn đi lại được bình thường.
Giữa một đêm mưa dội buồn thảm xuống khắp núi rừng, hắn quyết định ra đi. Hắn cho đây là lúc thuận tiện nhất, bởi vì xuống núi vào lúc này, hắn có thời giờ tới bờ sông lúc trời chưa tỏ mặt để bắt chuyến đò đầu tiên, dễ lẩn tránh sự dòm ngó của thiên hạ.
Lúc cáo biệt, hắn nói:
"Trước khi ra đi, tôi xin được nhìn mặt ân nhân."
"Mặt ân nhân và mặt kẻ thù có khác gì nhau?"
"Sao lại không khác? Như thiên thần với ngạ quỉ."
"Nam mô A di đà Phật! Ngạ quỉ cũng do thiên thần mà ra."
Trong một năm trời hắn nghe kinh không hiểu gì, nhưng đã nhập tâm một thứ mầm mống - sự tò mò:
"Thế thì xin nhà sư cho tôi nghe một câu về Đạo của Phật đi."
"Trong 49 năm trên trần thế, Phật chưa hề thuyết giáo. Tôi đâu dám biếm Phật."
"Nếu không nói thì xin ông trỏ cho tôi cái Đạo đó."
Nhà sư "Vâng!" rồi đứng dậy, quay mặt ra, bước bảy bước tới trước mặt hắn, quì sụp xuống lạy:
"A di đà Phật! Bần tăng chính là kẻ tội lỗi đã làm nhục phu nhân. Thí chủ nhận ra không?"
Hắn sững sờ kinh ngạc, không tìm được liên hệ nào giữa nhà sư với tên trộm tình. Miệng ú ớ:
"Không... Sao lại như vậy được?"
Nhà sư bèn nằm ngửa trên nền đất, hai chân gấp gọng vó, một chân làm bộ đá vào tay hắn. Đúng lúc đó, lại một tia chớp lòe sáng, rọi vào khuôn mặt khiếp sợ của nhà sư. Có vẻ nhà sư chỉ định diễn lại một tấn kịch có sự khiếp sợ, nhưng hắn thì lại khiếp sợ thực sự; khiếp sợ một thực tại mà hắn đang đi tìm bất ngờ phơi bày trước mặt hắn trong cái dáng co chân như gọng vó của tên đàn ông hôm nào trên giường ngủ của hắn - cái hình tướng của một tên trộm tình, cũng là hình tướng một tên đàn ông bị phản bội. Cái hình tướng đó lại nằm lăn quay ra đất trong bộ áo cà-sa, thì thật là khó có thể tưởng tượng được. Nhưng quả là nó đang nằm đó. Cả nhà sư, tên trộm tình và chính hắn đang nằm đó trong một hình hài duy nhất, trớ trêu đến buồn cười. Tấn hài kịch của ba kiếp nhân sinh đằng đẵng thu gọn vào một điệu bộ ngớ ngẩn cụt ngủn, xụi lơ, khiến hắn không nhịn được cười, nhưng chỉ có thể nhếch mép một chút, rồi lại méo miệng thở dài:
"Nhận ra rồi..."
"Mô Phật! Nhận ra chân tướng mình là bước đầu của Đạo," nhà sư hoan hỉ nói.
"Chân tướng ông... Chớ đâu có phải chân tướng tôi?" hắn cãi.
Nhà sư không đáp lại câu hoạnh của hắn, mà chống tay quì gối:
"Xin thí chủ mở lòng từ bi hỉ xả tha thứ tội nghiệt cho tôi."
Hắn cực kỳ hoang mang, nhưng lại nói bằng một giọng như ra lệnh, cái lệnh phát ra từ một chỗ khác:
"Ông đứng lên đi!"
Sau đó là lời của chính hắn:
"Sao ông không giết tôi để trừ hậu họa?"
Nhà sư đứng dậy, phủi áo cà-sa, thở dài:
"Mô Phật! Bần tăng chỉ là một lãng tử một lần quá bước mê lầm, chứ chưa đến nỗi có tâm sát nhân."
Đoạn ông kể lại cuộc đời đồi trụy trước khi vào cửa Phật. Lần cuối cùng ông bị bắt quả tang, suýt bị chém, nhanh chân chạy thoát, nhưng ông vẫn sợ bị tầm thù, tính dùng đường tắt trốn sang Đoài, chạy loanh quanh thế nào mà lại lạc lên cái am này.
Hắn lắng nghe và nhận ra ông kể sót nhiều chi tiết, khiến câu chuyện đứt quãng; hắn không tự giải thích được những câu hỏi như hai người tằng tịu từ bao giờ, trường hợp nào, và nhà sư thiệt dựng ra cái am này bây giờ ở đâu.
Giọng chân thành của người đàn ông đứng trước mặt khiến hắn không còn nghị lực để giận dữ. Hắn hỏi tiếp, như câu chuyện này không có liên quan gì tới mình:
"Ông lên đây là để trốn tội, sao lại trốn đời luôn?"
"Mô Phật! Tội không trốn được. Đời không trốn được. Cả đời chẳng bao giờ tôi thích làm thầy chùa."
Nhà sư phất áo ngồi xuống đất. Hắn ngồi theo.
Ông nói tiếp:
"Cái áo lụng thụng này không hợp với bẩm tính trăng hoa trước đây của tôi. Nhưng chính thí chủ đã cho tôi cái cơ duyên lớn nhất: cái đêm thí chủ đột ngột ngã trên nền nhà, tôi bị thôi thúc phải cứu thí chủ trước đã. Mô Phật! Đó là cái mầm mống nhỏ bé còn lại trong tôi. Rồi như là thiện duyên đưa đẩy, vết thương thí chủ lâu lành, mà thuốc men bần tăng không biết một chữ, khiến cho thí chủ phải lưu lại đây thời gian một năm trời. Và trong một năm trời, tôi miễn cưỡng đóng vai nhà sư, cũng tụng kinh, cũng chữa thương. Ai dè cái vai mình đóng tạm lại có thể vận vào mình riết đến thế."
"Cái đó người ta kêu bằng nhập vai, phải không?"
Nhà sư trả lời:
Vâng, gọi là nhập vai cũng được mà trở về cũng được, trở về vai nguyên thủy của mình, bằng cách đóng nó."
"Ai mà biết vai nguyên thủy cửa mình là gì mà đóng."
"Rồi thí chủ sẽ tìm ra. Chỉ biết rằng không phải cái vai chúng ta đóng hằng ngày là nơi chúng ta trở về đâu. Vai dâm tặc, bần tăng đã đóng xong rồi. Coi như tuồng vãn rồi.
Nhà sư với tay lấy bình trà rót đầy hai tách. Tách thứ ba để trống.
Hai người uống trà trong yên lặng.
Bỗng hắn đứng dậy:
"Thôi, tôi xuống núi."
Nhà sư cũng đứng lên nói:
"Để tôi tiễn chân ông... lên."
Hai chữ lên-xuống tự nhiên làm cho đầu óc hắn nhốn nháo. Hắn phải xoay người hai ba vòng mới ra khỏi cái không gian bé nhỏ của mái am. Nhà sư đi theo.
Mưa tạnh, trăng ló ra, dội ánh sáng xanh xuống rừng. Qua khỏi vườn rau, hắn nhường cho nhà sư đi trước dẫn đường. Hai người vừa đi vừa nói về Đạo bằng hai ngôn từ khác nhau.
Tới một con suối, họ ngồi nghỉ; hắn nghĩ tới con vợ dại dột, không biết lúc chết có kịp sám hối, hay đang trầm luân trong địa ngục, bị xẻo thịt chỗ... nọ, chỗ... kia, bèn hỏi:
"Kẻ sát nhân tụng kinh rồi sạch tội lỗi như giặt áo trong nước sao?"
"Tội hay nghiệp không bao giờ rửa được. Giặt giũ, bụi đất thoát ra khỏi tơ sợi thì lại nhiễm vào nước. Không có gì thì không gì bám vào được."
"Thế thì kinh sách để làm chi?"
"Dùi gõ vào gỗ, nhưng cái trống rỗng phát ra âm thanh. Tụng kinh là cái cớ. Tâm hư là giác ngộ."
"Hàng triệu người trên mặt đất đang tụng kinh mỗi ngày, bao ngàn năm nay, chẳng ích lợi gì. Loài người vẫn khổ đau, vẫn hớn hở tàn sát nhau và hãnh diện tàn sát sinh vật. Ông còn tụng kinh làm gì?"
Chân trời đã ửng hồng. Một con sơn ca lên tiếng, rồi cả bầy sơn ca lên tiếng dồn dập.
Nhà sư đưa ngón tay trỏ lên môi, yêu cầu người đối thoại im lặng, mặc dù hắn đã ngừng lời từ lâu.
"Thí chủ có nghe gì không?"
Hắn nghe tiếng 'cốc cốc' văng vẳng trên hàng cây cao, không định vị được cây nào, trả lời:
"Chim gõ kiến."
"Đích thị. Con chim đó gõ như vậy hàng triệu năm rồi. Còn nhân sinh còn mê lạc, còn phải gõ mõ để đánh thức. "
Nhà sư im lặng để lắng nghe, bỗng hỏi nhẹ như tiếng gió luồn qua khe lá:
"Thí chủ có nghe gì khác nữa không? Có nghe cả cánh rừng này đang vang vang tiếng mõ?"
Hắn vểnh tai lắng nghe. Lâu lắm. Không biết do dư âm tiếng mõ hắn nghe một năm trời trên am còn vọng trong tai, hay tiếng con chim gõ kiến, mà hắn nghe tiếng mõ khua động khắp rừng. Hắn nói:
"Tôi nghe cốc cốc khắp rừng."
Nhà sư mỉm cười hài lòng:
"Đó là tiếng gỗ. Gỗ đánh thức gỗ. Gỗ thức rồi. Thôi, ta đi đi!"
Hai người trỗi dậy, men theo con suối nở dần ra. Tới một nơi đã thành sông con, nhà sư dừng bước nói:
"Ta tạm biệt nơi đây. Còn hạnh duyên thì còn gặp. Thí chủ leo qua ngọn đồi kia là tới bến đò."
Hắn lên đỉnh đồi, thấy bên kia đầy sương mù. Tiếng sóng lao xao trên giòng sông du hắn vào thế giới cũ.
Sóng xưa dồn về bến cũ, nơi của con nước lên, con nước xuống, đi và về, đón và đưa, hò hẹn và đợi chờ, hợp và tan, sớm và trễ, tảo tần và hưởng thụ...
Tiếng mõ im bặt. Gỗ lại ngủ.
Hắn chăm chú nhìn người đàn bà chèo đò. Dáng uốn éo nhịp nhàng theo nhịp chèo khơi dậy một thèm khát đột ngột trong người đàn ông lâu ngày ở một mình. Cơn thèm khát xác thịt phồng lên như cánh buồm trước gió lộng. Bến đò vắng với người nữ cô độc khiến hắn nảy tà ý. Hắn thoáng nghĩ tới tấn kịch mà thằng trộm tình làm với vợ hắn hôm nào. Hắn cũng có thể làm như thế. Hắn đứng ở mé sân khấu chờ nhảy vào sắm vai kẻ dâm tặc.
Nhưng khi con thuyền tiến lại gần thì hắn nhận ra người chèo đò chính là vợ hắn.
Điệu bộ chèo đò của y thị lúc này phơi bày, không phải trong ký ức mà rành rành trước mắt hắn, cả thân thể trần truồng nhún nhảy mê loạn của mụ trên giường ngủ với tình nhân.
Hắn còn nhớ như in buổi chạng vạng hôm đó nắng quái loang lổ vườn cau.
Hắn lỡ tầu lên tỉnh, quay về nhà bất ngờ, nghe tiếng rúc rích khả nghi trong phòng ngủ. Không cần lắng nghe lâu, hắn nhận ra tiếng vợ hắn với một người đàn ông lạ. Vậy là những lời đồn đãi của thiên hạ không phải là bịa đặt. Hắn muốn coi mặt thằng đàn ông là ai, mà phòng lờ mờ, nắng quái rọi qua các khe gỗ chỉ đủ thấy dạng người. Từ sáng đột ngột vào tối, hắn đang hoa mắt, càng hoa thêm khi nhìn những cử động man rợ của thằng đàn ông và tai nghe những tiếng rên rỉ dâm đãng của con đàn bà. Khi mắt vừa quen với bóng mờ, hắn liền thấy con đàn bà vùng dậy ngồi trên và nhún nhẩy, kịch liệt, hối hả như con thuyền cập bến -phải cập bến- vì bến ở dưới cuối con thác sâu.
Cơn giận lên cực điểm, hắn chụp con dao rựa, đạp tung cửa phòng và đưa dao phập xuống. Con đàn bà rú lên gục xuống trong khi thằng đàn ông, sẵn đang nằm ngửa, chân gấp gọng vó, vung ra đá văng dao của hắn đi và chạy thoát...
Ký ức nóng hổi tuôn về ùa trên mặt sông mù sương. Khi nhìn thấy kẻ phụ tình còn sống phây phây, và nhất là mình chưa phải là kẻ giết người, vẫn là kẻ vô tội, hơn nữa, kẻ thiệt thòi, oan ức. Hắn trở lại con người cũ trước khi ngã vào cửa am. Hắn gầm gừ trong họng:
"Con dâm phụ! Không ngờ mày còn sống. Hãy chờ tao trở lại thanh toán thằng gian phu, xong sẽ tính tội mày."
Hắn quay lên núi, cười gằn:
"Hừ, lên hay xuống đây, mày?"
Mây mù kéo tới đột ngột và mưa đổ sập xuống. Sấm sét nổ ầm ầm trên trời.
Hắn cắm cổ bước nhanh lên dốc núi, đi loanh quanh, đến tối mới tình cờ tìm lại được cái am.
Hắn đi ra sân củi tìm cây búa rìu, xăm xăm đi lại cửa nhà. Đến trước tấm phên che, nơi hắn ngã xuống năm ngoái, bỗng hắn khựng lại. Dòm vào khe vách, thấy nhà sư đang quay mặt vào tường tụng kinh. Tiếng mõ đều đều. Trong tiếng gầm thét của mưa lũ, tiếng mõ rơi xuống như những giọt khô ráo, tròn trịa, thánh thót. Nhẹ nhàng mà đầy uy dũng. Tiếng mõ đó có sức mạnh huyền bí làm hắn phải chùn tay.
Nhưng tiếng mõ chỉ đủ sức mạnh làm chùn tay búa bổ thắng vào thịt xương người. Hắn tiến lại một cây to, ước lượng hướng ngả của cây lên mái am, và bắt đầu bổ lưỡi rìu xuống.
Hắn chỉ nhắm chừng mà bổ trong tia chớp. Lúc đầu hắn chặt bừa bãi, sau hắn chặt theo nhịp mõ từ trong am xuyên màn nước mưa vọng ra.
"Nam mô A di đà Phật!"
Hắn nhái theo nhịp sáu "cốc cốc cốc cốc cốc cốc" rồi kết "phập" một búa xuống thân cây.
Cứ thế. Lúc đầu hắn bổ hăm hở cuồng điên, sau bắt đầu mỏi tay. Một vài nhát búa kẹt trong gỗ, khi hắn rút ra, gỗ rít lên.
Hắn tiếc đã chọn cây quá to này. Khi miệng gỗ mở được một chút thì hắn gần như kiệt sức, mỗi nhát búa hắn chỉ hô gọn:
"Phật!"
Sét ngưng, chỉ còn bóng đêm dầy và ướt. Hắn phải đưa tay sờ xem miệng gỗ đã há đủ chưa để chặt phía đối diện cho cây ngả vào am.
Hô "Phật" đã chán mồm, hắn chỉ im lặng mà bổ. Và lạ lùng thay, chính gỗ bật ra tiếng "Phật" khi bị chặt.
Đúng lúc đó một tia sét đánh xuống: tâm hắn bừng sáng. Hắn đổi ý, không muốn giết tên dâm tặc nữa. Hắn vội vàng bổ lệch đi để cây ngả sang hướng khác, cho khỏi sập xuống mái am. Nhưng trễ rồi, cái cây đồ sộ lừng lững đổ xuống, đè ngay trên người hắn. Hắn vội vàng tránh ra để thoát thân. Nhưng cũng không kịp...
Hắn tỉnh dậy, không đau đớn như lần trước, đang nằm trên tấm nớp cói, biết rằng mình vừa được cứu một lần nữa. Nhưng cái am sập nát. Nhà sư, hẳn là người vừa cứu hắn, đang ngồi trên một tảng đá, quay mặt vào rừng. Trời xanh trong vắt. Không nghe tiếng tụng kinh và tiếng mõ lóc cóc. Chỉ nghe tiếng chim hót líu lo và tiếng rừng xào xạc. Hắn bàng hoàng đứng dậy. Dợm bỏ đi.
"Thí chủ định đi đâu?"
Tiếng nhà sư trầm mà rõ. Hắn dừng chân nhưng không quay lại. Lòng rối bời, mâu thuẫn. Hắn vừa oán tên dâm tặc phá nát gia cang hắn, vừa biết ơn nhà sư hai lần cứu. Hắn không biết nên đối xử thế nào với hai con người trong cùng một hình hài đó. Đầu óc hắn xoay mòng mòng như cái cối ly tâm. Cuối cùng hắn bước qua một cành cây đổ, đi ra, bỗng đã thấy nhà sư đứng sững trước mặt hắn, như có phép biến. Hắn quay mặt nhìn về phía tảng đá, lại vẫn thấy một nhà sư ngồi quay lưng lại. Rõ ràng là có hai nhà sư, một ngồi, một đứng. Hắn trả lời:
"Tôi về nhà."
"Nhà nào?" nhà sư đứng hỏi.
Hắn bỗng khựng lại - quả thực hắn không thể về cái nhà cũ nơi người vợ ngoại tình đang ở. Và nếu thế thì không đâu là nhà hắn nữa
Trong một năm trời chữa thương và nghe kinh trên núi, hắn đã phần nào hiểu được lẽ đời. Thoát chết lần thứ hai, hắn đã mơ hồ thấy lẽ Đạo. Nhưng nỗi hận tan cửa nát nhà, và cái ý chí muốn phân biệt phải trái, vẫn còn cao. Như đa số người đời -những người đời quảng đại khoan dung- trước khi tha thứ phải làm cho ra lẽ, phải biết ai phải ai trái, chính nghĩa về tay ai, hắn muốn ít nhất một lần tính tội rồi mới tha tội. Hai nhà sư, phải có một thiện, một ác. Đây là dịp tốt để phân biệt trắng đen:
"Các ông hãy nói đi: Ai làm chuyện tồi bại với vợ tôi?"
Cả hai nhà sư đáp cùng một lúc:
"Chính là bần tăng!"
Hắn ngạc nhiên đến ngẩn ngơ.
Bỗng ký ức bật lên một tia sáng: Cái buổi chiều bắt gian, quả thật hắn không kịp nhìn mặt tên gian phu. Hắn chỉ nhớ hình dạng tên đàn ông nằm ngửa, chân gấp gọng vó, vung ra đá văng con dao của hắn, rồi chuồn đi. Và khi nhà sư diễn lại trò nằm ngửa đá dao thì hắn đương nhiên coi ông ta là thủ phạm. Bây giờ thì mọi sự trở thành u u minh minh. Hắn chỉ thấy hình tướng người nằm ngửa, có thấy chân ngã của người đó đâu.
"Thế người hai lần cứu tôi là ai?" hắn lại hỏi.
Cả hai nhà sư cùng đáp:
"Chính là bần tăng!"
Hắn lui một bước và xoay người để nhìn được một lúc cả hai đối phương, rồi buông giọng nửa chán nản nửa van nài:
"Các ông ơi! Tôi muốn ân oán phân minh, xin các ông làm ơn đừng hồ đồ."
"Phân minh cũng thế. Mô Phật!" nhà sư ngồi nói.
"Hồ đồ cũng vậy. Mô Phật!" nhà sư đứng nói.
Hắn bỗng thấy mình bất lực. Buông thõng hai tay, xuôi vai, ngồi bệt xuống...
Trong thế bán già.
Lòng bỗng thành hư không, không lẽ phải, không lẽ trái; không hơn, không thiệt; không nhà sư tả, không nhà sư hữu, không nhà sư nào cả; không kẻ dâm tặc, không kẻ phản bội, không kẻ bị bội phản. Thân hắn cũng không.
Lại nghe nhà sư ngồi nói:
"Trời sáng rồi, chúng ta ra xẻ cái cây vừa ngã, cất lại am."
Một tuần lễ sau. Am cất lại xong. Lá thu vàng rực. Ba người bàn về việc chọn pháp danh cho người nhập môn sau cùng.
Hai người kia vo quả mồng tơi viết vào bàn tay rồi cùng chìa cho nhau xem, cùng cười ha hả:
"Mộc Tâm!"
Hai ông đã hiệp ý với nhau, nhưng còn hỏi, cốt để dò ý người sắp nhận pháp danh:
"Chỉ tội cái tên nghe có vẻ đàn bà?"
Người sắp nhận pháp danh tủm tỉm cười nói:
"Tôi tới đây vì chuyện nam nữ. Tôi ở lại đây vì không phân biệt nam nữ nữa. Không phân biệt gì nữa."
Cả ba lại cười sảng khoái vang động cả khu rừng.
"Thế huynh không chấp chuyện phu nhân bị hai tên ô trọc này làm nhục?"
Một trong hai nhà sư nói, tay trái trỏ vào mình, đồng thời tay phải trỏ vào nhà sư kia.
Hắn nghĩ chính hắn cũng đã có lần hiếp vợ người trong tư tưởng. Đó là lúc hắn đứng trên sườn đồi nhìn người đàn bà chèo đò uốn éo một mình trên sông vắng, chưa nhận ra vợ mình, và lòng dào dạt tà ý. Ôi! Tội phúc, duyên nghiệp, tất cả ở trong tư thân. Hắn mỉm cười, tự chỉ vào ngực mình:
"... ba tên tội phạm, chứ không phải hai."
Cả ba vừa định phá ra cười thì nghe nhịp sáu quen thuộc "cốc cốc cốc cốc cốc cốc". Họ cùng lắng tai nghe con chim gõ mõ.
Mộc Tâm nhớ lại lời nhà sư nói con chim đã gõ như thế cả triệu năm. Và ông hiểu ông phải chia sẻ định mệnh với cả một rừng nhân loại mênh mông. ông nhìn thấy chân tướng chúng sinh lấp lánh trong chân tướng mình.
Mộc Tâm cầm dùi gõ xuống chiếc mõ đặt trước mặt.
Mộc Tâm, sau bảy năm gõ mõ trên rừng, vẫn không hay biết, và không bao giờ để tâm tìm biết, trong hai nhà sư kia ai là người trước khi phát tâm đã là tên dâm đạo. Mộc Tâm chỉ biết, do chắp nối những mẩu tin tình cờ, là:
Cái đêm nhà sư thứ nhất thấy người khách lạ vào am, đã biết là một tay đạo tặc cùng đường; và trong đường cùng, hắn miễn cưỡng tiếp nhân kinh mõ. Hắn ngồi chồm hổm tụng kinh, trong khi nhà sư thứ nhất xuống làng chữa thương cho người đàn bà. Xong việc nhà sư đi nhàn du hoặc khất thực. Thỉnh thoảng ông trở lên núi điểm hóa cho tên dâm tặc sám hối. Hắn đổi thế ngồi chồm hổm sang ngồi kiết già mà tụng kinh Phật.
Người đàn bà, qua thời gian, nhan sắc có chút phai tàn, nhưng vẫn còn xinh đẹp và dáng điệu chèo đò yểu điệu, đôi khi say đắm như hồi son trẻ, vẫn làm cho nhiều khách nam nhi xốn xang sóng lòng. Mỗi năm vài lần nhà sư Mộc Tâm gánh măng khô và đồ đan tre nứa xuống núi đổi muối, tương và dầu đèn. Ông phải đi đò ngang. Người đàn bà nhìn mà không nhận ra chồng cũ. Ông thường ngó ra sông nước mà ngâm bài kệ tự làm:
"Gỗ không nổi không chìm
Thuyền nổi vì khoang rỗng
Thuyền chìm bởi đặc tim
Mộc tánh Bồ đề tánh."
Một ngày tiết xuân, hoa mai nở trắng sườn đồi và én liệng la đà mặt sông, ông vỗ vào ván thuyền mà ngâm:
"Vượt đi, vượt đi, vượt sang bến kia, đậu tại bến kia".
Người đàn bà chèo đò chở khách cập bến, cất tiếng:
"Tới bến rồi!"
Khách lên bờ, bà vẫn cắm sào chờ chuyến khác, nhìn xa xa lẩm bẩm:
"Vượt đi, vượt đi, vượt sang bến kia, đậu tại bến kia".
(*) Minh họa: tranh mực tàu và khắc gỗ của Họa sĩ Võ Đình
- Lụa Bạch Tâm Thanh Truyện ngắn
- Câu Truyện Hay Nhất Thế Giới Tâm Thanh Truyện ngắn
- Thiên Hương Về Trời Tâm Thanh Truyện ngắn
- Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh Tâm Thanh Thư
- Trích Tiên Tâm Thanh Truyện ngắn
- Gỗ Thức Trên Rừng Tâm Thanh Truyện ngắn
- Đào Anh Dũng, Một Khoảng Cách Gần Gũi Tâm Thanh Giới thiệu
- Đọc Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Nhân định
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Giới thiệu
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |