|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ văn là thú tiêu khiển của ông Diệp từ lúc chớm già. Thông thường, sau khi một truyện ngắn hay bài thơ của mình được chọn đăng trên nguyệt san hay tạp chí khoảng ba, bốn tuần lễ, ông Diệp mới chia sẻ truyện ấy trên Facebook. Mỗi khi có độc giả bấm nút yêu hay thích, nút khen hay chê bằng một nụ cười, nút buồn, giận hay ngạc nhiên hoặc viết cảm tưởng, lời phê bình, Facebook thông báo cùng ông. Nhờ vậy mà ông mới biết mà trả lời tuỳ theo trường hợp.
Lần ấy, ông Diệp vừa đăng một truyện ngắn trên Facebook thì hôm sau, ngạc nhiên thay, ông nhận được tin nhắn của một độc giả qua Messenger thay vì lời phê bình trên Facebook. Phải chăng vị độc giả này muốn liên lạc riêng với ông? Nhưng tại sao ông hay bà ta lại dùng biệt danh 'Kẻ Sống Sót' chứ không cho biết tên họ? Vì thế ông Diệp vào trang Facebook của vị độc giả này để xem chi tiết cá nhân mà xưng hô cho đúng cung cách khi trả lời tin nhắn. Facebook cho biết 'Kẻ Sống Sót' thuộc phái nam, sanh năm 1946; nhưng vào thời buổi này không sao biết được những chi tiết cá nhân trên Facebook thật tình hay là giả mạo.
Thấy chấm tròn màu xanh nổi lên cho biết 'Kẻ Sống Sót' đang có mặt trên Messenger, ông Diệp tò mò bấm nút gọi. Thật ra, ông cũng có cảm thấy vui trong lòng khi đọc lời phê của 'Kẻ Sống Sót'. Nó có vẻ thật chân thành như sau:
"Cám ơn tác giả đã chia sẻ một truyện ngắn rất có ý nghĩa, nó gợi cho tôi một vài kỷ niệm khó quên. Câu chuyện xúc tích, ngắn gọn lại có hậu. Câu văn bình dân, không kiểu cách. Xin tác giả vui lòng nhận vài cái vỗ tay."
Messenger reo chỉ có hai đợt thì người bên kia đầu dây trả lời:
"Chào ông Diệp. Rất hân hạnh được trò chuyện cùng ông."
'Kẻ Sống Sót' nói giọng Hà Nội trước 1975, có pha giọng Sài Gòn, hơi khàn khàn nhưng rất lịch sự, lôi cuốn, dễ nghe chứ không đanh thép, cộc cằn như giọng nói của người Hà Nội thời này trên các chương trình truyền hình Việt Nam. Ông Diệp có cảm tình ngay.
"Chào ông 'Kẻ Sống Sót', ông khoẻ chứ? Cám ơn ông đã chia sẻ cảm tưởng thật là khích lệ cho tôi, một người viết văn tài tử."
"Không có chi, ông à. Tôi nghĩ sao thì tôi text cho ông như vậy. Tôi đọc truyện ngắn ấy rồi nhập tâm, cảm thấy mình nằm trong truyện vì ông có đề cập đến chuyến vượt biên và chương trình học bổng Martin Luther King. Tôi cũng vậy, vượt biên rồi định cư ở Texas, và nhờ một chương trình tựa như chương trình Martin Luther King dành riêng cho người da màu tôi mới có cơ hội trở lại đại học, tìm được việc làm lương bổng khá hơn, bảo lãnh vợ con, cha mẹ và gia đình anh chị em tôi sang Mỹ."
"Xin chúc mừng ông 'Kẻ Sống Sót'."
"Cám ơn ông, nhưng chuyện đó xa xưa rồi. Tôi đã về hưu được gần 10 năm nay."
"Tôi cũng vậy, cũng đã nghỉ hưu. Thưa ông, ông có thể cho tôi biết tên thật của ông chứ? Không lẽ tôi cứ phải gọi ông là 'Kẻ Sống Sót'?!"
Ông Diệp vừa hỏi, vừa cười, ngụ ý đó là một câu hỏi đùa cho vui và ông hy vọng mình không làm vị độc giả phiền lòng.
"Ồ... xin lỗi ông. Tôi tên là Đỗ Doãn Vinh. Từ đầu năm rồi, sau khi luật 'an ninh mạng' của chính quyền cộng sản ở Việt Nam có hiệu lực tôi đã đóng trang Facebook mang tên thật của mình và lập trang mới với tên 'Kẻ Sống Sót'. Tôi hay đăng những bài phản đối họ nên tôi lo ngại mình sẽ gây khó khăn cho thân nhân và bạn bè ở Việt Nam. Mong ông thông cảm."
"Không có chi. Tôi hiểu. Facebook cho biết ông anh sanh năm 1946, lớn hơn tôi ba tuổi. Xin ông anh cho phép tôi gọi bằng anh nhé."
"Ối giời! Thế là ông và tôi cả hai đều vào tuổi thất thập. Ta hãy xem nhau như là bạn đồng trang lứa nhé!"
Ông Diệp quen với ông Vinh trong dịp ấy. Hôm đó, hai ông cùng nhau trò chuyện độ chừng năm sáu phút thì ông Vinh cáo từ để đưa bà xã đi làm việc thiện nguyện ở nhà thờ, hẹn gọi ông Diệp khi khác.
Vài hôm sau, ông Vinh gọi lại. Sau khi hỏi thăm nhau và biết ông Diệp là một giáo dân cùng tính ngưỡng với mình, một cựu quân nhân VNCH, một thuyền nhân rời quê hương với đôi bàn tay trắng và cũng từng là một sinh viên già như mình, có lẽ ông Vinh cảm thấy thoải mái hơn nên ông tuông ra những nghĩ suy riêng tư của mình.
Ông Vinh tâm sự với ông Diệp rằng chương trình học bổng là cái phao thứ ba Chúa đã trao cho ông, giúp ông ngóc đầu lên, vượt qua sóng gió của cuộc đời tỵ nạn. Sau hơn chín tháng ở đảo Pulau Bidong ông đến tiểu bang Texas không có một đồng xu dính túi. Một thân một mình cư ngụ trong một khu ổ chuột, thật rẻ tiền của thành phố, ông nhận công việc quét dọn một toà nhà vào buổi chiều để có tiền chi dụng và gởi về Việt Nam nuôi vợ con. Buổi sáng ông đi học, Anh văn trong năm đầu trước khi có đủ khả năng sinh ngữ để được nhận vào chương trình bốn năm Cử nhân Điện tử.
Cái phao thứ ba này chính là quỹ học bổng dành cho dân da màu nhưng thật ra là để giúp người Mỹ gốc Phi Châu. Tuy nhiên, vì họ không dùng tới nên nhà trường cấp cho người Việt tỵ nạn, trên nguyên tắc cũng là dân da màu, trước là để giúp đỡ, sau là để tránh việc ngân sách bị cắt giảm nếu không được sử dụng đúng mức. Nếu không có cái phao này, chắc ông không có cơ hội tiến thân vì mỗi ngày ông làm việc đến tám, chín tiếng đồng hồ, nhưng lương bổng quá thấp, làm sao ông có đủ tiền để đóng học phí đại học. Nhờ cái phao thứ ba này mà ông chỉ phải đi làm việc bán thời gian và có thể đi học toàn phần, năm năm sau tốt nghiệp đại học.
Nghe ông Vinh kể đến đó, ông Diệp không có chút ngần ngại thố lộ chuyện của mình:
"Tôi cũng vậy, nghề đầu tiên của tôi ở xứ Mỹ này là janitor như ông, chuyên quét dọn phòng ốc, kể cả cầu tiêu, cầu tiểu của một công ty. Ông nói đến quỹ học bổng dành cho người Mỹ da đen làm tôi nhớ đến ông sếp janitor của tôi. Ông ta là người gốc Phi Châu, lớn tuổi rồi nhưng làm việc rất siêng năng, tận tuỵ. Hôm đầu tiên làm nghề janitor, tôi vừa chùi xong một dãy cầu tiểu ông ta đến xem và chê tôi chùi chưa được bóng. Thấy vẻ mặt bất mãn của tôi ông ta hỏi tại sao tôi không xin trợ cấp xã hội, sống cho sướng tấm thân, mà đi làm việc chi cho cực nhọc. Tôi bốp chát trả lời rằng tôi hai mươi mấy tuổi đời, có đủ tay đủ chân chứ đâu phải già yếu hay tàn phế đâu mà xin trợ cấp. Nghe tôi nói vậy, ông ta cười xoà, bắt tay tôi và nói: 'Tốt! Tốt lắm! Biết cậu là một người da màu như tôi, mới đến xứ sở này nên hỏi đùa cậu vậy thôi. Nói cho cậu nghe mà buồn cho người Mỹ đen chúng tôi, ngày nào còn chương trình trợ cấp xã hội là ngày đó chúng tôi vẫn còn sống trong những khu ổ chuột của thành phố.'
Hơn bốn thập niên định cư ở xứ này, tôi vẫn nghĩ đến câu nói của ông Mỹ sếp janitor. Ông nghĩ sao? Ông ta nói đúng hay sai?"
Đầu dây bên kia im lặng làm ông Diệp lo ngại, tưởng mình đã lỡ lời, làm phiền ông Vinh. Ông Diệp chưa kịp hỏi thì ông Vinh lên tiếng:
"Đúng hay sai, tôi đề nghị ông và tôi giữ đó, chúng ta sẽ bàn sau. Bây giờ, xin mời ông nghe tôi kể chuyện cái phao thứ nhất và thứ nhì của đời tôi."
"OK! Chuyện cái phao thứ ba của ông rất hay, rất đáng ngưỡng mộ đó nhen!"
Ông Vinh nói lời cám ơn ông Diệp và ông kể tiếp chuyện của ông như sau:
"Cái phao thứ nhất là chuyến tàu đưa bố mẹ và anh chị em chúng tôi di cư vào Nam năm 1954, năm tôi lên tám. Ngoài những cung cách đối xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội, những công việc nhà, giúp đỡ lẫn nhau, bố mẹ tôi luôn dạy dỗ, nhắc nhở anh chị em chúng tôi siêng năng cầu nguyện và phó thác mọi việc vào bàn tay quan phòng của Chúa. Gia đình là trường học đầu tiên của anh chị em chúng tôi đó ông bạn! Tuy nhiên, bố mẹ tôi dạy rằng phó thác không có nghĩa là ta nằm lì ra đó chờ Chúa cứu giúp mà phải luôn luôn cố gắng tự cứu lấy mình với lời cầu xin, lòng tin cậy vào tình thương của Chúa. Vì thế, vào năm 1954 bố mẹ và anh chị em của tôi đã lèo lách để tránh những trạm kiểm soát của chính quyền cộng sản, vượt qua biết bao khổ cực, hiểm nguy mới có thể đến Hải Phòng, lên tàu há mồm di cư vào Nam dưới sự che chở bảo bọc của Chúa.
Cái phao thứ hai là tấm ván Chúa ban cho tôi trong chuyến vượt biên tìm tự do. Năm 1977, sau hai năm trốn tránh, không trình diện đi tù 'cải tạo', tôi có cơ hội vượt thoát bằng đường biển. Sau ba ngày nổi trôi trên biển, đêm hôm ấy chiếc ghe mỏng manh của đoàn người vượt biên chúng tôi gặp một cơn bão nên vỡ tung. Tôi biết bơi nhưng sau hơn nửa tiếng đồng hồ chống chỏi với sóng gió tôi kiệt sức. Trong cái đêm tối đen như mực ấy, nhớ lời dạy dỗ của bố mẹ, tôi đọc kinh cầu xin Chúa và Đức Mẹ cứu vớt trong khi tôi vẫn cố gắng cựa quậy tay chân để có thể ngóc đầu trên mặt nước...
Bỗng nhiên tay tôi đụng phải một vật cứng và tôi bám vào nó cho đến lúc tờ mờ sáng. Khi ấy tôi mới nhận ra có vài người đồng cảnh ngộ với mình, sống sót nhờ những tấm ván của chiếc ghe vượt biên. Đến trưa hôm ấy, cả bọn chúng tôi thấy dáng một chiếc tàu từ cuối chân trời và mọi người ráng hết sức đưa tay lên, la hét kêu cứu dù biết rằng tiếng la, tiếng thét của mình khó có thể dội đến tàu. Nhưng lạ thay, chiếc tàu ấy đã đến cứu mọi người và tôi tin rằng đó là một phép lạ Chúa ban. Tôi có dịp kể chuyện này cho vài bạn đồng hương, học cùng lớp Anh văn với tôi nghe, nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi đoán họ nghĩ rằng đây chỉ là một trường hợp hên xui, may rủi mà thôi. Ông nghĩ sao?"
"Ai nghĩ sao thì nghĩ, nhưng tôi thì cũng như ông, tôi tin đó là một phép lạ Chúa ban cho ông!" Ông Diệp thành thật trả lời ông Vinh và nói tiếp:
"Chuyện ba cái phao Chúa ban cho ông làm tôi nhớ đến bài Phúc Âm Thánh Matthêu về việc Chúa chữa bệnh cho một người đau ốm 38 năm nằm một chỗ. Chúa bảo: 'Anh hãy trổi dậy, vác chõng mà đi!' và người bệnh ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng bước đi. Nói thiệt với ông, sống đến tuổi này tôi thấy khá nhiều trường hợp được Chúa ban ơn nhưng người nhận vẫn nằm lì một chỗ, 'không trổi dậy vác chõng mà đi'..."
Ông Diệp chưa kịp dứt lời ông Vinh đã lên tiếng:
"Trở lại câu hỏi của ông khi nãy, thưa ông bạn già, tôi thấy lời Chúa phán trong bài Phúc Âm này có liên quan đến trường hợp của riêng tôi, chứ tôi không dám mạn bàn đến câu nói của ông sếp janitor người Mỹ đen của ông. Nếu tôi không chịu 'trổi dậy vác chõng mà đi', không muốn 'bước qua cửa hẹp' theo lời Chúa dạy mà chỉ thích 'cửa rộng' và 'đường thênh thang', giờ này chắc tôi vẫn còn ở trong khu ổ chuột lúc mới định cư và bố mẹ, gia đình, anh chị em của tôi vẫn phải sống cơ cực ở quê nhà. Cảm ơn bố mẹ của tôi, lời dạy dỗ của hai cụ quá hay, quá đúng. Tôi xin phép lập lại lời dạy của hai cụ như sau: Chúng ta phải siêng năng cầu nguyện và phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa, nhưng không có nghĩa là chúng ta nằm lì ra đó chờ Chúa cứu giúp mà phải luôn luôn cố gắng tự cứu lấy mình với lời cầu xin, lòng tin cậy vào tình thương của Chúa."
Ông Diệp để điện thoại trên bàn, bấm nút mở loa, ông vừa vỗ tay vừa nói vào chiếc điện thoại:
"Xin ông bạn già vui lòng nhận vài cái vổ tay hoan nghênh của tôi..."
Bên kia đầu dây, ông Vinh trả lời, giọng nói của ông nghe sao thật thà, sâu đậm:
"Không dám đâu, thưa ông bạn già của tôi! Tôi chỉ muốn nói lời tạ ơn Chúa. Amen!"
đào anh dũng
Riverview, Florida
Đầu năm 2020
- Mai Vàng Trên Đảo Bidong Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Mùa Xuân Trở Lại Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chiếc Áo Nhà Binh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cội Nguồn Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cặp Song Sinh Ái Nhĩ Lan Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Hãy xét đoán cho công minh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vác chõng mà đi Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Theo Đạo Vợ Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vé số cuộc đời Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chuyện Một Ngôi Sao Đào Anh Dũng Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |