|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nữ sĩ Thụy An, 1954
Thụy An Hoàng Dân là một nhà văn nữ nổi tiếng từ trước 1945, vừa qua văn chương vừa bởi cách sống, song danh vọng đã không rực rỡ, số phận lại còn gian lao; bà vào tù ra khám nhiều lần, một đời văn không ngừng va chạm với sắt máu, kể cả với chính mình khi tự cầm đũa chọc thủng một con mắt giữa nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.
Thụy An là bút hiệu của bà Lưu Thị Yến, sinh năm 1916 ở Hà Nội, từng viết cho báo Phụ Nữ Tân Văn do Phan Khôi chủ trương, và trên hai tờ Đàn Bà Mới và Đàn Bà đều do chính bà chủ trương, xuất bản ở Sài Gòn và Hà Nội, khoảng từ 1939 tới năm chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Trong Nhà Văn Hiên Đại, khi viết về cuốn tiểu thuyết Một Linh Hồn của Thụy An, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã dùng câu sau đây để kết luận 8 trang sách về bà: "Một Linh Hồn... đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn."
Khoảng đầu thập niên '50, nhà hoạt động cách mạng Đỗ Đình Đạo, từng là quân ủy trung ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau lúc bôn ba qua Trung Hoa trở về thì bị ám sát chết; vụ thanh toán gây sôi nổi trên báo chí Hà Nội lúc ấy, và một số bài báo có nhắc đến tên Thụy An Hoàng Dân như là người trách nhiệm chính. Trong trí nhớ đã phai mờ, tôi hình dung câu chuyện như một truyện tình, tuy rằng có thể đó là một vụ khai trừ vì chính kiến. Giờ này, không rõ tờ báo đọc hồi nhỏ có đáng tin không, tường thuật có chính xác không (không nhớ đó là tờ Tia Sáng hay tờ Giang Sơn, hay tờ Tiếng Dân), tôi đã đi tìm đọc những tác phẩm của nhà văn nữ ấy, như Vợ Chồng, như Bốn Mớ Tóc.
Những năm cuối thập niên '50, tên Thụy An Hoàng Dân lại được báo chí nói đến, cả ở Hà Nội lẫn ở Sài Gòn. Lần này bà bị chính quyền Miền Bắc qui tội gián điệp, bị bỏ tù 15 năm. Đó là sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, - bề ngoài là vụ án hữu khuynh chống Đảng, song thời gian đang cho thấy đây nhiều phần là vụ thanh toán các nhà văn gốc Miền Bắc bởi Tố Hữu, một cán bộ văn vần kém cỏi nhưng đắc thế, đầu óc nặng nề địa phương tính, lệt sệt mặt đất vì mặc cảm thua tài nhưng lại ở đỉnh cao của Đảng, phóng dọi qua lăng kính chủ nghĩa để thành cao viễn mà nạn nhân 99% là trí thức văn nghệ sĩ quê quán vùng Sông Hồng: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Thụy An, Hoàng Cầm, Văn Cao, Quang Dũng, Nguyễn Bính, Trần Dần... [gốc Bắc mà thoát nạn là vì biết sợ như Nguyễn Tuân, im lặng như Thế Lữ, hay thỏa hiệp từ đầu như Nguyễn Đình Thi]. Tố Hữu tuy đã chết, song chủ trương của đồng bọn / có thể ví như bọn kiêu binh tam phủ thời Hậu Lê / vẫn còn đang hoành hành từ Bắc vào Nam. Trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, 304 người bị gọi đi tập trung chỉnh huấn, nhưng có 4 người chống lại không đi, trong có Thụy An Hoàng Dân.
Bị tù vì tội gián điệp (vì liên hệ với một người bạn ngoại quốc), bà Thụy An đã khắc lên tường phòng giam số 12 ở nhà pha Hỏa Lò câu sau đây: "Tại nơi này, tôi dã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi để phản đối chế độ cộng sản phi nhân, đàn áp dã man văn nghệ sĩ." Bà từ trần ngày 10 tháng 6.1989 tại Sài Gòn.
Truyện ngắn Giết Chó sau đây, đăng lần đầu trên Tạp chí Phổ Thông của Hội cựu Sinh viên Trường Luật Hà Nội, (số đôi 19-20, tháng 6-7.1953, trang 109), cho thấy Thụy An đã chống Cộng sản ngay từ lúc ấy. Đương thời, hoạt động vào ban đêm của Việt minh Cộng sản thường bị chó phát giác; như phát giác trộm đạo, nên họ đi tới đâu, chó sủa tới đó, vì vậy chó trở thành kẻ thù sớm nhất của "cách mạng". Truyện này viết cách đây đúng nửa thế kỷ cho thấy Thụy An Hoàng Dân vẫn xứng đáng là nhà văn nữ xuất sắc nhất Việt Nam, như lời Vũ Ngọc Phan viết về tác giả Một Linh Hồn từ năm 1942.
Mới tinh mơ ở cái ao đầu xóm đã diễn ra một quang cảnh rộn rịp y như quang cảnh hôm ba mươi Tết. Mấy cái cầu bắc chung quanh ao đông nghịt những người, và người nào cũng bận một công việc giống nhau: làm thịt chó. Mặt ao loáng màu máu đỏ, và ngầu lên những bọt bẩn. Vài túm lông vàng, đen, trắng trôi lập lờ trên mặt nước. Một mùi tanh tanh khăn khẳn xông lên, dính trong không khí ẩm ướt như không chịu tản đi. Nhưng có vẻ không ai ngửi thấy. Họ vẫn mải miết làm, bàn tay thoăn thoắt rất thành thạo. Dao đưa đến đâu màu da trắng tái gần như xám xanh trên thân mình con vật lộ dần đến đấy. Những người ra sớm xong công việc làm lông rồi thì họ làm đến bộ lòng. Mớ ruột dơ cao lên ngoằn ngoèo, họ lấy tay tuốt từ trên xuống, những vật dơ bẩn trong ruột phòi ra, họ vẩy tay, hất xuống ao. Nước ao động đậy, những chú cá bé dạn dĩ ngoi lên đớp đớp.
Trên bờ ao, đó đây vài đống rác được nhóm lên thui những con chó đã làm lông và cọ rửa sạch sẽ. Trong mùi khói khét lẹt từng lúc lại sực nức mùi thịt thơm. Những cái hít ra hít vào, thưởng thức. Mỗi người nói một câu:
- Chà! Thơm điếc mũi.
- Tớ chảy nước rãi rồi.
Anh Hương đang dúng mình con chó xuống ao, bỗng hốt hoảng kêu lên:
- Bỏ mẹ! Quên không dặn nó đi lấy rượu. Hôm nay cả làng "mộc-tồn" thế này thì rượu bà Tư Gù đủ bán thế chó nào được. Có ai về bảo hộ mẹ cu nó nhà tôi chạy đi lấy rượu ngay cho tôi không? Hết mẹ nó rồi cũng nên.
Anh ta nhìn ngang nhìn ngửa. Rồi gọi rối rít:
- Cu Tời ơi! Mày về bảo hộ tao cái, chóng chốc tao cho khúc dồi.
Thằng Cu nguây nguẩy:
- Tôi chả ăn. Nhà tôi hôm nay cũng khối dồi.
Nó điềm nhiên ngoặt hai tay ra phía sau ôm lấy gáy, đứng xem anh nó làm con chó của nhà nó.
- Mẹ kiếp, làm bộ! Bên bác Trưởng mua rượu chưa? Chưa mua thì mua dùm em nửa chai nhân thể nhé.
Bác Trưởng vừa nghiêng đầu, cúi xuống vai áo chùi đôi mắt ướt chàn chụa vì khói vừa oang oang đáp trong khi hai tay vẫn lăn giở mình con chó trên ngọn lửa cho vàng đều.
- Bu nó mua từ hôm qua kia chứ ạ. Chứ hôm nay đông người mua thế này thì gọi là bà Tư Gù bà ấy bỏ muối vào mắt mà lấy tiền.
Bác Hương làm vội làm vàng cho xong công việc, đặt con chó vào rổ, đứng lên, lách sau lưng những người ngồi liên tiếp hàng dài trên cầu ao, đi lên bờ. Những người ngồi dưới lại dồn vào phía trong, nhường chỗ ngoài cùng cho người khác ở trên bờ bước xuống. Chiếc cầu tre kẽo kẹt rún lên rún xuống!
Từ trong xóm luôn luôn những chân người huỳnh huỵch chạy ra phía ao, tay người nào cũng ôm một cải rổ đựng toàn một thứ chó. Có con vừa chọc tiết xong máu chưa đông kịp rỏ dòng dòng xuống đường, điểm những vết đen thẫm trên đất và đỏ tía trên cỏ xanh.
Bờ ao thì mỗi lúc một đông thêm. Người đứng chờ trên bờ dục* người ngồi dưới cầu.
- Phiên phiến một tí anh em ơi. Còn cho người khác làm chứ!
Tức thì dưới cầu nhao nhao đáp lại:
- Không làm thì chơi đấy à? Rét bỏ mẹ cóng cả tay, ai còn thèm ngồi găm cơ chứ.
Những người đã có chỗ ngồi yên trí rồi, chuyện nở như gạo rang:
- Ừ! Sao các ông ấy không để thong thả làm dần, lần lượt từng xóm. Ai lại cho có 24 tiếng đồng hồ bao giờ! Mà bao nhiêu là chó.
Người khác phụ họa:
- Giá cứ để làm lần lượt có phải hay bao nhiêu không. Gọi là cứ chén hàng tháng. Nay nhà bác, mai nhà tôi, ăn đụng. Chứ thế này thì ăn dốn!
- Ấy có thế này thì vợ con mới được một vài miếng. Chứ lần lượt mời nhau ăn đụng thì chỉ chui vào mồm các bố cu cả.
Mọi người cười ha hả, rồi lại tiếp tục:
- Bắt giết gấp thế này thì có nhà dễ phải giết đến bốn năm con một lúc ấy nhỉ.
- Của nợ! Ai làm thế. Bán bớt đi chứ. Không trông phiên chợ sáng qua đấy à? Trên thì người dưới thì chó.
- Gớm? Cái bác phải gió! Ví với von!
Câu chuyện quanh quanh mãi về mấy con chó mà không hết. Cho đến xế trưa, ngoài ao vẫn còn người mang chó ra làm. Trong xóm tiếng dao thớt lát chát nghe mãi như hình có âm điệu đáp gọi lẫn nhau. Trẻ con thì thụt như đèn cù trên đường xóm. Chúng được sai đi vay củ giềng, xin nắm lá, mua cút rượu. Mấy anh cùng đinh trong làng không có lấy con chó để giết với thôn xóm làm vui, hôm nay tha hồ mà ăn ghẹ, ăn phò, đem những chuyện chó béo chó gầy, dựa mận nấu khéo, nấu vụng, kháo hết nhà này sang nhà khác. Tiếng cười nói vang vang khắp mọi nhà. Họ quên trong chén rượu, miếng thịt, những tiếng súng đại bác, liên thanh mỗi ngày một nghe rõ hơn như tiến dần về phía làng.
Bác Hương giã cơn say rượu thì đã gần nửa đêm. Bác mở mắt, thần trí đê mê không nhận rõ được mình nằm đâu. Bác quơ tay chung quanh. Trong bóng tối tay bác đụng phải thằng cu Tí, con trai bác, nằm uốn cong người, co quắp như con tôm để lấy thêm hơi ấm. Bác đã bắt đầu tinh tỉnh, nhớ bữa chén hồi chiều, bữa chén còn lại của bữa chén buổi sáng. Và lúc ấy bác mới biết cổ họng bác khô nóng và lưỡi thì cộm lên. Bác nghĩ đến tích nước dưới gậm bàn thờ để giải cái khát đang đốt cháy họng. Bác ngồi dậy, đặt hai chân xuống đất. Nhưng bác bỗng giật mình, đờ đẫn cả người. Sao mà lại im lặng thế này. Không phải chỉ im lặng ở trong khu nhà bác, xóm bác mà bác có cảm tưởng cái yên lặng ấy từ đâu đâu lan đến, bao trùm khắp làng, khắp cả thiên hạ. Bác rờn rợn quơ tay sờ đứa con như để tìm một cái gì là sinh khí, một cái gì thủ thân. Bác nghĩ đến vợ nằm trong buồng, bác đặt chân xuống đất, rón rén men dần vào buồng, bước đi thật êm, thật nhẹ như sợ khua động những cái gì rất ghê rợn lố nhố rình nấp trong cái yên lặng dị thường này.
Bác đến sát bên giương vợ, sẽ lay vợ đang ngáy đều đều. Tiếng ngáy quen thuộc khiến bác thấy vừng lòng đôi chút. Bác gái từ từ thức giấc, làu nhàu :
- Cái gì thế. Gớm hơi rượu sặc lên, không ai chịu được.
Tuy nói thế nhưng bác cũng giở mình, nhích vào phía trong nhường chỗ cho chồng. Bác Hương còn lòng dạ nào mà nằm xuống. Bác chỉ ghé ngồi khe khẽ bảo vợ:
- U mày ạ! Dậy! Tao bảo cái này.
Giọng thầm thì ẩn dấu một sự gì quan trọng và sợ hãi. Bác gái chột dạ nghĩ ngay đến chuyện cướp, chuyện trộm; chuyện mặt trận đã tới làng. Bác vùng trở dậy rất ý tứ cho cái dát giường khỏi loạt soạt. Trống ngực đập thình thịch, bác ghé sát mặt bác giai:
- Làm sao hở! Nhà nó?
- U mày nghe xem.
Bác gái lắng tai đợi nghe tiếng khoét vách, đào ngạch, tiếng chân người rồn rập ngoài hè, ngoài vườn. Chẳng thấy gì cả. Bác chỉ thấy một sự yên lặng như tờ. Một sự yên lặng lạ lùng chưa từng thấy bao giờ. Bác nói, giọng tự nhiên thầm thì trong hơi thở, gấp khúc:
- Có gì đâu. Mà đêm nay trong làng làm sao ấy nhỉ. Im phăng phắc!
Bác bỗng nhớ đến lệnh tản cư đã rao từ mấy hôm nay và chợt có ý nghĩ trong khi bác ngủ tất cả làng đã bốc đồn đi rồi còn trơ lại gia đình bác giữa một cái làng bỏ hoang. Bác hốt hoảng rên nho nhỏ:
- Làm thế nào bây giò? Nhà nó châm đèn lên cho tôi nhặt nhạnh rồi ta cùng kéo đi thôi, chứ ở đây chịu chết à?
Bác Hương cố nghĩ, mới hiểu vợ định nói gì. Bác đáp:
- Không phải thế. Cả làng nhà nào vẫn ở yên nhà ấy. Nhưng u mày nghe mà xem. Thin thít như cái năm động giời ấy. Tao rợn quá!
- Phỉ thui! Chỉ nói dại! Bỏ mắm bỏ muối vào miệng ấy!
Nhưng bác cũng lây cái rợn của chồng rồi. Bác tưởng tượng như ngoài ngõ vắng, các bà, các cô đang đi gieo hoa rắc đậu, những đoàn âm binh đang đi bắt lính trần gian. Bác rợn tóc gáy. Đúng là cảnh tượng năm xưa làng có dịch-khí ngày chết năm, mười người. Đêm đến, làng xóm cũng lặng tờ như thế này. Không một tiếng chó sủa. Người ta bảo những con chó sợ đoàn âm binh núp cả vào một chỗ im thin thít. Nghĩ đến những con chó, bác chợt liên tưởng [...?] thoắt trút hết sợ hãi trong lòng bác. Bác nằm kềnh xuống giường, cười:
- Rõ nợ! Giết hết cả chó rồi thì làm gì đường ngõ, làng xóm chả im phăng phắc kia chứ. Thật thần hồn nát thần tính, phương ngôn nói không sai.
Bác Hương nghe rõ từng lời của vợ. Bác bỗng tức mình. Ừ sao bác không sớm nghĩ ra thế mà lại để cho vợ nghĩ mất trước. Bác thèn thẹn cho sự yếu bóng vía của mình, nên khi bác gái dục *:
- "Thôi nằm xuống ngủ đi", bác gắt:
- Cứ việc ngủ. Tao còn thức.
Tuy biết vợ nói đúng. Nhưng cái yên lặng khác thường vẫn làm bác ngạc nhiên như hình chưa quen. Bác lại lần ra nhà ngoài sờ soạng tìm cái đĩa đựng dầu rồi lấy đóm hút một điếu thuốc lào. Ánh lửa phập phùi, tiếng điếu lọc sọc, gợi cho bác một cảnh tượng ấm cúng. Nhưng bác vẫn không thấy vững lòng. Bác cảm như thiếu một cái gì, nhớ một cái gì, không đầy đủ như mọi đêm bác vẫn hay thức giấc để hút điếu thuốc: Thiếu cái gì? Nhớ cái gì? Bác nghĩ ra rồi. Bác nhớ một tiếng động rất quen thuộc, mật thiết với bác như một phần đời của bác. Tiếng động của con chó rùng mình vẫy đầu vẫy tai trong bóng tối khi thấy chủ thức giậy hút thuốc thì lách mình qua liếp cửa mà vào, lấy chân gãi lông soàn soạt rồi gừ gừ nhàu nhàu nằm bẹp dưới chân chủ.
Chả bao giờ bác chú ý đến những con chó bác đã nuôi cả, những con Vàng, con Vện, con Mực, con Bông không biết bao nhiêu con đã sống, đã chết, đã bị làm thịt trong gian nhà bếp của bác. Nhưng đêm nay, những cử động của những con vật ấy bỗng linh hoạt hiển nhiên trong trí bác. Bất giác bác nhìn ra phía cửa liếp hồi hộp cho một sự xuất hiện tất nhiên phải có, thì đêm mới là đêm, cũng như đêm thì phải có bóng tối vậy. Nhưng im lìm cả. Lờ mờ bức cửa liếp đứng sừng sững, bất động như một cái gì đã chết. Phía ngoài cái liếp cũng là sự chết nữa. Bác cảm xúc rõ rệt như thế. Một tai họa lớn lao sắp sửa gieo xuống làng bác, đang bắt đầu gieo như là kinh mạt-kiếp năm kia năm kìa bác đã nghe: "Gà không gáy, chó không sủa, rắn rết bò ra đầy đường".
Ba tiếng "chó không sủa" gợi lên trong tưởng tượng bác tất cả sự hoang vắng rùng rợn, sự hủy hoại thảm thê, những tai nạn không phải sẽ chỉ do người gây ra, mà ghê gớm hơn, là lại do cả những sức mạnh huyền bí âm u nào giáng xuống. Những chuyện quái đản, tai trời ách đất ở đâu cứ nhắc dần trong trí nhớ bác, những chuyện của các bô lão kể ở những quán nước đầu làng, giữa khói thuốc lào và khói nước chè tươi nghi ngút. Và nghe kể thì những chuyện ấy xẩy ra bao giờ cũng có điềm gở báo trước. Cái việc giết chó này chính là một điềm gở. Bác bỗng giận sao người ta lại dại dột thế, lại bắt giết chó dại "y như là người tự dưng xé khăn trắng trong nhà vậy". "Rồi mà xem, còn là vô khối thiên tai". Bác thầm đe thế và tự mình lại đâm lo với lời mình đe.
Bác vớ chiếc điếu châm đóm hút. Điếu thuốc này sao mà say, say nhè nhẹ thôi, trí nhớ bác còn đủ sáng suốt nghĩ ngợi lờ mờ. Bác lại nghĩ đến con chó, con chó bác giết hồi sáng. Kể từ khi biết cầm con dao chọc vào cổ con chó, bác giết đã nhiều chó rồi, giết hộ hàng xóm, giết chó nhà bác nuôi. Nhưng bây giờ bác mới động lòng thương đến con chó này là một. Bác nhớ tiếng kêu ằng ặc, hai con mắt thảm thiết của nó hồi sáng. Lòng bác se se. Bác khó chịu với cái cảm giác ấy và thấy cần phải tợp một ngụm rượu. Người ta đến là lạ. Con chó làm hại thế quái nào được nước được non mà phải giết đi. Giết hết giống rồi, thì còn lấy đâu ra chó. Con chó dùng để giữ nhà, dùng để dành, khi giỗ, tết, có công, có việc thì lôi ra mà làm chén. Nó cũng như con lợn. Bao nhiêu là ích lợi. Mới lại từ nãy suy nghĩ bác cứ quanh quẩn mãi với điều nhận xét này mà chắc chẳng bao giờ bác dám nói với ai là con chó cần cho một cái làng và một cái nhà hơn cả con người ta nữa. Không có chó, hình như cái nhà không ra cái nhà, cái làng không ra cái làng. Trong sân nhà, hay ngoài ngõ xóm có mươi con chó nhùng nhằng có phải vui biết chừng nào! Rõ là một cái làng, một cái nhà có vượng khí. Chứ thế này, quạnh quẽ, lạnh lẽo như nhà thiếu-chủ sau đám tang vậy.
Bác cứ rờn rợn, nơm nớp không sao yên tâm đi nằm được nữa. Bác mong cho trời chóng sáng, cho gà lên tiếng gáy. Sốt ruột quá, bác lại muốn chạy ra nhòm qua kẽ liếp xem phương đông trời đã hung hung tí nào chưa. Nhưng ngồi đang ấm chỗ, bác ngài ngại. Bỗng bác giật mình nhổm hẳn người lên. Tiếng chó ở đâu oăng oẳng sủa, sủa từng gióng một. Con chó có vẻ vừa sủa vừa nghe ngóng đợi chờ những tiếng sủa đáp lại của các bạn đồng giống.
Phút ngạc nhiên thoáng qua, nghe tiếng chó sủa bác Hương thấy tỉnh táo cả người vững lòng vững dạ. Bác mạnh bạo đứng lên, ra nhấc cánh cửa liếp ra hè. Tiếng chó sủa lên như đã xua đuổi hết cái yên lặng rợn người của thôn xóm. Bây giờ thì bác thấy quang cảnh lại y nguyên như mọi đêm, bình tĩnh và ấm cúng. Nhưng rồi bác chợt nghĩ ra một điều gì, bác cúi xuống nhặt một hòn đất ném vào phía chó đang sủa, bác lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp! Chó của nhà nào?
- Ừ chó của nhà nào? Bác tự hỏi.
Cả làng đã giết sạch chó rồi kia mà. Bác chắc chắn thế. Gọi là một con chó nhách cũng không còn. Thế thì chó của ai mới được chứ? Bác phừng phừng tức giận cái kẻ nào mà lại dám giữ một con chó trong khi chó của tất cả mọi nhà đều đã bị bắn, bị thịt? Phía chó sủa là phía chợ Nhà, nhưng ai ở xóm chợ? À thôi, bác nghĩ ra rồi. Chính là con chó của lão ăn mày đêm đêm vẫn nằm nhờ trong quán chợ. Bác cáu lắm, hậm hực quay vào khép cửa liếp rồi đi thẳng vào buồng vợ. Bác thấy vợ đã ngồi lù lù trên giường.
- Bố nó đấy à? Chó đâu sủa thế?
Bác đáp:
- Chó của lão ăn mày ngoài chợ. Láo quá. Cả làng đến chết về con chó ấy chứ không chơi. Phải giết ngay mới được.
Bác gái yên trí lại nằm xuống, bảo chồng:
- Gớm có mỗi con chó mà làm như là con hùm con beo không bằng! Giết chó của ông lão thì ông lão còn biết đằng nào mà lần. Giời cho mình còn có mắt.
Bác gắt vợ:
- Thôi đừng nhân đức bà tú Đễ! Để rồi chết cả làng ấy à. Việc nước không phải chuyện đùa. Không thương lão ăn mày mù thì gọi là cứ bắn nốt cả lão ấy chứ lị! Muốn làm phản à?
Bác nói thì lại nghe một mình chứ. Bác gái nói rứt miệng, đã lăn ngay phò phò ngáy được rồi. Bác Hương ngả lưng bên cạnh vợ, vẫn tức tối con chó thỉnh thoảng lại cứ tiếng một mà sủa. Bác nghĩ có thể vì một con chó này mà cả làng chết hết chứ không còn một mống. Không biết những người có phận sự giữ an-ninh cho làng có nghe tiếng chó sủa không? Bác mong cho mau sáng để bác đi báo các nhà chức trách. Phen này thì bác "hặc" cả họ ấy chứ? Làm việc sơ sót đến thế à? Tự dưng bác thấy mình thành quan trọng lạ. Con chó vẫn sủa, dáng chừng tưởng đã nghe thấy tiếng bạn đồng giống trong cái vang âm rội lại của chính tiếng của mình sủa, nên tiếng sủa, lần này có vẻ hí hửng lắm.
Bác Hương cười:
- Ừ sủa đi con ạ! Cứ sủa đi. Mai thì con vào nồi con ạ!
Bác liên tưởng ngay đến món dựa mận, rồi lang bang cố nhớ xem con chó của lão ăn mày mù béo hay gầy. Đôi khi qua chợ bác vẫn gặp lão ăn mày và con chó. Nhưng bác để ý làm gì. Chhắc là phải gầy. Lão ăn mày còn chả có đủ ăn thì con chó béo với ai. Nhưng cũng có thể béo! Lão đi xin khắp mấy làng ở vùng này. Ăn sao hết! Con chó của lão béo hẳn đi chứ. Bác đã dịu dịu. Bác nghĩ đến mai sớm bác sẽ bảo Trương Sóc, Tư Thu cứ việc ra chợ mà tịch thu con chó của lão ăn mày! Thế là bác làm ơn làm nghĩa cho làng đấy, chứ tưởng! Còn lão ăn mày mù? Ngỏ cho lão biết là tốt. Không thì thí cho lão vài đồng bạc. Bác Hương khoái trá như đã giải quyết xong một vấn đề quan trọng rắc rối. Bác thiếp đi trong khi đang dở tính đến chỗ mai có nên nước vài gắp chả hay cứ dựa mận tuốt... tuốt cả.
(*) dục: Theo Việt Nam Tự Điển của Lê V Đức, Lê Ngọc Trụ, phải viết gi, giục giã:
- Trống tan canh mấy hồi giục giã (Cung Oán);
- Lòng ta ta đã chắc rồi, Nào ai giục đứng giục ngồi mà nao (Ca Dao).
- Bà Mẹ, Cô Con và Mớ Tóc Thụy An Truyện ngắn
- Sao Lại Mùa Thu Thụy An Thơ
- Giết Chó Thụy An Truyện
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |