1. Head_

    Viễn Châu

    (..1924 - 1.2.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Giao Thừa (Doãn Dân) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      22-7-2014 | TRUYỆN

      Giao Thừa

        DOÃN DÂN
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Loan vẫn đứng tỳ hai khuỷu tay lên mặt tủ, người hơi cúi, hai bàn tay ôm lấy mặt, quay lưng về phía chồng.

      Tân ngước mắt nhìn vợ thật nhanh rồi lại cúi xuống. Dáng đứng có vẻ thiểu não, mệt mỏi và thất vọng của Loan làm chàng vừa thương vừa ghét vợ.


      Bỗng Loan quay phắt lại, nhìn trừng trừng vào mặt Tân, nói giọng gay gắt:

      - Anh không biết như thế là nhục nhã lắm à? Hẹn người ta năm lần bảy lượt rồi...


      Mắt Tân vụt trợn lên và miệng chàng hơi hé ra như ngạc nhiên, sửng sốt về thái độ hỗn xược của Loan. Chàng định dùng một lời gay gắt mắng lại, nhưng, trong tích tắc, chàng bừng hiểu, làm thế không ích gì. Chàng lặng lẽ cúi đầu và thoáng thấy lòng mình se thắt lại. Chàng nâng một bàn tay ôm lấy mặt để dấu tiếng thở dài.


      Thái độ nín thinh của Tân như trêu chọc, thách thức nỗi khó chịu, hằn học trong lòng Loan. Nàng vẫn đứng yên, nói, giọng hơi dịu đi, nhưng có vẻ mỉa mai chua chát:

      - Hừ! Người ta đến bây giờ rồi lại làm ra tươi cười, vồn vã... Thật là đê hèn...


      Bỗng nàng hét lên:

      -Tôi chán phải nói "xin khất ông bà..." lắm rồi! Lần nào cũng chắp chân chắp tay như một kẻ ăn xin khốn nạn. Nhục lắm!


      Tân vẫn không ngửng đầu lên. Nét mặt chàng lúc này trở nên bình thản lạ lùng; cái bình thản chai đá của một người nhịn nhục quá độ.


      Lát sau, chàng nhìn Loan, ôn tồn nói;

      - Em dừng to tiếng... Đêm ba mươi, hàng xóm người ta cười...

      - Người ta còn chửi vào mặt cho nữa... Tôi nghe chán rồi...


      Mắt Tân vụt quắc lên, rồi dịu đi ngay. Chàng đứng dậy đi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời tối đen, không một ngôi sao.


      Loan vừa đi lại phía Tân, vừa nói:

      - Anh tính sao bây giờ? Họ sẽ trở lại trước giao thừa. Họ bảo thế.

      Tân không quay lại, nói:

      - Biết tính sao! Anh đã đi suốt buổi chiều...

      - Nghĩa là...

      Bất giác, Loan ôm mặt, chạy đến bên giường, òa lên khóc.


      Tân vẫn đứng yên. Chàng không còn cảm thấy gì. Tiếng khóc ấm ức của Loan như xoáy vào tâm hồn chàng, rồi loang ra và vang lên. Mắt chàng đăm đăm nhìn vào khoảng không đen đặc. Chàng không nghe thấy có những tiếng pháo đã lác đác nổi dậy từ rất xa.


      Một lát sau, Tân quay trở vào, đến bên Loan, vẫn ôn tồn nói:

      - Anh biết em khổ. Anh có lỗi với em. Nhưng em thử nghĩ xem... quanh năm anh vất vả. Anh có chơi không để bắt em phải chịu đựng, khô sở một mình đâu!...


      Loan nằm quay mặt vào tường, khóc tấm tức:

      - Ai chả biết anh vất vả!!! Nhưng sự vất vả của anh giúp vợ con được gì. Tôi không muốn suốt đời vác mặt đi vay thiên hạ... Sao anh không cố gắng lên?


      Tân nói như đã nghĩ từ lâu:

      - Em không nên nói thế. Không phải ai vất vả cũng có được tiền. Và cũng không phải ai không có tiền là không vất vả. Anh đã làm hết sức anh. Anh nghèo không phải lỗi với anh. Ai cũng muốn có tiền để vợ con sung sướng. Nhưng sức anh chỉ có thế. Anh không muốn làm những công việc ngoài khả năng chân chính của anh để mang lại sự sung sướng cho em. Như vậy là lừa dối, bịp bợm người đời...


      Loan vụt quay lại, nhóm người lên, nhìn thẳng vào mắt Tân:

      - Anh cho là bịp bợm? Hừ! Đời nó thế cả! Sao anh không thú nhận là anh không có can đảm làm như mọi người? Sao anh không chịu thú nhận là anh hèn kém hơn họ?


      Tân quay mặt đi như lẩn tránh tia mắt Loan. Chàng có cảm tưởng như mình vừa bị tát vào mặt. Nét mặt chàng nhăn hẳn lại. Một lần nữa, chàng đưa tay lên ôm mặt để giấu tiếng thở dài.


      Có tiếng Loan hỏi:

      - Anh hãy làm như họ. Chỉ có sự khúm núm trước mặt kẻ khác là đáng làm cho mình cảm thấy nhục nhã, đê hèn, hổ thẹn... Anh đã khúm núm, anh chưa biết sao?


      Tân lặng lẽ đứng dậy, đi đến bên song cửa. Chàng không muốn nói gì; và cũng không nói được gì. Đã nhiều lần Loan và chàng cãi nhau vì những nguyên nhân tương tự và chàng nhận thấy bao giờ chàng cũng là người chịu thua, chịu kém.


      Bất giác Tân quay lại hỏi Loan:

      - Họ hẹn mấy giờ họ trở lại?

      - Chắc chắn là trước giao thừa.

      Suy nghĩ một lát, chàng nói:

      - Em ở nhà. Anh lại đi lát nữa xem sao...

      Loan im lặng.


      Tân đẩy cánh cửa, lại quay đầu lại, nói:

      - Anh sẽ trở về trước Giao thừa. Em bảo họ ngồi đợi.

      Loan vẫn im lặng.

      Tân bước hẳn ra ngoài.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2.


      Ra khỏi nhà, Tân rẽ bên phải, đi như một kẻ không hồn. Con đường trước mặt chàng chìm hẳn vào bóng tối. Những mái nhà đứng rải rác hai bên đường đã đóng cửa từ lâu như muốn âm thầm gìn giữ sự hồi hộp đợi chờ giờ phút thiêng liêng sắp tới.


      Tân thọc hai tay vào túi quần, cúi đầu, lặng lẽ bước. Những lời Loan vừa nói vang hẳn lên, quay cuồng trong óc chàng. Ý nghĩ chàng cơ hồ loãng ra giữa màn đêm mênh mông, đen kín. Theo với bước chân chàng, một tiếng nói âm thầm vẳng lên ở trong tiềm thức: "Đến nhà ai? Biết đến nhà ai bây giờ?". Câu hỏi lập đi, lập lại như một tiếng vang mà Tân không ý thức được. Có cái gì xôn xao, vang động trong tâm trí chàng lấn át tiếng nói âm thầm ấy. Chàng không tự biết mình hiện nghĩ gì hay chẳng nghĩ gì cả. Tất cả mọi ý nghĩ trở nên mung lung, hỗn độn.


      Đến một đoạn đường có vệt ánh sáng hắt ra từ khe cửa của một căn nhà mé bên phải, Tân đứng hẳn lại giơ một tay lên xem giờ: mười giờ kém năm. Sắp đến Giao thừa; sắp đến lúc mà chàng phải có số tiền để trả nợ. Tự nhiên, Tân cảm thấy thân thể mệt mỏi, rã rời. Chàng đứng dựa lưng vào một cây bên đương nhắm mắt lại, và trong một thoáng, Tân không muốn nhấc chân lên nữa. Một nỗi tủi thẹn đớn đau như đã ẩn nấp từ lâu, đột nhiên tràn ngập tâm hồn chàng. Tân như thấy rõ ràng lời nói của Loan:


      "Sao anh không cố gắng lên?... Sao anh không chịu thú nhận là anh hèn kém?... Đời nó thế cả!... Anh hãy làm như mọi người..." Những lời nói ấy đã nhiều lần Tân được nghe, nhưng chưa lần nào chàng để ý quan tâm đến nó như lần nay. Đứng giữa một vùng đêm tối bao la, Tân cảm thấy một nỗi đau khổ ê chề đang từ từ lún xuống: lún sâu xuống đáy lòng chàng. Tân nhắm nghiền mắt lại, mặc cho tâm hồn thu nhận cái cảm giác khổ đau thấm thía ấy. Chàng muốn chịu đựng; một mình chịu đựng sự hất hủi của người đời, ngay cả của Loan, như bao lâu nay chàng vẫn chịu.


      Vài phút sau, Tân lại tiếp tục bước đi. Làn không khí về khuya lạnh dìu dịu làm tâm thần chàng dần dần yên tĩnh. Thỉnh thoảng, một vài tiếng pháo như không chịu đựng nổi sự hồi hộp trong lúc chờ đợi Giao thừa đã nổ bật lên, vội vàng, hấp tấp. Rồi không gian trở về im lặng.


      Tân nghe rõ tiếng chân mình gieo xuống nền gạch. Chàng cố để tâm vào sự văng vẻ chung quanh; chàng cố nghe ngóng, tìm kiếm những cảm giác, ý nghĩ của mình về đêm ba mươi Tết. Tự nhiên, chàng thấy tâm trí thảnh thơi. Chàng ngửa mặt lên, đón những làn gió từ xa lùa tới. Chàng thấp thoáng nhớ lại những ngày chưa có gia đình, mỗi năm, cứ vào cái đêm quan trọng như đêm nay, chàng hay ngồi một mình trong một căn phòng riêng biệt, nhìn ra ngoài trời tối mà nghe niềm vui nhẹ nhàng lan dần ra trong lòng mình. Nhưng lúc này, Tân cảm thấy như thời gian ngừng hẳn lại. Không gian êm mát và thanh thoát lạ lùng. Mọi vật đều yên lặng, trong làn không khí của khoảng không gian bao la vào những phút trước Giao thừa hình như có một niềm vui đầm ấm đang âm thầm xao động bàng hoàng ở khắp mọi nơi; và ở trong lòng mọi người. Sự im lặng êm ả của bầu không gian là sự nín thở trang nghiêm của vạn vật trong lúc đón chờ giờ phút quan trọng thiêng liêng đã được chọn lọc, nâng niu suốt một năm trời. Tân thấy tâm hồn mình như đang cùng với thời gian, dần dần đổi mới. Và chàng vui sướng, nôn nao...


      Nhưng tất cả cảm nghĩ ấy, từ mấy năm nay, chàng không có nữa. Lạ một điều là cứ tối ba mươi là chàng phải đi vay tiền, mặc dù suốt năm chàng đã chịu khó làm việc. Và lạ một điều nữa là đi vay tiền không phải để tiêu, mà để trả nợ. Đêm ba mươi Tết năm nào, Loan và chàng cũng dằn vặt nhau vì tiền. Và năm nào chàng cũng được nghe những lời cửa Loan tương tự như hồi nãy. Tết năm ngoái, Tân đã đi bộ ròng rã suốt từ buổi chiều cho đến lúc tận Giao thừa mà vẫn không vay ai được. Cuối cùng chàng đành lang thang ngoài đương mãi tới gần hai giờ sáng mới dám trở về.


      Sáng sớm hôm sau, câu đầu tiên Tân nói với vợ là câu "Năm mới, anh hứa với em, năm nay anh đã cố gắng để khỏi đi trốn nợ đêm ba mươi Tết..." Vậy mà năm nay...


      Tân vẫn cúi đầu, lặng lẽ bước đi. Nỗi tủi thẹn về thân phận mình hòa với tình thương Loan mỗi lúc một dâng lên dào dạt trong lòng. Bây giờ, nhớ lại lời Loan, Tân thấy nàng cũng có lý đối phần khi trách móc chàng. Hình dung lại nét mặt cau có giận dữ của vợ, chàng cảm thấy xót xa, đau khổ. Tân bước chân đi mà tưởng như mình đang trôi chơi vơi trong nỗi khổ đau âm thầm rộng lớn. Chàng vừa thương Loan, vừa thương chính bản thân mình... Linh tính cho chàng biết, đêm nay rồi lại như đêm ba mươi năm ngoái, sẽ không vay được đống nào. Va chàng sẽ lại đi lang thang thế này cho đến quá lúc Giao thừa.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      3.


      Hình ảnh một vài bộ mặt quen thuộc loáng thoáng hiện ra trong tâm trí Tân. Chàng soát lại vẻ mặt từng người rối âm thầm tìm kiếm những người quen khác như khi người ta tìm chiếc vé độc đắc trúng một triệu đồng. Cuối cùng chàng vẫn chỉ gặp những bộ mặt mà chàng đã ít nhất là một lần chàng đã nói với họ câu: "Tôi biết thế này thì phiền...lắm! Nhưng vì hoàn cảnh...". Một hôm, đang ngồi ăn cơm ở nhà người bạn, muốn nhờ chị người làm vặn lại chiếc quạt trần đang quay nhanh quá, chàng cũng mở đầu: "Tôi biết thế này thì phiền chị lắm. Nhung vì hoàn cảnh... không đứng dậy được. Chị, chị làm ơn vặn lại giùm chiếc quạt!". Vợ chồng người bạn Tân tưởng chàng nói đùa, cùng phá lên cười. Mặt Tân nóng ran như người bị bỏng... Cho đến bây giờ, Tân không thể nào nhớ được mình đã nói như vậy với bao nhiêu người, chàng chỉ nhớ một lần chàng đã nói câu đó với bà chị họ.


      Lần ấy cách đây nửa năm, khi Loan bị bệnh, phải đó bác sĩ.

      Tân nhớ rõ ràng, hôm đó, sau khi đã bán hết những thứ có thể bán được để chữa cho Loan mà bệnh nàng vẫn chưa thuyên giảm, chàng bắt buộc phải nghĩ đến sự đi vay. Theo lời khuyên của Loan, chàng tìm tới bà Huyền - chị họ chàng.


      Buổi chiều hôm ấy, chàng vừa bước chân vào nhà, bà Huyền đã từ dưới bếp ì-ạch chạy lên, mừng rỡ:

      - A! Chú Tân! Sao lâu lắm không thấy chú lại chơi? Mô Phật! Dạo này chủ béo trắng ra...


      Nụ cười và câu chào đón niềm nở của người chị họ có thân hình mập mạp to lớn làm ý định mượn tiền của Tân, bỗng nhỏ tóp lại. Chàng toan cười - cười giải thích về sự đã lâu không đến thì bà Huyền đã lại vồn vã:

      - Chú lên lầu ngồi chơi đợi chị. Dưới này bừa bộn quá. Chị vừa đi về, chưa kịp thu dọn... Chị rửa cái tay rồi chị lên...


      Nói xong bà Huyền lại ì-ạch chạy vội xuống nhà.

      Tân đứng nhìn quanh, lưỡng lự, ngập ngừng rồi chép miệng bước lên cầu thang. Chàng thầm nhủ: "Phải vào đề ngay mới được..."


      Tân vừa ngồi xuống chiếc ghế bành kê ở giữa nhà thì bà Huyền lên tới. Bà gọi người làm rót nước rồi hỏi Tân:

      - Thím ấy đâu? Sao chú không rủ thím cùng đi?

      Như gặp một dịp may hiếm hoi, đắt đỏ, Tân nói ngay:

      Nhà tôi ốm chị ạ!

      Tân thoáng thấy mình hèn hạ, muốn đem cái ốm của vợ ra để cầu xin tình thương người khác.

      Nét mặt bà Huyền bỗng nghiêm hẳn lại, quan trọng lạ thường. Bà tròn đôi mắt ốc nhồi nhìn Tân, kêu lên:

      - Thím ấy ốm à? Mô Phật! Thế đã khỏi chưa?

      Tân mỉm cười hỏi:

      - Dạo này chị có vẻ sùng đạo Phật?

      Bà Huyền cười rung cả hai bên má và cái bụng:

      - Lạy Thánh! Ít lâu nay chị cũng năng đi lễ chùa.

      Rồi bà hỏi đột ngột:

      - Chắc chú chưa xơi cơm? Ở đây ăn cơm với anh chị và các cháu. Anh đi làm cũng sắp về rồi.

      Tân không trả lời, cúi đầu suy nghĩ. Chàng thầm nhắc lại trong tâm trí: "Có nên không? Có nên hỏi ngay không?"

      Bất giác, chàng nghiêm nét mặt, nhìn bà Huyền, nói giọng quan trọng:

      - Tôi biết thế này thì phiền chị lắm. Nhưng vì hoàn cảnh...

      Bà Huyền đã cầm lá trầu lên định têm, lại bỏ xuống bàn, nhớn nhác nhìn Tân.

      Chàng tiếp:

      - Nhà tôi hiện đang ốm, cần tiền để chữa. Chị vui lòng cho chúng tôi mượn tạm hai nghìn. Cuối tháng chúng tôi xin hoàn lại chị.

      Nói được câu đó, Tân thấy nhẹ hẫng cả người. Chàng nhìn lên bà Huyền chờ đợi...

      Trên nét mặt bà Huyền bây giờ không còn một dấu vết gì của sự vui mừng hồi nãy nữa. Bà cúi đầu tỏ vẻ suy nghĩ lao lung.

      Lát sau bà nói:

      - Tội nghiệp! Chả giấu gì chú, cho cũng không có tiền. Anh đi lâm mỗi tháng có hai chục ngàn thì có bao nhiêu thứ tiêu...


      Tân nâng vội tách nước lên uống để cố dồn tiếng thở dài buột ra từ trong lồng ngực. Chàng quay nhìn vơ vẩn ra ngoài và đột nhiên chàng có cảm tưởng, mình vừa lỗ vốn sau một chuyến buôn. Chàng thầm nghĩ: "Nhà này họ vừa tiêu vừa đốt tiền đi chắc!"


      Có tiếng bà Huyền hỏi:

      - Thế thím ấy ốm ra sao?

      Tân quay lại:

      - Nhà tôi bị thương hàn!

      - Mô Phật! Chú nhớ bảo thím chớ có ăn cơm vào!

      Tân cúi đầu, im lặng.


      Ngồi một lát không thấy Tân nói gì thêm, bà Huyền đứng dậy:

      - Xin lỗi chú! Chi xuống bảo người làm sắp cơm, rồi lên ngay...

      Tân không nghe thấy câu nói của bà Huyền. Chàng ngồi như dán xuống mặt ghế. Hình ảnh bộ mặt vàng bủng, đôi mắt lõm sâu của Loan hiện rõ trong đầu óc chàng. Đợi bà Huyền xuống hẳn dưới nhà, chàng đưa một tay lên dụi mắt và chàng ngạc nhiên thấy nước mắt mình ứa ra tự lúc nào.

      Rồi không biết bao lâu sau, Tân mới đứng dậy, lững thững xuống nhà.


      Đang ngồi ăn cơm cùng mọi người, thấy Tân, bà Huyền kêu lên:

      - Chết chửa! Tôi tưởng chú Tân về rồi!

      Bà quay sang con bà:

      - Tao đã bảo con Bích lên mời Chú xuống xơi cơm, mày không lên à? Con này đoảng thật!

      Rồi mọi người nhao nhao lên mời Tân nhưng chàng không nghe thấy. Chàng cười nói:

      - Cám ơn anh chị. Tôi phải về. Nhà tôi đang đợi.

      Bà Huyền chép miệng:

      - Thôi thế thì khi khác vậy. Xin lỗi chú nhé! Chú cho anh chị và các cháu gửi lời hỏi thăm thím.

      Tân không trả lời, bước vội ra ngoài.


      Ra đến đường, Tân thoáng có cảm tưởng như mình vừa đánh mất đi sự gì thiêng liêng quý giá nhất đời. Chàng thầm hiểu là từ nay sẽ không bao giờ chàng còn dám gặp bà Huyền nữa.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      4.


      Từ hôm ấy, Tân rất thận trọng, dè dặt khi nói với người mình định vay tiền, câu: "Tôi biết thế này thì phiền... nhưng vì hoàn cảnh..."


      Tân đã cố gắng, làm việc bằng hết sức mình để tránh những dịp phải dùng câu nói ấy, song, chàng đau khổ nhận ra: sức mình có hạn. Và chàng linh cảm thấy rằng: rồi đây chàng sẽ phải dùng câu ấy cho đến khi nào "nằm xuống".


      Tới một đầu đường có nhiều ánh sáng, Tân đột ngột dừng hẳn lại. Chàng sững sờ, ngạc nhiên nhận ra mình đang đứng ở trước ngõ nhà bà Huyền. Chàng nheo mắt nhìn lên tòa nhà hai tầng màu xám tro đứng sừng sững trong một vùng ánh sáng, phía cuối ngõ. Chàng chép miệng, nhè nhẹ lắc đầu, lặng im quay gót. Đi được mấy bước, Tân giơ tay lên xem giờ: Mười rưỡi. Bỗng nhiên, một sự nôn nao nóng nảy cuồn cuộn dâng lên trong lòng chàng. Cái ý nghĩ "phải vay được tiền trước Giao thừa" như một làn sóng, ào ạt nổi lên, vội vàng, cấp bách.


      Chàng bước nhanh hơn. Không gian tựa hồ rộng rãi thêm ra. Thời gian tựa hồ trôi đi vùn vụt. Tiếng pháo bắt đầu nổi lên từ một phía rất xa, rời rạc, rồi lan ra mau chóng, phút chốc trở nên giòn giã khắp nơi như muốn vây bọc lấy Tân. Chàng hoang mang, bàng hoàng, hồi hộp. Tân bước những bước thật dài. Chàng thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Hình ảnh những bộ mặt quen thuộc hồi nãy, bây giờ lại thấp thoáng hiện ra, lướt vội qua tâm trí Tân. Hình ảnh những bộ mặt nặng như đổ chì của vợ chồng người chủ nợ... rối hình ảnh vẻ mặt cau có của Loan chập chờn, lảng vảng... Tân bước chân đi vội vàng, hấp tấp... Lại những bộ mặt quen thuộc hiện ra: Bà Huyền; ông Trung; ông Lợi...


      Bất giác, Tân đứng sững lại: một tia sáng vụt lóe lên trong ý nghĩ chàng như một vì sao đổi ngôi. Rồi một niềm vui chợt bật ra ở đáy lòng chàng. Tân không đưa tay lên ôm mặt, mặc cho một tiếng thở dài buột ra khỏi miệng. Chàng có cảm tưởng, bao nhiêu lo lắng theo tiếng thở dài vừa thoát ra khỏi lòng chàng. Chàng ngước mắt lên, định lại tâm trí, đoạn rẽ sang tay trái để đến nhà Bằng (người bạn cùng sở của chàng ngày trước).


      Đi hết con đường gạch nhỏ, Tân đứng lại trước cửa một căn nhà xinh xắn, tường quét vôi vàng. Mùi thuốc pháo thoang thoảng đâu đây. Chàng ghé mắt nhìn qua khe cửa vào nhà: bên trong ánh sáng huy hoàng, rực rỡ. Tân thoáng cảm thấy cảnh sắc nơi đây cao xa quá, đối với chàng. Chàng ngập ngừng vài giây rồi chặc lưỡi, giơ tay gõ cửa.

      - Ai đó?

      Nhận ra tiếng Thùy, vợ Bằng, Tân vẫn im lặng. Có tiếng dép lê sền sệt bên trong, rõ dần...


      Tiếng nói của Thùy lại vọng ra, nhỏ và gần:

      - Ai ngoài ấy đó?

      - Tôi! Anh Bằng có nhà không chị?

      Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng gọi vang lên:

      - Anh Bằng ơi? Có khách!

      Có tiếng chân bước hấp tấp từ trong nhà đi ra.

      Rồi cánh cửa bật mở. Ánh sáng đổ xô ra ôm choàng lấy Tân làm chàng hoa mắt.


      Bằng ngạc nhiên một cách mừng rỡ:

      - Tân! Ồ, Tân! Đi đâu mà lại mò đến giờ này? Vào đây!

      Tân cúi đầu chào Thùy rối theo Bằng vào phòng khách. Không khí ở đây mát dịu hẳn đi. Bằng líu ríu bảo vợ vào nhà trong pha nước, đoạn, quay sang Tân, đùa:

      - Cậu đến xông nhà hơi sớm đấy nhé! Sao? Ít lâu nay làm ăn thế nào? Chị ấy có mạnh không?

      Tân gật đầu:

      - Cám ơn cậu. Nhà tôi vẫn mạnh.


      Tân vừa đưa mắt nhìn quanh gian phòng sáng sủa, trang hoàng đẹp đẽ vừa nghĩ phớt qua về lời đồn đại của anh em bạn về Bằng trước kia. Chàng thầm nghĩ "Có lẽ Bằng không keo bẩn như họ tưởng!".

      Khi đã ngồi xuống ghế, đối diện Bằng, Tân không dám kéo dài câu chuyện, nói luôn:

      Tôi biết thế này thì phiền cậu lắm. Nhưng vì hoàn cảnh...

      Trái với nét mặt quan trọng của bà Huyền hôm nào, Bằng vẫn tươi cười hỏi:

      Sao? Có điều gì phiền?

      Tự nhiên Tân im bặt. Chàng lén nhìn cặp mắt láu lĩnh của Bằng rồi cúi xuống.

      Vài giây sau, chàng nói:

      - Tôi biết là phiền cậu...


      Chợt nhận ra mình lập lại lời vừa nói, Tân lại im bặt.

      Bằng vừa với tay lấy hộp thuốc lá trên mặt tủ, vừa nóng nẩy, hỏi:

      - Có điều gì quan trọng không? Cậu cứ nói phắt đi!

      Tân nhận thấy thái độ sốt sắng, nóng nẩy của Bằng có vẻ tự nhiên, thành thực. Chàng ngạc nhiên, thầm nghĩ: "Hay đây không phải là Bằng? Hắn thay đổi nhiều thế sao?" Và chàng mỉm cười với ý nghĩ này.


      Bằng lại hỏi:

      - Chắc có chuyện gì quan trọng phải không?

      Cầm điếu thuốc lá Bằng mời, Tân nhìn thẳng vào mắt Bằng, nói:

      - Tôi đang cần gấp một số tiền là ba nghìn. Định nhờ đến cậu...

      - Bằng thở dài khoan khoái:

      - Tưởng gì! Thế mà không nói ngay?!

      Chàng bật diêm cho Tân châm thuốc, tiếp:

      - Được rồi! Ngồi hút thuốc với nhau đã! Dễ chừng đã gần một năm tôi mới gặp cậu đấy nhỉ?

      Tân không trả lời, lại lén nhìn nét mặt Bằng như nghi ngờ thái độ thản nhiên, vui vẻ của chàng. Tân muốn đoán xem hai tiếng "Được rồi!" Bằng vừa nói báo hiệu một điều vui hay buồn, nhưng chàng không dám đoán hẳn. Chàng nói:

      - Tôi cần trước giờ Giao thừa. Cậu xem thế nào?

      Bằng tròn mắt:

      - Trước Giao thừa?

      - Trước Giao thừa!


      Tân thấy nét mặt Bằng hơi cau lại, có dáng suy nghĩ. Chàng hồi hộp...

      Lát sau, Bằng nói:

      - Hiện giờ tụi này không còn đủ số cậu cần...

      Tim Tân bỗng thót lại. Chàng hé miệng định nói điều gì, nhưng Bằng đã tiếp:

      - Tôi có thể hỏi cho cậu được...

      Bằng gật gật đầu, nét mặt suy nghĩ, nói như nói một mình:

      - Ừ... Ừ... được...


      Rồi đột nhiên chàng nhìn Tân:

      - Cậu cần trước Giao thừa à? Vậy thì đi với tôi.

      Bằng giơ tay xem giờ và đứng bật dậy. Tân cũng đứng lên theo. Chàng muốn hỏi Bằng một câu, song lại nhủ thầm: "Không nên hỏi trước! Chắc là vay được?" Như đoán được ý của Tân, Bằng nói:

      - Chỗ này là bạn thân của tôi, me-sừ Hoan, chắc cậu không biết? Tôi hỏi được ngay, cậu cứ yên tâm.

      Bằng vào nhà trong, một lát dắt chiếc xe Đức đi ra, rồi cùng Tân bước ra ngoài.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      5.


      Dọc đường ngồi phía sau Bằng, Tân cứ đăm đăm nhìn lên gáy bạn. Chàng vừa vui mừng vừa cảm động về lòng tốt của Bằng. Chàng ngạc nhiên không hiểu tại sao Bằng lại tử tế với mình như vậy. Chàng nhớ đến những ngày còn làm cùng sở với Bằng được nghe bạn bè bàn tán về tính nết bủn xỉn của Bằng. Và Tân ân hận rằng hối đó chàng đã nhẹ dạ đi tin lời họ mà có những ý nghĩ không tốt cho Bằng. Bây giờ, trong một hoàn cảnh quẫn bách cùng cực, phải tìm đến Bằng, Tân mới được biết lòng bạn. Chàng không ngờ sự thể lại xảy ra tốt đẹp đến thế; tốt đẹp hơn sức tưởng tượng của chàng. Tự nhiên, Tân muốn một cách ngây thơ, chân thật rằng: ngay lúc này, nói những ý nghĩ không tốt về Bằng của mình trước kia rồi xin lỗi bạn. Song Tân chỉ muốn vậy thôi. Và chàng cảm thấy mình không thể nói điều ấy ra được. Chàng chăm chú nhìn mảng lưng của Bằng chỉ cách mặt chàng vài tấc, rối chẳng hiểu nghĩ sao, chàng lưỡng lự, rụt rè giây lát, đoạn vòng tay ôm ngang người Bằng như muốn tỏ ra ăn năn, hối hận vả cám ơn lòng tốt của bạn...


      Chiếc xe đỗ xịch lại trước cửa một tòa nhà cao lớn làm ý nghĩ Tân ngừng lại. Chàng bước xuống đất, ngơ ngác nhìn quanh và chàng có cảm tưởng như mình chưa bao giờ trông thấy nơi này. Tân nheo mắt nhìn quanh một lần nữa và chàng ngạc nhiên, nhận ra chỗ này đối với chàng hoàn-toàn xa lạ thực.


      Có tiếng Bằng nói:

      - Cậu vào đây với tôi, đừng ngại.

      Tân đi theo Bằng như một đứa trẻ, trong lòng vừa hoang- mang vừa vui sướng.

      Tân thấy Bằng đưa mình vào bên trong một tòa nhà rộng rãi vô cùng. Không khí ở đây lạnh đến rợn người. Tân lại ngơ ngác nhìn quanh và chàng thấy chung quanh vắng vẻ, lặng thinh như không người ở? Tân toan hỏi Bằng, song chàng đã nói:

      Đứng đợi một lát, tôi bấm chuông rối. Hắn ra bây giờ.


      Bằng vừa dứt lời thì một người đàn ông từ một căn phòng bên phải hấp tấp bước ra. Bằng giới thiệu ngay:

      Anh Tân! Anh Hoan. Chắc hai anh chưa biết nhau?

      Người đàn ông lạ tươi cười giơ tay bắt tay Tân, nói:

      - Hân hạnh được quen anh.

      Tân nhìn anh ta và chàng vụt thấy vẻ mặt anh ta có dáng quen quen, chàng định cố nhớ lại xem mình đã được gặp người này ở đâu, song, chàng vội xóa bỏ ý định ấy ngay. Bởi vì, Tân chợt nhớ ra, anh ta hao hao giống bác thợ rèn hiện ở cạnh nhà chàng. Tự nhiên, Tân sinh ra bẽn lẽn, đứng ngay như bức tượng.


      Có tiếng người đàn ông nói:

      - Mời các anh sang phòng bên xơi nước.

      Bằng nói thẳng thắn:

      - Nước với non gì! Mình đến mượn cậu cho bạn đây ba nghìn. Cần lắm. Không thể ngồi chơi được. Để sáng mai.

      Tân thấy Bằng nói câu đó một cách tự nhiên dễ dàng quá! Dễ dàng như thò tay vào túi lấy tiền. Chàng thoáng nghĩ đến bao phút phân vân, ngập ngừng hồi hộp của mình trước khi cất lời lên hỏi vay ai. Và chàng tự biết, mình không thể so sánh với Bằng được. Chàng thầm nghĩ: "Có lẽ 'sừ' này cũng tốt nên Bằng mới đưa mình vào đây mà không ngại". Và chàng thấy mình không cần phải nói lời nào.


      Có tiếng người lạ hỏi:

      - Làm gì mà vội thế? Hãy mời anh Tân xơi chén nước đã.

      Bằng lắc đầu:

      - Không được! Vội lắm.

      Tân thấy người đàn ông có vẻ thất vọng, đoạn nói:

      - Vậy các anh đứng đây. Tôi xin lỗi một chút.

      Rồi anh ta hấp tấp trở vào nhà trong.

      Bằng ghé tai Tân nói nhỏ:

      - Tôi vẫn hỏi tiền hắn luôn. Cậu đừng ngại.

      Tân im lặng.

      Vài phút sau, người đàn ông đi ra, đưa cho Bằng một chiếc phong bì dầy cộm, vẫn tươi cười, nói:

      - Cậu tệ lắm, lúc nào cũng vội!

      Anh ta quay sang Tân:

      - Anh biết nhà, thỉnh thoảng mời anh ghé chơi. Tôi với anh Bằng cũng là chỗ thân thuộc.

      Tân cảm động, nói một câu mà chàng đã nhiều lần nói với nhiều người:

      Xin cám ơn anh. Tôi thật không biết nói gì để cám ơn lòng tốt của anh...


      Trong lúc nói vậy, Tân nhớ đến câu nói của Loan: "Anh đã khúm núm, anh chưa biết sao?" Và chàng tự biết, mình đang khúm núm thực.

      Bằng đưa chiếc phong bi cho Tân, nói:

      - Bây giờ tôi đưa cậu về. Mười một giờ rồi.

      Sau khi bắt tay người đàn ông lạ, Tân theo Bằng ra cửa.

      Đến đường, Tân nhìn Bằng không biết nói gì, mặc dầu chàng cảm thấy mình có nhiều điều muốn nói.

      Mãi đến khi Bằng giục chàng lên xe, Tân mới nói:

      - Cám ơn cậu. Tôi không biết nói gì để cám ơn lòng tốt của cậu. Bây giờ cậu cho tôi về một mình.

      Bằng cười:

      - Tất nhiên là cậu muốn về một minh. Sáng mai tụi này sẽ dấn chúc Tết vợ chồng cậu.

      Nói xong Bằng leo vội lên xe.

      Tân đứng nhìn theo đến khi Bằng khuất hẳn ở phía cuối đường.


      Trước khi quay gót đi, Tân nhìn quanh quẩn một lần nữa, và lúc này chàng lại nhận ra, nơi đây, hồi đã lâu lắm, chàng đã đi qua một lần. Tuy nhiên chàng không nhớ được tên đường. Chàng chép miệng tự trách mình: "Đồng tiền lại cũng làm mình lú lẫn đến thế hay sao!?"


      Đến đâu một ngả tư, Tân thấy ánh sáng chợt bừng lên rực rỡ. Tiếng pháo từ mọi nơi cùng một lúc trỗi dậy tưng bừng. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao, Tân nghe những tiếng nổ râm ran ấy xa-xôi, mơ hồ như từ nơi nào vẳng lại. Và cả vùng ánh sáng vây bọc quanh chàng cũng trở nên bàng bạc mơ hồ. Chàng vừa bước đi vừa bàng hoàng nhớ lại mọi việc mới xảy ra. Chàng vẫn còn thấy ngạc nhiên, sửng sốt không hiểu vì cứ gì mọi người lại tử tế, dễ dàng với mình đến thế. Cái thành kiến đời là xấu xa, hèn kém đã nằm gọn trong trí óc chàng từ bao năm nay bây giờ bỗng nhiên như vụt tan đi. Chàng thọc tay vào túi năn-nắn chiếc phong bì mà thấy lòng rưng-rưng cảm động. Chàng nghĩ đến Bằng, đến Hoan với một tấm lòng biết ơn chân thật. Chàng nghĩ đến Loan với một niềm vui hớn hở, mênh mang...

      Tân cứ bước đi với niềm vui ấy trong suốt nhũng đoạn đường dài.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      6.


      Chàng về đền nhà thì Loan vẫn chưa đi ngủ. Nàng đang ngồi ủ-rũ bên chiếc bàn con kê ở giữa nhà.

      Loan ngước mặt lên lặng lẽ nhìn chồng bằng đôi mắt e-dè, dò hỏi. Tân biết rằng Loan không dám cất tiếng hỏi chàng về kết quả ra sao. Trong một giây, Tân cảm thấy thương Loan đến tê dại cả lòng. Chàng thương cho sự nàng đã thất vọng nhiều đến độ bây giờ, không dám hy vọng thêm nữa; không dám tin tưởng ở chàng. Tự nhiên, Tân lại năn-nắn chiếc phong bì vẫn nằm gọn gàng trong túi. Chàng định rút ra đưa ngay cho Loan. Song, bỗng dưng, chàng trở nên phấn khởi mạnh dạn, nẩy ra cái ý định trêu nàng, chàng vờ làm vẻ mặt buồn rầu, hỏi:

      - Họ trở lại chưa em?

      Loan vẫn ngồi yên, trả lời:

      - Họ trở lại rồi.

      Tân ngạc nhiên:

      - Sao? Họ nói sao?

      Loan vẫn giữ vẻ mặt kém vui:

      Họ cho khất đến ra giêng. Nói khô cả cổ... Sao anh không để chốc nữa hãy về?


      Tân cảm thấy niềm vui trong mình bỗng tan đi. Nghe giọng trách móc khó chịu của Loan chàng đâm ra tủi thân, bực tức. Chàng nắm chặt chiếc phong bì trong tay, cố dịu giọng, nói:

      - Thì anh cũng phải đi xoay chứ. Em cũng nên biết...

      Loan vùng đứng dậy:

      - Tôi không cần biết gì cả... Sao anh không ở nhà mà van xin họ? Anh có biết đâu cái khổ của một kẻ khất nợ. Nói như lạy người ta...

      - Em im đi!

      - Tôi không im!


      Tân đứng ngây người trước cửa ra vào, quắc mắt nhìn Loan, nói, giọng đanh lại:

      - Em không có quyền hỗn xược với anh. Dù sao, em vẫn chỉ là đàn bà, vẫn chỉ là vợ...

      Loan đứng dậy, đi đến bên chiếc tủ, cãi:

      - Tôi không hỗn với ai cả! Người ta chịu khổ cũng chỉ được đến một mức nào thôi!

      Tân cố dằn lòng, đến gần Loan hơn, nói:

      - Anh biết! Anh biết thế, nhưng anh thì sao? Anh không khổ sao? Nhiều khi người ta phải biết đè nén ước vọng của mình...


      Loan xua tay:

      - Tôi chán nghe những lời ấy lắm rồi! Hừ! đè nén! Tôi không biết đè nén! Không người đàn bà nào biết đè nén...

      Tân trừng-trừng nhìn Loan. Trong một thoáng, chàng như cảm được rõ ràng tất cả những cái đê hèn, khốn nạn trong lòng người đàn bà. Chàng rút chiếc phong bì ra khỏi túi, ném về phía Loan, nói lạnh lùng:

      - Tiền đây! Cầm lấy! Đồ khốn!


      Hai mắt Loan vụt long lên. Đôi lông mày nàng như dựng ngược tất cả. Nàng nhìn như thôi miên vào mắt Tân, sừng sộ:

      - Anh bảo ai đồ khốn? Anh thì là gì? Để cho vợ con khổ sở thế là gì?

      Tân bỉu môi:

      - Hừ! Em đi và cầm lấy tiền! Cô chỉ muốn có tiền, dù bằng cách vùi dập chồng cô. Sao lại có những người đê hèn đến cái mức ấy!

      Loan hét lên:

      - Anh nói ai? Anh bảo ai đê hèn?

      Mặt Tân chợt sáng lên lạ lùng. Chàng nhìn chằm chặp vào mặt Loan nói, dằn từng tiếng:

      - Tôi bảo cô!!!

      Loan không nghĩ ngợi, thuận tay vớ ngay chiếc bình hoa trên mặt tủ, lao mạnh vào chồng.

      Tân rú lên...


      7.


      - Anh! Anh Tân! Anh sao thế?

      Loan lay mạnh vai chồng. Tân choàng tỉnh dậy. Mồ hôi chàng vã ra đầy người, chàng hoảng hốt nhìn quanh:

      - Gì thế? Cái gì thế?

      Loan nhìn chồng mỉm cười:

      - Anh rú lên làm em sợ quá! Dạo này sao anh hay ngủ mê thế? Dậy đi, có khách.

      Tân chưa hết bàng hoàng, hỏi dồn dập:

      - Anh vừa ngủ mê à? Ai còn đến chơi vào giờ này? Giao thừa chưa?

      Loan ghé sát miệng vào tai chồng, thì-thầm, nói nhỏ...

      Theo ngón tay Loan, Tân nhớn nhác nhìn ra ngoài. Và qua tấm màn gió mỏng, chàng thoáng trông thấy vợ chống người chủ nợ.

      21-11-61.

      (Bách Khoa Xuân Nhâm Dần số 122 ngày l/2/62)


      Doãn Dân

      (Thư Quán Bản Thảo số 46 tháng 4-2011)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giao Thừa Doãn Dân Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Bóng Người Cùng Thôn (Vũ Thất)

      Bông Hồng Đen (Trần Hồng Văn)

      Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)

      Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)

      Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)

      Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)

      Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)

      Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)

      Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)